NGŨ HÀNH NẠP ÂM LÀ GÌ - Tác giả: Đoàn Mạnh Thế (Hà Nội)

4 comments
(Nguồn ảnh: Internet)
NGŨ HÀNH NẠP ÂM LÀ GÌ
                                        *
Sau một thời gian trang Đặng Xuân Xuyến đăng tải một số bài viết của tôi về văn hóa tâm linh như kinh nghiệm xem tướng, phong thủy thực hành, kiến thức về tử vi... một số bạn đọc đã điện đến nhờ tôi tư vấn về phong thủy, tử vi... trong đó thắc mắc về khái niệm ngũ hành nạp âm được khá nhiều bạn đọc trẻ quan tâm.
Muốn hiểu đúng về văn hóa tâm linh, nhất là ứng dụng trong việc xem số tử vi thì cần hiểu rõ các quy luật tương khắc, tương sinh, tương hòa và chế hóa của ngũ hành. Mà muốn hiểu được các quy luật đó thì khái niệm và bản chất nạp âm của ngũ hành phải được hiểu rõ hiểu đúng, nếu không sẽ như thầy bói mù xem voi vậy.
 Sau đây tôi chia sẻ bài viết NGŨ HÀNH NẠP ÂM LÀ GÌ mà tôi đã lược soạn lại từ bài viết về Ngũ Hành Nạp Âm trong cuốn Tử Vi Tinh Điển mà tôi rất tâm đắc, để quý vị cùng tham khảo.
Theo dịch lý thì tuổi Giáp Tí nếu tách rời can chi ra thì Giáp là Dương Mộc và Tí là Dương Thủy. Tuổi Ất Sửu tách rời can chi ra thì Ất là Âm Mộc còn Sửu thuộc Âm Thổ. Gom hai tuổi Giáp Tí và Ất Sửu nạp Âm thành Hải Trung Kim. Vậy Hải Trung Kim là cái tên nạp âm cho tuổi Giáp Tí, Ất Sửu.
Một vòng từ Giáp Tí đến Quí Hợi có 60 năm. Mỗi 10 năm lại có một chữ Giáp đứng đầu. Ví dụ: Giáp Tí, Giáp Tuất, Giáp Thân, Giáp Ngọ, Giáp Thìn, Giáp Dần. chia làm 30 tổ Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, mỗi 2 năm một tổ gọi bằng Lục Thập Hoa Giáp. Ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ qua nạp âm để định từng tính chất khác nhau giữa Kim với Kim, Mộc với Mộc. Như bảng liệt kê dưới đây:
Giáp Tí, Ất Sửu : Hải Trung Kim - Vàng trong biển
Bính Dần, Đinh Mão : Lô Trung Hỏa - Lửa trong lò
Mậu Thìn, Kỷ Tỵ : Đại Lâm Mộc - Gỗ trong rừng
Canh Ngọ, Tân Mùi : Lộ Bàng Thổ - Đất ven đường
Nhâm Thân, Quí Dậu : Kiếm Phong Kim - Sắt đầu kiếm
Giáp Tuất, Ất Hợi : Sơn Đầu Hỏa - Lửa đỉnh núi
Bính Tí, Đinh Sửu : Giản Hạ Thủy - Nước dưới khe
Mậu Dần, Kỷ Mão : Thành Đầu Thổ - Đất đầu thành
Canh Thìn, Tân Tỵ : Bạch Lạp Kim - Vàng trong nến
Nhâm Ngọ, Quí Mùi : Dương Liễu Mộc - Gỗ dương liễu
Giáp Thân, Ất Dậu : Tinh Tuyền Thủy - Nước trong giếng
Bính Tuất, Đinh Hợi : Ốc Thượng Thổ - Đất mái nhà
Mậu Tí, Kỷ Sửu : Tích Lịch Hỏa - Lửa sấm sét
Canh Dần, Tân Mão : Tùng Bách Mộc - Gỗ tùng bách
Nhâm Thìn, Quí Tỵ : Trường Lưu Thủy - Nước sông lớn
Giáp Ngọ, Ất Mùi : Sa Trung Kim - Vàng trong cát
Bính Thân, Đinh Dậu : Sơn Hạ Hỏa - Lửa chân núi
Mậu Tuất, Kỷ Hợi : Bình Địa Mộc - Cây đất bằng
Canh Tí, Tân Sửu : Bích Thượng Thổ - Đất trên vách
Nhâm Dần, Quí Mão : Kim Bạch Kim - Vàng pha bạc
Giáp Thìn, Ất Tỵ : Phúc Đăng Hỏa - Lửa đèn lớn
Bính Ngọ, Đinh Mùi : Thiên Hà Thủy - Nước sông trời
Mậu Thân, Kỷ Dậu : Đại Dịch Thổ - Đất rộng lớn
Canh Tuất, Tân Hợi : Thoa Xuyến Kim - Vàng trang sức
Nhâm Tí, Quí Sửu : Tang Đố Mộc - Gỗ cây dâu
Giáp Dần, Ất Mão : Đại Khuê Thủy - Nước khe lớn
Bính Thìn, Đinh Tỵ : Sa Trung Thổ - Đất trong cát
Mậu Ngọ, Kỷ Mùi : Thiên Thượng Hỏa - Lửa trên trời
Canh Thân, Tân Dậu : Thạch Lựu Mộc - Gỗ thạch lựu
Nhâm Tuất, Quí Hợi : Đại Hải Thủy - Nước biển lớn
(Tác giả Đoàn Mạnh Thế)
Rồi trong mỗi tổ 2 năm lại phân ra khí thế mạnh yếu giữa 2 năm ấy. Sách xưa có viết như sau :
".....Cổ nhân lấy Giáp Tí phân tích nặng nhẹ để phối hợp nên 60 gọi bằng Hoa Giáp Tí. Chữ Hoa ở đây mang hàm ý nghĩa ảo diệu chỉ mượn ý của nó để làm biểu tượng, không chấp nệ với nghĩa đen của nó. Từ Tí đến Hợi 12 cung đều có Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Khởi đầu là Tí Nhất Dương đến Hợi Lục Âm. Ngũ hành nếu ở trên Trời là ngũ tinh, ở dưới đất là ngũ nhạc, ở đức độ là ngũ thường, ở thân thể con người là ngũ tạng, ở Mệnh là ngũ hành. Vì số mệnh cũng là ngũ hành cho nên những gì thuộc Giáp Tí đều ứng vào mệnh. Mệnh là những sự việc của một con người.
Như Tí Sữu âm dương ví như lúc còn nuôi nấng trong bào thai, vật mới phôi thai thân gốc ẩn tàng. Dần Mão âm dương bắt đầu nẩy nở, thành hình và lớn lên. Thìn Tỵ âm dương khí thịnh, vật thành đẹp đẽ ví như tuổi tráng niên tìm đất lập thân tiến thủ. Ngọ Mùi âm dương tất cả đã hiện như con người vào tuổi năm sáu mươi , giàu nghèo sang hèn đã thấy cả, sự hưng suy tỏ lộ Thân Dậu âm dương giai đoạn suy yếu, chuyển sang già nua. Đến Tuất Hợi âm dương đó là thời kỳ bế tắc, vật khí trở về gốc, để nghỉ ngơi rồi để đi về cát bụi......"
Trong quá trình trên, cuộc đời đa dạng phong phú được miêu tả bởi những ảnh hưởng của nạp âm kết hợp với các sao trong cung mệnh.
Khi luận một lá số Tử vi thì coi ảnh hưởng Ngũ hành nạp âm của năm sinh rồi phối hợp với mệnh cung mà luận đoán. Thí dụ mệnh cung có những sao hay cách cục nói lên con người hung bạo mà nạp âm cũng hung bạo thì tính hung bạo của người ấy tăng gấp bội. Nếu các sao ở mệnh cung hay cách cục là con người nhu hòa mà nạp âm cũng nhu hòa thì tính nhu hòa trở thành nhu nhược.
Mỗi hành có 6 tượng, ví dụ như hành Kim gồm có: Hải Trung Kim, Kim Bạch Kim, Bạch Lạp Kim, Sa Thạch kim, Kiếm phong kim, và Thoa xuyến kim bằng một tên gọi khác là nạp âm.
Hải Trung Kim
Sách xưa viết rằng:Giáp Tí, Ất Sữu thì Tí thuộc Thủy, nơi hồ ao thì thủy vượng. Trong khi Kim cục thì Tử trong vòng tràng sinh nằm ở cung Tí và Mộ ở Sữu là chổ Thủy vượng. Kim vào thế " Tử Mộ " cho nên mới gọi bằng Hải Trung Kim ví như Kim trong lòng biển, khí thế bị bao tàng có danh mà vô hình, có tiếng mà không có thực, nằm sâu trong lòng biển như thai nhi nằm trong lòng mẹ.
Tính chất của Hải Trung Kim là:
a) Có thể biết được tâm tưởng mà không hiểu rõ được tâm cơ , lòng người như biển không dò , nếu cung Mệnh có những sao thủ đoạn điên đảo mà lại ở nạp âm Hải Trung Kim nữa thì quyền thuật kể vào bậc cự phách.
b) Khả năng tốt, nhưng thiếu sức xông xáo tranh cướp, phải nhờ người đề bạt mới thi triển được, nếu cung bản mệnh thấy nhiều sao do dự nhút nhát mà mệnh lại rơi vào nạp âm Hải Trung Kim thì càng do dự nhút nhát hơn. Số nữ Hải Trung Kim đối với tình yêu ít bộc lộ, gói kín trong lòng.
Trước nghịch cảnh và phấn đấu thì Giáp Tí mạnh hơn Ất Sữu. Ất Sữu dể có khuynh hướng nhu nhược hơn.
Kim Bạch Kim
Nhâm Dần, Quí Mão thì Dần Mão là đất vượng của Mộc, Mộc vượng lên Kim suy. Theo Kim cục, vòng tràng sinh có Tuyệt đóng tại Dần và Thai ở Mão. Kim vô lực nên mới gọi là Kim Bá Kim. Mộc vượng Kim suy nên sức yếu, mỏng manh nhạt nhòa, chữ bá nghĩa là yếu đuối, không mạnh mẽ.
Sách xưa có viết: "Nhâm Dần, Quí Mão là chất Kim còn lại ở đất tuyệt cho nên khí chất nhu nhược, mỏng như tơ lụa." Kim Bá Kim chất Kim dùng để trang trí, trang sức. Nếu được tay người khéo giỏi chạm khắc thì mới hay đẹp.
Người có số nạp kim là Kim Bá Kim cần được mài dũa học hành mới mong thành tựu, phải tìm được thầy mới nên cơ đồ. Bởi vậy Kim Bá Kim cần Xương Khúc, Hóa Khoa ở Mệnh mới hay.
Nhâm Dần thì Dần mộc bị kim khắc nên ở thế yếu, tinh thần tuy vượng nhưng là thứ vượng thịnh của dây cung quá căng bởi vậy khi ứng phó với hung vận không lì đòn bằng Quí Mão. Quí Mão cũng như Nhâm Dần, Mộc bị Kim khắc , nhưng âm mộc sức khắc chế chỉ có giới hạn trong khi chủ kiến tự mình lại mạnh, nên chống với hung vận đắc lực hơn.
Bạch Lạp Kim
Sách xưa có viết: "Chất Kim của Canh Thìn và Tân Tỵ, theo vòng Tràng sinh của Kim cục thì Dưỡng ở Thìn, Tràng sinh ở Tỵ, hình chất mới thành, chưa cứng cáp nên gọi bằng Bạch Lạp Ki ".
Bạch Lạp Kim ví như chất ngọc chưa mài dũa. Tinh thần sảng trực tinh khiết mà thiếu tâm cơ. Người mang số Bạch Lạp Kim có hai con đường để lập thân :
a) Học hành chuyên môn, tập trung vào ngành ấy mà nên công.
b) Bương trải cuộc đời cho đầy kinh nghiệm như ngọc được mài dũa tinh luyện cuối cùng khi gặp vận để mà hành xử.
Dù mệnh có những sao tốt mà vận không bương trải hoặc không chuyên nghiệp thì sự nghiệp chẳng có bao nhiêu. Canh Thìn thì Thìn là Thổ chất khả dĩ sinh Kim, trong khi Tân Tỵ, Tỵ Hỏa làm tan chất Kim. Canh Thìn sảng trực tâm ý trung kiên hơn, còn Tân Tỵ mưu chước lươn lẹo hơn.
Sa Thạch Kim
Sách xưa có viết rằng:Giáp Ngọ, Ất Mùi thì Ngọ là chỗ hỏa vượng, hỏa vượng thì kim bại. Mùi là chổ của hỏa suy , hỏa tuy suy nhưng kim cũng đã cùn nhụt cho nên mới gọi bằng Sa Trung Kim, Kim không đủ cứng cáp để chém, để đẩy cho nên người Sa trung kim thường làm việc một cách đầu voi đuôi chuột. Mệnh cung mà có thêm sao Thiên đồng nữa thì càng vớ vẩn.
Sa Trung Kim cần liên tục theo đuổi mục đích nào đó, nói khác đi là cứ ngoan cố đeo đuổi thì mới đạt tới được. Giáp Ngọ thì Ngọ hỏa khắc kim, tước giảm khí thế trong khi Ất Mùi, Mùi thổ sinh kim. Vì thế Ất Mùi đương đầu với gian nan uyển chuyển hơn Giáp Ngọ.
Kiếm Phong Kim
Sách xưa có viết rằng: "Nhâm Thân, Quí Dậu thì Thân Dậu là chính vị của Kim cục nằm ở vị trí Lâm quan và Đế vượng cho nên Kim ở đây gìa cứng, cương mãnh ví như mũi nhọn của lưỡi gươm nên gọi bằng Kiếm Phong Kim là vậy. Do đó Nhâm Thân, Quí Dậu khí thế cực thịnh".
Người Kiếm Phong Kim là người tự bộc lộ tài năng mình và có hành động tư tưởng sắc bén. Hồng quang tỏa chiếu khắp nơi, áng sáng rõ ràng như sương tuyết. Đây là mẫu người có ý chí cao lớn, tâm tính tàn khốc, cương nghị và tinh nhuệ.
Nếu mệnh có những sao tốt hội chiếu vào và lại thuộc nạp âm Kiếm Phong Kim thì càng tốt hơn, nhất là đối với những lá số thuộc về binh nghiệp hay chính trị. Ngược lại nếu mệnh cung nhiều sao xấu gây hung họa thì người có Kiếm Phong Kim càng hung bạo hơn, trên tính tình hoặc tư tưởng là người khó mà lay chuyển được.
Nhâm Thân, Quí Dậu cả hai vị trí đều thuộc Kim cho nên đều cương cường đối phó với hung vận bằng khả năng phấn đấu hay chịu đựng ngang nhau.
Thoa Xuyến Kim
Sách xưa viết rằng: "Canh Tuất, Tân Hợi có Kim cục đến vị trí Tuất là Suy qua Hợi thành Bệnh. Kim mà ở vị thế Suy Bệnh tất nhiên bị nhuyễn nhược nên mới gọi là Thoa Xuyến Kim. Thoa là cây trâm cho phụ nữ cài vào tóc. Xuyến là cái vòng đeo ở cổ tay của phái nữ. Vì Thoa Xuyến Kim là đồ dùng trang sức cho phụ nữ cho nên tính cương mãnh của Kim bị nhuyễn nhược. Bởi vậy cái Kim của Tuất Hợi trở nên ẩn tàng, hình thể vỡ vụn, cho nên được bỏ vào chiếc hộp ở chốn khuê phòng, mới gọi là Thoa Xuyến Kim là vậy".
Người Thoa Xuyến Kim nếu số mà có Nhật Nguyệt, Xương Khúc, Thiên Lương, Hồng Đào, Hóa khoa thường đẹp đẽ bội phần bất cứ trai hay gái. Người Thoa Xuyến Kim nếu Mệnh có tính âm trầm thì càng âm trầm hơn, có tài thường dấu kín trong lòng. Người Thoa Xuyến Kim nếu Mệnh có tính khoe khoang nhiều thì lòng ham muốn cái hư vinh càng nặng.
Người Nam mà có mệnh Thoa Xuyến Kim thì cách hay nhất là nên sống cậy vào phái nữ như nương dựa vào vợ cùng sát cánh làm ăn thì dễ thành công hơn. Ngoài ra, người đàn ông có cách này thường thích giao thiệp với đàn bà con gái đeo nữ trang hoặc buôn bán nữ trang hoặc là con gái vẽ kiểu thời trang.
Hành Thủy có sáu nạp âm: Giản hạ Thủy, Đại khê Thủy, Thiên hà Thủy, Tinh Tuyền Thủy, Đại hải Thủy.
Giản Hạ Thủy
Sách xưa chép rằng: "Thủy của Bính Tí, Đinh Sửu theo Thủy cục thì Đế vượng nằm ở Tí và Suy ở Sửu. Vượng rồi đến suy ngay tất nhiên không thể thành sông ngòi cho nên gọi bằng Giản hạ Thủy".
Giản hạ Thủy là dòng nước lạch suối, không rõ nguồn gốc và cũng không có hướng nhất định để chảy đi, lòng lạch lòng suối lúc cạn lúc sâu.
Cổ nhân có câu: "Dục tấn dục thoái sơn khê thủy, Dục phản dục phúc tiểu nhân tâm". Nghĩa là lúc tiến lúc lui như nước lạch, lúc phản lúc lật như lòng tiểu nhân.
Số có ai có Phục binh hay Phá quân, Địa kiếp hoặc Tử Phá hoặc Linh Hỏa hảm địa mà thêm nạp âm Giản hạ Thủy thì cái lòng phản phúc lật lọng càng ghê gớm. Nếu là người chủ mà có bộ sao như trên thì thủ hạ phải coi chừng và nếu kẻ làm tôi mà có sao như vậy thì kẻ đứng chủ chỉ việc chờ ngày bị phản.
Tâm chất thâm hiểm, tình ý nhỏ nhen nhưng rất thực tế và sắc bén. Trường hợp người có số bình thường nhu nhược mà thêm Giản hạ Thủy nạp âm thì hoàn toàn vô tích sự, lung tung và hoảng loạn trước công việc.
Giữa Bính Tí và Đinh Sửu thì Bính Tí nguy hiểm hơn Đinh Sửu thổ khắc Thủy khiến cho nhuệ khí bị tước giảm.
Đại Khê Thủy
Cổ thư viết: "Giáp Dần, Ất Mão thì Dần là ranh giới Đông Bắc, Mão là chính đi về một hướng, nên gọi bằng Đại khê Thủy".
Đại khê là dòng suối lớn, thác nước tung hoành trong rừng núi khác hẳn Giản hạ thủy là lạch suối nhỏ, suối con. Bởi thế Đại khê Thủy khí lượng lớn, biến hóa đến mức gây sợ hãi, tuy không ngấm ngầm nhưng tâm cơ sâu rộng lan tràn ngập lụt.
Tuy nhiên lại không được xem như sông ngòi. Thác lũ khi gặp lòng sâu, hoặc hang hóc cũng chảy thành dòng, lấp đầy thành vũng. Bởi thế đôi khi bụng dạ hẹp hòi và có tư tâm.
Người Đại Khê Thủy nếu là một chiến lược gia tất có cái nhìn rộng rãi bao quát. Nếu mệnh kém mà nạp âm Đại khê Thủy lại trở nên con người mơ mộng, ước vọng, hoài bảo to tát mà thiếu khả năng hành động, thành vô dụng.
Giáp Dần, Ất Mão hai chi đều thuộc Mộc, đều vững mạnh trước hung vận nhưng Ất Mão ý nhị hơn, mềm dẽo hơn vì cả Ất lẫn Mão đều là âm Mộc.
Trường Lưu Thủy
Sách xưa chép: "Nhâm Thìn, Quí Tỵ, tại Thìn là Thủy khố mà Tỵ lại là Trường sinh của Kim, Kim sinh Thủy vượng. Đã vượng lại còn chứa đựng vào kho nước không bao giờ hết nên gọi bằng Trường Lưu Thủy".
Trường mang nghĩa vĩnh cữu, Lưu mang nghĩa chuyển động không ngừng, cuồn cuộn vô cùng, thao thao bất tuyệt. Tham vọng to tát nhưng tư tâm không nhiều. Nếu như số là con người giỏi giang có thể giao công việc mà không sợ phản bội.
Trường Lưu Thủy có một khuyết điểm: chỉ chú trọng đại cuộc mà quên mất tiểu tiết, đôi khi do sơ sót mà hỏng việc. Mệnh xấu nạp âm Trường Lưu Thủy là người không có sự nghiệp nhưng biết lo xa cũng ấm thân.
Nhâm Thìn Quí Tỵ , Thìn thuộc Thổ khắc Thủy. Tỵ thuộc Hỏa bị Thủy khắc, đứng trước khó khăn của hung vận Nhân Thìn vững vàng hơn Quí Tỵ.
Thiên Hà Thủy
Cổ thư chép: "Bính Ngọ Đinh Mùi, Bính Đinh thuộc Hỏa, Ngọ nơi chốn Hỏa vượng mà nạp âm lại là Thủy, Thủy từ Hỏa xuất thì phải từ trên trời xuống nên gọi bằng Thiên Hà Thủy".
Binh Ngọ Đinh Mùi đều là chổ Hỏa vượng mà sinh ra Thủy, Thủy từ Hỏa xuất thì chỉ có từ trên trời xuống. Thiên hà thủy đổ xuống khắp mọi nơi trên trái đất đó là mưa. Vạn vật đều nhờ mưa mà tươi tốt màu mỡ. Tình yêu thương chan hòa. Nhưng mưa có mưa nhỏ, mưa to, mưa xuân, mưa hạ, mưa giông, mưa bão. Không phải mưa nào cũng hữu ích cho bàn dân thiên hạ. Cần mưa nhỏ mà lại mưa lớn, cần mưa lớn mà lại lâm râm, mưa như thế kể bằng vô ích.
Người có mệnh hợp với Thiên hà thủy cần phải thêm trí tuệ mới hay. Người Thiên hà thủy làm việc xã hội, làm việc tôn giáo là hợp cách.
Người Thiên hà thủy nếu đứng ngôi chủ vào thời bình mà không nắm quyền sinh sát, dân gian được nhờ. Mệnh nhiều sát tinh, hung tinh mà là người Thiên hà thủy thì thành ra mâu thuẩn khó thành công trên con đường kinh doanh hay chính trị, quân sự.
Bính Ngọ can chi là Hỏa đều bị Thủy khắc. Đinh Mùi thì chi Mùi thuộc Thổ khắc Thủy nên ứng phó với hung vận linh hoạt hơn Bính Ngọ.
Tỉnh Tuyền Thủy
Sách xưa có chép: "Giáp Thân Ất Dậu, thì Thân là Lâm Quan, Dậu là Đế vượng của Kim cục. Kim vượng tất nhiên Thủy cũng nhờ thế mà sinh tuy nhiên Thủy ở tình trạng này chưa hùng dũng lớn mạnh cho nên gọi bằng Tỉnh Tuyền Thủy".
Tỉnh Tuyền Thủy tức nước giếng không có gốc nguồn rõ rệt. Ở dưới sâu khơi lên từ lòng đất nên tư tưởng thâm thúy, hành động ẩn dật. Giếng tốt, nước lấy chẳng bao giờ cạn cho nên đức vọng của người Tỉnh Tuyền Thủy vô cùng.
Người xưa giảng rằng: "Nước giếng từ suối lạnh nên trong và lạnh, lấy mãi không hết, mọi người đều uống, trăm nhà dùng nước giếng mà sống". Nước trong là tinh khiết hay liêm khiết , nhưng nước lạnh là thiếu nhiệt tâm đối với tha nhân.
Tỉnh Tuyền Thủy không bao giờ tự phát, phải dựa vào thời thế, dựa vào thời cơ để đi theo thôi chứ không phải là người mở đầu khởi xướng. Người nạp âm Tỉnh Tuyền Thủy theo ngành tình báo, gián điệp thì hợp cách nếu như cung Mệnh có những sao với tính cách này.
Giáp Thân Ất Dậu đều là Tỉnh Tuyền Thủy. Thân Dậu cả hai đều thuộc Kim, Kim sinh Thủy, bản thân mất nguyên khí. Sau tuổi trung niên sức phấn đấu suy vi.
Đại Hải Thủy
Sách xưa có chép: "Nhâm Tuất và Quí Hợi Thủy, theo Thủy nhị cục, Quan đới ở Tuất, Lâm quan tại Hợi lực lượng hùng hậu. Hợi ví như dòng sông lớn nên gọi bằng Đại Hải Thủy".
Nước của Đại hải Thủy diện tích quảng khoát, thể tượng bao la , xung kích lực mạnh, làm thiện hay làm ác đều dữ dội. Hoặc là gian hùng của thời đại hoặc là anh hùng cái thế.
Người xưa viết rằng: Nước Đại hải thủy, thâu góm trăm sông, chảy miên man về biển cả, bao quát tính thăng trầm của đất trời, thâu tóm ánh sáng của Nhật Nguyệt. Nguồn của Đại hải thủy có trong có đục. Nhâm Tuất chứa Thổ khí nên đục, Quí Hợi toàn Thủy nên trong. Nếu mệnh đáng bậc chính nhân thì khi ở ngôi vì nào cũng thường bao dung đại lượng ưa làm điều thiện không ưa điều ác, ngược lại mệnh tầm thường hạ tiện sẽ thành con người lấy oán mà trả ân, tâm địa hẹp hòi. Như hai dòng nước trong và đục vậy.
Nhâm Tuất, Quí Hợi đều là Đại hải thủy, có điều Tuất thổ khiến cho Đại hải thủy chảy thành dòng, như lòng sông, đầu óc sáng suốt, cử chỉ minh bạch, thiện ác phân minh.
Quí Hợi, thủy là chính vị, thủy cực vượng chảy tràn lan không bờ bến nên tâm chất khó hiểu, muốn đề phòng cũng khó nhưng mà đề phòng rồi, thiện ác vẫn không rõ rệt. Quí Hợi mà có những sao ở mệnh mang khuynh hướng làm chính trị sẽ là người ứng phó với những biến động lớn rất giỏi, lúc lâm nguy thì biết quyền biến.
Hành Mộc có sáu nạp âm chia thành: Tang đố mộc, Tùng bách mộc, Đại lâm mộc, Dương liễu mộc, Thạch lựu mộc, Bình địa mộc.
Tang Đố Mộc
Sách xưa có viết về Tang Đốc Mộc như sau: "Tang Đố mộc cho tuổi Nhâm Tí, Quí Sữu thì Tí thuộc Thủy (Thân Tí Thìn), Sửu thuộc Kim (Tỵ Dậu Sữu). Thủy vừa sinh Mộc Kim đã phạt Mộc như hình tượng của cây dâu, vừa trổ lá non đã bị hái xuống mà nuôi tằm."
Lá dâu tầm ăn, thân dâu làm cung, dùng vào nhiều việc. Từ chiếc lá đến cành cây, đến thân cây đều bị sử dụng cho nên Tang đố mộc hoàn toàn bị động tâm tình rộng rãi, nhưng cái rộng rãi đó do người điều khiển. Khi có tiền, lúc thành công thường bị đẩy vào tình trạng hay giúp đỡ người này kẹ nọ, từ anh em cho đến họ hàng bạn bè.
Người Tang đố mộc khó có thể nắm giữ ngôi vị lãnh đạo. Nếu mệnh tốt mà cho điều khiển những công việc có tính cách về xã hội thì phù hợp. Tuổi Quí Sữu so với Nhâm Tí, bản thân bị tước giảm nguyên khí cho nên gặp hung vận kém khả năng ứng phó.
Tùng Bách Mộc
Sách có viết: "Canh Dần Tân Mão, với Mộc cục thì Lâm quan tại Dần, Đế vượng tại Mão, mộc đến hồi cực thịnh nên gọi bằng Tùng Bách Mộc".
Tùng bách mộc trong sương tuyết mà vẫn cứng cỏi vươn lên xanh tươi, vừa kiên nhẩn chịu đựng, vừa đầy ắp nghị lực chống với khí hậu ác liệt. Kiên định, dù thử thách nào cũng không bị bẽ gãy. Ý chí luôn luôn muốn vượt thiên hạ và kỷ luật ngay cả đối với bản thân.
Mệnh tốt, người Tùng bách mộc sẽ thành công khác người trên bất cứ lãnh vực nào. Mệnh xấu luôn luôn thành kẻ bất đắc chí. Tân Mão nhẫn nại hơn Canh Dần, Canh Dần cương nghị hơn Tân Mão.
Đại Lâm Mộc
Sách có viết: "Mậu Thìn Kỷ Tỵ, Thìn là giải bình nguyên rộng lớn, Tỵ là anh Thái dương chói vhan tạo thành cây cối phồn vinh như rừng nên gọi bằng Đại Lâm Mộc. Cây trong rừng um tùm rậm rạp khắp nơi một màu xanh nên tâm chất không mưu cầu đột xuất".
Trí tuệ linh mẫn với sự ngã theo thời thế, làm chức thừa hành thì tốt chứ nếu ở vào cương vị chỉ huy không hay. Khả năng cũng như khuynh hướng không có màu sắc riêng của mình.
Số Mậu Thìn Kỷ Tỵ, thì Mậu Thìn đều thuộc Thổ, Mộc khắc Thổ làm nhược khí thế, trong khi Kỷ Tỵ thì Tỵ là Hỏa. Bởi vậy, Kỷ tỵ trong cuộc phấn đấu chống với hung vận dễ dàng hơn Mậu Thìn.
Dương Liễu Mộc
Sách có viết: "Nhâm Ngọ Quí Mùi, theo Mộc cục thì Tử ở Ngọ, Mộ ở Mùi. Mộc vào đất Tử , Mộ cho dù được Nhâm Quí là Thủy sinh cũng vẫn yếu nhược nên gọi bằng Dương Liễu Mộc. Cành liễu mảnh mai, lá liễu buông rủ, thứ Mộc không có cốt khí. Hình chất thì vậy, nhưng tâm sự lại rất thấu đáo, tình cảm phức tạp đa đoan".
Dương liễu mộc thuộc âm nên tính tình kín đáo, chỉ thiếu căn bản suy tư luôn luôn theo gió mà ngã nghiêng. Bén nhạy với thực tế, tâm không mấy chính trực.
Dương liễu mộc khó có thể là một người tâm phúc trung thành. Nhâm Ngọ vì Ngọ là Hỏa, Mộc sinh Hỏa cho nên mệnh vượng cứng rắn hơn Quí Mùi vì Thổ bị Mộc khắc.
Thạch Lựu Mộc
Sách xưa có viết: Canh Thân, Tân Dậu với Thân là tháng 7, Dậu là tháng 8 , thời gian này Mộc suy yếu cơ hồ bị tuyệt duyệt. Chỉ có cây Lựu kết trái nên gọi là Thạch Lựu Mộc.
Kim khắc Mộc, Kim như dao búa , Thạch lựu mộc cứng cáp, dao búa không dể đốn ngã. Canh Thân, Tân Dậu cả chi lẫn can đều đều thuộc Kim thế mà nạp âm thành Mộc, lấy cái lẽ tương khắc chống chọi để mà giữ vững vậy. Hình Mộc mà chất đá nên gọi là Thạch Lựu . Nếu mệnh mang những sao trung kiên là một trung thần quang minh, một người bạn khả dĩ tin cậy được. Nếu mệnh mang những sao gan dạ nên con người can trường, dám làm dám chịu. Mệnh hiện những sao thiếu trí tuệ thành ra người ngoan cố khó mà cảm hóa.
Canh Thân Tân Dậu, Mộc hoàn toàn bị Kim chế ngự nên ít có khả năng bén nhạy với biến động. Người Thạch Lựu Mộc vào nghiên cứu hợp cách hơn vì ít thay đổi chí hướng.
Bình Địa Mộc
Sách có viết: "Mậu Tuất Kỷ Hợi thì Tuất là cánh đồng, Hợi là nơi cây cỏ sinh được. Tuất Hợi lúc Mộc khí qui căn, âm dương bế tắc như mùa đông cánh lá trơ trụi mà gốc rễ ẩn tàng để nẩy nở".
Người Bình Địa Mộc mà mệnh tài cán thì cái tài thường không ẩn hiện, nếu được dùng thì ví như gặp cơn mưa thuận gió hòa, ở thời loạn ví như bị sương tuyết dập vùi hoài nên tài bất ngộ. Bình địa mộc cần gặp quí nhân, gặp người biết dùng. Được sử dụng đúng sẽ làm việc đắc lực. Bình địa mộc trông vẻ ngoài không bề thế lẫm liệt nhưng bên trong chứa chất tài năng đáng nể. Bình địa mộc mà mệnh bình thường sẽ mãi mãi bình thường dù được vận hay.
Mậu Tuất toàn Thổ, Thổ bị Mộc khắc. Kỷ Hợi, thì Hợi thủy sinh Mộc bởi thế nên Kỷ Hợi làm việc mẫn cán hơn Mậu Tuất.
Hành Hỏa có sáu nạp âm chia như sau: Tích Lịch Hỏa, Lô Trung Hỏa, Phúc Đăng Hỏa, Thiên Thượng Hỏa, Sơn Hạ Hỏa, Sơn Đầu Hỏa.
Tích Lịch Hỏa
Sách có viết: "Mậu Tí Kỷ Sữu, Sữu thuộc Thổ, Tí thuộc Thủy, Thủy ở chính vị mà nạp âm lại là Hỏa, nếu không phải là Thần long tất nhiên Thủy không biến ra Hỏa được, cho nên gọi bằng cách Tích Lịch Hỏa như tia lửa từ sấm chớp tức Thủy trung chi Hỏa".
Tích lịch hỏa lẫm liệt như tiếng sấm vang, nhanh tựa tia điện. Người Tích lịch hỏa nếu mệnh nhiều sao tốt thì sự nghiệp hoặc cơ nghiệp thành công hơn người và hay thích làm việc to tát. Nếu thời thế càng loạn lạc, càng xáo trộn thì khả năng càng phát triển.
Người Tích lịch hỏa mà bản mệnh tầm thường thì ham chuộng hư danh, thích nổi trôi và dễ bị xúi giục làm những việc thiếu suy nghỉ. Người Tích lịch hỏa nếu dính vào cờ bạc hoặc làm ăn đầu tư thường bị người ta bịp những chuyện bất ngờ. Người Tích lịch hỏa tâm ý nhiệt thành không giảo quyệt, luôn luôn giữ ngăn nắp và kỷ luật.
Lô Trung Hỏa
Sách có viết: "Bính Dần Đinh Mão, Dần là tam dương, Mão là tứ dương, Hỏa được đất lại có Dần Mão trợ lực, trời đất lúc ấy như lò lửa và vạn vật nảy sinh, nên gọi bằng Lô Trung Hỏa".
Bính Dần Đinh Mão, khí thế phát huy nhờ chất đốt mà hiển minh, âm dương còn lẫn, thiên địa chung một lò lửa. Lửa dung hòa tất cả từ âm dương đến sáng tối cả trời lẫn đất nói chung là vạn vật trong vũ trụ. Dùng Hỏa để cải tạo vạn vật.
Có câu: "Lô Trung Hỏa gỉa, thiên địa vi lô, âm dương vi thán, quang huy ư vũ trụ, đào dã ư càn khôn" (Lửa trong lò vũ trụ, trời đất, âm dương, càn khôn đều được đào luyện).
Người Lô Trung Hỏa có mệnh lớn, tâm tưởng bao la, lúc đắc thế khả dĩ hiển diện tài hoa danh tiếng với đời. Lô Trung Hỏa mang một khuyết điểm nếu mệnh kèm theo những hung sát tinh hãm dễ thành kiêu căng ngạo mạn, dễ bị nghe theo lời nịnh hót mà thất bại.
Bính Dần Đinh Mão hai hàng chi đều thuộc Mộc, Mộc sinh Hỏa tước nhược nếu gặp hung vận thì sẽ thiếu trầm tĩnh để giải quyết công việc.
Phúc Đăng Hỏa
Sách có chép: "Giáp Thìn Ất Tỵ, Tỵ là độ góc mặt trời lên đến đỉnh và sắp lặn về tây. Ánh chiều tà còn tung ra chiếu sáng vạn vật. Đồng thời cũng là lúc thiên hạ sữa soạn lên đèn. Phú Đăng Hỏa là ánh lửa ban đêm khả dĩ chiếu sáng những nơi mặt trời, mặt trăng không chiếu tới được, gọi khác đi bằng địa minh chi hỏa".
Giữa ban ngày, ánh lửa đèn không thể thi triển quang huy. Bởi vậy người mang nạp âm Phúc Đăng Hỏa hay dạ minh chi hỏa thường thích bóng tối không muốn xuất đầu lộ diện, nhưng lại rất tài hoa, lúc cần đến thật được việc. Lúc bình thường, lúc chưa đắc thế thì sống âm thầm ẩn danh. Khi gặp thời cơ thì sẽ như ánh đèn soi vào bóng tối.
Giáp Thìn thì Thìn thuộc Thổ, Hỏa sinh Thổ tính chất cương mãnh hơn, trong khi Ất Tỵ thì Tỵ là Hỏa đồng tính với Hỏa, sức mạnh không bằng Giáp Thìn. Sức mạnh ở đây nói về khí chất tinh thần để ứng phó với hung vận.
Thiên Thượng Hỏa
Sách có viết: "Mậu Ngọ Kỷ Mùi, Ngọ là nơi Hỏa vượng, Mộc ở trong chi Mùi lại sinh Hỏa. Hỏa khí bùng lên gặp đất sinh nên gọi bằng Thiên Thượng Hỏa".
Thiên Thượng Hỏa là lửa từ trên trời. Mậu Ngọ là mặt trời, Kỷ Mùi là mặt trăng sưởi ấm sông núi, chiếu sáng vũ trụ chan hòa mọi chỗ không thiên vị. Bởi vậy người Thiên Thượng Hỏa rất công bình, chính trực, hào sảng.
Số nạp âm Thiên Thượng Hỏa mà có nhiều cát tinh tại mệnh nếu đứng ngôi chủ vào thời bình, bàn đân thiên hạ được nhờ. Nhưng Thiên Thượng Hỏa mà tuổi Kỷ Mùi là mặt trăng tính chất nhu hòa, lắm khi lại lạnh nhạt và vô tình. Khi đứng ngôi chủ mà mệnh cung mang những sao thủ đoạn mưu lược thì các người phò tá hay làm việc dưới cũng nên coi chừng. Người Thiên Thượng Hỏa dù Mậu Ngọ hay Kỷ Mùi đều dễ ưa thích danh vị tiếng tăm.
Sơn Hạ Hỏa
Sách có viết: "Bính Thân Đinh Dậu, Thân là cửa của đất. Dậu là cổng của mặt trời lặn. Ánh dương quang đến chỗ này thì ẩn tàng nên gọi bằng Sơn Hạ Hỏa".
Bính Thân Đinh Dậu, khí tắt hình tàng như mặt trời lặn phía tây, sức đã yếu nhược, càng tối càng hiu hắt vàng vọt. Người Sơn Hạ Hỏa thường dễ có tâm chất hẹp hòi, tự tư tư lợi, mưu lược không đủ, nhưng vẻ ngoài lại vênh vang, lúc nào cũng lý luận.
Nạp âm Sơn Hạ Hỏa dù số xấu hay tốt cũng nên cẩn thận khi dùng họ làm tâm phúc hoặc người cộng tác giúp việc vì ít khi họ là người cộng sự chân thành. Thân Dậu hành Kim đều bị Hỏa khắc nên thường rối ren trước biến động hay hung vận.
Sơn Đầu Hỏa
Sách có viết: "Giáp Tuất Ất Hợi, thì Tuất Hợi là cử Trời, Hỏa chiếu Thiên môn, quang huy cực cao".
Sơn Đầu Hỏa chỉ thấy sáng rực mà không thấy lửa cho nên tâm cơ thâm trầm. Ít ai hiểu, vui giận không lộ ra sắc diện, tài trí cao mà không cho người thấy được. Khi gặp vận tốt thì thành công tấn tới như đám cháy rừng.
Người Sơn Đầu Hỏa lúc gặp thời âm thầm làm việc không biết mệt, gặp thời rồi cũng không bao giờ lãng phí thời gian. Nếu mệnh tốt thì danh vọng sự nghiệp hơn người. Mệnh xấu cũng đắc lực nhanh nhẹn để phục vụ thừa hành.
Giáp Tuất, Tuất là Thổ được Hỏa sinh. Ất Hợi, Hợi là Thủy bị Hỏa khắc. Giáp Tuất ứng phó với hung vận biến động linh hoạt hơn Ất Hợi.
Hành Thổ có sáu nạp âm phân thành: Bích Thượng Thổ, Thành Đầu Thổ, Sa Trung Thổ, Lộ Bàng Thổ, Dạ Dịch Thổ, Ốc Thượng Thổ.
Bích Thượng Thổ
Sách xưa có viết: "Canh Tí Tân Sữu, thì Sữu là chính vị của Thổ, mà Tí là đất vượng của Thủy, Thổ gặp Thủy biến thành bùn cho nên gọi bằng Bích Thượng Thổ".
Bùn nhuyễn mềm muốn chất thành vách phải tựa vào kèo cột phiên, thiếu chổ tựa khó thành vách tường. Bởi thế người mang nạp âm Bích Thượng Thổ phải tựa vào người mà thành sự, làm quản lý hoặc kẻ thừa hành thì tốt, nếu đứng vào ngôi chủ dể thất bại. Tuy nhiên cũng có những loại đất chất dính mạnh, khi phơi nắng trở thành cứng cáp không dựa vào kèo cột cũng đứng vững được. Bởi thế người mang nạp âm Bích Thượng Thổ cần phải trải qua nhiều kinh nghiệm đời mới hay.
Vách là để che gió, chắn mưa cho nên tâm chất thường bao dong. Nếu mệnh có nhiều hung sát, đa nghi, thủ đoạn mà mang nạp âm Bích Thượng Thổ dể đưa đến sơ hở mà bị hại. Canh Tí, Tí thủy bị thổ khắc, khí thế bị nhược. Tân Sữu, thổ vào chính vị sức đề kháng cương mãnh.
Thành Đầu Thổ
Sách có viết: "Mậu Dần Kỷ Mão, hai Thiên can đều là Thổ. Dần thuộc cấn sơn, Thổ tích thành núi cho nên gọi bằng Thành Đầu Thổ".
Quẻ Cấn kinh dịch giải thích là núi (Cấn vi sơn). Mạng nạp âm Thành đầu thổ tính tình trung trực chất phác, thích giúp người, trung thành nếu như mệnh số bình thường.
Mệnh số nếu hội tụ cách tốt thì khí thế khác hẳn, núi chính là nơi của rồng nấp, cọp ở. Người này mang chí lớn với tâm chất sảng trực xem thành bại là chuyện thường tình. Thời loạn cũng như lúc bình đều có thể dùng vào vai trò lãnh đạo gây cơ dựng nghiệp theo chiều hướng thiện.
Mậu Dần Kỷ Mão thì Dần Mão đều thuộc Mộc, Mộc khắc Thổ cho nên thời bình yên ổn dể thành công hơn là loạn thế.
Sa Trung Thổ
Sách xưa có viết: "Bính Thìn, Đinh Tỵ, vì Thổ cục tràng sinh tại Thân cho nên tại Thìn là Mộ khố, Tỵ là Tuyệt, Thiên can Bính Đinh đều thuộc Hỏa. Thổ vào tuyệt địa đến chổ ẩn tàng (Mộ khố) lại được hỏa sinh cho nên gọi là Sa Trung Thổ".
Thổ tới khố không phải cát của sa mạc mà là cát của đất phù sa vì Thìn thuộc thủy khố. Gặp sông nước đẩy đưa tài bồi thành bãi thành bờ nhiều màu mỡ. Sa Trung Thổ tùy sóng, tùy gió nên có tính chất uyển chuyển, giỏi đầu cơ, biết lợi dụng thời thế. Đây cũng là mẫu người có khả năng hai mặt của thiện ác khi là rồng lúc thành rắn, vừa anh hùng và vừa là gian hùng.
Bính Thìn, Thìn thuộc Thổ chính vị cho nên cứng rắn hơn. Đinh Tỵ, Tỵ thuộc Hỏa tiết thân mà sinh Thổ cho nên nguyên khí giảm không kiên trì bằng Bính Thìn.
Lộ Bàng Thổ
Sách có chép: "Canh Ngọ Tân Mùi, Mộc trong Mùi sinh Hỏa của Ngọ. Hỏa vượng tạo hình cho Thổ, Thổ mới sinh chưa đủ sức để nuôi dưỡng vạn vật nên gọi bằng Lộ Bàng Thổ".
Hỏa vượng, Thổ thành hình, đất cứng bởi vậy tâm chất quật cường mà quá nóng nảy, tâm tình chính trực nhưng lại không chín chắn để phân biệt cho rõ ràng thiện ác, thuận lợi hay không thuận lợi.
Lộ Bàng Thổ đất rộng, trải dài miên viễn cần có Thủy cho đất hết khổ để cây cỏ mọc. Lộ Bàng Thổ vào con đường nghiên cứu, học vấn sẽ như chất Thủy tưới cho Thổ trở nên hữu dụng.
Lộ Bàng Thổ thiếu khả năng làm con người hành động để xoay chuyển thời thế cho nên nếu đứng ở vị thế làm một lý thuyết gia thì hay hơn. Canh Ngọ, Ngọ thuộc Hỏa, Hỏa sinh Thổ làm mất nguyên khí sức đề kháng hung vận không bằng Tân Mùi, vì Mùi ở vào chính vị Thổ cho nên nẫn nại và kiên trì hơn.
Đại Dịch Thổ
Sách có viết: "Mậu Thân Kỷ Dậu, thì Thân thuộc Khôn là đất. Dậu thuộc cung Đoài là đầm nước (trạch). Chữ Dịch có một cửa chữ Trạch, thật ra phải gọi bằng Trạch Thổ mới đúng".
Khôn là đất. Trạch là chỗ hồ ao đầm vũng có nước. Sông đem nước đi khắp nơi, đầm ao là chỗ cá sinh sống thỏai mái, màu mở và súc tích. Đại Dịch Thổ tự nó là súc tích, đất rộng, sông sâu.
Mệnh tốt mà nạp âm Đại Dịch Thổ thường làm được công lớn ích lợi cho thiên hạ . Mệnh thường phụ giúp các việc thiện và luôn luôn có thành tâm.
Mệnh nhiều hung sát mà cho cáng đáng những công tác nhân đạo chỉ đưa đến hỏng việc. Thân Dậu đều thuộc Kim. Thổ sinh Kim nên Mậu Thân hay Kỷ Dậu đều có khả năng kiên trì và ít bối rối.
Ốc Thượng Thổ
Sách có viết: "Bính Tuất Đinh Hợi, Bính Đinh thuộc Hỏa. Tuất Hợi là cửa trời(Thiên Môn). Hỏa ở trên cao dĩ nhiên đất không sinh dưới thấp nên gọi bằng Ốc Thượng Thổ".
Ốc Thượng Thổ là ngói lợp mái nhà để che sương, tuyết mưa. Muốn thành ngói Thổ cần trộn với nước lại đưa vào lò lửa luyện nung. Người mang nạp âm Ốc Thượng Thổ dù số hay cũng phải trải qua những thử thách khó khăn gian nan rồi mới thoát thai hoán cốt để đưa tới thành công. Nếu đi con đường dễ thì cái thành công chỉ là thứ thành công chóng tàn, dễ vỡ như hòn ngói chưa nung chín gặp mưa nhanh chóng thì sẽ nát tan ra.
Bính Tuất, Tuất thuộc Thổ chính vị sức chiến đấu dẻo dai, cứng cỏi hơn. Đinh Hợi vì Hợi thuộc Thủy, Thổ khắc Thủy cho nên sức đề kháng không khoẻ bằng Bính Tuất.
Hy vọng bài lược soạn này sẽ giúp bạn đọc hiểu thế nào là nạp âm ngũ hành để vận dụng khi xem số cho mình hoặc ứng dụng vào thực tiễn công việc và quan hệ xã hội trong cuộc sống.
(Xem bài luận về Ngũ Hành của Đặng Xuân Xuyến:
http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2015/11/tim-hieu-ve-nguyen-ly-cua-ngu-hanh-tac.html)
*.
ĐOÀN MẠNH THẾ
Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

.
.



.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.01.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

4 nhận xét:

  1. Tác giả cho em hỏi, trang sức, màu sắc ứng dụng trong phong thủy có dựa theo ngũ hành nạp âm không ạ?

    Trả lờiXóa
  2. Đương nhiên là không rồi. Trên google toàn viết tào lao. Hại cả 1 thế hệ

    Trả lờiXóa
  3. Mỗi 1 bài trích điều nố trích từ sách. Cho e xin tên sách đoa với ạ. Hoac file cũng dc ạ
    E cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết này chỉ mang tính thống kê, giảng cho người ta biết nhưng chưa dạy cho người ta hiểu. Mọi vận động của sự vật hiện tượng được phân chia là âm, dương, ngũ hành tương sinh tương khắc. Nếu tác giả có nhiều thời gian rảnh rỗi xin hãy nêu và phân tích chi chi tiết hơn.

    Trả lờiXóa