ĐỌC ‘CHIỀU CUỐI NĂM’ CỦA NGUYỄN VƯỢNG - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment

 


ĐỌC ‘CHIỀU CUỐI NĂM’

CỦA NGUYỄN VƯỢNG

*

CHIỀU CUỐI NĂM

 

Chiều cuối năm ngẩn ngơ trên bến vắng

Nước xanh trong dưới cái nắng hanh vàng

Con thuyền nhỏ đưa em về Mai Hạ

Bờ Đông Xuyên anh lỡ chuyến đò sang.

 

Chiều cuối năm triền sông vàng hoa cải

Hương sắc khoe gọi đàn bướm bay về

Cây đào tết nhà ai đang chớm nụ

Tiếng gọi trâu văng vẳng dưới chân đê.

 

Chiều cuối năm anh tìm về bến cũ

Con thuyền xưa, còn đâu bóng người xưa

Bạn cùng lứa giờ ai còn, ai mất

Một đời người, thoảng như chuyến đò đưa./.

*.

NGUYỄN VƯỢNG

LỜI BÌNH:

Vượng Nguyễn sinh ra ở vùng đất Yên Phong - Một vùng đất không gió bão chăng? Tôi nghĩ đó chính là khát vọng bình yên của cha ông - Một cái tên thật bình yên như bao cái tên khác của cái nôi Bắc Ninh Quan họ. Những vùng đất nghèo áo cơm nhưng giàu nhân nghĩa. Nhân nghĩa đã dựng xây cho vùng đất này thành chiến luỹ của dòng sông Như Nguyệt, nhân nghĩa đã kết đúc cho bài thơ thần Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, kết tinh nên làn điệu dân ca đẹp nhất say đắm lòng người nhất, một di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Những liền chị liền anh nơi đây đều có thể được coi là những thi sỹ tài hoa có năng lực sáng tạo và ứng tác những lời ca Quan họ rất nhanh trong những cuộc giao lưu, trong các cuộc thi hát đối đáp. 

(Tác giả Nguyễn Xuân Dương)

Tôi nghĩ Vượng Nguyễn là một trong hàng ngàn thi sỹ của vùng Kinh Bắc. Thơ ông đẫm chất trữ tình. Những bài thơ viết về quê hương Yên Phong của ông đều có thể được coi là những bức hoạ về một vùng quê với rất nhiều vẻ đẹp. Thơ ông là thơ hướng nội. Dù ông có viết về phong cảnh quê hương thì phong cảnh đó bao giờ cũng ẩn chứa tâm tư cảm xúc của con tim, đều được chắt ra từ tình yêu quê hương yêu dấu của mình.

Trở lại quê hương vào một buổi chiều cuối năm, những kỷ niệm cứ ùa ập tràn về:

Chiều cuối năm ngẩn ngơ trên bến vắng

Nước xanh trong dưới cái nắng hanh vàng

Con thuyền nhỏ đưa em về Mai Hạ

Bờ Đông Xuyên anh lỡ chuyến đò sang

Tâm trạng của ông hay nói đúng hơn tâm trạng của những người phải rời xa quê hương xứ sở vì vạn ngàn lý do khi trở về vào những buổi chiều cuối năm bao giờ cũng để lại trong ta những nỗi nhớ niềm thương, những tiếc nuối đến vô bờ. Trở lại quê hương sau những tháng năm xa cách lòng ta cứ ngẩn ngơ trước những đổi thay dâu bể đa đoan của cuộc đời. Dù trong đó có những đổi thay tốt đẹp nhưng sao lòng ta vẫn cứ chạnh buồn? Có lẽ những gì đã thuộc về kỷ niệm thì không thể xoá nhoà đi trong ta. Phải chăng đó là cái ích kỷ cố hữu của con người. Những thi ảnh trong thơ Vượng Nguyễn không thuộc về hiện tại mà nó được tái tạo từ quá khứ - một quá khứ chưa xa. Bây giờ bến đò Đông Xuyên không còn nữa, thay vào đó là cây cầu hiện đại bắc qua dòng sông Cầu. Nhưng trong tâm thức thi nhân vẫn như còn đó một con thuyền đã đưa em sang sông về cái làng có cái tên thật đẹp, thật dịu dàng Mai Hạ. Còn anh thì đã lỡ chuyến đò qua bến Đông Xuyên và vì thế tình duyên đôi ta đã trở thành chia biệt. Có lẽ vì thế dòng nước trong xanh hắt sắc nắng hanh vàng của hôm nay đã gợi nhớ về một lần ngăn sông cách trở làm cho thi nhân ngẩn ngơ, ngơ ngẩn trong một buổi chiều cuối năm trở lại nơi miền quê yêu dấu.

Chiều cuối năm triền sông vàng hoa cải

Hương sắc khoe gọi đàn bướm bay về

Cây đào tết nhà ai đang chớm nụ

Tiếng gọi trâu văng vẳng dưới chân đê.

Nếu đã được đi trên bờ sông Cầu vào những chiều cuối năm mới thấy được sắc vàng của hoa cải rực lên đôi bờ sông mỡ màu phù sa. Nơi đây có thứ cải đã gắn chặt với tên xóm tên làng - Cải Tiếu. Cây cải nặng hàng mấy cân, thứ cải phải để lên ngồng mới thu hoạch. Ở Bắc Ninh đã tồn tại một câu thành ngữ “Cải Tiếu nấu nước điếu cũng ngon”. Thật không ngoa. Phải chăng thi nhân đưa thi ảnh hoa cải vàng rực triền sông như muốn nhắc nhở thêm một lần nữa về nỗi đau chia biệt. Em như cây cải rồi sẽ bay về trời. Còn anh kiếp rau răm cứ phải ở lại chịu nạn đắng cay cho hết một kiếp người. Ong bướm bay về trên hoa cải chứ không phải là anh! Bất chợt môt thi ảnh thật đẹp về một cây đào nhà ai chớm nụ. Vâng nhà ai thôi một cái gì đó thuộc về sự xa vắng. Ngày xưa từ đó phải là Em bây giờ đã trở thành người dưng rồi nên người tình cũ buông vào đây một từ Ai nghe nhiều xa xót… Tiếng gọi trâu vẫn là tiếng gọi vọng về từ trong sâu thẳm của quá khứ khi anh và em còn thơ bé ở quê cắt cỏ chăn trâu vì bây giờ những vùng quê ít ai nuôi trâu để cày ruộng như xưa.

Chiều cuối năm anh tìm về bến cũ

Con thuyền xưa, còn đâu bóng người xưa

Bạn cùng lứa giờ ai còn, ai mất

Một đời người, thoảng như chuyến đò đưa./.

Sao cái bến cũ cứ như tiếng nấc ứ nghẹn trong lòng?

Khổ thơ khắc hoạ những đổi thay dâu bể của quê hương, nói chính xác hơn là đổi thay của những kiếp người. Đọc khổ thơ tôi nghĩ nhiều người thấy mình cay cay giọt nước mắt đã mặn chát dư vị cuộc đời. Con thuyền xưa và cả người yêu xưa giờ không biết ở đâu, đi đâu, về đâu trên cõi người này dù cái bến cũ của quá khứ vẫn vẹn nguyên trong tâm thức thi nhân. Chưa dừng lại ở đó vì tôi biết Vượng Nguyễn đã ở vào tuổi “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Bạn bè người mất kẻ còn là điều không tránh khỏi và vì thế ông buông vào đây một tiếng thở dài như xé nát lòng ta:

“Một đời người, thoảng như chuyến đò đưa”

Bài thơ khép lại rồi mà nỗi buồn cứ đọng lại trong lòng những đứa con lưu lạc xa quê hương xứ sở. Nhưng tôi nghĩ những nỗi buồn như thế không làm cho ta bi lụy mà làm cho lòng ta dịu lại để luôn nghĩ về những điều tốt đẹp hơn trong cuộc đời này.

Mời thư giãn với nhạc phẩm NẮNG CÓ CÒN XUÂN

của Đức Trí, qua tiếng hát Lê Quyên:

*

NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,

Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh

Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com

Điện thoại: 037.224.23.92

      

 

 

                               

…………………………………………………………………………

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.03.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

0 comments:

Đăng nhận xét