NỐT TRẦM SỐ PHẬN - Tác giả: Bùi Thanh Hiếu (Đức)

Leave a Comment

 


NỐT TRẦM SỐ PHẬN

Tháng 10 năm 1997, tôi trở về nhà sau quãng thời gian dài trong trại cải tạo. Ngôi nhà chỉ còn mẹ tôi đang sống, nhà tôi đầu ngõ giữa nên mẹ tôi sống bằng nghề bán nước chè.

Hơn 20 năm trước đó, năm 1977 gia đình tôi thuộc diện khá giả của ngõ. Trong nhà tôi có tivi Sanyo, xe đạp Pơ Giô, đồng hồ Odo, sập gụ, tủ chè và cả xe máy Cá Xanh. Nhưng tất cả đã là dĩ vãng, trong nhà tôi chẳng còn gì đáng giá, đến cái xe đạp như Hoàn Kiếm cũng không có mà đi.

Tôi bán nước chè phụ giúp mẹ. Thực ra tôi bán là chính, hàng ngày tôi ngồi rót chè và đưa thuốc cho khách. Thuốc lá chẳng lãi là mấy, ăn nhau khoản trà đá và nhân trần. Anh chị em nhà tôi mỗi người ở một nơi, chỉ còn tôi và mẹ sống bằng quán nước chè.

Thu nhập eo hẹp, mỗi sáng tôi chỉ ăn gói xôi, tôi thèm ăn phở lắm. Nhưng một bát phở bằng hơn chục cốc trà đá. Vào dịp có bóng đá, người ta thức đêm nhiều, tôi cố bán thêm đến tận 2 đêm cho những người chờ đến giờ bóng đá, sáng hôm sau mẹ tôi cho tôi thêm tiền ăn sáng, mẹ bảo.

- Con ra mà ăn bát phở.

Tuy bán quán nước chè, sẵn thuốc lá. Tôi chỉ hút thuốc lào, chỉ sau bữa ăn tôi mới hút một điêú thuốc Vina. Lúc ấý nhấp mỗi hơi thuốc là mỗi lần cảm như đang hưởng thụ cao.

Xã hội thời ấy đã nhiều người giàu, nhiều người đi xe Dream hàng chục vé, họ ăn nhậu, uống bia và cười nói sang sảng. Mỗi lần họ ngồi quán tôi, nói những chuyện làm lớn. Khi họ đứng dậy rời đi, tôi vuốt những tờ 1 nghìn, 1 nghìn thật phẳng phiu và để ngăn nắp trong cái ngăn kéo bàn bán nước.

Nhờ mới ở tù ra, nên nhu cầu của tôi rất tối thiểu. Quần áo tôi mặc thừa của anh tôi, cơm chỉ cần ít quả trứng tráng là đủ, hai mẹ con tôi bữa cơm chỉ nửa mớ rau muống luộc và 3 quả trứng gà hay 2 quả trứng vịt tráng là ngon lành. Hoặc miếng thịt ba chỉ nhỏ luộc lấy nước nấu rau cải, còn thịt thái mỏng chấm nước mắm đã tươm rồi.

Tôi không dám nói với mẹ, rằng tôi sống ở trong tù còn sướng hơn. Ở trong tù tôi là đội trưởng, cơm ăn có cả thịt gà, thuốc lá lúc nào cũng sẵn một bao. Ở trong tù nhiều người nể sợ tôi. Nhưng về nhà bán nước chè với mẹ, người ta vào quán hất hàm quát cho cốc nhân trần, tôi cun cút rót nước, bỏ đá và đưa họ nói.

- Anh ơi, nước của anh đây ạ.

Chiến hữu cũ của tôi, đàn em, bạn bè ở trong tù về. Họ tạt qua nhà tôi, nói làm chuyện này kia. Tôi lắc đầu thoái thác, vài lần như thế họ tỏ vẻ thất vọng về tôi mà bỏ đi không quay lại nữa.

Cách vài ngày tôi mua tờ báo mua bán, ở đó có mục tuyển việc làm. Rất khó cho tôi, trình độ bằng cấp không có gì, xe máy không có, kinh nghiệm không. Mà toàn phải qua trung tâm môi giới việc làm, tôi mượn xe đạp mang hồ sơ lý lịch chỉ có điểm sáng nhất là từng hoàn thành nghĩa vụ quân sự và vóc dáng khoẻ mạnh của tuổi 26. Tôi chỉ phù hợp với việc làm bảo vệ, lao động phổ thông...nhưng những nơi nhân việc làm người ta nghĩ con trai phố cổ Hà Nội chả ai làm việc ấy. Họ chọn người ngoài tỉnh chăm chỉ, dễ bảo. Chẳng tội gì mướn trai thành thị vừa lười vừa láo, có khi còn trộm cắp.

Những ngày sáng mượn xe đạp hàng xóm đi xin việc, dắt tờ báo mua bán đã khoanh những mục phù hợp với mình, đạp đi rồi lại đạp về. Mẹ hỏi được việc gì không con, tôi lắc đầu. Mẹ bảo thôi cứ từ từ bán hàng phụ cho mẹ cũng được.

Rồi bỗng nhiên tôi có việc, việc rất lạ, đó là đi trông người.

Số là hồi choai choai tôi chơi với nhà anh em thằng Tùng ở 56 Bà Triệu, cả ba anh em nhà đó sàn sàn chênh nhau một hai năm. Thằng Bê là thằng út được chiều quá thành ra cờ bạc và nghiện ngập. Năm 1987 nhà ấy cũng nghèo, làm nghề sơn khung xe đạp, cả ba anh em tuổi choai choai đều phải thằng giũa khung, thằng đánh giấy ráp, thằng sơn. Rồi thời nhà mặt phố có giá, nhà họ mở hiệu sách Hoa Niên, bắt mối với nhà xuất bản in sách và lịch cuốn treo tường, tiền đổ về ùn ùn trở thành giàu có nhất nhì cái đoạn Bà Triệu từ Lý Thường Kiệt đến Trần Hưng Đạo.

Tuy nhiên bà mẹ lại khổ vì thằng Bê út, ngày bà quản lý cửa hàng đếm tiền và nghe điện thoại đã mệt. Đêm bà thuê người chở đi tìm con. Một đêm bà gõ cửa nhà tôi hỏi có thấy thằng Bê qua đây không. Tôi nói không, bà cứ đứng cửa nhà tôi như người mất hồn, có lẽ bà ấy tuyệt vọng không biết tìm con ở đâu. Tôi chờ bà đi để đóng cửa ngủ tiếp, bà bỗng bảo:

- Bác không sống nổi, bác mệt mỏi quá rồi. Hay cháu giúp bác đi tìm nó. Thằng này nó cũng mệt rồi, mai nó còn phải làm (bà chỉ sang cậu nhân viên của bà).

Bà không để tôi trả lời, bà dúi cho tôi mấy chục nghìn, rồi bà bảo người đi cùng đưa cái xe Dream cho tôi. Còn bà và cậu nhân viên ấy đi taxi về.

Mấy chục nghìn tôi có bán hàng cả ngày tính cả vốn lẫn lãi còn không được. Tôi vào nhà lấy áo, lên xe và đi tìm thằng bạn thưở thiếu thời. Tôi chẳng tìm gì cả, tôi ra ga Trần Quý Cáp làm một bát phở gà rồi ngồi ở quán nước. Nửa tiếng sau có cái xe ôm chở một khách đỗ lại, khách ấy chính là thằng Bê. Nó trả tiền xe, tay xoa mũi liên tục. Tôi gọi nó, nó quay lại nhìn tôi ngạc nhiên, sau nó nhìn thấy cái xe nhà nó tôi đi, hỏi mẹ tôi bảo ông đi tìm tôi à? Tôi gật đầu, nó chả nói gì leo lên xe để tôi chở về nhà.

Thằng Bê là một thằng ngỗ ngược, nhà nó lại giàu, nó đánh chém nhau với ai, mẹ nó lại lo công an cho nó về, nó cũng từng đi tù và nhờ có tiền trong tù nó cũng sướng. Chẳng ai có thể bảo được nó. Mẹ nó có đi cùng ai gặp gọi nó cũng chẳng về, nó còn quát lại ầm ĩ, không người nào dám cản. Nó cậy tiền, cậy thế không nghe ai. Tuy nhiên trong sâu thẳm nó rất tình nghĩa. Năm tôi và nó 15 tuổi, nhà nghèo và bế tắc, hai thằng bỏ đi bụi đời, lên tận Móng Cái xin làm đàn em của người ta để kiếm miếng ăn. Tiếng lóng giang hồ gọi bọn tôi là bọn ''chíp''. Sau một tuần ở đó thì nó khóc vì nhớ nhà, nó van xin tôi đi về, nó nhớ mẹ nó. Chúng tôi ra đường bắt xe về, tiền chỉ có một ít trả tiền xe, khi xe vào quán ăn ở Tiên Yên, hai thằng ở ngoài bụng đói meo, nó đi nhặt mẩu thuốc lá người ta vất đi, đưa cho tôi bảo hút cho đỡ đói, tỉnh người chút ông ạ.

Mẹ nó thấy không mất thời gian nhiều, chỉ có hai tiếng tôi đã chở nó về nhà. Thái độ nó về nhà cũng ngoan. Lúc tôi trả xe nhà nó, đi ra đường gọi xe ôm về. Nó nhìn tôi đầy luyến tiếc, nói ông không ở luôn đây được à.

Mấy hôm sau mẹ nó đến tìm tôi, bà nói tôi giúp bà về nhà bà trông nó, chơi với nó. Tháng bà trả công tôi như người đi làm. Tôi bảo làm gì có nghề nào như thế, bà bảo cháu với nó chơi với nhau từ bé, cháu làm thế là giúp nó. Thằng này nó chẳng nghe ai, bác cũng thuê người đi canh nó, nhưng nó đánh cả người ta, ai cũng sợ. Có cháu là bảo nó về là nó về thôi. Bác biết nó không bỏ được nghiện, nhưng nếu nó chơi xong mà về nhà, lỡ có sao còn lo được. Chứ nó đi lang thang biệt tích, sốc thuốc thì mất xác nơi nào chẳng biết nữa.

Tôi khăn gói đến nhà nó ở, thằng Bê là thằng nghiện lạ lùng nhất mà tôi gặp. Nó có thể cả tuần không dùng thuốc, nhưng bất chợt lại dùng vài hôm. Nó rất tử tế với tôi, chẳng bao giờ nó để tôi vào thế khó xử. Trước kia nó giận dữ gì, nó đập phá đồ đạc, chửi bới loạn nhà. Nhưng có tôi thường nó không làm thế, cùng lắm nó vùng vằng rồi bỏ lên gác chơi điện tử hoặc xem phim.

Có đêm nó nói, ông ơi tôi ở nhà cuồng quá, ra ngoài loanh quanh lại thèm thuốc. Ông lấy xe chở tôi đi thật xa, chỗ thật lạ tôi không quen ai mua thuốc hộ, hết cơn thèm chúng mình lại về. Đêm ấy tôi chở nó đi mãi đến Ninh Bình rồi quay về.

Được hai năm như thế, Bê cũng thuần tính hơn. Mẹ nó cũng không cần tôi nữa, tôi biết ý xin về.

Tôi lại bán nước chè phụ cho mẹ, rồi xin được đi làm phụ việc ở một xưởng làm biển quảng cáo. Tôi mua được con xe máy Tàu để hàng ngày đi làm.

Sau này quãng đời tôi còn nhiều khúc thăng trầm nữa. Ngay kể cả bây giờ.

Nhưng nếu ai hỏi lúc nào trong đời tôi, tôi cảm thấy tự hào về mình nhất. Tôi thành thật nói, đó là quãng đời tôi bán nước chè phụ giúp cho mẹ tôi. Từ chối tất cả những tiếng gọi của giang hồ, nhặt từng đồng rau cháo cùng mẹ sống qua ngày, đợi tìm công việc lao động chân tay chân chính. Nếu như lúc ấy tôi không kìm sự hiếu thắng, sự tự ái của tuổi hai mấy đầy sục sôi đua tranh với đời. Tôi đi theo tiếng gọi của những người bạn tù, bạn xã hội đen. Có lẽ đời tôi nay đã khác.

À mà phải nhắc kẻo các bạn bị cuốn theo câu chuyện tôi kể, thực ra câu chuyện này tôi muốn giải thích vì sao tôi cứ hay nấu phở và vì sao tôi thích bán đồng hồ cũ, xe đạp cũ, cũng như tôi treo dòng slogan Thích Uống Trà Mạn.

-------

Nguồn:https://www.facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/pfbid0DGCDoM1Rk1XHQciXoGQ2cbgCq1YQMh239DFtHCsYQ22ayviiFpbyXYRcuVFgtnBsl

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ HỒN QUÊ:


BÙI THANH HIẾU (Người Buôn Gió)

Quê quán: huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Nơi sinh: Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cư trú tại: thành phố Berlin, Liên bang Đức.

 

 

 

 

 

.............................................................................................

- Cập nhật nguyên bản từ facebook Bùi Thanh Hiếu ngày 26.04.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến       

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét