(Nguồn ảnh: Internet) |
TỐNG BIỆT HÀNH
KHEN CHÊ CHƯA ĐÚNG MỰC
Tống Biệt Hành của Thâm Tâm được báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng năm 1940. Chỉ
hơn một năm sau, nó đã được Hoài Thanh chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt Nam
với những lời nhận xét:
Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn
cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây (Tống biệt hành) lại thấy sống lại cái không
khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi, gân
guốc, không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút
bâng khuâng khó hiểu của thời đại. (1)
TỐNG BIỆT HÀNH (2)
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay (3)
Bài thơ không có phép ẩn dụ toàn bài nên tứ và ý giống nhau. Những bài viết
khác đã giải thích và diễn dịch khá kỹ lưỡng nên ở đây tôi xin đi thẳng vào
phần phân tích và nhận định nghệ thuật.
(Tác giả Phạm Đức Nhì) |
Bốn câu thơ mở đầu thật tuyệt.
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Mấy câu thơ hay quá! Tứ thơ đẹp quá! Âm điệu mới lạ do phá cách trong luật
bằng trắc lôi cuốn được sự chú ý của người đọc ngay từ giây phút đầu tiên. Hai
câu đầu là tâm sự, cảm xúc của người đưa tiễn: không đưa người qua sông nhưng
sao lòng ta nôn nao như sóng vỗ. Hai câu sau là tâm tình kẻ ra đi qua sự nhận
xét tinh tế của người đưa tiễn: chỉ nhìn đôi mắt, ta cũng biết người buồn lắm
vì trong đôi mắt ấy chứa cả bóng hoàng hôn. Để tả cảnh tiễn biệt, chia ly, 4 câu thơ trên
có thể hiên ngang đọ sức về giá trị nghệ thuật với bất kỳ đoạn thơ nào, ngay cả
của thơ ca đương đại, mà không hề nao núng.
Âm điệu gân guốc, rắn rỏi
Thơ Mới thời bấy giờ cổ vũ ý tưởng mới, ngôn ngữ mới, thể thơ mới, đề tài
mới… nhưng vẫn tôn trọng một số âm luật cũ để giữ được âm điệu mềm mại, du
dương trong thơ. Tống Biệt Hành được cấu trúc bằng phương thức nghịch âm bất
tuân những niêm luật vốn có của thể hành. Nó cũng chẳng tôn trọng âm luật của
thơ mới. Có câu toàn thanh bằng: Đưa
người ta không đưa qua sông; có câu có đến 4 thanh trắc liên tiếp: Sao có tiếng sóng ở trong lòng? Bởi vậy âm điệu của nó không uyển chuyển, du dương như phần nhiều thơ thời bấy giờ, thay vào đó, điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn
rỏi gân guốc. Đó là nét rất độc đáo của Tống Biệt Hành. Nhờ
đó, mới ra lò nó đã được sự chú tâm, ưu ái của Hoài Thanh.
Gợi được không khí hào hùng
H. Linh trong bài Đến Với Bài Thơ Hay: Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm, đã
viết:
Đề tài bài thơ là một trong hằng hà sa số
những cuộc ly biệt được đưa vào “Thơ Mới” thời 1930 - 1945. Nhưng có lẽ trong
văn học Việt Nam, trước và sau Thâm Tâm, không ai viết về chia ly đầy tính bi
hùng, trữ tình và mãnh liệt đến như thế.
Không rõ “Tống Biệt Hành” có gì “khó hiểu”?
Nhưng rõ ràng khi đọc, tôi thấy thật “bâng khuâng”. Vẻ trầm hùng, cổ kính của
bài thơ cùng những hình ảnh “mong manh, ghê rợn, như những nhát dao xiết vào
tâm hồn, tưởng là rất nhẹ hóa ra lại rất nặng” gây nên một ấn tượng thật mạnh
và sâu đến người đọc. (4)
Còn Nguyễn Hưng Quốc nhận xét khách quan hơn, chính xác hơn:
Chị, em và người yêu lưu luyến thế ấy, chẳng
lẽ lại đành tâm ra đi? Nhưng ly khách lại đi thật. Bóng đã xa, người đưa tiễn
còn ngơ ngác đứng và hun hút nhìn :
Người đi? ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
… li khách tuy ngậm ngùi nhưng nét chính
vẫn là sự nghênh ngang, hào sảng. Thấp thoáng chút hùng khí đời xưa. Phảng phất
hình ảnh Kinh Kha ngày trước. Rất đẹp. Biết là cường điệu mà vẫn thấy
đẹp. (5)
Có lẽ ưu điểm lớn nhất, thành công lớn nhất của Tống Biệt Hành là gợi lại
được cái cảnh tượng bi tráng của cuộc đưa tiễn Kinh Kha qua sông Dịch. Cái thần
tình của Thâm Tâm là ông không nhắc gì đến Thái Tử Đan, Kinh Kha, Tần Thủy
Hoàng, không nhắc gì đến con sông Dịch; ông chỉ gián tiếp, bóng gió rất xa xôi,
bằng việc chọn thể hành cổ kính, đề tài tống biệt quen thuộc, chất liệu thơ xưa
cũ, và chỉ có thế cũng đã đủ khiến người đọc không thể không cảm thấy như chính
mình đang hít thở cái không khí trầm hùng của cuộc chia ly ấy.
Ngôn ngữ thơ trong Tống Biệt Hành
Theo Chu Mộng Long thì:
Bài thơ (Tống Biệt Hành) phục sinh một cách
toàn diện những gì tưởng chừng đã bị khai tử: thể hành cổ kính, đề tài tống
biệt với người ra đi - li khách xưa cũ, kể cả chất liệu thơ: sông, sóng, bóng
chiều, hoàng hôn, sen, lệ, màu thu, lá bay, hạt bụi, hơi rượu say quen thuộc
đến mức đã mòn về nghĩa… (6) với ý nhại cổ (giễu nhại: parody)
Theo tôi, Thâm Tâm không phục cổ hoặc nhại cổ mà chỉ gợi cổ.
Chỉ với những từ sông, sóng, bóng chiều, hoàng hôn rất cũ, rất xưa, Thâm
Tâm đã tạo nên 4 câu thơ tuyệt vời:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Và cũng với chất liệu thơ cũ mòn cộng với thể hành cổ kính và đề tài tống
biệt quen thuộc đã góp phần rất quan trọng vào việc gợi lại không khí trầm
hùng, bi tráng trong bài thơ.
Nhưng cũng với những từ cũ như: sen, lệ, mùa thu, mắt biếc, chiếc khăn tay,
ông đã viết nên 2 đoạn thơ:
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
không những tầm thường mà lại còn hơi “sến” nữa.
Cho nên nếu thi sĩ khám phá được thể thơ mới, đề tài mới, chất liệu
thơ mới thì, dĩ nhiên, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những
thứ “mới” ấy chỉ thực sự có giá trị khi nhờ chúng thi sĩ đưa được
những câu thơ mới, hình tượng mới, trong đó chứa đầy cảm xúc mới của mình, vào
thơ. (7) Nhưng dù thế nào đi nữa cũng không nên coi thường thứ ngôn ngữ,
chất liệu thơ xưa cũ hoặc giản dị. Nếu bài thơ vừa mới vừa hay vừa đẹp thì sẽ
được độc giả nồng nhiệt đón chào, ngả mũ bái phục; còn nếu chỉ có mới không
thôi thì nó cũng sẽ sớm đi vào quên lãng như hằng hà sa số những bài thơ dở
khác.
Đoán tâm trạng của người khác
Nước trong, cá tung tăng, cá vui đấy.
Anh không là cá sao anh biết cá vui?
Anh không là tôi sao anh biết tôi không biết
cá vui?
Trên đây là mẩu đối thoại của hai triết gia Trung Hoa (tôi quên tên) ý muốn
nói rằng “không thể biết được những suy nghĩ, tâm trạng của người khác”. Theo
tôi, nếu có óc quan sát tinh tế, thì trong khá nhiều hoàn cảnh, người ta có thể
nhận biết được đối tượng (được quan sát) đang vui, buồn hay dửng dưng, vô cảm.
Nhưng nếu muốn đặc tả tâm trạng, muốn đi vào chi tiết của niềm vui, nỗi buồn
thì duy nhất chỉ có người trong cuộc. Đó là lý do thi sĩ thường viết ở ngôi thứ
nhất.
Trong Tống Biệt Hành, tác giả có đến 5 trường hợp đoán tâm trạng người
khác.
1. “Bóng chiều không thắm, không vàng
vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Nhìn đôi mắt “đầy hoàng hôn” của bạn tôi đoán là bạn đang buồn. Điều này có
thể chấp nhận được. Đôi mắt là cửa sổ linh hồn, vui buồn thể hiện lên đôi mắt.
2. “Một giã gia đình một dửng dưng”
Nhìn khuôn mặt vô cảm của bạn tôi biết bạn dửng dưng trước cuộc chia ly.
3. Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
4. Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Nhìn cảnh bịn rịn, quyến luyến của chị, của em với bạn, tôi đoán bạn rất
buồn khi chia ly.
5. Ba câu cuối của bài thơ
Ở 4 trường hợp đầu tác giả đã sử dụng khả năng quan sát tinh tế của mình để
cảm nhận nỗi buồn (hoặc dửng dưng) của ly khách. Có lẽ ông đã áp dụng kinh
nghiệm của các cụ ngày xưa qua câu ca dao:
Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo bộ lòng mới ngon.
Điều này có thể tạm chấp nhận được, vì đó chỉ là nỗi buồn chung chung,
không đặc tả, không có chiều sâu. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này trong thơ
thì hơi bị… thất cách, sức thuyết phục đối với độc giả rất yếu. Bởi tục ngữ
cũng có câu “xanh vỏ đỏ lòng”; nhìn bề ngoài mà “bắt mạch tâm trạng” thì rất dễ
bị “bé cái lầm”. Còn riêng trường hợp thứ 5 thì phải nói là “vô phương bào
chữa”. Đoán tâm trạng người khác mà thi sĩ dám viết chi li đến độ:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…
thì quả là “liều” hết chỗ nói.
Dẫu biết rằng trong thực tế thì tâm trạng của kẻ ra đi hay người đưa tiễn
cũng đều là của Thâm Tâm, nhưng đã lập trận địa chữ nghĩa, phân công phân nhiệm
tướng sĩ, thì vai nào phải ra vai đó; người phàm mắt thịt mà cứ như là Tiên,
Thánh, đọc tâm ý người đối diện vanh vách như đọc tờ báo trước mặt thì coi sao
được. Theo tôi, đây là khuyết điểm lớn, làm giảm sức thuyết phục của bài thơ.
Phú quý giật lùi
Đọc bài thơ Tống Biệt Hành chắc không ít độc giả có nhận xét giống
tôi. Đoạn đầu hay quá, tuyệt quá, để lại hương vị thật ngọt ngào, sảng khoái.
Nhưng đến những đoạn sau, đoạn thì cường điệu, giả tạo, đoạn thì tầm thường,
nhạt nhẽo. Đoạn cuối thì cảm xúc dâng trào, hào khí bốc cao nhưng đó chỉ là cảm
xúc, hào khí kiểu quân tử Tàu, vừa khinh bạc, vừa vô tình, hơn nữa, chỉ là sản
phẩm từ sự võ đoán của người đưa tiễn.
Tôi đã có một đôi lần, vào các dịp lễ tết, xem văn nghệ tại các chùa, nhà
thờ gần nhà. Vài Phật tử, con cái Chúa là ca sĩ chuyên nghiệp, từ Cali bay sang
hát “sô”, nhân tiện ghé vào chùa, nhà thờ hát ủng hộ mấy bài. Họ yêu cầu được
xếp hát ở đầu chương trình để còn “chạy” chỗ khác. Thế là chương trình văn nghệ
có vài tiết mục đầu hấp dẫn, còn sau đó là “cây nhà lá vườn”. Tôi không có ý
phủ nhận thiện chí, tinh thần phục vụ của các em trong Gia Đình Phật Tử, Thiếu
Nhi Thánh Thể, nhưng rõ ràng cái không khí hào hứng của chương trình văn nghệ,
sau mấy tiết mục đầu, đã giảm đi, đã nhạt đi rất nhiều.
Cũng tương tự như vậy, các vị khách mời trong buổi tiệc thơ Tống Biệt Hành,
nếu không bị hơi men làm mờ mắt, sẽ thấy phẩm chất của rượu thì “phú quý giật
lùi”, càng về sau càng kém ngon, càng về sau càng “dởm”. Đây cũng là một lỗi
không nhỏ của thi sĩ trong việc dàn trải ý tứ.
Những lời khen + Những lời tán dương quá lố
Trong thời gian tra cứu để viết bài này tôi thấy một điều rất lạ là hàng
mấy chục bài viết liên quan đến Tống Biệt Hành, bài nào cũng vậy, đều hết mực
ngợi khen. Tay viết nào già giặn thì lời khen văn hoa bay bướm, kém hơn thì sao
chép nguyên ý của các bậc lão thành, đàn anh, chỉ đổi sơ lời văn, giọng văn cho
nó thành của mình. Đặc biệt trong trang mạng của các trường đại học, trung học
thì các bài bình Tống Biệt Hành đều rập khuôn, đều ca tụng đến tận trời xanh.
Sau đây là một lời khen “hơi mạnh miệng”:
Khi sáng tác “Tống biệt hành”(1940) có lẽ
Thâm Tâm cũng không ngờ rằng bài thơ của mình sẽ để lại nhiều ẩn số cho hậu
thế. Cuộc đời của ông ngắn ngủi. Tác phẩm ông để lại không nhiều. Nhưng chỉ với
một “Tống biệt hành”, ông đã được lưu danh vào lịch sử văn học nước nhà. “Tống
biệt hành” không chỉ là một trong những bài thơ hay nhất của phong trào
Thơ Mới mà còn xứng đáng là một kiệt tác của thơ Việt Nam hiện đại. (12)
Và kế tiếp là thí dụ về một “vẻ đẹp tưởng tượng” của một nhà phê bình văn
học có vai vế, có học vị, Thạc Sĩ Hồ Thúy Ngọc:
Kế thừa nhưng không lặp lại, Thâm Tâm đã tạo
nên sức sống diệu kỳ cho Tống Biệt Hành. Đặc biệt, sự kế thừa, sáng tạo trong
cấu tứ thơ Đường giúp tác giả thể hiện sâu sắc một cái nhìn đa chiều về “vẻ đẹp
con người cao cả trong toàn bộ sự biểu hiện chân thật của nhân tính, đầy
tinh thần nhân đạo”(13)
Nhưng Chu Mộng Long lại nghĩ khác. Theo ông, trong Tống Biệt Hành:
Kẻ ra đi chỉ có hành động mà không có nội
tâm: một giã gia đình, một dửng dưng; chỉ có lí tưởng mà coi thường tình cảm: Chí nhớn chưa về bàn tay không; đề cao lí tưởng mà quên tình ruột thịt: Thì không bao giờ nói trở lại!/ Ba năm mẹ già cũng đừng mong. (14)
Và vô tình nhất, theo tôi, có lẽ là 3 câu cuối của bài thơ
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…
Vì chí lớn, vì nghiệp lớn, vì lý tưởng, vì đại nghĩa, vì quê hương đất nước
ra đi, thân này kể bỏ; những người thân yêu ruột thịt cũng coi như không, nói
chi đến bạn bè. Ngay cả người gần gũi nhất là bà mẹ đã banh da xé thịt cho mình
được chào đời, cũng chỉ xem như là chiếc lá bay. Cạn một ly rượu để hơi men
bừng lên đôi mắt. Lúc ấy trên vai là gói hành trang, đâu đó vọng lại tiếng gọi
của bạn bè đồng trang lứa, và trước cổng nhà là con đường rộng mở dẫn đến tương
lai. Mạnh bước ra đi. Khác gì Kinh Kha, theo lời ủy thác của Thái Tử Đan qua
sông Dịch thực hiện một sứ mạng trọng đại cứu muôn vạn dân lành. Ôi hiên ngang
quá! Hào hùng quá! Lãng mạn quá! Nhưng nghe sao cũng vô cùng khinh bạc, thiếu
tình người, nếu không muốn nói là vô nhân đạo.
Tôi không cổ võ cho việc chạy chọt để lánh né chiến trường, an thân ở hậu
phương lúc nước nhà nguy biến, nhưng cái thái độ vô tình, coi nhẹ gia
đình, coi nhẹ những người thân yêu ruột thịt, như li khách, thật khó mà đồng
cảm.
Chúng ta hãy nghe Yên Thao bày tỏ tâm sự lúc chia tay người vợ đầu gối, tay
ấp của mình:
Tôi có người vợ
trẻ đẹp như thơ
tuổi chớm đôi mươi, cưới buổi dâng cờ
má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín
ai ra đi mà không từng bịn rịn?
rời yêu thương nào đã mấy ai vui?
em nhìn tôi e ấp buổi chia phôi
tôi dấn bước mà nghe hồn nhỏ lệ. (15)
(Nhà Tôi, Yên Thao)
Đó mới là có chút tình người; đó mới tạm gọi là có hơi hám của nhân bản,
nhân đạo. Người lính chiến trong Yên Thao vẫn chấp nhận ra đi làm nghĩa vụ của
mình, nghĩa vụ của trai thời loạn, nhưng là con người, trái tim không phải là
sỏi đá, nên khi “dấn bước” lên đường đã đau thương đến độ “nghe hồn nhỏ lệ”.
Còn như Thâm Tâm:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…
thì quả là quá cứng cỏi, quá lạnh lùng và quá vô tình.
Thạc Sĩ Hồ Thúy Ngọc trích lời Trần Đình Sử cho là “sự biểu hiện chân thật của nhân tính, đầy
tinh thần nhân đạo” thì quả là có óc tưởng tượng cực kỳ phong
phú.
Vài Lý Do
Tống Biệt Hành là bài thơ hay, nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến và
yêu mến. Có điều mức độ nổi tiếng của nó lại không tương xứng với giá trị nghệ
thuật, có thể nói, đã vượt khá xa giá trị nghệ thuật. Sau đây là một vài lý do:
1. Tống Biệt Hành khơi lại được cái hào khí của Kinh Kha - vì chí nhớn, vì đại cuộc, sẵn sàng liều mình
ra đi - đúng vào thời điểm tuổi trẻ Việt Nam nô nức
lên đường chống Pháp, và sau đó “chống nhau” (miền nam thì chống cộng, miền bắc
thì đánh miền nam để thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản) nên được chính
quyền miền bắc, và sau đó là miền nam, giúp sức phổ biến vì lý do chính trị.
2. Tống Biệt Hành lọt vào mắt xanh của Hoài Thanh - một cây bút bình thơ sắc sảo, uy tín vào
hạng nhất thời bấy giờ - và được ưu ái giới thiệu trong Thi Nhân Việt Nam. Các bài viết về
Tống Biệt Hành sau này, vì uy tín của Hoài Thanh và Thi Nhân Việt Nam, không
tiếc lời ca ngợi bài thơ, nhiều khi bịa ra “những cái đẹp tưởng tượng” để tán
dương.
3. Tống Biệt Hành được đưa vào chương trình giảng dạy văn học; dựa vào mấy
bài mẫu của ngành giáo dục, sinh viên học sinh cứ thế mà “tụng”, mà khen bài
thơ đến tận trời xanh.
4. Những người có ý kiến khác biệt cũng không dám bày tỏ vì đang sống
và chịu ảnh hưởng của một môi trường văn học chưa được tự do; viết khác đi
dễ bị để ý, trù dập.
Như vậy, Tống Biệt Hành được rất đông đảo người đọc biết đến, khen hay, rồi
yêu thích, dĩ nhiên, một phần là vì giá trị nghệ thuật của nó, nhưng cũng còn
vì những “cái khác” (rất ngoài thơ) nữa. Khi rũ sạch hết những “cái khác” ấy,
Tống Biệt Hành sẽ trần trụi hiện ra, không xiêm y lụa là của thời đại; bên cạnh
những nét đẹp độc đáo cũng còn không ít những khuyết điểm khá quan trọng liên
quan đến cả ý tưởng và kỹ thuật thơ.
Khi được thả hồn mình đắm chìm trong không khí trầm hùng bi tráng của cuộc
chia tay lịch sử trên sông Dịch, người đọc dù nhận ra những “bất ổn” trong bài
thơ, cũng cố lờ đi, để nghe trái tim mình đập nhanh hơn, để thấy hào khí bốc
lên ngút trời, vì chí nhớn mà nhảy vào biển lửa cũng không một giây do dự.
Tôi, với cái nhìn chủ quan của mình, đã cố công phân tích, bình phẩm bài
thơ Tống Biệt Hành. Trước hết, để đưa nó về vị trí tương xứng với giá trị nghệ
thuật của nó. Sau nữa, nếu có quý vị nào làm công tác phê bình văn học, có tầm
nhìn rộng hơn, muốn đánh giá bài thơ trong một khung cảnh rộng lớn hơn, trong
một giai đoạn lịch sử dài hơn, thì bài viết này xin được đóng vai trò một lời
góp ý nho nhỏ trong kho tư liệu của quý vị.
KẾT LUẬN
Khi biết tôi có ý định viết về Tống Biệt Hành, một anh bạn Bắc Kỳ 54, cũng
thuộc giới cầm bút, đã nhắc nhở:
“Bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm có một sức
hút rất lớn đến hai thế hệ chiến tranh của Việt Nam (thế hệ đàn anh của mình và
thế hệ của tôi và anh). Đơn giản: chúng diễn tả và đáp ứng đúng tâm trạng những
người trai vừa lớn lên phải đối mặt với chiến tranh (chiến tranh chống Pháp,
chiến tranh chống Cộng). Nhưng với các thế hệ đàn em, sức hút của bài thơ không
lớn, nếu có chăng chỉ là tầm vóc nghệ thuật mà bài thơ ấy có được. Vì thế, khi
viết về bài thơ này, phải hết sức cẩn trọng (trong lời chê). Người đọc (thế hệ
chúng ta) mang tâm trạng như đọc về quá khứ của mình, trong đó chỗ đứng của bài
thơ này chiếm vị trí rất trang trọng.”
Trước tiên, tôi sẽ nghe lời khuyên của anh - “hết sức cẩn trọng” trong phần
viết về khuyết điểm của bài thơ. Tôi cũng đồng ý với anh là thế hệ kế tiếp của
anh và tôi - không bị ảnh hưởng bởi cái sức hút vô hình kia - sẽ có được cái
nhìn chính xác hơn về giá trị của bài thơ. Nhưng khi nhìn qua cửa sổ, thấy
những chiếc xe bus vàng đón trẻ con đi học, tôi chợt nhớ mình đang sống trên
nước Mỹ tự do. Trước những trào lưu văn học mới, Thi Nhân Việt Nam (Hoài
Thanh) cũng không còn là “khuôn vàng thước ngọc” (ít nhất đối với tôi), và ở
cái tuổi trên 6 bó của cuộc đời, hào khí của Kinh Kha cũng không đủ sức mê hoặc
tôi đến mức khi đọc Tống Biệt Hành có thể quên đi công việc của mình đang làm
là thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ.
Như vậy, công việc ấy tại sao cứ phải chờ đến thế hệ sau, anh nhỉ?
*
Viết xong cuối tháng 1 năm 2014
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa
chỉ: League City ,
Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
...................................................................................................................
-
© Tác giả giữ bản quyền.
-
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 13.07.2016
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
* * *
Chú Thích:
(1) Thi Nhân Tiền Chiến, Hoài Thanh &
Hoài Chân, NXB Văn Học, 1988, tr.281
(2) Nhận Diện Chân Dung Nhà Văn, Lý Hồng
Xuân, Văn Nghệ, 2000, tr. 261
(3) Nhiều bản khác viết là say. Khi trích tôi
giữ nguyên bản chính.
(4) Đến Với Bài Thơ Hay: Tống Biệt Hành Của
Thâm Tâm, H. Linh, thuonghylenien.com
(5) Tứ Thơ, Nguyễn Hưng Quốc, Tìm Hiểu Nghệ
Thuật Thơ Việt Nam, Quê Mẹ xuất bản tại Paris, 1988
(6), (7), (14) Phục Cổ Hay Nhại Cổ? Trường
Hợp Tống Biệt Hành, chumonglong.wordress.com.
Ông Chu Mộng Long, hiện đang giảng dạy tại Đại Học Quy Nhơn, cho biết bài viết
đã được đăng trên Tạp Chí Thơ, Hội Nhà Văn, 06/2008.
Về điểm này tôi có viết một đoạn thơ vui như
sau:
Thái Tử Charles ôm Công Nương Diana
trên chiếc giường nệm êm ái
Chí Phèo chẳng cần giường
mà đè Thị Nở ngay bên gốc chuối
nếu chỉ dựa vào độ “hiện đại” của chiếc
giường
để đoán cô gái nào sướng hơn
có khi bạn lầm to
(Lầm To, Phạm Đức Nhì)
(8), (9), (10), (11) Nhận Diện CDNV, Lý Hồng
Xuân, Văn Nghệ, 2000, tr. 261
(12) Hoàng Trọng Hà, Vài Suy Nghĩ Về Bài Thơ
Tống Biệt Hành, baolamdong.vn
(13) Vẻ Đẹp Cổ Điển Và Hiện Đại Trong Tống
Biệt Hành Của TT, Thạc Sĩ Hồ Thúy Ngọc (Trích lời Trần Đình Sử), htu.edu.vn/khoa-su-pham-xa-hoi-nhan-van
(15) Đoạn thơ trên được lưu truyền trong các
sinh hoạt văn học, văn hóa, văn nghệ ở miền nam; tôi thuộc lòng vì thường hay
diễn ngâm trong các buổi nghệ. Còn đoạn dưới đây được trích trong sách báo dòng
chính ở miền bắc.
Tôi có người vợ trẻ
đẹp như thơ
tuổi chớm đôi mươi, cưới buổi dâng cờ
má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
ai ra đi mà không từng bịn rịn?
rời yêu thương nào đã mấy ai vui?
em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.
(Thơ VN/Thế Kỷ XX/Thơ Trữ Tình/NXB Giáo
Dục/2004)
Mạnh bước có vẻ không ăn khớp lắm với nghe
hồn nhỏ lệ. Dấn bước nghe hợp hơn và hay hơn nhiều.
.
0 comments:
Đăng nhận xét