(Nhà thơ Hữu Thỉnh (bìa trái) và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (bìa phải) |
VỀ CHUYỆN
ĐẠO THƠ CỦA ÔNG
HỮU THỈNH
(Tác giả Trần Mạnh Hảo) |
Bây giờ là 2 giờ sáng ngày 12 -11-2006 đang là
đêm của Việt Nam, Trần Mạnh Hảo thức dậy vì những cú điện thoại (cùng nhắn tin)
uỳnh oàng như súng liên thanh… từ khắp trong nước và hải ngoại gửi tới máy di
động, sửng sốt vì bài viết về chuyện ông Hữu Thỉnh Chủ tịch hội Nhà Văn Việt
Nam ăn cắp thơ của nữ thi sĩ ngưởi Đức tung ra trên Việt Nam Nét của tiên sinh
Đại Lãng Du Tử do Trần Mạnh Hảo tường trình lại cho rõ hơn trong bài: “…VIỆT
NAM NÉT VU CÁO HỮU THỈNH ĐẠO THƠ ?” in trên Internet ngày 10-11-2006.
Trong các thư điện tử gửi tới Trần Mạnh Hảo, có
ngót trăm thư gửi tới bàn luận về chuyện tày trời … của ông Hữu Thỉnh, bởi hành
vi đạo thơ nơi gương mặt số 1 của chế độ này về văn học nghệ thuật tức ông Hữu
Thỉnh đang là “quả bom nguyên tử” nổ inh trời dư luận Việt Nam, Trần Mạnh Hảo
đã nhận được một Email của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (ông bạn quý từng tham gia
Hội đồng thơ các khoá trước cùng với Trần Mạnh Hảo). Email của anh Nguyễn Trọng
Tạo - một nghệ sĩ tài danh : vừa là nhà thơ nổi tiếng, nhạc sĩ, họa sĩ nổi
tiếng, kiêm nhà báo, nhà phê bình văn học uy tín - gồm có 2 bài:
- Bài thứ nhất: AI “ĐẠO” AI?
- Bài thứ 2: KHÔN CHỐN VĂN CHƯƠNG LÀ KHÔN DẠI
(Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trả lời phỏng vấn báo “Nhà báo & Công luận” về giải
thưởng năm nay của Hội Nhà Văn Việt Nam)
Trần Mạnh Hảo xin trân trọng giới thiệu hai bài
báo dưới đây cùng quý vị độc giả Internet kính mến. Qua đây, chúng tôi cũng tỏ
lòng tri ân tới các website đã chuyển tải kịp thời những bài viết này đến quý
độc giả. Xin cám ơn và kính chúc quý vị sức khỏe, niềm vui.
Kính thư: Trần
Mạnh Hảo
Chuyện Hội Nhà Văn vui phát khóc.
Có mấy bài trên mạng xin chuyển tiếp tới các quí
vị.
AI “ĐẠO” AI: BÀI THƠ “HỎI” CỦA HỮU THỈNH VÀ BÀI THƠ “THƯỢNG ĐẾ SINH RA MẶT TRỜI” CỦA CHRISTA
REINIG
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã từng khen bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh: “đọc Hữu Thỉnh, dễ nhận thấy anh thường chặt
ở câu mà lỏng ở bài. Có người bảo anh là “nhà thơ nhiều câu ít bài”, kể cũng có
lý của họ… (Nhưng trong tập “Thư mùa đông” - Thường Nhân) hiệu quả lập tứ hiện rõ ở các bài Người
ấy, Chạm cốc với Xa-in, và đặc biệt là bài Hỏi (…) Đấy là một nghệ thuật
cô đúc, tinh vi chặt chẽ đến nỗi, ít mà không thiếu, nhiều mà chẳng thừa. Tác
giả hoàn toàn làm chủ những con chữ của mình, mà người đọc vẫn cảm thấy như tự
bài thơ nó vốn thế, nó là một khối vẹn toàn, lấp lánh tâm hồn và trí tuệ. Những
bài thơ như thế làm mới Hữu Thỉnh…” (VĂN CHƯƠNG CẢM VÀ LUẬN – Nhà xuất bản
Văn Hóa Thông Tin 1999).
Nhận xét như thế là rất đúng với bài thơ “Hỏi”. Nhưng lúc đó, nhà thơ Nguyễn
Trọng Tạo không hề biết là trước Hữu Thỉnh, đã có bài thơ “Thượng đế sinh ra
mặt trời” của nữ thi sĩ Đức Christa Reinig (sinh năm 1926), trong một tập thơ
của bà đoạt giải thưởng Văn chương Bremen 1964. Bài thơ đã được dịch ra tiếng Việt:
THƯỢNG ĐẾ SINH RA MẶT TRỜI
Tôi hỏi gió
Gió với em thế nào?
- Gió luôn ở bên em
Tôi hỏi mặt trời
Mặt trời với em thế
nào?
- Mặt trời luôn ở
bên em.
Tôi hỏi các vì sao
Các vì sao với em
thế nào?
- Các vì sao luôn ở
bên em.
Tôi hỏi con người
Con người với em
thế nào?
- Con người im lặng
không ai trả lời tôi.
Bài thơ này còn có một bản dịch khác, của Quang
Chiến, in trên tạp chí “Văn Học Nước Ngoài” của Hội Nhà Văn Việt
Nam số 6 – 2002.
Còn bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh đã in ở nhiều
sách, nó còn là bài đọc thêm trong sách giáo khoa phổ thông (chắc các nhà biên
soạn sách giáo khoa cũng chưa hề biết bài thơ trên của Christa Reinig). Nguyên
văn như sau:
HỎI
Tôi hỏi đất: Đất
sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước: Nước
sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống
với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau làm nên
những chân trời.
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế
nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế
nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế
nào?
Đặt 2 bài thơ của 2 tác giả một Đức một Việt cạnh
nhau sao nó giống nhau đến thế. Giống nhau về lập tứ, giống nhau về tinh thần,
giống nhau về tư tưởng, giống nhau về cả cách hỏi, cách lập ngôn. Nó như là thơ
“phỏng dịch” của nhau vậy. Christa chọn 4 đối tượng để hỏi: Gió, mặt trời, sao,
người. Hữu Thỉnh cũng chọn 4 đối tượng để hỏi: Đất, nước, cỏ, người. Ba đối
tượng trên có thể thay đổi thế nào cũng được, ví dụ có thể hỏi bò, lợn, chó xem
nó sống với nhau thế nào, chắc cũng sẽ có những câu trả lời hay. Ví dụ:
Tôi hỏi bò: Bò sống
với bò thế nào?
- Chúng tôi nhường
cỏ cho nhau.
Tôi hỏi lợn: Lợn
sống với lợn thế nào?
- Chúng tôi ủn ỉn
cùng nhau.
Tôi hỏi chó: Chó
sống với chó thế nào?
- Chúng tôi sủa
cùng nhau.
Nhưng muốn bài thơ có tứ hay, nhất thiết là phải
giữ nguyên đối tượng thứ tư, đấy là con người, thì bài thơ mới trở nên hoàn
chỉnh. Với bài thơ “Bò lợn chó” trên đây, chỉ cần ghép thêm vào đoạn kết của
Christa hoặc của Hữu Thỉnh là không chê vào đâu được.
Vậy thì nhà thơ cần sáng tác ra bài thơ, hay chỉ
cần đi sửa lại đôi chút thơ người khác? Tất nhiên đã là nhà thơ thì phải tự
mình làm ra ý, ra tứ, ra lời, tức là làm ra “bài thơ của mình”. Việc cóp nhặt
thơ, ăn cắp thơ, đạo thơ… những tưởng chỉ có những người mới tập làm thơ, hay
những kẻ hám danh “trẻ người non dạ” mới phạm tội. Vậy mà câu chuyện đạo thơ ấy
nó lại rơi đúng vào ông Chủ tịch Hội Nhà Văn - người đã từng đoạt một bồ giải
thưởng về thơ của Hội Nhà Văn. Liệu người ta có tin được những giải thưởng ấy
nữa hay không? Biêt nó là giải thật hay giải dổm?
Nghe nói Hữu Thỉnh là nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu
sắc ca dao tục ngữ. Nhưng ông đâu chỉ ảnh hưởng ca dao tục ngữ - thơ ca khuyết
danh, có cóp cũng chẳng sao. Tỷ như Hữu Thỉnh đã “sửa” hai câu thơ của Tự Đức
(vì tưởng là của Khuyết Danh?): “Đập cổ
kính ra tìm thấy bóng - Xếp tàn y lại để dành hơi” thành ra thơ của mình: “Mở trăng ra tìm – Trăng còn in bóng - Mở cỏ
ra xem - Cỏ còn hơi ấm”. Nhưng cứ như bài thơ “Hỏi” thì ông còn “ảnh hưởng” cả thơ hữu danh của Tây Đức. Nếu
mà ông không biết chuyện này, sang làm việc với các nhà văn Đức, lại đem bài
thơ “Hỏi” ra đọc, và người ta
dịch lại tiếng Đức bằng chính bài thơ của Christa, chắc sẽ được vỗ tay đến
không về nước được.
Văn nghệ Việt Nam gần đây kể cũng hơi bị buồn. Chưa
xong câu chuyện “tự nguyện” rút khỏi giải thưởng khi bị các nhạc sĩ tố giác
“đạo nhạc” của nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc, đã đến chuyện “đạo thơ” và tự trao
giải thưởng cho mình của ông Chủ tịch Hội Văn. Âu cũng là câu chuyện có vay có
trả vậy. Thôi thì người của công chúng cũng “nhân bất thập toàn” mà. Tôi đưa ra
cái chuyện “Ai đạo ai” này chẳng qua tôi cũng là kẻ muốn trị bệnh cứu người, và
muốn những nhà soạn sách giáo khoa cũng nên xem kỹ lại bài thơ “Hỏi” mà thôi.
Đừng để con cháu ta bị nhầm lẫn mãi.
*.
Ngày 07.11.2006
THƯỜNG NHÂN
NHÀ BÁO HẰNG NGA PHỎNG VẤN NHA THƠ NGUYỄN TRỌNG
TẠO
Nhà báo Hằng Nga: Khôn chốn văn chương là khôn dại Từng tham gia Hội đồng giám khảo thơ của Hội nhà văn Việt
Nam 5 năm, từ 2001 đến 2005, song năm nay Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không tham
gia. Hỏi, anh cho hay: “Mình là người không dễ thoả hiệp thì không nên ngồi lâu
ở đó. Thứ nữa, người ta cũng chẳng thích gì mình khi mình cứ như thế”. “Không dễ thoả hiệp”, vậy anh đã phải đấu tranh như thế
nào?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Năm
đầu tiên tham gia tôi không đồng ý khi Hội đồng thơ đưa ra 2 tập thơ để tặng
giải. Tôi đã đề nghị Ban chấp hành làm lại, nếu không tôi xin rút và không bao
giờ tham gia. Cuối cùng đã được chấp nhận. Tôi đề nghị xem lại một tập thơ - mà
trước đó đã được vứt ra sọt rác (loại) để cùng thảo luận. Đó là tập trường ca “Trầm
tích” của Hoàng Trần Cương. Tác phẩm chưa phải là thực sự cách tân mới
mẻ, chưa có bước đột phá lớn, nhưng nó có cá tính mạnh mẽ và độc đáo, đồng thời
nó đánh dấu sự trở lại của trường ca. (Đến nay, có nhiều người đánh giá “Trầm
tích” là tập thơ hay nhất về miền Trung - Phóng viên). Và sau khi tranh
luận, tập thơ được số phiếu bầu cao nhất, giành giải thưởng của năm.
Nhà báo Hằng Nga: Cùng với đấu tranh thì như anh nói: Muốn trung thực phải
có cách nhìn trung thực về văn chương ?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Không
những thế, mà còn phải rất kiên quyết bày tỏ ý kiến riêng của mình mà không sợ
ai khác thù hận. Vì giá trị văn học là câu chuyện cuối cùng. Nếu không vì văn
học, thì xét giải thưởng không có ý nghĩa gì. Để có thể bình đẳng hơn, khi tham
gia trong Hội đồng thơ, tôi đã rút tập thơ của mình ra khỏi danh sách chấm
giải. Cũng phải cân nhắc lắm tôi mới quyết định như thế.
Nhà báo Hằng Nga: Vậy qua 5 năm là thành viên của Hội đồng thơ, anh có hài
lòng với kết quả giải thưởng thơ hàng năm ?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Nói
thật là chỉ hài lòng 1/3. Mình không bảo thủ - duy trì ý kiến riêng đến quá cực
đoan, nhưng nếu nhìn về tổng thể, giải thưởng được trao theo kiểu “dĩ hoà vi
quý” thì không có gì là sang trọng cả.
Nhà báo Hằng Nga: Anh không hài lòng vì thơ không tìm được tác giả thực sự
xuất sắc hay vì Hội đồng không mạnh dạn trao giải cho những cây viết trẻ có cá
tính, có những đổi mới đáng ghi nhận ?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Có cả
2. Có năm có tác phẩm xuất sắc, có năm không, có khi là bó đũa chọn cột cờ.
Nhưng vì một nền văn hoá, bao giờ cũng phải qúy trọng những tìm tòi táo bạo của
những người viết. Họ làm thay đổi tư duy về văn học, tư duy về quan niệm sống,
về những giá trị của văn chương. Nói cho cùng, một xã hội nói chung, và văn học
nói riêng thì sáng tạo đồng nghĩa với phát triển.
Nhà báo Hằng Nga: Dẫu thế, công chúng và các nhà văn vẫn luôn nghĩ và phải
nghĩ Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam là danh giá ?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Đúng là
giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam
là đáng giá và cao nhất về chuyên môn. Nhưng qua mấy chục năm trao giải thì hầu
hết không chính xác. (Cũng có tác phẩm chính xác). Năm ngoái tiểu thuyết “Dòng
sông mía” của Đào Thắng trong cuộc thi Tiểu thuyết của Hội Nhà Văn, nếu
trao giải nhất là xứng đáng, nhưng lại không được trao độc lập, mà trao giải A
cùng 2 tác phẩm nữa.
Nhà báo Hằng Nga: Và năm nay, dư luận trong và ngoài giới nhà văn chưa bao
giờ bức xúc như thế ?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Tập
thơ “Thương
lượng với thời gian” của Hữu Thỉnh phải nói là kém. Một bước đi lùi so
với 2 lần từng nhận giải Hội Nhà Văn trước đây của anh. Nếu tính về cái mới,
cái ấn tượng thì “Lô lô” của Ly Hoàng Ly vượt hơn cả. Kể cả “Paris 11-8” của Thuận có
ngôn ngữ khá độc đáo, khác với những cái đã có. Song chỉ được tặng thưởng
(không phải giải thưởng chính thức) nên Ly Hoàng Ly từ chối giải và Thuận thì
thờ ơ với giải là đúng.
Nhà báo Hằng Nga: Đúng là thêm một giải thưởng khi tên tuổi đã được khẳng
định (nhất là ở vị trí cao nhất của Hội Nhà Văn) liệu nhà thơ Hữu Thỉnh có thêm phần giá
trị, cao sang ?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Chất
lượng thấp không làm sang cho bất cứ điều gì. Nếu xuất sắc thì lại là chuyện
khác.
Nhà báo Hằng Nga: Còn ngược lại. Lớp trẻ cá tính, mạnh mẽ, tự tin, họ không
quá quan tâm đến những hư danh ?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Họ bất
bình trước cách xét tặng không công bằng. Họ không làm điệu hay làm sang mà có
bản lĩnh. Nhìn mình, nhìn xung quanh và họ biết mình đang ở đâu. Còn tác phẩm
mới mẻ, cách tân bao giờ cũng đứng trước sóng gió của dư luận. Hội Nhà Văn Việt Nam sợ hãi dư luận mà lại không
đưa được chuẩn mực để trao giải thưởng. Vì thế, giải thưởng không tạo được uy
tín, người được nhận cũng bị hạ giá. Người trao không oai gì vì tiêu chí rất mù
mờ. Giải thưởng như bị vỡ trận. Không đủ bình tĩnh để tự tin.
Nhà báo Hằng Nga: Phần tặng thưởng là gây bất bình và dường như là một cách
nhìn nhận tác phẩm nửa vời nên đã bị phản ứng ?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Những
giải được trao kiểu này đã chứng tỏ tính “khôn khéo” của Hội Nhà Văn Việt Nam,
như một cái gì cố hữu. Song tôi lại nhớ rất rõ một câu thơ xa: “khôn chốn văn chương là khôn dại”. Tôi
không biết Hội Nhà Văn Việt Nam có dại hay không nhưng đúng là “khôn quá” khi
ứng xử với văn chương? Trao giải không chỉ vì mục đích xoa dịu, mà còn tỏ ta
nịnh bợ quá rõ. Trong lúc cần hướng tới giá trị đích thực của văn chương, thì
không thấy đâu.
Nhà báo Hằng Nga: Các nhà thơ trẻ gây ồn ào thời gian qua, thực chất như
thế nào, theo con mắt của anh, họ có xứng đáng được trao giải ?
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Nếu họ
xin vào Hội Nhà Văn chắc dễ hơn là trao giải cho họ. Thơ của họ - những người
thể hiện cá tính, quan niệm và phong cách mạnh - nói chung được coi là “có vấn
đề. Cuộc sống và khả năng sống của họ ở thời hiện đại này khác với tư duy khá
bảo thủ của thế hệ trước nằm trong Hội đồng và Ban Chấp hành Hội Nhà Văn. Dẫu
thơ trẻ có sự đua đòi, thể hiện một cái gì đấy chưa chuẩn, nhưng nếu không có
những làn sóng mới, trẻ trung trong văn học nghệ thuật thì không thể nào tiến
bộ được. Rõ ràng là họ khác với những gì đã có. Cái khác đó sẽ chín chắn dần
theo thời gian có thể tạo ra ngôn ngữ mới cho văn học nghệ thuật hiện tại và
tương lai.
BOX: Đặng Thái Sơn từng nói: “Mục đích của tôi không phải là giải thưởng, nhưng giải thưởng giúp tôi
nhanh chóng tiếp xúc với công chúng như một thương hiệu, nếu giải thưởng đó là
đích thực.”
Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo: Mỗi
giải thưởng không chỉ khẳng định những giá trị của văn học hay nghệ thuật mà
còn khẳng định giá trị của tổ chức trao giải. Nếu giải thưởng đích đáng, tổ
chức cũng xây dựng được thương hiệu của chính mình: uy tín, tường minh. Người
được trao oai mà tổ chức trao cũng oai.
BOX: Dẫu người ta cứ hay nói về một nền văn học đẳng cấp và
chuyên nghiệp nhưng đúng là phải có sự chuẩn bị và hy sinh. Trong 1000 người
cầm bút, may ra có một vài thành danh lớn. Văn chương là thế. Cứ làm đi. Ai
tài, ai can đảm không xuất hiện chỗ này, sẽ xuất hiện chỗ khác.
*
Báo Nhà Báo Và Công Luận
Mời thư giãn với nhạc phẩm THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO
của Đỗ Lộc, qua tiếng hát bé Bảo Khương:
TRẦN MẠNH HẢO
Địa chỉ: Số nhà 220/22
phố Hồ Văn Huê,
quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn
Email: hungdimy@yahoo.com
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com gửi ngày 03.08.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Mua ranh 3 vạn bán ranh 3 hào
Trả lờiXóa