NHÂN CHUYỆN NGUYỄN HUY THIỆP ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC - Tác giả: Đông La (Hải Dương)

Leave a Comment

 

NHÂN CHUYỆN NGUYỄN HUY THIỆP

ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC

(Tác giả Đông La)

Kết thúc bài viết trước tôi viết mình “thật kinh tởm mỗi khi nghĩ về bọn nhà văn bất tài, thất đức lại đoạt được quyền chức, lại được tôn vinh như đám thằng Thiều, thằng Điệp… và loại văn bất nhân như Nguyễn Huy Thiệp, mới được tin, cũng đã đoạt Giải thưởng Nhà nước kỳ này!”, bạn Nguyễn Bảo Ngọc góp ý: “Có nặng lời quá với Nguyễn Huy Thiệp không anh?” Giang Chu, tức Nhà Lý luận Phê bình Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn học viết: “… bạn FB có nói Đông La có quá nặng lời với Nguyễn Huy Thiệp không? Tôi đã chứng kiến, cùng với Trần Đăng Khoa, tại Thụy Điển vào ngày cuối tháng 10-2003, Nguyễn Huy Thiệp đã nói: thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng, để trả lời câu hỏi của bà Lima, chính Phan Thị Vàng Anh có mặt và có lời giải thích lại cho bà Lima. Sau đó Nguyễn Huy Thiệp vẫn xin vào Hội Nhà văn.Tôi thấy như vậy thật là vô liêm sỉ”.

Vậy hôm nay, nhân dịp Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng giải thưởng cao quý, tôi tổng hợp lại chút những điều tôi đã viết về Nguyễn Huy Thiệp, chắc không viết kiến nghị thu hồi giải thưởng, vì dù sao thì ông ấy cũng đã mất, nhưng tôi vẫn phải viết, viết vì lẽ phải, vì đạo lý, vì nhân dân, vì đất nước!

*            *

*

Sau hơn 40 năm, quanh hiện tượng văn chương Nguyễn Huy Thiệp luôn có một cuộc chiến giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa đúng và sai, gữa đẹp và xấu, và giữa thiện và ác; để rồi hôm nay, cái phi nghĩa, cái sai, cái xấu, cái ác đã chiến thắng khi Nhà nước Việt Nam đã trao Giải thưởng Nhà nước cho Văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Khởi nguyên có lẽ từ bọn lãnh đạo Hội Nhà Văn Việt Nam bất tài, bất lương, thất đức như đám Nguyễn Quang Thiều; chúng không hiểu lý lẽ như mất trí nên đã đề cử văn Nguyễn Huy Thiệp được nhận giải; cũng như khoá trước, Hội Nhà Văn Việt Nam dưới thời ông Hữu Thỉnh cũng từng đề cử Giải thưởng Nhà nước cho Bảo Ninh viết cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” chống lại cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, và đề cử giải Hồ Chí Minh cho Nguyên Ngọc, một kẻ luôn chống phá điên cuồng thể chế Việt Nam, tức điên cuồng chống Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Suốt hơn 40 năm, ngược với sự tâng bốc bầy đàn Nguyễn Huy Thiệp lên mây xanh, Nguyễn Huy Thiệp chưa một lần được các cơ quan báo chí văn nghệ công nhận tài đức, trong khi riêng tôi đây đã có tới 4 lần. Phải chăng hoà cùng khuynh hướng lật sử, lật chế độ, các chuẩn mực văn chương cũng đã thay đổi theo, nên giải đã được trao cho một người là Nguyễn Huy Thiệp, người như anh Nguyễn Văn Lưu từng chứng kiến, Trần Đăng Khoa đã viết trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 596, 4-2004, chuyện Nguyễn Huy Thiệp đã tuyên bố trước phóng viên nước ngoài nói trên: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp cũng từng viết: “Chính trị rặt trò mờ ám bỉ ổi” (truyện Giọt máu); rồi: “Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất” (truyện Chút thoáng Xuân Hương). Có thời kỳ Nguyễn Huy Thiệp ngông ngạo tới mức như ngồi xổm lên tất cả, từ các danh nhân, các anh hùng dân tộc, đến luân thường đạo lý, …, và đến cả lịch sử dân tộc. Trong một tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp đã ngang nhiên đưa cả những tếu táo cực kỳ tục tĩu vào: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Một hôm nó bảo dí thơ vào l.”; “Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Một hôm lại bảo dí l. vào thơ”. Đặc biệt, khi Nguyên Ngọc làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, đã cho đăng truyện ngắn "Phẩm tiết" của Nguyễn Huy Thiệp, chính là truyện đã góp phần khiến Trần Độ bị kỷ luật! Trong truyện này (bản gốc) Nguyễn Huy Thiệp đã bôi đen hình ảnh Vua Quang Trung, cho “Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả", và dùng tài văn “nhét c. vào mồm thằng Khải (Nhà Văn Nguyễn Khải) tài như cái đấu” mà dám chê tiệc của vua nhạt và “xẻo d. thằng Thi (Nhà Văn Nguyễn Đình Thi)” xem “có còn dê được không?” Chính Trần Độ cũng phải thừa nhận Nguyễn Huy Thiệp “có thể chưa hay, chưa giỏi trong việc xây dựng nhân vật văn học lấy nguyên mẫu từ một anh hùng dân tộc, vua Quang Trung” và “có sự bất bình của một số người đọc đối với truyện ngắn Phẩm Tiết, nhà văn cần rút kinh nghiệm về trường hợp này… anh Thiệp thực có ý định nêu tên để chửi rủa vài người nào đó, thì đó là ý định xấu, có hại”.

*            *

*

Cụ thể, “Tướng về hưu”, truyện ngắn tiêu biểu nhất đã được tung hô sai trái của Nguyễn Huy Thiệp, nay đã được trao Giải thưởng Nhà nước, đã cho rằng cái thời thực dụng, mất nhân tính của “ông con” đã chiến thắng cái thời sống vì lý tưởng, vì đạo lý của “ông bố” tướng về hưu. Những người lính khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đã không có đất sống trong chính ngôi nhà của mình! Ông Tướng lại phải quay lại với chiến tranh, lại ra biên giới, và bị hy sinh ở đó. Chuyện này nếu có chỉ là trường hợp hãn hữu, Nguyễn Huy Thiệp đã có cái nhìn thiển cận, tác phẩm không có tính khái quát, tiêu biểu. Ở Việt Nam, những cựu chiến binh khi về hưu, họ vẫn là chỗ dựa tinh thần và tình cảm cho con cháu, vẫn đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Ngoài ý kiến của các nhà văn, nhà sử học, còn có ý kiến của các độc giả là các tướng lĩnh sau khi xem phim Tướng về hưu: “Thật là thảm hại, thật là xấu hổ, thật là đau lòng”, “Phải chăng một ông tướng nhân đức như thế mà đành thất bại thảm hại trước sự tha hóa của con người” (Sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.39).

Nếu theo tiêu chí “chân, thiện, mỹ” thì văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết sai sự thật nên “Tướng về hưu” chưa xứng là một tác phẩm bình thường, nên càng không thể là một tác phẩm được tôn vinh “Giải thưởng Nhà nước”!

*            *

*

Trong bài Van-hoc-Viet-Nam-dang-o-dau? Nguyên Ngọc đã kể về thời điểm “phát hiện” Nguyễn Huy Thiệp:

“… năm 1987 … tôi đang làm tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Chúng tôi in truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu. Cứ như là một cú giật nẩy mình trong đời sống văn học, và cả trong xã hội… Điều chúng tôi nhận ra lúc bấy giờ khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, là từ nay không còn có thể viết như trước nữa. Phải thay đổi… phải viết khác đi. … trào lưu có tên là Đổi Mới … được biểu hiện trước hết bằng cái mà ở Nga người ta gọi là glasnost (transparence). Tức là nói lên sự thật trần trụi…” (Hết trích).

Như vậy, khi đội lên đầu cái “glasnost”, cái đã góp phần làm Liên Xô tan rã, Nguyên Ngọc đã hiện nguyên hình là kẻ phản động, muốn chống phá, lật đổ chế độ bằng “đổi mới” văn chương. Với việc tâng bốc “Tướng về hưu”, cũng theo tiêu chí “chân, thiện, mỹ”, thì Nguyên Ngọc đúng là “đếch” biết gì về văn chương!

Cũng trong bài trên, Nguyên Ngọc viết tiếp:

Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất ở Nguyễn Huy Thiệp… anh cố tìm ra "nguyên nhân sơ khởi của tình trạng con người và xã hội Việt Nam”; là sự “tự vấn”.

Viết vậy, Nguyên Ngọc chỉ sơn phết, đắp điếm vì thực chất văn của Nguyễn Huy Thiệp không có những cái đó! Chúng ta đều biết tình trạng xã hội Việt Nam theo lời các vị lãnh đạo nói đang “đứng trước nguy cơ tồn vong” do “quốc nạn tham nhũng”, mà nguyên nhân sơ khởi chính là công tác cán bộ, sự thiếu công minh trong các lĩnh vực cùng với sự thiếu nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật. Văn Nguyễn Huy Thiệp không phản ánh, không “tự vấn” những cái đó mà chỉ đơn giản là loại văn phơi bày trần trụi.

Với cái kiểu tâng bốc bất chấp trên, Nguyên Ngọc chính là “bà đỡ đã sinh ra một đội ngũ “chiến sĩ” tấn công vào thành trì mà nhân tính của con người đã dựng lên, từ những chuẩn mực của đạo lý, luân lý, pháp lý đến thẩm mỹ.

Như văn Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều tình tiết có thể khiến người ta suy nghĩ, tự vấn thì chính Nguyễn Huy Thiệp lại tự xóa đi. Trong “Tướng về hưu”, chuyện dùng “thai nhi nấu lên cho chó, cho lợn” ăn là chi tiết có lẽ ấn tượng nhất trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Với những cây bút bậc thầy, chỉ xoay quanh chi tiết này, người ta có thể viết hoàn chỉnh một truyện ngắn, khiến cho người đọc kinh hoàng về sự thoái hóa nhân tính, sự vô cảm của con người trong thời thực dụng. Còn với Nguyễn Huy Thiệp, nó chỉ là một chi tiết trong một loạt chi tiết khác mà Thiệp kể ra như ghi chép nhật ký. Ông bố có chửi: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này” nhưng ông con, nhân vật chính, “người phát ngôn” của Nguyễn Huy Thiệp thì lại xổ toẹt: “Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì”. Thành ra hòa cả làng, còn tự vấn tự viếc cái gì nữa!

Cái việc cố đắp điếm tư tưởng cho văn Nguyễn Huy Thiệp thì đến Bảo Ninh và Nguyễn Đăng Mạnh cũng phải thốt lên không biết thích văn Thiệp vì cái gì? Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Đọc Nguyễn Huy Thiệp, lắm lúc cảm thấy thật sự hoang mang. Vì chẳng hiểu anh định nói gì - đúng là chủ đề không rõ ràng” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.458). Còn Bảo Ninh: “Tôi thích văn Thiệp nhưng thích cái gì thì tôi cũng chịu” (Vietimes 19/10/2007).

Có thể nói xu hướng “tự vấn” của văn Nguyễn Huy Thiệp được thể hiện rõ nhất trong cái truyện “Những bài học nông thôn”. Với những nhà văn lớn, tầm tư tưởng cao, tác phẩm của họ như những cây thế, cây kiểng mà mỗi cọng lá, nhành cây đều mọc theo chủ đích của tác giả. Còn Nguyễn Huy Thiệp viết tự nhiên, văn như ghi chép, chuyện nọ xọ chuyện kia, trong Những bài học nông thôn, cuối truyện nhà “hiền triết” đột nhiên xuất hiện, rồi phát ngôn y như được tác giả mở công tắc vậy. Mà chỉ có một thằng tâm thần mới bộc bạch triết lý một cách khiên cưỡng với một thằng trẻ con 17 tuổi như thế này:

Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân”. Tôi hỏi: “Vì sao?” Anh Triệu bảo: “Vì chúng giả hình. Chúng nhân danh lương tâm, đạo đức, mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa”.

Riêng cái ý này: “Thời loạn dứt khoát phải có một nền thống trị bá đạo. Còn thời bình, đường lối chính trị bá đạo sẽ đưa dân tộc đến thảm họa. Chỉ có một nền chính trị vương đạo, dân chủ, tín nghĩa và văn hóa đạo đức cao mới làm cho đất nước phồn vinh”.

Nếu nó được nói ra sau một cốt chuyện phù hợp sẽ là rất hay, còn tự dưng “bật công tắc phát loa”, tư tưởng được nhét vào mồm nhân vật một cách khiên cưỡng thì chỉ là việc nhai lại những điều cũ rích mà thôi. Còn chuyện nhà “hiền triết” sau khi nói ra sự thật thì bị con trâu điên đâm “lòi ruột” chết, có ý ám chỉ “chế độ độc tài giết chết tự do dân chủ” thì lộ và sượng quá! Tóm lại là có nhiều chỗ văn Nguyễn Huy Thiệp còn “chưa sạch nước cản”,

Dù vậy cần phải công nhận là thực tế có nhiều người thích văn Nguyễn Huy Thiệp. Bởi văn Nguyễn Huy Thiệp có có nhiều chi tiết nghịch dị, nhiều chất tếu táo, tục tĩu, kiểu câu khách, nên cuốn hút được nhiều người.

*            *

*

Văn Nguyễn Huy Thiệp không có cái dấu vết gì của “thi pháp Hậu hiện đại” mà chỉ vì dốt Nguyễn Đăng Điệp đã đạo văn cho là như vậy. Còn nếu nói văn Nguyễn Huy Thiệp có “chủ nghĩa” thì chính là cách viết tự nhiên chủ nghĩa, cái thứ chủ nghĩa tục tĩu, mất lịch sự, vô văn hoá. Thiệp viết ngôn ngữ của một bà cụ nông dân: “Các cụ toàn chim to!”; một thôn nữ trẻ: “Có mấy tay thanh niên bên Duệ Đông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược” (Những bài học nông thôn); chuyện về ông giáo làng: “…biết vợ hai phong tình… ông giáo Quỳ cũng mặc, chỉ bảo: “Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy lợn vịt thế vào chứ đừng ngủ không” (Thương nhớ đồng quê).

Chưa hết, Nguyễn Huy Thiệp còn theo những cái “chủ nghĩa” bất nhân, phi luân. Trong truyện ngắn “Tướng về hưu”, như chi tiết đã dẫn, cho việc bác sĩ phụ sản mang xác thai nhi về nấu cho chó, cho lợn ăn là “chẳng quan trọng gì”; tả những gương mặt nông dân: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”; tả một người đàn ông: “Lão già bị liệt, hai chân teo lại, lông chân như lông lợn”, “Tôi rùng mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta: mặt đen và tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó”; viết về phụ nữ: “Đàn bà không có thơ đâu… Thơ phải cao cả. Mỗi tháng các bà hành kinh một lần thì cao cả gì”; về chuyện loạn luân, chuyện bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm, Nguyễn Huy Thiệp biện minh: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b.”.

*            *

*

Về “thi pháp”, thực ra, văn Nguyễn Huy Thiệp rất cũ chứ không có gì mới, đôi chỗ có nét cổ phong của truyện Tàu, và đôi chỗ có giọng điệu dân phố thị lọc lõi, ranh ma giống văn của Vũ Trọng Phụng. Nguyễn Huy Thiệp còn “cop” luôn văn của Vũ Trọng Phụng: cảnh biểu quyết bố chết trong truyện “Không có vua” rất giống cảnh thuê bác sĩ về chữa để cho bố mình chết của cụ cố Hồng trong “Số đỏ” (của Vũ Trọng Phụng); cảnh Hạnh trong “Huyền thoại phố phường” (truyện của Nguyễn Huy Thiệp) tấn công bà Thiều cũng rất giống cảnh Xuân tóc đỏ tấn công bà Phó Đoan trong “Số đỏ”.

*            *

*

Nhưng vẫn có những nhà văn rất nổi tiếng cho Nguyễn Huy Thiệp là tài năng, văn của Nguyễn Huy Thiệp là “đổi mới”. Truyện “Muối của rừng” theo Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khải khen: “Muối của rừng, Thiệp viết rất giỏi. Hêminhuê viết Ông già và biển cả còn dài dòng. Thiệp viết cực ngắn. Đi săn, trang bị đầy đủ. Cuối cùng cởi truồng trở về. Lại còn bị lũ khỉ giễu nữa chứ”. Nếu vậy cái “giỏi” ở đây chỉ là cái “giỏi” gây cười chứ cũng không có ý tứ gì. Nguyễn Thanh Sơn khen có lý hơn “Muối của rừng” là “Bài ca trữ tình ca ngợi sức mạnh kỳ diệu của thiên lương”. Có điều, theo chữ nghĩa trong truyện, “bài ca trữ tình” ca ngợi thiên lương của con khỉ cái nhiều hơn là ca ngợi con người. Vì con khỉ cái do thương “chồng” đã kiên trì đeo bám ông thợ săn, còn ông thợ săn thả “chồng” nó phần nhiều vì “mệt lả”, và vì “Hai tay con khỉ cào trên ngực ông tóe máu”. Nếu có thiên lương thực sự, ông thợ săn đã không bắn khi cả gia đình con khỉ vợ chồng con cái đang vui vầy.

Như vậy với những lời khen của những người, tên tuổi thì nghe chừng ghê gớm nhưng chưa thỏa đáng. Ngược lại, có nhiều người chê văn Nguyễn Huy Thiệp hơn, họ cũng là những tên tuổi uy tín, mà ý kiến của họ lại thống nhất với nhau và có lý hơn.

Nhà văn Hồ Phương cho Nguyễn Huy Thiệp có “cái nhìn xã hội thiên về đen tối”; “Về quan hệ văn - sử… Có người nói… cũng có thể có một Quang Trung trong văn học với tính cách ngược lại… đó là một kiểu ngụy biện, và… chưa hiểu biết đầy đủ về văn học” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.452). Đỗ Văn Khang: “Đặc biệt cái tâm mà không sáng thì không thể làm văn được”(tr.242). Mai Ngữ cho Nguyễn Huy Thiệp: “đã lăng nhục cha ông, tổ tiên mình” (tr.426). Tạ ngọc Liễn với con mắt của nhà sử học có những phản bác cụ thể hơn: “Việt Nam nếu đích thực là một nước nhược tiểu… thì con cháu làm gì có được một giang sơn như ngày nay”; “Nước ta nhỏ… mà không yếu. Những cuộc phá Tống, Bình Nguyên, đuổi Minh, đánh Thanh… chẳng lẽ chưa đủ… là một xứ sở mạnh mẽ sao?”; “càng kỳ quặc hơn khi cho rằng văn hóa Việt Nam (mà biểu tượng là Nguyễn Du) chỉ là đứa con hoang của nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp đẻ ra. Tôi không nghĩ tác giả luận điểm này là người mắc bệnh tâm thần nhưng đó không phải là sự suy tưởng của một đầu óc lành mạnh” (tr.173).

Hồi trẻ, do còn thiếu trình độ và bản lĩnh, có phần a dua, bởi không muốn bật ra khỏi trào lưu “đổi mới”, tôi từng viết về Nguyễn Huy Thiệp có phần cả nể, hơi bốc, nhưng tôi cũng đã chỉ ra: “Đoạn anh nói nền văn hóa của chúng ta như đứa con hoang bởi sự cưỡng hiếp của nền văn minh Trung Hoa cũng không ổn. Vì trên thế giới có nền văn minh nào thuần khiết? Sự nhận ra đặc điểm nhược tiểu của dân tộc, để khắc phục phấn đấu đi lên cũng là một việc đúng, nhưng phê phán, chê bai thì không nên” (Biên độ của trí tưởng tượng, tr.167).

Đoạn người cha trăng trối lại cho Đặng Mậu Lân (Kiếm sắc): “Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre, nhưng ta thấy sức chơi của bọn này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gánh vác giang sơn sao được?... Hiện Gia Định có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem”. Đánh giá cao Nguyễn Ánh đồng nghĩa với sự biện hộ cho hành động Pháp từng xâm lược Việt Nam. Điều này giải thích tại sao Pháp in cho Nguyễn Huy Thiệp tới 14 đầu sách và với số tiền nhuận bút chính Nguyễn Huy Thiệp khoe là cả 70.000 - 80.000 USD.

Để bênh Nguyễn Huy Thiệp bôi đen lịch sử có Lại Nguyên Ân là bênh mạnh nhất, ông ta “dạy dỗ” nhà Sử học Tạ Ngọc Liễn rằng “đọc văn phải khác đọc sử”. Tôi cho rằng, Văn là nghệ thuật tất phải khác Sử là ghi chép. Có điều nghệ thuật chân chính, với những thủ pháp, cuốn hút người đọc hiểu biết sự thật sâu sắc hơn; còn nghệ thuật lại đi bôi đen sự thật thì là thứ nghệ thuật bậy bạ. Lại Nguyên Ân khuyên người đọc phải biết phân biệt phát ngôn của nhân vật với ý đồ tác giả. Đúng vậy, nhưng tác giả có tài có tâm sẽ viết cho người đọc phân biệt được đúng sai, như người “chơi rắn” điều khiển được lũ rắn độc, còn nhà văn dốt và ác thì viết đầu độc người đọc như người chơi rắn để rắn cắn người. Còn Nguyễn Huy Thiệp không dốt, mà sự bôi đen là chủ ý, là “thi pháp đổi mới”, nên sự bênh vực của Lại Nguyên Ân là thừa.

Đặc biệt, thể hiện cái nhìn bất lương và hỗn láo đối với lịch sử chính là phát ngôn của Nguyễn Huy Thiệp trong lần sang Thụy Điển đã kể ở trên: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”, đã làm nhiều người nổi giận, còn tôi đã khinh bỉ Nguyễn Huy Thiệp một cách sâu sắc.

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Đông La0

- Các bài viết của (về) tác giả Kiều Mai Sơn0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mạnh Hảo0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Huy Thiệp0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0

- Các bài viết của (về) tác giả Sương Nguyệt Minh0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

*.

Sài Gòn, 05-12-2022

ĐÔNG LA (tên thật: Nguyễn Văn Hùng)

Địa chỉ: quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn

Email: donglasg@gmail.com

 

 


 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com.vn, ngày 13.12.2022.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét