THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH: PHỨC TẠP HƠN RẤT NHIỀU NHỮNG GÌ ĐÃ BIẾT - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 


THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH -

PHỨC TẠP HƠN RẤT NHIỀU NHỮNG GÌ ĐÃ BIẾT

 

Trần Chí Cường giới thiệu

 

Tác giả: Trần Thường

THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH, NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG ĐÃ TỪ TRẦN VÌ BỆNH HIỂM NGHÈO

 

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù được Đảng, Nhà nước, quân đội, các giáo sư, bác sĩ, gia đình tận tình chăm sóc cứu chữa, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã từ trần rạng sáng nay 14/9.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15/5/1959. Tuy nhiên, trong giấy tờ lý lịch ghi ông sinh năm 1957 (trong một cuộc trao đổi gần đây với VietNamNet, Thượng tướng giải thích rằng, khi xin đi bộ đội thì mới 17 tuổi, nếu khai tuổi thật không được nhập ngũ, nên phải khai thêm 2 tuổi).

Thượng tướng quê quán tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII; trình độ chuyên môn Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế.

Năm 1998 ông giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Quốc phòng. Năm 2002 ông được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Quốc phòng. Tháng 2/2009, ông được Thủ tướng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tháng 1/2011, ông Nguyễn Chí Vịnh được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI.

Năm 2011, ông được phong quân hàm Thượng tướng. Đến tháng 1/2016, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII.

Trong lễ trao huy hiệu 40 năm tuổi Đảng mới diễn ra hồi cuối tháng 8, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng nhận định, suốt 40 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông Nguyễn Chí Vịnh luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, giữ vững nguyên tắc, có phong cách làm việc quyết đoán, thận trọng, khách quan, gần gũi, sâu sát cơ sở; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thượng tướng đã giữ gìn, nêu cao và tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đạo đức cách mạng trong sáng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản kiên trung, người cán bộ, vị tướng của Quân đội.

Đặc biệt, trên cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã cùng tập thể Thường vụ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong hoạch định và triển khai thực hiện hiệu quả đường lối quân sự, quốc phòng; hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng; chủ trương, đối sách xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm nảy sinh liên quan đến quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

 

 

Tác giả: Trương Huy San

NGUYỄN CHÍ VỊNH [1959-2023]

 

Ngày 8-2-2023, tôi nhận được cuốn sách “Người Thầy” với lời đề tặng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, “Thân tặng anh Huy Đức Osin/ Bài học vỡ lòng của tôi trong nghề viết lách”.

Đọc xong, tôi nhắn anh ấy:

Cuốn sách rất hấp dẫn nhưng tôi vẫn phải đọc chậm rãi. Rất nhiều ký ức dội về. Những người như tôi đọc được rất nhiều tầng ngữ nghĩa mà anh gửi gắm. Cho dù, về cách nhìn các sự kiện chính trị giữa tôi và anh có nhiều chỗ không giống nhau. Nhưng phần lớn tư liệu và những vấn đề anh đề cập rất bổ ích đối với tôi. Đặc biệt, phần ‘con người’ được anh viết rất xúc động. Tôi không chỉ hiểu thêm ‘Người Thầy’ mà hiểu thêm về anh. Những câu chuyện như vậy chắc chắn sẽ làm nhiều người điều chỉnh cách nhìn về một con người ‘quá phức tạp’ như anh. Rất cám ơn anh về cuốn sách, mong anh tiếp tục chiến thắng trong ‘cuộc chiến’ mà anh đang phải đối đầu này.”

Tôi và Tướng Vịnh rất ít khi trao đổi trực tiếp. Hôm ấy, 28-2-2023, “Hộp Thư” nói, “Bốn ngày hôm nay ông ấy nhận được kết quả điều trị, tươi tỉnh hơn nhiều”.

Tướng Vịnh nhắn lại:

Vâng. Cám ơn anh. Tôi rất muốn nghe nhận xét của anh về cuốn sách, và về cả những điều chưa nói về cuộc chiến Cam Pu Chia của chúng ta nữa”.

 

Cuộc chiến Cam Pu Chia của chúng ta”.

Năm 1983, tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn để học ở trường Chuyên gia Quân sự 481. Xuống ga Bình Triệu, tôi đi xe lam về nhà bà chị ở đường Phan Bội Châu, phía đối diện chợ Bà Chiểu. Chồng chị tôi lúc ấy đang là một Trưởng ban của Đoàn 12 [Đơn vị Tình báo Quân đội ở Cam Pu Chia]. Nhà chị tôi trong một hẻm thông yên tĩnh, cửa luôn mở vì ở lầu trên cùng, luôn có lớp học một thầy, một trò. Học trò ở trên ấy, đi đến đều bịt mặt, ra vào lúc nào chúng tôi không biết; thầy cũng bịt mặt, lặng lẽ đến, lặng lẽ đi.

Tình báo mà tôi biết lúc đó, gần giống như trong tiểu thuyết.

Tôi sang Cam Pu Chia cùng năm với Nguyễn Chí Vịnh, cùng đeo quân hàm trung úy; nhưng tôi hành quân lặng lẽ còn Nguyễn Chí Vịnh được một trung tá, thư ký Tướng Lê Đức Anh, ra sân bay đón.

Đoàn 12 đóng trong một đoạn phố bị chặn lại cạnh Đài Độc Lập. Khi còn ở thủ đô Phnom Pênh, tôi hay sang đấy thăm ông anh. Vịnh khi ấy cũng chưa thực sự là sĩ quan tình báo. Chúng tôi có ngồi uống trà vặt với nhau. Tôi ở Cam Pu Chia tới năm 1987, vì thế, tôi “đọc” được trong “Người Thầy” nhiều hơn những gì Tướng Vịnh muốn nói về “cuộc chiến Cam Pu Chia của chúng ta”.

Mấy năm sau khi công bố cuốn Bên Thắng Cuộc, mấy người bạn chơi chung nhắn, “Năm Vịnh mời mày xuống Chèm uống rượu”. Tôi trả lời, “Rất muốn gặp lại Tướng Vịnh nhưng chờ khi anh ấy nghỉ hưu đã”.

Ba tháng sau khi Tướng Vịnh thôi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đến nhà tôi với một thùng rượu và những người bạn chung. Vừa ngồi xuống ghế đối diện, ông mắng: “Tại sao phải chờ tôi nghỉ hưu ông mới gặp?”

Tôi không đủ thân để trả lời thật câu hỏi ấy. Như tất cả những nhà tình báo khác, chúng ta chỉ biết họ một phần. Tướng Vịnh tiếp quản Tổng Cục II ở thời điểm mà cơ quan này có rất nhiều vấn đề, có những vấn đề ông can dự. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, tôi đã phải viết những điều khiến rất nhiều nhân vật lịch sử và người thân của họ không hài lòng. Những điều tôi viết về Tổng Cục II chắc chắn Tướng Vịnh không hài lòng.

Trong số những người không hài lòng và trong số những cách xử sự của họ mà tôi biết, cách xử sự của Tướng Vịnh với tôi là vừa bản lĩnh, vừa “lính”, vừa sâu xa, rất chính trị.

Tất nhiên tôi đánh giá Tướng Vịnh không chỉ trên những gì ông đối xử với mình. Tôi không ngại ngần khi nhận xét thẳng với ông, “anh phức tạp hơn rất nhiều những gì chúng tôi biết”. Khi Tướng Vịnh bắt đầu viết, tôi nói, nếu Tướng Vịnh nói ra hết sự thật, lịch sử sẽ được bổ sung rất nhiều khoảng tối.

Trong cuốn, “Một Số Vấn Đề Về Đường Lối Quân Sự, Chiến Lược Quốc Phòng…” mới xuất bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phần III, phần do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chấp bút, có rất nhiều thông tin như thế.

Ông thẳng thắn: “Trong bối cảnh, tình hình mới đặt ra yêu cầu ‘tinh, gọn, mạnh’ thì cũng phải tiếp tục làm rõ những định hướng dài hạn... Ví dụ: Kháng chiến chống Mỹ, với khoẳng 10 trường quân sự cung cấp đủ cán bộ cho cả một đội quân 1,5 triệu người, góp phần tạo nên sức mạnh của quân đội để đánh thắng. Trong khi đó, Quân đội vào thế kỷ XXI có tới hàng trăm trường, đồng nghĩa với hàng trăm bộ máy chỉ huy, hàng trăm doanh trại, hàng trăm dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật… thế mà vẫn mở thêm các trường, điều đó làm sao mà lý giải được”.

Đặc biệt, chỉ ông, trong cuốn sách của Tổng bí thư, mới cho chúng ta biết:

Hay như về vũ khí, trang bị, việc mua ngay một lúc 6 tàu ngầm kilo cũng không hoàn toàn là một phương án tối ưu, xét từ góc nhìn chung của quốc tế về hiệu quả khai thác, sử dụng cũng như khả năng răn đe. Có thể dẫn chứng, Australia là một quốc đảo, nhưng thời gian đầu họ cũng chỉ thuê một tàu ngầm 20 năm để sử dụng thử nghiệm, sau đó mới tính chuyện mua bán. Cho nên, việc Việt Nam mua một lúc 6 tàu ngầm thì họ đánh giá là: To gan nhất thế giới, thích là mua, vừa tốn ngân sách, vừa lo bảo đảm kỹ thuật, vừa không thiết thực”.

Ông còn hai cuốn sách, theo ông Bình Ca, đã viết mà chưa xuất bản.

Câu chuyện “mua 10 tỷ đô la vũ khí, khí tài” này diễn ra trong nhiệm kỳ X [trước 2011], khi mà Tướng Vịnh vừa thấy “tự hào vừa băn khoăn, trăn trở sâu xa”, sự trăn trở của một người nghiên cứu “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”. Khi mà, theo ông, “Có lẽ bộ trưởng Phùng Quang Thanh chưa nhận thấy tính cập thiết của Văn kiện ‘Chiến lược quốc phòng Việt Nam’, nên không mặn mà với ý tưởng này”.

Phải tới nhiệm kỳ XI, sau cuộc gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng [diễn ra ngày 22-11-2012] sau “13 câu hỏi của Tổng Bí thư”, nhiều quyết định mới được đặt ra trên nền tảng tư duy chiến lược.

Trước và sau chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam vừa qua, nhiều người làm việc “inside” của cả hai bên đều có nhắc đến vai trò của Tướng Vịnh trong cả một tiến trình dài xử lý các vấn đề gai góc liên quan đến quan hệ Việt - Mỹ.

Tôi vẫn giữ suy nghĩ, “Tướng Vịnh phức tạp hơn những gì chúng ta biết”. Nhưng, với những gì chúng ta biết thì ông rõ ràng là một chính trị gia có tài. Trong phần lớn những nhà lãnh đạo “đồng triều”, ông không chỉ nổi tiếng hơn mà thực sự nổi bật hơn. Cả sự hiểu biết về thời cuộc, tư duy chiến lược và kỹ năng chính trị, Thượng tướng Nguyễn Chị Vịnh có những tố chất mà nhiều người ngang ông và cả trên ông không có.

 

Tôi không bất ngờ về tin, nửa đêm qua ông mất.

Hôm 5-7-2023, tôi lặng lẽ tham quan bảo tàng Nguyễn Chí Thanh. Tôi đi rồi ông mới biết nên điện thoại đề nghị tôi quay lại. Hôm ấy ông ngồi xe lăn, không để cho tôi có một giây hỏi thăm sức khỏe, ông đề nghị tôi nhận xét về Bảo tàng và nói rất say sưa về các vấn đề lịch sử liên quan đến Hồ Chí Minh, Lê Duẩn…, những chuyến đi Trung Quốc và những quyết định về “sử dụng bạo lực ở miền Nam” có cha ông, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, can dự. Sau chừng 30 phút thì ông kêu mệt, xin lên phòng nghỉ.

Trong số con cái của các nhà lãnh đạo cộng sản thuộc thế hệ “khai chế độ”, Nguyễn Chí Vịnh cho thấy ông là người tài năng hơn và thành công hơn.

Hôm uống rượu say túy lúy ở Chèm, tôi nói với ông, Trong lớp học ở Trường Chuyên gia Quân sự 481 năm 1983 của tôi, có rất nhiều bạn từ Đại học Công an Vũ Trang [nay là Học viện Biên Phòng] được điều sang Cục II. Tôi rất muốn biết bây giờ họ ra sao. Ông nói, “Để hôm nào tôi gọi chúng nó tới đây uống rượu, có thằng giờ là tướng đấy”.

Như vậy là cuộc gặp mà tôi chờ đợi ấy đã không còn có thể xảy ra và tôi và ông cũng không còn cơ hội để nói chuyện với nhau về “Cuộc chiến Cam Pu Chia của chúng ta” như ông đề nghị nữa.

---------

Nguồn:https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid02ogKXZhGWcxohr8s1a84LuXPT6snY6G1Ldi3fqQRGDFezecJbE3beYsDqgkBJsAv7l

 


Tác giả: Xuân Ba

TƯỚNG VỊNH, NHỮNG GÓC KHUẤT

 

Lần ấy ngồi lâu lâu với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, tôi dè dặt trao đổi lại những giai thoại...

Từ nhà Lý Nam Đế

Cơ may những lần được ngồi với tướng Nguyễn Chí Vịnh, cũng chẳng nhớ nữa. May? Chứ sao. Như cái lần tướng Vịnh cho phép tôi được hầu chuyện với các yếu nhân và đi thực tế dài ngày ở Tổng cục 2 (Tình báo Quốc phòng) để viết về dịp 50 năm Ngày truyền thống của ngành.

Rồi trong những hồi ức về thân phụ anh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thi thoảng lại có thêm những chuyện mới lạ độc đáo do chính Nguyễn Chí Vịnh kể.

Như chuyện nhà thơ Trần Dần bị bắt giam. Thi sĩ gần như mất lòng tin, ý chí, rơi vào tuyệt vọng… Trần Dần đã định tìm đến cái chết.

Thời điểm đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã gặp Trần Dần. Đại tướng chủ động tới thăm nhà thơ.

Chẳng hay hai người đã trao đổi với nhau những gì? Nhưng hậu thế đều biết câu này của Đại tướng: “Tôi biết trong đầu anh còn rất nhiều sáng tạo chỉ chờ thời gian để cho ra đời và phát sáng. Anh nhất định phải sống đến ngày đó”.

Với nhà văn Nguyên Ngọc, tướng Thanh rất khoái Đất nước đứng lên. Từng gặp gỡ hỏi chuyện thân mật nhà văn từng thực tế với đồng bào Tây Nguyên như thế nào mà viết ấn tượng thế?

Nhưng Đại tướng Chủ nhiệm Chính trị bảo luôn: “Cái kết của Đất nước đứng lên cậu viết hơi buồn. Liệu có sửa chút ít được không?”.

Nguyên Ngọc về sửa đi sửa lại. Nhưng vẫn không ưng. Đang khi lúng túng, Đại tướng điện đến: “Hôm nọ mình nói là nói thế thôi. Cậu cứ để nguyên như thế cũng chẳng sao. Đừng có ép mà lợn lành chữa thành lợn què!”.

Còn nhạc sĩ Trần Hoàn kể lần ấy Đại tướng bảo đàn hát cho ông bài Thiên Thai của Văn Cao. Đại tướng rủ rỉ: “Này, bài hát nghe rất hay nhưng mình chưa hiểu hay ở chỗ nào, Hoàn thử nói mình nghe…”

Trưa hè đổ lửa ấy, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Nguyễn Chí Thanh chăm chú nghe nhạc sĩ giảng qua về khúc thức, giai điệu, hình tượng âm nhạc…

Đại tướng gật gù.

Thế tại răng những bài hát kháng chiến làm lại không hay như vậy được? Mà kháng chiến cũng đau khổ, day dứt lắm chứ? Bao nhiêu mối tình, bao nhiêu sự chia ly, bao nhiêu những hy sinh cao cả mà sao chưa có nhiều bài hát hay?”.

Rồi lần ấy tướng Vịnh kể cho nghe chuyện mất nhà!

Cái nhà 34 Lý Nam Đế. Ngôi nhà mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và gia đình ở từ cuối những năm 50.

Tiếp quản Thủ đô, tướng Thanh và gia đình được đến ở một ngôi biệt thự bề thế khang trang ở đường Cổ Ngư kề Hồ Tây. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, nhận thấy nhiều điều bất tiện vì Nhà nước khi đó đang rất cần những biệt thự sang trọng để phục vụ cho công việc khác cần kíp, tướng Thanh đã chủ động trả nhà.

Rồi gia đình được chuyển đến một ngôi nhà ở phố Cửa Đông. Nhưng cũng chả lâu, Bộ Quốc phòng đề nghị Đại tướng chuyển đến ngôi nhà 34 Lý Nam Đế.

...Chuyến đi vào Thanh Hóa ấy, tôi (Chí Vịnh) đi cùng các anh chị trong nhà. Khoảng 8,9 giờ tối bỗng có tiếng súng nổ. Rồi pháo bắn sáng rực ngoài biển, đó là một đêm đầu tháng 8 năm 1964. Chỉ một lát sau có người đến báo là cả nhà phải ra Hà Nội gấp. Thế là đi suốt đêm. Sáng mới ra đến 34 Lý Nam Đế. Thì ra Bác Hồ báo ra gấp. Ngôi nhà 34 sớm tinh mơ ấy có công an bộ đội đầy nhà. Một cuộc họp quan trọng.

Khách đến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến đầu tiên rồi Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau đó là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Các Ủy viên Bộ chính trị không quá 10 người ngồi vừa đủ bộ sa lông tầng 2 nhà 34. Khoảng 7h30 Bác đi chiếc Pôbeđa đến. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuống đón Bác.

Giá như nhà 34 mà còn thì hẳn trên gác 2 tại bộ sa lông cũ kỹ ấy có tấm biển ghi những dòng đại loại.

Tại đây ngày… tháng 8 năm 1964, Bộ Chính trị đã họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn bạc quyết định những việc hệ trọng. Đối phó với cuộc tiến công bằng đường không của giặc Mỹ. Nội dung thứ hai là bàn việc cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường B.”

Nhà 34, ngôi nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã sống và làm việc trên 10 năm. Từ nhà 34, ông đã vào chiến trường… Và cũng từ nhà 34 ông đột ngột vướng bạo bệnh rồi vào thẳng Bệnh viện 108 và vĩnh viễn ra đi.

...Trong nhà 34 có một tập thể nhỏ đặc biệt. Đó là trung đội bảo vệ do ông Sáng làm trung đội trưởng.

Ngày 6/7/1967 trước đêm đại tướng trở bệnh đột ngột khi đại tướng vừa từ nhà sàn Bác Hồ trở về, cả trung đội đã sắp hàng nghiêm cẩn đưa trình đại tướng một lá đơn viết bằng máu tình nguyện theo đại tướng vào chiến trường B. Đó là ngôi nhà hướng ra tiền tuyến!

Ngôi nhà 34 dường như là một chứng nhân của lịch sử

Tướng Vịnh có kể về đám cưới của mình tổ chức tại nhà 34. Và trước đó, 3 đám cưới của các con gái tướng Thanh cũng đều được tổ chức trên mảnh sân ngôi nhà 34 này.

Tướng Vịnh cũng từng bộc bạch một quá vãng hàn vi.

Năm 1972, hàng tháng Nguyễn Chí Vịnh nhận tiền tuất của ba Thanh. Mỗi tháng bà nội được 19 đồng. Vịnh được 12 đồng. Cả nhà được 10 đồng. Vào thời điểm này học bổng toàn phần của học sinh phổ thông là 9 đồng. Sinh viên là 15 hay 17 đồng.

Một lần vào năm 1973, có người bảo: “Tiêu chuẩn của cháu hưởng theo Tổng cục Chính trị không còn nữa. Cả nhà cũng không còn nữa”.

Nghe vậy Vịnh lẳng lặng trở về nhà không dám nói với mẹ vì mẹ đang đau ốm sợ bệnh mẹ nặng thêm…

Có thời điểm như Nguyễn Chí Vịnh nói là hoàn cảnh cũng như tâm thế đã… rơi xuống tận đáy!

Nhất là thời điểm những năm cuối 79 đầu tám mươi. Sức khỏe bà Cúc bị suy kiệt. Bệnh đau dạ dầy kinh niên, bệnh cao huyết áp. Rồi bà bị bệnh trầm cảm nhớ nhớ quên quên. Bà nằm ở Quân y Viện 103, 108 rất lâu rồi mất ở 108 năm 1980. Khi mẹ Cúc ra đi cả gia đình nhất là Nguyễn Chí Vịnh rơi vào cảm giác như xuống đáy!

Nhưng xuống tận đáy để trồi lên.

Lần ấy ngồi chuyện với tướng Vịnh, tôi có hỏi về việc tại sao không giữ lại ngôi nhà 34 để làm nơi lưu giữ những kỷ niệm về đại tướng như một thứ bảo tàng? Tướng Vịnh cứ ậm ừ rồi lảng sang chuyện khác. Sau này gạn thêm chị Hà và chồng là anh Bắc, nguyên là sĩ quan tùy tùng của tướng Đào Đình Luyện, anh chị nói luôn là đầu những năm 90 có liên tục đề nghị đơn từ hẳn hoi nhưng rồi cũng… không lại!

 

Đến góc nhà Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng

Sau kha khá những dìn dứ đôi hồi, lần ấy ngồi lâu lâu với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, tôi dè dặt trao đổi lại những giai thoại cũng có, chuyện thực cũng có về mối quan hệ với bộ ba Lê Đức Anh - Đỗ Mười - Võ Văn Kiệt. Rằng Nguyễn Chí Vịnh luôn được ba vị này bảo ban kèm cặp. Cả ngược lại là từng “cản trở” con đường thăng tiến (!?) Tướng Vịnh nghe cứ cười cười…

Một cung cách hay phương pháp của tướng Vịnh là anh chẳng bao giờ đỏ mặt tía tai hoặc lớn giọng những cãi vã, thanh minh!

Âm lượng rủ rỉ trong câu chuyện như mang lại những thông điệp cần thiết.

...Có nhiều thời điểm, tôi cũng chông chênh lắm. Như khái niệm bạn – thù, một nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị TW8 (Khóa IX). Khi đó, Tổng cục 2 chúng tôi có nhiệm vụ đóng góp ý kiến, phục vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo cấp trên. Tôi tìm đến người mà tôi tin cậy nhất là Đại tướng Lê Đức Anh.

Thời điểm đó, các ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đều không còn làm cố vấn, nhưng họ vẫn là chỗ dựa tinh thần và là những người thầy lớn của tôi.

Khi đặt câu hỏi với ông Lê Đức Anh: “Thưa chú, bức màn sắt đã rơi xuống rồi, không còn hai phe nữa, thì xác định bạn - thù thế nào đây?”. Thú thực, tôi đã chuẩn bị sẽ nghe ông la rầy, rằng tôi đã đánh mất quan điểm, mà với người làm tình báo, mất quan điểm là hỏng hết. Trái với lo ngại của tôi, ông lại thẳng thắn, mạnh mẽ: “Chuyện nào có lợi cho đất nước thì mình làm, sự hợp tác nào đem lại lợi ích cho đất nước thì mình bắt tay, còn cái gì có khả năng xâm hại đến quốc gia, dân tộc thì mình phải chống, phải hóa giải”. Ông Sáu Nam (Lê Đức Anh) khuyên tôi gặp thêm ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt.

Cụ Mười cười: “Đúng quá rồi còn gì. Nhưng phải xác định rõ thế nào là có lợi, thế nào là không có lợi cho đất nước mình”.

Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, đem chuyện này hỏi ông Võ Văn Kiệt, ông thẳng tưng: “Bây giờ mới đặt vấn đề này là chậm rồi”.

Cả ba “Ông già lớn” đều cho rằng vấn đề trên là cấp bách. Cả ba đều tiếp thêm động lực để chúng tôi có chính kiến mạnh mẽ báo cáo cấp trên.

Cuối cùng thì Nghị quyết TW8, Khóa IX được thông qua. Lần đầu tiên chúng ta hình thành khái niệm mới: thay “phân chia bạn - thù” bằng “Không có kẻ thù, chỉ có đối tượng và đối tác”.

Rồi một lần khác, trong không khí thân mật, tôi cũng vuột với tướng quân dư luận rằng, hình như tướng Nguyễn Chí Vịnh có cung cách và ngôn ngữ giao thiệp với Trung Quốc hơi khang khác trong mặt bằng ngoại giao của nhiều quan chức khác?

Vậy có không? Và cái lạ và khang khác ấy là gì?

Tướng Nguyễn Chí Vịnh châm một điếu thuốc mới. (Viết đến đây tôi chợt chột dạ với những điếu thuốc nối liên miên nhất là khi anh say chuyện. Hình như là căn nguyên của chứng bệnh hiểm nghèo mà anh từng phải gánh chịu?).

Tướng Vịnh đang kể về một người thân của mình, ông tướng tình báo Hai Trung, Phạm Xuân Ẩn. Và đây là lời khuyên của người điệp viên hoàn hảo ấy.

Tình báo giờ phải mở mạnh ra ngoại quốc, phải coi thế giới họ thay đổi như thế nào. Đương nhiên tình báo phải đi tìm địch, nhưng thời đại hiện nay tình báo cũng phải tìm bạn mà chơi, thậm chí phải chơi được cả với kẻ thù, để không cho nó đánh mình”.

Năm 2000, tôi tháp tùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi công tác nước ngoài, một chuyến đi đầy khó khăn.

Trong bữa tiệc chiêu đãi, một lãnh đạo nước bạn đi chúc rượu, đột nhiên dừng lại bên tôi và cười thân mật: “Đồng chí là cán bộ tình báo, sao lại phục vụ đồng chí Tổng Bí thư trong công tác đối ngoại?”.

Tôi đáp: “Thưa đồng chí, trong thời chiến thì tình báo tìm địch để đánh thắng, còn trong thời bình tình báo tìm bạn để có hòa bình và hữu nghị”.

Các vị trong bàn tiệc cùng cười vui vẻ.

...Nhiều người vẫn mang tâm lý, quân đội súng ống đầy người mà chăm chăm vào hoạt động phi quân sự là thiếu dũng cảm, là “hòa bình chủ nghĩa”. Nhưng thế giới bây giờ, người ta nói: “Luyện quân tốt để không phải đánh, mua vũ khí hiện đại để không phải bắn”. Nếu thiếu dũng cảm để đem lợi ích cho đất nước, thì người lính như tôi sẵn sàng mang cái tiếng xấu ấy.

Có lần ông Thượng nghị sĩ Leahy, Chủ tịch Thượng viện Mỹ nói với tôi: “Trong quan hệ Việt Mỹ, khó nhất và nhạy cảm nhất là việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhưng kỳ diệu thay, đến bây giờ lại trở thành một trong những lĩnh vực hiệu quả nhất và đem lại nhiều cảm hứng nhất để thúc đẩy quan hệ Việt Mỹ”.

Trong quan hệ với Trung Quốc mọi vấn đề dù khó khăn nhất, nếu chúng ta biết nhận thức đâu là lợi ích chính đáng, đích thực, thì cả hai phía sẽ tìm được con đường giải quyết mà không phải động binh đao.

Tướng quân bộc bạch thêm.

“...Chúng ta phải giữ bằng được quyền chủ quyền trên thềm lục địa 200 hải lý và làm cho tất cả các nước hiểu và tôn trọng quyết tâm sắt đá ấy. Chúng ta phải pháp lý hóa những gì chúng ta tuyên bố, những đảo, đá nào chúng ta có chủ quyền, thềm lục địa của chúng ta đến đâu... Dựa trên cơ sở đó, chúng ta phải giữ cho bằng được 21 điểm đảo, 33 điểm đóng quân và các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa. Chúng ta cũng kiên trì đấu tranh cho chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, mặc dù đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhưng Việt Nam không bao giờ từ bỏ, và không được phép từ bỏ.”

Kiên quyết, kiên trì nhưng không manh động, không khiêu khích - đó là cách chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm. Có lần tôi gặp Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Ông ta nói: “Cái quan trọng nhất của cả Việt Nam và Trung Quốc, là hai bên đừng hành động quá tay hay tuyên bố quá lời”.

Năm 2011, sau vụ tàu Bình Minh bị cắt cáp, tôi sang gặp lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Khi hai bên đang tranh luận một vị tướng nói: “Nếu tôi nói Trường Sa, Hoàng Sa không phải của Trung Quốc thì tôi không còn là người Trung Quốc. Nhưng tôi hiểu nếu đồng chí nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc thì đồng chí cũng không phải là người Việt Nam nữa. Chúng ta khác nhau và đó là lý do phải ngồi lại với nhau”.

Điều tôi thấy không bình thường là nhiều người không phân biệt được làm thế nào để giữ chủ quyền với làm gì cho bõ ghét. Việc chúng ta phải làm là giữ nhà, và quan hệ thuận hòa với láng giềng, chứ không phải thoá mạ chửi rủa. Thoá mạ giúp chúng ta sướng miệng, chứ không giữ được nhà.

 

Vĩ Thanh buồn

Năm nay, mùa hè tháng Bảy, hình như tướng Vịnh lâm trọng bệnh nên cái giỗ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vắng đi sự quần tụ ấm áp của nhiều bạn bè thân hữu!

Rồi bao nhiêu dự định tốt lành ở Ngôi Nhà Lưu niệm - Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mới cất mà ông bạn nhà văn Tiến Trọc đã nắc nỏm, rằng đây là một bảo tàng đáng xem với những ai muốn tìm hiểu về các nhân vật lịch sử cận đại.

Chao ôi, cái tháng Bảy dương, tháng Bảy âm định mệnh!

 


Tác giả: Lê Văn Đoành

VỀ CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN CHÍ VỊNH

 

Sau hơn mười ngày rơi vào hôn mê, ngày 14-9-2023, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Uỷ viên Trung ương hai khoá 11-12, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trút hơi thở cuối cùng, vĩnh viễn khép lại số phận “lẫy lừng” của nhân vật được cho là chứng nhân số một trong hàng loạt bí mật kinh thiên động địa trong triều đình cộng sản gần ba mươi năm qua.

Nguyễn Chí Vịnh sinh năm 1959 tại Hà Nội, quê gốc ở Niêm Phò, Quảng Thọ, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vịnh là con trai út của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) và bà Nguyễn Thị Cúc (1923-1979) bác sĩ quân y viện 108. Các anh chị trên Vịnh gồm: Nguyễn Trường Sơn (mất lúc nhỏ), Nguyễn Thanh Hà (chủ tịch Hội đồng Quản trị VietJet Air), Nguyễn Kim Sơn (cựu bác sĩ quân y), Nguyễn Thị Thành (cựu thượng tá quân đội).

Là con thứ 5 trong gia đình, nên Nguyễn Chí Vịnh có tên thường gọi là Năm Vịnh. Bố mất sớm, Vịnh được Uỷ viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ (1911-1990) nhận làm cha đỡ đầu. Sau này Vịnh được cả Lê Đức Anh (1920-2019) và Vũ Chính, tên thật là Đặng Văn Trung (1928-2022) dìu dắt, đưa vào Cục 2, tiền thân của Tổng cục Tình báo Quốc phòng, tức Tổng cục 2 (TC2), để rồi dần leo lên đỉnh cao quyền lực: Uỷ viên Trung ương khoá 11, 12, Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Dười thời Vũ Chính, nhiều sĩ quan cấp cao ở Hà Nội xem Tổng cục 2 là một "vương triều", với ông vua Vũ Chính, hoàng hậu Nguyễn Thị Nhẫn, hoàng tử Đặng Trí Dũng, các công chúa Đặng Thị Ngọc (vợ Năm Vịnh), Đặng Thị Mai, Đặng Thị Tuyết, cùng phò mã Năm Vịnh, với sự phù phép của Thái Thượng hoàng Lê Đức Anh.

Với sự chống lưng của đại tướng Lê Đức Anh, bố vợ Vũ Chính cùng con rể Nguyễn Chí Vịnh đã biến TC 2 thành cơ quan siêu quyền lực, đứng trên cả Bộ Chính trị, gây nên vô số bê bối trong cung đình cộng sản. Những thủ đoạn tàn độc mà một số cá nhân, phe nhóm trong Đảng Cộng Sản Việt Nam sử dụng TC2 để triệt hạ đối thủ của mình, nhằm thâu tóm quyền lực, đã hiện rõ giai đoạn này. Hai vụ án chấn động trong đảng và cả hệ thống chính trị phải kể đến, xảy ra từ trước đại hội 7 năm 1991 là:

1.- Vụ án T4: Đó là vụ án tình báo ma, dựng chuyện rằng “điệp viên của TC2” bí danh T4, do CIA cài cắm, cho hay, CIA đã móc nối một số cán bộ lãnh đạo cao cấp như ông Trương Tấn Sang, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An, Võ Thị Thắng… để làm việc cho nước Mỹ, hoặc gây phân hóa trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. T4 thông báo danh sách những người đã cộng tác với CIA, đã tiếp xúc với CIA, đã làm tay sai cho CIA, danh sách lên tới hơn 20 người, trong đó có cả Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu, Trần Trọng Tân, Trần Văn Tạo… âm mưu đưa miền Nam ly khai với Bắc Việt.

2.- Vụ Sáu Sứ - Năm Châu: Nguyễn Như Văn, tức Tư Văn (1924-2001), cùng bố con Chính - Vịnh tại TC2, dưới sự chỉ đạo của Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời đó, đã dàn dựng kịch bản, có đầy đủ nhân vật, tài liệu, để quy chụp chính trị và hạ bệ “thần tượng” Võ Nguyên Giáp trong quân đội.

Nghiêm trọng đến nỗi, tại Hội nghị Trung ương 12, khoá 6, ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng Ban Tổ chức, thay mặt Bộ Chính trị, báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương “văn bản tuyệt mật”, nói rằng: Một vụ bè phái vi phạm nguyên tắc Đảng, hòng chi phối vấn đề bố trí nhân sự cấp cao đang diễn ra. Những cái tên bị quy chụp gồm: Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, cùng một số cán bộ cao cấp là Uỷ viên Trung ương các tỉnh thành phía Bắc.

Trong nhiều thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, tướng Võ Nguyên Giáp gọi Tổng cục 2 là một tổ chức “siêu đảng, siêu chính phủ, phá hoại Đảng một cách có hệ thống”. Ông Giáp tố cáo TC2 tội phá hoại đảng nghiêm trọng, có tổ chức, kéo dài hàng chục năm, đặt máy nghe trộm các đồng chí lãnh đạo và các cán bộ cấp cao, tạo ra chứng cớ giả để hãm hại những cán bộ tốt của đảng. Tướng Giáp yêu cầu xử lý nghiêm minh.

Ngoài tướng Giáp, còn có hàng loạt công thần của đảng, nhà nước và quân đội Việt Nam như các ông: Phạm Văn Xô – một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Đồng Văn Cống, Trung tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Trung tướng Nguyễn Hoà, Thiếu tướng Nguyễn Tài, ông Nguyễn Văn Thi... cùng nêu quan điểm và yêu cầu tương tự.

Cũng theo tướng Nguyễn Nam Khánh: Những bản tin mà Tổng cục 2 đưa ra với mục đích “vu khống chính trị, lừa dối, chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại Đảng, Nhà nước và quân đội, gây sự phân tâm, lũng đoạn tinh thần cán bộ đảng viên và nhân dân, vi phạm nghiêm trọng pháp luật, nguyên tắc kỷ luật đảng, tạo ra oan trái và đau khổ cho nhiều đồng chí”. Mặc dù bị phản ứng dữ dội từ các tướng lĩnh, các công thần chế độ yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm. Nhưng thế lực của Lê Đức Anh, Đoàn Khuê và phe nhóm quá mạnh, nên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng lờ luôn. Và sự việc bị “chìm xuồng” sau đó.

Khi Vũ Chính làm Tổng cục trưởng TC2, Năm Vịnh lên như diều gặp gió. Năm 1999, Vịnh đã là thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng TC2. Năm 2002, khi mới 45 tuổi, Vịnh đã nắm chức Tổng cục trưởng TC2 Bộ Quốc phòng, thay cho bố vợ là Vũ Chính, nghỉ hưu.

Tháng 12-2004 khi chỉ mới 47 tuổi, Vịnh được thăng quân hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn 10 năm (1998-2009) nắm giữ trọng trách tại TC2, Nguyễn Chí Vịnh đã gây nên những “điệp vụ” tai tiếng đến kinh hoàng. Quyền năng vô hạn, Năm Vịnh đã khuynh đảo, nắm gáy hầu hết cán bộ lãnh đạo cao cấp ở trung ương, sai khiến và biến các Uỷ viên Trung ương thành quân cờ để thao túng chính trị.

Thủ đoạn của Năm Vịnh là dùng TC2 để sử dụng mỹ nhân kế, đút lót kế, tham nhũng kế, đe dọa kế… nhằm mục đích vô hiệu hoá sự chống đối từ Trung ương, kể cả Tổng Bí thư.

Bà con trong gia đình Năm Vịnh nắm giữ các chức vụ béo bở trong các công ty bình phong của TC2, hoặc lập các doanh nghiệp tư nhân để mặc sức vơ vét, tham nhũng tài sản của nhân dân qua các “phi vụ” buôn bán vũ khí, các hợp đồng kinh tế, thâu tóm các dự án ngàn tỷ.

Nguyễn Chí Vịnh cùng bố vợ Vũ Chính từng thiết kế chuyến “đi đêm” thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hồi tháng 2-1999. Dịp đó Lê Khả Phiêu gặp Giang Trạch Dân không theo con đường chính thống bằng quan hệ Đảng, Nhà nước mà theo con đường tình báo.

Tháp tùng chuyến đi ấy của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có cả Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Mạnh Cầm, Chánh Văn phòng Trung ương đảng Trần Đình Hoan và Phó Tổng cục trưởng TC2 Nguyễn Chí Vịnh. Tuy nhiên, khi vào họp kín giữa Lê Khả Phiêu và Giang Trách Dân, cả hai ông Nguyễn Mạnh Cầm và ông Trần Đình Hoan bị mật vụ phía Trung Quốc đuổi ra ngoài, chỉ cho Năm Vịnh được vào.

Sau chuyến đi đó, cùng một số tai tiếng khác, sóng gió đã ập xuống đầu ông Lê Khả Phiêu. Ông Phiêu bị chính các đồng chí của mình bôi nhọ, chỉ trích, dồn ép đến chân tường. Lê Khả Phiêu bị yêu cầu rút lui, hết cơ hội tái cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ hai, ngậm ngùi cay đắng từ giã chính trường.

Câu chuyện Nguyễn Chí Vịnh và phe lũ tác oai, tác quái hàng chục năm mà không hề bị vạch mặt, chỉ tên, đấu tranh, ngăn chặn một cách thật sự, cho thấy sự yếu hèn ngay trong nội bộ cấp cao của đảng cộng sản. Thậm chí có thể khẳng định, hàng ngũ cán bộ trong TC2 đa phần bất tài và bất lực. Nhờ vậy mà Năm Vịnh và phe nhóm đã lái con thuyền TC làm sai chức năng, nhiệm vụ. Thay vì tình báo, phản gián, phục vụ cho an ninh, quốc gia, TC2 lại trở thành lực lượng chuyên theo dõi, soi mói, cài bẫy nội bộ để khống chế, đe doạ và lũng đoạn chính trường.

Năm 2009, Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm chức thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Người kế nhiệm TC2 lần lượt là Lưu Đức Huy, Phạm Ngọc Hùng, đều là bạn bè thân tín phe nhóm của Năm Vịnh. Đích ngắm của Năm Vịnh là vào Bộ Chính trị, ngồi vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, các phe nhóm khác trong đảng đã đủ mạnh để ngăn chặn tham vọng quyền lực của con trai đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đầu tháng 3-2023, Nguyễn Chí Vịnh gây bất ngờ với tất cả các cán bộ cao cấp, tướng lĩnh đương chức và cả nghỉ hưu trong và ngoài quân đội, khi đăng đàn trên các phương tiện truyền thông để bình luận về cuộc chiến Nga - Ukraine. Năm Vịnh nói: “Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược” và nhận định, “chiến thắng sẽ thuộc về chính nghĩa Ukraine”.

Ngày 11-3-2023, tại Sài Gòn, Nguyễn Chí Vịnh vẫn còn oai phong, đường bệ trả lời phỏng vấn báo chí và ký tặng sách, trong lễ ra mắt cuốn sách “Người Thầy” mà Vịnh là tác giả.

Tháng 6-2023, Nguyễn Chí Vịnh bất ngờ đổ bệnh. Khi tầm soát, các giáo sư tại quân y viện 108 kết luận, Năm Vịnh bị ung thư bạch cầu. Dư luận dấy lên đồn đoán rằng, Vịnh “rơi vào hôn mê sâu do trúng độc” và sẽ “không qua khỏi”.

Có lẽ nhằm để chứng minh mình chưa chết, Năm Vịnh lại xuất hiện trên VTV hôm 31-8-2023 với bộ dạng xanh xao, vàng võ, gò má xám xịt, đầu trọc lóc, hình ảnh hoàn toàn khác xa với Nguyễn Chí Vịnh hồi ba tháng trước khi nhận huy chương hữu nghị của Nhật và lễ giới thiệu sách tại Sài Gòn.

Người ta đặt câu hỏi:

- Mầm bệnh trong cơ thể Năm Vịnh có sẵn, nay phát ra, hay có tác nhân nào từ bên ngoài?

- Nếu bị đầu độc, thì ai ra tay? Các phe nhóm cuồng Nga, cuồng Tàu trong đảng hoặc Hoa Nam Tình Báo, hay là những hung thủ từng dùng phóng xạ polonium-210 để sát hại cựu sỹ quan tình báo KGB Alexander Litvinenko (1962-2006) năm nào, bây giờ ra tay ở đây? Còn quá nhiều câu hỏi bí hiểm khác nữa.

Đời binh nghiệp luôn là niềm tự hào và là những trang đời đẹp nhất đối với các đấng nam nhi khi cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc. Nguyễn Chí Vịnh thì khác, Vịnh luôn chọn lối đi riêng, lối đi trải đầy bổng lộc, quyền lực cho bản thân, gia đình và phe nhóm. Tuy nhiên, luật Trời thật khắc nghiệt và công bằng. Làm đại quan mà cưỡi trên cổ nhân dân, hút máu và đạp lên đầu đồng đội để bước đi, cái kết sẽ cay đắng và thảm khốc. Khi anh không vì quốc gia, dân tộc, luôn bán linh hồn cho quỷ dữ và ngoại bang, thì cái giá phải trả sẽ không hề rẻ chút nào.

-------------

Nguồn:https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/pfbid02oZmUbXz2vFHZGw846UmFQUpubnZdQconiYSV4Bpe4TQPrWBJhz4Ms9Rvdoa8SXHQl

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

0 comments:

Đăng nhận xét