310 CHÂN DUNG NHÀ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI - Tác giả: Đỗ Hoàng (Quảng Bình)

Leave a Comment

 

310 chân dung nhà thơ Việt đương đại

CHÂN NHÀ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (I)

 

1 - Hữu Thỉnh chẳng còn bài nào,

Xe tăng vấp phải tường rào thi ca!

 

2 - Chế Lan Viên quá tài ba

Cách tân, truyền thống thật là tuyệt luân!

3 - Phùng Cung chịu bao phong trần

Để thơ ca Việt đến gần Trời cao!

4 - Cũng nên nhắc bác Nguyễn Bao

Cùng em Định Hải đã vào văn chương!

5 - Phùng Quán tính cách khác thường

Lưu danh sử sách cũng đương luận bàn!

6 - Lê Đạt là bậc siêu phàm

Công an đặt bục phải mang suốt đời!

7 - Hoàng Trung Thông chỉ mấy nhời,

Bên ta cũng thích, bên người cũng ưa!

8 - Trần Dần chẳng phải tay vừa

Nô ben cầm chắc ngàn xưa ai tày!

9 - Nguyễn Hữu Đang sánh trời mây,

Mặc cho hỗn thế đọa đày nhân gian!

10 - Hoàng Cầm tình ái đa mang

Tài thơ số một trên toàn Đông Dương!

11- Lưu Trọng Lư không tầm thường

Tiếng Thu là đủ khơi nguồn nghìn thu.

12 - Nhạt nhàn văn xuôi Đỗ Chu

Nhảy qua thơ phú làm ngu thi đàn!

13- Buồn cho anh Vũ Từ Trang

Buôn gỗ sung sướng lại quàng thêm thơ.

14 - Mai Phương chẳng có mộng mơ

Ngợi ca chủ mỏ đem thơ đổi tiền!

15 - Phạm Tiến Duật cổ động viên

Để bao máu lính dính liền chân mây!

16 - Lê Thanh Nghị dân trai cày

Phê bình, thơ phú chẳng say lòng người!

17- Hoàng Nhuận Cầm đáng bôi vôi

Coi cuộc đánh đấm như chơi chắt chuyền!

19 - Thơ vô lối Nguyễn Khoa Điềm

Nên đưa tất cả búa liềm lại phang!

20 - Hương thầm của Phan Thanh Nhàn

Xóm đê nhìn lại chỉ toàn cỏ rau!

21 - Trúc Thông đau chữ, đau câu

Bờ sông vẫn gió từ lâu nhạt nhèo!

22 - Nguyễn Quang Thiều đã phăng teo

Sính làm Vô lối, cố đeo làm gì!

23 - Mai Văn Phấn cũng bỏ đi

Sở Đoan, Thuế vụ thư thi ai màng!

24 - Rất lạ chàng Hồng Thanh Quang,

Hang hùm, nọc rắn vẫn vang thơ tình!

25 - Nguyễn Trọng Tạo tỉnh tình tinh

Nhạc thì một phách, thơ đinh đóng hòm!

26 - Nguyễn Đình Chính vượt đạn bom,

Đi tìm lửa khéo bị chơm ổ gà

27 - Trần Trương đừng nhắc tên ra,

Kẻo mà xấu hổ thơ ca nước mình!

28 - In sa ra - gã Chăm tinh

Tiếng Việt nói ngọng còn bình thi thư!

Hà Nội, 16 tháng 7 năm 2012

CHÂN DUNG THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (Phần II)

29 - Hoan hô nhà thơ Hải Như

Ngợi ca quan lớn hiền sư giữ chùa.

30 - Viễn Phương hề, chẳng chịu thua,

Làm con chim hót lăng vua suốt đời!

31 - Hữu Loan bầm dập phận người,

Hoa mua màu tím vẫn ngời sắc hoa!

33- Hà Đông áo lụa Nguyên Sa,

Xứng danh thi bá tài ba vài dòng.

34- Trần Đăng Khoa thật thần đồng,

Ăn vàng cộng sản nên không thành Ngài!

35- Trần Mạnh Hảo rất kỳ tài,

Văn, thơ, luận chiến chẳng ai sánh bằng!

36- Nguyễn Duy một thuở tiếng tăm,

Cũng nhờ rau má, nong tằm, ca dao!

37- Chim Trắng thuộc loại cựu trào,

Nhưng mà chẳng có câu nào nhớ ghi!

38 - Tạ Vũ thần rượu sầu bi,

Vẫn mong Thị Hến đương thì mộng mơ!

39 - Nguyễn Thụy Kha đau giả vờ,

Nhạc thơ mưng tấy đồ rờ xi rê!

 

40 - Trần Nhuận Minh thấu tình quê,

Nỗi niềm câu chữ nhớ về cố hương!

41 - Chân thành thi sỹ Trần Nhương,

Nhúng vào sự thật văn chương có hồn!

42 - Nguyễn Chí Thiện nỗi như cồn,

Xứng danh Ngục Sỹ, thơ còn nghìn năm!

43 - Cao Tần đồng loại đánh văng,

Thi tâm nguồn cội sánh bằng ông cha!

44 - Nguyễn Bá Chung rời xứ ta,

Đêm ngày đau đáu quê nhà trong tim!

45 - Vũ Quần Phương đốt đuốc tìm,

Bè thơ sóng gió đánh chìm từ lâu!

46- Thạch Quỳ Củ Nghệ tóc râu,

Nhưng mà cũng có mấy câu nhớ bền!

47- Xuân Hoàng đã bị lãng quên,

Bỏ quê không để cái tên cho làng!

48 - Đa tài tử Lê Huy Quang,
Sân khấu, thơ, họa làm sang cho đời!

49 - Lê Văn Ngăn gã dở hơi,
Quyết làm Vô Lối bịp đời mấy chiêu!

50 - Bùi Giáng lục bát như Kiều,
Mưa Nguồn tưới thắm những chiều đảo điên!

51 - Đại Vô Lối Thanh Tâm Tuyền,
Hơi đâu mà nhắc cái tên ta bà!

52 - Bằng Việt vượt giàn đồng ca
Bằng dòng thơ dịch tài ba ai tày!

53 - Nữ thi sỹ Lê Thị Mây,
Chẳng còn một mảnh trăng gầy chờ mong!

54 - Y Phương tắm nước sông Hồng,
Nương thơ bị lũ bướm đồng cắn hư!

Hà Nội,15 tháng 8 năm 2012

CHÂN DUNG THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (Phần III)

55 - Trần Mai Ninh tài sức dư
Nhớ máu cũng đủ trả thù cho quê!

56 - Hoàng Lộc viếng bạn sẽ về,
Khó ai quên được thơ thề thiêng liêng.

57 - Trần Hữu Thung tạo nét riêng,
Là nhờ thăm lúa đồng chỉêm quê mình.

58 - Xuân Hoài ở chốn lặng im,
Thơ ông không biết đi tìm nơi mô?

59 - Tài hoa vặt Trần Ninh Hồ,
Thấm câu liền chị dạt xô mạn thuyền.

60 - Nguyễn Phan Hách rất có duyên,
Làng tôi quan họ một miền thơ văn!

61 - Hà Nhật làm ánh sao băng
Trên trời thơ Việt cùng trăng sáng ngời

62 - Pờ Sảo Mìn con núi đồi,
Cây hai nghìn lá nhiều người nhớ anh!

63 - Ngọc Tường Hoàng Phủ lên xanh,
Cuối cùng thì chút công danh chẳng còn!

64 - Lâm Thị Mỹ Dạ mỏi mòn,
Hết mùa đổi hố bom tròn ra vuông!

65 - Hải Bằng dù mất đế vương,
Tuổi tên còn với quê hương lâu dài.

66 - Nguyễn Bắc Sơn thật thi tài,
Vẽ ra chất lính hình hài đánh thuê.

67 - Hồ Vi chỉ một lời quê,
Thế là cũng đủ nhớ về thơ ông.

68 - Vi Thùy Linh lúc lên đồng,
Khỏa thân chăn lạnh thèm chồng, thèm anh!

69 - Vĩnh Nguyên để lại mấy vần,
Đời và thơ giữ trong ngần cho nhau.

70 - Võ Quê lẩn lộn vàng thau,
Giờ chắc đã thấm nỗi đau cọng dừa!

71 - Đinh Thu Vân tự bị lừa
Thơ gom đem dán chẳng vừa con tem.

72 - Chính Hữu rất giỏi thổi kèn
Cho đồng chí quyết xông lên diệt thù!

73 - Vũ Cao vượt đám sương mù
Núi Đôi cũng đủ đền bù đời thơ.

74 - Thu Bồn nhờ chút mộng mơ,
Chim chơ rao được tôn thờ trên nương.

75 - Vương Anh, Ngọc Lạc xứ Mường
Nhưng thơ lai giống phố, đường Thanh Hoa.

76 - Trần Quang Đạo rất tài hoa,
Giọng quê nhà chẳng nhạt nhòa trong tim!

77 - Nguyễn Linh Khiếu quyết đi tìm
Những con trâu mộng thành chim đại bàng!

78 - Thanh Hải bỏ phố lên ngàn
Mồ anh hoa nở đã tàn từ lâu!

Hà Nội, 22 tháng 8 năm 2012

CHÂN DUNG NHÀ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (IV)

 

79 - Thanh Thảo xuống cấp thi ca

Cuối đời lại hót mấy cha chức quyền

80 - Nguyễn Việt Chiến đứa huyên thuyên
Thơ vè báo liếp tuyên truyền xóm thôn

81 - Lưu Trùng Dương từ cõi ồn
Bước sang cõi lặng mất luôn tên mình

82 - Nguyễn Bình Phương gã phong tình
Vô lối ngu tối, hắc tinh thi đàn

83 - Vương Trọng xả súng từng tràng
Đằng Trần Côn gục dưới làn đạn lia

84 - Đỗ Trung Lai – Hán biết gì
Dịch như dao chém Đường thi tan tành

85 - Đinh Nam Khương sớm tàn danh
Tìm nguồn bốc thuốc non xanh mịt mờ

86 - Cầm Giang ấn khuất tài thơ
Cuối cùng vẫn được tôn thờ thi nhân

87 - Xin đừng nhắc ả Giáng Vân
Thuộc dòng vô lối tâm thần hiện nay

88 - Một đời thơ mỏ ai hay
Là Lê Tuấn Lộc ở ngay Hội nhà

89 - Lăng xăng Nguyễn Thị Ngọc Hà
Thơ vè thấp thoáng ta bà gian thương

90 - Thi tài có Trương Nam Hương
Khúc ca xa xứ đoạn trường xiết bao

91 - Lẫy lừng âm nhạc Văn Cao
Tài thơ cũng khó anh nào sánh vai

92 – Bùi Chí Vinh quả có tài
Loanh quanh lại thấy lai rai Sài Gòn

93 - Giang Nam tăm tiếng mỏi mòn
Quê hương một thuở chẳng còn tiếng tăm

94 – Đồng Nai có Đàm Chu Văn
Chút tình thi hữu thắm đằm trong tim

95 – Thương thay chàng Nguyễn Thanh Kim
Thơ không hót được như chim nhốt lồng

96 – Kim Ba ở cuối Cửu Long
Dây cà, dây muống, thi không có hồn

97 – Phan Huyền Thư chê cuội nguồn
Nằm nghiêng cho vết thương trôn chảy dài

98 – Vô lối Nguyễn Phan Quế Mai
Dịch ra thơ Việt chẳng xài được đâu

99 – Vàng Anh Phan Thị mọc râu
Văn thơ quyết cắt nhịp cầu ông cha

100 – Phạm Đình Ân lúc về già
Vòng quay tỏa sáng tài ba như người

101 – Hoàng Vũ Thuật tra (1) dở hơi
Vô lối tắc tỵ hết thời còn chi

102 - Viết ít nhất như Hải Kỳ
Thơ tình, tình tứ còn ghi thôn làng

103 – Hà Thúc Sinh rất ngang tàng
Nỗi buồn cuộc chiến tới ngàn năm sau

104 – Ngô Minh sẹo biển đỏ màu
Huyết bầm hột cát đến đau vạn đời

105 - Mai Ngọc Thanh thơ như người
Vượt lên tên tuổi giữa thời gớm ghê

106 – Hồng Thế thi sỹ tình quê
Đá còn nhảy, người còn mê mộng huyền!

Hà Nội, 30 tháng 3 năm 2017
(1) Tra: Già (tiếng miền Trung)

CHÂN DUNG NHÀ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (V)

107 - Anh Ngọc chỉ chê không khen
Đa từng nhóm cổ động viên chiến trường

108 – Hàn Mặc Tử trí phi thường
Làm ngôi bá chủ thi vương muôn đời

109 – Bích Khê mới lạ hơn người
Nỗi đau tinh huyết muôn đời lưu danh

110 – Làm nên tên tuổi Ngọc Anh
Kơ-nia tỏa bóng còn xanh đến giờ

111 – Nguyễn Thanh Mừng thực tài thơ
Phóng sinh cho cá có bờ bến neo

112 – Nguyễn Đình Thi thuở ngặt nghèo
Ôm em, ôm cả súng đeo bên mình

113 – Trủi tăm hơi, Nguyễn Văn Dinh
Thi sỹ Quảng Bình chỉ viết ca dao

114 – Văn Lợi rất đổi tự hào
Sống cho vợ, chẳng câu nào thi ca

115 – Đình Hùng là bậc tài ba
Nỗi niềm Đông Á vạn nhà cùng đau

116 – Nguyễn Bính thơ cỏ ngọn rau
Để cho nước Việt nghìn sau trường tồn

117 – Vũ Hoàng Chương xứng suy tôn
Thi vương, thi bá có hồn núi sông

118 – Khiêm nhường bác Chữ Văn Long
Hàng Buồn phố cổ gửi lòng người quê

119 - Vũ Xuân Hoát cũng bùn đê
Thật thà pha chút xàng xê bạn bè

120 – Vũ Hiển, Hải Phòng tàu ghe
Có tên vài chữ thơ vè cho vui

121 – Trần Vạn Giã bao ngậm
không bỏ quên là mình

123 – Nữ sỹ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
Thi tài lạ tạo khối hình cho thơ

124 – Trần Hậu lưu lạc mộng mơ
Mối tình ảo thực nối bờ Á – Âu

125 – Mã Giang Lân bạc tóc râu
Hai lần vé giả đi tàu thi ca

126 – Triệu Lam Châu thực hào hoa
Dịch Nga, viết nhạc, thơ ta đều tài

127 – Triệu Nguyễn chẳng thích lắm lời
Thi tâm nguồn cội muôn đời cha ông

128 – Lý Hoài Xuân quá mơ mồng
Huyền thoại Nhật Lệ bềnh bồng Bảo Ninh

129 – Trần Nhật Thu vượt chính mình
Ở miền tuyến lửa rạng danh với đời

130 – Thai Sắc ở tận cuối trời
Dã quỳ hoa vọng đến người mến yêu

131 – Trần Vàng Sao tuổi cuối chiều
Mới đau những cái mình liều xông lên

132 – Văn Công Hùng nối tuổi tên
Đất đai cây cỏ Tây Nguyên ghi hình

133 – Phạm Thiên Thư khúc thơ tình
Sẽ lưu sử sách tới nghìn năm sau!

Hà Nội, 3 tháng 4 năm 2017

CHÂN NHÀ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (VI)

134 – Xuân Diệu nổi tiếng địa cầu
Thơ tình từng chữ nhiệm mầu lời yêu!

135 – Sợi thương, sợi nhớ thêm nhiều
Thúy Bắc nhờ nhạc cho chiều thơ bay

136 – Vân Đài mơ mộng những ngày
Tài hoa một thuở đắm say Hà thành

137 – Thâm Tâm đời thật mỏng manh
Nhưng rồi nỗi “Tống biệt hành” âm vang

138 – Đông Hồ tình ái đa mang
Chút tài tử đủ làm sang cho người

139 – Lửa thiêng Huy Cận ngời ngời
Tràng giang buồn đến muôn đời chưa tan

140 – Lam Luyến trễ mấy đò ngang
Chồng em, chồng chị lỡ làng nhân hai

141 – Lê Đình Cánh rất thực tài
Nhìn Quán Sứ thấy hình hài thi nhân

142 – Nguyễn Hữu Quý sớm nổi danh
Trường Sơn khát vọng xây thành cho thơ

143 – Hai miền Âu, Á tình mơ
Nguyễn Đình Chiến nối đôi bờ thi ca

144 – Tế Hanh là bậc tài ba
Hoa niên từ thuở xưa xa lẫy lừng

145 – Thương nhau sông suối, núi rừng
Ngọc Bái in dấu trên từng nẻo quê

146 – Vũ Xuân Hương mãi đam mê
Hai miền Âu Á, lối về cha ông

147 – Tùng Bách cười cợt rất ngông
Biết chê cái đám kèn đồng không tim

148 – Một nhà thơ phải đi tìm
Anh Phan Cung Việt biết chìm nơi nao

149 – Phạm Ngọc Cảnh, cánh hô hào
Mấy sư đoàn thép lặn vào rừng tan

150 – Thơ tình nhạt nhất thế gian
Là ông giáo Mai Văn Hoan dưới vè!

151 – Nhìn mông hoa hậu vôi ve
Dương Ký Anh bị thơ đè chết tươi

152 – Chu Hoạch cống rãnh bệt ngồi
Nhưng thơ xúc động lòng người sớm trưa

153 – Phất cờ, phất mãi chưa bưa
Lê Chí ở giữa nắng mưa nhạt tình

154 – Hành phương nam Nguyễn Công Bình
Câu thơ gánh cả bóng mình trăm năm

155 – Nguyễn Trác lặng lẽ như tằm
Ngày dài, tháng lọn đợi rằm tơ ươm

156 – Khuất Bình Nguyên thơ à uôm
Chạy giải thưởng như con buôn chạy tù

157 – Đoàn Thị Ký xứ mây mù
Về xuôi giữ được câu thơ vẹn tròn

158 – Dương Thuấn con của núi non
Đi đâu cũng nhớ bản Hon xứ Tày

159 – Còn hơi thở muốn thơ hay
Đỗ Trọng Khơi vượt tháng ngày xe lăn!

160 – Mai Quỳnh Nam chữ vện vằn
Đố ai biết được rắn, trăn đề phòng!

Hà Nội, 7 tháng 4 năm 2017

CHÂN DUNG NHÀ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (VII)


161 - Tây Hồ mộng, Thái Thăng Long
Hồn thơ Hà Nội, Chín Rồng hào hoa

162 - Nguyễn Xuân Sanh nhịp hải hà
Cách tân xứng bậc tài ba thi đàn

163 – Hoàng Quang Thuận đứa bịp gian
Tưởng mua thơ được bằng vàng lưu manh!

164 – Phạm Đức thi sỹ chân thành
Đơn phương yêu vẫn ngọt lành gửi trao

165 – Ngũ Liên Tùng giỏi tự trào
Lườm phường châu chấu, cào cào nhiễu nhương

166 – Tử Phác chết đói, chết buồn
Tài thơ, nhạc, chí phi thường muôn năm

167 – Một người lặn tiếng, lặn tăm
Hồng Chinh Hiền đã từng nằm non xanh

168 – Đặng Đình Hưng mãi vang danh
Nhờ tài không phải công thành Thái Sơn

169 – Ý Nhi đời chẳng cô đơn
Buồn thơ vô lối còn hơn buồn mình

170 – Trần Chấn Uy, sông đa tình
Tha hương ngóng Mẹ gánh hình núi sông

171 – Bùi Tuyết Mai xuống phố đồng
Có hình non ánh đèn lồng trong thơ

172 – Đặng Nguyệt Anh mối tình mơ
Bao nhiêu cậu ấm, bao giờ về đây

173 – Thụy An bão gió đọa đày
Hồn Nhân văn vẫn muôn ngày còn thiêng

174– Đỗ Trung Quân nổi tuổi tên
Quê hương để nhớ xanh miền yêu thương

175 – Trải qua dặm thẳm chiến trường
Trần Nguyên Vấn đi trọn đường thơ xa

176 – Khi đàn ong lạc đến nhà
Trần Kim Anh có thi ca ngọt ngào

177 - Đồng Đức Bốn học ca dao
Người xinh mà khóc đò nào cũng nghiêng

178 – Sông Hương, núi Ngự hồn thiêng
Câu thơ Kim Yến tình riêng gửi người

179 – An Giang có Trịnh Bửu Hoài
Làm nên tên tuổi miệt xoài xanh cây

180 – Thu Nguyệt nổi tiếng những ngày
Vượt lên nữ sỹ xứ đầy bán mua

181 – Phạm Ngà nhớ lời ru xưa
Ru người nhưng cũng như vừa ru anh

183 – Lê Quốc Hán quả tài danh
Biến công thức toán trở thành tâm thi

184 – Thu Trang biền biệt Pa ri
Câu thơ hồn Việt vẫn ghi nhớ về

185 - Quang Khải đau đáu miền quê
Tưởng hình mẹ, nhớ vườn tê tái buồn

186– Lãng tử thi sỹ Kim Chuông
Câu từ đậm chất ngọn nguồn núi non

187 – Lương Định lang bạt Sài Gòn
Câu ca xứ Lạng vẫn còn tâm trong.

188 – Thi Hoàng ở tận Hải Phòng
Viết thơ Tây trắng, mắt tròng phải bai

189 – Hùng Anh cũng kẻ háo tài
Bỏ tiền mua cái miễn sai thơ vè

190 – Theo người mở cõi tìm về
Trần Hoàng Vy nối thêm quê thắm tình

191 – Phạm Đương là đứa hắc tinh
Ăn cắp thương hiệu công trình người ta!


Hà Nội, 8 tháng 4 năm 2017

CHÂN DUNG NHÀ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (VIII)

192 - Nổi danh lúc tuổi mười ba
Anh Thơ nữ sỹ tài hoa đương thời

193 – Vô lối rởm Từ Quốc Hoài
Còn thua mấy cháu lớp hai trường làng

194 – Loáng thoáng biết Trần Anh Trang
Hỏi thơ chẳng biết người đang làm gì?

195 – Hỏi cùng bác Đỗ Văn Tri
Biết thơ là khó nên đi tận cùng

196 – Trường Sơn một thuở luồn rừng
Nguyễn Thái Sơn vẫn đau từng câu thơ

197 – Quang Chuyền phiêu dạt ước mơ
Vẫn nhờ cánh sóng nối bờ thương nhau

198 – Trúc Cương thần rượu tiêu sầu
Trong tim chưa cạn mấy bầu thơ say!

199 – Đỗ Minh Dương nhớ những ngày
Gặp em hội diễn càng say lòng mình

200 – Trần Nhật Lam lặn bóng hình
Bạn bè nhắc kẻo quên tình thơ văn

201 – Thân to lớn Hoàng Việt Hằng
Hai bên thi báo có bằng nhau không?

202 - Leo lên đến cuối sông Hồng
Đỗ Thị Tấc vẫn nhớ dòng về xuôi

203 – Mộng Tuyết rạng rỡ bao nguời
Một trang nữ sỹ sáng trời đất Nam

204 – Quang Hoài lặng lẽ tháng năm
Con ong cần mẫn học tằm nhả tơ

205 – Không cần gây những bất ngờ
Nguyễn Trọng Văn vẫn nối bờ văn chương

206 – Nguyễn Sỹ Đại cứ thường thường
Ca ngợi đất nước, Đảng thương của mình

207 – Trong lặng lẽ, Nguyễn Tùng Linh
Biển mùa đông gửi trọn tình thủy chung

208 – Báo yên đi đến tận cùng
Cảnh Trà mất hút ở vùng cực Tây

209 – Tình bạn như ly nước đầy
Bùi Việt Mỹ sống đắm say tận lòng!

210 – Có người như có bằng không
Phải là Đào Ngọc Phong có nhầm?

211 – Vô lối chẳng có tri âm
Thuận Vi biết thế vẫn đâm sầm vào

213 – Lê Anh Xuân thuở tự hào
Cấu vồng đã tắt giữa sao băng dày

214 – Nguyễn Thị Mai nhớ Khâu Vai
Chợ tình vẫn đẹp có hai người tình

215 - Trần Ngọc Tảo với Quảng Ninh
Hột than đen nhánh giữ hình giang sơn

216 – Lão nông Fây Nguyễn Hoài Nhơn
Vẫn cày truyền thống tiếng đờn của choa

217 – Trương Quang Ngọc rất hào hoa
Lâu rồi không thấy anh ra thơ phường?

218 – Xứ người lạc Nguyễn Văn Chương
Thâu đêm câu chữ cho đường thơ lên

219 – Lê Mạnh Tuấn vẫn chí bền
Làm trai phải sống xứng tên tuổi mình

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2017

CHÂN DUNG THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (Phần IX)

 

220 – Tài năng nữ sỹ Xuân Quỳnh
Ra đi vẫn để bóng hình cho thơ

221 – Lưu Quang Vũ gây bất ngờ
Từ thơ sang kịch đôi bờ bằng nhau

222 – Phạm Văn Đoan sóng Vũng Tàu
Trường Sơn mãi mãi xanh màu biển khơi

223 – Trần Gia Thái thơ dở hơi
Đãi đằng nhục bút hót lời ngọng ngô!

224 – Vũ Ân Thi lặn đi mô?
Sài Gòn, Chợ Lớn, Tây Hồ, Hưng Yên?

225 - Bùi Minh Quốc thời không quên
Ngọn cờ Dân chủ tuổi tên vang lừng!

226 – Yêu thơ như Phạm Đông Hưng
Năm mươi đầu sách chưa dừng viết đâu!

227 – Muốn đời nhớ được vài câu
Văn Lê dầu dãi bạc đầu vì thơ.

 

228 – Lãng Thanh có những bất ngờ
Tình yêu như ngựa phi mờ chân mây

 

229 – Mai Liễu bóng núi hao gầy
Tình thơ cây vẫn nở đầy rừng hoa

 

230 – Đi tìm hết lối gần xa
Trần Quang Quý muốn thơ ta khác người

 

231 – Trải bao dặm thẳm đường đời
Lê Quang Sinh vẫn giữ lời cho quê

 

232 - Muốn không hổ thẹn ngày về
Luân Hoán vẫn giữ câu thề cố hương

 

233 – Một đời đeo đẵng văn chương
Châu Hồng Thủy chút tình thương cội nguồn

 

234 – Tài hoa có lúc nẫu buồn
Nguyễn Vũ Tiềm quê vẫn luôn ngóng hoài

 

235 – Trần Phá Nhạc giờ lai rai
Xuống đường lạc phố nhớ bài học ngu

 

236 – Dặm ngàn tuyết trắng mịt mù
Nguyễn Huy Hoàng được đền bù nhờ thơ

 

237 –Trần Chính lặng lẽ mộng mơ
Quê ta, ta hát bất ngờ gì đâu

 

238 - Nguyễn Hưng Hải chẳng mè mầu
Trung du, đồi cọ, nương dâu là tình

 

239 – Trầm luân mãi Hoàng Tích Linh
Kịch thơ lưu bút đến nghìn năm xa

 

240 – Phan Khôi trẻ mãi tình già
Một đời tiết tháo ta bà phải kiêng!

 

241 – Hằng Phương lẩn lộn chung riêng
Phẩm chất nữ sỹ bỏ quên quá buồn

 

242 – Tép tôm một lũ con buôn
Vũ Đức Phúc tiếp đánh đòn Nhân văn

 

Hà Nội, 15 tháng 4 năm 2017

CHÂN DUNG THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (Phần X)

 

243 – Võ Thanh An dấu tiếng tăm
Nhưng Bờm đã sống nghìn năm nay rồi!

 

244 – Trần Thị Thắng phải than ôi!
Một thời đạn lửa nung vôi còn gì?

 

245 – Đâu đó loáng thoàng Anh Chi
Nhìn rau gắp thịt còn gì văn chương!

 

246 – Núi non lãng đãng mờ sương
Bế Thành Long nét khác thường thi nhân

 

247 – Bàn Tài Đoàn lắm phong trần
Muối Cụ Hồ thấm mặn dần bản buôn

 

248 – Nông Quốc Chấn giữ cội nguồn
Châu huyện đổi mới nỗi buồn sẽ tan!

 

249 – Mai Châu mây trắng đỉnh ngàn
Lò Cao Nhum nổi giữa là sương xanh!

 

250 – Sinh dòng sông nước ngọt lành
Bế Kiến Quốc chút lòng thành thi ca

 

251– Tiếng suối trong – Tiếng hát xa
Trăng lồng thi tứ tài ba Cụ Hồ

 

252 – Chà Và lãng đãng nơi mô?
Sóng Hồng thương phận dạt xô Chu Thần!

 

253 – Chết đường lạnh lẻo tấm thân
Phương Xích Lô chở tử thần nuôi thơ!

 

254 - Xích Bích khuất nẻo bến bờ
Hoa bí vàng được tôn thờ tim yêu!

 

255 – Lê Đình Ty đời phiêu diêu
Xác xơ thơ phú cũng liều như ai!

 

256 – Trần Huyền Trang thực thi tài
Núi non Bình Định gánh vai với người!

 

257 – Từng chữ khó nhọc ngược xuôi
Trần Quốc Thực suốt một đời cho thơ!

 

258 – Dương Kiều Minh lắm ất ơ
Đại ngôn, vô lối bến bờ nào neo?

 

259 – Hà Huy Hoàng không bọt bèo
Quê mình, mình cứ hát theo giọng mình!

 

260 – Hồ Zếnh một đời phiêu linh
Chiều châm điếu thuốc cho tình thêm men

 

261 – Một đời lặng lẽ say mèn
Trịnh Thanh Sơn níu sợi bền thơ văn!

 

262 – Nguyễn Khắc Thạch mất tiếng tăm
Một bờ, một cánh lịm nằm nơi nao?

 

263 – Một cây bút nữ tự hào
Đông Hà cũng lịm chốn nào trông mong?

 

264 - Xuân Miễn từ biệt miền Đông
Bao cô bộ đội không chồng mà ngoan!

 

265 – Xuân Sách cũng loại siêu phàm
Văn thơ quỷ quái nhưng toàn lời hay!

 

Hà Nội, 22 tháng 4 năm 2017

CHÂN DUNG THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI (Phần XI)

 

266 - Trịnh Hoài Giàng cánh buồm lay
Nỗi đau biển cả ở ngay mạn thuyền

 

267 – Thơ Việt không biết gọi tên
Dư Thị Hoàn bị lãng quên lặng dần

 

268 – Mặt trời từ ấy rạng danh
Máu hoa Tố Hữu công thành cốt khô

 

269 - Tài chi cũng lạnh nấm mồ
Lê Đức Thọ giỏi hoan hô quân hành!

 

270 – Trải qua một cuộc chiến tranh
Ít người biết Ngô Thế Oanh hội mành.

 

271- Đoàn Phú Tư bậc tài danh
Màu thời gian vẫn nguyên lành nghìn năm

 

272 - Thế Lữ nguyên súy Tao đàn
Trắng tinh cánh hạc giữa ngàn chơi vơi

 

273 - Tô Ngọc Thạch lúc ít lời
Thì tin mưa nắng khoảng trời của em!

 

274 - Khát khao cái mới thường đêm
Hải Đường cũng tự bước lên thi đàn!

 

275 - Thơ là dâu bể đa đoan
Nguyễn Lập Em chẳng tính toan lỗ lời

 

276 – Lũi lầm lũi bãi sắn, đồng khoai
Bùi Quang Thanh cũng có bài thơ xanh

 

277 - Phận hèn ngọn cỏ mong manh
Nguyễn Long mấy kiếp mới thành thường dân!

 

278 – Có ai biết Tô Thi Vân
Hạt mưa vần vũ gieo vần thi ca

 

279 - Biển quê, sông nước, áo bà
Nguyễn Ngọc Phú nghĩa quê cha sớm chiều

 

280 -- Một đời mãi kiếp đang yêu
Đặng Vương Hưng biết nói điều vì nhau!

 

281 – Bầy sâu cà vạt đỏ nhàu
Bành Thanh Bần thấu nỗi đau dân mình

 

283 – Ngay trong cả viết thơ tình
Đặng Huy Giang biết chán mình, thật không?

 

284 - Đời như sân khấu một vòng
Phạm Trường Thi gửi nỗi lòng cho thơ

 

285 – Lục bát có cũ bao giờ
Nguyễn Thế Kiên vẫn tôn thờ ca dao!

 

286 - Nhọc nhằn vó ngựa non cao
Lê Minh Quốc quyết lối vào tim thương

 

287 – Trúc Chi lăn lộn sân trường
Vẫn dành câu chữ đời thường thơ văn!

 

288 – Bùi Quang Thanh (Nga) trải dặm ngàn
Về quê thấy chiếc là vàng nhặt lên!

 

289 – Nguyễn Hoa thao thức ngày đêm
Tình yêu như muối ướp bền vẫn tươi!

 

300 – Thế Dũng biệt xứ xa vời
Qua bốn phường trời, vẫn giữ từ tâm!

 

301 – Nấm mộ khắc dấu hương trầm
Nguyễn Đức Mậu chút tri ân bạn bè!

 

302 – Nguyễn Thanh Lâm chút đam mê
Tử vi, mưa nhớ lời thề tuổi hoa

 

303 – Nguyễn Khôi nổi tiếng gần xa
Người yêu tiên dặn như ta dặn mình

 

304 – Đứng dậy đi, ơi người tình
Phạm Hồ Thu gọi giữa thinh không người!

 

305 – Đào Vĩnh từ bụi cát vôi
Câu thơ bỏng rát nắng trời xi măng!

 

306 – Trải qua bao nổi bất bằng
Nguyễn Nguyên Bảy vẫn lòng hăng hái đầy

 

307 – Kìm giờ rượt mệt kim giây
Phạm Khải vất vả lấp đầy tình xưa

 

308 – Đã nhiều kẻ đón người đưa
Đỗ Bạch Mai vẫn nắng mưa một mình

 

309 - Lý Phương Liên nỗi đám đình
Giờ thơ đến lại người tình trăm năm

 

310 - Trương Tửu đau nỗi Nhân văn
Như Kiều thân gái qua trăm đoạn trường! (tràng)

*.

ĐỖ HOÀNG

Quê quán: Cao Vân, Lệ Thủy, Quảng Bình.

Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Email: donguyenhn@yahoo.com

Điện thoại: 091.336.96.52

.

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 24.01.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      

.

0 comments:

Đăng nhận xét