(Nguồn ảnh: Internet) |
SẾP TÀI TÌNH TRONG VIỆC
GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN NỘI BỘ!
Công ty của Vi đa phần là nữ nên trong nội bộ các phòng ban, tổ nhóm rất
hay xảy ra những mâu thuẫn, tị hiềm và xung đột nhỏ giữa các chị, các cô. Chuyện
chẳng đâu vào đâu nhưng khiến cho không khí làm việc, tình cảm đồng nghiệp… ít
nhiều nặng nề. Chẳng nói đâu xa, ngay trong tổ dập khuy của Vi thôi mà một ngày
cũng có biết bao nhiêu là chuyện xảy ra. Tổ có 11 chị em tất cả, dưới sự quản
lý của ‘Sếp bà” - mọi người đều vẫn hay gọi đùa chị tổ trưởng như vậy, công việc
đều trôi chảy và dường như chưa bao giờ có xung đột nào xảy ra. Các tổ khác rất
ngạc nhiên và lúc nào cũng tấm tắc khen tình đồng nghiệp ở tổ dập khuy, đồng thời
rất muốn học hỏi kinh nghiệm. Những lúc ấy, “Sếp bà” lại nháy mắt đầy ẩn ý với
nhân viên của mình.
Vi kể: “không phải ở tổ mình chưa từng xảy ra xung đột đâu! Nhiều con gái
mà, hay để ý nhau và cũng hay nói xấu nhau lắm! Thế nhưng, Sếp mình thì lại rất
giỏi trong việc dàn xếp mâu thuẫn nội bộ. Sếp luôn bảo chũng mình phải ghi nhớ
câu “Đóng cửa bảo nhau” để có chuyện gì thì chỉ nội bộ tổ biết mà thôi. Chuyện
dù phức tạp đến đâu, Sếp đều tìm ra cách giải quyết hết!
Có lần, chị Thắm và Mây giận nhau. Hai người vốn ngồi ở hai vị trí kề nhau
nhưng từ khi giận thì kiên quyết xin tổ trưởng cho đổi chỗ. Chọn thời cơ thích
hợp, Sếp mới gọi hai người ra riêng một góc để hỏi rõ nguyên do. Vậy là bao
nhiêu ấm ức được cả hai thi nhau kể ra với tổ trưởng. Hóa ra chị Thắm nghe mọi
người đồn Mây tuyên bố “ngoài Mây ra, chẳng có ai chơi nổi với chị Thắm cả. Còn
Mây thì vừa khóc vừa kêu oan, bảo rằng đấy là do mọi người đồn thổi chứ cô ấy
chỉ bảo là chị Thắm thân với cô ấy nhất công ty thôi. Hiểu ra vấn đề, Sếp thủ
thỉ thế nào mà chỉ một tiếng đồng hồ sau đó, hai chị em đã lại tay trong tay rủ
nhau đi ra căng-tin rồi. Thế mới tài chứ!
Rồi còn chuyện Lan và Huệ cãi nhau về chuyên môn, không bên nào
chịu nhường
bên nào, chị Tâm và Vi hiểu lầm nhau dẫn đến ‘chiến tranh lạnh”; chuyện Cúc bị
mất tiền trong giờ làm việc, Hà không chịu nổi tính của Bình… Chuyện gì Sếp cũng
tìm được cách giải quyết ổn thỏa khiến mọi người đều hài lòng. Và điều quan trọng
là, Sếp tuyệt đối nghiêm cấm việc nhân viên tổ mình kể chuyện riêng của tổ cho
các nhân viên tổ khác trong công ty. Sếp bảo như thế chẳng khác nào “vạch áo
cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ ai”… Điều này thật hợp với mong muốn của
nhân viên vì chẳng ai muốn mình trở thành “nạn nhân” trong các cuộc “buôn dưa
lê” của các tổ khác cả.
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng) |
Vậy nên, nhờ có tài dàn xếp của tổ trưởng mà tổ dập khuy ngày càng bớt “sóng
gió” hơn. Mọi người ngày càng hiểu nhau và càng thêm yêu quí “Sếp bà”!
Lời bàn:
Trong các công ty đa phần là nhân viên nữ thường hay xảy ra những xích mích
nho nhỏ. Nếu để lâu ngày tích tụ không giải quyết thì rất có thể dẫn tới mâu
thuẫn lớn. Trong nội bộ đã lục đục thì không thể cùng nhau làm tốt công việc được.
Riêng trong tổ của Vi thôi cũng đã xảy ra không biết bao nhiêu là chuyện. Và nếu
không có chị tổ trưởng kịp thời hòa giải và làm sáng tỏ vấn đề thì không hiểu rồi
mọi chuyện sẽ đi tới đâu? Trong mỗi rắc rối, Sếp đều đưa ra được cách giải quyết
hợp tình hợp lý khiến cho người trong cuộc hài lòng và thêm nể phục Sếp của
mình. Không chỉ quản lý nhân viên trong công việc mà Sếp còn quan tâm đến đời sống
tình cảm và các mối quan hệ đồng nghiệp của nhân viên. Có được một người quản
lý tuyệt vời như vậy thì còn gì bằng phải không bạn?
Không chỉ giải quyết tốt mọi mâu thuẫn mà chị tổ trưởng còn tỏ rõ là một người
kín kẽ và biết nhìn xa trông rộng. “Không vạch áo cho người xem lưng” là cách
chị dạy cho nhân viên. Bởi vậy, mọi mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ trong tổ đều được
giải quyết êm thấm, chỉ người trong tổ biết với nhau. Bởi vậy, người trong công
ty không có cớ để bàn tán chuyện của tổ chị và cứ ngỡ mọi chuyện đều tốt đẹp cả.
Điều này suy nghĩ trước sau đều thấy có lợi: Chuyện xích mích được giữ kín khiến
cho nhân viên của chị yên tâm công tác và hình ảnh của tổ chị luôn đẹp trong mắt
ban lãnh đạo công ty cũng như các tổ khác. “Một công đôi ba việc” đều rất thuận
lợi.
Lời khuyên:
+ Đối với
nhân viên:
Trong công việc, bạn không thể tránh khỏi một vài xích mích, hiểu lầm với bạn
đồng nghiệp. Đương nhiên, chẳng ai muốn điều này xảy ra cả! Làm cùng một nơi,
có khi cùng một phòng ban, chung một tổ với nhau; ra đụng vào chạm mà nhìn nhau
đấy bực dọc thì còn gì là hứng thú với công việc nữa! Bạn muốn nhanh chóng chấm
dứt tình trạng này nhưng tính tự ái của bản thân không cho phép bạn làm lành trước
với họ. Khi ấy, bạn sẽ ước sao Sếp của mình hiểu và giúp bạn dàn xếp mọi việc
thì hay biết mấy!
Có được một người quản lý giỏi dàn xếp mâu thuẫn nội bộ bạn sẽ không phải
lo “đối phó” với một không hí làm việc nặng nề và u ám. bạn dễ dàng tâm sự và
nhờ Sếp đứng ra dàn xếp mâu thuẫn giữa bạn và đồng nghiệp. Và dĩ nhiên, bạn
luôn cảm thấy nể phục và yêu mến Sếp, chẳng còn mong muốn gì hơn thế nữa!
+ Đối với
Sếp:
Là người quản lý của rất nhiều nhân viên, bạn luôn phải chịu rất nhiều sức
ép trong công việc và trách nhiệm của người quản lý. Bạn phải đảm bảo hiệu quả
làm việc của nhân viên, phải bao quát toàn bộ công việc… Chỉ thế thôi cũng đủ
khiến cho một ngày làm việc của bạn trở nên quá bận rộn. Thế nhưng, bạn cũng đừng
nên xem nhẹ mối quan hệ giữa các nhân viên. Tuy các mối quan hệ ấy nằm ngoài phạm
vi quản lý của bạn nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất công việc cũng
như không khí làm việc chung. Bởi vậy, để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi thì bạn
nhất thiết phải biết cách xử trí và giải quyết thông minh mọi mâu thuẫn phát
sinh trong nội bộ.
Khi giữa cấp dưới có sự cạnh tranh và công kích lẫn nhau thì Sếp bao giờ cũng
là người khó xử nhất. Nếu xử lý một cách không xác đáng thì không những mâu thuẫn
không được giải quyết mà còn khiến nhân viên không còn nể phục bạn nữa. Bởi vậy,
không phải người lãnh đạo nào cũng có khả năng giải quyết êm đẹp mọi mâu thuẫn
nội bộ.
Sau khi đã tìm hiểu rõ căn nguyên mâu thuẫn giữ các nhân viên, điều quan trọng
lúc này là bạn phải xử lý ra sao cho hợp tình hợp lý mà không thiên lệch bên
nào. Sếp bỗng nhiên phải đóng vai trò là người trung gian hòa giải và nên chú ý
những điểm quan trọng sau đây trong khi dàn xếp mâu thuẫn nội bộ:
+ Bề ngoài bạn phải luôn thể hiện sự tán đồng đối với nhân viên, chăm chú lắng
nghe tâm sự, quan điểm và ý kiến của họ. Sau đó, bạn mới đúc rút lại và đưa ra
hướng giải quyết cũng như quan điểm của mình.
+ Biết chỉ ra vấn đề mấu chốt và nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Từ đó, bạn
phân tích cho nhân viên hiểu đâu là đúng, đâu là sai và kết thúc cuộc tranh cãi
của họ một cách dứt khoát.
+ Trong những trường hợp không cần thiết phải truy ra tận gốc vấn đề thì bạn
chỉ cần giải quyết theo kiểu “nhắm một mắt mở một mắt” là được.
+ Nếu sự việc đã được dàn xếp xong xuôi thì bạn tuyệt đối không nên đề cập
lại trước mặt mọi người nữa để phòng trường hợp mâu thuẫn lan rộng và một số
nhân viên có tính “ngồi lê đôi mách” sẽ làm mọi việc trở nên phức tạp.
+ Giải quyết xong mâu thuẫn, bạn cũng nên dành chút thời gian để ý những biểu
hiện của cấp dưới, xem mối quan hệ giữa họ có được cải thiện hay không là được
rồi. Với những người ngoan cố thì bạn nên nghĩ đến việc tách họ ra làm ở hai bộ
phận khác nhau.
+ Cho dù sự việc đúng sai đã rõ thì bạn cũng không nên công khai nói ai đúng
ai sai để tránh ảnh hưởng xấu hơn nữa đến tình cảm của họ. Hơn nữa, nhân viên
có thể hiểu lầm rằng bạn đang đối xử thiên lệch. Hãy cứ bình tĩnh nghe họ thuật
lại đầu đuôi sự việc và xử lý theo hướng đơn giản hóa sự việc.
+ Nếu bạn cảm thấy tự hai bên có thể giải quyết mâu thuẫn với nhau thì nên ủng
hộ để họ tự dàn xếp riêng.
+ Bạn nên xử lý một cách quyết đoán, nhanh chóng không chế tình hình, giảm
nhẹ ảnh hưởng tiêu cực và những tổn hại do xung đột gây ra ở mức độ lớn nhất, tránh
để mâu thuẫn lan rộng.
Là Sếp, việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ hay không cũng thể hiện tài năng,
sự thông minh, khéo léo và quyết đoán của bạn trước mọi người. Giải quyết tốt sẽ
khiến nhân viên thêm yêu mến và nể phục bạn. Còn ngược lại, bạn sẽ làm cho mâu
thuẫn lan rộng hoặc trầm trọng thêm, còn nhân viên sẽ không còn tin tưởng ở khả
năng phán xét và năng lực lãnh đạo của bạn nữa! Do vậy, giải quyết xung đột nội
bộ cũng giống như con dao hai lưỡi nên bạn phải rất cẩn trọng trong từng lời
nói, cử chỉ và hướng giải quyết.
*
NGUYỄN THỊ HỒNG
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét