Sếp tôi mắc bệnh “NÓI NHIỀU” - Tác giả: Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Sếp tôi mắc bệnh
NÓI NHIỀU
*
Sếp tôi thì lại khác. Nhân viên chúng tôi đều thấy sợ và ngao ngán mỗi khi Sếp bắt đầu “thuyết trình”. Nào là chuyện giải quyết công việc trong ngày, chuyện phân công trực nhật, chuyện cách thức tiếp cận khách hàng… Dù chuyện lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp thì bao giờ Sếp cũng nói mất 30 phút là ít. Có chuyện đóng mở cửa ra sao, bật đèn như thế nào mà ngày nào Sếp cũng nhắc đi nhắc lại đâm ra chúng tôi học thuộc lòng và thấy “sợ” mỗi khi Sếp bắt đầu nói.
Vì đặc thù công ty đa phần là nhân viên nữ, chuyện “bà tám” không phải là ít nhưng chúng tôi vẫn phải phục lăn về tài nói của Sếp. Đúng là “chị cả” có khác. ở công ty cũng vậy và ở nhà cũng thế, có lần cô con gái của Sếp thì thầm với tôi: “Mẹ cháu hay nói làm bố con cháu phát sợ lên ấy cô ạ”
Có lần, cả phòng khách hàng của tôi bị Sếp “diến thuyết” cho đúng 2 tiếng đồng hồ về cung cách nói chuyện với khách hàng, mà quanh đi quẩn lại chỉ có mỗi vấn đề: lịch sự, nhã nhặn duyên dáng. Chỉ tại ban sáng, Lan - cô nhân viên mới trót nói qua điện thoại với một khách hàng là: “Cô cứ đến đây bàn trực tiếp chứ nói qua điện thoại rất khó”. Sếp muốn Lan nói là: “Công ty cháu mời cô sáng mai đến, chúng cháu sẽ phân tích chi tiết để cô hiểu rõ hơn” Chỉ cần nhắc nhở như vậy là được, đằng này Sếp giảng giải lại từ đầu cách nói chuyện làm sao, cười duyên thế nào, giọng điệu ra sao… làm cả phòng đều ngán ngẩm.
Chưa hết, công ty tôi có ra quy định mỗi tháng tổ chức sinh nhật một lần cho tất cả những nhân viên sinh nhật trong tháng ấy. Thường thì Sếp bận nên ít khi tham dự được. Chị chỉ tạt qua chúc mừng một vài câu là đi luôn. Vậy nên lần này, trong dịp sinh nhật tháng 10, Sếp đã quyết định ở lại cùng dự trọn vẹn một buổi với nhân viên. Mở đầu, chúng tôi mời Sếp phát biểu ý khiến để “khai mạc” bữa tiệc ngọt. Tất cả cứ chờ Sếp nói xong sẽ thổi nến. Thế rồi 10 phút, 20 phút trôi qua, Sếp nói đủ thứ chuyện từ tình cảm của Sếp với nhân viên, về những câu chuyện liên quan đến ngày sinh nhật… Đương nhiên, Sếp kể chuyện nghe rất hay và hấp dẫn nhưng dài quá! Mới đầu, nhân viên nghe một cách háo hức, rồi miễn cưỡng và sau đó là …sốt ruột. Khi Sếp dứt lời thì thời gian đã trôi qua 30 phút. Tuy vậy, bữa tiệc vẫn rất vui. Đặc biệt là Sếp còn đứng lên hát một bài rất hay nữa.
Nhân viên chúng tôi chỉ ước: Giá như Sếp bớt nói nhiều đi một chút thì chúng tôi chẳng có gì phàn nàn về Sếp nữa cả. Và mọi người cũng có thêm thời gian để làm việc thay vì phải nghe những bài “diễn văn” dài tưởng như không bao giờ hết.
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng)
- Lời bàn
Là Sếp luôn phải đưa ra những mệnh lệnh, những lời chỉ dẫn, những lời khuyên và cả phê bình… thì có ít nói cũng trở nên nói nhiều. Tuy nhiên, nói nhiều đến mức nhân viên phải sợ, phải ngao ngán như nữ Giám đốc trên thì quả không hay chút nào. Mặc dù những điều chị nói là hoàn toàn đúng, hoàn toàn bổ ích với cấp dưới nhưng có câu “Nói dài, nói dai chẳng qua nói dại”, chị đã không biết cách dừng đúng lúc để người khác kịp nghe, hiểu và thấm thía. Lần nào chị nói cũng mất quá nhiều thời gian làm việc của nhân viên. Nhất là trong dịp công ty tổ chức sinh nhật tháng 10, lẽ ra chỉ nên tuyên bố bằng vài câu ngắn gọn để bữa tiệc được bắt đầu thì chị lại nói nhiều quá làm mất đi hứng thú của cuộc vui. Không chỉ ở cơ quan mà ở nhà cũng vậy, chồng con chị thấy sợ mỗi khi chị bắt đầu phát ngôn. Và không biết chị có kịp nhận ra “căn bệnh” của mình mà quyết tâm sửa chữa hay không?
- Lời khuyên
+ Đối với nhân viên
Tâm lý chung của nhân viên thường rất sợ mỗi khi nghe Sếp phàn nàn, ca thán. Bạn chỉ mong “bài diễn thuyết” của ông chủ kết thúc càng sớm càng tốt. Thế mà Sếp của bạn lại mắc bệnh nói nhiều, chuyện gì cũng nói dài, nói kề cà, nói mãi tưởng chừng không bao giờ thôi. Sếp nói nhiều nên bạn phải nghe nhiều. Đương nhiên, bạn thấy vô cùng mỏi mệt và ngao ngán. Vậy nên, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn lúc ấy là đừng nên cắt ngang lời Sếp hay phản bác lại. Làm như vậy sẽ khiến Sếp tự ái và “bài diễn văn” sẽ chuyển sang một chủ đề mới còn nghiêm trọng hơn nhiều. Và khi ấy, bạn sẽ tự chuốc lấy một “bài diễn văn” mới còn dài hơn nhiều.
Tốt nhất, hãy yên lặng lắng nghe những gì Sếp nói, thỉnh thoảng làm một vài cử chỉ chứng tỏ mình vẫn nghe một cách chăm chú chư đừng nên tỏ ra hóa hứng, thích thú khiến Sếp có thêm cảm hứng… nói tiếp.
Và quan trọng là, bạn đừng nên để Sếp có cớ ca thán, phàn nàn về thái độ làm việc của bạn. Hãy cố gắng làm việc thật tốt, làm đúng theo những gì Sếp yêu cầu và làm đúng phận sự của bạn. Như vậy, bệnh “nói nhiều” của Sếp sẽ không có cơ hội làm khổ đôi tai của bạn. Còn những khi Sếp nói trước toàn công ty thì thường là việc chung cả. Vì vậy, ngoài bạn ra còn có những người khác cũng phải nghe nữa. Ngoài ra, chẳng có nhà lãnh đạo nào lại thường xuyên lãng phí 2 giờ đồng hồ để tập trung toàn bộ công ty để khuyên nhủ, chỉ bảo đâu! Bạn có thể yên tâm “đối phó” với Sếp rồi đấy.
+ Đối với ông chủ
Không chỉ Sếp nữ mà cả Sếp nam cũng có nhiều người mắc bệnh “nói nhiều”. Có thể vì áp lực công việc, vì muốn nhân viên làm việc tốt hơn, vì công việc trôi chảy hơn…nên bạn mới phải “luyện tập khả năng nói như vậy”. Nhưng bạn biết không, chưa chắc một ông chủ nói nhiều đã khiến nhân viên ghi nhớ lâu bằng một ông chủ kiệm lời đâu nhé.
Bạn nghĩ nói đi nói lại, nói từ ngày này qua ngày khác thì nhân viên sẽ phải ghi nhớ và không bao giờ mắc sai lầm về vẫn đề đó nữa. Thế nhưng trên thực tế, bạn nói càng nhiều thì càng khiến nhân viên lơ đãng, thiếu tập trung và chán ngán. Và rồi, câu chuyện của bạn sẽ trở nên lan man, không tập trung vào chủ đề chính thì sẽ khiến người khác quên rất nhanh. Vừa lãng phí thời gian làm việc lại vừa khiến bản thân bạn mệt mỏi, nhân viên thì không lĩnh hội được toàn bộ quan điểm của Sếp mình.
Dù câu chuyện bạn nói có hay và hấp dẫn đến đâu thì cũng nên liệu thời gian để kết thúc. Cách nói vừa hay, vừa ngắn gọn lại xúc tích sẽ khiến mọi người ghi nhớ rất lâu. Bởi thế, ngay từ bây giờ, bạn hãy rèn luyện để trở thành một nhà lãnh đạo điềm tĩnh trước mọi chuyện. Lời nói không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề nhưng lời nói đi quá giới hạn cần thiết có khi còn phản tác dụng. Dù là ở nhà hay ở công sở, mọi người đều rất sợ phải nghe một vẫn đề quá nhiều lần và nghe lời nói của người nói nhiều. Cho nên, mỗi chúng ta cần tập cho mình cách nói chuyện dễ nghe với dung lượng vừa đủ để không bao giờ bị nhân viên cấp dưới phong tặng “danh hiệu”: “Sếp mắc bệnh nói nhiều”, bạn đồng ý với tôi chứ?
*
NGUYỄN THỊ HỒNG
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.                           

0 comments:

Đăng nhận xét