KIÊNG KỴ TRONG MA CHAY - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

Leave a Comment
- Nguồn ảnh: Internet -
KIÊNG KỴ TRONG
MA CHAY
………….....................………………………….

Trong việc tang lễ, ma chay, tín ngưỡng dân gian kiêng kỵ những điều sau:
1. Kiêng kỵ với người chết vì nạn sông nước:
Với những người bị nạn sông nước, khi đang được cứu chữa, người ta kiêng không cho cha mẹ hay con cái của nạn nhân vào vì cho rằng nếu lúc đó có mặt người thân thì sẽ không thể cứu được.
2. Kiêng kỵ với người chết ngoài đường, ngoài chợ:
Với người chết ở ngoài nhà, ngoài làng thì dân gian tối kỵ đưa xác người chết về nhà. Người ta cho rằng: Nếu đưa người chết ở ngoài về nhà, sẽ mang theo âm khí, không có lợi cho việc làm ăn, sinh sống... của cả làng xóm. Trường hợp này, thân nhân phải quàn thi hài người chết và tổ chức lễ tang tại nơi mất, hoặc dựng lán ngoài đồng để thực hiện việc tang.
Nếu người chết đột tử ở ngoài đường do tai nạn tàu xe, sông nước... thì dân gian cũng kiêng kỵ đưa xác người chết về nhà. Trường hợp này nguời nhà thường cúng lễ ngay tại nơi mà người đó thiệt mạng.
3. Kiêng kỵ với người thắt cổ mà chết:
Trường hợp người bị chết do thắt cổ (tự tử hoặc bị người khác cưỡng sát), nếu phát hiện người đó đã chết hẳn, người ta dùng dao chém đứt sợi dây khi người đó còn treo lơ lửng chứ không cởi tháo sợi dây ra. Sở dĩ làm vậy vì quan niệm dân gian cho rằng có chém đứt sợi dây đó thì mối oan nghiệt mới dứt và gia đình người đó mới tránh được họa chết vì thắt cổ theo đuổi.
4. Kiêng kỵ với trường hợp con chết trước cha mẹ:
Trường hợp con chết trước cha mẹ, ở một số địa phương miền Bắc có tục kiêng không để cha mẹ đưa tang con. Bởi con chết trẻ, chết trứôc cha mẹ là nghịch cảnh, gây nhiều nỗi đau thương cho cha mẹ. Giờ hạ huyệt, nhiều ông bố bà mẹ vì quá thương con đã ngất đi, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng những bố mẹ mà các ông bà già trong gia đình, sức đã yếu cũng không nên đưa tang.
Tục kiêng kỵ này nhằm làm vơi nỗi đau buồn và để tránh nạn trùng tang.
5. Kiêng nhập quan, an táng vào giờ xấu, ngày xấu:
Khi có người chết, trước hết, người ta phải chọn giờ, tránh tuổi, kiêng tuổi khi làm lễ nhập quan. Sau đó, người ta sẽ chọn giờ lành, ngày lành để an táng người quá cố. Thường thì người ta hay chọn ngày an táng là các ngày Thiên Hỉ, Thiên Đức, kị ngày Tử Khí, Quan phù...
6. Kiêng để cho chó, mèo nhảy qua xác người chết:
Khi thi hài chưa đặt vào quan tài, con cháu và người thân phải cắt cử nhau coi giữ suốt ngày đêm. Người ta kiêng không để cho chó mèo nhảy qua xác chết, tránh hiện tượng quỷ nhập tràng - hiện tượng người chết bật đứng dậy rồi sau đó đuổi theo để bắt người rồi vật cho chết.
7. Kiêng dùng vật dụng của người sống cho người đã chết:
Khi chôn cất người ta kiêng dùng quần áo, đồ dùng của người đang sống cho người đã chết. Sở dĩ, có tục kiêng như vậy vì họ cho rằng những đồ vật đó đã mang hơi của người sống, nếu người chết mang đi, tức là đã chôn một phần của người sống. Từ đó cuộc sống của người đang sống không được trọn vẹn, có thể bị ngớ ngẩn, đần độn, hay quên, lú lẫn...
8. Kiêng mặc áo, nằm giường... của người chết:
Không chỉ kiêng lấy quần áo, đồ dùng của người sống cho người chết mà tín ngưỡng dân gian còn kiêng việc người sống mặc áo thừa, nằm giường thừa của người đã chết vì người ta quan niệm ám khí của người đã chết vẫn còn ở những đồ vật đó, sẽ ảnh hưởng đến vận khí của người đang sống.
9. Kiêng trả lời khi chưa nhận rõ tiếng người gọi
Ở những gia đình có người già mất, từ chập tối người nhà đã phải đóng cổng, kiêng lên tiếng trả lời khi chưa nhận ra tiếng của người gọi ngoài cổng. Tín ngưỡng dân gian cho rằng, người già mới chết còn nhớ con nhớ cháu, tối đến về nhà gọi con cháu, ai thưa sẽ bị người chết bắt đi theo.
10. Kiêng để nước mắt nhỏ vào thi hài người chết:
Trong quá trình khâm niệm, phải kiêng để nước mắt của con cháu nhỏ vào thi hài người chết vì sợ sau này con cháu trong nhà làm ăn khó khăn, và cũng là để tránh hiện tượng “quỷ nhập tràng”. Vì thế, người trực tiếp khâm niệm (thường là người nhà) thì không được khóc khi đang tiến hành các thao tác khâm niệm. Những người con cháu khác dù thưong xót người quá cố đến đâu thì khi khóc cũng phải đứng cách thi hài một quãng để tránh nước mắt nhỏ vào.
11. Kiêng động cuốc, động thuổng vào mộ trong vòng cư tang:
Sau khi mới chôn ba ngày, người ta đắp mộ kỹ lưỡng trong khi làm lễ mở cửa mả. Từ đấy trở đi, kiêng không đắp mộ trong vòng tang.
Tục này để phòng mồ mả bị sập, bị động trong thời gian áo quan và thi hài đang tan rữa. Con cháu đến viếng mộ thắp hương chỉ lấy đắp vào những chỗ sụt lở, kiêng trèo lên mộ, kiêng động cuốc, thuổng vào mộ.
12. Kiêng ăn mặc lố lăng, cười đùa khi dự tang lễ:
Khi đi dự đám tang, người ta kiêng ăn mặc lố lăng, hở hang, loè loẹt, kiêng cười to nói lớn, nô đùa ầm ĩ.
Khi đi đường gặp đám tang, người ta xuống xe, ngả mũ, kiêng bóp còi ô tô, xe máy... để tỏ lòng thành kính, tiếc thương người quá cố.
13. Kiêng bật loa, hò hát, giải trí khi có tang lễ:
Trong buổi tang lễ, người ta kỵ việc bật tivi, loa, đài ồn ã. Các nhà hàng xóm của gia đình người có tang cũng phải tuân thủ điều này.
Trường hợp cạnh một đám tang là một đám cưới, thì nhà có đám cưới cũng phải vặn nhỏ loa đài, không biểu lộ sự hân hoan thái quá với việc “hỷ” nhà mình, mà tổ chức đơn giản, gọn nhẹ hơn so với dự định ban đầu.
Gia đình người quá cố thì có thể bật băng, đĩa có nhạc tang lễ, ngoài ra không được bật một thứ nhạc hay chương trinh nào khác.
14. Người cao tuổi, phụ nữ có thai, người bị chó dại cắn phải kiêng dự khâm liệm, an táng và cải táng:
Người mới mất luôn lạnh hơn so với nhiệt của người bình thường cũng như môi trường xung quanh. Chỉ có người đồng khí huyết thì không bị nhiễm hơi lạnh, không có phản ứng gì kể cả ôm ấp thi hài và khâm niệm.
Tục kiêng không cho các bậc cao lão, phụ nữ có thai sắp đến ngày sinh hoặc sản phụ, trẻ nhỏ đến dự khâm liệm, an táng và cải táng vì sợ sẽ dễ nhiễm phải hơi lạnh mà bị ốm.
Người bị các bệnh: phong thấp, huyết áp cao... dễ bị nhiễm hơi lạnh. Thanh niên khoẻ mạnh thì ít bị nhiễm lạnh hơn. Nếu có cụ già, trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai ở gần gia đình có tang thì người ta thường đặt ở cửa ra vào một lò than đốt vỏ bưởi và quả bồ kết để trừ uế khí.
Những người bị chó dại cắn phải tuyệt đối cách ly đám tang và nơi nghĩa trang vì khi nhiễm phải hơi lạnh sẽ lên cơn dại mà chết.
15. Kiêng đi nhanh khi khiêng linh cữu:
Việc khiêng linh cữu do 8 - 10 người khiêng (gọi là đô tuỳ). Những người khiêng quan tài phải làm theo tiếng lệnh của người chấp hiệu, từ việc bắt tay vào đòn khiêng đến việc lên tay, lên vai, nhấc chân đi, đứng, dừng lại, đổi vai.. nhất nhất đều phải nhịp nhàng, đồng bộ.
Dân gian có tục giữ cho thi hài người chết được nằm yên, cho nên khi khiêng linh cữu cần phải nhẹ nhàng, thậm chí còn phải cố tình khiêng chậm để thể hiện sự lưu luyến với người đã khuất.
16. Kiêng hạ huyệt khi chưa làm lễ cúng thổ thần:
Trước khi hạ huyệt, người ta phải làm lễ cúng thổ thần để xin phép được an táng người chết tại đây. Lễ cúng thổ thần gồm có trầu, rượu, vàng hương và đĩa xôi, thủ lợn hoặc chân giò, gà... Tất cả bày trên một án đặt theo chiều hướng thuân lợi.
Cúng thổ thần xong, đợi giờ Hoàng đạo thì linh cữu mới được hạ huyệt. Để thêm phần long trọng, người đại diện tang chủ còn làm lễ đọc văn tế.
17. Kiêng đến những nơi hội hè, lễ tết khi nhà có tang:
Người ta cũng kiêng đến nhà người khác trong dịp lễ Tết, dự hội, lễ cưới, khao vọng... khi mình đang có tang. Bởi vì tín ngưỡng dân gian cho rằng trong nhà có bố mẹ chết thì mọi người trong nhà đều nhuốm sự lạnh lẽo. Người ta không thể mang cái lạnh lẽo đó đến nơi vui mừng như đám cưới, đám hội, đám khao hay mang vào đình làng, hay vào nhà người khác trong dịp đầu năm mới. Nếu ai đó không giữ được những điều kị trên thì sẽ bị cho là đem xúi quẩy đến cho người khác.
Hơn nữa, đang chịu tang cha mẹ, ông bà mà đến các nơi vui vẻ như thế là tỏ sự bất kính, bất hiếu với cha mẹ, ông bà... sẽ bị dân làng phê phán.
Triều đình phong kiến cũng cấm ngặt sĩ tử đang có đại tang (tang cha, tang mẹ) vào trường thi.
18. Kiêng lấy vợ, lấy chồng khi đang để tang cha mẹ:
Thời xưa, khi cha mẹ mất, con cái để tang ba năm. Trong thời gian đó, người ta kiêng lấy vợ lấy chồng. Nếu trong thời gian chịu tang mà lấy vợ, lấy chồng  sẽ bị làng xã khinh rẻ vì tội bất hiếu với cha mẹ, tổ tiên.
Ngày nay, việc kiêng cữ không còn kỹ lưỡng như thời trước nhưng, nhiều gia đình vẫn thường kiêng cưới vợ gả chồng cho con, cho cháu khi chưa làm giỗ đầu cho người quá cố.
19. Kiêng để ánh sáng mặt trời soi trực tiếp khi tiến hành cải táng:
Việc cải táng (bốc mộ) luôn được thực hiện về đêm để tránh ánh sáng mặt trời. Phải kiêng như vậy vì: Có những trường hợp thi thể sau nhiều năm vẫn còn nguyên ven, nếu để ánh sáng mặt trời chiếu vào thì thi thể sẽ rữa ngay và teo lại. Gặp trường hợp như vậy phải lấp đất lại ngay, để vài năm sau mới được cải táng.

……………………………………………………………………………….. 
- Trích trong ĐIỀM BÁO VÀ KIÊNG KỴ TRONG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến ; xuất bản năm 2007.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.    

0 comments:

Đăng nhận xét