MƯA XUÂN - BÀI THƠ VỀ MÙA XUÂN
HAY NHẤT CỦA NGUYỄN
BÍNH
*
(Tác giả Nguyễn Tường Thụy) |
Thơ Nguyễn Bính hay hơn ở những sáng tác trước
năm 1945, tức là khi ông chưa sáng tác theo phương pháp hiện thực Xã hội Chủ
nghĩa, chưa có tính đảng. Đây cũng là nét chung của các nhà thơ trong phong
trào thơ mới như Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Chế Lan Viên.
Trong giai đoạn này thì thời kỳ 1936-1940 là
thời kỳ rực rỡ nhất của thơ Nguyễn Bính, trong dó thành công hơn cả là mảng mùa
xuân - làng quê - tình yêu. Sau đó thì đuối dần.
Trong đợt tuyển chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ
20, chọn 100 tác giả, mỗi tác giả 1 bài thì với Nguyễn Bính, người ta chọn bài
"Những bóng người trên sân ga".
Không ai phủ nhận đấy là một bài thơ hay nhưng nếu được quyền, tôi sẽ chọn bài
"Mưa xuân"
Mưa xuân
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay".
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng!
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày".
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?
(Các bản
chép có 2 chỗ dị bản: "Em ngừng tay lại giữa thoi xinh/ Em ngừng thoi
lại giữa tay xinh" và "Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng/Để cả mùa
cuân cũng bẽ bàng". Trong bài dẫn, tôi chọn theo cảm thụ).
Bài thơ tả cảnh, tả tình rất tuyệt vời. Đã có
nhiều bài bình về bài thơ này, mỗi người cảm thụ một vẻ, nhưng cũng có những
phần giao thoa.
Mùa xuân trong bài thơ có mưa bụi, có hoa xoan,
có hội chèo. Ba nét ấy là những nét chấm phá nói về mùa xuân ở làng quê. Bức
tranh làng quê sống động hẳn qua ngòi bút của ông. Cách dùng chữ của ông thật
tài tình. Mùa xuân đẹp đến hạt mưa cũng bay một cách phơi phới, như nỗi lòng
con gái dậy thì, đầy nhựa sống và xúc cảm. Tác giả đã thổi hồn vào hạt mưa thật
đẹp. Hoa xoan trăng trắng, tim tím rơi từng lớp, từng lớp, rải khắp đường làng,
ngỡ như chỉ cần cơn gió nhẹ là tung bay như xác pháo.
Qua hình ảnh hoa xoan rụng, ta biết bối cảnh
trong bài thơ là vào tháng 3. Lúc này, ở làng quê đang tiếp tục mùa lễ hội.
Trong các lễ hội thường có diễn chèo, diễn tuồng, gọi chung là đi xem hát, chứ
không nói là xem chèo hay xem tuồng. Hát ở đây không phải là chương trình ca
nhạc như bây giờ. Các đôi trai gái đang yêu vụng nhớ thầm thường mượn những nơi
hội hè, phiên chợ để tìm cơ hội gặp nhau. Nhưng cũng chỉ là lúc mới thương
thương nhớ nhớ mơ hồ thôi, chứ còn khi họ đã thuộc về nhau rồi thì chẳng dại gì
đem nhau ra những nơi ấy. Họ có bờ ao, góc cây riêng của họ.
Cô gái trong bài thơ cũng thế, cô đi xem hát là
để hy vọng gặp chàng trai chứ thiết gì xem. Qua câu "Thế nào anh ấy chả
sang xem", ta biết đây không phải là cuộc hẹn mà cô gái phỏng đoán, là
hy vọng đấy thôi. Nhưng cũng đáng trách chàng trai là trước đó có hứa, có hẹn
gì đấy nhưng không cụ thể, theo kiểu sẽ thế này, sẽ thế nọ.
Cô gái ở đây là con nhà bình dân làn nghề canh
cửi, có khuôn phép. Cô là cô gái mới lớn còn trong trắng, ví như "cây lụa
trắng" mà quyền bán là của người mẹ. Ấy thế nhưng không thể đóng khao khát
yêu đương của cô vào một cái khuôn nào đó
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Hai chữ "hình như" và "có
lẽ" đặt vào tâm trạng cô gái lúc này là rất chính xác. Cắt nghĩa ra
thì nó không mang tính khẳng định nhưng ai cũng biết má cô bừng đỏ thật, cô
đang nghĩ đến người yêu thật. Cô vừa muốn thừa nhận lại vừa sợ người khác biết
nên chỉ lấp lửng như vậy thôi. Nó còn nói lên tâm trạng phân tâm, nên đi hay
không đi.
Cuối cùng thì cô đã bị tình cảm lấn át:
Em xin phép mẹ vội vàng đi.
Tác giả tả tình thật tuyệt vời. Người và cảnh
hòa quyện đến độ con đê, hạt mưa, hoa xoan cũng biết vui, biết buồn.
Sau khi "chờ mãi anh sang anh chẳng sang",
cô gái "lầm lụi trên đường về". Nguyễn Bính diễn tả tâm lý cô
gái khi đi và khi về rất tinh tế. Ông sử dụng thủ pháp tương phản rất hiệu quả:
Hãy đọc lại những cặp câu tương phản sau:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hoa xoan đã nét dưới chân giày
Mưa bụi nên em không ướt áo/ Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Thôn đoài cách có một thôi đê/ Có ngắn gì đâu một dải đê
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay/ Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.
Tình cảm của cô gái đã rõ, còn tình cảm chàng
trai đối với cô gái như thế nào? Chàng ta được nhắc đến hai lần:
... hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Và:
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang.
Có thể nói anh chàng này rất khả nghi. Còn tình
cảm cô gái rất mãnh liệt. Mặc dù việc không gặp được người yêu làm cho "cả
mùa xuân cũng bẽ bàng" nhưng cô gái vẫn thiết tha, mòn mỏi chờ đợi, hy
vọng. Qua đó ta còn thấy ở cô một tấm lòng bao dung cao thượng:
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?
Khi yêu, thường là người con trai chủ động hơn
người con gái. Nói như thế, không phải là tình yêu của con trai mãnh liệt hơn.
Cô gái ở đây chỉ có một hành động duy nhất là sang hội chèo xem có gặp người ta
không, rồi về, thế thôi. Nếu như chàng trai cũng sang xem hát, chắc là cô sẽ
không hỏi trước, không tỏ ra vồn vã. Đó là sự kín đáo của con gái, nhất là con
gái nhà quê. Nhưng ai bảo là tình yêu của cô không mãnh liệt.
Kể ra, bài thơ có thể thay nhân vật cô gái bằng
chàng trai. Như vậy có vẻ hợp với lẽ thường hơn. Nhưng nếu thế, có lẽ bài thơ
kém hay đi nhiều. Chợt nhớ Huy Thục, ít nhất đã có 2 lần đổi ngôi anh thành
ngôi em khi phổ nhạc, đó là bài "Đợi"
của Vũ Quần Phương, "Trăng
khuyết" của Phi Tuyết Ba, và cái sự có vẻ trái khoáy ấy làm cho
bài hát thành công hơn hẳn:
Anh ngỏ lời yêu em => Em ngỏ lời yêu anh
Anh đứng trên cầu đợi em => Em đứng trên cầu đợi anh.
Trở lại bài "Mưa xuân". Bài thơ được bố cục rất chặt chẽ. Ta không
thể thay đổi vị trí các câu, các khổ thơ cho nhau, cũng không thể bỏ đi hay
thêm vào một khổ thơ nào. Từ ngữ được sử dụng đầy dụng ý, không có một chữ nào
khiên cưỡng. Khó có thể thò bút chữa đi một chữ mà không làm suy giảm giá trị
của bài thơ. "Những bóng người
trên sân ga" cũng được bố cục rất chặt chẽ nhưng ở "Mưa xuân", ý và chữ nghĩa
hay hơn. Có thể nói, "Mưa xuân" là một bài thơ toàn bích.
Nguyễn Bính không cố đi tìm những từ lạ, lối
diễn đạt lạ. Ông chỉ sử dụng ngôn ngữ bình dân nhưng với ngòi bút tài hoa, ông
đã để lại cho đời nhiều bài thơ xuất sắc, trong đó "Mưa xuân" - một bài thơ tuyệt đẹp là ví dụ điển hình.
*
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Địa chỉ: P507A2, 54 Hạ Đình, Thanh Xuân Trung,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: tuongthuy52@gmail.com
.
........................................................................................
- Cập nhật từ email:
ngocthai1948@gmail.com ngày 27.08.2015
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét