NGÀY XUÂN NGHE TRẦN XUÂN
KỂ
CHUYỆN NGƯỜI XƯA
*
Thưa quý bạn đọc Trang Đặng Xuân Xuyến!
Trước hết xin gửi tới Quý bạn đọc Trang
Đặng Xuân Xuyến và gia quyến một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý!
Đầu xuân mới, Nguyễn Toàn Thắng giới
thiệu với Quý bạn đọc chùm bài viết của nhà báo Trần Xuân về chuyện các danh
nhân được lưu truyền trong dã sử, trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt Nam
ta và đối chiếu với những ghi chép trong các cuốn sách sử theo cách đánh giá
của tác giả Trần Xuân.
1. LÊ LONG ĐĨNH LÀ ÔNG VUA BỊ LỊCH
SỬ BÔI NHỌ THÔ BẠO
Trong các triều đại phong kiến Việt
Nam thì Lê Long Đĩnh là ông vua mà sự nghiệp, hành trạng, tính cách
bị sử sách vu khống bôi nhọ thô bạo nhất.
Lê Long Đĩnh (986-1009) là ông vua
cuối cùng triều Tiền Lê, lên ngôi năm 1005 ,mất năm 1009.Khi đánh giá
về ông,các sử gia Việt Nam đã đưa ra thái độ đối lập khen chê rất
khác nhau.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì (tóm tắt):
"Lê Long Đĩnh là một bạo chúa, lấy cỏ gianh quấn quanh người
tử tù đốt cho chết. Lấy dao cùn xẻo thịt cho chết từ từ. Nhốt tù
binh trong nhà lao dưới nước chờ thủy triều lên dìm chết. Bắt leo cây
rồi chặt gốc cho đổ. Tự tay đâm chết bò lợn trước khi giao cho nhà
bếp. Róc mía trên đầu sư lấy làm thích thú. Mắc bệnh trĩ do hoang
dâm vô độ, lâm triều phải nằm nên gọi là Ngọa Triều...".Lịch
sử Việt Nam hiện đại cũng chép gần giống như vậy.
Căn cứ Đại Việt sử ký tiền biên của Sử quan Ngô Thì Sĩ thì
Lê Long Đĩnh lại là một con người hoàn toàn khác. Ngài là ông vua
thông minh, cường tráng, biết lo cho dân, quan tâm nhiều mặt xã hội. Như
có công lớn mở mang đường sá, phát triển thủy nông làm lợi cho dân.
Nhà vua còn rất quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục và gây dựng
nền tảng Phật giáo. Năm 1007 vua sai em là Minh Xưởng cùng Hoàng Thanh
Nhã sang sứ nhà Tống xin toàn bộ bộ Cửu Kinh
(Dịch, Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu, Hiếu
Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Chu Lễ)là những tác phẩm kinh điển hàng
đầu, nền tảng văn minh Trung Hoa. Sứ đoàn còn xin được Đại Tạng Kinh là bộ sách đồ
sộ, sưu tầm và dịch thuật suốt nghìn năm gồm 5 nghìn quyển. Việc
này cũng được Thiền sư Thích Mật Thể ghi trong Việt Nam Phật giáo Sử
lược. Về mặt quân sự, Ngài được ca ngợi là ông vua dũng cảm, liền
trong bốn năm luôn giữ cương vị Đại tướng cầm quân năm lần đánh dẹp
các vùng Hưng Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh
đều thắng lớn. Qua đó thấy, phải là một người tráng kiện, sức khỏe
dẻo dai bền bỉ mới trải qua trận mạc gian khổ như vậy được.
Cũng theo Ngô Thì Sĩ, sau khi Lê Đại
Hành mất, các con chia phe phái tranh ngôi, Điện tiền Chỉ huy sứ Lý
Công Uẩn đã nảy ra ý làm phản. Và thời cơ đã đến với ông. Năm 1009
"Lý Công Uẩn nhân lúc Khai Minh
Vương (Lê Long Đĩnh)ốm nặng bèn sai người vào đầu độc giết đi rồi
giấu kín việc đó nên sử không chép!...".
Sự việc này cũng được ghi trong An
Nam chí lược của Lê Tắc càng củng cố thêm tính khách quan trung thực
của Đại Việt sử ký tiền biên:
"Tháng 3 Lê Long Đĩnh mất rất mờ ám, con mới 10 tuổi bị Lý
Công Uẩn soán ngôi". Và ở đoạn khác "Vua Lý cử sứ giả sang nhà Tống triều cống và xin chiếu chỉ.
Khi Tống Nhân Tông biết Lý Công Uẩn cướp ngôi liền nói "Chí Trung
bất nghĩa mà được ngôi, nay Công Uẩn bắt chước làm bậy càng đáng
ghét!" Ngô Thì Sĩ cho biết thêm "Cái tên Ngọa Triều là do Lý Công Uẩn đặt ra để bôi nhọ nhà
vua là thô bỉ, vô căn cứ!" Còn trong Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chính biên của
nhà Nguyễn thì cho rằng cách gọi này không chính xác vì Long Đĩnh
không có thụy hiệu. Nay đổi là Đế Long Đĩnh.
Nếu Lê Long Đĩnh là ông vua dâm
loạn, bạo ngược như Đại Việt sử
ký toàn thư viết thì làm sao tránh được búa rìu dư luận và
sự lên án, phỉ nhổ của người dân? Ngược lại, nhà vua được dân tôn
vinh đúc tượng thờ chung với vua cha Lê Đại Hành ở Cố đô Hoa Lư, xây
lăng ở quê hương Liêm Cần. Ngoài ra, dân chúng nhiều địa phương ở hai
tỉnh Thái Bình, Hưng Yên còn kính cẩn xây miếu thờ và lập Ngài làm
Thành Hoàng làng.
2. CÔ TƯ HỒNG
Về nguồn gốc xuất thân và đời tư
ngày nhỏ của Cô Tư Hồng, các nguồn tài liệu đều chép rất sơ sài:
Tên Trần Thị Lan, sinh năm 1868 trong
một gia đình nông dân nghèo ở Hà Nam. Năm 17 tuổi cô bị lý trưởng ép
duyên để trừ khoản nợ cha cô vay ông ta; cô bỏ trốn ra Thành Nam làm
thuê rồi lấy một người bán bún xáo, sống với nhau hai năm, không con.
Sau đó ít lâu có một nhà buôn
người Hoa tên Hồng ở Hải Phòng về Nam Định mua thóc rủ cô trốn theo
ông ta và hứa sẽ trả nợ đậy cho cha cô. Từ đó cô mang tên thím Hồng
hay cô Hồng. Năm 1890 ông Hồng buôn bán thua lỗ bị phá sản, bỏ trốn
biệt về Trung Quốc. Tình cờ cô làm quen với một phụ nữ có chồng là
doanh nhân người Pháp rủ cô lên sống ở Hà Nội; ai ngờ đó là bước
ngoặt quan trọng trong đời cô.
Năm 1892 trong một buổi dạ hội nhân
Quốc khánh Pháp 14 - 7 tại tòa Đốc lý, viên quan Tư Pháp Laglan (có
bản nói là Garlan) chủ động làm quen rồi trở thành bạn thân của cô.
Ít lâu sau hai người tổ chức đám cưới tại Câu lạc bộ sĩ quan trong
thành. Từ đó cô có tên mới là Cô Tư Hồng. Và cũng từ đó cô bắt tay
vào công cuộc kinh doanh lớn.
Ngay khi mới khai trương Công ty lương
thực thực phẩm do cô đứng tên Giám đốc, cô đã may mắn trúng thầu hợp
đồng cung cấp hàng cho quân đội Pháp đóng ở Phúc Yên đồng thời cung
cấp nhu yếu phẩm cho các trại giam trên toàn cõi Bắc Kỳ. Nhờ quan hệ
rộng và tài buôn bán cô đã trở thành gương mặt sáng giá trong giới
thượng lưu Hà Thành.
Hai năm sau (1894) cô lại trúng gói
thầu phá dỡ tường thành Hà Nội; đây là công việc khó khăn phức tạp
đòi hỏi chủ thầu phải có đầu óc sáng suốt nhạy bén. Cô trả lương
cao để thu hút sự cộng tác của những nhà chuyên môn có trình độ năng
lực tổ chức, giỏi nghề và có tinh thần trách nhiệm như Nguyễn Quang
Minh, Bạch Thái Bưởi ... Cô đích thân về quê tuyển nhân công (ngày ấy
gọi là phu). Cô không chỉ là người trực tiếp chỉ đạo quản lý, điều
hành công việc mà còn tự mình chỉ vẽ, đôn đốc việc dựng lán trại,
xây bếp ăn, trạm xá... để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho hàng nghìn
con người.
Sau hai năm công việc hoàn thành cô
tận thu số lượng lớn gạch đá đem xây biệt thự bề thế ở làng Hội
Vũ (nay là phố Hội Vũ); xây dãy nhà ở khu vực Cửa Đông, xây trường
Puginier (nay là trường Việt Đức).
Hai chiếc ghế đá đặt ở Lê Thái Tổ
ngày nay là di sản từ ngày ấy sót lại.
Với số vốn khổng lồ tích lũy qua
buôn bán và trúng thầu, cô được xã hội đánh giá là một nữ
"phú gia địch quốc". Cô sống trong ngôi biệt thự đồ sộ, sang
trọng, kiến trúc tân kỳ; có điện thoại và ô tô riêng là vật sở hữu
cao cấp của quan lại Pháp - Nam thời ấy. Không bằng lòng với hiện
tại, cô mở thêm hướng kinh doanh mới: Ký hợp đồng xuất khẩu gạo và
phát triển giao thông vận tải đường thủy. Một điều ít người biết là
trên tàu của cô chỉ thuyền trưởng và thợ đốt lò là đàn ông, còn
hết thảy thủy thủ, nhân viên đều là phụ nữ...
Ngoài tài buôn bán làm giầu, Cô Tư
Hồng còn được biết đến là một phụ nữ có lòng thương người, thích
làm việc thiện, phóng tài sản cứu giúp người hoạn nạn. Ở đâu có
thiên tai mất mùa đói kém, y rằng người của cô đã có mặt kịp thời
phát chẩn cứu tế. Cô cũng thường can thiệp với nhà cầm quyền xin
giảm án hay tha bổng cho những người phạm tội do nghèo đói.
Có lần hai tàu lớn chở đầy thóc
của cô đang trên đường từ Nam ra Bắc qua miền Trung thấy dân bị cơn bão
lớn tàn phá nhà cửa ruộng vườn, nhiều người chết đói; cô lệnh cho
người nhà đem thóc phát hết cứu dân. Chuyện đến tai triều đình, vua
Thành Thái ban cô tấm biển vàng "Lạc quyên nghĩa phụ"; sắc phong nhà vua viết "Nữ trung phong nhã chi bảo, hồng trần
bạt tục. Thế thượng vân lôi chi hội, bạch thủ thành gia" nghĩa
là Hào hoa phong nhã bậc nhất trong đám chị em, đàn bà khác thường.
Gặp thời mây tuôn sấm dậy, tay trắng dựng cơ đồ.”
*
Không rõ bà mất chính xác năm nào,
chỉ biết mộ bà đặt ở cổng đền (có bản nói chùa) Hai Bà, bia mộ khắc
vẻn vẹn ba chữ CÔ TƯ HỒNG.
Với bà ngày ấy (kể cả bây giờ)
luôn có hai luồng dư luận khen - chê khác nhau. Người khen đông hơn, còn
chê phần lớn là những người ghen tuông đố kỵ. Một vài nhà thơ còn
làm thơ, đặt câu đối moi móc đời tư của bà nhằm bêu riếu lăng nhục
bà hết sức bỉ ổi.
Nói gì thì nói, ở giai đoạn lịch
sử ấy nước ta còn chìm đắm trong đời sống nông nghiệp lạc hậu đói
nghèo; một số người thức thời cũng phải nấp bóng nhà cầm quyền đô
hộ để tiến thân, làm giầu. Riêng bà đã tự tìm cho mình con đường
riêng không lệ thuộc ai, cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ Hoa
kiều, Pháp kiều đủ biết bà là người tài cao chí lớn nhường nào!
Nhưng cái đáng ca ngợi nhất là bà
luôn mở rộng vòng tay nhân đạo, nhiều lần cứu giúp đồng bào thoát
chết đói ở những vùng thiên tai. Chả thế mà suốt trăm năm nay trên
nấm mộ đơn sơ trơ trọi của bà vẫn được nhiều người thành kính thắp
hương tưởng nhớ .
3. NGÔ VĂN SỞ KHÔNG CHẾT NGẦM QUY
HÀNG NHÀ NGUYỄN
Qua những cuốn sử chúng ta được
biết thì Ngô Văn Sở là viên tướng kiêu hùng được Quang Trung tin dùng,
chức phong đến Đại Tư Mã, Tổng trấn Bắc Thành. Trong trận đại phá
quân Thanh ở Thăng Long năm 1789 ông được kể là người lập nhiều chiến
công hiển hách.
Năm 1792 vua Quang Trung mất, Quang Toản
nối ngôi, triều đình nhà Tây Sơn bị phân hóa trầm trọng, bè phái hãm
hại lẫn nhau dẫn đến chính biến 1795. Về cuộc chính biến, sách sử
đương thời và sau này đều chép: “Năm
1795 Ngô Văn Sở bị Võ Văn Dũng mạo chiếu vua Quang Toản triệu về Phú
Xuân rồi đem dìm chết trên sông Hương”.
Nếu căn cứ vào sử liệu này thì
cuộc đời và sự nghiệp Ngô Văn Sở đến đó là kết thúc.
Thế nhưng theo Gia phả dòng họ Ngô
Văn, một ở Trảo Nha, Hà Tĩnh, một ở Ninh Sơn, Chương Mỹ, Hà Đông (nay
là Hoài Đức, Hà Nội)và căn cứ sách "Đại Nam Chính biên liệt truyện sơ tập" thì sự việc
lại hoàn toàn khác.
Gia phả ghi Ngô Văn Sở người gốc
Trảo Nha, Thạch Hà, Nghệ Tĩnh (nay là Can Lộc, Hà Tĩnh). Bố ông là
Ngô Phúc Diễn dời quê định cư ở Gia Định, Ngô Văn Sở ở với ông nội
là võ sư Ngô Mạnh Đức, tước Đô thống của Chúa Nguyễn, trấn thủ Linh
Giang, Trường Dực.
Khi Ngô Văn Sở giữ chức Tổng trấn
Bắc Thành, ông cho người đem Gia phả họ Ngô Văn ở Trảo Nha do Ngô Phúc
Điền soạn, Phan Huy Ích hiệu đính đối chiếu với Gia phả Ngô Văn ở
Ninh Sơn, Chương Mỹ thì hoàn toàn khớp nhau.
Theo Đại Nam
Chính biên liệt truyện sơ tập, năm 1799 Ngô Văn Sở và Võ Tánh giữ thành Bình Định, năm
1801 thành mất, Sở ngầm về với nhà Nguyễn (tiềm quy vu triều).
Như vậy là Ngô Văn Sở không chết năm
1795 dưới triều Quang Toản như một số sử sách đã chép mà là quy
thuận Nguyễn Ánh như hàng trăm cựu thần Tây Sơn khác. Sau khi về với
nhà Nguyễn ông được đổi làm Chưởng cơ, giữ chức Quản đạo trấn Thanh
Hoa ngoại. Sự việc này có chép trong Đại Nam thực lục, tập 3, Hà Nội - 1963.
Cũng theo Gia phả, năm 1788 Ngô Văn
Sở kết duyên với bà Nguyễn Thị Đích người Thăng Long, sinh con gái
đặt tên là Ngô Thị Chánh (1792 - 1843).Khi Hoàng tử Đảm (người sau này
là vua Minh Mệnh). con thứ tư của Gia Long đến tuổi lập Phủ thiếp, bà
Chánh được chọn vào Cung năm 1806; bà sinh ra Miên Hoàng tức Vĩnh Tường
Quận Vương. Năm 1836 bà được phong Hiền Phi, sắc phong hiện được thờ
tại số nhà 42A đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế. Căn cứ tài
liệu này thì Ngô Văn Sở là thông gia với vua Gia Long và là nhạc phụ
vua Minh Mệnh.
Trong cuốn "Việt Nam thời bành trướng Tây Sơn",
Sài Gòn xuất bản năm 1968, Tiến sĩ sử học Nguyễn Phương viết: "Việc Võ Văn Dũng mạo chiếu ra Bắc
Thành xin Quang Thùy cho Ngô Văn Sở về kinh, nhưng Sở biết trước đã
liệu đầu hàng Nguyễn Ánh", trang 352.
Theo Gia phả nhà Nguyễn và nhà
nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân thì Ngô Văn Sở không bị giết mà sau
theo phò nhà Nguyễn, có con gái làm vợ vua Minh Mệnh.
*
Năm 1822 Ngô Văn Sở mất do tuổi già,
an táng tại cánh đồng thôn Hà Lỗ, Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị. Lăng
mộ xây kiên cố trên gò cao bằng gạch vồ, đá gan gà, rộng khoảng 80m2
có thành trong thành ngoài cao 1,50m, dày 0,60m,bốn góc bổ trụ, có
bình phong trước sau Mộ bên trong hình chữ nhật chia hai cấp. Phía
trước mộ là hương án kiểu sập chân quỳ, không có bia, đặc biệt không
có hình trang trí.
Căn cứ vào các nguồn tài liệu thành
văn, các Gia phả gốc và ý kiến của một số nhà sử học uy tín,
chúng ta có thể tin Ngô Văn Sở không chết bởi tay Võ Văn Dũng năm1795.
Tóm lại, ông theo nhà Tây Sơn từ 1770 đến 1801, còn từ 1801 đến năm
1806 về với nhà Nguyễn, qua đời năm 1822, lăng mộ nay vẫn còn.
4. SỐ PHẬN KỲ LẠ CỦA BÀ HOÀNG
THỊ THẾ CON GÁI CỤ ĐỀ THÁM
Sáng 1/12/1909, Hoàng Hoa Thám bị
tấn công bất ngờ để mất đồn Phồn Xương, ông dẫn quân tháo lui về
vùng Yên Thế. Cùng ngày, vợ ba của ông là bà Đặng Thị Nho(có sách
chép là Nhu), tục gọi bà Ba Cẩn và con gái Hoàng Thị Thế 8 tuổi
trên đường chạy giặc bị trung đội Coucron bắt gần đồn Gồ, Yên Thế.
Ngày 24/2/1910 bà Ba và 78 người khác bị tống giam Hỏa Lò, Hà Nội,
ít tháng sau giải lên tàu thủy lưu đày ở đảo Guyanne (Nam Mỹ).Ngày
25/12/1910 bà nhảy xuống biển tự tử. (Có tài liệu nói bà bị chết
vì bệnh lao ở nơi lưu đầy).
Ba năm sau, chính xác là sáng 10/2/1913
Hoàng Hoa Thám bị ba thủ hạ người Hoa phản bội giết hại đem thủ cấp
nộp Pháp lĩnh thưởng, chấm dứt trang sử ba mươi năm chống Pháp vẻ
vang của người anh hùng dân tộc mệnh danh là Hùm thiêng Yên Thế!
Ông bà có hai người con, đầu lòng
là Hoàng Thị Thế. Hoàng Thị Thế, sinh ngày 31/3/1901 ở Phồn Xương,
Yên Thế, Bắc Giang.
Sau khi bị bắt, cô được Toàn quyền
Đông Dương Albert Sarraut bảo lãnh nhận làm con nuôi, giao cho nhà tư sản
Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc, cho học một trường Tây ở Bắc
Kỳ. Năm 1917 ,
Albert Sarraut đưa cô sang Pháp học
tại trường nội trú Jeanne d'Arc ở Biarritz, cô được đặt tên Pháp là
Marie Béatrice Destham. Liền đó, cô được Tổng thống Pháp Paul Doumer
nhận là cha đỡ đầu, cho cô hưởng khoản trợ cấp thường niên khá hậu
hĩnh. Sau khi đỗ tú tài cô được điều về Hà Nội giữ chức Thủ thư
tại tòa Thống sứ từ năm 1925 đến 1927. Cuối năm ấy cô trở lại Pháp.
Năm 1928, thấy cô là một phụ nữ
nhan sắc, thông minh, học giỏi và có năng khiếu diễn xuất, hãng phim
lớn Paramount của Mỹ mời cô thử vai rồi ký hợp đồng đóng vai chính
trong phim La Lettre (Bức thư); kịch bản phim được chuyển thể từ tác
phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn tên tuổi Somerset Maugham. Năm 1931
cô lại được mời đóng phim La Donna Bianca; phim thứ ba cũng là phim
chót cô tham gia là cuốn Le Secret de l'émeraude (Bí mật ngọc lục bảo).
Sau nhiều lần xuất hiện trên màn
bạc,hình ảnh và tên tuổi đăng tràn lan trên trang nhất các tờ báo
lớn, cô trở thành nổi tiếng, được giới phê bình và công chúng yêu
điện ảnh ái mộ, đánh giá cao.
Cô sống tại ngôi nhà số 42,đường
Moscou, Paris, người cha đỡ đầu tức Tổng thống Pháp Paul Doumer thường
đến thăm. Có lần trước đông đảo mọi người ông nói: "Tôi rất khâm phục lòng nhân đạo, độ
lượng của ông Đề Thám, ông đã tha mạng cho tướng Gallieni và một số
tướng tá khác khi họ thua trận bị bắt. Ông Đề Thám hơn hẳn chúng
tôi. Ông bị coi là giặc nhưng chính ông lại là người quân tử thượng
võ. Đề Thám đúng là một con người đáng kính phục!"
Năm 1931 cô kết hôn với Bernard Robert
Bourges.Năm 1935 sinh con trai Albert Arthur. Tháng 1/1940 ly hôn. Từ đó
mọi tài liệu không thấy nhắc đến người con trai nữa.
Năm 1965 (có tài liệu nói 1963, lại
có tài liệu nói 1960), nhận lời mời của phó Thủ tướng Phan Kế
Toại, bà trở về Việt Nam sống trong căn hộ tầng ba, tập thể Văn
Chương. Trong thời gian này bà thường qua lại quê nhà, cộng tác với
Bảo tàng Yên Thế, có tài liệu nói bà giữ chức Giám đốc. Bà dùng
thì giờ rỗi viết hồi ký. Bà có nhiều đóng góp cho quê hương như
giúp một món tiền lớn sửa chữa con đường từ Bắc Giang đến Cầu
Gồ...Bà mất tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội năm 1988, hưởng thọ 87
tuổi. Mộ bà đặt tại Yên Thế, Bắc Giang.
5. TẠI SAO VIỆT NAM LẠI THỜ QUAN CÔNG?
Trong con mắt nhiều người, Quan Công là
bậc anh hùng cái thế, tài đức vẹn toàn, được tôn xưng là Đức Thánh Quan thờ ở
đền Ngọc Sơn, Hà Nội và nhiều đền phủ khác trong cả nước.
Quan Công, tên gọi đúng là Quan Vũ, tự
Vân Trường, Trường Sinh, sinh khoảng năm 161, người quận Hà Đông, huyện Giải.
Ông là một nhân vật lịch sử, mà xưa nay nhân vật lịch sử thường mang ba gương
mặt rất khác nhau:
1- Gần với sự thật nhất là gương mặt
lịch sử.
2- Gương mặt văn nghệ sai lạc rất nhiều
do hư cấu, tiểu thuyết hóa.
3- Gương mặt dân gian thì hoàn toàn biến
dạng bởi trí tưởng tượng cộng thói mê tín dị đoan.
Nhân vật Quan Vũ như chúng ta hiểu lâu
nay thực ra chỉ là nhân vật tiểu thuyết được xây dựng theo kiểu “chiết cây ghép cành” qua ngòi bút tô vẽ
hào nhoáng của La Quán Trung trong “Tam
Quốc diễn nghĩa”. Để có sự đánh giá khách quan trung thực về ông chúng
tôi phải tìm đến bộ CHÍNH SỬ TAM QUỐC CHÍ của Sử quan Trần Thọ - người từng làm
quan với nhà Thục và triều Tây Tấn. Danh tác của ông được nhìn nhận là một
trong những bộ sử đồ sộ và đáng tin cậy nhất của Trung Quốc. Sau đây là một số
dẫn chứng nêu lên sự thiếu trung thực của “Tam Quốc diễn nghĩa” khi đem so với Chính sử.
Sự thực lịch sử người chém Đô đốc Hoa
Hùng là bộ tướng của Tôn Kiên chứ không phải Quan Vũ. Không có sự kiện Quan Vũ
qua năm ải chém sáu tướng trong đó có Sái Dương, vì mãi sau này Sái Dương mới
chết trong trận Nhữ Nam, (việc này cuối bài sẽ nói kỹ hơn). Diễn nghĩa tâng bốc
Quan Vũ giết được 17 thượng tướng, thực ra chỉ giết mỗi Nhan Lương, còn lại là
hư cấu. Không hề có việc Quan Vũ tha Tào Tháo ở đường Hoa Dung, vì khi liên quân
Ngô - Thục đuổi theo thì Tháo đã thoát khỏi đó lâu rồi. Tướng Văn Xú không chết
bởi tay Quan Vũ mà chết trong đám loạn quân. Tình tiết Quan Vũ khai nước làm
ngập Phàn Thành là hoàn toàn không có thật. Sử chép: tháng Tám năm 219 mưa lớn kéo dài, nước sông Hán dâng cao dìm chết bảy
cánh quân của Vu Cấm; Cấm đầu hàng, Bàng Đức bị giết…
Quan Vũ không phải là vị tướng bách
chiến bách thắng như “Tam Quốc diễn
nghĩa” miêu tả. Vì ít mưu trí, thích được tâng bốc, tự cao, tự đại,
khinh địch nên khi đối trận với các danh tướng Tào Ngụy, Quan Vũ thường chuốc
thất bại. Quan Vũ từng bị Đô đình hầu Lý Thông đánh lui ở Giang Lăng. Năm 200,
Tào Tháo đánh Từ Châu, Quan Vũ bị Trương Liêu đánh bại và bị bắt (không phải
Trương Liêu dụ hàng như trong Diễn nghĩa). Quan Vũ bị Văn Sính đánh thua ở Hạ
Khẩu và Tầm Khẩu. Quan Vũ bị thua và tháo chạy khỏi Tương Phàn khi đối mặt với
Từ Hoảng v.v…
Về tính cách thì Quan Vũ là người kiêu
ngạo, hống hách, thường hạ nhục, chèn ép, nhẫn tâm với kẻ dưới nên họ luôn ác
cảm với ông. Ngoài ra ông còn mắc tật ăn nói lỗ mãng, khinh rẻ người khác, như
lần mắng chửi thậm tệ Sứ thần Đông Ngô sang cầu hôn; cơn giận bốc lên ông còn
buông lời xúc phạm danh dự cả Tôn Quyền. Đó cũng là một trong những nguyên nhân
khiến Đông Ngô quyết định tập kích Nam quận đoạt lại Kinh Châu.
Cũng xin nói thêm, Chính Sử không đề cập
đến hình dong, diện mạo Quan Vũ, mọi miêu tả chân dung ông trong “Tam Quốc diễn nghĩa” là do La Quán
Trung tưởng tượng ra. Thanh Long đao của Quan Vũ cũng là vật hư cấu, vì mãi 400
năm sau vào đời nhà Đường thứ binh khí này mới được chế tạo. Về việc “qua năm ải chém sáu tướng”. Chính sử
chép: Biết Quan Vũ bỏ trốn, nhiều tướng
xin lệnh Tào Tháo đuổi bắt trị tội, nhưng Tào Tháo gạt đi. Nghĩa cử cao đẹp của
Tào Tháo được Sử thần đời Tấn Bùi Tùng Chi khen là “Tào Công khoan dung, độ
lượng”.
Nhắc lại sự kiện Tương Phàn bị Từ Hoảng
truy sát, nếu Quan Vũ chạy về hướng Tây Bắc đến các quận Thượng Dung, Phòng
Lăng thì cơ may thoát hiểm rất cao, nhưng vì đã từng gây bất hòa với hai tướng
Lưu Phong, Mạnh Đạt ở đấy nên ông cho đầu ngựa quay về hướng Nam. Đến lúc nguy
khốn ở Mạch Thành ông sai người cấp báo nhưng Mạnh Đạt, Lưu Phong lờ đi không
gửi quân đến cứu. Hy vọng cuối cùng của ông là chạy về hướng Giang lăng, Công
An do hai tướng Thục My Phương, Sỹ Nhân trấn giữ. Nhưng than ôi mọi chuyện đã
quá muộn, My Phương, Sỹ Nhân đã mở toang cổng thành đầu hàng Đông Ngô, chỉ vì
trước đó ít ngày họ bị Quan Vũ đe sẽ trừng trị bởi họ phạm một lỗi không lớn!
Cùng đường, ông và Quan Bình, Nguyên
soái Triệu Lũy với mươi tên lính men theo lối tắt tìm kế thoát thân nhưng chẳng
may rơi vào ổ mai phục, bị Mã Trung bộ tướng của Phan Chương bắt sống. Cả ba
đều bị chém đầu tại trận!
Đây là thất bại vô cùng to lớn của tập
đoàn Lưu Bị: Mất Kinh Châu, Đại tướng bị giết, đạo quân hùng hậu bị xóa sổ!
Theo nhà nghiên cứu Trương Tác Diệu thì trách nhiệm chủ yếu trong lần thất bại
này thuộc về Lưu Bị và Gia Cát Lượng vì đã phó thác Kinh Châu - một vùng đất
rộng lớn, đông dân, vị trí chiến lược quan trọng cho Quan Vũ là người hữu dũng
vô mưu, quá tin vào sức mình.
Liệu một người tài trí, đức hạnh chỉ ở
mức bình thường, lại không phải tổ tiên của ta như Quan Vũ thì có đáng để ta
thờ phụng không? Rất có thể có người nói sở dĩ Quan Vũ đáng được tôn thờ vì ông
luôn đề cao lòng trung nghĩa đối với Lưu Bị và nhà Thục Hán. Đúng thế, nhưng
xét rộng ra thì những người làm quan, làm tướng thời ấy phần đông đều thấm
nhuần đạo lý “Trung quân ái quốc” của
Khổng - Mạnh. Như Trương Chiêu, Lỗ Túc, Chu Du… bên Đông Ngô; Giả Hủ, Nhạc
Tiến, Từ Hoảng… bên Tào Ngụy và hàng nghìn người khác thà chết không thờ hai
chủ; đâu chỉ một mình Quan Vũ có đức tính cao đẹp ấy!
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về khoa
Tướng thuật0
- Các bài viết về
Kiến thức cuộc sống0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
Mời
thư giãn với nhạc phẩm BÀI CA TẾT CHO EM
của Quốc Dũng, qua tiếng hát Khưu Huy Vũ:
0 comments:
Đăng nhận xét