(Nguồn ảnh: Đặng Tuấn Hưng) |
PHẢN ỨNG TÂM LÝ CỦA “BẠN TRAI”
TUỔI MỚI LỚN
Phản ứng tâm lý, đây là một từ chỉ biểu hiện bên ngoài của nhóm đối tượng,
phản ứng trước một tình huống và mang yếu tố tâm lý, tuân theo quy luật tâm lý
của đối tượng đó. Chẳng hạn trước một sự cố nhóm đối tượng tuổi mới lớn thường
có sự lo lắng, hốt hoảng còn cũng tình huống đó nhưng nhóm đối tượng khác không
có phản ứng đó. Như vậy phản ứng đó là phản ứng mang yếu tố tâm lý. Vậy vào độ
tuổi mới lớn, bạn trai có phản ứng tâm lý mang đặc thù lứa tuổi nào?
*. "Cứng vỏ mềm lòng":
“Bạn trai” có thể bên trong rất tình cảm nhưng bên ngoài cố tỏ ra cứng rắn
và lạnh nhạt. Tuổi mới lớn “bạn trai” lại càng có biểu hiện như vậy. Do bên
trong các “bạn trai” đang có quá trình suy lý, phát triển trí tuệ mạnh mẽ thiên
về sinh lý mà ít thiên về tình cảm. Cách thể hiện của “bạn trai” cũng vì thế mà
“kiệm lời” hơn. Bản thân bạn trẻ mới lớn không phải là người khô khan, họ chứa
trong lòng bầu nhiệt huyết sôi sục, họ giàu tình yêu thương đời sống tình cảm
mạnh mẽ thanh khiết buổi ban đầu nhưng bên ngoài họ lại tỏ ra cứng rắn làm vậy.
Ngoài lý do sự vận động nội tâm còn do bản lĩnh đàn ông trong họ trỗi dậy họ
cứng rắn để tỏ ra là người mạnh mẽ. Theo dõi một bạn trai từ bé đến lớn. Khi
nhỏ cậu được mệnh danh là “mít ướt”. Hơi mắng đã khóc thích ôm vai bá cổ, thích
thủ thỉ nói chuyện với người lớn nhưng vừa vào tuổi mới lớn cậu đã biến đổi hẳn
thành người khác, trầm tĩnh hơn, “vô tình” hơn trong việc gan lì chịu đau bị
bạn bắt nạt, hay bị thầy cô xử ép cậu không khóc, không kể với cha mẹ mà chỉ
lặng lẽ ngồi một mình. Không dùng lời nói hành động cử chỉ thân thiện tình cảm
như trước. Trước đây ông bà đau chân cậu lấy thuốc bóp, mẹ đau đầu cậu hỏi han
thân tình, quấn quít bên mẹ nay thì lạnh lùng vô tâm bỏ qua tất cả nhiều lúc
thiếu tâm lý với mẹ, quên ngày sinh nhật của mẹ,…
Đây là hiện tượng tâm lý hết sức bình thường
của tuổi mới lớn. Các bậc cha mẹ không nên rầy la quá mức về “thói vô tâm” của
con trẻ mà nên dần dần chia sẻ với trẻ cho con trai thấy cái “lạnh lùng” của họ
không mang lại lợi ích cho cuộc sống của họ. Tuy nhiên, cũng nên để cho “bạn
trai” khoảng thời gian cần thiết để họ suy lý.
(Nguồn ảnh: Đặng Tuấn Hưng) |
*. Sôi nổi trong hành động mà hướng nội trong tâm hồn:
Có thể coi vận động, ưa vận động là thuộc tính của “bạn trai”. Ngay từ nhỏ
đã rất hiếu động vì “bạn trai” sinh ra có đường gân thớ thịt ưa vận động. Đến
tuổi mới lớn đã phát triển mạnh mẽ về thể chất, “bạn trai” càng hiếu động sôi
nổi hơn. Thêm vào đó những mộng lớn về tương lai thổi “bạn trai” căng phồng
lên, sôi sục ý chí, họ hăng hái vận động làm việc, họ lại thích bốc đồng, bồng
bột nên càng muốn vận động, càng muốn làm phải làm ngay.
Tuy nhiên, họ vận động, họ hăng hái, nhưng không phải vì thế mà họ trở nên
trống rỗng. Cùng với sự vận động mang tính hướng ngoại khả năng tư duy của “bạn
trai” cũng khá tốt nên đầu óc tưởng tượng, sự phán đoán, trí nhớ… của “bạn
trai” cũng có nhiều thời gian để tư duy, để suy nghĩ, để tính toán. Cùng tuổi
mới lớn nhưng bạn gái thua bạn trai ở khả năng này. Nhiều bậc cha mẹ và bạn gái
cho rằng bạn gái người lớn hơn bạn trai khi bước vào tuổi mới lớn. Nhưng thực
ra những suy nghĩ, hành động của bạn gái mang nhiều yếu tố thực tế trực giác mà
không có quy trình tư duy nhiều. Bạn gái có vẻ hướng nội nhưng sự hướng nội
không sâu sắc bằng bạn trai. Ngược lại, hành động của bạn trai có thiên hướng
ngoại nhưng tâm hồn hướng nội.
Hành vi của bạn nam được coi là hướng ngoại ở chỗ họ cứng rắn đôi khi tàn
nhẫn hoặc bột phát nóng giận quá nhanh. Theo dõi cùng một phản ứng bị mắng chửi
bạn nam tức tối nếu người ngang hàng thì có thể đánh nhau ngược lại bạn nữ nhẹ
nhàng hơn suy nghĩ đến hậu quả, lý do… mà không hề có phản ứng mạnh mẽ như thế.
Người ta cho rằng có lẽ bản năng “thú vật” trong bạn nam nhiều hơn bạn nữ nên
có cách ứng xử như vậy. Do vậy đưa ra kết luận bạn nam không hướng nội bằng bạn
nữ ở tình huống này là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, trong suy xét, tính toán
công việc bạn nam lại có khả năng tư duy tốt hơn và có đời sống tinh thần khá
phong phú. Cung bậc cảm xúc, tư duy cũng mạnh mẽ hơn. Do đó nói đến vấn đề
hướng nội hướng ngoại trong tâm lý bạn trai là rất phức tạp, có thể coi hành vi
hành động của họ là hướng ngoại, tâm hồn họ hướng nội.
*. Hay tự ái:
Mục trước đã nhắc đến khái niệm này, bạn trai nói riêng bạn trẻ mới lớn nói
chung giống nhau như con lắc đơn cần cân bằng giữa trạng thái của tự ái, tự
trọng và không tự trọng. Loại bỏ những người không có lòng tự trọng, thấy tuổi
mới lớn về hành động chung rất hay tự ái. Nói một cách dễ hiểu trong một hành
động thì họ bị dao động giữa các thái cực còn tâm lý họ nói chung thì dễ bị
thương tổn và tự ái, hễ ai nói họ, coi thường họ, họ lập tức bị tổn thương và
phản ứng tức thì. Tâm hồn “bạn trai” mới chập chững vào đời có độ nhạy rất lớn.
“Bạn trai” vừa muốn khẳng định mình vừa muốn người khác tôn trọng mình. Họ chưa
biết mình đứng ở vị trí nào trong cuộc sống mà óc tưởng tượng luôn dệt mộng
vàng cho họ. Có khi họ nghĩ mình sẽ là nhân vật nào đó… Hỗ trợ thêm cho tính tự
ái của họ là rất nhiều khiếm khuyết trong tâm hồn non trẻ từ thói ưa nịnh,
thích khen từ bé vẫn chưa có sự biến đổi nhiều. Suy nghĩ bồng bột, nông nổi dễ
bị kích động… Có bậc cha mẹ, thầy cô không tâm lý với bạn trẻ khiến họ bị kích
động lòng tự ái nên có những hành động dại dột. Chúng ta luôn lên án hành động
tội lỗi của trẻ em hư như cầm dao đâm cô giáo. Ngoài sự vô giáo dục của em đó
có thể nhấn mạnh từ “có thể”, cô giáo không tế nhị với họ. Những hành động
không tế nhị của thầy cô cha mẹ có khá nhiều. Trong lớp học tuổi mới lớn nhiều
cô giáo cầm viên phấn hằm hằm ném vào mồm cậu bé với lý do nói chuyện, thô bạo
hơn có ông thầy nhiều khi là vô cớ tát vào mặt một cậu bé chỉ vì cậu quay xuống
mượn thước kẻ. Xin đừng vội đổ lỗi cho đạo đức thời này bị băng hoại mà phải nói
là tâm lý bạn trẻ tuổi mới lớn hiện nay phức tạp và nguy hiểm quá lại được sự
tiếp ứng của rất nhiều loại văn hoá sạch cũng có mà bẩn đen cũng có. Ngày nay
cách giáo dục có phần đã cải tiến hơn nhiều, tế nhị hơn nhiều, bạn trẻ cũng
được đề cao coi trọng hơn đó là một tín hiệu mừng. Xưa giáo dục của ta (chỉ xét
về cách ứng xử) còn nhiều điểm chưa tốt do đội ngũ con người chưa giỏi về
nghiệp vụ nhưng tại sao lại không xảy ra hiện tượng đáng tiếc. Thực tình do
quan niệm về thầy trò xưa giàng buộc mạnh mẽ, cột chặt tâm lý của bạn trẻ chứ
không phải lòng tự ái của bạn trẻ tuổi mới lớn không mạnh mẽ. Có một người nay
đã 50 tuổi mà vẫn kể cho con mình nghe vì mình bị thầy giáo xử ép với giọng hờn
giận. Nguyên nhân ông bị xử ép là không có tiền mua bàn tính nên đến giờ toán
bị đuổi ra ngoài từ đó ông học kém hẳn và sau này không thành đạt. Chớ coi
thường suy nghĩ lòng tự ái của bạn trẻ tuổi mới lớn. Nếu không tế nhị chạm mạnh
vào lòng tự ái của họ sẽ có tác dụng phản giáo dục, các bậc làm cha làm mẹ cũng
phải lưu ý điều này.
(Nguồn ảnh: Đặng Tuấn Hưng) |
*. Nghịch ngợm đến ngỗ ngược:
Không ít các bậc phụ huynh phải phiền lòng khi con trai họ bước vào cái
tuổi dở dang này. Người ta vẫn có câu “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, có lẽ
cái tuổi nghịch thứ 3 sau quỷ ma nằm hoàn toàn vào tuổi mới lớn. Đến tuổi này
họ tự nhiên rất thích nghịch, có cơ hội là họ nghịch, nghịch không để ý gì đến
hậu quả để khoái trá cười một mình. Với họ giáo lý, đạo đức nhiều khi còn xa
lạ, họ nghịch không phải vì hại người khác, không có ác ý, mà nghịch chỉ để mà
nghịch. Một người đạo đức có tiếng vào thời trưởng thành ai dám chắc không từng
theo bạn bứt quả trộm ở vườn nhà người khác. Thấy bạn ngồi trên hiền lành buộc
áo, bôi mực vào lưng bạn. Đi xe đạp buông hai tay, phóng như bay tỏ ra mình can
đảm hơn người. Nhiều bậc cha mẹ không hiểu tâm lý họ thì mắng nhiếc, đánh đập.
Thực ra nếu uốn nắn khéo bạn trẻ không có hành động nghịch ngợm gây hậu quả
nghiêm trọng. Cùng với thời gian sự nghịch ngợm của bạn trẻ sẽ mất dần. Sách
giáo khoa văn học mà nhiều bạn trẻ mới lớn được học có tác phẩm “Xin cô tha lỗi
cho em” của nhà văn Nga đã khắc hoạ rất rõ tính hay nghịch ngợm của bạn trẻ
tuổi mới lớn. Nhờ sự độ lượng của cô giáo mà người học trò đó đã nên người và
không khỏi ân hận khi nghĩ đến trò nghịch oái oăm của mình. Trò nghịch thông
minh: Dùng lò so bắn mực lên bàn cô giáo nhưng để lại hậu quả vết mực trên tay
cô bao năm vẫn chưa sạch. Không ít những ông bố bà mẹ đã từng ngồi nhớ lại kỷ
niệm ngày xưa không khỏi “ăn năn” vì mình tuổi trẻ dại dột nhưng lại không thể
tha thứ một lỗi lầm dại dột tuổi mới lớn của con mình. Có thể coi đó là một
biểu hiện, phản ứng tâm lý tuổi mới lớn hết sức thông thường sẽ mất dần cùng
thời gian đến tuổi trưởng thành. Và có những lúc sự nghịch ngợm vô hại nhưng
nhiều khi đem lại bao niềm nuối tiếc cho cuộc đời bạn trẻ. Thông thường trên đường
hiện nay ta vẫn thấy bạn trai cấp 2, cấp 3 đi xe đạp, xe máy bốc đầu cười hơn
hớn hoặc mang xe gia đình ra để đua với bạn bè và hậu quả là thí bỏ cả cuộc đời
cho tử thần hoặc gây ra tai nạn cho người khác. Đối với hành vi nghịch ngợm đến
ngỗ ngược của bạn trẻ rất cần sự giáo dục từ nhỏ của gia đình, hướng dẫn bạn
trẻ chọn bạn mà chơi để tránh bị rủ rê lôi kéo vào hành động nghịch ngợm nguy
hiểm, gia đình giàu có không nên cho bạn trẻ mới lớn đi xe máy. Tất nhiên, tuỳ
hành động tuỳ tâm lý cá nhân của từng bạn trẻ mà các bậc cha mẹ là người sáng
suốt có cách xử trí hợp lý hơn ai hết.
*. Nhiều hoài bão, lý tưởng và tham vọng:
Bước vào tuổi mới lớn, bước vào một giai đoạn mà sinh lực của bạn trẻ khá
dồi dào, tư duy bắt đầu bồng bột phát triển niềm mơ ước tương lai thường trực
trong suy nghĩ. Họ luôn ôm ấp hoài bão những lý tưởng cao cả, với một tham vọng
lớn lao. Những lý tưởng đó được họ tôn thờ như một phương châm sống như: Chết
vinh còn hơn sống nhục, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, sinh ư nghệ tử ư nghệ…
Hoặc cho có lý tưởng kiểu chết xanh cỏ, sống đỏ ngực… Tuổi mới lớn chưa có kinh
nghiệm, hay phóng đại mà chưa nhận thức được giá trị vấn đề, nhận thức được đâu
là chân thực đâu là giả dối nên dễ bị lôi kéo bởi những tà thuyết những lý
tưởng nguỵ tạo của một số người xấu. Đặc điểm tâm lý này của các bạn trai là
yếu tố rất có lợi cho việc thúc đẩy cỗ xe lịch sử. Các tổ chức chính trị cách
mạng tiến bộ cũng như phản động, phản cách mạng đều cho rằng nắm được tuổi trẻ
là nắm được phần thắng. Các bậc cha mẹ biết tận dụng đặc điểm này sẽ định hướng
cho con cái trở thành người tốt ngay từ thời điểm này.
(Nguồn ảnh: Đặng Tuấn Hưng) |
*. "Bướng bỉnh" và "Cứng đầu":
Với nhận thức còn non nớt, nhưng trái tim thì nóng hổi hoài bão, khát vọng
hừng hực như lửa cháy. Khi họ đã có một mục tiêu một lý tưởng thì họ bám riết
lấy cố gắng thực hiện đến cùng mà không hề ngần ngại do dự. Ngay cả chuyện tình
yêu của họ cũng vậy nếu họ yêu ai thì sống chết không bỏ, cha mẹ càng ngăn cấm
càng “xông vào”. Tư tưởng của họ khá cố chấp khó khuyên bảo. Tuy nhiên họ không
phải lúc nào cũng vững trí như sắt đá mà họ cũng có những phút hoang mang, dè
dặt hồ nghi… nhưng không phải dễ thuyết phục. Vì sao họ lại như vậy vì tâm hồn
họ cố chấp, họ muốn mình độc lập và phải làm được cái gì đó cho đời. Do mục
đích đó mà họ “bướng bỉnh và cứng đầu” nhưng sự bướng bỉnh cứng đầu đó là tâm
lý của tuổi là điều đáng yêu của tuổi mới lớn. Xin dẫn lại lời chú dẫn vẽ thanh
niên giương cung bắn: “Đời bạn là đó, trong tay bạn như một mũi tên. Bạn hãy
cầm thật ngay, bắn mạnh và nhắm đúng. Nhưng nhất là bạn phải lựa chọn những mục
đích mà đừng làm hỏng mục đích nào cả”. (Dẫn theo Hoàng Xuân Việt, Tâm lý bạn
trai, NXB Mũi Cà Mau, 2004, trang 228). Quả như vậy đời của bạn trẻ là của bạn
trẻ, bạn trẻ tự quyết định lấy mục đích, hướng bắn, chỉ có người đứng ở vị trí
cầm cung tên mới có thể bắn. Sự can thiệp bên ngoài chỉ có giá trị định hướng
tham khảo. Nói rộng ra, không chỉ có những quyết định liên quan đến cuộc đời mà
cả những vấn đề nhỏ của cuộc sống bạn trẻ tuổi mới lớn cũng tỏ ra “bướng bỉnh
cứng đầu”. Không phải họ hư, họ hỗn mà họ muốn khẳng định cái tôi nhỏ nhoi với
cuộc đời, đặc biệt khẳng định chất nam tính trong huyết quản của họ.
*. Hay hối hận, hay phạm lỗi và tái phạm lỗi:
Đọc tác phẩm “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao, ta thấy nhân vật Hộ thật đáng
trách mà cũng đáng thương nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó mà ở chỗ nhân vật Hộ
bị giằng co giữa hối hận và tái phạm lỗi như con lắc. Bản thân bạn trai là vậy.
Không phải họ quên, không phải họ không biết kìm nén mà vì họ vừa hăng hái hấp
tấp vừa thẳng thắn tự nhiên. Tuổi mới lớn bạn nam càng hay phạm lỗi và hay hối
hận. Do tính hấp tấp, vội vàng, xuề xoà của con trai nên họ phạm lỗi rồi do
lương tâm đời sống tinh thần mà họ lại hối lỗi. Nhiều khi họ trách nhầm người
yêu, bạn gái một việc gì đó khi phát hiện ra mình sai họ cảm thấy ăn năn muốn
xin lỗi bằng mọi cách nhưng rồi họ vẫn không rụt rè trách lầm lần thứ hai.
Nhiều bạn gái cho rằng bạn trai thật sướng họ phạm lỗi nhiều, họ ăn năn nhiều
mà nhân cách và sự ảnh hưởng của họ vẫn không thay đổi, ngược lại bạn gái có
phạm lỗi một lần thì ăn năn cũng chẳng ăn thua. Phải chăng đây cũng là một lý
do để bạn trai thoải mái hơn. Cứ phạm lỗi và biết ăn năn. Tuy nhiên bạn trai
phạm lỗi mà biết ăn năn thì nên mở đường cho họ vì nếu dồn họ vào bước đường
cùng bằng cách chỉ trích mắng nhiếc họ, họ lập tức tự ái và lòng ác bị kích
thích họ quên ngay thái độ ăn năn vừa rồi. Các bậc cha mẹ nhiều người có tật
nói dai, nói dài. Khi bạn trai phạm lỗi đã ăn năn họ liền túm lấy nó để làm sợi
dây, thỉnh thoảng lại giật mạnh làm thương tổn tới lòng tự ái của bạn trai. Một
cậu trai 15 tuổi tâm sự: “Em trước đây rất ngoan ngoãn nhưng chỉ vì một lần em
xin tiền bố mẹ không cho mà đã chót hứa với bạn tặng bạn một món quà, mẹ hay để
tiền ngăn kéo, em chỉ lấy 20 000 đồng. Em đã biết lỗi, đã xin lỗi cả nhà, đã bị
bố đánh nên thân. Nhưng thỉnh thoảng bố lại nhắc lại, đay nghiến em. Từ xấu hổ tủi
thân đến ghét bố, em không thích gặp bố em trốn học đi chơi, đi đua xe…. Em đi
theo bạn vì không muốn gặp bố để phải nhớ lại việc này”. Nhiều sự răn đe quá
đáng của các bậc cha mẹ lại có tác dụng đẩy bạn trẻ sâu hơn vào tội lỗi. Do đó
nếu muốn giáo dục được bạn trẻ tuổi mới lớn phải kích thích lương tâm hối lỗi
của họ bằng lẽ phải, lòng nhân ái độ lượng, sự dịu dàng. Hay nói một cách khác,
hãy mở cửa để lương tâm hối lỗi luôn có chỗ trú chân.
*. Khủng hoảng niềm tin
Giai đoạn tuổi mới lớn có nhiều xáo trộn nhưng xáo động gây ảnh hưởng đến
tâm lý bạn trẻ tuổi nhất là thời kỳ khủng hoảng niềm tin diễn ra vào cuối giai
đoạn tuổi mới lớn (từ 17 - 18 tuổi). Từ chỗ tin vào phép thuật, tin vào có bụt
tiên, tin vào đạo lý nhân quả, tin vào những tấm gương có đạo hạnh sáng trong…
Niềm tin đó đã nuôi lớn các bạn đưa các bạn đến những giá trị chân thiện mỹ của
cuộc đời. Khi 17 - 18 tuổi bỗng họ nhận ra nhân vật trong phim, truyện là cách
điệu hoá của ngoài đời là hư cấu. Hoặc một vài thực tế của cuộc sống đã bác luận
lại những điều răn dạy trước đây. Có khi là một vài thần tượng được tô vẽ khi
họ còn bé bị đào sới những khiếm khuyết. Họ nhìn lại niềm tin của họ bằng cái
nhìn nghi ngờ. Đôi khi lòng ham muốn tiền tài, danh vọng, tình yêu trỗi dậy
giằng xé họ ra khỏi những niềm tin thanh khiết vào cuộc sống. Vì mất niềm tin
họ nghi ngờ tất cả. Thầy giáo dạy họ về đạo làm người phải lấy nhân ái làm sợi
dây liên kết với cuộc sống thì trong óc họ thoáng qua hình ảnh đen tối về ông
thầy dùng bả chuột đánh gà nhà hàng xóm sang bới rau. Khi nào diễn ra cuộc
khủng hoảng niềm tin ở tuổi này, cha mẹ và thầy cô giáo hãy cảnh giác với những
câu nói buông sõng vô giá trị: “chuyện ngày xửa ngày xưa”, “chuyện hư cấu”, “lý
thuyết suông”… Câu nói ấy đang là tiếng kêu đổ vỡ lòng tin trong bạn trẻ. Lúc
này đây họ rất cần củng cố lòng tin nhưng tất nhiên không phải là “kể chuyện cổ
tích” mà phải là những tấm gương bằng xương bằng thịt như bạn bè người thân của
họ. Có một thầy giáo trung học hỏi học sinh: “Tuổi mới lớn như các em cần gì
nhất?”. Một bạn trẻ trả lời câu hỏi đó một cách rất chính xác: “niềm tin và tấm
gương”. Trong sự đổi vỡ niềm tin ấy bạn trẻ nhất là bạn trai cảm thấy chới với
giữa biển đời có thể bị trôi dạt thì niềm tin như con thuyền, tấm gương như
ngọn hải đăng rực sáng phía bến bờ.
Trong giai đoạn nhạy cảm này rất cần sự định hướng sự dìu dắt của cha mẹ,
thầy cô để bạn trẻ vượt qua. Nếu vượt qua được tâm lý của bạn trai sẽ dần ổn
định vững vàng mà vươn lên trong cuộc sống.
*.
VŨ
THỊ HƯƠNG MAI
Địa
chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long
Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
...................................................................................................................
-
© Tác giả giữ bản quyền.
-
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 11.05.2016
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét