NGUYỄN KHẮC KÍNH - NGƯỜI THẦY KHẢ KÍNH - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
NGUYỄN KHẮC KÍNH
- Người thầy khả kính
*

Thầy Nguyễn Khắc Kính quê ở huyện Siêu Loại vùng Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Hiện nay những tư liệu về ông thầy này không có nhiều vì vậy không thể xác định được phương pháp cũng như nội dung giảng dạy của ông. Chỉ biết rằng giai thoại về ông thì rất đặc biệt, người ta tóm tắt giai thoại đó thành câu: "Trò Trạng Nguyên, thầy Tiến sĩ". Người học trò của ông tên là Phạm Duy Quyết (còn gọi là Nguyễn Duy Trĩ). Nguyễn Duy Quyết tuy thông minh nhưng vì nhà nghèo nên không có điều kiện để học hành. Về sau mẹ ông quyết tâm lo lắng cho con nên đưa ông đến học thầy Nguyễn Khắc Kính. Hai thầy trò cùng học tập chuyên cần rồi cùng nhau ra thi và đều đậu cao. Câu chuyện về hai thầy trò cùng thi, nhường nhịn nhau để cuối cùng trò vượt lên thầy đã để lại một giai thoại đẹp. Qua giai thoại này, người ta lại khám phá được một phẩm chất tốt đẹp của thầy  Nguyễn Khắc Kính nói riêng và của thầy giáo nói chung.
* "Vượt thầy là trả ơn thầy"
Trên đường từ Chí Linh về kinh thành Thăng Long có một nhóm bộ hành gồm bố người. Họ gồm hai văn nhân một già một trẻ, một người tiểu đồng và một lão nông phu lo việc gánh gồng lều chõng. Hai người giúp việc có sức khoẻ hơn hai văn nhân nên thường đi nhanh hơn để lo nơi ăn chốn nghỉ. Còn hai văn nhân một già một trẻ kia là hai thầy trò đang trên đường về kinh ứng thí. Người thầy là Nguyễn Khắc Kính, người học trò tên là Phạm Duy Quyết. Phạm Duy Quyết vốn theo học thầy Kính từ thuở nhỏ. Thầy Kính là một thầy giáo có tiếng ở vùng Siêu Loại, học trò của thầy cũng đỗ đạt khá nhiều. Bản thân thầy Kính cũng nhiều lần đi thi nhưng vẫn chưa gặp vận nên phải lui về vừa dạy học vừa dùi mài kinh sử. Bà mẹ của Phạm Duy Quyết nghe tiếng thầy nên đã đưa con đến thụ giáo. Thầy Kính thấy cậu bé thông minh đĩnh ngộ nên vui vẻ nhận lời kèm cặp. Quả thực cậu bé học hành rất chăm chỉ, nhớ sách lại hay tìm tòi nên thường đặt cho thầy những câu hỏi hóc búa. Thầy cũng nhờ đó để mà củng cố thêm kiến thức cho mình. Trước những câu hỏi khó, thầy Kính buộc phải tra thêm sách vở suy luận thêm trong cuộc sống thì mới trả lời được. Vả lại trò cũng có chỗ độc đáo riêng khiến cho thầy phải để tâm học hỏi. Vì vậy tiếng là thầy trò nhưng thực chất là cả hai người học hỏi lẫn nhau, cùng giúp nhau tiến bộ. Qua nhiều kỳ thi ở cấp thấp, hai thầy trò đều đậu. Đến năm đó hai thầy trò lại cùng trẩy kinh để dự khoa thi cao hơn.
Hai thầy trò vừa đi đường vừa chuyện vãn đồng thời cùng nhau ôn lại bài vở. Càng ngày Nguyễn Khắc Kính càng nhận ra tài năng đặc biệt của người học trò yêu. Ông tin tưởng rằng học trò mình sẽ đỗ trong kỳ thi tới mà lại đậu cao. Những suy nghĩ trong lòng đó bộc lộ ra nơi ánh mắt, thầy nhìn trò với một ánh mắt vừa tin tưởng, vừa thán phục. Là một cậu học trò thông minh, Phạm Duy Quyết dường như cũng cảm nhận được những tâm sự kín đáo của thầy, nên anh lựa dịp tâm sự với thầy.
- Thưa thầy, con nhận thấy tình hình sỹ tử năm nay không có gì đáng ngại lắm vì không nghe thấy có người nào lỗi lạc. Được thế thì thầy trò ta chắc cũng không đến nỗi trắng tay. Về phần con, con xin giảm bớt bút lực để nhường thầy lên trước. Ý thầy thế nào ạ?
Nguyễn Khắc Kính trầm ngâm nói:
- Anh nghĩ như thế cũng thật hậu tình. Thầy cảm ơn anh trước đã. Sự tiên đoán của Phạm Duy Quyết quả không sai. Kỳ thi Hội năm đó hai thầy trò đều đạt điểm cao nên được chọn vào thi Đình. Những người cũng đậu thấy tên hai thầy trò ở trên bảng bèn tiến đến làm quen và hỏi han bài vở. Họ hỏi han và khen ngợi văn chương chữ nghĩa của hai thầy trò. Nguyễn Khắc Kính nghe học trò đối thoại với bạn bè thì nhận ra rằng tài năng của học trò mình quả là xuất chúng. Ông trầm ngâm nghĩ ngợi rồi thẳng thắn nói với học trò:
- Thầy đọc bài của anh, lại xem anh giảng giải mới thấy rằng anh có trình độ hơn người, vượt cả thầy nhiều lắm. Đó là điều đáng mừng cho nước nhà. Lớp trẻ vượt qua lớp già thì tiền đồ của quốc gia mới có thể khởi sắc lên được. Vì vậy thầy nghĩ rằng ngày mai vào Đình thi anh cứ việc tung hoành cho hết bút lực, cho thoả chí bình sinh. Đừng nên vì nhường thầy mà tự hãm sức mình.
Phạm Duy Quyết cúi đầu thưa:
- Thưa thầy, con đã hứa là không dám vượt thầy thì con sẽ giữ lời hứa. Thầy đã dạy dỗ con, tài năng của con cũng nhờ thầy mà có. Vả lại con đứng sau thầy thì cũng chẳng có gì là đáng thẹn. Nếu được cùng thầy ghi tên trên bảng vàng con vẫn rất lấy làm vinh dự.
Thầy Nguyễn Khắc Kính hiền từ nhìn người học trò yêu rồi nói:
- Con nghĩ được như thế thật là đáng quý, thầy hiểu lòng con nhưng không thể như thế được. Thi cử là phải công bằng ai có tài thì đậu cao. Con hơn thầy là đúng và cũng vì vậy mà thầy cảm thấy mãn nguyện. Không nên đem chuyện nhường nhịn ra đây để tự dối mình và thành ra là dối vua, lừa thiên hạ. Con hãy nhớ lấy câu: "Vượt thầy cũng là sự trả ơn thầy".
Phạm Duy Quyết nghe thầy bộc bạch hết nỗi lòng, ông bèn quỳ xuống, nắm lấy tay thầy rồi xúc động nói:
- Con xin tuân theo ý thầy.
Kỳ thi năm đó, các thí sinh bước vào phòng thi trong một không khí trang nghiêm. Hai thầy trò Nguyễn Khắc Kính và Phạm Duy Quyết cùng phóng bút tung hoành cho hết bình sinh sở học. Khi bảng vàng được công bố, tên của cậu học trò Phạm Duy Quyết đứng đầu tiên với ngôi vị Trạng nguyên còn thầy Nguyễn Khắc Kính đỗ thấp hơn một bậc nhưng vẫn là Tiến sĩ. Như vậy cả hai thầy trò cùng đứng tên trong bảng vàng. Trò vượt lên thầy, đó thật sự là niềm vinh dự cho trò mà cũng là hạnh phúc của thầy.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.


.


  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 20.09.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét