(Làng Vạn Phúc - Nguồn ảnh: Internet)
|
CHỬ
VĂN LONG:
CHÊNH
VÊNH GIỮA MỘNG VÀ ĐỜI
Hình ảnh mỗi khi tôi nhớ về anh thường
là những lúc cùng bạn bầu trò chuyện đông tây trời bể gì chăng nữa, chẳng chóng
thì chầy, anh đưa được mọi người về với chủ đề thơ ca. Anh có thể ngồi với tôi,
với anh, với chị hàng giờ chỉ để nói về thơ một cách say sưa và rồi những say
sưa ấy lây lan sang mình lúc nào đấy không hay.
Anh là nhà thơ Chử Văn Long, sinh ngày
12 tháng 10 năm 1942 ở
làng Vạn Phúc - Thanh Trì ngoại thành Hà Nội. Một làng
quê vùng bờ bãi sông Hồng, phong cảnh sông nước còn thoáng đãng mộng mơ… Tuổi
nhỏ học trường quê. Năm 1963 tốt nghiệp Trung cao cơ điện rồi xung phong đi xây
dựng kinh tế lâm nghiệp Quảng Ninh. Cũng từ đây anh bắt đầu làm thơ. Gần chục
năm ở vùng than đã cho anh suy ngẫm: “Mười
năm sống ở đây hòn than cho tôi nếp nghĩ / Để toả sáng phút giây phải triệu năm
trong lòng đất âm thầm…” (Thị xã bên bờ vịnh đẹp). Anh viết về những người
công nhân địa chất: “Ước gì mỗi con
người, mỗi phần nhỏ nhất ở con người / Nghiền không nát cứ lành nguyên bản chất
/ Như giọt thuỷ ngân này lấp lánh gương soi!”. Mười năm qua vút, thơ đã cho
anh niềm vui hai lần nhận giải những cuộc thi thơ đề tài lâm nghiệp. Đồng thời
mười năm ấy cuộc sống bần bách của gia đình đông con, mẹ già một vai vợ gồng
gánh ở một vùng quê thiên tai, lụt ngập thường xuyên cũng đánh thức anh khỏi
cơn mơ giữa mộng và đời. Anh làm đơn trình bày khó khăn xin về gần gia đình để
cùng vợ nuôi mẹ già con dại. Ba lần bẩy lượt bị từ chối. Ông Trưởng ty Lâm
nghiệp đã nói: “Cho anh về Hà Nội viết
văn, mai sau ai bổ óc anh ra mà rửa!”. Đến bây giờ anh vẫn không hiểu câu
nói ấy là sao. Rất may, nhờ anh Xuân Diệu thân ông Nguyễn Tạo - Tổng cục trưởng
đã ký đơn cho chuyển. Đến khi đem giấy tờ về Hà Nội, mới vỡ lẽ lương anh vẫn
85% tốt nghiệp ban đầu, không đủ mức quy định nhập về chính quê mình! Không có
hộ tịch, không có tem phiếu. Bè bạn như Nguyên Mạnh Tuấn, Trần Nhuận Minh đã
giúp đỡ từng cân tem gạo để sống. Phải nửa năm sau mới có hộ khẩu chính thức để
đi làm. Chuyện dở cười dở khóc làm vậy đã cho anh thêm góc nhìn cuộc sống: “Có một thời người ta nói / Trái đất hết
buồn / Con người không còn bi kịch nữa! / Tôi đã thật lòng tin / Niềm tin trắng
trong như lụa / Tôi đem may áo hạnh phúc cho mình / Qua tấm áo suốt một đời gìn
giữ / Mới hay rằng hạnh phúc quá mong manh” (Không đề).
(Tác giả Nguyễn Thiết) |
Lần thay đổi công việc từ vùng rừng núi
Đông Bắc trở về Hà Nội ấy đã làm nên bước ngoặt cho đời thơ anh sau này. Một
cuộc đối mặt hàng ngày với đói no cơm áo diễn ra quyết liệt. Ba năm liền làm
quản đốc cơ khi ở xí nghiệp gạch ngói Văn Điển anh thầm hứa với mình “Cắt đứt
với thơ”, không đọc sách báo, không cầm bút viết một câu. Trớ trêu thay, nơi
làm việc của anh lại kề sát nghĩa trang thành phố, chỉ cách nhau có một bức
tường gạch thấp. Một chút khói hương bay sang đã chạnh lòng. Huống hồ lúc nào
cũng nghe văng vẳng tiếng khóc nỉ non, tiếng kèn ma réo rắt đến quặn xé… Một
lần không chịu nổi anh đã ghi lại cảm xúc: “Xí
nghiệp tôi ở bên nghĩa trang / Bên kia bức tường là thế giới của những người đã
chết / Cây phi lao xẫm biếc / Thường kéo đàn trước những ngày mưa…” (Xí
nghiệp bên nghĩa trang); rồi đem dán lên tờ báo tường của đoàn thanh niên xí
nghiệp. Thế là thành chuyện. Ông giám đốc tìm gặp: “Anh viết những câu thơ buồn vậy, ai còn dám về đây đẩy gạch, ra lò?”.
Hôm sau Chử Văn Long phải lên nhà thơ Ngô Quân Miện phụ trách báo Chính nghĩa
xin in bài thơ mang về mới yên. Đời có lúc tựa vòng dây vô hình vừa gỡ ra lại
buộc. Chỉ mấy tháng sau do xí nghiệp làm ăn khó khăn, lương công nhân mấy tháng
chưa được trả. Có anh bạn công nhân cùng phân xưởng, quê ở Thái Bình rủ về quê
chữa máy cày, bơm nước kiếm gạo. Anh rủ thêm tất cả bốn người cùng đi. Sau hơn
bốn ngày đã chữa được năm cụm bơm nước cho chạy thử. Lúc bà con xã viên ra xem
dòng nước reo vui cũng là lúc công an đến yêu cầu xuất trình giấy phép hành
nghề không có, thế là tất cả bị bắt về Ty công an Thái Bình về tội công nhân
nhà nước đi làm ngoài. Như có trời đất phù hộ, trong bọc quần áo Chử Văn Long
lại đem theo quyển Tạp chí Văn nghệ Quân đội có in bài thơ của anh viết sau lớp
học Quảng Bá (Khoá VI của Hội Nhà văn). Anh trình bày. Là người làm thơ, từ lâu
nghe tin vùng dâu tằm Thuận Vi nổi tiếng miền Bắc, nên cùng anh em về quê bạn
chữa giúp máy móc, vừa định thăm quan đất Thuận Vi… Chắc người nghe thấy có lý
có tình nên anh chỉ phải ngồi nhà đá hơn tuần lễ để biết mùi vị rồi được tha.
Chỉ tội mấy người bạn cùng đi, có người phải giam tới ba tháng rưỡi.
Sau đận này anh nghĩ cái nghề cơ khí đã
làm cho mình buồn vậy, nên chuyển sang nghề nghiệp khác. Vừa lúc ấy có người
giới thiệu Hội Văn nghệ Hà Nội đang cần người làm biên tập tạp chí (Tiền thân
báo Người Hà Nội bây giờ). Thuở ấy người viết nghiệp dư về làm báo, một cơ quan
Văn nghệ là một điều vui mừng lớn lắm!
Sáng ngày 17 tháng 2 âm lịch (năm 1979)
anh đến xí nghiệp gạch, đang làm giấy tờ, quyết định chuyển sang Hội văn nghệ
thì đứa cháu ngoại hộc tốc đến tìm: “Cậu ơi! Bà ở nhà đang hấp hối chờ cậu
về!”. Ba chân bốn cẳng đạp hơn chục cây số về đến nhà nhìn được mẹ, cũng là lúc
mẹ anh nhìn lại con nhưng không còn nói được câu nào! Kỷ niệm đầu tiên bước về
cơ quan văn chương buồn vậy. Buổi đến nhận việc đầu tiên lòng còn nặng trĩu nỗi
đau. Con đường từ nhà lên Hồ Gươm đi làm phải xa gấp đôi mọi ngày. Cái xe đạp
rong rơ như răng ông lão. Sáng vội vàng mấy bát cơm độn khoai sắn. chưa ấm dạ
bằng nước. Năm giờ chiều mới từ cơ quan ngược về hơn hai chục cây số. Thì giờ
đâu kiếm sống thêm để cùng vợ toan lo cả một gia đinh chín miệng ăn, con cái ngày
lớn hơn cần phải chi tiêu? Nhưng cái gánh nặng lo toan không dừng ở đấy. Hơn
một năm sau, vào chiều 30 Tết đi làm về đến thị trấn Văn Điển, người em rể đã
đứng đón bên đường báo tin: “Em vừa đưa chị lên viện cấp cứu. Đêm ấy khi khắp
nơi chờ đón giao thừa, anh ngồi nhìn từng nhịp thở của vợ qua chiếc ống chụp ô
xi mà cầu trời phật độ trì… Rồi hơn ba năm đưa vợ qua khắp các bệnh viện Hà Nội
chạy chữa. Từ một phụ nữ tươi xinh chỉ còn như chiếc lá héo trở về tựa vịn
chồng con. Ngoài mọi công việc kiếm sống, anh kiêm cả nội trợ áo cơm, xếp hàng
mua từng cân muối yến gạo. Một hôm vào chợ Đông Xuân, mang theo phiếu vải của
cả gia đình chín người, định mua về may áo các con mặc Tết. Mải nhìn ngó màu
sắc các tấm vải khi quay lại thì chiếc túi bã mía treo ghi đông xe đã bị kẻ cắp
lấy mất lúc nào. Bàng hoàng anh nghĩ, cả nhà năm nay ở trần. Bủn rủn đến muốn
khụy xuống nhưng khi tỉnh lại, dắt xe ra về anh đã ghi được câu thơ: “Giật mình nhìn xuống tay xe đạp / Túi thơ
không cánh đã bay rồi”. Cái chất hài hài trong thơ anh hễ có dịp lại phát
lộ: Như hàng ngày đi làm gặp những chiếc xe tang ngược xuôi đi về anh đã viết
bài thơ: “Hà Nội lấy Văn Điển lập nghĩa
trang / Người Hà Nội từ lâu kiêng nói - Về Văn Điển / Tôi hàng ngày hai lần đạp
xe đi về qua đất chết / Có lẽ mình “bất tử” cũng nên”. Năm thống nhất đất
nước (1975), thơ ca dang bừng bừng khí thế ngợi ca, anh đã có những câu phập
phồng “Sao tim tôi lại gióng còi báo động
/ Khi từ lâu mặt đất đã báo yên”. Khi viết về những người nông dân quê
mình: “Tôi sống giữa những người chân đất
/ Những người của nắng mưa thấm đẫm vui buồn / Cả khi có dép rồi họ vẫn thích
đi chân đất / Chân đất đã quen, chân đất tự do hơn” (Tôi sống giữa những
người chân đất).
Chặng này anh như chú ngựa được đóng
ách chặt vào cỗ xe cuộc sống, lên ngược, xuống xuôi, chạy ngang, chạy dọc. Có
lúc đến cơ quan, giả vờ có mặt, để lại chiếc mũ với túi tài liệu, ra bến xe
Long Biên, giong tận thị xã Tuyên Quang. Anh phụ xe cùng quê đã mua hộ mấy bao
sắn, vài chục bưởi, chở về Hà Nội chỉ việc khuân xuống, nơi bán, giá mua, cũng
đã được bạn lo giúp cả rồi. Với ruộng đất hợp tác chia cho vợ con ở nhà, hai
tay cày cuốc thực thụ. Mùa rau cỏ, có ngày hàng trăm gánh nước tưới rau. Phần
rau nhập cho hợp tác xã ăn gạo còn thừa thì đi bán. Sắm vai anh xe thồ lên phố
đi giong mua bán biết thêm bao nhiêu vẻ sống ở đời. người quê lên chợ thành phố
không có chỗ cho ngồi. Đi bán giong bị công an đuổi… Cả ngày xe rau đã héo tưởng
phải đỏ đi, bỗng gặp chiếc xe quân sự đi ngang, gọi với, dỡ bán được cả xe, mà
giá cả lại còn hên!... Nhưng lạ lắm, sau những việc làm cực nhọc bở hơi đuối
sức là vậy, chỉ cần được phút tựa chiếc sọt thồ vào gốc cây, ngồi bệt xuống vệ
cỏ bên đường, lấy tay áo quệt qua những giọt mồ hôi trên mặt rồi nhờ ngọn gió
mát dịu thổi qua, nhọc nhằn bỗng như tan biến, thế là từ đâu những hình ảnh
thương yêu quấn quýt lại ào về đằm thắm tươi trong. Anh càng thấy thương vợ
những năm một mình gánh vác: “Thương em
suốt đời vẫn thấy mình thương em chưa đủ”. Anh như phát hiện lại giá trị
tốt đẹp ở người vợ yêu của mình: “Em là
ngọc quý giữa lòng tay”. Ngôi nhà tre lá đơn sơ với mảnh vườn được anh tu
tạo, trồng tỉa hoa lá ngút xanh, vừa để có rau quả con ăn, vừa để có bóng mát
cho vợ vào ra được ngắm nhìn những tháng ngày đau yếu. Quang cảnh ấy vào thơ: “Tôi có một khu vườn đẹp lắm / Bốn mùa hoa
và cả bốn mùa hương / Chim trời đến chuyền cành cho khách ngắm / Hương theo
chân bịn rịn cả thôi đường / Vườn càng đẹp khi em ra dạo gót / Chùm hoa buông
chạm mái tóc đen huyền / Đôi bướm trắng bỗng từ đâu vỗ cánh / Dưới vòm cây mơ
mộng thần tiên!” (Vườn mộng). Như thể lâu đài hạnh phúc! Từ hạnh phúc nhỏ
bé riêng mình anh nhìn ra nỗi buồn rộng lớn: “Thế giới như thể bàn cờ / Bày ra, dập, xoá / Những bàn tay đeo găng
trắng muốt chơi cờ trên số phận nhân dân” (Thế giới). Anh khái quát về nỗi
đau bản chất của chiến tranh: “Mùa xuân
về trên mộ hai người lính / một phía bên kia, một phía bên này / những ngọn cỏ
gà bò lan chầm chậm / Như những bàn tay tìm gặp bàn tay…” (Mùa xuân về trên
mộ hai người lính). Xuyên suốt thơ anh chặng này chứa đựng một nỗi niềm tha
thiết nhắn gửi: “Anh hát em nghe khúc hát
đồng quê / Cho lắng lại buồn vui muôn thuở / Cho mẹ thương con, cho chồng
thương vợ / Người không thương nhau có rất ít ở trên đời” (Khúc hát đồng
quê). Có thể nói chặng đường hơn mười năm này là quãng đời gian nan cực nhọc
nhất của anh, cũng cho anh gặt hái nhiều mơ mộng: Hai lần tặng thưởng thơ Hà
Nội, giải nhì cuộc thi báo Văn Nghệ (bài “Người gánh rơm vào thành phố”). In
được ba tập thơ chưa phải bỏ tiền. Được đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khoá
I, nhưng học được 3 tháng vì chuyện buồn cơ quan nên thôi. Cuối năm 1980 Hội
văn nghệ cử đi sưu tầm ca dao ngoại thành, thấy câu nào hay đã được nhà văn Vũ
Ngọc Phan in trong “Ca dao tục ngữ dân ca Việt Nam”, anh đành viết 1000 câu về
nộp, lại được nhà văn Tô Hoài khen trước Đại Hội Văn nghệ Hà Nội năm ấy, về
công đã sưu tầm. Bên cạnh niềm vui còn những nỗi buồn. Buồn có lí vì cơm áo vợ
con đã đành, lại còn những nỗi buồn vô lí như đời thủ trưởng nào cũng nghỉ chơi
xơi nước dăm tháng, có lúc một năm. Có lần đã có quyết định giảm biên chế mà
chẳng có lí do gì chính đáng. Việc chưa xong, ông thủ trưởng mới về lại ở lại
làm. Có lần trò chuyện, nhớ lại, anh bảo vui buồn đời nào chẳng có, tất cả qua
đi. Chỉ nỗi buồn trời đất bắt con người phải chịu mới thật buồn thôi. Đến khi
vợ anh qua đời (tháng 2 năm 1999), làm anh hoàn toàn gục ngã. Ngày hè đổ lửa,
mồ hôi đầm áo mà anh thấy rét, phải mặc bốn năm chiếc áo. Chiếc khăn len quấn
cổ không rời. Vất vưởng hàng tháng mới đi làm được. Hôm từ báo Người Hà Nội trở
về giữa trưa, đường không bóng người, không va vấp gì mà đổ xe, ngã gãy tay bó
bột, phải ngồi nhà ôm tay suốt hai tháng trời. Giữa lúc ấy quyển “Cảm nhận thi ca”
của tác giả Trần Văn Lý Nhà xuất bản Văn học in ra, xếp Chử Văn Long vào một
trong năm ngôi sao thơ ca thế kỷ XX, coi tập thơ “Ru những trăm năm” của anh là tập
thơ hay nhất từ năm 1975 đến 2000. Đánh giá anh là người đầu tiên bắc được
chiếc cầu giữa thơ phương Đông uyển chuyển sương khói và thơ phương Tây dồn
nén, ấn tượng… Thế là nhiều nhà thơ bùng lên
giận dữ chửi rủa tác giả thậm tệ đòi thu hồi sách không được, quay sang viết
bài in báo hài hước Chử Văn Long nhiều nơi. Ngồi nhà nghe chuyện thêm buồn. Mãi
khi tay lành, anh phải viết lá thư ngỏ in Phụ san Văn nghệ Quân đội với nội
dung: Vợ tôi vừa mất, tôi đã viết và in cả một tập thơ khóc vợ đặt trên bàn thờ
thắp hương nàng, tâm trạng buồn nản đến tận cùng: “Anh còn sống trên đời làm gì nhỉ / Không còn em tất cả đã là không”. Tôi
còn cần gì nữa danh vị ở đời. Các nhà thơ hãy nhìn trước, nhìn sau, bên phải,
bên trái làm gì có ghế nhà thơ lớn mà tôi ngồi mất… Chuyện mới yên.
Những ngày tiếp theo lòng dạ vẫn khôn
nguôi. Một hôm bất ngờ người đưa thư đem đến lá thư của người con gái không
quen mãi tận miền Trung. Trong thư chị tự giới thiệu mình là hội viên Hội văn
nghệ Hà Tĩnh. Sau khi đọc được tập thơ “Ru những trăm năm”của anh, cảm động
viết lá thư này muốn được anh giúp đỡ thêm kinh nghiệm, sách báo nghề Văn. Khi
biết tin vợ anh mất, chị viết tiếp lá thư chia buồn, động viên: “Ở thế giới bên kia nếu biết được anh buồn
đau gục ngã chắc chị ấy cũng không vui…”. Rồi bạn bè vun vén cho hai người
cô đơn nên tựa đỡ vào nhau mà sống. Mấy năm sau “Đám cưới thơ” được tổ chức. Đám cưới thật giản dị. Anh viết bài
thơ, tưởng tượng ngày cưới của mình không chỉ có hai người, mà còn có “Con tàu lăn bánh song song / Dòng xe nườm
nượp lượn vòng vào ra / Ruộng đồng trải thảm cài hoa / Núi cao khép cửa mây xa
buông rèm/ Anh làm đám cưới với em/ Đắm say mơ mộng thần tiên giữa đời…”.
Thấy chuyện cảm động mà vui, nhà thơ Bế Kiến Quốc, Tổng biên tập cho in nguyên
khuôn khổ tấm thiếp lên báo “Người Hà Nội” còn tặng 200 tờ báo để anh chị đi
biếu người thân bạn bè. Lần nữa thơ lại hồi sinh đời cầm bút Chử Văn Long. Hoàn
cảnh hai anh chị tuy đã hơn mười năm gắn bó vẫn phải hai nơi cách xa nhau hơn
300 cây số đi về. Nhớ nhung khắc khoải lại thành ngọn lửa sưởi ấm cho những
dòng thơ hai người viết cho nhau: “Anh
nhớ lắm ngôi nhà xinh nhỏ bé / Cánh cửa sổ khép hờ đón ánh trăng nghiêng / Em
như mạch giếng khơi ắp đầy thương nhớ / Cho anh xa thêm thấm ngọt ưu phiền”.
Nhìn lại đời thơ Chử Văn Long thấy như
anh sinh ra để hát về những buồn vui thắc thỏm đời thường, những nổi chìm phận
số, để vươn lên khát vọng làm người. Anh đã tạo ra được nét đẹp riêng về tài sử
dụng ngôn từ chính xác mà uyển chuyển… Câu chữ tưởng như chơi chơi mà để lại ấn
tượng khó mờ. Hiện đại nằm ngay trong nét dung dị ở cả nội dung lẫn hình thức.
Tình đời, tình người là lẽ sống cho thơ anh. Ở bất cứ thể thơ nào, lục bát, tứ
tuyệt, ngũ ngôn, hay tự do… khi đọc, ta bị cuốn hút bởi vần điệu trong hồn,
không còn để ý đến vần điệu thật câu thơ ấy nữa, bởi trong đó chứa đựng cái hơi
thở phập phồng cuộc sống quanh ta. Thấy được điều này mới cảm nhận được hết
chất thi sĩ trong thơ và cả những trang văn của anh chênh vênh giữa mộng và
đời.
*.
NGUYỄN THIẾT
Địa chỉ: 10 Nguyễn Khắc Nhu, phường Trúc Bạch
quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 097.607.64.17
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản
quyền.
- Nhà thơ Chử Văn Long gửi qua email haivc08@gmail.com ngày 28.12.2015
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét