C.I.A và SỰ CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA NƯỚC KHÁC - Tác giả: Giáp Kiều Hưng (Bắc Giang)

Leave a Comment
(Lính Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng trong cuộc chiến tranh Biên Giới 1979)
C.I.A và SỰ CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC
NỘI BỘ CỦA NƯỚC KHÁC

*
Sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, còn gọi là công tác mật là một trong những chức năng lén lút đáng tranh luận nhất của C.I.A. Đây là phương tiện không thay đổi để đạt được những mục đích hay thay đổi nhất. Hình thức thô bạo nhất, trực tiếp nhất của công tác mật được gọi là “hoạt động đặc biệt”.
Tất cả những hoạt động này, phần lớn mang tính chất bán quân sự hay hiếu chiến, ít khi nó mang tính chất tinh vi và tế nhị của công tác chính trị (sự thâm nhập hoặc vận động) hay của việc tuyên truyền và làm tin giả. Mặc dù đã được những tay nhà nghề của C.I.A phác định kế hoạch nhưng một phần lớn những hoạt động này đã do những nhân viên ký hợp đồng và lính đánh thuê của C.I.A (cả người Mỹ lẫn người nước ngoài) thực hiện. Đối với nội bộ Cục Mật vụ của C.I.A, những “hoạt động đặc biệt” luôn luôn được nhìn nhận với những cảm nhận không giống nhau. Phần lớn những tay nhà nghề, ngày càng coi thường những hoạt động này, mặc dù đôi lúc họ vẫn dùng chúng một cách tích cực. Nhưng, trong nội bộ C.I.A, nhiều người đã nhận thấy rằng những hình thức hoạt động mật, ít trực tiếp hơn, có những hạn chế của chúng, nhất là khi đúng lúc cần phải có một hoạt động. Quyết định để dập tắt một phong trào nào đó hay để lật đổ một Chính phủ không hoàn thiện. Khi gặp những trường hợp này, C.I.A thường điều động những “lực lượng vũ trang” của mình, tức là Phòng Hoạt động đặc biệt (Special Operation Division - SOD) để làm công việc đó.
Theo quan niệm của giới chính trị thì các hoạt động đặc biệt đều là bạo lực và tàn nhẫn, nhưng phần lớn những người làm công tác mật lại thích những thủ đoạn tế nhị hơn.
Mẫu hình một chuyên gia lý tưởng của C.I.A phải là một “nghệ sỹ xảo trá” dùng tài năng để tạo nên và thực hiện các ý đồ mà không cần đến bạo lực. Trong một công tác mật không phải bán quân sự như vậy, người chỉ đạo công tác có khuynh hướng giữ cho bàn tay mình không bị vấy máu và tội ác của mình thuộc loại tội ác của công chức: âm mưu, hối lộ, tham nhũng. Sự thất bại hoặc sự bại lộ của người đó thường chỉ bị trừng trị bằng sự trục xuất ra khỏi đất nước anh ta đang hoạt động.
Ngược lại, người chỉ đạo công tác bán quân sự là một tên cướp hoạt động bằng vũ lực, bằng khủng bố và bạo lực. Sự thất bại có thể có nghĩa là cái chết - nếu không phải là đối với bản thân người chỉ đạo công tác, thì cũng là đối với những tay sai mà anh ta đã tuyển mộ. Người của Phòng Hoạt động đặc biệt (SOD) tiến hành chiến tranh, mặc dù ở phạm vi nhỏ bé và bí mật, nhưng không áp dụng một chút luật lệ chiến tranh nào cả. Luật lệ của họ là một loại luật lệ riêng biệt. Trong C.I.A, những người làm công tác đặc biệt thường hay bị xem như là những “con vật” của C.I.A.
Trong những năm đầu hoạt động, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, C.I.A đã thuê nhiều chuyên gia bán quân sự (PM) - hầu hết những người này trước đó đều là quân nhân - để làm những sĩ quan chuyên nghiệp. Tuy vậy, cũng đã từ lâu, C.I.A hiểu rằng tài quân sự của họ không dễ gì chuyển sang loại công tác mật khác. Hơn nữa, C.I.A cũng hiểu rằng phần lớn các nhà chuyên môn bán quân sự đều gần như vô dụng trong công việc hành chính và ngoại giao mà họ thường hoạt động. Thỉnh thoảng, khi mà những công tác đặc biệt ở trong tình trạng không thuận lợi, C.I.A đã gặp khó khăn trong những công việc mà các chuyên gia bán quân sự có thể làm được. Bởi vậy, vào cuối những năm 1950, nhân lực bán quân sự dần dần giảm xuống đến một mức chỉ còn lại lực lượng nòng cốt (khoảng 200 người) để chỉ đạo cho các hoạt động có khả năng đặt kế hoạch và huấn luyện cho những công tác bán quân sự. Nếu những trường hợp cần đến nhiều người hơn, C.I.A sẽ thuê trên cơ sở hợp đồng ngắn hạn. Những lực lượng làm theo hợp đồng này là một mớ hỗn độn những người đã là quân nhân, những kẻ công khai là lính đánh thuê, những người từ các lực lượng vũ trang đến làm mướn cho C.I.A. Trong số này thì lực lượng đặc biệt của lục quân Mỹ và những đơn vị chống du kích của hải quân (SEALS) và không quân (SOFS) cung cấp nhiều người trong số những người tuyển mộ, vì những cựu chiến binh của hai ngành đó đã nắm được những kỹ năng bán quân sự hiện đại nhất. Đôi khi, chính những quân nhân này “từ chức” để hoạt động giúp cho những yêu cầu yểm hộ của C.I.A. Tuy nhiên, không phải họ làm một cách vô điều kiện mà họ phải được chắc chắn một điều là sau này sẽ trở lại bên quân đội - thời gian họ làm với C.I.A phải được tính cả vào việc đề bạt thăng cấp và việc về hưu.
Nhưng, C.I.A bao giờ cũng thận trọng nắm quyền kiểm tra trực tiếp việc làm kế hoạch, hậu cần và thông tin trong các công tác đặc biệt hay bán quân sự của mình. Những người làm theo hợp đồng thường chỉ thực hiện những công việc chẳng có gì là oai phong cả!
C.I.A thiết lập những cơ sở huấn luyện trong nước Mỹ và ở nước ngoài để chuẩn bị từ những người chỉ đạo công tác chuyên nghiệp của chính mình đến các nhân viên tạm thời làm theo hợp đồng để dùng vào việc bán quân sự.
Về những căn cứ đào tạo nhân lực của C.I.A để phục vụ cho hoạt động này có những địa điểm sau. Trại Pe-ri hay là “trang trại” ở đông nam Vơ-gi-ni-a dạy những môn cơ bản. Những thủ đoạn cao hơn, như phá hoại và dùng những vũ khí nặng, được dạy tại một căn cứ của C.I.A ở bang Ca-rô-lai-na Bắc. Việc dạy nhảy dù và cách hành quân bằng máy bay thì dạy ở cả hai trường đó và ở những sở chỉ huy của Hãng hàng không Liên núi (Intermountain Air) ở gần Tơc-xơn, bang Arirôna. Ngoài ra, C.I.A còn có một trường bí mật trong vùng kênh Panama là chỗ dạy chiến tranh rừng núi và huấn luyện cách tự cứu khi lâm nguy. Tại nơi này, những người được huấn luyện sẽ được chơi các trò chiến tranh bán quân sự, đem ra đối chọi với quân thiện chiến của các lực lượng đặc biệt của lục quân Mỹ.
Đối với những hoạt động bán quân sự quy mô lớn cũng cần đến những căn cứ huấn luyện đặc biệt cho lính đánh thuê. Chẳng hạn như vào năm 1954, để thực hiện cuộc xâm lăng Goa-tê-ma-la, C.I.A đã dựng những trường ở Nicaragoa và Hondura. Phục vụ cho cuộc tấn công Vịnh Con Lợn (Cu-ba) năm 1961, nhiều trường lại được xây dựng ở Ni-ca-ra-goa và lần đó cũng có cả ở Goa-tê-ma-la, nơi này đã sẵn sàng để cho C.I.A dùng như thành quả chiến công của cơ quan tại đó từ bảy năm trước. Để tiến hành nhiều cuộc phiêu lưu ở Đông Nam Á, Phòng Hoạt động đặc biệt (SOD) đã tạo nên "một gia đình xa nhà" trên đảo Xai-pan ở Thái Bình Dương dưới hình thức là một căn cứ hải quân Mỹ. Thực ra, Xai-pan không phải là thuộc địa của Mỹ mà chỉ là lãnh thổ uỷ trị của Liên Hiệp Quốc trao cho Mỹ chăm nom. Bởi vậy, trong nội bộ C.I.A có người lo rằng việc thiết lập và hoạt động của một căn cứ quân sự bí mật tại nơi đây sẽ gây nên những vấn đề khó khăn trong Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, đạo quân của C.I.A trên đảo vốn là bậc thầy về nghệ thuật lén lút và dối trá nên chỉ đơn giản "làm vệ sinh" căn cứ đó khi các đại diện của Liên Hiệp Quốc tới thăm đảo trong những lần đi thanh tra. Theo lời người dân trên đảo, những học viên và những huấn luyện viên đều biến hết, dây thép gai và các biển "những người không có nhiệm vụ cấm vào" cũng đều bị dọn sạch. Trong một hai ngày gì đó, người ta làm cho trại có vẻ thật giống như bất kỳ khu lộn xộn nào khác gồm nhà tôn tháo lắp được trong các trại lính, đó là điều mà các viên thanh tra không biết đến. Nhưng ngay sau khi họ đi thì tất cả lại trở lại tình trạng bình thường và việc huấn luyện những công tác đặc biệt của C.I.A lại tiếp tục.
Tạp chí Dinh Luỹ đã đăng một bài tường thuật của một sĩ quan cũ của Cục Mật vụ thuộc C.I.A, mô tả về những điều mà ông đã kinh qua khi là người được huấn luyện làm những công tác đặc biệt này. Bài viết có đoạn:
"Mục đích công khai của trường bán quân sự là huấn luyện và trang bị cho chúng tôi thành những huấn luyện viên để dạy những người nông dân trong các làng xóm muốn tự vệ chống quân du kích. Tôi có thể tin ở những lời đó" (...).
"Một số bài mục huấn luyện cũng thông thường thôi. Nhưng rồi chúng tôi được chuyển lên sở chỉ huy huấn luyện phá hoại của C.I.A. Chính tại nơi này trước kia người Cu-ba đã từng được huấn luyện về phá hoại thông thường và dưới nước. Và cũng chính tại nơi đây chúng tôi được huấn luyện phá hoại về chiến thuật hầu như không tuân theo công ước Giơ-ne-vơ" (...)
"Toàn bộ vũ khí bị cấm mà chúng tôi được làm quen bao gồm đạn "đum-đum", súng giảm thanh, thuốc nổ trong nước và thuốc nổ đặc dính để phá xe tăng hoặc khủng bố quần chúng. Chúng tôi được học kỹ thuật phá hoại, thực tập vào những chiếc xe cũ, toa xe lửa và bể chứa xăng. Chúng tôi đã được xem một phương pháp nhanh chóng làm ô nhiễm không khí của một khu vực bằng cách làm nổ tung một kho bột hoặc một kho phân hoá học" (...)
"Và còn một phát minh hiểm độc mà ta có thể gọi là đại bác cỡ nhỏ. Nó được làm bằng một miếng thép lòng chảo lắp vào đầu một cái can nhét đầy chất nổ dẻo. Khi ngòi nổ, sức nóng kinh khủng do ma sát của thép quay lộn ngược lại làm cho miếng thép trở thành một viên đạn nóng cực độ (...).
- Tác giả Giáp Kiều Hưng -
Có thể nói, sự tin tưởng vững chắc vào những phương pháp bán quân sự trong công tác đặc biệt của C.I.A là một kết quả tự nhiên trực tiếp của những hoạt động du kích bí mật do Cục Công tác O.S.S thực hiện trong thế chiến thứ hai. O.S.S cũng như tổ chức tương ứng của nó là Cục hoạt động đặc biệt (S.O.E) của người Anh, được sử dụng rộng rãi trong những phong trào kháng chiến bí mật của người bản xứ ở những nước bị quân Đức và Nhật chiếm đóng, để phá hoại những hoạt động của quân xâm lược và kích động tình trạng không yên ổn trong nước họ. O.S.S đóng vai trò cố vấn trong việc điều khiển những hoạt động như vậy, đồng thời làm đường dây liên lạc và tiếp nhận viện trợ của các cường quốc đồng minh. Cơ sở thành công trong nghiên cứu hoạt động của O.S.S là các nước mà nó làm những công tác mật đều nằm dưới sự kiểm soát quân sự của quân đội nước ngoài mà các lực lượng kháng chiến bản xứ khinh rẻ. Dẫu có như vậy thì các phong trào kháng chiến trong hầu hết các nước bị chiếm đóng chỉ dành được sự thành công hạn chế cho đến khi lực lượng chính quy của đồng minh đã đành được những chiến thắng đủ để buộc các nước phe phát sít vào thế chiến lược cơ bản là phòng ngự để cố thủ đất nước chúng.
Thời gian sau chiến tranh thế giới thứ hai, phản ứng đầu tiên của C.I.A là dùng chiến thuật thời chiến của O.S.S trong các công tác mới nhằm tổ chức và cổ vũ những phong trào kháng chiến bán quân sự tại các khu vực rừng núi như : An-ba-ni, U-crai-na và những nơi khác ở Đông Âu. Hầu hết những hoạt động đó đều hoàn toàn thất bại (những thất bại tương tự đã xảy ra trong kế hoạch bán quân sự của C.I.A chống lại Trung Quốc và Bắc Triều Tiên). Bởi lẽ, các Chính phủ Đông Âu với một chế độ an ninh nội bộ khắt khe, có thể dễ dàng ngăn cản những cố gắng bán quân sự của C.I.A nhằm chống lại họ.
Đầu những năm 1950, những hoạt động bán quân sự của C.I.A ở các khu vực cộng sản có khá hơn đôi chút. Tuy nhiên, không giống O.S.S đã giúp đỡ các nhóm dân quân chiến đấu chống lại những Chính phủ tay sai của phát xít, C.I.A thường ở thế phải giúp đỡ những chế độ cánh hữu chống lại các phong trào du kích cánh tả đang đe doạ, do không tin và sợ hãi mù quáng trước chủ nghĩa Cộng sản. Vì muốn theo đuổi "sự ổn định" và "sự thay đổi có trật tự" ở khu vực này, C.I.A ngày càng chuyển về hướng bảo vệ quyền lợi cho những thế lực của số ít người. Do đó trong con mắt của nhiều người, nó đã trở thành một tượng trưng của sự trấn áp hơn là nền tự do. Tất nhiên, đôi khi C.I.A cũng rất thành công trong hoạt động bán quân sự của mình nhưng nó cũng phải trả giá đắt vì sau những hành động ấy thì C.I.A và Chính phủ Mỹ thường bị nhân dân những nước "nạn nhân" căm ghét và thù hận.
Khi C.I.A mới ra đời và đặc biệt là sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, C.I.A đã tuyển mô và huấn luyện rất nhiều sĩ quan cho công tác đặc biệt. Lẽ dĩ nhiên nhiều người được sang phục vụ ở Triều Tiên với những lý do và kế hoạch đặc biệt. Với số nhân lực mới được bổ sung, Phòng Hoạt động đặc biệt có thể tập trung lực lượng tới các nước khác ở Châu Á. Họ đã gắng phát triển những phong trào kháng chiến ở Trung Quốc nhưng hầu như không làm được việc gì hơn là để cho một số sĩ quan và nhiều tay sai người Đài Loan bị giết chết khi C.I.A tung chúng vào lục địa Trung Quốc. Lục địa này cũng như Đông Âu không phải là nơi béo bở cho C.I.A hoạt động.
Bên cạnh những thất bại thì C.I.A cũng thành công ở một vài nơi khác. Chẳng hạn, quân Tưởng Giới Thạch ở Miến Điện được C.I.A hỗ trợ (khi không làm cái trò tiêu khiển chính của họ là buôn thuốc phiện lậu), thỉnh thoảng đã mò vào hậu phương của Trung Cộng. Ở Nam Việt Nam trước những năm 70 C.I.A gánh một phần lớn trong việc củng cố quyền lực cho chế độ Ngô Đình Diệm - và chuyện này được C.I.A coi như một thành tích lớn.
Nói về những thất bại đau đớn nhất của C.I.A trong hoạt động đặc biệt phải kể đến sự thất bại trong âm mưu lật đổ Tổng thống Xu-cac-nô ở Inđônêxia năm 1958. Khi mà cuộc nổi loạn do C.I.A yểm trợ này đang diễn ra thì Chính phủ Mỹ lại cải chính dứt khoát là không giúp đỡ tí gì cho lực lượng chống Xu-các-nô (Inđônêxia). Các quan chức trong Chính phủ Mỹ, từ Tổng thống Ai-xen-hao cho đến ngoại trưởng Giôn Phô-xtơ Đa-lét đều khăng khăng một điều rằng: Chúng tôi không hề can thiệp vào công việc nội bộ của nước này". Dĩ nhiên, những lời tuyên bố đó là sai, Chính phủ Inđônêxia chẳng tin những lời cải chính ấy và đã tố cáo Mỹ can thiệp vào nước mình. Tuy vậy, tờ thời báo Niu Yóoc thích tin ở luận điệu của Chính phủ Mỹ và đã phẫn nộ trách người Inđônêxia đã loan truyền những tin sai nói Chính phủ Mỹ giúp đỡ bọn phiến loạn. Tờ báo này bình luận rằng, Ngoại trưởng và "bản thân Tổng thống" đã cải chính không có sự dính líu của người Mỹ và "Mỹ không sẵn sàng can thiệp lật đổ một Chính phủ được dân bầu ra". Dù có nguỵ biện thế nào đi chăng nữa thì cái mẫu dối trá để che lấp thất bại đã được đặt ra và người ta đã thấy nó được sử dụng sau này trong vụ U-2 và trong vụ Vịnh Con Lợn.
Vào năm 1959, những hoạt động đặc biệt lại được C.I.A có dịp sử dụng khi mà người Tây Tạng nổi lên chống lại Cộng sản Trung Quốc. Lần ấy, Bắc Kinh quyết định thay Đạt-lai Lạt-ma, người cai trị thế tục và tôn giáo theo truyền thống, bằng Ban-thiền Lạt-ma, một thủ lĩnh tôn giáo ngoan ngoãn hơn, đã gây nên một cuộc nổi dậy chết yểu. Sau khi thất bại, Đạt-lai Lạt-ma cùng hàng nghìn tín đồ và binh lính chạy trốn sang Ấn Độ và được phép cư trú ở đây. Một thời gian sau, ông ta được mang sang Mỹ và ra trước Liên Hiệp Quốc để tố cáo Bắc Kinh và cải chính cho mình. Thế là C.I.A bắt đầu nhảy vào cuộc. Các sĩ quan công tác đặc biệt bắt đầu bí mật huấn luyện và trang bị cho binh lính Kham-ba hung hãn sửa soạn đột kích chớp nhoáng vào Tây Tạng. Một số người Tây Tạng được bí mật đưa sang Mỹ theo học các môn công tác bán quân sự đặc biệt ở trại Hê-lơ bang Cô-lô-ra-đô.
Các sĩ quan C.I.A rất tích cực trong việc hướng cho người Tây Tạng tin rằng họ đang được chuẩn bị sẵn sàng chiếm lại tổ quốc họ, nhưng ngay trong C.I.A cũng ít người thực sự hy vọng điều đó có thể xảy ra được. Tuy nhiên, đối với một số người chỉ đạo công tác mật làm việc trực tiếp với người Tây Tạng, lâu ngày đã tin theo lời tuyên truyền ấy của chính họ. Nhiều năm sau, họ thực sự xấu hổ, thất vọng và cả tức giận khi nghĩ lại tình cảnh họ và những người Tây Tạng của họ đã bị bọn quan liêu ở Oa-sinh-tơn làm bại hoại thanh danh như thế nào. Thậm chí, một số người trong bọn họ quay ra tìm nguồn an ủi ở những bài kinh Tây Tạng mà họ đã học được trong những năm ở với Đạt-lai Lạt-ma.
Ngay từ đầu chiến dịch Tây Tạng, lính của Đạt-lai Lạt-ma chỉ có một tác dụng duy nhất là để quấy rối, đánh phá đường giao thông vùng núi Trung Quốc và nhắc nhở Bắc Kinh rằng họ có thể bị tấn công.
Tuy nhiên, ước mơ chiếm lại đất đai và tái lập Đạt-lai Lạt-ma làm người lãnh đạo chính trị Tây Tạng là không thể thực hiện được.
Chính C.I.A đã lên kế hoạch cho những cuộc đột kích của lính Đạt-lai Lạt-ma vào Tây Tạng. Trong những trận đánh này đôi khi cũng có bọn lính đánh thuê làm theo hợp đồng của C.I.A lãnh đạo, đã được máy bay"tư" của tổ hợp vận chuyển hàng không dân dụng (CAT) hỗ trợ và yểm hộ. Có một trận phục kích thắng lợi bất ngờ. Quân Tây Tạng phục kích một đoàn quân hộ tống trên một con đường núi hẻo lánh. Lúc đang chuẩn bị đốt các xe của Trung Quốc thì họ phát hiện ra là một trong những chiếc xe đó chở thư. Qua khám xét nhanh chóng, họ thấy ngoài mớ thư từ thông thường hỗn độn ra, còn có những tài liệu công văn của Chính phủ và quân đội phát đi từ Trung Quốc. Khi những túi thư này được đưa về Ấn Độ, C.I.A lập tức tiếp nhận và khai thác. Thời gian sau đó, nội dung những tài liệu này đã được những tay chuyên môn về Trung Quốc của Tổng hành dinh C.I.A ở Leng-li thuộc bang Vơ-gi-ni-a phân tích một cách chi tiết. Qua đây, người ta đã tìm thấy vô số tin nói rất rõ tình trạng người Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng. Rõ ràng là người Trung Quốc đã kiểm soát được toàn bộ tình hình và quyết tâm đặt sự cai trị của Cộng sản lên chế độ phong kiến cái quốc gia miền núi này. Điều thú vị hơn nữa đối với những nhà nghiên cứu về Trung Quốc trong cơ quan C.I.A là tin tuy không quan trọng nhưng cho biết chính xác rằng "phong trào đại nhảy vọt" của Mao Trạch Đông trên nhiều mặt quan trọng đã không đạt được mục đích là đưa Trung Quốc ra khỏi vực thẳm của sự chậm phát triển. Nhìn về quá khứ dù có vẻ không thể tin được đến đâu đi chăng nữa, thì một số nhà nghiên cứu kinh tế của C.I.A (và nhiều nhân vật khác của Oa-sinh-tơn) vào khoảng đầu những năm 1960 vẫn chấp nhận nhiều phần tin tuyên truyền của Bắc Kinh về thành công của cuộc thí nghiệm kinh tế của Mao. Có trong tay những tài liệu về Trung Quốc nêu trên là một việc có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết cuộc tranh luận đặc biệt này trong phạm vi các cơ quan tình báo Mỹ.
Hoạt động của C.I.A ở Tây Tạng sau đó không thu được thắng lợi nào hơn, rồi dần đi tới chỗ tuyệt vong. Vài năm sau, vào cuối năm 1964, Trung Quốc truất Ban-thiền Lạt-ma ra khỏi chính quyền, gây nên một vụ nổi loạn nhỏ nữa. Tuy nhiên, binh lính của Đạt-lai Lạt-ma được C.I.A huấn luyện, lúc này đã lưu vong ở Ấn Độ trên 5 năm cũng bất lực. Với thất bại của C.I.A ở Vịnh Con Lợn hãy còn mới mẻ trong đầu, Oa-sinh-tơn không còn bụng dạ nào để quan tâm đến việc ủng hộ ước mơ của kỵ binh Kham-ba. Cuối cùng thì hoạt động ở Tây Tạng dần dần thui chột đi. Khoảng cuối những năm 1960, những người chỉ đạo hoạt động mật của C.I.A chỉ chú ý tìm cách nào khéo léo để chấm dứt sự dính líu của họ với Đạt-lai Lạt-ma cùng đạo quân bệ rạc của ông ta.
Quên đi những hoạt động ở Tây Tạng, C.I.A lập tức nhúng tay vào Công-gô. Hầu như ngay từ lúc mới độc lập Công-gô đã bị một cuộc xung đột hỗn loạn bám chặt lấy khiến nó trở thành một mảnh đất vô cùng màu mỡ để C.I.A và các tổ chức tình báo khác thực hiện những kế hoạch hoạt động đặc biệt của họ. Ý định của Chính phủ Mỹ là khuyến khích một chế độ kiên định thân phương Tây bảo vệ vốn đầu tư của nước ngoài và C.I.A đã được trao nhiều phần trách nhiệm thực hiện chính sách này. Lúc đầu, trong các hoạt động mật của mình, C.I.A cũng chỉ giới hạn trong việc dùng mánh lới để vận động chính trị và trả tiền mặt cho những nhà chính trị đã chọn lọc. Nhưng, vì sân khấu chính trị Công-gô ngày càng rệu rã nên C.I.A bèn phái những chuyên viên bán quân sự và bọn lính đánh thuê của mình tới để ủng hộ Chính phủ mới. Vào năm 1964, C.I.A đã dùng máy bay ném bom đều đặn xuống những khu vực nổi loạn.
Chính phủ trung ương Công-gô dựa phần lớn vào sự giúp đỡ quan trọng của C.I.A và các cơ quan tình báo khác của Chính phủ Mỹ, cuối cùng đã ổn định ở mức độ nào đó tình hình khắp đất nước.
Người ta nói, con mắt của C.I.A quả là rất tinh và rất rộng thật không sai là bao nhiêu. Ngay khi kế hoạch Tây Tạng và Công-gô đang được thực hiện tích cực nhất thì C.I.A và Phòng Hoạt Động đặc biệt của nó lại ngày càng bận bịu về Đông Nam Á. Ở Lào những người chỉ đạo công tác đặc biệt lập ra một đội quân riêng (đội quân bí mật) trên ba vạn người và xây dựng một "xeng" căn cứ trên khắp đất nước này. Trong số đó, một vài căn cứ được dùng làm điểm xuất phát tấn công để tung những đơn vị biệt kích vào Bắc Việt Nam và Trung Quốc thời trước những năm 1970.
Với cách nhìn nhận trong phạm vi C.I.A, cuộc chiến tranh bí mật ở Lào có nhiều ưu đãi hơn cuộc chiến đấu quân sự to lớn phát triển ở Việt Nam sau này. Bởi lẽ đây là cuộc chiến tranh bí mật đối với công chúng Mỹ hoặc thế giới, vì thực tế nó đã diễn ra nhiều năm rồi thì Quốc hội Mỹ mới biết! Ở Lào, C.I.A kiểm soát được hoàn toàn, nhưng chẳng bao lâu đã phải cần tới trên bốn hoặc năm chục sĩ quan chỉ huy hoạt động để thực hiện việc chỉ đạo chương trình bán quân sự này. Để thực hiện cái công việc bẩn thỉu và nguy hiểm, C.I.A đã dùng trên hàng trăm nhân viên ký hợp đồng và trên ba vạn người Mèo dưới sự lãnh đạo của tướng Vàng Pao - người mà thỉnh thoảng lại được C.I.A tặng thưởng "huân chương gián điệp". Ngoài ra, lực lượng ở Lào của C.I.A còn được tăng cường thêm hàng nghìn "quân tình nguyện" Thái Lan do C.I.A trả tiền. Sự hỗ trợ về hàng không là một việc cực kỳ nguy hiểm ở Lào. Trọng trách nặng nề này được C.I.A giao cho Hãng hàng không Mỹ (Air America) - một Hãng hàng không do C.I.A làm chủ, nhưng đôi khi cũng có không quân Thái Lan cung cấp. Như vậy là các sĩ quan công tác đặc biệt của C.I.A vạch kế hoạch và điều khiển chiến tranh từ thủ đô Viên chăn của Lào hay từ những căn cứ an toàn khác ở Thượng Lào và họ hầu hết đều không phải chịu cái nguy hiểm của chiến tranh về mặt thể xác.
Trong khi ấy ở Việt Nam, C.I.A không hề lơi lỏng mà luôn bám sát sít sao và đầu tư rất tích cực. C.I.A trợ cấp và trả tiền cho một lực lượng xấp xỉ 45.000 dân vệ không chính quy (CIADGS) chiến đấu dưới sự chỉ huy tác chiến của lực lượng đặc biệt thuộc lục quân Mỹ. Những người chỉ huy Phòng Hoạt động đặc biệt (S.O.D) và những người ký hợp đồng với C.I.A quản lý những đội chống khủng bố những đội này dùng những phương pháp khủng bố như: bắt cóc, tra tấn và giết chóc để chống lại Việt cộng. Và tất nhiên, C.I.A cũng không thể bỏ qua việc tổ chức những trận biệt kích chống Bắc Việt Nam. Một trong những thủ đoạn được sử dụng nhiều nhất là trung những toán biệt kích ra Bắc Việt Nam bằng đường biển, trên những chiếc thuyền kiểu PT được thiết kế đặc biệt, có tốc độ cao và vũ trang nặng. Năm 1964, một vụ biệt kích như vậy của C.I.A đã được thực hiện ở một nơi trong Vịnh Bắc Bộ, nơi mà hai tấn khu trục Mỹ đã "bịa" ra là bị tàu Bắc Việt Nam tấn công. Người ta nghi ngờ rằng những vụ biệt kích ấy của C.I.A chỉ nhằm khiêu khích Bắc Việt Nam đánh trả những tàu khu trục ấy để rồi dẫn tới việc Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ năm 1965 và tạo cớ cho quân đội Mỹ can thiệp trên quy mô lớn ở Đông Dương.
Ở thời điểm những năm cuối 1960 thì những hoạt động đặc biệt của C.I.A ở Đông Nam Á rất lớn về quy mô và là một phần quan trọng của tất cả thủ thuật kích thích chiến tranh của Mỹ. "Tài liệu mật của Lầu Năm Góc" đã đăng lại những bài tường thuật chi tiết về những hoạt động này. Tất nhiên, người ta cũng thừa biết rằng, có một số hoạt động đặc biệt rất đáng lưu ý hơn thì lại không được nói tới.
Trong các kế hoạch của C.I.A ở Nam Việt Nam, nguồn nhân lực được đặc biệt ưu đãi là người Nùng. Dân tộc thiểu số này "khét tiếng" là chiến đấu rất hăng. Từ khi còn chiến tranh Pháp - Việt thì những người Nùng đã chiến đấu bên cạnh người Pháp, rồi sau năm 1954 một số lớn đã xuống miền Nam. Lính đánh thuê người Nùng thường được C.I.A dàn suốt dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Họ còn quan sát những hoạt động tiếp tế của người Bắc Việt cho Việt Cộng và đôi khi lại tấn công các đoàn xe hộ tống hoặc tiến hành phá kho dự trữ. Người Nùng hiếu chiến, dễ bảo nhưng dốt nát. Phần lớn người Nùng mù chữ nên họ rất khó khăn, khổ sở trong việc gửi báo cáo nhanh và chính xác những điều mà họ đã trông thấy . Do đó các kỹ thuật viên của C.I.A phát minh ra một loại máy đặc biệt để họ dùng. Đối với loại máy móc đặc biệt này, mỗi máy phát có một bộ nút tương ứng với những hình ảnh của một xe tăng, một xe tải, một cỗ pháo hay một thứ gì khác có liên quan đến quân sự. Khi người Nùng theo dõi trên đường mòn ấy thấy có một đoàn xe Việt Cộng, họ sẽ ấn cái nút có hình phù hợp và trông thấy bao nhiêu xe thì ấn chừng đó lần. Mỗi một động tác ấn nút là gửi về một sức đẩy đã được mật mã hoá cho một cơ quan chỉ huy và như thế là cơ quan này có thể nắm được báo cáo tại chỗ những hoạt động hậu cần trên đường mòn. Đối với những trường hợp đặc biệt, những ký hiệu ấy đã được máy bay quan sát ghi lại rồi chuyển tin ấy cho máy bay cường kích ném bom ngay lập tức trên đường mòn.
Mặc dù trình độ rất hạn chế nhưng các đơn vị Nùng thường đưa ra cho những sĩ quan điều khiển của C.I.A những yêu sách đặc biệt. Vì họ chiến đấu rất bản năng nên cư xử cũng rất bản năng. C.I.A lợi dụng vừa dễ lại vừa khó. Đối với mỗi tên lính người Nùng, C.I.A phải tốn gấp trăm lần so với tên lính người Mèo chiến đấu trong quân đội mật của C.I.A ở Lào. Với lính người Mèo ở chiến trường, C.I.A chỉ phải chi phí chưa đầy 10 xu cho mỗi người trong một ngày. Còn với những binh lính người Nùng, họ không muốn đi sâu vào những vùng hẻo lánh dưới sự chỉ huy của C.I.A trừ khi họ được cung cấp đều đặn bia và gái điếm. Để đáp ứng những yêu cầu này, C.I.A đã phải dùng máy bay để cung cấp bia và gái điếm, chỉ có một Hãng hàng không riêng của C.I.A - hãng Air America - làm cái việc vận chuyển những món hàng bất bình thường này nhưng chi phí thì vẫn còn rất cao. Lúc đầu, các sĩ quan hậu cần của C.I.A định thay bia bằng Uýt-ky để chuyển bằng máy bay cho nhẹ nhưng người Nùng kiên quyết không chịu. Họ nhất định chỉ đánh nhau để lấy bia mà thôi! Gái điếm cũng gây nên một vấn đề đặc biệt vì C.I.A không muốn lộ bí mật của các cuộc hành quân bởi việc cung cấp những gái điếm nói được tiếng Nùng hay tiếng Việt. Do đó, hãng Air America chỉ đưa tới gái điếm lấy từ những vùng xa xôi ở Đông Nam Á không cùng tiếng nói với người Nùng.
Ngoài việc sử dụng, đào tạo binh lính bản xứ, ở Nam Việt Nam, C.I.A cũng đã kịp làm được hai phát kiến kỹ thuật và đem ra sử dụng ngay đó là: chất độc hoá học và máy dò vũ khí. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng bất kỳ một tổn hại nào do chất độc hoá học cũng đều bị Việt Cộng và người Bắc Việt nhanh chóng phát hiện ra. Còn máy dò vũ khí là gì? Nó rắc một chất độc hoá học đặc biệt lên bàn tay một người bị nghi là Việt Cộng rồi sau mấy phút, rọi một tia cực tím lên bàn tay người đó. Nếu chất hoá học này ánh lên một cách nào đó thì theo lý thuyết có nghĩa là người bị tình nghi đã cầm một vật bằng kim khí trong khoảng 24 giờ trước. Tuy vậy, sự hạn chế của loại máy này là nó nhạy cảm với bất kỳ một dụng cụ nào bằng kim loại của người bị tình nghi đã cầm chứ không riêng gì súng. Mặc dù vậy C.I.A vẫn coi máy đó như là một thành công lớn và họ đã đưa vào một chương trình huấn luyện trong nước cho các lực lượng cảnh sát của nhiều thành phố ở Mỹ...
Từ 1954 - 1961 là thời kỳ mà C.I.A có nhiều "kỷ niệm" đáng nhớ nhất ở châu Mỹ La tinh. Năm 1954, một lực lượng nổi loạn do C.I.A tổ chức đã tiến hành xâm chiếm Goa-tê-ma-la thành công. Đây là một trong những chiến thắng bán quân sự lớn nhất của C.I.A, thế nhưng, bảy năm sau, cũng chính tại châu lục này, C.I.A lãnh chịu một vố thất bại đáng ghi nhớ nhất - cuộc xâm lược ở Vịnh Con Lợn. Sau này, đã nhiều lần Chính phủ Cu-ba đưa những tên nổi loạn do C.I.A đỡ đầu lên trước máy truyền hình để "trưng bày" chúng cùng các trang bị của chúng trước nhân dân Cu-ba và nhân dân thế giới. Thường là những tên này đều thú nhận đầy đủ vai trò của C.I.A trong những hoạt động của chúng. Tuy nhiên, C.I.A vẫn cố gắng tìm những cách mới và tốt hơn để tấn công Chính phủ Ca-xtrô. Theo hợp đồng ký với C.I.A, phòng thuyền chạy điện của hãng Động lực tổng hợp (General Dynamics) ở Grô-tơn, bang Con-nec-ti-cơt đã thiết kế một kiểu thuyền có tốc độ rất lớn để điều khiển dành cho quân biệt kích dùng. Người ta coi loại thuyền này chạy nhanh hơn bất kỳ loại tàu nào khác của hải quân Cu-ba, do đó nó có khả năng vận chuyển vũ khí và người vào Cu-ba theo ý muốn. Mặc dù tiếng tăm về loại thuyền này ầm ĩ lên như thế nhưng hãng này đã nhiều lần chậm trễ trong việc đưa vào sản xuất và đã không có lần trao đổi hàng nào cho tới tận năm 1967. Vào khoảng thời gian đó, Mỹ đã nhúng tay quá sâu vào Đông Nam Á, không thể nghĩ một cách nghiêm túc đến một cuộc xâm lược mới ở Cu-ba. Bởi vậy, C.I.A lặng lẽ bỏ rơi kế hoạch đóng thuyền và chuyển cái mẫu phát triển ấy cho hải quân Mỹ.
Đến cuối những năm 1960, hầu hết sĩ quan trong Cục Mật vụ đã chịu công nhận là những công tác đặc biệt chống Cu-ba đã dây dưa quá dài mà chẳng đem lại lợi ích gì.
Trong khi C.I.A dính líu nhiều đến Cu-ba thì cũng không vì thế mà phần còn lại của châu Mỹ La tinh bị sao nhãng đi. Mục đích của C.I.A đối với những nước này trong thời gian đó không phải là lật đổ những Chính phủ đặc biệt nào của Mỹ La tinh mà là bảo vệ họ khỏi những phong trào nổi loạn ở địa phương. Rất khôn ngoan, lúc này C.I.A hết sức tránh dính líu vào nhiều quá hay sâu quá mà họ thường dùng những số lượng tương đối nhỏ về tiền, vũ khí và cố vấn bí mật để thành lập những nhóm cảm tử. Sự chuyển hướng chiến lược này thể hiện những lý thuyết chống nổi loạn phổ biến dưới thời Chính phủ Ken-nơ-đi và Giôn-xơn, bên cạnh đó nó cũng là kết quả của việc sử dụng một phần đáng kể tiềm lực quân sự bí mật của Mỹ ở vùng Đông Nam Á.
Đối với tất cả những hoạt động chống nổi loạn của Chính phủ Mỹ ở Mỹ La tinh thì C.I.A đều đảm nhiệm vai trò phối hợp. Các cơ quan khác - đặc biệt là A.I.D với những công việc huấn luyện cảnh sát của nó, và Bộ Quốc phòng với những kế hoạch hành động cảnh sát và hỗ trợ của nó đã cung cấp cho C.I.A những khoản tiền phụ thêm và yểm hộ cho nó. Phần nhiều nhân lực của C.I.A đã thực hiện những công tác đặc biệt ở Mỹ La tinh đều do những lực lượng của lục quân Mỹ cung cấp. Người ta vẫn còn nhớ đến những quân đội nhỏ mũ nồi xanh chính thức đặt dưới quyền kiểm soát của C.I.A. Số quân này thường được lấy từ tiểu đoàn 3 của lực lượng đặc biệt thứ bảy, đóng tại pháo đài Gu-lích trong vùng kênh Pa-na-ma. Ngay cả lực lượng đặc biệt làm nhiệm vụ ngoài sự chỉ huy trực tiếp của C.I.A thì những người chỉ đạo hoạt động của C.I.A vẫn tiếp xúc chặt chẽ với sự việc đang diễn ra. Bắt đầu từ năm 1962, đã có trên 600 "đội quân huấn luyện cơ động" của lực lượng đặc biệt đã được phái từ pháo đài Gu-lích tới những nơi còn lại ở Mỹ La tinh, dưới sự kiểm soát của C.I.A hoặc dưới sự bảo trợ của Lầu Năm Góc.
Thực tế, quân đội mũ nồi xanh đã tham gia vào cái gọi là "vụ can thiệp đơn độc trên quy mô của C.I.A vào châu Mỹ La tinh sau kỷ nguyên Vịnh Con Lợn. Vào giữa những năm 1960, khi Chính phủ Pê-ru đang bị du kích quấy rối trong những vùng hẻo lánh ở phía đông thì C.I.A bắt đầu nhúng tay vào. Tất nhiên là phải có sự cầu cứu của Chính phủ Pê-ru và sự nhất trí hăm hở của Chính phủ Mỹ.
Trước hết, C.I.A bỏ tiền ra xây dựng một khu doanh trại mà theo một nhà quan sát có kinh nghiệm đã miêu tả là "một pháo đài Brac(*) cỡ nhỏ" trong vùng rừng rú của Pê-ru. Ở đây, có đầy đủ nhà ăn, lớp học, doanh trại, sở hành chính, chòi nhảy dù, căn cứ đổ bộ, xe lội nước và tất cả mọi trang bị khác của hoạt động bán quân sự. Một loại đồ viện trợ hết sức xa xỉ là máy bay lên thẳng được cung cấp dưới hình thức chương trình viện trợ quân sự chính thức và C.I.A đã đưa vũ khí cùng những thiết bị của Phòng Hoạt động đặc biệt của C.I.A và những huấn luyện viên mũ nồi xanh mượn của lục quân sang để thực hiện việc huấn luyện binh sỹ.
Tuy nhiên, khi những đội quân chống du kích được C.I.A tổ chức huấn luyện trở nên thành thạo thì lúc đó Chính phủ Pê-ru lại sinh ra lo lắng. Bởi lẽ, trước đây những nhà chỉ huy quân sự quốc gia rất ngần ngại cung cấp nhân lực cho lực lượng chống nổi loạn. Nhưng khi C.I.A vào, họ liên tục chiêu mộ nhân lực chiến đấu của mình trong đám dân địa phương sẵn có bằng cách trả lương cao hơn quân đội và huấn luyện tốt hơn. Thế là chẳng bao lâu, C.I.A đã sớm phát triển được một lực lượng chiến đấu hiệu lực. Trong một thời gian ngắn, phần lớn du kích địa phương đã bị quét sạch. Cũng chính vì phát hoảng lên với sự tinh nhuệ của đội quân C.I.A huấn luyện nên mấy tháng sau, khi Pê-ru kỷ niệm ngày quốc khánh của họ, nhà cầm quyền không cho phép các đội quân được C.I.A huấn luyện vào thủ đô để tham gia diễu binh hàng năm. Cực chẳng đã, họ đã phải dàn xếp để diễu binh qua đường phố của một tỉnh lỵ trong một cuộc lễ kỷ niệm phụ của ngày lễ lớn ấy. Sự lo lắng của Chính phủ Pê-ru không phải là không có căn cứ vì thực tế đã có nhiều bài học đau lòng là nhiều chế độ Mỹ La tinh đã bị quân đội thiện chiến lật đổ. Cuối cùng thì một thời gian ngắn sau khi nhà cầm quyền Pê-ru không muốn cho lực lượng của C.I.A vào thủ đô Li-ma, họ đã tiến tới giải tán quân đội đó.
*.
GIÁP KIỀU HƯNG









.





(*) Port Bargg là tên trường đào to gián đip bit kích M bang Ca-rô-lai-na Bc Hoa K.
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét