CƯƠNG QUYẾT VỚI SỞ THÍCH CỦA CON - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment

CƯƠNG QUYẾT VỚI
SỞ THÍCH CỦA CON
...........................................................

Trong cuộc sống, cách ứng xử của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Không hẳn cha mẹ chỉ bảo con nên hay không nên làm việc này hay việc kia là chúng đã nghe theo mà sự gương mẫu có hiệu lực mạnh mẽ hơn những lời nói lý thuyết. Vì không có gì làm chúng thích thú hơn là bắt chước cha mẹ.
 Khi còn nhỏ, đứa trẻ nín khóc ngay khi bồng ra khỏi nôi, không phải nó khóc vì đau đớn, vì không thể hết đau đớn trong phút chốc như thế được mà nó khóc chỉ cốt được bế ẵm, nâng niu. Đó cũng chính là ý muốn khống chế người khác. Vì vậy không thể nhượng bộ trước những sở thích mới chớm nở của đứa trẻ mà chiều theo những ý thích thay đổi của chúng, nếu không chúng sẽ nhanh chóng biến thành "bạo chúa" ưa làm khổ người khác một cách không cần thiết.
Cha mẹ phải cương quyết đối với con cái ngay từ đầu, không nên sợ như vậy là thiếu tình thương yêu với con. Một đứa trẻ ngày hôm qua đòi mua được cái này thì ngày mai nhất thiết phải đòi mua được cái khác. Nếu không đáp ứng ngay được thì nó sẽ tỏ ra phụng phịu, cáu kỉnh, thậm chí không muốn học, vì nó cho rằng đáp ứng những đòi hỏi ấy là chuyện đương nhiên.
Có nhiều bậc cha mẹ lại nói rằng "nhà chỉ có mỗi mình nó, chẳng đáp ứng cho nó thì để làm gì" hay là "có tốn kém gì! Nó thích gì thì chiều nó cái đấy"... Đó thật sự là một sai lầm. Chiều con kiểu ấy sẽ không có lợi gì cho hạnh phúc cá nhân và sức khỏe của chúng. Và khi đứa trẻ đã được "no đủ" sự chiều chuộng, nó sẽ không biết đến giá trị của sự quan tâm, săn sóc và tình yêu thương của cha mẹ nữa.
Khi cứ muốn gì được nấy, trẻ sẽ tập một thói quen để thỏa mãn, mà người lớn thì thấy rất mệt mỏi để đi theo chúng. Đến lúc sự mệt mỏi ấy quá sức, bắt buộc người lớn phải thôi không chiều chuộng nữa và khi ấy mâu thuẫn giữa con trẻ và bố mẹ sẽ khó mà tránh khỏi.
Nhất thiết trẻ con phải sớm học vâng lời, bố mẹ đã bảo không thì không thể làm trái ý. Đó là kỷ luật mà cha mẹ không được sơ suất dù chỉ rất nhỏ để con dám mạo hiểm trái lệnh. Một khi, đứa trẻ đã dám trái lời dặn thì nên đánh nhẹ (nhưng phải thật sự tỏ ra nghiêm khắc) để nó tập tự kiểm soát mình.
Tất nhiên không nên đòi hỏi ở con nhiều trong một lúc. Một người mẹ khôn ngoan hiểu rằng một vật gì mà trẻ không thể động tới, một trò chơi gì mà chúng không được phép chơi, những thứ gì chúng đòi mà mình không thể mua được... Từ từ trẻ sẽ hiểu được cái gì được, cái gì không được. Tập tránh được những điều cấm như vậy trẻ sẽ học được sự vâng lời tích cực. Để đạt được thành công cần phải cư xử với chúng một cách lịch sự và nên dùng phương pháp đề phòng hậu quả hơn là ra lệnh cộc lốc.
Nhưng cũng có những đứa trẻ luôn từ chối không vâng lời cho dù cha mẹ luôn ân cần, dịu dàng chăm sóc chúng. Trong những trường hợp như vậy thì chỉ nên cho nó chọn một trong hai con đường: Một là bị phạt giam giữ trong phòng; hai là không được một món quà gì đó mà nó yêu thích. Tốt hơn hết là đừng để tính cứng đầu của con cái phải chống với sự giận dữ của cha mẹ, vì như vậy cũng không có kết quả gì.
Trẻ càng lớn thì sự trừng phạt phải thế nào cho chúng hiểu rằng đó là kết quả của lỗi lầm chúng gây ra. Nếu chúng hay cãi lộn với anh em, chúng bạn thì nên bắt chúng trong phòng và giải thích như vậy là để yên tĩnh cho những người khác. Nếu đứa trẻ hay càu nhàu thì nên bắt chúng đứng riêng ra một nơi và bảo cho chúng biết rằng không ai ưa cái tính ấy của chúng. Nếu một đứa trẻ luôn bắt bố mẹ phải mua cái này cái nọ thì hãy nói rằng bố mẹ còn đang rất vất vả, khó khăn, chưa có nhiều tiền để mua tất cả những thứ ấy cho con được...
Cương quyết trước những sở thích của con cái là việc làm của tất cả mọi người trong gia đình. Hết sức tránh việc bố thì cương quyết, còn mẹ thì nuông chiều, con muốn gì, làm gì thì đều hưởng ứng, như vậy sẽ nắm chắc sự thất bại ngay từ đầu.
*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 23.12.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.


0 comments:

Đăng nhận xét