CHIẾN TRANH BÍ MẬT của C.I.A LÀ GÌ - Tác giả: Giáp Kiều Hưng (Bắc Giang)

Leave a Comment
William Colby (đeo kính) - Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) -
CHIẾN TRANH BÍ MẬT
của C.I.A LÀ GÌ
*

Vào khoảng những năm 50, phần lớn những hoạt động bí mật của C.I.A đều hãy còn chưa tinh vi và phức tạp như những hoạt động mà cựu Cục trưởng Bít-xen đã biện hộ vào những năm 1960. Những hoạt động thời trước đó đều chưa chuyên chú đến việc lật đổ các chế độ “kém tổ chức” đang ngày càng gia tăng về số lượng của thế giới thứ ba. C.I.A hoạt động chống các nước Cộng sản ở châu Âu và châu Á nhưng chủ yếu là tuyên truyền bí mật và cho điệp viên xâm nhập để nắm thanh niên, công nhân, cơ quan văn hoá... Những hoạt động bán quân sự, lật đổ và chống lật đổ đều diễn ra ở châu Á, Châu phi và châu Mỹ La-tinh trong các nước mà hoạt động bí mật chín muồi đã cho phép C.I.A “tả xung hữu đột”.
Một trong những điển hình về loại hoạt động bí mật của C.I.A vào những năm 1950 là các hành động của Đại tá không quân Et-nốt Lên-xđên. Những thành tích của ông đem lại cho C.I.A ở Philipin và ở Việt Nam vang dội đến nỗi ba nhà văn đã lấy nguồn cảm hứng để xây dựng nên nhân vật chính của hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng là cuốn “Người Mỹ bần tiện” (The Ugly American) của Uyliam J.Li-đi-rơ và Ơ-gin Bơ-đích và cuốn “Người Mỹ trầm lặng” (The Quite American) của Graham Grin. Trong cuốn thứ nhất, nhân vật chính là một tên kiêu ngạo ngu dại. 
Vào đầu những năm 1950, Lên-xđên được phái sang Philippin với chức vụ cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ra-mon Mắc-xay-xay (sau này ông này lên làm Tổng thống) để chống lại chiến tranh du kích Húc ở Philippin. Dựa vào ý kiến của cố vấn Lên-xđên, Mắc-xay-xay đã đề ra những biện pháp xã hội và tung kế hoạch cải cách ruộng đất để tách nông dân ra khỏi phong trào Húc. Hơn nữa, Lên-xđên còn tung ra nhiều kế hoạch khác như lập phòng dân sự Philippin phụ trách về chiến tranh tâm lý với ngân sách hàng triệu đôla của Chính phủ Mỹ.
Sau khi phỏng vấn Lên-xđên (hiện nay ông đã về hưu), nhà báo Xtan-lê Ca-nao kể lại sự việc như sau:
“Một trong những hoạt động tâm lý do Lên-xđên vạch ra là dựa vào sự mê tín sợ hãi của nông dân Philippin về con ma hút máu người (a-xoang). Một toán biệt kích xâm nhập vào vùng căn cứ Cộng sản và tung tin vùng này có ma a-xoang. Sau hai ngày chờ cho tin đồn đã loang rộng rồi, toán biệt kích tổ chức một trận phục kích. Họ bắt người du kích đi cuối cùng, giết rồi chọc một lỗ vào cổ nạn nhân, sau đó toán biệt kích đặt xác chết trên đường mòn. Du kích Cộng sản cũng mê tín không kém nông dân trong vùng, thấy thế sợ và rút khỏi căn cứ”.
Khi Mắc-xay-xay trúng cử Tổng thống vào năm 1953, Lên-xđên quay về nước và được Chính phủ Mỹ đánh giá cao vì ông đã hoàn thành nhiệm vụ trừ bỏ nguy cơ Cộng sản chiếm quyền ở Philippin.
Khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tức là một năm sau, Lên-xđên lại được cử sang Việt Nam để củng cố chế độ Ngô Đình Diệm. Lên-xđên cũng tổ chức những hoạt động chống lại Bắc Việt. Ông đã tung ra nhiều kế hoạch tâm lý chiến và giúp Diệm trừ bỏ các đối thủ chính trị. Trong các tài liệu của Bộ Quốc phòng đã nói nhiều đến các hoạt động của Lên-xđên, bao gồm các kế hoạch bình định, huấn luyện quân sự và thậm chí cả những cuộc bầu cử nữa. Khi Diệm chính thức ứng cử Tổng thống ở Nam Việt năm 1955, Lên-xđên hiến kế vào cách định phiếu bầu. Phiếu bầu cho Diệm mang màu đỏ là màu may mắn và phiếu của đối phương là màu xanh - màu của những người chồng bị vợ lừa dối! Diệm thắng cử với tỷ lệ 98% phiếu bầu. Vậy là Lên-xđên lại có một chiến tích vang dội nữa.
Trong khi đó, những điệp viên C.I.A khác cũng tiến hành kế hoạch bí mật ở những địa bàn khác. Kơ-mit Ru-dơ-ven tiến hành kế hoạch lật đổ Thủ tướng Mốt-xa-đê của nước Iran vào năm 1953. Năm 1954, C.I.A lật đổ chính quyền Goa-tê-ma-la. Vào cuối năm 1950, C.I.A định lật đổ Chính phủ Xu-các-nô những thất bại. Trái với những lời tuyên bố của Tổng thống Ai-xen-hao và của Ngoại trưởng Đa-lét, C.I.A đã trực tiếp giúp đỡ cho các toán phiến loạn ở trên đảo Xu-na-tran của In-đô-nê-xi-a. Thậm chí, máy bay B.26 của C.I.A còn ném bom cứu bọn chúng. Cho đến tận cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Ai-xen-hao, người ta vẫn còn tin rằng hầu như tất cả các hoạt động đẫm máu của C.I.A ở sau lưng Cộng sản đều chính đáng. Phần lớn người Mỹ đều cho rằng C.I.A cũng như F.B.I đều phải đứng ngoài cuộc chiến giữa các phe phái. Chính vì muốn tôn trọng quan điểm này mà Tổng thống Ken-nơ-đi đã phải tuyên bố ngay khi vừa thắng cử rằng ông sẽ giữ A-len Đa-lét và Et-ga Hu-vơ làm thủ trưởng của C.I.A và F.B.I.
Nhưng, dư luận trong chính giới cũng như trong nhân dân Mỹ bắt đầu lên án những hoạt động của C.I.A sau vụ thất bại đau đớn trên bãi biển Con Lợn ở Cuba vào năm 1961. Cơ quan tình báo này chẳng những không lật đổ nổi chế độ Ca-xtrô mà còn lộ rõ sai lầm khiến Chính phủ Mỹ bị bắt quả tang là can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác một cách xảo quyệt. Lần đầu tiên công luận phản đối mạnh mẽ các hoạt động của C.I.A. Là người duyệt kế hoạch phiêu lưu này, Tổng thống Ken-nơ-đi hiểu rằng một cơ quan hoạt động bí mật theo lệnh của Tổng thống có thể làm tổn hại đến chính sách đối ngoại cũng như đến uy tín cá nhân của Tổng thống. Để tránh hết sức những thất bại kiểu như vụ Vịnh Con Lợn, Ken-nơ-đi liền đề ra những biện pháp để Nhà Trắng có thể kiểm soát C.I.A chặt chẽ hơn nữa. Dư luận đánh giá rằng, hành động này của Tổng thống là muốn “bóp nát C.I.A thành nghìn mảnh và vứt nó mặc cho... gió cuốn đi!”. Nguyên nhân chủ yếu của cơn giận khủng khiếp của Tổng thống là do C.I.A không lật đổ được Ca-xtrô chứ không phải vì ông không tán thành các phương thức và thủ đoạn của cơ quan này. Mặc dù ngân sách của C.I.A vẫn được giữ như cũ và các kế hoạch vẫn được tiếp tục nhưng “vụ Vịnh Con Lợn” đã chấm dứt thời kỳ hoàng kim của C.I.A. Cơ quan này không bao giờ còn được giữ quyền tự do hành động trong vai trò bí mật bảo vệ nền dân chủ Hoa Kỳ nữa. Thực ra thì Ken-nơ-đi chẳng bao giờ thực hiện lời đe dọa phá hủy C.I.A, nhưng để chứng tỏ sức nặng của lời cảnh cáo ông đã cách chức ba quan chức cao nhất của nó và định rõ tiêu chuẩn trách nhiệm của ông. Chỉ vài tháng trước, A-len Đa-lét thuộc vào loại ngang chức như Et-ga Hu-vơ, và có tương lai là sẽ không bao giờ bị cách chức, nhưng vụ vịnh Con Lợn đã đưa sự nghiệp chính trị của ông đến chỗ suy tàn. Mùa thu năm 1961, Giôn Mắc Côn, quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng và nguyên là Giám đốc Ủy ban năng lượng Nguyên tử được cử làm giám đốc C.I.A thay thế cho Đa-lét. Vài tháng sau, tướng Ma-sau-Ca-tơ được cử làm phó Giám đốc C.I.A thay cho tướng Sác-lơ Ca-ben và Ri-sớt Hem lên làm Cục trưởng Cục Hành động thay cho Ri-sớt Bit-xen.
Cũng trong thời gian này, Mắc-xoen Tay-lo, cố vấn quân sự đặc biệt của Tổng thống, được kiêm thêm chức chủ tịch và là báo cáo viên của Ủy ban chỉ đạo về nhân sự và kiêm thêm một công việc mới nữa là cầm đầu một nhóm điều tra về các cơ quan tình báo Mỹ. Ông ta được thêm một số quan chức cấp cao khác giúp việc như Bộ trưởng Tư pháp Rô-bớt Ken-nơ-đi, như Đa-lét và đô đốc A-len Bơ-kơ. Trong các bản báo cáo của mình Tay-lo đã công kích mạnh mẽ các thủ đoạn được dùng trong vụ Vịnh Con Lợn, nhưng chẳng đả động gì đến các mục tiêu của vụ đó. Ông ta cũng chẳng đề xuất cải cách cơ cấu của C.I.A, mặc dù bên ngoài có rất nhiều người công kích và đòi phải tách hẳn hoạt động tình báo với những hoạt động bí mật của C.I.A, mà ông chỉ kiến nghị chủ yếu rằng không nên cho phép C.I.A tự ý hoạt động ngoài các kế hoạch chỉ dùng đến vũ khí cá nhân của bộ binh mà thôi. Tuy nhiên, chính quyền Ken-nơ-đi chỉ thừa nhận kết luận của Ủy ban Tay-lo về nguyên tắc, nhưng rồi trên thực tế cũng chẳng chú ý gì đến kiến nghị kể trên. Họ vẫn giữ nguyên các căn cứ hoạt động chống lại Cuba, các vụ biệt kích của C.I.A chống lại Ca-xtrô vẫn tiếp tục đến giữa những năm 1960, chỉ giảm về qui mô mà thôi. Ngoài ra, C.I.A vẫn giữ một vai trò quan trọng trong sự kiện ở Công-gô vào đầu những năm 1960. Điệp viên C.I.A không ngừng giúp đỡ những nhà chính trị Công-gô và cung cấp vũ khí, tiền bạc cho phái Xy-rin A-đu-la và Mô-bu-tu. Năm 1964, C.I.A có cả những đội quân đánh thuê ở Công-gô, và những máy bay B.26 của cơ quan này do những tên di tản Cuba có nhiều tên đã tham dự vào vụ Vịnh Con Lợn - thường xuyên đi ném bom vào những đơn vị khởi nghĩa.
Vào thời điểm này, Hoa Kỳ ngày càng dính líu vào Việt Nam và C.I.A cũng tăng cường hoạt động đồng thời với việc các lực lượng khác của Mỹ kéo vào đây. Trong các hoạt động, C.I.A đã tổ chức những vụ biệt kích và pháo kích từ ngoài biển vào Bắc Việt Nam, thành lập những đơn vị không chính quy người Việt Nam với biên chế lên đến hàng vạn và thành lập một mạng lưới tình báo, hỏi cung to lớn cắm sâu đến tận từng làng ở Nam Việt Nam.
Cũng theo chỉ thị của Tổng thống, C.I.A tổ chức ở Lào những hoạt động có dính líu tới Mỹ với qui mô ngày càng lớn. Ngay trước năm 1962, C.I.A đã tiến hành những vụ thao túng quan trọng về chính trị và nhiều kế hoạch hoạt động bí mật. Hiệp định Giơ-ne-vơ cấm quân đội nước ngoài có mặt tại Lào và mở rộng cửa cho C.I.A tung hoành ở đất nước triệu voi này. Một thời gian rất ngắn sau khi hiệp định được ký kết Tổng thống Ken-nơ-đi đã quyết định mở rộng các kế hoạch hoạt động ở Lào. Quyết định này trước hết là lấy lý do là Bắc Việt vi phạm hiệp định Giơ-ne-vơ (?) nhưng cũng còn do chính quyền Ken-nơ-đi sau thất bại ở Cuba đã thề không chịu thất bại lần nữa, và lý do cuối cùng là vị trí chiến lược của Lào. Hoa Kỳ bề ngoài vẫn nói rằng mình tôn trọng hiệp định Giơ-ne-vơ, nhưng lại lợi dụng C.I.A không phải là cơ quan quân sự để tiến hành cuộc chiến “bí mật”. Hoạt động của C.I.A ở Lào trở thành một trong những kế hoạch lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử của cơ quan này: họ tuyển dụng vào quân đội riêng của C.I.A trên 3,5 vạn người Mèo và những người miền núi khác, nhiều phi công làm theo hợp đồng đã liên tục đi ném bom, và khi cuộc chiến ấy kéo dài quá, đạo quân miền núi này tỏ ra kém hiệu nghiệm, C.I.A lại tuyển 1,7 vạn lính đánh thuê người Thái Lan để tiếp tục cuộc chiến tranh chống Cộng sản.
Phải đến cuối những năm 1960, nhiều sĩ quan C.I.A mới công khai phê phán những kế hoạch hoạt động của C.I.A ở Việt Nam và ở Lào. Không phải họ chống lại chiến tranh ở Việt Nam (rất ít nhân viên C.I.A có quan điểm chống cuộc chiến tranh này), mà chính vì những kế hoạch bán quân sự đó có nhiều khó khăn, tốn kém và tiến hành gần như công khai, trong khi đó phần đông nhân viên C.I.A muốn hoạt động bí mật và tinh vi. Hơn nữa, cuộc chiến đấu ở đó kéo dài quá lâu và phần đông những người tham dự không thấy có hy vọng gì chiến thắng được. Cũng vì thế mà C.I.A không thể nào tuyển đủ nhân viên tình nguyện để có thể làm tròn mọi nhiệm vụ được giao phó trên bán đảo Đông Dương. Nó buộc phải điều một phần nhân viên hoạt động bí mật ở những nơi khác cho Đông Nam Á.
*.
GIÁP KIỀU HƯNG
.









…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét