- Nguồn ảnh: Internet - |
.
Như bài trước chúng tôi đã lưu ý: Một gia đình có bạo lực thì
không bao giờ tồn tại hai tiếng hạnh phúc. Cho dù bạo lực vì lý do gì và xảy ra
giữa bất cứ ai trong gia đình thì nó vẫn để lại những hậu quả buồn và đáng
tiếc. Có lẽ phải nhận thức được những hậu quả ấy thì những người trong cuộc mới
tránh xa nó.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi lược soạn một số hậu quả
của việc bạo lực gia đình để bạn đọc tham khảo.
Đau đớn về thể xác lẫn tinh thần
Sự đau đớn triền miên, bị tổn thương và mất khả năng vĩnh
viễn như gãy xương, bỏng, bầm tím… kéo dài nhiều năm sau khi bạo lực đã là một
tổn thất lớn. Những vấn đề thuộc sức khỏe tâm thần như: Sợ hãi, trầm cảm, thiếu
sự tự chủ, thiếu hoặc không nhận thức được giá trị của bản thân, cô đơn, xấu
hổ, tự ti và tự trách mình… đã dẫn đến những hệ lụy khôn lường - Sử dụng rượu,
thuốc gây nghiện hoặc có nhiều bạn tình như một cách thức để đối phó với hành
vi bạo lực. Trường hợp của chị Lý (Long An) là một minh chứng cho một kết cục
ấy: Bị chồng đánh quá nhiều lần và lần nào cũng tàn bạo, cùng với cuộc sống quá
túng quẫn, chị đã chọn cách giải thoát là tự tìm đến cái chết cùng với đứa con
chưa đầy hai tuổi của mình. Để làm được điều đó chị đã phải uống hết gần nửa
lít rượu rồi ôm đứa con thơ nhảy xuống giếng của nhà mình. Cái chết quá thương
tâm như vậy là lỗi tại ai, nếu không phải là từ người chồng vũ phu ấy. Anh ta
không ép chị và đứa con thơ phải chết nhưng chính sự tàn bạo và vô lương tâm
của anh ta đã không để cho vợ con một con đường sống.
Bên cạnh đó, bạo lực gia đình còn để lại hậu quả không kém
phần nguy hiểm là sự mất niềm tin của người phụ nữ - nạn nhân của bạo lực gia
đình đối với chồng (bạn tình). Bạo lực gia đình là nguyên nhân làm rạn nứt đời
sống lứa đôi. Nó tạo nên bầu không khí ngột ngạt trong đời sống gia đình và
người phải gánh chịu những bất hạnh không chỉ là người phụ nữ mà cả con cái của
họ. Thậm chí bản thân người đàn ông - tác nhân gây ra bạo lực cũng chẳng có
hạnh phúc gì. Không ít gia đình có bạo lực đã ly hôn và những đứa con thiếu
tình thương yêu và chăm sóc của cha hoặc mẹ đã trở nên có những hành vi lệch
lạc (những nghiên cứu về thanh thiếu niên phạm pháp cho thấy, phần lớn các em
vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình không tốt đẹp, cha mẹ không hòa thuận
thương yêu nhau). Người phụ nữ trong gia đình có bạo lực, vì nhiều lý do mà họ
phải âm thầm chịu đựng thì nỗi cay đắng, nỗi đau lặng lẽ đó còn đi theo suốt
cuộc đời của họ.
Một ví dụ điển hình là chị Duyên lấy tên Hùng được bảy năm,
thời gian bảy năm đó chị đã phải gánh chịu 45 trận đòn “thập tử nhất sinh” của
người chồng vũ phu. Không chịu được cuộc sống ấy, chị Duyên xin ly hôn và được
tòa án quận Thanh Xuân xử cho ly hôn cuối năm 2000. Thế nhưng tên Hùng vẫn luôn
viện cớ đến thăm con và hành hung chị. Chín giờ tối ngày 29/9/2001, chị Duyên
vừa đi chợ về thì bị tên Hùng bất ngờ xông ra đấm đá túi bụi, dùng then cửa đập
vào đầu chị nên phải đi cấp cứu với những thương tật ở đầu chẩm, sưng đau mạng
sườn trái, sưng nề toàn bộ hàm dưới, sưng và tổn thương vùng mắt lâu dài…
Rơi vào vòng lao lý
“Thưa hội đồng xét xử, bị cáo… chồng tôi…” nói đến đây người
phụ nữ nghẹn lời vội lấy tay che mặt để giấu đi những tiếng nấc. Chị chợt nhận
ra rằng có một khoảng đã khá xa giữa chị và chồng chị - bị cáo, dù chỉ là ngôn
từ để xưng hô…
Người phụ nữ tên C ấy trông có vẻ dịu dàng. Ngược lại, hình
ảnh người chồng của chị - bị cáo Đ lại hoàn toàn tương phản. Đ chỉ thích giải
quyết vẫn đề với vợ con bằng đánh đấm mỗi khi có chuyện bực mình. Không chịu
nổi tính khí của chồng, chị ẵm con về nhà mẹ đẻ, tính chuyện ly dị nhưng chưa
kịp làm chuyện đó, tai họa đã ập xuống. Không thuyết phục được vợ quay về nhà,
Đ lại dùng bạo lực. Và hậu quả của việc điên loạn này của y đã khiến cho đứa
con phải lãnh ba nhát dao oan nghiệt khi chạy đến ôm cha.
Trong lúc đứa con đau đớn nằm đó, không những Đ không dừng
tay để đưa con đi cấp cứu mà còn tiếp tục dùng dao tấn công vợ và mẹ vợ cho đến
khi cả hai người này bị thương nặng mới thôi. Tại tòa, Đ biện minh “Bị cáo
thuyết phục hoài nhưng vợ bị cáo vẫn không nghe, vì thương vợ quá nên bị cáo
mới làm vậy…”. Cũng rất may, sau cơn thập tử nhất sinh, cả ba nạn nhân vẫn còn
sống và có lẽ vì thế mà Đ đã không phải nhận hình phạt cao nhất - tử hình. Thời
gian dài dằng dặc của mức án chung thân mà tòa tuyên phạt có thể đủ cho Đ có cơ
hội sám hối nhưng cũng bắt đầu từ đây cuộc sống mẹ con chị Đ đã rẽ sang một
hướng đi khác đầy nhọc nhằn của một gia đình không có trụ cột… Một người nhà
của chị thút thít nói với chúng tôi rằng: “Biết vậy trước đây tôi kêu nó đừng
có thương thằng đó”.
Chị H cũng là một người vợ đã bị chồng xuống tay thật tàn
nhẫn vì ghen tuông. Chỉ có sự may mắn mới giúp chị còn sống sót. Tất cả cũng
chỉ vì mọi sự cố gắng của chị không được chồng và mẹ chồng thừa nhận và luôn
coi chị như một người ăn kẻ ở. Chị nức nở kể: “Làm vợ ảnh có sung sướng gì đâu,
hết mẹ chồng rồi đến chồng hiếp đáp”. Vậy mà một chút nghi ngờ, bị cáo đã dùng
dao chém thẳng vào đầu vợ.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận nhát dao nọ có thể lấy đi tính mạng
của chị H, nếu chị không được cấp cứu kịp thời. Bị cáo lại biện minh: “Do bị
cáo quá yêu thương vợ, do quá ghen tuông nên không kìm chế được hành động của
bản thân”. Mức án tám năm tù dành cho người chồng - bị cáo đã khép lại phiên
tòa nhưng lại mở đường cho những giọt nước mắt tuôn trào trên gương mặt người
vợ… Kẻ vũ phu đã biến người phụ nữ mà họ từng thương yêu thành người phải sống
trong đau khổ, còn mình thì đi vào con đường lao lý.
Ngày còn là cô gái với tuổi xuân phơi phới, Th lặn lội từ
Đồng Nai xuống Sài Gòn tìm việc với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn nơi
“miền đất hứa”. Cũng từ đây Th đã tình cờ gặp T - cũng từ Thái Bình vào nam mưu
sinh, cùng cảnh nên hai tâm hồn cô đơn mau xích lại gần nhau.
Một ngày nọ cả hai quyết định cùng nhau tiến tới hôn nhân, bỏ
lại sau lưng những lời phản đối của gia đình T, vì chị lớn tuổi hơn. Hai năm
sau ngày cưới, khi chị Th có thai đứa con trai đầu lòng thì cũng là lúc chị
phải cùng chồng khăn gói về Thái Bình để sinh sống, và cuộc sống ảm đạm cũng
bắt đầu từ đây. Mới sinh con được ba tháng, chị đã phải oằn lưng đi làm thuê,
cuốc mướn trong sự hăm dọa của mẹ chồng rằng không đi làm thì không cho ăn.
Nhưng cực khổ về thể xác ấy có thấm vào đâu so với nỗi đau về tinh thần khi mà
thỉnh thoảng chị Th lại nghe mẹ chồng thủ thỉ với con trai “Mày bỏ nó đi, tao
cưới cho đứa khác, rồi tao lại mua xe máy cho…” Không biết có phải do những lời
của mẹ hay không mà T bắt đầu dùng dao để “dạy vợ”.
Một lần thấy T cãi nhau với hàng xóm, Th can ngăn nhưng nào
ngờ khi về nhà T trút giận lên đầu vợ bằng những nhát dao chí tử đến độ thấu
ruột và hư thai đứa con thứ hai. Cuối cùng, không chịu nổi cảnh vừa bị mẹ vừa
bị chồng ức hiếp, Th đã ẵm con trốn đi trong đêm tối, nhưng lại bị phát hiện.
Đứa cháu trai mới hai tuổi đã bị bà nội giằng lại, còn chị bị đuổi ra khỏi cửa
phải lưu lạc trở vào nam sinh sống. Từ đây, Th tưởng cuộc đời mình đã thoát
được người chồng vũ phu cùng cuộc sống cơ cực nhưng nào ngờ sau đó T lại lần mò
ra nơi Th ở trọ mà giở giọng van nài Th quay về sống chung. Quá sợ hãi với tính
vũ phu và thiếu tình người của gia đình T, Th tìm mọi cách từ chối. Nào ngờ T
lấy dao từ trong người ra và tấn công Th cho đến chết mới thôi.
Cũng với giọng điệu biện minh của những kẻ vũ phu, tàn nhẫn,
T biện minh cho việc làm thô bạo của mình. T nói thao thao bất tuyệt về tình
yêu thương của mình với vợ, về nguyên nhân y ra tay tàn nhẫn với vợ. Nhưng điều
đó đều không thể thuyết phục được những người dự phiên tòa. Không ai thấy được
ở trong y hình dáng của một người chồng thương yêu vợ mà thay vào đó là một kẻ
sát nhân. T đã bị tuyên phạt án tử hình. Với bản án này, y không còn cơ hội để
chuộc lỗi mà nếu có thì y cũng chẳng biết chuộc lỗi với ai khi mà người y định
xin tha thứ đã không còn nữa.
Có thể nói “tính khí sinh số phận” chăng? chính thói vũ phu
đã khiến cho số phận của những người chồng trên phải gắn liền với “vòng lao
lý”. Nhưng cũng thật đáng thương cho số phận những người phụ nữ ấy, họ thiệt
thòi quá nhiều, mất mát quá nhiều.
Vợ chồng ly tán
Theo số liệu thống kê của ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của
phụ nữ thì năm 1994 có tới 17.897 chị em bị chồng đánh đập xin ly hôn. Đến năm
2005, con số này còn cao hơn nhiều. Đó là những trường hợp chị em không thể
chịu đựng nổi tính thô bạo, vũ phu của người chồng nên phải chọn giải pháp ly
hôn. Còn trong cuộc sống biết bao chị em mặc dù bị chồng ngược đãi nhưng vẫn
cứng rắn chịu đựng vì con cái, vì hạnh phúc gia đình mà không chịu tố cáo những
hành vi thô bạo của người chồng. Nhìn vào số liệu trên đây, chúng ta không khỏi
đau lòng khi biết rằng phần lớn phụ nữ phải ly hôn là do sự đối xử tệ bạc,
ngược đãi của người chồng, người mà họ đã từng thương yêu gắn bó, đầu kề tay
ấp.
Hàng năm, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 5.000 vụ ly hôn,
trong đó lý do vì chồng ngoại tình và có vợ bé chiếm 10%, còn lại đa số là do
vợ bị người chồng ngược đãi. Nhiều trường hợp người chồng có nhân tình, vợ bé
liền về nhà tìm cớ đánh đập vợ để người vợ không chịu được phải chủ động ly
hôn, để họ có thể tự do sống với nhân tình.
Một khi người chồng đã không còn tình yêu với vợ, không muốn
kéo dài cuộc sống hôn nhân thì những hành động bạo lực ấy là tiền đề, là phương
tiện dẫn đến cuộc sống vợ chồng ly tán.
Làm khổ cho con cái
Âm thanh đổ vỡ phát ra từ căn nhà của chị như xé toặc cả màn
đêm yên tĩnh…
Tiếng khóc ré của cô con gái nhỏ làm vợ chồng chị Hoa ngừng
tay. Buông chiếc gậy làm vũ khí tự vệ, chị chạy đến ôm con vào lòng. Chiếc đèn
ngủ mà anh Nam ,
chồng chị dùng để đánh vợ bị gãy làm đôi, nằm chỏng chơ giữa sàn nhà. Nhìn dòng
máu chảy từ trán xuống đôi má bầu bĩnh của con, người mẹ ấy gần như phát điên.
Chị Hoa run tay hét lên “Cứu con tôi với”, rồi khóc như mưa.
Xóm giềng tỉnh ngủ, chạy sang giúp chị đưa con đi cấp cứu. Lúc này anh Nam
mới gục xuống ân hận.
Xưa nay chị Hoa nổi tiếng hiền lành, đảm đang. Sáng nào chị
cũng dậy thật sớm, đi chợ rồi chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Sau đó, chị đưa
con đến trường rồi mới đi làm. Chiều chị đón con về, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn
bị bữa tối. Anh Nam
chỉ có một việc nằm gác chân xem ti vi, uống trà hay tán gẫu với bạn bè. Đôi
khi tan ca, anh lại la cà đâu đó, nhưng chị cũng chẳng hề phàn nàn điều gì. Vì
thế mà cuộc sống của họ tương đối bình yên.
- Tác giả Trần Tiến - |
Khi bé Những lên bốn, anh càng làm căng cho con ngủ riêng.
Cũng từ đấy, chị đâm ghê sợ cảm giác gần gũi chồng. Có những đêm, chị cắn răng
để không bật ra tiếng khóc mà vẫn thấy ứ nghẹn ở cổ. Không thỏa mãn được với
vợ, anh Nam
bắt đầu ra ngoài tìm nơi “xả”. Chị xót xa, nghĩ đến hạnh phúc gia đình đang
lung lay, những lời khuyên của chị chỉ làm anh thêm bực bội.
Đêm nay anh lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay bắt vợ phục
tùng. Anh chẳng còn là người đàn ông mà chị nể trọng. Không ngờ trong lúc chị
phản kháng lại, chiếc đèn ngủ trong tay anh Nam đã văng trúng đầu đứa con thơ,
vết thương ở trán đứa con thơ dù có không nguy hiểm đến tính mạng thì cũng sẽ
là một cú sốc lớn trong cuộc đời chúng.
Con cái, chúng có tội tình gì mà phải gánh chịu những hậu quả
từ cha mẹ. Chúng là những mầm non đang tràn đầy nhựa sống, nếu làm chúng bị
thương tổn thì sao có thể phát triển khỏe mạnh bình thường được. Chúng sẽ sợ
gia đình mình, sợ ngay chính cha mẹ mình. Chúng sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi bởi
chính những người thương yêu chúng nhất lại đang làm chúng bị tổn thương.
Thậm chí nỗi sợ ấy còn biến thành những cơn ác mộng. Trong
giấc ngủ, thay vì có những giấc mơ đẹp đẽ của tuổi thần tiên thì chúng lại giật
thét mình vì những trận đòn của cha mẹ.
Cả tháng trời nay bé Phương dường như chẳng có đêm nào ngủ
ngon mà không gặp ác mộng. Nằm ngủ với bà ngoại mà bé Phương luôn mơ về cái
ngày mà bố đánh cả hai mẹ con. Đó cũng là kết quả thương tâm của đôi vợ chồng
trẻ Hùng và Mai. Gia đình chị Mai không đồng ý để con gái yêu Hùng, vì anh có
tiếng là hiền nhưng rất cục. Nhưng mọi khuyên ngăn của gia đình đều không được
vì chị Mai rất yêu anh, ở bên anh chị luôn thấy anh là người hiền hậu. Quyết
định lấy nhau và chỉ sau mấy tháng là anh chồng đã lộ nguyên hình là một người
vũ phu, cục súc. Chị Mai cắn răng chịu đựng nhưng vẫn không kìm chế được những
trận đòn của chồng. Kể cả khi đang có bầu bé Phương được mấy tháng thì chỉ cần
một việc cỏn con, chị cũng sẵn sàng bị ăn đòn ngay. Có lẽ chẳng mấy người lại
dạn dày đòn của chồng như chị Mai, hay là do chị cố cắn răng chịu đựng bởi mình
đang ở tình thế “há miệng mắc quai”. Chị chẳng biết than thở với ai bởi chị đã
quyết định xua đi mọi ngăn cản của người thân để lựa chọn Hùng.
Nhưng đến hôm nay thì chắc hẳn chị đã thực sự tuyệt vọng khi
nằm trên giường mà hai chân không thể nhúc nhích được. Chỉ vì chị không để ý
làm cho nồi cơm bị sống mà anh chồng đã cầm chiếc gậy mà chị vẫn dùng để chặn
cửa mỗi khi đi ngủ mà đập mạnh vào hai cẳng chân, rồi lại đập tới tấp vào lưng.
Sức đập quá mạnh mà bác sĩ nói rằng chân chị khó có thể lành lặn trở lại trong
vòng một năm nữa. Đó là còn chưa nói tới xương cột sống cũng bị tổn thương,
trái gió trở trời sẽ bị đau nhức.
Chị Mai nức nở trong nước mắt: “Anh ta chẳng khác nào con quỷ
đội lốt người. Biết tôi đang bế con (bé Phương gần ba tuổi) mà anh ta còn xông
tới đánh tôi tới tấp. Con bé cũng phải khóc thét lên vì bị gậy của bố đập vào
chân. Nhưng rất may cháu không sao. Từ ngày đó, tôi gửi cháu sang bà ngoại để
cho cháu mau quên đi chuyện này. Thấy mẹ tôi nói rằng con bé thường xuyên gặp
ác mộng, rồi lại kêu ầm lên trong đêm, tôi đau lòng lắm”
Nhìn chung trẻ em dù phải trực tiếp chịu bạo lực từ cha mẹ
hay phải sống trong môi trường cha mẹ bạo lực với nhau thì đều có những hậu quả
nghiêm trọng. Trẻ em như “búp trên cành” rất dễ bị tổn thương, mà khi đã bị tổn
thương thì để lại hậu quả rất lớn về sau. Có thể phụ thuộc vào từng trẻ nhưng
tâm lý, tình cảm, sức khỏe, trí tuệ của chúng thường có xu hướng như:
- Cảm thấy không có sự giúp đỡ, giận dữ và xấu hổ hoặc tội
lỗi.
- Có hành vi giận dữ hoặc hung hăng phản ứng lại hành vi bạo
lực đó.
- Có những ác mộng, giấc mơ hãi hùng, đái dầm và những lo sợ
cùng những vẫn đề tình cảm khác. Chúng cũng có thể trở nên lặng lẽ và lãnh đạm.
- Trẻ em trong các gia đình bạo lực thường kém ăn, chậm lớn,
học hành yếu kém hơn những trẻ em khác, có những phiền phức đáng quan tâm trong
nhà trường, thường hay đau ốm như: Đau đầu, đau lưng, đau ngực…
- Trẻ em lớn lên trong gia đình có bạo lực sẽ hình thành một
nhân cách không hoàn thiện. Theo thời gian bầu không khí bạo lực sẽ ngấm vào
các em và đến một lúc nào đó sẽ tạo nên tính cách bạo lực trong con người các
em. Khi đó các em sẽ lặp lại những hành vi bạo lực đã từng được chứng kiến của
cha, anh. Mặt khác, trẻ em trong gia đình bạo lực thường thiếu tình thương yêu,
các em không được giáo dục lòng nhân ái một cách đầy đủ, trong khi lại thừa sự
tức giận, thù ghét… Và các em bước vào đời với hành trang phiến diện như vậy
thì ranh giới giữa cái thiện và ác thật mỏng manh.
Khi nói về hậu quả này, nhà tâm lý - giáo dục học Quang Dương
đã nhận xét: “Bạo lực trong gia đình ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách trẻ. Tác
hại của nó có thể cân, đo, đong, đếm bằng định tính, rất dai dẳng, ngấm sâu lan
tỏa, khó lường hết mà cũng khó xóa bỏ. Thông thường, nó làm băng hoại những cố
gắng trước đó cha mẹ đã dành cho sự chăm sóc, giáo dục con cái, đồng thời tạo
thêm tiền lệ xấu cho những dự kiến tốt đẹp mà gia đình định giáo dục con”.
Những đứa trẻ hay phải chứng kiến cảnh cha mẹ đánh đập cãi vã nhau thì nó sẽ
học cách ứng xử ấy để ứng xử với người khác. Đây chính là “cơ chế di truyền tâm
lý”. Những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ dễ dùng bạo lực đối xử với vợ con.
Bạo lực gia đình đã khiến cho nhiều trẻ em phải bỏ nhà bỏ cửa
đi lang thang. Bởi ở trong gia đình, các em không thể chịu đựng nổi sự bạo
hành, những trận đòn của cha mẹ. Tâm lý sợ hãi bạo lực từ cha (mẹ) hoặc những
thành viên khác trong gia đình khiến các em phải bỏ học, tự mình ra xã hội kiếm
sống. Những hành động bạo lực đối với con cái từ phía cha mẹ chẳng khác nào đẩy
các em vào con đường sa đọa. Bỏ nhà đi lang thang kiếm sống, không có người
thân dạy bảo thì việc các em đi vào trộm cắp, nghiện ngập… chỉ còn là chuyện một sớm một chiều. Theo kết
quả điều tra thì có tới hơn 70% trẻ em lang thang là do có bạo lực gia đình
(trực tiếp bị bạo lực hoặc là tâm lý quá sợ hãi vì cha mẹ bạo lực). Qua con số
ấy chúng ta thấy bạo lực trong gia đình để lại hậu quả nặng nề như thế nào đối
với con trẻ.
Nền văn hóa gia đình bị thui chột
Một gia đình được coi là gia đình văn hóa thì không thể tồn
tại bạo lực. Mà ở đó mọi thành viên phải hết lòng yêu thương nhau: Ông bà, cha
mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo, vợ chồng yêu thương, thuận hòa, anh em đoàn
kết, hỗ trợ lẫn nhau…
Cho dù là chồng bạo hành với vợ, vợ bạo hành với chồng, cha
mẹ bạo hành với con cái hay con cái bạo hành với cha mẹ thì không khí gia đình
cũng trở nên tan tác, chỉ còn chỗ cho sự đau khổ, thậm chí hận thù. Khi đó thì
mọi thành viên trong gia đình sẽ không còn sự
gắn kết, quan tâm đến nhau, thay vào đó là sự lạnh lùng, dè chừng lẫn
nhau.
Nền văn hóa gia đình thực chất cũng là một nền văn hóa xã hội
thu nhỏ. Nó có các mối quan hệ, có điều là quan hệ máu thịt, dâu con, vợ chồng…
Tưởng chừng là dễ vì mọi thành viên đều quá gần gũi nhau, nhưng thực ra lại rất
khó cũng chính vì mối quan hệ gần gũi ấy. Khi các gia đình riêng rẽ, nhỏ bé ấy
có sự đổ vỡ thì cái “văn hóa gia đình” ấy cũng sẽ đổ vỡ theo. Sự ảnh hưởng của
mâu thuẫn, bạo hành trong gia đình đến các thế hệ tiếp theo mới thực chất là
nguy hiểm. Mọi người nhất là các thành viên trẻ tuổi sẽ có cái nhìn tiêu cực về
gia đình mình nói riêng và nền văn hóa gia đình nói chung. Từ cái nhìn tiêu cực
sẽ dẫn đến có hành vi tiêu cực đối với gia đình của bản thân mình sau này.
*.
Hà Nội, tháng 09 năm 2005
TRẦN TIẾN
..............................................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 05.08.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét