(Nguồn ảnh: Internet) |
Chuyện về sếp
LÀ NGƯỜI QUÁ CHẶT CHẼ
Một
ngày, tôi đang đi trên đường thì bắt gặp Giang- cô bạn học cũng khóa đi ngược
chiều. Nhận ra nhau, chúng tôi cùng dừng xe mừng rỡ và rủ nhau vào quán cà phê
bên đường, vừa uống nước vừa hàn huyên tâm sự. Tôi bèn lên tiếng trước:
- Lâu
lắm rồi không gặp, dạo này cậu công tác ở đâu?
- Mình
làm cho một công ty liên doanh với Nhật, chỉ cách nhà có 3 km thôi.
- Thế
thì hay quá còn gì?! Lương có khá không?
- Cũng
được 300 “đô” cậu ạ!
- Trời
ơi, vậy còn gì bằng! Nhất cậu đấy! Mà sao: trông cậu ủi xìu thế kia?
- Đúng
là lương cao, lại được làm việc gần nhà nhưng… Sếp của mình thì không thể chịu
được! Ông ấy chặt chẽ, tính toán đến phát sợ!
- Thế
à? Kể cho mình nghe đi!
Và câu
chuyện bắt đầu…
Sếp
của Giang là người Nhật, giỏi giang và rất tháo vát trong làm ăn. Đi ra ngoài,
ai cũng khen ông lịch thiệp và phóng khoáng, thế nhưng… “có
ở trong chăn mới
biết chăn có rận”, chỉ có nhân viên trong công ty là hiểu rõ nhất con người của
Sếp khi ở công ty như thế nào.
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng) |
Ngày
đầu đi làm, Giang rất háo hức, chuyện gì cũng muốn biết, đặc biệt là về ông chủ
mới của mình. thế nhưng đáp lại câu hỏi của Giang chỉ là những nụ cười đầy ẩn ý
và duy nhất một câu nói: “Rồi em sẽ biết ngay thôi!”. Đầu giờ, Sếp đưa cô một
bản dài 4 trang A4 trong đó ghi toàn bộ nội quy của công ty, phía dưới cùng là
một dòng chữ in đậm: “Ai vi phạm sẽ bị phạt tùy theo mức độ nặng, nhẹ từ 20.000
VND đến 200.000 VND”. Cô bắt đầu thấy lo và liền vội đọc các quy định ấy. Chao
ôi! Nào là: ăn trưa nghỉ 30 phút, cấm nói chuyện trong giờ làm, cấm đi vệ sinh
quá hai lần/buổi, cấm sử dụng điện thoại quá 10 phút, cấm đi muộn quá 5 phút,
cấm gặp gỡ người nhà trong giờ làm việc.v.v. và .v.v. Càng đọc, Giang càng thấy
toát mồ hôi. làm việc ở công ty cũ, tuy lương thấp thật và môi trường làm việc
cũng thua xa ở đây nhưng cô được thoải mái hơn rất nhiều. Mới đọc qua các nội
quy, cô đã cảm tưởng mình sắp biến thành một robot chứ không còn là con người
nữa…
Lần
thứ nhất, chị họ cô từ trong thành phố Hồ Chí Minh gọi điện ra vì lâu lắm hai
chị em không được nói chuyện với nhau nên đến khi sực nhớ ra thì đã 15 phút
điện thoại. Vì Sếp hàng ngày luôn dành thời gian để đi dò xét, kiểm tra thái độ
làm việc của nhân viên nên khi Giang quay đầu lại, Sếp đã đứng ở đằng sau lưng
và… xem đồng hồ. Vậy là bị phạt!
Lần
thứ hai, em gái Giang thấy cô quên chìa khóa nên đến công ty đưa chìa khóa cho
chị. Giang biết đang giờ làm nên cầm chìa khóa xong, chẳng kịp nói với cô em
câu gì, cô ù té chạy vào phòng làm việc. Vẫn bị Sếp phát hiện và… lại phạt, dù
cô mới chỉ đi có 3 phút!
Lần
thứ ba, nghỉ trưa có 30 phút nhưng vì bị đau bụng nên đến khi Giang ngồi vào
bàn ăn thì đã mất 20 phút rồi. Cô ăn vội ăn vàng mà vẫn bị quá 5 phút. Lại phạt!
Càng
ngày cô càng thấy sợ khuôn mặt của Sếp. Ngoài việc phải làm, làm và làm ra, Sếp
cô không cần quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Tuy chế độ đãi ngộ của công ty
khá tốt nhưng Giang cảm thấy như mình đang… đi tù, làm gì cũng cản thấy bị theo
dõi. Cô luôn phải tắt máy trong giờ làm việc vì sợ ai gọi đến, mình không nghe
được thì có lỗi với họ mà nghe thì mắc lỗi với Sếp. Giang thấy mình bị gò ép
quá! Mặc dù thực sự có năng lực và trách nhiệm trong công việc, thừa sức đảm
đương công việc ở đây nhưng cô đang có ý định đi tìm một “bến đậu” mới…
- Lời bàn
Không
phải chỉ có người nước ngoài như Sếp của Giang mới quản lý nhân viên theo cách
đó, mà ngay cả những ông chủ “nội địa” chính gốc, nhiều người cũng làm như vậy.
Với họ, thời gian là kim cương; vì thế không thể không giám sát nhân viên dù
chỉ một giây lơi lỏng một chút là họ sợ nhân viên bỏ bê công việc ngay. Giang
thấy mình như bị giam lỏng cũng đúng, bởi giờ làm việc là thời gian “bất khả
xâm phạm” của cô. Cô không được nghe điện thoại lâu, không được ra ngoài gặp
người nhà và cũng không được phép nói chuyện dăm ba câu với bạn đồng nghiệp.
Công việc tuy không phức tạp nhưng Giang luôn thấy mình như sắp biến thành một
robot vô cảm, chỉ biết làm việc và ăn trưa khi đến giờ. Hơn nữa, thật là khó
chịu khi làm việc mà luôn có cảm giác bị người khác theo dõi từng cử động của
mình. Sếp của cô hoàn toàn không có lòng tin với nhân viên, luôn sợ nhân viên
“ăn cắp” vài phút làm việc nên cảm thất cần phải giám sát gắt gao họ. Thật đáng
sợ khi gặp một ông chủ như vậy, phải không bạn?
- Lời khuyên
+ Đối với nhân viên
Chẳng
ai lại thích một ông chủ quá chặt chẽ cả! Không chỉ bạn mà tất cả các nhân viên
khác đều cảm thấy “nghẹt thở” trong sự quản lý của Sếp. Không dừng lại ở đó,
mọi người đều thấy ghét và muốn đối đầu với ông ta. Gặp một ông chủ hay xét nét
như vậy, bạn không còn cách nào khác là phải đồi đầu với ông ta. Nhưng bằng
cách nào đây?
+ Thứ
nhất: Bạn nên nhớ, Sếp không theo dõi bạn 24/24h được! Ngoài bạn ra, ông ta còn
phải theo sát cả những nhân viên khác nữa, còn phải ra ngoài gặp gỡ đối tác, ký
kết hợp đồng… Hay tận dụng những cơ hội này để tự cho phép mình “xả hơi” một
chút!
+ Khi
có điện thoại gọi đến, hãy vừa nghe điện vừa quan sát xung quanh, và khi thấy
bóng Sếp từ xa thì phải lập tức tắt máy hoặc vờ như đang bàn việc với khách
hàng của công ty.
+ Nhìn
thấy Sếp bạn phải làm ra vẻ như đang bận túi bụi với một núi công việc. Chắc
chắn là Sếp sẽ rất hài lòng!
+ Hãy
làm thân với thư ký của ông chủ để biết chắc khi nào Sếp ra ngoài. Lúc ấy bạn
tha hồ cùng với các đồng nghiệp khác nói xấu ông ấy và nói đủ chuyện trên trời
dưới đất để thư giãn sau những phút cực kỳ căng thẳng trong “tầm ngắm” của Sếp.
+ Và
cuối cùng, nếu bạn cảm thấy áp lực tâm lý quá lớn, bạn luôn khó chịu vì vừa làm
vừa bị theo dõi hoặc mỗi khi thấy mặt Sếp là… “ghét không chịu được” thì tức là
đến lúc bạn nên nói lời từ biệt Sếp rồi đấy. Dù mức lương cao đến mấy cũng đừng
có hối tiếc vì nó không thể bù đắp lại được những stress mà Sếp tạo ra cho bạn
đâu! Hãy tìm cho mình một môi trường làm việc mới, nơi bạn cảm thấy mình là một
con người chứ không phải là một robot.
+ Đối với Sếp
Tự bạn
thì cho rằng mình là một nhà quản lý quy củ, giờ giấc và nghiêm túc trong công
việc chứ nhất định không chịu nhận mình là ông chủ chặt chẽ ư? Bởi vì chính bạn
cũng hiểu rằng quá chặt chẽ là một tính xấu không nên có của một ông chủ. Vậy
thì hãy thử trắc nghiệm xem bạn có phải là ông chủ quá “chắc” không nhé? Nếu
bạn đã từng làm những điều sau với nhân viên của mình thì bạn đích thị là nhà
quản lý nhỏ nhen, chặt chẽ và tính toán rồi đấy!
+ Cho
dù công việc không phải là quá nhiều nhưng bạn luôn tính toán thời gian chặt
chẽ để cấp dưới không bao giờ cảm thấy được về sớm.
+ Bạn
luôn thấy khó chịu khi nhân viên nói chuyện với nhau hoặc bỏ thời gian trò
chuyện với ai đó qua điện thoại (dù chỉ 5 - 10 phút).
+ Bạn
quy định thời gian nghỉ trưa của nhân viên không bao giờ quá 1h đồng hồ.
+ Bạn
không cho phép nhân viên đi làm muộn quá 5 phút.
+ Bạn
khó chịu ra mặt nếu nhân viên dùng điện thoại công ty gọi ra ngoài (cho dù vì
bất cứ lý do gì cũng không được).
+ Bạn
cảm thấy nếu mình không giám sát chặt chẽ nhân viên thì họ không bao giờ hoàn
thành tốt công việc.
+ Bạn
rất ghét nhân viên nào viện cớ đi toilet nhiều lần trong giờ làm việc.
+ Theo
bạn, đã là giờ làm việc thì không ai được tự ý bỏ ra ngoài vì việc riêng.
Bạn đã
bao giờ có suy nghĩ như trên chưa? nếu rồi thì bạn nên suy nghĩ lại đi thôi.
Không phải cứ làm như vậy thì sẽ đạt năng suất và hiệu quả cao trong công việc.
Nhỏ nhen và dò xét thái quá chỉ khiến nhân viên cảm thấy không thoải mái nên
không thể chuyên tâm vào công việc được. Hơn nữa, họ sẽ có ác cảm với bạn và tỏ
ra xa lánh, có khi còn tìm mọi cách để đối phó với bạn nữa. Khi bạn ra khỏi
công ty là lập tức họ sẽ không làm việc nữa và nói xấu bạn cho đến khi nào bạn
về mới thôi. Bạn sẽ không tìm đựoc nhân viên giỏi, giàu nhiệt huyết, mà dù có
thì rồi họ cũng sớm dời bỏ ông chủ như bạn mà ra đi, chỉ còn những nhân viên
bình thường hoặc chưa tìm được chỗ làm khác thì mới chịu ở lại với công ty.
Bạn
nên nhớ rằng có rất nhiều cách khiến nhân viên làm việc hết mình vì công ty,
trong đó không bao giờ được tách rời với việc đáp ứng các nhu cầu của họ. Công
ty phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tạo ra phong cách làm việc chuyên nghiệp
nhưng không gò bó thì mới giữ chân nhân viên được lâu dài. Còn như cách của
bạn, tưởng chừng sẽ khiến cấp dưới thấy bị giám sát mà phải làm việc hết mình,
thấy Sếp quản lý chặt mà không dám lơ là thì hoàn toàn sai lầm! Bạn có
nhớ câu: “Ở đâu có áp lực thì ở đó có đấu tranh” không? Khi cảm thấy không thể
chịu nổi tính cách nhỏ nhen, chặt chẽ của ông chủ nữa thì họ sẵn sàng ra đi
không chút hối tiếc đâu! Và lúc ấy, chính bạn sẽ là người hối tiếc đấy! Hãy
luôn linh động và mềm dẻo trong cách quản lý thì mới đạt được điều mà mình mong
muốn.
*.
NGUYỄN THỊ HỒNG
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét