HOÀNG VĂN HOAN VÀ NHỮNG ‘NƯỚC ĐI’ CỦA BẮC KINH - Tác giả: Huy Đức ; Trần Chí Cường giới thiệu

Leave a Comment

 


HOÀNG VĂN HOAN

VÀ NHỮNG ‘NƯỚC ĐI’ CỦA BẮC KINH

 

Ngày 3-7-1979, Phó Chủ tịch Quốc hội Hoàng Văn Hoan trên đường sang Đức chữa bệnh, khi máy bay của hãng Interflug quá cảnh ở Karasi, Pakistan, ông đã cáo bệnh ở lại, rồi hôm sau đánh lừa người bác sĩ đi cùng, đi taxi đến lãnh sự quán Trung Quốc. Ngày 5-7-1979, ông được đưa tới Bắc Kinh.

Đôi bên lặng ngắt. Hơn một tháng sau, ngày 5-8-1979, Thông Tấn xã Việt Nam mới phát đi bài phỏng vấn Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội Xuân Thủy về “Vụ Hoàng Văn Hoan bỏ trốn”.

Ngày 9-8-1979, từ Bắc Kinh, Hoàng Văn Hoan có “Thư gửi toàn thể đồng bào Việt Nam”, buộc tội Lê Duẩn đã “khống chế đất nước”. Theo ông, trong lúc “nhân dân ta đang khao khát sống yên ổn [sau 30 năm chiến đấu gian khổ], xây dựng tổ quốc để mở ra con đường tiến tới tương lai tốt đẹp” thì, “triển vọng đó đã bị Lê Duẩn phá hoại hoàn toàn”.

Bức thư được đài Bắc Kinh và BBC phát đi như một quả bom, chấm dứt những đồn đoán trước đó. Không khí chính trị trong nước đã ngột ngạt, càng thêm ngột ngạt.

Hoàng Văn Hoan “nối gót” một người cùng quê, ông Hồ Tùng Mậu, xuất dương, trở thành “học trò lớp thứ Hai” của Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, rồi trở về quê thành lập Chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội đầu tiên ở Quỳnh Đôi. Ông sát cánh cùng Hồ Chí Minh ở “Đảng Cộng sản Xiêm”. Cùng một số người Việt giúp cụ Hồ Học Lãm đồng sáng lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội [Việt Minh].

Đầu năm 1942, ông về Cao Bằng, cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp “cố vấn cho tỉnh ủy Cao Bằng” xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Ông là một trong 7 người “theo chỉ dẫn của Bác Hồ trực tiếp xây dựng lực lượng vũ trang Cách mạng” [Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp và Phan Anh, Tạ Quang Bửu (từ Trường Thanh niên Tiền tuyến)].

Trong những ngày ngay sau 2-9-1945, ông là thứ trưởng Quốc phòng và được giao phụ trách công tác chính trị [Chính ủy toàn quân].

Năm 1956, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Trước Đại hội IV, Lê Duẩn cử ông đi “dự phiên họp đầu khóa của Quốc hội Cuba” và khi trở về thì Đại hội đã xong phần trù bị [làm nhân sự], Hoàng Văn Hoan bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị.

Trên bàn làm việc của Hoàng Văn Hoan được nói là luôn có một cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bằng chữ Hán [của một học giả người Nhật tặng] và một cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Ông vốn sinh ra trong một gia đình nhà Nho, hẳn biết rõ Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, vậy điều gì khiến ông quyết định đến Bắc Kinh khi Bắc Kinh vừa gây ra một cuộc chiến tranh và cả bộ máy tuyên truyền đang khiến nhân dân sục sôi chống “quân bành trướng”?

Ngày 18-5-1991, Hoàng Văn Hoan qua đời ở Bắc Kinh, hưởng thọ 86 tuổi. Theo đề nghị của ông, tro cốt được chia làm ba phần: “Một phần rắc nơi đầu nguồn sông Hồng để tôi được về với Tổ Quốc Việt Nam thân yêu. Một phần lưu lại Trung Quốc để tỏ tấm lòng lưu luyến, biết ơn của tôi với Đảng Cộng sản, nhân dân Trung Quốc và bà con Việt Kiều…”

Phần lưu lại được Bắc Kinh đặt trang trọng ở Bát Bảo Sơn, phần đưa về Việt Nam an táng tại quê nhà. Bia mộ ghi ba chữ, “Trung Chính Công” [bậc trung chính]. Hai bên có đôi câu đối: “Công danh kí sơn hà, thiên thu định luận/ Nhân cách tồn chính sử, lưỡng quốc lưu hương”. Trên đầu bia có dòng chữ “Cao chiêm viễn chúc” [đứng trên cao để nhìn xa]. Dưới ghi ”Kính tùng ngạo băng tuyết” [Cây tùng (cứng cỏi) coi thường băng tuyết. Câu này trích từ một bài thơ chữ Hán của Hoàng Văn Hoan với hai câu đầu, “Kính tùng ngạo băng tuyết/ Hàn đống độc thư nghiên” [Cây tùng cứng cỏi ngạo băng tuyết/ Trong sương giá vẫn một mình tươi xanh].

Sau khi Hoàng Văn Hoan “trốn sang hàng ngũ kẻ xâm lược nước ta” [lời của Tòa án], một người đồng chí của ông là Chu Văn Tấn cũng bị giam giữ. Chu Văn Tấn qua đời trong điều kiện bị giam lỏng vào năm 1985.

Ngày 26-6-1980, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tuyên xử tử hình Hoàng Văn Hoan về tội phản quốc. Báo chí thì đã “xử” ông không biết bao nhiêu giấy mực.

Cứ cho là có “thiên thu định luận”.

Nhắc lại câu chuyện Hoàng Văn Hoan hôm nay chỉ để nói câu chuyện “chơi bài” của Bắc Kinh.

Ông Hoàng Văn Hoan làm Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh từ 1950-1957. Ngay khi có mặt ở TLSQ Trung Quốc ở Karasi, “ông mượn mấy đồng Rupi trả tiền taxi, rồi đi thẳng vào trong nhà tự nhiên như người quen biết cũ”. Khi cầm bức điện Hoàng Văn Hoan thảo gửi Lý Tiên Niệm [CTN], các cán bộ lãnh sự hiểu ngay vấn đề, họ “khẩn trương thu xếp chỗ ở kín đáo” cho ông.

Ngay chiều hôm đó, Bắc Kinh trả lời và chỉ thị đưa ông tới Bắc Kinh “càng sớm càng tốt”.

Việc đầu tiên, Hoàng Văn Hoan được Trung Quốc đưa vào viện 103, nơi các bác sĩ phát hiện ông bị ung thư phổi. Bắc Kinh đã mời Viện trưởng Viện Ung thư Nhật và một đoàn chuyên gia Nhật sang, hội chẩn và cùng các bác sĩ Trung Quốc mổ cho ông.

Ông không chỉ được chăm sóc chu đáo ở bệnh viện. Gần 12 năm ở Trung Quốc, Hoàng Văn Hoan được bố trí ở trong một biệt thự lớn gọi là “Lầu 10” nằm trên một đồi cao, phía trước là một vườn đào rộng mấy hecta, phía sau là núi, phía xa là hồ nước “rộng như hồ Ba Mẫu”.

Lầu 10 nằm ở Ngọc Tuyền Sơn, một khu an dưỡng đặc biệt dành cho lãnh đạo cao cấp. Trong khoảng 1965-1968, Hồ Chí Minh cũng đã mấy lần ở Lầu 1 của Ngọc Tuyền Sơn [cách Lầu 10 hơn 1km].

Ngoài phòng khách, phòng làm việc, phòng giải trí, phòng ngủ, phòng làm thuốc… Lầu 10 còn có nhiều phòng khác cho thư ký, cận vệ, cần vụ, cấp dưỡng, y tá, lái xe… Bắc Kinh cũng dành cho Hoàng Văn Hoan một xe Hồng Kỳ, loại xe chỉ “lãnh đạo tối cao” của Bắc Kinh mới được sử dụng.

Bắc Kinh là thế.

Năm 1970, Norodom Sihanouk bị Lonnon lật đổ khi ông đang ở thăm Mascova. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, Aleksei Kosygin, chỉ cho ông Hoàng biết tin trên đường tống tiễn ra sân bay. Nhưng Bắc Kinh không chơi như vậy. Bắc Kinh vẫn đón Sihanouk theo lịch trình và Chu Ân Lai đã yêu cầu các đại sứ nước ngoài đang ở Bắc Kinh cùng ra bay đón ông Hoàng dù Vua không còn ngai nữa.

Sihanouk cũng ở Ngọc Tuyền Sơn trong nhiều năm với rất nhiều cung nữ và các đầu bếp thượng hạng, có đủ Tây, Tàu.

Bắc Kinh không đặt cược hết vào Khmer Đỏ. Người Trung Quốc biết Pol Pot, Yeng Sary được những người Cộng sản Việt Nam đưa vào Đảng ở Paris. Cũng những người Cộng sản Việt Nam đảm bảo cho Pol Pot, Yeng Sary tiếp tục sinh hoạt trong tổ chức đảng khi quay về Campuchia.

Bắc Kinh thường chỉ hậu thuẫn cho các tổ chức Maoist ở Đông Nam Á như những nhóm phiến quân. Khi đó, Bắc Kinh vẫn tưởng Khmer Đỏ lên nắm quyền thì sẽ thân Hà Nội hơn. Việc để Khmer Đỏ đứng chung với Sihanouk, sử dụng uy tín quốc gia của ông là do nỗ lực nhiều hơn từ Hà Nội.

Từ năm 1973, theo Thượng tướng Trần Văn Trà, “Ta giúp bạn giải phóng các tỉnh phía Đông Campuchia”. Năm 1975, đặc công Việt Nam đã giúp Khmer Đỏ đánh sập cầu Chhroy Chhangva và pháo binh Việt Nam đã khống chế sân bay cũng như hỏa lực của Lonnon, giúp Khmer Đỏ nắm quyền ở Phnom Penh trước khi “giải phóng Sài Gòn” hai tuần.

Tôi vừa đọc xong hồi ký của một người Khmer sống sót qua chế độ Pol Pot. Ông là một trong ba người còn lại trong số khoảng 800 người “Khmer tập kết” mà Hà Nội giao cho Pol Pot, Ieng Sary đầu thập niên 1970s. Rất nhiều người trong số họ đã cố gắng đào thoát sang Việt Nam trước khi Khmer Đỏ lên cầm quyền nhưng đã bị trả lại cho Khmer Đỏ.

Chúng ta đổ xương máu để “rèn” Khmer Đỏ thành một con dao găm. Để rồi Bắc Kinh là người đã nắm đằng cán để thúc lưỡi dao ấy vào sườn phía Tây Nam của Tổ Quốc.

Năm 1990, khi Lê Đức Anh muốn “giải pháp đỏ” thì Bắc Kinh đã chuẩn bị chơi quân cờ khác. Cộng sản Bắc Kinh sử dụng các quân cờ vì nó sử dụng được chứ không vì nó xanh hay đỏ.

Ngày 14-11-1991, khi chiếc Boeing đưa Sihanouk từ Bắc Kinh về lại Phnom Penh, xuất hiện cùng ông ở cầu thang máy bay là Hun Sen. Năm 1998, khi đã thiết lập được những mối quan hệ vững chắc với Phnom Penh, Bắc Kinh cắt hầu bao, Khmer Đỏ mới thực sự tan rã.

Cho dù, trong các cuộc can thiệp quân sự ra nước ngoài trên thế giới từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay, Campuchia là một điển hình thành công. Chính quyền do Việt Nam dựng lên vẫn tồn tại sau 35 năm rút quân. Nhưng, ai thực sự đắc lợi từ chính quyền ấy mới là điều rất cần suy nghĩ.

Trở lại với câu chuyện Hoàng Văn Hoan trong đoạn kết của cuộc chiến tranh Biên giới Việt – Trung.

Ngày 29-3-1990, trong một hội nghị quốc tế kỷ niệm “100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với con trai Hoàng Văn Hoan, ông Hoàng Nhật Tân, “Mình nghe nói Trung ương đã quyết định để Tân sang Trung Quốc thăm cụ Hoan”. Và khi ông Tân đến chào Thứ trưởng Ngoại giao Đinh Nho Liêm thì ông Liêm rất niềm nở và nói là “sẽ cử cán bộ đến nhà bàn việc gia đình sang Bắc Kinh thăm ông cụ”.

Ngày 31-3-1990, hai cán bộ ngoại giao đến nhà chính thức thông báo “việc sang Bắc Kinh thăm ông cụ đã được Trung ương chuẩn y”. Cả Bộ Ngoại giao Việt Nam và Sứ quán Trung Quốc nhanh chóng làm thủ tục để phu nhân, con trai và cháu nội Hoàng Văn Hoan đi Trung Quốc hai tuần sau đó. Họ được đón tiếp nồng hậu tại Cửa khẩu. Ngày 17-4-1990, đích thân Bí thư Khu Tự trị Quảng Tây tiễn ba mẹ con lên một khoang tàu sang trọng chạy đến Bắc Kinh.

Sau một thời gian bố trí cho gia đình thăm thú Trung Quốc và trị bệnh cho bà Hoàng Văn Hoan, chiều 4-7-1990, Giang Trạch Dân tới Ngọc Tuyền Sơn thăm Hoàng Văn Hoan và gia đình. Ngày 7-7-1990, “Hoàng Lão” được mời vào Trung Nam Hải hội kiến với “đồng chí Giang Trạch Dân”, ông Hoàng Nhật Tân và “đích tôn”, Hoàng Thái, cũng được đưa vào để tối ấy Giang Trạch Dân đãi tiệc.

Ngày 12-8-1990, hai ngày sau khi về tới Hà Nội, ông Hoàng Nhật Tân viết thư cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, hôm sau, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho xe Lada tới tận nhà đón ông lên Văn phòng gặp. Tinh thần “cuộc hội đàm” giữa Giang Trạch Dân và Hoàng Văn Hoan đã được Hoàng Nhật Tân chuyển về Hà Nội. Ông Tân sau đó còn tiếp xúc với Nguyễn Cơ Thạch, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng…

Ngày 3-9-1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đi Trung Quốc, một cuộc gặp cấp cao diễn ra bí mật, về sau được biết với tên gọi, “Hội nghị Thành Đô”.

Chúng ta không biết hết những con đường dẫn đến bình thường hóa quan hệ Việt – Trung, nhưng, con đường Hoàng Văn Hoan là rất trực tiếp.

Rồi ai “định luận”.

 

-------------

MỜI NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:

- Cuộc chiến tranh Biên giới 1979l

- Những tấm bản đồ do Trung Quốc và Nhật Bản phát hành không ăn cướp Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Naml

- Không được quên tội ác của bá quyền Trung Quốcl

- Trận chiến cầu Khánh Khê và giờ học lịch sửl

- Vị Xuyên ơi! Nỗi đau không quên!l

- Gạc Ma - Nỗi đau không được quênl

- Vạch trần dã tâm thâm đọc của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đôngl

- Vai trò của Mao Trạch Đông trong chiến dịch tiến chiếm Hoàng Sa năm 1974l

- Cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược: Hoàng Sa năm 1974l

- Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năml

 

Mời nghe ca khúc ĐẤT NƯỚC của Phạm Minh Tuấn

qu giọng hát của nam ca sĩ Tùng Dương:

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả: Huy Đức - nguồn: vietluan

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét