THƯỜNG DÂN - BÀI THƠ HAY CỦA NGUYỄN LONG - Tác giả: Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
BÀI THƠ HAY
THƯỜNG DÂN
*
THƯỜNG DÂN

Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân 
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão dông
Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả khi không là gì
Thấp cao đâu có hề chi 
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vãn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn
Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dàng dụm thảo thơm ngọt lành
Hoà vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
 *
NGUYỄN LONG
(Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi)
LỜI BÌNH:
Bài thơ có 4 khổ, chia theo thể lục bát được 8 cặp. Chỉ với từng ấy câu chữ, nhưng Thường dân mang trong nó một dung lượng không nhỏ.
Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân…
Cặp lục bát số 1 này xuất hiện mới có tính chất xác định vị trí, đến cặp số 8 kết bài:
Hoà vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân
thì vị trí của lớp người thường dân đã trở nên một vị thế cao đẹp, đáng được mơ ước. Và điểm mở của tư tưởng thơ hé lộ ngay ở câu bát đầu bài, qua hai chữ “dư thừa”. Có một nguyên tắc căn bản trong đời sống, là tính nhị nguyên, đa thành phần. Khi đã xác định về cái gì đó là đẹp tất có cái đối chứng, so sánh với nó là cái xấu.vv…
Ở trường hợp thơ này, khi tác giả đã viết “chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân” hẳn có nghĩa lớp thường dân “chẳng dư thừa” ở đây đã được cân nhắc so sánh với một lớp người nào đó đang “bị dư thừa”. Guồng máy cán bộ công chức nhà nước nhiều phen phải “giảm biên” đã cho tác giả so sánh này chăng?
Thường dân - vốn là một tầng lớp được ví với cỏ: Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi, tưởng đã cơ man, thừa thãi mà tình cảm, tư tưởng thơ lại đưa ra nhận xét là “không -- thừa”, đây là một minh định, một phát giác mang tính nhân bản sâu sắc. Một khám phá mang thương hiệu Nguyễn Long! Và nữa, dùng cụm từ “không dư thừa” làm điểm quy chiếu, soi dọi tới câu thơ thứ 12 sẽ cho nhận diện rõ hơn bản chất một lớp người, loại người khác phẩm chất:
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.
Và đặc biệt ở câu thứ 3, với ba chữ “tác tao sau”:
Tác tao sau những vũ vần bão giông.
Sau bão giông là mưa đền cây. Luật tư nhiên, tình cảm thiên nhiên là thế, vậy mà với “quy luật” xã hội con người trong cảnh thơ này thì khác. Đã có một sai biệt lớn!
Thường dân - là một ấn pháp thể hiện sáng rõ một phương thức sống về lớp người quanh năm chân đất đầu trần băng qua thiên sai vạn biệt của thời thế, họ sẵn sàng bằng tất cả tinh thần, phẩm hạnh của mình cho cuộc hoá thân làm “cây mác cây chông”, làm “biển cả” để tạo lập cuộc đời.
Khi xã hội yên bình thì hơn ai hết, chính lớp người này lại trở về:
Hoà vào trời đất mà xanh,
bình dị với thiên nhiên hoa cỏ, lặng in với lẽ “không là gì”. Mang sức ôm trùm ấy, thi phẩm Thường dân hiện hữu như một khúc thương ca, bằng vẻ đẹp giai điệu ngôn từ vừa tượng hình rõ một tầm vóc, vừa mang vẻ bí nhiệm của tâm thức thiên nhiên cho phép cất lên tiếng gọi cuộc hoá thân nhập phận. “Huyền đồng vật ngã” - Đây chính là một giấc mơ lớn chảy từ thời Trang - Lão và nó vẫn tồn tại như một giá trị bản thể, nhân bản luôn có tác dụng giáo dưỡng con người mọi thời.
Bài Thường dân được cấu thành bởi 8 cặp lục bát, với 16 câu thơ. Trong 16 câu thơ đó, chỉ duy có 1 câu thể hiện hình ảnh về một loại người khác loại thường dân, đó là câu: “Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn”. Cách cấu tạo các câu, cặp thơ, lấy 15 câu thể hiện lớp người “thường dân” và tinh thần, tình cảm 15 câu thơ này tự tin, mạnh mẽ, tốt lành bao nhiêu thì 1 câu kia lại hiện ra vẻ mờ tối, hiểm trở bấy nhiêu. Thế 15 chọi 1. Nếu xem đây là một thủ pháp nghệ thuật, thì rõ ràng thủ pháp này được sử dụng đắc địa. Nó tỏ rõ được sức mạnh chân lý, và khẳng định về chân giá trị.
Trong cõi nhân gian bé tẹo mà vô cùng đông đúc ngày nay, có cảm giác chỉ thêm một hiện diện cũng dễ dẫn đến tràn đầy. Một giọt người nào đó được rót thêm vào có thể sẽ làm tràn ly nhân loại! Tuyệt đẹp thay cho lớp người thường dân, đông dù “chật” nhưng chẳng hề “thừa”. Thi phẩm Thường dân của Nhà thơ Nguyễn Long đã xác định sáng ngời chân giá trị đó.
*.
ĐỖ TRỌNG KHƠI
Địa chỉ: Nhà số 10, ngõ 329, đường Nguyễn Trãi,
phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình
Điện thoại: 0169.327.62.94

                     .



…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 21.07.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét