‘THIÊN TÀI’ NGUYỄN THẾ HOÀNG LINH CHUI RA TỪ ĐÂU? - Tác giả: Đông La (Hải Dương)

Leave a Comment

 


‘THIÊN TÀI’ NGUYỄN THẾ HOÀNG LINH

CHUI RA TỪ ĐÂU?

*

Trịnh Công Sơn viết đúng quá: “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, vậy mà mình lại cứ loanh quanh. Vì kết bạn fb với Tất Đạt Hứa nên vào trang của Đạt, thấy đăng bài của cô Tiến sĩ Văn chương Hà Thanh Vân chê rất đúng phim “Đất rừng phương Nam” của Nguyễn Quang Dũng sai lệch lịch sử; vào tiếp trang của Hà Thanh Vân coi lướt thì thấy 11-10, tức trước tôi 3 ngày, cô Tiến sĩ cũng viết về chuyện bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Hà Thanh Vân viết:

“…Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng không ngần ngại chửi độc giả là ngu ngốc, vô tri, không hiểu được thiên tài là mình… đã chửi họ là “ngu”, “ác”, "bầy đàn", "zombies"... Trích nguyên văn từ Facebook của Nguyễn Thế Hoàng Linh: “Thực chất, bản chất hành vi của các bạn là … tấn công tác phẩm hay và tác giả theo cách rất sai trái kiểu bầy đàn, phạm pháp. Trong khi, hiểu biết của các bạn đang rất giới hạn dẫn đến việc tấn công kiệt tác rất nhiều trẻ em thích và nhà thơ thiên tài hàng đầu đất nước với … toàn bộ tâm huyết, kỹ thuật bậc thầy khi viết thơ cho trẻ em, trong đó có bài “Bắt nạt””.

Vậy là dù viết cũng “mệt”, tôi vẫn không thể không viết thêm mấy câu về thằng chọi con hoang tưởng, vĩ cuồng, và láo lếu này.

*

Vì phê phán nhiều tên tuổi hàng đầu Việt Nam, tôi cũng hay tự “khoe” mình thế này thế kia để chặn trước những câu hỏi: “Đông La là thằng nào mà dám…”. Tôi cũng đôi lần khoe mình là “siêu phàm”, “vĩ đại”, một bài thơ của tôi là “lớn nhất thế kỷ XX. Sách giáo khoa văn 12 không có là thiệt thòi cho Giáo dục Việt Nam”, có điều chúng là những lời khen của người ta khen tôi chứ không phải là tôi tự khen mình. Tôi chưa bao giờ dám tự cho mình là “số 1”, là “thiên tài” như Nguyễn Thế Hoàng Linh. Tôi cũng nhiều lần chửi ghê gớm, nhưng là chửi bọn trí thức lưu manh, bọn dân chủ cuội, và đám đông bầy đàn tung hô bọn chúng.

Trong nghiệp văn chương, trước ngưỡng cửa của đền đài văn chương, các nhà văn, thi sĩ tương lai thường rất cần những đánh giá đúng, sự khuyến khích, giới thiệu của những người đi trước đã thành danh. Đến thiên tài Dostoyevsky cũng coi lần đầu được gặp Belinsky là “thời khắc trọng đại”, là “giây phút tuyệt vời nhất trong suốt cuộc đời” ông. Số tôi cũng rất may, tôi đã được Chế Lan Viên, một trong vài người rất xứng đáng với cái danh “nhà thơ lớn”, đề nghị trao giải thưởng cho tôi trong một cuộc thi thơ, ông còn đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh. Như những trường hợp được lăng xê, chuyện với Chế Lan Viên của tôi có thể đưa cái danh của tôi lên tận mây xanh. Dù không được vậy, hôm nay, sau thời gian rất dài viết lách, tôi tự thấy mình đã không phụ sự ưu ái, kỳ vọng của Chế Lan Viên. Dù còn nhiều bất công trong làng văn, nhưng tôi cũng đã nhận được tới 4 lần giải thưởng, tặng thưởng, tác phẩm của tôi đã được nhiều nhà văn, nhà thơ, độc giả “khen hết lời”; riêng viết phê bình, tôi đã được các Giáo sư văn chương quý mến, khâm phục, trong đó có cả ông Giáo sư Trần Đình Sử.

Với Nguyễn Thế Hoàng Linh, qua trang của Hà Thanh Vân tôi được biết, 09/05/2005, trên https://dantri.com.vn/, Hồ Anh Thái đã đăng bài “Chuyện của thiên tài” khi viết về Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Nếu Linh đúng là thiên tài thì thật phúc đức cho nền Văn chương VN, và Hồ Anh Thái có khả năng thẩm định văn chương đúng là thiên tài. Nhưng qua chuyện bài thơ “Bắt nạt” thì thực tế hoàn toàn ngược lại.

*

Bài trước tôi có viết ý, đến loài chó siêu nhất cũng không thể đánh hơi được bắt nạt có mùi hôi, không biết có phải vì vậy mà có người tên là Lê Thị Huệ đã cho Nguyễn Thế Hoàng Linh có “Dấu hiệu thiên tài” chăng? Còn trong bài viết của Hồ Anh Thái, qua trích dẫn thơ, Hồ Anh Thái đã cho thấy, Nguyễn Thế Hoàng Linh không chỉ ngửi thấy mùi của bắt nạt như bài “Bắt nạt” mà tất cả: “khóc”, “tương lai”, “ánh sáng”, “mâu thuẫn” đều có mùi tất. Linh viết: “tôi ngửi thấy mùi ai khóc/ khi vô tình nhìn vào gương/ ngửi thấy mùi tương lai chín/ khi gieo máu xuống con đường... tôi ngửi thấy mùi ánh sáng/ khi vò khe khẽ đêm thâu/ ngửi thấy mùi mâu thuẫn đắng/ khi tôi và tôi khác màu” (Ngửi).

Đúng là “thiên tài” thật, giống như bắt nạt, đến loài chó siêu đẳng nhất cũng không thể ngửi được như Nguyễn Thế Hoàng Linh. Hồ Anh Thái cũng chứng tỏ mình “thiên tài” không kém khi ngửi thấy tài năng ở Nguyễn Thế Hoàng Linh như thế này: “Trẻ, nhưng đã sâu đậm những điều lý tưởng, nhất quyết tin mình sẽ làm được một cái gì đó lớn lao…, nhất quyết muốn cống hiến đến cả máu và nước mắt”.

Theo văn phong tiếng Việt, những câu thơ trên của Nguyễn Thế Hoàng Linh là vô nghĩa. Ngôn ngữ có tính võ đoán, áp đặt, như thấy Nguyễn Thế Hoàng Linh đang ăn cơm thì ta buộc phải nói, hoặc viết là Linh đang ăn cơm, chứ ta không thể “tự do sáng tạo” một cách “thiên tài” viết là “Linh đang ăn c. được”. Vì vậy, “khóc”, “tương lai”, “ánh sáng”, “mâu thuẫn” không thể có mùi. Chỉ có người bệnh hoạn, tâm thần mới viết thế; và những người ca ngợi, tâng bốc những thứ đó như Hồ Anh Thái thì cũng bệnh hoạn, tâm thần không kém.

Bỏ qua quy chuẩn về ngôn ngữ để cố hiểu ý của Nguyễn Thế Hoàng Linh, ta thử phân tích hai câu này: “Tôi… ngửi thấy mùi tương lai chín/ khi gieo máu xuống con đường”. Trong ngôn ngữ, “máu” thường được ẩn dụ về bạo lực, về chiến tranh. Nguyễn Thế Hoàng Linh “ngửi thấy mùi tương lai chín/ khi gieo máu xuống con đường”, phải chăng Linh thấy mình cần phải đổ máu làm cách mạng thì mới có được “tương lai chín”, và với quy mô đất nước, để có “tương lai chín”, Việt Nam cũng cần phải có một cuộc máu đổ?

*

Tôi từng viết về thơ Phan Huyền Thư, bình bài “Sẹo độc lập”. Cũng như cách viết của Nguyễn Thế Hoàng Linh, về ngôn ngữ, Thư cũng viết sai rất nhiều. Thư còn trình bầy bài thơ như hội họa xếp đặt, không chỉ ngắt câu mà còn ngắt cả chữ xuống dòng:

Tôi

được độc lập

với mẹ

bằng sợi dây

rốn

cắt đứt cơ thể

vết

sẹo làm người

Thực tế dây rốn bị bác sĩ cắt chứ dây rốn không cắt đứt cơ thể. Khi dây rốn rụng, tạo thành vết sẹo, nó chia tách, tạo ra sự độc lập giữa mẹ và con, chứ cái sẹo không thể “làm người”, chỉ có tinh cha huyết mẹ mới có thể làm nên “người”. Theo “anh Hảo” (Trần Mạnh Hảo), “bà cụ Thanh Hoa” khi sinh ra “Nhà thơ Phan Huyền Thư”, như lẽ thường thì phải cắt cuống rốn, rồi cuống rốn rụng tạo thành cái sẹo chính là cái lỗ rốn. Cái lỗ rốn này đã giúp Thư “giành được độc lập” khỏi “bà cụ Thanh Hoa”, nhưng nó chỉ là một “cơ quan” của cơ thể Phan Huyền Thư thôi chứ không phải là Phan Huyền Thư. Nên “Thư dùng chữ “sẹo” để chỉ mình là sai”.

Cũng bốc đồng như Hồ Anh Thái khen Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Quang Thiều cũng đã “đánh hơi” thấy tài năng của Phan Huyền Thư như sau:

Sẹo độc lập chứa đựng một thứ ngôn từ tự do đôi lúc cực đoan, chì chiết và liều lĩnh nhưng chính xác, thống nhất và ám ảnh… Chúng ta, ai cũng phải về Ngôi nhà mang tên chính mình. Tiếng ấy là tiếng của tỉnh thức. Và đó chính là một sự thật nhân văn tối thượng. Xin hãy lắng nghe thật bình tĩnh và ý thức cái tiếng kia".

*

Ở Việt Nam, vào hàng ông nội Phan Huyền Thư và Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Dần, Lê Đạt từng làm thơ theo khuynh hướng phá vỡ quy chuẩn của ngôn ngữ. Họ bắt chước trên thế giới, từ 100 năm trước, cũng đã sinh ra các trường phái Đa Đa, Siêu thực đưa ra những cơ sở lý luận cho sự trúc trắc, hỗn độn và vô nghĩa. Nghệ thuật của Đađa chính là nghệ thuật của sự phá vỡ cái cũ; nghệ thuật chống lại trật tự tự nhiên để tạo ra một trật tự mới, trật tự của những cái phi lý. Chủ nghĩa Siêu thực thoát thai từ chủ nghĩa Đađa đã trở thành một trào lưu lớn ảnh hưởng sâu rộng và dài lâu trong các lĩnh vực nghệ thuật. Trong Tuyên ngôn Siêu thực, Breton cho “hình ảnh siêu thực” chính là sản phẩm trùng hợp giữa hai thực tế khác nhau, một thực tế có thực và một thực tế có trong tiềm thức. Theo ông, hình ảnh gợi cảm nhất là hình ảnh cực kỳ phi lý, phải thật khó giải thích theo ngôn ngữ thông thường”.

Trong một cuộc Hội thảo toàn quốc “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn hóa Nghệ thuật Trung ương, tôi đã được mời gởi tham luận, tôi đã viết, trong đó có đoạn:

Lê Đạt là một người từng nhiệt thành truyền bá cái tinh thần sáng tạo nghệ thuật dựa trên cơ sở khoa học, ông viết: “Lý thuyết về những phô tông đã khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc liên tục tăng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ”. Nhưng trong sự phát xạ ánh sáng, tính liên tục và tính gián đoạn chỉ khác nhau như một sợi dây liền và một sợi dây đứt đoạn, nên việc Lê Đạt tưởng tượng ra “nó chế ngự thơ ca trong nhiều thế kỷ” thực ra là một điều không có thực. Người ta cũng đã dựa vào tính phi tuyến tính của chuyển động trong Cơ học lượng tử làm cơ sở cho việc sử dụng tính phi logic của ngôn ngữ, gây ra sự khó hiểu. Vì thế Lê Đạt mới có quan điểm cho rằng cần phải đổi mới thơ ca bằng cách “phá vỡ những quy luật nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp”, sinh ra loại thơ sai ngữ pháp ngô ngô ngọng ngọng mà với người đọc bình thường thì không tài nào hiểu nổi tại sao lại có loại “thơ” như thế. Có điều cơ học lượng tử thuộc thế giới vi mô của các hạt cơ bản, còn ngôn ngữ là một trong những sản phẩm ý thức của não người, tức thuộc về thế giới của các chất chứ không phải của các hạt. Người ta chỉ ăn được các chất chứ không ai có thể ăn được hạt cơ bản; như dòng điện là dòng điện tử, không ai có thể ăn điện được. Tương tự, người ta chỉ hiểu được ngôn ngữ tuân theo ngữ pháp. Ngữ pháp thực chất chỉ là quy tắc của ngôn ngữ. Khi sử dụng ngôn ngữ sai thì hoặc do khả năng ngôn ngữ, hoặc do trạng thái tâm thần người sử dụng, chứ hoàn toàn không thể có chuyện diễn tả các vấn đề một cách “sai ngữ pháp” thì thơ sẽ mới, sẽ hay hơn.”

*

Hồ Anh Thái là một nhà văn số đỏ, khá nổi tiếng, nhưng đến nay tôi chưa đọc văn của Thái một chữ nào. Đó là một cái dở của tính cách tôi. Hồ Anh Thái từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nên đã viết về thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh như sau: “Tôi đọc. Giật mình. Tưởng đã quen nhờn với thơ mà vẫn còn giật mình được. Mỗi tháng trung bình nhận được từ văn phòng hội vài ba chục tập thơ tác giả gửi tặng. Một chồng thơ trên mặt bàn mỗi tháng bắt phải đọc. Thế mà thơ Linh bật hẳn ra:

“giá tình yêu save được

error thì load lại chẳng bận lòng

giá tình yêu delete được

chán

hắt xì một cái

thế là xong

tôi chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ

có một lần tôi làm thơ trên máy tính

và đặt tên file là “tinhyeu”

khi không hài lòng tôi định xóa

cái máy tính bị coi là muôn đời vô cảm

hỏi tôi:

“are you sure you want to delete

‘tinhyeu’?” (*)

tôi đã rùng mình

bạn ạ

Rùng mình. Không chỉ nhà thơ mà cả người đọc”.

Đã biết trước “tình yêu” không “delete” được, lại rùng mình trước câu hỏi máy móc của cái máy tính vô tri thì ông nhà thơ đúng là lẩn thẩn, tâm thần. Hồ Anh Thái cũng rùng mình trước những câu thơ tâm thần thì cũng tâm thần không kém.

Không dám viết thẳng, Hồ Anh Thái vòng vo ám chỉ người Việt Nam ta chưa đủ tầm để nhận ra “thiên tài” Nguyễn Thế Hoàng Linh: “Thế giới chật hẹp này vẫn thường kêu ca vắng bóng thiên tài nhưng nó vẫn chưa sẵn sàng đón thiên tài, chưa học được cách phải cư xử với thiên tài… thiên tài cần có một công chúng có tài năng. Không có công chúng có tài thì thiên tài có đấy cũng như không”.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Các bài viết của (về) tác giả Đông La0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mạnh Hảo0

- Các bài viết của (về) tác giả Phan Huyền Thư0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

Sài Gòn 18 tháng 10 năm 2023

ĐÔNG LA (tên thật: Nguyễn Văn Hùng)

Địa chỉ: quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn

Email: donglasg@gmail.com


 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com.vn, ngày 20.10.2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét