ĐỌC “BÀI THƠ CUỐI THU” CỦA QUANG TUYẾT - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment
(Mùa thu Hà Nội - Ảnh: Lâm Thanh)
ĐỌC “BÀI THƠ CUỐI THU”
CỦA QUANG TUYẾT
*
BÀI THƠ CUỐI THU

Em làm vội bài thơ tình
Khi vệt nắng cuối mùa rơi rớt
Ngọn gió đông vẫn còn ngơ ngác
Lay khẽ lòng em, và vỗ nhẹ lá vàng
Em viết dòng thơ tình theo tiếng chân hoang
Nghe như thoáng dư âm của ngày tháng cũ
Mái tóc đẫm vài sương khói nhỏ
Chạm vào tim nỗi nhớ đã già nua
Em ngọt ngào hay em ngây ngô?
Mê mãi ngắm mây - gọi gió
Nắng sắp tàn tuổi không chờ nữa
Lá sẽ vàng khô
Cành trơ trụi - mùa đông.
Em vội vã
Nhặt nhầm trăng vỡ
Ghép không lành nên thơ buốt lời yêu
Ta yêu nhau
Như trăng gió yêu nhau
Mùa qua hết còn nỗi đau tồn tại...
Em viết nốt
Những gì anh không nói
Về một bài thơ
Không đoạn kết như thơ
*.
(Chờ ngọn gió đông 2015)
QUANG TUYẾT
LỜI BÌNH:
(Tác giả Châu Thạch và phu nhân)
Trời đã vào đông được một tháng, nhưng không khí vẫn còn se lạnh. Ngồi trước máy vi tính, tôi đọc “Bài thơ cuối thu” của Quang Tuyết, lòng thấy miên man một nỗi buồn nhưng cũng vời vợi một niềm cảm khoái. Cảm khoái vì bài thơ hay và buồn đến nỗi rơm rớm nước mắt vì bài thơ có nỗi đau tồn tại không có đoạn kết bao giờ.
Với bốn câu thơ đầu Quang Tuyết như đã chất chứa trong đó nỗi đau tưởng nhẹ nhưng lại rất dày vò:
Em làm vội bài thơ tình
Khi vệt nắng cuối mùa rơi rớt
Ngọn gió đông vẫn còn ngơ ngác
Lay khẽ lòng em, và vỗ nhẹ lá vàng
Bốn câu thơ nầy tác giả nói về mùa thu đã qua và mùa đông sắp đến? Đúng thế, nhưng ý thơ còn tiềm ẩn về tuổi  đời sắp bước qua giai đoạn cuối. Bởi thế tác giả mới  “làm vội bài thơ tình” kẻo sợ ngày mai sẽ già đi thì không làm thơ tình được nữa. “Ngọn gió đông vẫn còn ngơ ngác / Lay nhẹ lòng em, và vỗ nhẹ lá vàng” là tâm trạng hụt hẫng của những con người mà đời sắp quá tuổi trung niên.
Quang Tuyết đã khéo léo lồng đời người trong bức tranh giao mùa của vạn vật làm cho cái thời tiết của vạn vật hàm chứa cảm xúc của đời người, khiến cho âm thơ nhẹ nhàng “lay khẻ lòng em” mà ý thơ như “vệt nắng cuối mùa rơi rớt” buồn da diết quá đi thôi.
Bài thơ như vòng xoáy ốc, cứ mỗi câu lại mang nỗi sầu cao lên vun vút:
Em viết dòng thơ tình theo tiếng chân hoang
Nghe như thoáng dư âm của ngày tháng cũ
Mái tóc đẫm vài sương khói nhỏ
Chạm vào tim nỗi nhớ đã già nua
Em viết dòng thơ tình theo tiếng chân hoang / Nghe như thoáng dư âm của ngày tháng cũ”: Tiếng chân ấy chắc nhẹ vô cùng. Dòng thơ như tiếng chân hoang lại “thoáng dư âm của ngày tháng cũ” thì nó chỉ vọng về từ một chốn xa xăm hay chỉ là tưởng tượng của người ngồi trong âm thầm lặng lẽ. Sầu ở thơ đong mỗi lúc một đầy.
Mái tóc đẫm vài sương khói nhỏ / Chạm vào tim nỗi nhớ đã già nua”: Tóc mới điểm sương thì chưa già mấy mà “nỗi nhớ đã già nua” là hai bức tranh phản diện có tác dụng lũy thừa cho nỗi nhớ trở thành quay quắt, vượt trên thời gian và đè nặng lên đời người.
Bốn câu thơ là bốn khối sầu, là bốn khối giá băng nhưng lạ thay nó chỉ là “dư âm”, nó chỉ là “sương khói” mới là điều kỳ diệu. Kỳ diệu vì nó lấy cái nhẹ nhàng mà chất cái nặng đau thương.
Bây giờ mới là lời thỏ thẻ:
Em ngọt ngào hay em ngây ngô?
Mê mãi ngắm mây - gọi gió
Nắng sắp tàn tuổi không chờ nữa
Lá sẽ vàng khô
Cành trơ trụi - mùa đông.
Nàng đang lo âu, lo âu cho tuổi gìà sắp đến như mùa đông có “nắng sắp tàn”, “lá sẽ vàng khô”, “cành trơ trụi”. Và rồi nàng tự hỏi: “Em ngọt ngào hay em ngây ngô? / Mê mãi ngắm mây - gọi gió”. Với Quang Tuyết tôi nghĩ, em vừa ngọt ngào vừa ngây ngô. Bởi vì em cứ mê mãi ngắm mây trời, gọi gió. Cho dầu mùa đông có đến trong đời thì bản tánh con người lãng mạn cũng cứ thế mà thôi. Bản tính nầy ta thấy rỏ ở những câu thơ sau:
Em vội vã
Nhặt nhầm trăng vỡ
Ghép không lành nên thơ buốt lời yêu
Ta yêu nhau
Như trăng gió yêu nhau
Mùa qua hết còn nỗi đau tồn tại...
Quang Tuyết không giống Lý bạch thì cũng giống Hàn Mạc Tử đây rồi. Trăng, trăng và trăng. Lý bạch nhảy xuống sông trăng, Hàn mạc Tử ngậm trăng trong miệng còn Quang Tuyết nhặt trăng đem ghép lại cho lành. Khó có ai tưởng tượng độc đáo về trăng như Quang Tuyết, dùng lời thơ để khóc khi trăng ghép lại không lành: “Ghép không lành nên thơ buốt lời yêu”. Biểu tượng tình yêu trong thơ Quang Tuyết là trăng và gió nhưng không phải trăng gió bốn mùa mà chỉ trăng gió mùa thu là mùa đẹp nhất. Tình yêu qua đi như mua thu đã hết và nỗi đau còn lại như mối tình “không đoạn kết như thơ”. Thật ra nhờ đoạn kết không như thơ mà nó đã thành thơ, mà còn là bài thơ hay nữa:
Em viết nốt
Những gì anh không nói
Về một bài thơ
Không đoạn kết như thơ
Quang Tuyết ao ước cuộc tình đẹp như một bài thơ trọn vẹn, nhưng một bài thơ trọn vẹn thì buồn lắm bạn ơi vì đoạn cuối không bao giờ có hậu. “Bài thơ cuối thu” viết nốt cho cuộc tình dang dở và nó đã làm cho cuộc tình dang dở thành thơ trọn vẹn. Trọn vẹn vì “Bài thơ cuối thu” làm rung động lòng người bởi bước thời gian của mùa hòa bước đi của đời , hòa cùng bước chân hoang của mối tình ly biệt, quyện nhau trong vệt nắng, trong lá vàng, trong mái tóc đẫm sương, trong ánh trăng tan vỡ. Tất cả cái ấy đã “Chạm vào tim nỗi nhớ đã già nua” của tác giả, của tôi và của bạn ./.
*.
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com

.



…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 04.12.2015 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét