CHUYỆN TÂM LINH QUANH SỰ HY SINH CỦA HỌA SĨ HÀ XUÂN PHONG - Tác giả: Nguyễn Thế Khoa (Hà Nội)

Leave a Comment

 

CHUYỆN TÂM LINH QUANH SỰ HY SINH

CỦA HỌA SĨ HÀ XUÂN PHONG

*

(Họa sĩ Hà Xuân Phong)

Sau chuyến đi thực tế Bình Định, cuối năm 1974, tôi về cơ quan Đoàn Văn công Giải phóng Trung Trung bộ thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 ở Trà My, Quảng Nam. Tôi dành thời gian viết vở kịch ngắn Hương dủ dẻ nói về tình quân dân của các chiến sĩ sư 3 Sao vàng với người dân Hoài Châu, Bình Định rồi được gọi về Ban học NQ của Bộ Chính trị về kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Cuối tháng 11/74, bất ngờ được tin họa sĩ Hà Xuân Phong chết đuối khi vượt sông Trà Nô đưa nhu yếu phẩm về Tiểu ban Văn nghệ. Tôi thật sự bàng hoàng. Anh Phong là một người dũng cảm bậc nhất văn nghệ K5. Anh luôn đến những chiến trường ác liệt nhất, những mũi nhọn sinh tử nhất và vui cười trở về. Bây giờ, con sông Trà Nô nhỏ xíu như một dòng suối lại cướp mất một người bơi giỏi như anh.

Tôi vốn khá thân với anh Phong và Hải Nhuận, người yêu của anh Phong, là diễn viên dân ca kịch của Đoàn, nên tôi xin phép trưởng đoàn Nguyễn Văn Lào cho tôi đưa Nhuận về Tiểu ban Văn nghệ tiễn đưa anh Phong.

Hà Xuân Phong sinh năm 1937, quê Sơn Trà, Đà Nẵng. Anh tốt nghiệp hội họa ở Đại học nghệ thuật Kiev, Ucraina. Về nước năm 1968, anh đã xin ngay về chiến trường khu 5 công tác. Anh Phong không những là họa sĩ nổi tiếng ở K5, đã hai lần tổ chức triển lãm ký họa tại chiến khu mà còn rất dũng cảm trong công tác, chịu khó lao động và luôn giúp đỡ mọi người nên ai cũng yêu mến anh. Chính anh đã chỉ đạo anh em trong Tiểu ban Văn nghệ cùng anh kỳ công làm nên một căn nhà hai tầng trong rừng sâu Trà My để ở chỉ bằng dao. Đây là một tuyệt phẩm kiến trúc có một không hai ở chiến khu thời khu 5 chống Mỹ mà anh em Văn nghệ đùa rằng hai cụ Năm Công (Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy) và Hai Mạnh (Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu) còn lâu mới có mà ở, đã được hai họa sĩ Triệu Khắc Lễ và Giang Nguyên Thái ghi lại trong bộ ký họa chiến trường của hai anh.

Về khoản yêu đương thì tuy không quá đẹp trai, anh Phong lại rất đào hoa. Nghe nói khi miền Bắc, ở Ucraina, anh Phong đã được nhiều mỹ nhân yêu. Lúc về K5, 6 năm qua, anh em bạn bè kể rằng anh Phong cũng đã có không ít mối tình trên chiến khu cũng như ở đồng bằng Bình Định, Quảng Nam. Gặp Hải Nhuận, cô bé văn công vào loại xinh nhất, trẻ nhất (lúc ấy mới tròn 18 tuổi), tuy ít hơn anh đến hơn 15 tuổi và đang được rất nhiều trai tráng văn nghệ báo chí k5 đua nhau săn đón. Nhưng hai người đã say nắng nhau ngay lần gặp đầu tiên hơn một năm trước. Và người họa sĩ tài hoa và đào hoa này từng thề với tôi, "chim xanh" của anh trong mối tình này, rằng nhất định đây sẽ là mối tình cuối cùng của anh.

Nhuận cũng thế, luôn tâm sự về anh Phong với tôi khi hai người xa nhau.

Ngày 17/11/74, ngày anh Phong mất giữa dòng nước lũ Trà Nô, Hiệp Đức, Nhuận bất ngờ đến gặp tôi khi chúng tôi đang ở Trà My, cách nơi anh Phong mất một ngày đi bộ, nói rằng không hiểu sao cả ngày hôm đó Nhuận cứ cồn cào gan ruột, mi mắt giật liên tục. Nhuận lo lắng hỏi tôi: "Hay là anh Phong gặp chuyện gì rồi anh?". Tôi gạt ngay: "Bậy bạ. Anh Phong khỏe thế, đang ở trên cơ quan chứ có đi công tác đâu mà có chuyện gì".

(Tác giả Nguyễn Thế Khoa)

Trên đường gần một ngày băng rừng về Tiểu ban Văn nghệ, Nhuận vừa khóc vừa kể với tôi nhiều chuyện về anh Phong. Tôi nhớ Nhuận kể em có một tấm ảnh do chính anh Phong chụp, tấm ảnh Nhuận ngồi bên bờ đá Trà Nô nhìn xuống dòng nước. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà Nhuận đã cắt ảnh anh Phong dán lên dòng nước để chứng tỏ tình yêu của mình. Nhuận khóc tấm tức: "Chính em đã dìm anh Phong xuống dòng Trà Nô".

Về đến Tiểu ban Văn nghệ, chúng tôi được biết anh Phong tin mình bơi giỏi nên đã ôm bao ni lon chứa đường sữa thuốc Ban phân cho Tiểu ban bơi qua sông Trà Nô giữa cơn mưa rừng. Không ngờ một cơn lũ lớn từ thượng nguồn bất ngờ tràn về lúc anh đang giữa dòng đã cuốn anh theo ngay trước mắt nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người của Tiểu ban VN cùng đi lấy đường sữa với anh Phong, và nhiều cán bộ Ban. Đã hai ngày, Ban và Tiểu ban đã cử những người bơi giỏi cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn công binh quân khu tìm kiếm dọc sông Trà Nô ra đến đầu sông Thu Bồn mà chưa tìm thấy anh.

Tôi còn nghe nhà thơ Ngô Thế Oanh kể những điều lạ lùng về cái chết của anh Phong. Anh Phong vốn yêu chim thú nên dù đang ở trên rừng gian khổ thiếu đói, anh vẫn nuôi một đôi chim và một con chó. Trước khi anh Phong bị lũ cuốn ít ngày, có vài con chim trời chợt bay đến đậu trên lồng chim của anh Phong, anh Phong đuổi mãi mới bay đi. Còn con chó của anh Phong thì từ ngày anh Phong mất cứ chạy ra bờ sông Trà Nô nằm rên ư ử như khóc thương ông chủ nhân từ. Ngô Thế Oanh còn nói từ khi anh Phong mất, đêm nào Oanh cũng mơ thấy một con chim đến đậu đầu võng hót tiếng gì nghe rất giống tiếng anh Phong.

Tôi mắc võng nằm cùng nhà các anh Bùi Minh Quốc, Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Văn Hởi. Anh Quốc cùng lứa với anh Phong và đều là cựu binh chiến trường. Anh Quốc vào chiến trường trước anh Phong một năm. Hai anh rất thân nhau. Một buổi sáng anh Quốc dậy kể rằng đêm qua anh mơ thấy anh Phong. Anh Phong nói với anh Quốc: "Quốc ơi, tớ đang rất lạnh vì ở dưới nước lâu quá. Cậu nói với anh em tớ chưa đi đâu xa đâu, vẫn đang ở gần cơ quan lắm, đến đưa mình về". Anh Quốc tin rằng đây là Hà Xuân Phong báo mộng, nên ngay sau đó đem chuyện giấc mơ nói với lãnh đạo Ban Tuyên huấn. Lãnh đạo liền báo với những người đang tìm kiếm anh Phong tin này. Đội tìm kiếm quay lại tìm kiếm khu vực sông Trà Nô gần cơ quan. Ngay ngày hôm sau, mọi người đã tìm thấy anh Phong bị mắt dưới chùm rễ của một cây cổ thụ bị ngập nước khi lũ tràn về.

Đó đã là ngày thứ 5 từ khi anh Phong bị lũ cuốn.

Đám tang họa sĩ Hà Xuân Phong sau đó được Tiểu ban Văn nghệ tổ chức rất trọng thể có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ban Tuyên huấn và nhiều đơn vị trong ban. Hồi đó các vòng hoa viếng đều được làm bằng giấy trắng rất đẹp, trang trọng. Nhưng kỳ lạ thay, vòng hoa của đơn vị có vị lãnh đạo mà họa sĩ Hà Xuân Phong rất khinh ghét vừa đem đến viếng anh đã xơ xác ngay như vừa bị ai vò xé.

Họa sĩ Hà Xuân Phong sau đó được phong tặng liệt sĩ.

Từ những câu chuyện quanh sự hy sinh của họa sĩ Hà Xuân Phong, anh em Văn nghệ khu 5 chúng tôi ai cũng tin vào tâm linh và sự linh thiêng của anh Phong.

Chúng tôi rất mừng khi năm 2019, Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng đã trang trọng tổ chức triển lãm 64 bức ký họa của họa sĩ Hà Xuân Phong, người con ưu tú của quê hương Đà Nẵng. Xem triển làm mọi người càng thương tiếc tài năng lớn của người họa sĩ liệt sĩ nhân hậu này.

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

*.

NGUYỄN THẾ KHOA

Địa chỉ: phường Láng Thượng

quận Đống Đa, Hà Nội.

 

 

 

 

..........................................................................................................

- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 21.04.2022

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét