SÔNG LẤP
MỘT BÀI THƠ TOÀN BÍCH
Sau
buổi nhậu cuối tuần, mấy thằng bạn ngồi uống trà, cà phê bù khú chuyện văn
chương. Được một lúc, câu chuyện lan man đến thơ: làm thơ nên làm thơ dài hay
thơ ngắn? Một ông bạn, sau khi nói một câu ba phải để vừa an toàn (khỏi sợ sai)
vừa hợp lòng mọi người: “Thơ dài hay ngắn hoàn toàn tùy sở thích của thi sĩ”,
rồi có lẽ do thúc đẩy của hơi men, bỗng nổi hứng tuyên bố thẳng thừng: “Nhưng
những bài thơ ngắn quá (4 câu hoặc ít hơn) không đủ để tác giả bày tỏ lòng
mình; nó giống như mấy thằng cha mắc chứng sậu tinh, chưa nhập cuộc đã khóc
ngoài quan ải, chưa đi đến chợ đã hết tiền, để người bạn tình nằm tô hô, thất
vọng trên giường.”
Vâng!
Tôi nhiều khi đọc thơ, cũng có cái cảm giác thất vọng như cô gái “nằm tô hô
trên giường.” Một bài thơ ngắn quá, chỉ giống như một màn đá phạt trong bóng
đá, một pha phối hợp nhỏ của 2, 3 cầu thủ phe mình để vượt qua một cầu thủ đối
phương. Ở đây kỹ thuật cá nhân được tận dụng tối đa; cầu thủ có thể phô diễn
tài đi bóng, che bóng, lừa bóng, hoặc sút bóng bay theo đường vòng cung vào
lưới. Nhưng người ta không thấy được sự lên xuống nhịp nhàng của cả 11 cầu thủ
trên sân, không có cơ hội để thấy được tài của huấn luyện viên trong việc tổ
chức, phối hợp đấu pháp toàn đội. Trong một bài thơ ngắn thi sĩ phải chắt lọc
từng chữ, từng câu để tự nó tạo được âm vang, hình ảnh đặc biệt, hầu lưu lại
một chút dấu ấn trong lòng người đọc, bởi, với số chữ giới hạn, ông không có
chỗ, không đủ thời gian đào con mương, trút cảm xúc trong lòng mình xuống để nó
cuồn cuộn chảy thành dòng, sóng sau dồn sóng trước như thác đổ, khuấy động tâm
hồn người đọc. Trong một bài thơ quá ngắn người đọc không có dịp để thấy cái bề
thế của trận địa chữ nghĩa. Nó chỉ như một cuộc phục kích, đột kích cấp tiểu
đội, trong đó người chỉ huy không có dịp để nghe tiếng rít xé trời của phản
lực, tiếng gầm của hải pháo và pháo binh diện địa, tiếng ầm ì của thiết giáp,
và đặc biệt, không có dịp để thấy từng đoàn quân, từng đoàn quân, hàng hàng lớp
lớp tiến lên chiếm lĩnh mục tiêu.
Với
Sông Lấp của Tú Xương, một bài thơ rất ngắn, chỉ có 4 câu lục bát 28 chữ, người
ta phải xem nó là một ngoại lệ rất hiếm hoi.
Trước
khi quay lại cái giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 để tìm hiểu
bối cảnh văn hóa, xã hội của Việt Nam lúc tác giả viết Sông Lấp rồi phân tích
để tìm cái hay của bài thơ, tôi xin kể một kinh nghiệm đã trải qua để làm thí
dụ so sánh.
Có
một dạo tôi bị nhốt xà lim ở A20, Xuân Phước. Chế độ ăn uống ở xà lim cực kỳ hà
khắc. Mỗi ngày 2 bữa. Mỗi bữa chỉ có 2 muỗng cơm và 2 muỗng nước. Đến ngày thứ
20 trở đi, vì không có chất bổ dưỡng và mất nước, các tế bào nằm chết xếp lớp
trên người tôi, tạo thành những lớp da cứ bong ra như vẩy cá. Tôi ngồi bóc hết
lớp da này đến lớp da khác và nhìn thân người mình cứ teo tóp đi một cách rõ
ràng. Đến ngày thứ 40 thì mông và bắp đùi đã gần như không còn thịt nữa….Đến
ngày thứ 50 thì toàn thân chỉ còn một lớp da mỏng bọc xương, ngực thì có thể
nhìn thấu từng mảnh xương sườn, đầu thì như một cái sọ dừa khô. Lúc ấy, thỉnh
thoảng mê thiếp đi, tôi đã thấy thần chết, tay cầm lưỡi hái, từng bước đến gần
bệ nằm của mình mà chân thì bị cùm, cửa xà lim thì đóng kín, khóa chặt, không
làm sao chạy thoát được. Cái cảm giác ấy thật đáng sợ đến rùng mình.
Với
Tú Xương thì lại khác. Nỗi sợ đến độ ám ảnh của tôi là sự suy kiệt thể xác. Với
ông, là sự mất mát tinh thần. Ông không có cái vinh dự đỗ đầu cả 3 kỳ thi như
Tam Nguyên Yên Đỗ, hoặc khiêm nhường hơn, đỗ Giải Nguyên (đầu thi Hương) như
Nguyễn Công Trứ để được bổ quan, đem tài sức của mình phục vụ quê hương, đất
nước. Ông chỉ đỗ Tú Tài (Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ), không được vua ban áo
mão, vinh quy bái tổ, sau đó được bổ quan cửu phẩm, như những ông Nghè, ông
Cống. Nhưng ở làng Vị Xuyên quê ông, ông cũng được tiếp rước long trọng, nở
mày, nở mặt với bà con, thôn xóm. Trong những buổi hội họp, tiệc tùng, đình
đám, ông lại còn được vinh dự ngồi chiếu tiên chỉ (1). Hơn nữa, với sự tự tin
vào văn tài của mình, với một tinh thần minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh
của tuổi trung niên, đường thi cử của ông vẫn còn rộng mở. Ông có lý do để hy
vọng. Hy vọng một ngày nào đó đỗ đạt cho bõ công đèn sách, đền đáp công lao của
bà vợ đảm đang, đem tài sức phục vụ đất nước.
Nhưng
thời thế không đứng về phía ông. Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nước
Việt Nam đã bị
người Pháp hầu như nắm toàn quyền cai trị. Triều đình bù nhìn nhà Nguyễn chỉ có
quyền bổ nhiệm một số chức quan “hữu danh vô thực”, còn những chức vụ có thực
quyền lèo lái guồng máy hành chánh của đất nước, đại đa số đều do người Pháp
chỉ định. Ở miền trung và miền bắc, thi Hương chưa bị chính thức bãi bỏ nhưng
số người học chữ Nho đã thưa giảm rất nhiều. Chính Tú Xương đã phải lên tiếng
xác nhận:
Cái
học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười
người đi học chín người thôi.
(Cái
Học Nhà Nho)
Ngay
cả việc thi cử cũng không còn cái vẻ nghiêm trang, long trọng như ngày xưa
Lọng
cắm rợp trời, quan Sứ đến,
Váy
lê quét đất, mụ đầm ra.
(Vịnh
Khoa Thi Hương)
Mà
dù có đỗ đạt đi nữa cũng đâu còn cái vinh dự, cái niềm tự hào như thời đất nước
còn độc lập, tự chủ
Một
đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó
đỗ khoa này có sướng không
Trên
ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới
sân ông cử ngỏng đầu rồng !
(Giễu Người Thi Đỗ)
Thêm
vào đó, người Pháp cũng đã mở trường huấn luyện và một số kỳ thi riêng của họ
để chọn người làm việc. Và cũng chính Tú Xương đã phải cay đắng than thở:
Nào
có ra gì cái chữ Nho
Ông
Nghè, ông Cống cũng nằm co
Chi
bằng đi học làm thầy Phán
Tối
rượu sâm banh, sáng sữa bò.
(Chữ
Nho)
Từng
ngày, từng tháng trôi đi. Khung cảnh chính trị, văn hóa, xã hội không ngừng đổi
thay trước mắt theo chiều hương xấu. Kho kiến thức sau bao năm đèn sách của ông
– như đồng tiền trong một nền kinh tế lạm phát phi mã – ngày càng giảm giá trị.
Con người sinh học của Tú Xương vẫn còn lây lất sống, nhưng trong tâm hồn ông,
niềm hy vọng, niềm tin vào tương lai, đang đi dần đến cõi chết, không còn
phương cứu vãn. Bài thơ Sông Lấp đã được viết trong hoàn cảnh đó.
SÔNG LẤP
Sông xưa rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Tứ
: Nghe tiếng ếch vọng lại từ khu nhà, vườn tược được
xây dựng ngay trên lòng sông Vị Hoàng (nay đã bị lấp), tác giả giật mình tưởng
tiếng gọi đò vọng lại và nhớ đến bến đò cũ, con sông xưa.
Ý: Tác giả nhớ thương, tiếc nuối cái thời Nho học - mà tác giả
là một sĩ tử - còn được coi trọng.
Năm
1832, sau khi triều đình cho đào sông Đào thay thế vai trò của sông Vị Hoàng,
nhằm rút ngắn lộ trình đường thuỷ. Sông Vị Hoàng trở nên kém tác dụng và bị phù
sa lấp dần. Cuối thế kỷ XIX, do cần đất để xây dựng các công sở, người Pháp đã
lấp sông Vị Hoàng, vì thế con sông này không còn nữa. Nhiều người gọi là sông
Lấp, ấy là gọi để nhớ thế thôi, chứ sông đã lấp rồi thì sao còn sông nữa (2).
Dựa
vào 2 câu cuối của bài thơ tôi có thể suy luận ra mấy điều sau:
Khúc
sông Vị Hoàng chảy qua khu nhà của Tú Xương thuộc làng Vị Xuyên không có cầu
bắc qua sông.
Nhà
ông Tú không ở sát, nhưng cũng không xa bến đò ngang lắm; ở đấy có thể nghe
được tiếng gọi đò vọng lại.
Ông
rất nặng lòng với khúc sông đầy kỷ niệm, với quãng đời lúc con sông chưa bị
lấp, đến nỗi chỉ “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” ông cũng giật mình tưởng tiếng
gọi đò từ những năm xưa cũ.
Nhưng
nếu “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” mà người đọc chỉ tưởng “tiếng ai gọi đò” để
từ đó nhớ đến bến đò ngang cạnh nhà ông và rồi đến con sông Vị Hoàng ngày xưa
(nay đã bị lấp) thì … bất công với Tú Xương quá. Nếu dòng liên tưởng chỉ dừng ở
đấy thì bài thơ đã bị giảm đi ít nhất 90% giá trị nghệ thuật. Nếu chỉ có thế
người ta đâu có gọi Sông Lấp là “tiếng thở dài thế sự” của Tú Xương. Dĩ nhiên,
ông cũng nhớ đến con sông mà vợ ông đã “quanh năm buôn bán” ở đó để nuôi sống
một gia đình đông đúc “năm con với một chồng”. Nhưng con sông chỉ đóng vai
chiếc cầu để ông trở về cái thời tạm gọi là vàng son của ông, cái thời còn ngồi
chiếu tiên chỉ của làng Vị Xuyên, cái thời mà mọi người gọi ông là Ông Tú với
giọng kính trọng một nhà nho có văn tài, cái thời ông còn tràn trề hy vọng khi
nghĩ đến kỳ thi sắp tới, và trong lòng ông, niềm tin ở quê hương đất nước vẫn còn
rực sáng.
- Tác giả Phạm Đức Nhì - |
Còn
cái lúc ông viết Sông Lấp, ách cai trị của người Pháp đã lan tỏa, đã xâm nhập
vào mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân Việt, nền Nho học đang lụi tàn, con
đường tương lai của ông đang đi vào ngõ cụt. Ông đành quay lại nhìn, nuối tiếc
cái thời xa xưa ấy để rồi buông “tiếng thở dài thế sự”.
Nhận
Định Nghệ Thuật
Dù
bằng con mắt của người đọc thơ khó tính, dù áp dụng cách nhìn nhận, đánh giá
thơ ca của thời đại mới, tôi tin rằng người đọc vẫn khó tìm ra khuyết điểm của
bài thơ. Nhưng cái hay của bài thơ thì lại khá nhiều và độc đáo.
Không
có hội chứng nhàm chán vần
Những thể thơ truyền thống, đặc biệt là thơ lục bát, rất dễ
mắc phải hội chứng nhàm chán vần. Sông lấp chỉ có 4 câu, quá ngắn, nên thoát
khỏi chứng bệnh này.
Tứ
thơ mạch lạc, thủ pháp “show, not tell” áp dụng rất thành công, từ liên tưởng
này đến liên tưởng khác theo một trình tự hợp lý, người đọc rất dễ cảm nhận.
Câu
chữ đắc địa, khó thay đổi hoặc thay thế
Chúng ta thử đọc bài thơ Không Đề, đã được nhà
phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc khen là “một trong những bài thơ hay nhất,
hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bính” (3)
Hôm
nao dưới bến xuôi đò
Thương
nhau qua cửa tò vò tìm nhau
Anh
đi đấy, anh về đâu?
Cánh
buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…
Câu
thứ 4 của bài thơ thật tuyệt vời. Đúng như Nguyễn Hưng Quốc nhận định: “Người
con gái vẫn còn đứng đó, bên thành cửa sổ, vời vợi nhìn theo. Câu thơ cắt thành
ba nhịp, tưởng như mỗi nhịp ngắt là một làn sóng đột nhiên trào lên, che khuất
cánh buồm. Bao nhiêu lần khuất rồi hiện. Lần cuối cùng, đã xa lơ xa lắc, người
con gái chỉ còn nhìn thấy, mờ thật mờ, hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, nhòa đi
trong khói sóng bập bềnh. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối
biến mất (3).
Câu
thứ 4 của bài thơ hay như thế, nhưng còn 3 câu đầu thì sao? Theo tôi, không đắt
lắm. Một thi sĩ nào đó có thể khá dễ dàng thay thế 3 câu đầu bằng 3 câu khác để
có những hoàn cảnh chia tay khác nhau; mẹ chia tay con, bà chia tay cháu, vợ
chia tay chồng, hai người bạn chia tay nhau… miễn sao chữ cuối của câu 3
có vần au hay âu để vần với “cánh buồm nâu” ở câu cuối.
Trong
Sông Lấp mỗi chữ, mỗi câu, mỗi ý tưởng, mỗi hình ảnh đều được xếp đặt, nối kết
như một thế trận. Thật khó có thể thay chữ này bằng chữ kia hoặc câu này bằng
câu khác mà không làm giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ. Riêng chữ “vẳng” và
2 chữ “giật mình” thì phải nói là đắt như kim cương. Không phải là tiếng sấm,
tiếng sét, tiếng súng nổ, tiếng cãi nhau to tiếng mà chỉ là “vẳng” nghe tiếng
ếch từ xa vọng lại, cũng đủ làm ông Tú “giật mình” nhớ đến một chuỗi những hình
ảnh của quá khứ xa xưa. Tâm hồn ông chắc phải thẳng căng như sợi dây đờn nên
chỉ một chạm nhẹ cũng rung lên bần bật, tạo nên “tiếng kêu khắc khoải” làm tái
tê lòng biết bao nhiêu người đọc thơ ông.
Hơn
nữa, cái hay của Không Đề chỉ ở câu thứ 4, giống như đội bóng có một cầu thủ
siêu sao. Cái hay của Sông Lấp là cái hay tổng thể, cái hay toàn bài; ở
đây, đội bóng có một huấn luyện viên tài ba, xếp đặt 11 cầu thủ vào từng vị trí
phù hợp với sở trường và lối chơi riêng của họ, tạo được sự phối hợp gắn bó,
nhịp nhàng của toàn đội. (Nếu hoán chuyển vị trí của các cầu thủ hoặc thay thế
một cầu thủ trong đội bằng một cầu thủ khác thì hiệu quả của đấu pháp toàn đội
sẽ giảm sút)
Có
lẽ cái hay nhất của Sông Lấp, có thể tôn giá trị nghệ thuật của bài thơ lên
nhiều nhất, là phép ẩn dụ, đúng hơn phải nói là sự kết hợp tài tình giữa thủ
pháp “show, not tell” và phép ẩn dụ để diễn đạt ý của tác giả.
Cái
thú khi đọc một bài thơ có phép ẩn dụ - tác giả nói về cái này mà
ngụ ý cái kia - là lần theo tứ thơ để tìm, để khám phá ý của tác giả. Phép ẩn
dụ càng kín thì, khi người đọc, bằng khả năng liên tưởng của mình, hiểu được,
cảm thông được tâm tình mà tác giả muốn chia sẻ, sự ngạc nhiên và thích thú
càng gia tăng, bài thơ càng được đánh giá cao.
Phép
ẩn dụ trong Sông Lấp rất kín, kín đến nỗi ngay cả có người bình bài thơ ấy cũng
không thấy được, cảm được ẩn ý của tác giả. (4) Có thể nói Sông Lấp không phải
là một đoàn quân trùng trùng, điệp điệp, nhưng lại có bề thế của một mặt trận,
một điệp vụ tình báo siêu đẳng, đưa được những điệp viên thượng thặng, bí mật
nằm giữa bộ chỉ huy của quân địch. Phép ẩn dụ ấy được kết hợp một cách tài tình
với thủ pháp “show, not tell”, tạo ra một chuỗi những chiếc cầu liên tưởng, dẫn
người đọc đi từ hình tượng này đến hình tượng khác. Từ tiếng ếch kêu, trong
hoàn cảnh riêng của mình, trong tâm tình riêng của mình, nhà thơ “tưởng tiếng
ai gọi đò”. Đây là một liên tưởng rất riêng tư; nếu ông không bộc bạch, bày tỏ
thì người đọc khó có thể đoán ra được. Biết thế nên ông đã đưa tay dắt chúng ta
bước lên chiếc cầu đầu tiên. Đến 2 chiếc cầu liên tưởng kế tiếp thì người đọc
đã có thể tự mình qua được; từ tiếng gọi đò nhớ bến đò ngang, từ bến đò ngang
nhớ con sông Vị Hoàng ngày xưa, nay đã bị lấp. Khi từ con Sông Lấp đặt chân lên
chiếc cầu sau cùng, bằng vốn kiến thức về lịch sử, văn học sử, cộng với một
chút trực giác thi ca, người đọc sẽ bắt gặp nỗi lòng sâu kín của nhà thơ: nhớ
thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn
còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt. Và người đọc sẽ
tròn xoe mắt “À” lên một tiếng khoái trá.
Với
Trương Kế, tiếng chuông chùa Hàn San chính là chữ Duyên của đạo Phật, là chiếc
phao giúp ông bơi vào bờ bến thi ca, để lại cho đời một bài thơ bất hủ: Phong
Kiều Dạ Bạc. Với Trần Tế Xương, tiếng ếch giữa đêm khuya đã khiến ông giật mình
thảng thốt nhớ đến bến đò cũ, con sông xưa, và rồi từ con sông ấy đã quay lại
để thương, để nhớ, để tiếc một quãng thời gian đầy kỷ niệm của đời mình. Nhờ
tiếng ếch ấy, nhờ nỗi nhớ thương, tiếc nuối ấy, ông đã đóng góp vào kho tàng
văn chương của Việt Nam và của thế giới một tuyệt tác thi ca, một bài thơ toàn
bích: Sông Lấp.
*.
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League
City , Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
.
..................................................
Chú thích:
Người đứng
đầu hội đồng kỳ dịch trong làng.
- Nếu làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo “thiên tước” thì ai cao tuổi nhất
là tiên chỉ.
- Nếu làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo “nhân tước” thì ai đỗ cao nhất hoặc
có phẩm hàm cao nhất thì ngồi chiếu tiên chỉ. (Wikipedia Tiếng Việt)
Tú Xương tuy
chỉ đỗ Tú Tài nhưng có lẽ làng Vị Xuyên xét ngôi thứ trong hội đồng theo “nhân
tước” và lúc ấy chưa có người đỗ đạt nên ông được trọng vọng mời ngồi chiếu
tiên chỉ.
Tứ Thơ, Tìm
Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam ,
Nguyễn Hưng Quốc
Về Bài Thơ
Sông Lấp Của Trần Tế Xương, Vũ Bình Lục, lethieunhon.com
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 01.09.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét