HỎI CHUYỆN 'NỮ TƯỚNG' DẸP LOẠN VỤ 'THỦY CUNG THĂNG LONG' NĂM XƯA - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 


HỎI CHUYỆN “NỮ TƯỚNG” DẸP LOẠN VỤ

“THỦY CUNG THĂNG LONG” NĂM XƯA

 

Sau nhiều can dự đưa ra ánh sáng không ít những dự án “có vấn đề” như vụ Thuỷ cung Thăng Long, vụ xẻ thịt Công viên Thống nhất và nay là vụ xây Trung tâm thương mại ở khu chợ 19.12, góp phần không nhỏ “hạ gục” được đến cả một Phó thủ tướng Chính phủ, một Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội… vì họ dính vào tiêu cực, Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân được nhiều người quý trọng mà “phong” cho bà là “Nữ tướng”. Bà chỉ nhận mình là người “Thấy việc gì đúng, thích thì làm, làm đến cùng, bất chấp tất cả, thế thôi!”.

 

Trần Ngọc Kha: - Ở vào tuổi gần 70, nay bà có thể an nhàn hưởng thu, tĩnh dưỡng và điền viên tuổi già với gia đình, bạn bè như bao người khác. Nhưng bà vẫn theo đuổi một lối rẽ…?

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Mất đồng tiền, mất miếng ăn, mất chỗ chơi với tôi không phải là mất. Nhưng mất mặt, mất danh dự, mất những gì mà tôi cho là thiêng liêng, đó mới là mất. Vì thế trong một loạt cơ hội, tôi đã chọn những cơ hội đó. Trong tôi, danh dự là nhất, cái danh dự thật chứ không phải là hão. Tôi muốn chứng minh rằng tôi suy nghĩ đúng, hành động đúng, sống đúng. Trong cả cuộc đời làm việc, tôi đã gặp không ít những việc mình không tán thành, không hài lòng, nhưng trước nhiều sức ép, trước mắt có thể mình phải tạm quay mặt đi, nhưng một khi tôi nhận thức rằng là việc đó cần phải được nhìn nhận lại hoặc được vạch trần sự thật thì tôi quyết chờ, dù là 5 năm, 10 năm tôi vẫn làm.

 

Trần Ngọc Kha: - Để làm gì, thưa bà?

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Tôi thấy niềm vui vì mình đã làm đúng. Đơn giản vậy thôi! Ví dụ như chuyện phong thủy. Từ bé, tôi đã lờ mờ nhận ra đây là chuyện rất hay và rất đúng, cho đến lớn tôi luôn để tâm tìm hiểu nó. Nhưng tôi rất hay gặp những luồng tư tưởng được cho là “cách mạng”, hay còn gọi là “tiến bộ” can thiệp khiến tôi buộc lòng phải tạm gác nhưng chuyện đó lại. Cách đây chừng một năm thôi, bàn về Dự án Thành phố ven Sông Hồng, Báo Vietnamnet đã đăng một bài viết của tôi có nội dung gợi ý phải xây dựng Hà Nội theo thuật phong thủy, kèm theo một lời đề dẫn: “đây là ý kiến riêng của tác giả, để độc giả tham khảo”. Ngay báo Đời Sống và Pháp Luật năm nay cũng đã đăng cho tôi một bài về vấn đề này. Nay thì cả nước, thậm chí cả một số người có trách nhiệm cũng đã bàn đến một Hà Nội phong thủy phải như thế nào.

Trong loạt những bài tham luận trên Vietnamnet về việc xây dựng trung tâm thương mại ở Chợ âm phủ 19.12 ở Hà Nội, cũng đã có bài viết khẳng định: nếu cho xây cái gọi là Trung tâm thương mại kia ở đây thì cùng với sự hiện diện của cái Tháp Hà Nội cao lớn kia, chúng sẽ “đè” bóng lên một loạt những cơ quan tư pháp như Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Như thế thì công lý còn gì? - bài viết đặt câu hỏi. Như vậy, nếu bây giờ mọi người nghe theo, làm theo tôi về thuật phong thủy kia thì rõ rằng là tôi đã nói đúng, là tôi có một niềm vui.

 

Trần Ngọc Kha: - Bà có phải gồng mình lên từ bé đến giờ về những việc như thế này không?

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Không! Tự tôi có một niềm vui như thế. Thế thôi! Cái đó rất khó có thể giải thích. Vấn đề là phải kiên trì. Trong tôi có hai mặt tưởng chừng mâu thuẫn, nhưng lại rất thống nhất. Nhìn bề ngoài mọi người tưởng rằng tôi là người rất hấp tấp, nóng vội, nhưng thực chất tôi lại có tính kiên trì rất kỳ lạ. Năm học lớp 7 (cuối cấp hai ngày trước), có lần gặp một bài toán dựng hình rất khó, qua một người tôi nhờ giáo sư Lê Văn Thiêm chỉ bảo nhưng ông chỉ chứng minh cho tôi là bài toán có lời giải, mà không giải cho tôi. Tôi đã phải nhiều đêm bật dậy với bài toàn này và cuối cùng đã giải được nó. Đã có tờ báo nói tôi có tính hiếu thắng. Đúng vậy! Tôi “hiếu thắng” không phải vì danh lợi cho riêng mình tôi.

 

Trần Ngọc Kha: - Bà có bao giờ để ý đến xung quanh người ta nghĩ gì về mình không?

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Tôi không nghĩ gì. Một khi nghĩ mình đang hành động đúng thì tôi không cần biết người khác nghĩ gì về mình như thế nào. Nếu nghĩ thế thì không làm gì được nữa.

 

Trần Ngọc Kha: - Nhưng bà không thể sống mà không có bạn, hay những người thân xung quanh…

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: À, vì thế mà nhiều khi tôi phải nén lại để mà… đỡ rắc rối. Ngay cả trong gia đình, không phải ai cũng đồng tình với tôi. Tôi cũng phải nén lại cho êm thấm.

 

Trần Ngọc Kha: - Bà có hay gặp được những người đồng điệu, đồng cảm?

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Cũng có. Đầu tiên là chồng, con, rồi đến những người thân khác… Nhưng mà cũng chỉ ở những góc độ này góc độ khác, chứ không phải là tất cả. Phải có người để chia sẻ chứ. Không chia sẻ thì làm sao sống được.

 

Trần Ngọc Kha: - Có khi nào bà gặp hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm do những can dự này?

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Chính trong khi tôi đang theo đuổi vụ kiện chống lại Dự án Thủy cung Thăng Long thì có tin đồn tôi sắp bị bắt. Bà bạn tôi là Thiếu tướng tình báo Hai Liên phải có lời nhắn: “Bình tĩnh! Nếu bị bắt, thả không về. Đừng ra ngoài đường vào lúc nhá nhem tối”. Tức mình tôi rủ chồng con đi chơi Đà Lạt hơn một tuần. Sau khi về lại có lời nhắn: “Bây giờ đã rõ ràng có hai phe rồi. Lúc này bà đi đường dù chỉ dẫm phải hòn sỏi bị trượt chân thôi cũng có người bị hỏi tại sao hại bà. Nhưng bà cũng phải cẩn thận”. Ít lâu sau, có người đến hỏi: “Bà nói thật đi. Bà có đất ở Phủ Tây Hồ không để tôi cứu bà? ”. “Tại sao anh phải cứu tôi? Nếu tôi có đất ở đó tại sao tôi phải giấu mặt? Nếu tôi có thì tôi đã ký vào giấy vào bức thư phản đối việc thực hiện dự án xây dựng “Thủy cung Thăng Long” gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng với 106 hộ gia đình ở đây rồi chứ!”.

 

Trần Ngọc Kha: - Xuất phát điểm để bà can dự vụ chống lại dự án xây dựng “Thủy cung Thăng Long”?

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Vụ này do ai khởi xướng thì tôi không rõ. Chỉ biết trong khi nó bung ra, có một cuộc bàn tán của một nhóm người có cả công an và một số kiến trúc sư, họ đã nghi tôi là chủ mưu trong việc lập và thực hiện dự án này. Là vì, trước hết họ phán đoán đã là xây thủy cung, có chỗ chơi bời thì phải có một Kiến trúc sư vào cuộc. Tôi lại đang sống ở Phường Quảng An, nơi sẽ triển khai dự án. Tôi tên Vân, chồng tôi tên Thiện. Họ nghi Công ty Vạn Thiện (công ty gây án vụ này) ấy là tên ghép của vợ chồng tôi. Lê Tân Cương (giám đốc công ty này) học từ Nga về. Không biết đích xác con trai tôi tên gì, họ chỉ biết bố nó cũng có họ Lê và cũng đi học từ Nga về và họ nghi chắc Lê Tân Cương là… con tôi. Rồi họ cắt cử một người đích thân đến gặp tôi. Và, thế là tôi từ đối tượng bị nghi vấn bất đắc dĩ phải vào cuộc điều tra vụ này, vì danh dự, vì tôi là người có nghề. Tôi bèn về viết bức thư đầu tiên gửi Thủ tướng Phan Văn Khải. Thư không có hồi âm. Cái máu hiều thắng thời trẻ trong tôi nó lại nổi lên.

Trong vụ này, tôi có trong tay bức thư của ông Ngô Xuân Lộc, hồi đó chưa bị mất chức phó thủ tướng, viết và ký gửi lên Bộ Chính trị tố cáo tôi có đất ở Phủ Tây Hồ (như tôi đã đề cập ở trên) nên mới tham gia “đấu” vụ này, chứ tôi chẳng có vì dân, vì nước gì. Bức thư còn “tố” cả các Kiến trúc sư khác như Nguyễn Trực Luyện, Hoàng Phúc Thắng… có tư cách không ra gì. Sau khi đọc xong bức thư, tôi nói với mấy người anh em: “Tôi đề nghị các anh cho phép tôi được thể hiện cái oai của “Sư tử Hà Đông”. (Tôi là người quê ở Hà Đông mà)”. Ngô Xuân Lộc đã nhầm! Tôi lập tức viết ngay cho ông Lê Minh Hương, lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), đề nghị cho điều tra ngay việc này. Và họ đã tiến hành điều tra từng phân đất ở khu vực Phủ Tây Hồ. Đến mức độ, đêm đêm bà con ở đây kéo nhau từng nhóm, từng nhóm mà chỉ có từ 2-3 người một đến thăm tôi, canh chừng tôi bị bắt lúc nào không biết.

 

Trần Ngọc Kha: - Xâu chuỗi tất cả những can dự đấu tranh chống tiêu cực của bà, từ vụ Thủy cung Thăng Long, đến vụ xẻ thịt Công viên Thống Nhất và nay là vụ xây Trung tâm thương mại 19.12, những yếu tố nào giúp bà làm được những việc “tày đình” như vậy mặc dù bà chỉ là một phụ nữ bình thường không chức tước, địa vị, tiền bạc…?

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân: Như trên đã nói, thấy đúng, thấy thích thì tôi làm. Tôi còn có vốn hiểu biết, lòng tự tin, và… một chút hiếu thắng nữa. Thời cải cách gia đình tôi đã từng bị quy kết nhầm là phản động. Khổ hàng năm trời vì cái án này là thế, đếm mức tôi phải vừa đi học, vừa phải đi bán xôi sáng, nhưng mẹ tôi vẫn nói với các anh chị em tôi bằng giá nào cũng phải học. Bây giờ, rất tiếc là cái sự học này ở nhiều gia đình hiện nay không được coi trọng là mấy, lại cứ đổ rặt cho xã hội, cho nhà trường…là thế này, thế nọ. Ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng tôi không bị bất kỳ một kẻ nào lôi cuốn trong mọi hoàn cảnh. Và, tôi còn có gen các cụ để lại nữa. Cụ đồ nho Phan Điện, cụ ngoại của tôi, nổi tiếng ở Hà Đông về văn “chửi” bằng chữ nho. Quan khâm sai đại thần Hoàng Cao Khải của Triều đình Khải Định từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của nhân dân ta chống thực dân Pháp. Cụ chửi hắn là một tên nghịch tặc bằng một câu đối chữ nho phơi giữa bàn dân thiên hạ.

Trần Ngọc Kha: - Xin cảm ơn và kính chúc bà mạnh khỏe!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:


Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CẠN LÒNG:

Vương Chinh giới thiệu

Tác giả: Trần Ngọc Kha - nguồn: betiteo.com

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét