Theo các tài liệu cổ để lại thì Hồ Quý Ly vốn quê
ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An sau đó di cư ra làng Đại Lại (huyện Hà Trung,
tỉnh Thanh Hoá). Vì ông có hai bà cô ruột là vợ của vua Trần Minh Tông nên được
đưa vào cung giúp việc từ khi còn trẻ. Do có tư chất thông minh lại chăm chỉ
học tập rèn luyện nên dần dần đã trở thành một người tài năng xuất chúng. Do
tài năng xuất sắc đó nên ông được giao giữ các chức vụ quan trọng trong triều
đình. Nhân lúc triều Trần suy yếu, ông đã thừa cơ lật đổ nhà Trần, lập ra nhà
Hồ vào năm 1400. Ông lên làm vua được một năm thì nhường ngôi cho con thứ là Hồ
Hán Thương còn mình thì làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1407 quân Minh mượn cớ phù
Trần diệt Hồ kéo quân sang xâm lược nước ta. Cha con Hồ Quý Ly lãnh đạo nhân
dân chống lại nhưng cuối cùng cũng bị thất bại. Hồ Quý Ly dẫn gia quyến chạy
vào đến huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) thì bị bắt rồi bị giải về Kim Lăng. Người
ta nói rằng ông và Hồ Hán Thương bị giặc giết trong năm đó (1407).
Cuộc đời của Hồ Quý Ly để lại rất nhiều tranh cãi
cho hậu thế. Xét tư cách là một bề tôi, Hồ Quý Ly là một phản đồ vì ông đã nhân
lúc triều đình suy yếu đã cướp ngôi. Tuy nhiên nếu xét về tư cách một nhà chính
trị thì ông là một người lãnh đạo có tài năng. Lịch sử đã chứng minh rằng, khi
lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, Hồ Quý Ly đã có những cải cách rất táo bạo để
đưa đất nước thoát khỏi tình trạng suy thoái. Ông ban hành các quy tắc hạn
điền, hạn nô đối với tầng lớp quý tộc, đặt lại chế độ thuế má, cho phát hành
tiền giấy, quy định lại các căn cứ đo lường... Ông cũng cho lập các sở Quảng
tế, xây dựng các kho lúa để phục vụ cho việc cứu tế xã hội những khi mất mùa
đói kém... Về quân sự, ông tổ chức lại quân đội, bố trí phòng thủ ở khu vực
biên giới. Ông cũng đã nhiều lần đưa quân đi đánh Chiêm Thành để mở mang bờ cõi
về phía Nam... Và ông cũng chú trọng vào việc phô trương thanh thế để thu phục
nhân tâm. Tuy nhiên những cố gắng cải cách của ông không đem lại kết quả như
ông mong muốn mặc dù các chính sách đó cũng đã đem lại một ít thay đổi cho đất
nước. Điều quan trọng nhất khiến ông không thành công là vì ông không thu được
lòng dân. Thời bấy giờ người ta coi ông là một kẻ cướp ngôi nên rất ít người
coi ông là vua thực sự, vì lẽ đó mà khi quân Minh sang xâm lược thì ông nhanh
chóng bị thất bại khiến đất nước rơi vào tay giặc.
Từ trước đến nay, theo cách
nghĩ thông thường người đời chỉ biết đến Hồ Quý Ly với tư cách là một nhà chính
trị, nhưng thực ra Hồ Quý Ly còn là một thầy giáo có tiếng tăm lúc bấy giờ với
những chính sách cải cách giáo dục rất táo bạo. Khi còn là một vị quan triều
Trần, ông đã đảm nhiệm việc dạy dỗ con em Hoàng tộc và khi đã nắm được quyền
lực thì ông càng có điều kiện thi thố những cải cách của mình. Ông đã cho thực
thi nhiều chính sách mới như: Sửa đổi phép thi cử (buộc tất cả các thí sinh
phải thi môn Toán và chính tả); mở thư viện quốc gia rồi cho người sưu tầm sách
vở làm tài liệu tham khảo; lập trường học ở các địa phương rồi cấp đất để làm
ruộng học điền; ông cho sưu tầm gia phả các dòng họ trong nước đưa về kinh đô
để tiện lợi cho việc tra cứu, thống kê... Những việc mà Hồ Quý Ly đã làm có ý
nghĩa rất lớn đối với sự phát triển giáo dục. Không những thế, Hồ Quý Ly còn có
những ý kiến mạnh dạn, độc đáo trong vấn đề học thuật.
Ông đã thẳng thắn vạch ra những chỗ đáng nghi ngờ
trong kinh điển Nho giáo, ông cho rằng Khổng Tử không xứng đáng đứng đầu Nho
gia như mọi người vẫn hằng xưng tụng. Ông phủ nhận giá trị của những nhà Nho
bậc thầy đời Tống, đời Đường. Ông cho rằng Hàn Dũ là một nhà Nho ăn trộm, còn
Trình Tử, Chư Tử là những người học rộng nhưng không có thực tài chỉ chuyên đi
ăn cắp văn chương tư tưởng của người khác. Ông cũng tỏ thái độ khinh ghét ra
mặt với những bọn hủ nho quá câu nệ vào khuôn phép, ông cho những người này là:
"Người câm hay nói, chỉ tổ mua cười". Ông còn dịch một số đoạn
trong Kinh thư ra chữ Nôm để làm tư liệu giảng dạy.
Những điều đã phân tích ở trên cho thấy rằng Hồ Quý
Ly là người có những cải biến độc lập, mới mẻ cả trong giáo dục cũng như học
thuật. Chúng ta phải công nhận rằng, Hồ Quý Ly không chỉ khác biệt với các sỹ
phu, thầy giáo đương thời mà nếu so trong cả quá trình phát triển của giáo dục
phong kiến Việt Nam thì ông cũng là một trường hợp khó có thể lặp lại. Như vậy,
cho dù là đúng hay sai thì Hồ Quý Ly cũng để lại một dấu ấn đặc biệt trong lịch
sử giáo dục Việt Nam.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của
tác giả gửi qua email ngày 31.07.2015
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét