(Nguồn ảnh: Internet) |
NHỮNG QUY TẮC CƯ XỬ
ĐỂ DUY TRÌ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Hãy xử sự công bằng: coi hai bên gia đình nội ngoại như nhau cả về tình cảm,
vật chất và tinh thần. Nếu bên nào hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn thì nên giúp đỡ
nhiều hơn. Tuy nhiên, sự giúp đỡ này phải thật tâm và tế nhị để tránh làm gia đình
bên vợ, hoặc bên chồng buồn lòng, hay cảm thấy bị xúc phạm vì bị coi như gánh nặng
và nhận sự giúp đỡ như một kiểu bố thí. Muốn đạt được điều này, cần có sự thoả
thuận của cả hai vợ chồng.
Trong tình cảm, nên quý mến, xử sự với đôi bên như nhau để giữ công bằng và
hoà khí chung, tránh gây ra những sứt mẻ trầm trọng, hoặc những đổ vỡ không đáng
có.
Phương thức tốt nhất, hợp tình, hợp lý và hợp với đạo làm con và đạo vợ chồng
nhất là phải làm sao trong mọi việc đều là ý nguyện chung của cả hai vợ chồng.
Người xưa vẫn thường nói: "Của chồng công vợ", còn ca dao thì viết:
"Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn". Đã là vợ, là chồng,
tuy hai mà một, cùng một tâm hồn, một trách nhiệm, cùng chung một hướng đi
trong tương lai thì phải cùng cư xử công bằng với đôi bên nội, ngoại, cha mẹ,
anh em bằng cách cho thấy rõ mọi hoàn cảnh, mọi tâm sự của cha mẹ, anh chị em
bên này. Việc thông báo cho nhau những tin tức này phải do chính hai vợ chồng
cùng làm. Từ đó, cùng đi đến quyết định cuối cùng và cùng chịu trách nhiệm
chung. Có như vậy, những chuyện chạm tự ái, xung khắc hay bất hoà, giận dỗi sẽ
rất ít xảy ra.
Phải cùng nhau ý thức được về bổn phận và trách nhiệm chung đối với cha mẹ,
anh chị em của nhau. Hãy luôn coi cha mẹ, anh chị em của vợ (chồng) là cha mẹ,
anh chị em ruột của mình. Do đó, vợ chồng phải cùng nhau bàn định, giải thích,
thoả thuận, sắp xếp với nhau như thế nào để có thể giữ vững chữ hiếu, trọn đạo
làm con, làm anh em của đôi bên gia đình,
đồng thời không gây phiền hà, trở ngại cho nhau, cũng không gây tổn thất nặng nề
cho gia đình riêng của mình.
Tốt nhất và thiết thực nhất là vợ chồng cùng vạch ra kế hoạch thực
hiện sự
liên hệ với gia đình hai bên. Ví dụ như cần có một khoản ngân sách riêng để chi
cho việc tổ chức đám giỗ tổ tiên, ông bà nội ngoại hai bên, lễ tết hàng năm, thăm
nom hoặc có thể giúp đỡ cho những anh chị em nào còn khó khăn, mỗi khoản chừng
bao nhiêu, vào dịp nào... sao cho không gây ảnh hưởng lớn đến bản thân gia đình
mình, cho sinh hoạt của vợ, chồng con cái.
(Tác giả Nguyễn Toàn Thắng) |
Vợ chồng hãy trở thành chiếc cầu nối để tạo tình thương, tạo uy tín cho
nhau ở gia đình bên cha mẹ, anh chị em của mình, cũng là để giữ được hoà khí
yêu thương, mến nể của mọi người. Không nên và cần tránh gây hiểu lầm, xích
mích, bất hoà, ác cảm giữa vợ chồng hay chồng mình với bố mẹ, anh chị em bên
mình rồi những người thân khác. Không nên phân biệt việc bên nào bên ấy lo, mặc
kệ vợ hay chồng phải đối phó với gia đình bên đó, nhiều khi là thất bại, mất uy
tín mà "Xấu chàng hổ ai ". Nếu đã ảnh hưởng đến vợ thì chắc phải ảnh
hưởng đến chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng của cả hai người.
Mọi việc phải công tư, phân minh, rạch ròi, không nên tự mình lén lút quyết
định, nhất là sự giúp đỡ riêng hoặc bòn rút của vợ hay chồng đem về cho gia đình
bên mình. Vì những việc làm này nếu vỡ lở ra bạn sẽ càng khó xử, sẽ bị xem thường,
có khi dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc của gia đình. Mà thường thì trước saungười bạn đời
của bạn sẽ biết những việc làm đó của bạn. Cho nên, bạn đừng tự mình gây đau khổ
cho mình. Tuy nhiên, khi có những lời gièm pha, lời ong tiếng ve không hay do ý
xấu của bố mẹ, anh chị em bên mình đối với chồng (vợ) mình rồi, rồi sinh ra
nghi kỵ tin một cách mù quáng là hoàn toàn không đúng. Những lúc đó chỉ có bạn
với sự sáng suốt và bản lĩnh của mình mới đảm đương được vai trò giải hoà, kết
nốimọi người lại, tạo dựng lại sự thân tình, hạnh phúc cho mọi người.
Vợ chồng cùng giúp nhau giải quyết những khó khăn về tiền bạc, tình cảm, uy
tín cho cả hai. Có như vậy, tình yêu, niềm tin và sự gắn bó giữa vợ chồng sẽ
ngày càng được thắt chặt hơn. Đôi khi vợ chồng còn phải tế nhị, tạo uy tín cho
nhau bằng cách sau khi kết hôn, nếu cần giúp đỡ nhà chồng thì nên để cho vợ ra
mặt làm, giải quyết như biếu quà, thăm hỏi, an ủi, động viên. Ngược lại, khi về
bên vợ thì chồng thay mặt giải quyết. Như thế sẽ tạo được sự mến nể của bố mẹ,
anh chị em của mình với chồng hoặc vợ của cả hai bên.
Tóm lại, để hạnh phúc gia đình được duy trì bền vững và niềm hạnh phúc yêu
thương ấy được san sẻ cùng mọi người thân trong gia đình thì vợ chồng cần hoà thuận với nhau trong cuộc sống, trong cách ứng
xử hợp tình, hợp lí, hợp đạo đức với đôi bên gia đình. Con cái sau này cũng coi
bố mẹ như tấm gương sáng để học tập.
Nếu ngay từ ngày đầu mới về chung sống, giữa đôi vợ chồng trẻ đã có sự thuận
thảo rồi thì thật đáng quí. Tuy nhiên, điều này không có nhiều trong cuộc sống.
Bởi thế, nếu gặp trường hợp người bạn đời khó tính, chưa ý thức được vấn đề thì
người kia phải có trách nhiệm trao đổi, uốn nắn, dẫn giải để tạo ra sự đoàn kết,
hoà thuận, yêu thương.
Hãy dùng tình yêu thương vợ chồng để tác động, để khuất phục được người bạn
đời của mình, để làm vui lòng nhau, đem đến cho nhau sự tốt lành, hạnh phúc.
Bạn sẽ không thể có được hạnh phúc riêng khi giữa bản thân mình có nhiều vướng
mắc, buồn phiền, lo âu, suy nghĩ với những người khác trong gia đình của vợ hoặc
chồng. Cũng chẳng có người vợ, người chồng nào còn an tâm hưởng hạnh phúc riêng
khi giữa gia đình bên cha mẹ, anh chị em mình còn nhiều xung khắc, bất hoà với
vợ hoặc chồng mình. Những điều đó sẽ tạo ra mối lo âu, bận tâm khiến cho hạnh
phúc của gia đình bị ảnh hưởng. Do vậy, mọi người cần phải có ý thức sống đúng bổn phận và sống cho phù hợp với đạo lý làm người để tạo ra hạnh phúc không chỉ
cho riêng mình mà còn cho cả những người thân xung quanh.
*
NGUYỄN TOÀN THẮNG
Địa chỉ: thôn Tống Vũ, xã Vũ Chính,
thành phố Thái Bình
Email: nguyentoanthang77@gmail.com
...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 11.05.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại..
0 comments:
Đăng nhận xét