NGUYỄN HUY THIỆP CHỈ LÀ MẤY CÁI LỀU TRUYỆN NGẮN NỔI TRÊN SÌNH LẦY VĂN XUÔI VIỆT - Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức (Hà Nội)

Leave a Comment

 

NGUYỄN HUY THIỆP

CHỈ LÀ MẤY CÁI LỀU TRUYỆN NGẮN

NỔI TRÊN SÌNH LẦY VĂN XUÔI VIỆT

*

(Tác giả Nguyễn Hoàng Đức)

Dịp nhà văn nổi như cồn viết truyện ngắn mất cách đây hơn 50 ngày, có cả trào lưu vừa thương tiếc vừa đưa ông lên mây xanh, đặc biệt chủ tịch Hội Nhà Văn Nguyễn Quang Thiều còn thánh hóa ông như: đám mây Nguyễn Huy Thiệp mưa xuống cơn mưa tự do, lấp lánh… nhiều người ca tụng Nguyễn Huy Thiệp là văn hào… Dịp đó tôi định viết nhưng nhiều người can ngăn rằng, hãy để linh hồn anh Thiệp qua kỳ 49 ngày rồi hãy viết.

Tôi kiên nhẫn chờ, vì văn chương và nghệ thuật rất cần chất xúc tác trực tiếp, nhưng theo truyền thống, tôi đành ngồi chờ nồi nước nguội rồi mới pha trà. Viết bài này, tôi trước hết muốn nhắn nhủ lời thông cảm đến hai con trai anh Thiệp, bạn Nguyễn Phan Bách và bạn Nguyễn Phan Khoa, bố hai bạn đã từng vả vào mặt Hội Nhà Văn mà ai cũng thấy đã, đó là hội: “bọn giặc già thơ phú lăng nhăng, 80% vô học tự phát mà thành, nói chung là vứt đi cả…” (trích ý, không nguyên si). Bố các bạn đã làm nên một cuộc sỉ vả làm rung động sự háo danh vô học của cánh làm thơ phường hội chỉ thèm tem phiếu và ghế là chính, chứ làm gì có học vấn và mỹ học để làm thơ?! Không gì quí bằng sự công bằng cả, ngay khẩu hiệu của nước Pháp thời tiền cách mạng 1789 đã phấn đấu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Vậy hôm nay nếu tôi phải viết về bố hai bạn, rất mong hai bạn trẻ thông cảm cho tôi.

Bất kỳ tác giả nào nếu không được đánh giá bằng cơ sở mỹ học thì dù nổi tiếng đến mấy cũng không bám trụ được với thời gian. Đáng tiếc là cho đến nay giới văn chương phê bình Việt Nam chưa có được bài phê bình nào đánh giá theo tiêu chí mỹ học văn chương truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, cứ ào ào Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng lắm mà thôi. Ngay Hội Nhà Văn cũng vậy, mà hội nhà văn chủ yếu là những nhà thơ cảm tính ít học, nói chung là mù mỹ học, nên không thể có phê bình tác phẩm và tác giả đúng nghĩa được. Chẳng hạn, giá trị của Nguyễn Huy Thiệp tôi đã từng trao đổi với một anh tiến sĩ cấp lãnh đạo viện, trước sau anh ta chỉ nhắc đi nhắc lại “Thiệp nổi tiếng lắm” mà thôi.

Còn tôi đã bàn rất kỹ về bút pháp trong bài “Bàn về thực chất văn phẩm của Nguyễn Huy Thiệp” cho đến nay chưa ai phản biện được. Giờ, tôi chỉ đi vào các điểm chính ngắn gọn và “điểm xạ”.

 

1- CÂY LỚN KHÔNG THỂ MỌC TRÊN ĐẤT NHÃO:

Nguyễn Huy Thiệp được đón thai, phát triển rồi danh tiếng từ Hội Nhà văn. Cho đến tận ngày ông mất còn được chủ tịch hội Nguyễn Quang Thiều thảo và đọc di chúc, chứng tỏ Nguyễn Huy Thiệp rất sâu rễ bền gốc trong Hội Nhà Văn. Vậy mà không ai khác ngoài Nguyễn Huy Thiệp đã đánh giá thẳng thắn thế này: “bọn giặc già thơ phú lăng nhăng, 80% vô học tự phát mà thành, nói chung là vứt đi cả…” (trích ý, không nguyên si). Vậy mà giờ đây cái hội này tha hóa xuống cấp bệnh hoạn hơn nhiều. Rõ rệt nhất trong giải thưởng thơ cao nhất năm 2021, hội còn trao giải cao nhất cho bài thơ “chửi trộm gà” rất xú mỹ và thiếu nhân cách, không còn biết phân biệt cả gian - ngay! Nếu Nguyễn Huy Thiệp là tác giả lớn, cây to ư, liệu có mọc được trên đầm lầy nhão nhoẹt toàn bùn này?!

 

2- NGUYỄN HUY THIỆP NÓI LẮP:

Nguyễn Huy Thiệp nói lắp rất nhiều. Nhà văn là ngôn ngữ mà lại nói lắp thì viết văn làm sao?! Vì thế mà câu văn của Nguyễn Huy Thiệp cũng ngắn, hay chấm câu, vả lại Nguyễn Huy Thiệp cũng không thành thạo một ngoại ngữ nào để biết đến khái niệm câu phức hợp có mệnh đề kép và đại từ quan hệ để nối câu kép. Rút cục Nguyễn Huy Thiệp cũng chỉ viết được truyện ngắn, leo lên tiểu thuyết mini bèn rơi tự do?!

 

3- NÓI LẮP KHÔNG THỂ CÓ TƯ TƯỞNG HAY TRÀO LƯU SÁNG TẠO:

Nhiều người vô cớ gán cho văn Nguyễn Huy Thiệp có tư tưởng, rồi văn anh là hậu hiện đại. Thật vô lối của những tay tiểu nông, vì ít chữ cứ cậy vào hậu hiện đại để chòe. Muốn có hậu hiện đại hoặc bất cứ chủ nghĩa nào, người ta phải giỏi tiếng Tây vì các xu hướng lý thuyết đều bắt đầu từ Tây. Đằng này Nguyễn Huy Thiệp không nói sõi nổi một từ nước ngoài, rất lập bập và vụng về khi chạm phải tiếng Tây, thế thì hậu hiện đại cái gì?! Khi người ta dựng vở kịch “Nhà Ô-sin” cho Nguyễn Huy Thiệp, các diễn viên có hỏi “định hướng để diễn”. Nguyễn Huy Thiệp trả lời “Không có định hướng nào cả!” Không có định hướng mà lại đòi có tư tưởng ư?

 

4- PHONG ĐỘ MỸ HỌC:

Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp dài suýt soát tiểu thuyết mini, thì không thể anh viết truyện ngắn thì hay mà sang tiểu thuyết mini thì dở, vậy thì phong độ mỹ học của anh nằm chỗ nào? Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều trong điếu văn đọc tại đám tang có nói: ngai vua truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không ai lấy được. Vậy Hội Nhà Văn đã có bài về bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp chưa, các ông thơ phú tự phát có hiểu được văn xuôi không? Khi tôi gọi Nguyễn Huy Thiệp là vua truyện ngắn là nhân danh sự nổi tiếng chứ không phải nhân danh bút pháp! Còn tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp viết văn chủ yếu theo lối tường thuật của Trung Hoa. Cụ thể mới đây đạo diễn Vương Đức có làm phim “Người thợ xẻ”, tập trung vài truyện tinh hoa của anh Thiệp, nhưng truyện thiếu những yếu tố kịch tính, đối tác tính, và đối thoại nên phim cũng bị chìm ngay vào quên lãng?! Điều đó nói lên trình độ của chúng ta, làm phim thì phải dựa vào kịch bản - kịch tính, đằng này là dựa vào danh tiếng người nổi tiếng, đúng là cách chỉ mong hớt váng?!

 

5- MẶC CẢM ĐẠI BIỂU:

Những người yếu như đàn bà chẳng hạn, khi cãi nhau với đàn ông, họ thường dẫn ra mặc cảm đại biểu như “này đừng coi khinh đàn bà, chúng tôi có nữ bác học Marie Curie, rồi thủ tướng Đức bà Merkel đấy…” Hội nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp đánh giá nói chung vô học vứt đi cả, có ông chủ tịch thuộc loại nhiều chữ nhất mà lại viết : Đám mây mang tên Nguyễn Huy Thiệp mưa xuống tự do, lấp lánh. Có nghĩa ông ta cho rằng tự do xuống từ trời và chỉ là thứ mây ra mồ hôi rơi xuống đất (một tư duy ấu trĩ thủng đáy). Vì trình độ quá yếu kém mà Hội Nhà Văn có tâm lý mặc cảm đại biểu muốn xiển dương Nguyễn Huy Thiệp, cũng như đã từng xiển dương thần đồng Trần Đăng Khoa không lớn được rằng: này đừng tưởng chúng tôi bất tài, chẳng phải chúng tôi có vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lừng lẫy sao?!

 

6- CƠ MAY CỦA NGUYỄN HUY THIỆP:

Tác phẩm là quyền lực (danh ngôn). Không có tác phẩm nghĩa là chưa sinh thành hài nhi của tinh thần. Hàng triệu tinh trùng chui qua kẽ nứt vỏ trứng mới hình thành thai nhi. Nguyễn Huy Thiệp đã gặp cơ may như thế. Hội Nhà Văn bất tài nên rất đố kỵ. Họ từng nhắn nhủ cùng nhau “Này thằng A nổi tiếng đã làm chúng ta khốn khổ, vậy đừng để thằng B nổi tiếng, chúng ta không sống nổi đâu!” Vì thế sau Nguyễn Huy Thiệp, hội nhà thơ Việt cứ già lóc cóc bò leo ghế quan cao nhất, chẳng lo phải nhường cho ai?!

 

7- PHÂN LOẠI CỨNG ĐỂ CHÚNG TA XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG CỦA MÌNH:

- Thấp kịch đáy: thơ cảm xúc trong vài câu và vài bước chân (Tào Thục đi có 7 bước làm một bài thơ).

- Thấp sát đáy: truyện ngắn – ra đời khi có báo chí đăng một góc trên báo thường để những người chờ tầu xe đọc.

- Tiểu thuyết: tuy rằng đã cao nhưng vẫn bị gọi là “tiểu” khi dung lượng của trí tuệ ít.

- Trung sách: Phê bình và lý luận.

- Đại sách: như các cuốn Kinh Thánh và kề cận đó như các sử thi.

Mời các bạn hãy đọc và tự đánh giá tầm vóc văn chương của mình. Hội Nhà Văn có hàng tỉ đoản thơ, rồi nửa nghìn trường ca không nhân vật là những thứ leo biên ra hàng rào, cũng có thể là tinh hoa, nhưng cũng có thể chỉ là vật vờ đầu đường xó chợ?!

Tôi xin được kết thúc lửng tại đây. Xin được thông cảm và cám ơn các bạn!

*.

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

Địa chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn Xiển

(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)

quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com

.

 

 

 

 

 

 

  ......................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 12.05.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

0 comments:

Đăng nhận xét