ĐỂ RÕ THÊM CHÂN TƯỚNG PHẢN ĐỘNG
CỦA TRẦN DẦN
*
Đến nay, Trần Dần đã được lột mặt nạ trước quần chúng. Nhưng
cũng còn một số bạn, chưa từng gần gũi Trần Dần, thắc mắc: “Sao một quân nhân,
hơn nữa một đảng viên, đã được rèn luyện qua 10 năm kháng chiến, có thể trở nên
xấu xa như thế?”
Biết Trần Dần từ lâu, tôi xin nói điều đó.
TRẦN DẦN ĐÃ ĐI VÀO CÁCH MẠNG VÀO KHÁNG CHIẾN NHƯ THẾ NÀO?
Năm 1945, trước khởi nghĩa, Sài Gòn như nước trong nồi sủi mạnh
ngùn ngụt bốc hơi, muốn hất bằng cái nắp vung đang đem tất cả sức ỳ nặng nề để
cưỡng lại. Một buổi sớm thức giấc, thấy cờ sao bay đỏ thành phố, Trần Dần mới
biết cách mạng đã nắm chính quyền. Dần bỏ dở cuộc ngao du, quay về Hà Nội. Cuộc
đấu tranh chính trị diễn ra giữa thủ đô từng giờ, mỗi lúc càng gay gắt, đe doạ
chính quyền cách mạng đang trứng nước. Giữa lúc ấy, Dần vẫn say sưa phun khói
thuốc phiện bên bàn đèn với Đinh Hùng, và bắt chim một mụ gái nhảy hơn mình gần
chục tuổi, vợ ba của một văn sĩ lúc đó.
Con một gia đình tư sản kiêm địa chủ khá lớn (có vài ba chục nóc
nhà, dăm chục mẫu ruộng và hàng trăm chiếc xe tay cho thuê), Trần Dần có thể
lấy của bố mẹ hai vạn bạc Đông Dương đưa người yêu vào Huế sống truỵ lạc. Hai
tháng hết tiền, đôi trai gái bất chính này quay về Hà Nội. Được Đinh Hùng khai
tâm, Dần rủ rê mấy người bạn thành lập một nhóm thơ tượng trưng và xuất bản tờ
báo “Dạ đài”. Dần tự tay thảo tuyên ngôn: “Chúng tôi một đoàn người thất thổ
đầu thai nhằm lúc sao mờ…”
Sự nghiệp cách mạng thay trời đổi đất của quần chúng, Dần coi
“Cách mạng có nghĩa là để phát triển thơ tượng trưng”. Dần ở chung nhà với một
đồng chí trong ban khởi nghĩa thành Hà Nội. Đồng chí này thường có bạn đến
chơi. Họ hay tranh luận các vấn đề chính trị. Dần nói: “Làm chính trị như các
anh lẹt bẹt chán lắm! Chỉ thơ tượng trưng là nhất, một “cú” là lên cao vút
ngay”. ( )
Súng khiêu khích của giặc bắt đầu nổ. Cả thành phố nổi gai hào
ụ. Sau một ngày đi nhặt bài, chuẩn bị ra báo “Dạ đài” số 2, Dần về chưa kịp lên
giường, đèn tắt, đại bác nổ, lửa cháy đỏ thành phố. Giờ cứu quốc đã điểm. Là
một thanh niên năm ấy 20 tuổi, Trần Dần xách va-ly tản cư về Hành Thiện, Vụ
Bản, Nam Định, không quên dắt theo mụ nhân tình. Dần định bụng dăm bữa nửa
tháng, ngừng tiếng súng, sẽ quay về Hà Nội. Nhưng ở đây, được một số đồng chí
Đảng giúp đỡ, được đọc sách, Dần bắt đầu biết thế giới có hai phe, bốn mâu
thuẫn lớn, cuộc kháng chiến phải qua ba giai đoạn, phải trường kỳ.
Một người bạn rủ Dần lên Phú Thọ, giới thiệu Dần vào làm việc ở
sở Thông tin khu XIV. Dần kể lại với tôi: “Ở đó chỉ đọc sách, và ngồi vẩn vơ
suy nghĩ suốt ngày, rất ít vận động, hàng tháng không tắm vẫn thấy người dễ
chịu nhẹ nhàng…” Rồi Dần cũng chán cảnh tù túng này. Đang muốn đi đây đi đó bay
nhảy, một người bạn đến rủ Dần vào bộ đội Sơn La. Nghe anh bạn nói: “Sơn La
cảnh đẹp, phụ nữ Thái đẹp, hay tắm truồng, có ngựa phi, vào bản có rượu có lợn
(!)”, Dần thích, đi ngay. Vào bộ đội, Dần làm “li-tô” (viết đá để in). Dần tìm
hiểu Đảng phần lớn qua sách vở. Sáu tháng sau, do anh bạn kia giới thiệu, Dần
vào Đảng. Lúc đó là cuối năm 1948.
Như vậy, Trần Dần đã trở thành một quân nhân, một đảng viên.
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TRẦN DẦN TRONG KHÁNG CHIẾN
Một số anh em bộ đội, trong đó có Dần, thành lập nhóm Văn nghệ
Sông Đà. Dần bắt đầu vẽ và làm thơ “phục vụ bộ đội”. Những chiến sĩ Sơn La anh
dũng gian khổ, dưới ngòi bút của Dần, thành những hình thù mình và chân tay to
lớn, riêng cái đầu chỉ bằng nắm tay. Còn thơ Dần như sau:
…Ôi kẻ xa chơi lẻ trú đình
Quê nhà ai khóc lệ ai xanh
Hồn em mây trở về đâu nhỉ
Có gặp buồn trong cuộc lữ trình
………………
Hãy dậy đi cô nàng lịch sử
Tay này em vịn hãy còn men
Cầm em! chiếc gậy lên đường đó
Hãy để nhà hoang, phố lụi đèn…
Lẽ tất nhiên tranh và thơ bệnh tật đó không thể đi vào chiến sĩ
và còn bị họ la ó.
Cuối năm ấy, Dần được điều về Mặt trận bộ Tây Bắc làm báo. Dần ở
cơ quan soạn bài và minh hoạ. Một hôm, tôi và Dần cùng xuống một đơn vị vừa
chiến thắng trận Phố Lu. Đồng chí cán bộ Tiểu đoàn mở tờ báo, trợn mắt, trỏ
chúng tôi một bức tranh, hỏi: “Vẽ bộ đội gì thế này? Vẽ để doạ ai? Ai vẽ đây
các anh?” Đồng chí đó không biết hoạ sĩ đang đứng ngay trước mặt.
Năm 1950, sau khi học lớp “cải tạo tư tưởng”, Dần được điều về
Tổng cục chính trị, ở trong ban phụ trách một lớp chỉnh huấn của Văn công.
Những chất cũ trong người Trần Dần lại chớm nổi dậy. Dần hung hăng chụp mũ, mạt
sát, đàn áp anh em, nhất là đối với các văn nghệ sĩ cũ mà Dần coi mới là đối
thủ. Nhưng đồng thời Dần say mê theo đuổi một đồng chí nữ Văn công đã có người
yêu hiện công tác xa. Vì hai khuyết điểm trên, Dần bị kỷ luật cảnh cáo ghi lý
lịch.
Những năm sau Dần đi các chiến dịch, lúc cùng với dân công, lúc
ở tuyến hậu cần, chưa có dịp nào thực tế cọ sát với chiến đấu. Kháng chiến đòi
hỏi những sáng tác nhỏ nhẹ, sắc bén, để kịp thời tung ngay ra mặt trận. Nhưng
Dần nói: “Mình làm những món ấy không quen” và để anh em làm. Dần rắp tư tưởng
ăn to.
Cuộc kháng chiến bắt đầu những bước chuyển khổng lồ. Những hòn
đá, dù là đá tảng nằm trong lòng sông, không thể nào không bị dòng nước mãnh
liệt cuốn theo. Đến chiến dịch Tây Bắc, rồi Điện Biên Phủ, ngoài những bài thơ làm
chỉ để ghi vào sổ riêng cất một chỗ, Dần đã viết được một vài bài báo nho nhỏ
có ít nhiều bổ ích cho cuộc chiến đấu.
Và cuộc kháng chiến kết thúc. Những “cống hiến” của Trần Dần có
thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng công lao giáo dục của Đảng, của Quân đội với
Dần thật lớn, đã biến một con người hư hỏng của xã hội cũ thành một người có
ích.
SỰ SA ĐỌA CỦA TRẦN DẦN SAU KHI HÒA BÌNH LẬP LẠI
Hoà bình lập lại, Trần Dần, đứa con hư hỏng của Hà Nội cũ, trở
về thủ đô với bộ quần áo bộ đội chiến thắng. Ngay đó, Dần được qua Trung Quốc
một thời gian. Ở đây, Dần gặp lại một người bạn cùng nhóm Dạ đài ngày xưa. Anh
ta kể lại cho Dần một số lý luận phản động của bọn Hồ Phong. Sẵn mầm bất mãn
trong người qua vụ bị thi hành kỷ luật và những va vấp khác với các đồng chí
phụ trách cơ quan, Dần nhập tâm những điều này rất nhanh. Hết hai tháng Dần trở
lại Hà Nội. Sau đó “Người người lớp lớp” ra đời. Chúng ta chưa có dịp xác định
giá trị tư tưởng và nghệ thuật quyển sách này. Nhưng cũng phải thấy sự sống và
tư tưởng Trần Dần còn rất xa chiến sĩ, không thể giúp Dần thể hiện họ một cách
trung thực. Về cuốn sách này, đến nay, chính Dần đã phải tự nhận: “Mang nhiều
giáo điều, suy diễn, nhiều bịa đặt thay thực tế ” (mà Dần chưa thể hiểu được;
người chiến sĩ Điện Biên Phủ vĩ đại đã bị Dần bóp méo đi). “Người người lớp
lớp” vẫn được một số người hoan nghênh vì nó nói đến chiến thắng lịch sử của
chúng ta. Dần còn một hũ thơ vẫn còn phải đút nút trong kháng chiến. Văn như
vậy là được rồi, Dần muốn đưa thêm thơ mình lên ngôi bá chủ.
“Người người lớp lớp” không phải chỉ đem cho Dần danh vọng, còn
thêm cả số tiền nhuận bút ba triệu đồng. Giữa thành phố mà những tàn tích của chế
độ cũ chưa mỗi lúc xoá bỏ được ngay, sẵn danh sẵn tiền, thú tính trong người
Dần sống lại rất nhanh. Ăn uống, lê la khắp quán tiệm đã chán, Dần nhớ mùi “nhà
thổ”, nhớ khói thuốc phiện. Dần đã bàn với Tử Phác tổ chức một đêm họp mặt với
các bộ mặt cũ của Hà Nội (cụ thể là gái điếm, gái nhảy), sống lại những phút
hoan lạc ngày xưa. Đi chơi với các bạn, Dần quen một người con gái. Dần điên
cuồng lao vào cuộc tình duyên với người đàn bà này, mặc dầu chị ta là con nuôi
một cố đạo, khi cố đạo này đi Nam đã để lại cho quản lý mấy toà nhà, lý lịch
chưa rõ ràng.
Chi bộ Đảng, các đồng chí phụ trách, tập thể anh em ở đơn vị có
trách nhiệm giáo dục, giữ cho Trần Dần khỏi rơi xuống vực thẳm. Tất cả sự tận
tình, kiên nhẫn của Đảng, của tập thể, với Trần Dần chỉ còn là “những sợi dây
xích trói buộc phải phá mà ra ”.
THỰC CHẤT SỰ CHỐNG ĐỐI CỦA TRẦN DẦN KHÔNG PHẢI CHỈ CÒN NẰM TRONG
PHẠM VI VĂN NGHỆ
Với ít lý luận ăn nhặt của Hồ Phong khi ở Trung Quốc, Dần ngoặc
ngay với Tử Phác và bắt rễ vào Hoàng Cầm, Trần Công, Phùng Quán… tiến hành phá
phách. Ngay lúc đó, Nguyễn Hữu Đang đã đánh hơi thấy, Đang tới bảo Dần: “Nếu ra
bộ đội thì cậu sẽ đứng chủ bút một tờ báo, lương tháng 10 vạn đồng”. Tưởng đó
là lối thoát, Dần càng làm già, mang chút vốn còm “mười năm kháng chiến”, “Người
người lớp lớp” định bắt bí trên, đòi nếu không giải quyết các yêu sách, Dần sẽ
ra khỏi Đảng khỏi Quân đội. Cuộc đấu tranh nhằm phá vỡ những nguyên tắc lãnh
đạo, tổ chức của Đảng trong Văn nghệ quân đội bị thất bại, Dần như con ngựa đứt
khỏi cương, bị quất mấy roi đòn càng lao nhanh xuống vực thẳm.
Con trâu tìm trâu, Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác ngoặc rất nhanh
với Lê Đạt, Văn Cao, Đặng Đình Hưng. Nhóm “Giai phẩm mùa xuân” thành hình, tiếp
tục công cuộc chống phá. Trong nhóm này, Dần sắp xếp: “Văn Cao là tiên chỉ,
Đặng Đình Hưng là mưu sĩ loại I, Tử Phác mưu sĩ loại II, Lê Đạt lý luận gia…”
Còn mình, Dần “khiêm tốn” “cái gì mình cũng có một tí”. Thực tế trong đầu, Dần
tự cho mình là người có uy tín nhất nhóm. Đúng vậy, mọi việc trong nhóm, nếu
thiếu Dần bàn bạc tham gia ý kiến đều không xong. Khi trong nhóm xảy ra hục
hặc, chỉ mình Dần có đủ “tư cách”, “uy tín” đứng ra dàn xếp.
Tập “Giai phẩm mùa xuân”, nhóm Dần gọi là “một kiến nghị đối với
Đảng” , thực chất là bản tuyên ngôn chống đối của nhóm Dần, ra đời. Dần bắt đầu
phất cao lá cờ đen thi ca chống Đảng, chống chế độ, chống sự nghiệp của quần
chúng bằng bài thơ "Nhất định thắng". Bài này, tự Dần đã thú nhận:
“…làm với dụng ý xuyên tạc sự thật, bôi đen miền Bắc…Nêu cảnh thất nghiệp, hàng
ế, đi Nam, hai năm không thống nhất…Luôn luôn lắp lại cái điệp khúc “Mưa sa
trên màu cờ đỏ” để nhấn mạnh “Đảng là nguyên nhân của cái xã hội thê thảm này…”
Bọn thù địch của chế độ giật quả mìn phá hoại đầy hơi xú uế:
“Nhân văn” số 1 ra đời, Dần khi đó vẫn còn ở bộ đội, gian ngoan lúc đầu còn làm
ra vẻ đứng ngoài. Nhưng chính Dần đã thông qua bài “Con người Trần Dần” của
Hoàng Cầm viết. Báo ra bị quần chúng phản đối. Biết khó khăn, trước số 2 “Nhân
văn”, Dần bảo Lê Đạt bằng một câu rất phản động: “Nhảy vào đi! Mày làm như Các
Mác với Ba-lê công xã ấy (!) Biết là thất bại, cũng vào mà giảm bớt thất bại
đi!” . “Nhân văn” ra số 3, Dần cùng vợ mang báo đi bán, coi như một “nghĩa cử”.
Lúc này, thấy không cần ném đá dấu tay nữa, Dần ra mặt hoạt động, nhảy đến họp
“Nhân văn”, nhảy đến nhà in chữa bài… Quần chúng ngày càng phẫn nộ. Biết “Nhân
văn” sắp phải đóng cửa, Dần chủ trương “đánh vớt vài đòn". Dần ném vào số
4 bài “Không có lý gì không tán thành trăm hoa đua nở” đòi Đảng phải để cho bọn
Dần được tự do đưa ra quần chúng những sáng tác chống Đảng, chống chế độ, chống
nhân dân. Và Dần ném vào số 6 rẫy chết một bản dịch về hội hoạ Ba-lan nhằm nói
“Đảng lãnh đạo nghệ thuật là đưa đến bế tắc nghệ thuật”.
Dần đã tự lột mặt mình: một trong những phần tử “Nhân văn” tích
cực nguy hiểm và ngoan cố nhất.
“Nhân văn” bị đóng cửa. Lê Đạt lánh mặt “tị nạn” một nơi. Biết
phe cánh đang hoang mang, Dần tích cực đi đây đó an ủi phủ dụ anh em, tập họp
lại, chuyển sang trận đánh khác. Dần rút kinh nghiệm, “đánh lộ quá nên chết,
phải dùng võ kín (Dần còn gọi là “jeu serré”) mới được”.
Trong khi Đảng và Chính phủ bỏ nhiều công sức, tiền của tổ chức
các hội các ngành tạo điều kiện cho mọi văn nghệ sĩ sáng tác phục vụ quần chúng
Công Nông Binh, Dần nói: “Cho các anh cứ bầy mọi thứ tổ chức ra, tôi chỉ đánh bằng
sách (bataille des livres) thôi”. Dần và phe cánh đi vào kế hoạch thâm độc nhằm
lũng đoạn Hội Nhà Văn, biến dần Hội thành một công cụ thực hiện mọi ý định của
chúng.
Ngoài thủ đoạn khích bác, phỉnh phờ, hoặc đánh để kéo, Dần gặp
ai cũng đầu độc bằng những luận điệu phản động. Cách làm đó Dần gọi là “ban
phát tư tưởng”. Dần thường nói: “Hỏng hết rồi! Cả cái hệ thống xã hội chủ nghĩa
này chỉ là hệ thống của chủ nghĩa Stalin thôi. Đảng Lao động Việt Nam cũng nằm
trong hệ thống đó…”, “Nước ta đi vào xã hội chủ nghĩa tức là đi vào chủ nghĩa
Stalin”. Dần học mót được qua Lê Đạt chữ “chủ nghĩa Stalin” (Stalinisme) của
bọn phản động quốc tế, nhân Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô phát hiện một số
sai lầm quãng cuối đời Stalin, dùng để xuyên tạc một cách trắng trợn bỉ ổi chủ
nghĩa xã hội đầy tốt đẹp, nhân đạo của chúng ta. Dần triệt để dùng nó để bôi
nhọ ta. Bạ cái gì Dần cũng quy vào mấy chữ “chủ nghĩa Stalin” phản động: “Vô
sản chuyên chính cũng là chủ nghĩa Stalin…” , “Công thức, tô hồng cũng là do
chủ nghĩa Stalin…” Trong khi toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đang
anh dũng lao động kiến thiết tổ quốc nhằm xoá bỏ những tàn tích của chế độ cũ
đưa miền Bắc tiến lên một xã hội công bằng và hợp lý, trong đó mọi người đều
lấy lao động làm nghĩa vụ vinh quang, không còn sự bất công tự nghìn đời nay
“người bóc lột người”; Trần Dần luôn lắp lại cái luận điệu rất phản động của
Nguyễn Hữu Đang đã mớm cho: “Chế độ này lấy sản xuất làm mục đích, lấy con
người làm phương tiện”.
Với những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kết tinh của trên dưới
30 năm hoạt động cách mạng của quần chúng, đã lãnh đạo nhân dân giành lại được
chính quyền trong tay Pháp Nhật, đã đánh đuổi đế quốc ra khỏi miền Bắc, đang
lãnh đạo đấu tranh thống nhất nước nhà và kiến thiết xã hội chủ nghĩa trên nửa
nước, Dần gọi là “bọn ngu si thống trị, bọn ngu si nắm chính quyền”. Các cán bộ
phụ trách, Dần gọi là “bọn người không có óc, chỉ suy nghĩ bằng cấp trên”.
Những đạo lý cách mạng quy định mọi quan hệ giữa người và người trong xã hội
mới, Dần gọi là: “những luân lý hiện hành, những công thức cần phải phá vỡ”.
Dần đi đến một kết luận: “không còn hy vọng gì ở Liên Xô, ở cái Trung ương
này!”
Sau khi phủ nhận Đảng, phủ nhận chế độ, phủ nhận tất cả, Dần
chuyển sang nói về mình…Dần tự phong là “tiên tri về chính trị” (prophète
politique). Trong một buổi nói chuyện với chúng bạn, Dần cười ha hả nói: “Liên
Xô cũng sai, Ba-lan cũng sai, chỉ có tao là đúng”. Trong một sáng tác “Ông tiên
thông minh”, Dần ví “Đảng là Ngọc hoàng, quây quanh Ngọc hoàng toàn bầy thú vật:
con mèo lười, con gấu hỗn, con lừa ưa nặng, con chó ăn cứt vì ưa nịnh hót, phải
nhờ đến tay một ông tiên thông minh là bọn Dần mới quét sạch đi được”. Dần lúc
nào cũng tỏ ra mình uyên thâm về chính trị. Dần hay quảng cáo với mọi người về
Nam Tư. Nhưng thực ra Dần chỉ hiểu Nam Tư qua một mẩu bài dịch của Bùi Quang
Đoài, học trò yêu của Trương Tửu, đăng trên “Giai phẩm mùa thu”.
Dần mượn lời mượn chữ Mai-a khua vỏ thùng sắt tây rỗng quảng cáo
cho “thiên tài văn chương” của mình:
“Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu nặng nề sáng tạo
Như một chiến viễn vọng đài…”
Dần tự khoe mình là: Người lao động nhất địa cầu ta”.
Nhưng dù khản cổ kêu gào bằng những lời lẽ to lớn, hào nhoáng,
bịp bợm ấy, Dần vẫn không thể che dấu nổi con đường sáng tác bất lương Dần đang
đi. Dần đã cắn quá sâu vào đời sống tư sản ngọt lịm của thành phố, không thể
nhả ra được nữa. Đối tượng phục vụ của Dần cũng đã thay đổi rồi, Dần đã nói:
“Công nông binh sực thế nào được thơ tao”. Với con đường sáng tác Dần đang theo
đuổi, Dần không phải đi vào Công Nông Binh, không phải lao động, học tập, cứ ở
nguyên Hà Nội với vợ con, nhặt sách này cóp sách kia (như Dần đã làm với
Mai-a), bịa chuyện này bịa chuyện khác, hà thêm vào đó ít chất độc đầy rẫy
trong người Dần, mà Dần gọi là “chất tư tưởng”, thế là đủ tạo ra những tác phẩm
“lớn” “vượt qua đầu các vị cầm quyền”, “vượt qua đầu muôn thế kỷ” rồi! Thỉnh
thoảng cũng cần bồi bổ thêm tí lý luận… Chẳng phải đi đâu xa, chẳng phải mất
tiền mua…Một quyển “Temps modernes” từ tay Chu Ngọc chuyển tới, một buổi gặp
Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo,… Có khi cũng chẳng cần đi, Dần cứ ngồi nhà, đã
có “chiếc xe rác Phùng Quán” đưa tới. Xe này lăn suốt ngày từ nhà “thầy Thảo”,
qua “thầy Tửu”, qua “chị Thụy An”…hót tất cả những thứ bẩn thỉu, đến đâu thì đổ
bậy ra đó, lẽ tất nhiên đổ cả cho Dần mà Quán cũng coi là bậc đàn anh.
Những thủ đoạn sáng tác cuả Dần môĩ ngày càng đi vào tinh vi. Tự
Dần đã tổng kết ra những mánh lới chính: “biểu tượng hai mặt” (symbole
équivoque) làm như chửi địch mà là chửi ta; “cài mìn”, xen các tư tưởng xấu vào
những bài chủ đề xem như bình thường; “xôi đỗ”, ý tốt ý xấu quấn nhau làm giả
thực khó phân; mượn lịch sử, dã sử, thần thoại, tiếu lâm để chửi, hoặc lưạ chọn
các bài dịch có thể vưà nói ý này vưà nói ý khác. Trước khi sáng tác, Dần định
sẵn tỷ lệ bao nhiêu phần trăm bôi hồng, bao nhiêu phần trăm bôi đen cho một
bài.
Với những thủ đoạn trên, Dần đã cho ra đời một loạt sáng tác,
nội dung tư tưởng rất phản động. Có nhiều bài các nơi chưa dám in như: “Mâu
thuẫn với cả nước”, “Anh Cả Quấn”,...Những bài khác: “Con Vẹt”, “Cái đầu trọc”,
“Mẹ sư đời”,... Dần mới trao đổi với chúng bạn, bảo để đó “phục kích” đợi “thời
cơ” . Gần đây, do sự mơ hồ cuả các đồng chí phụ trách báo “Văn”, Dần đã đưa lọt
bài “Hãy đi mãi”, tiêu biểu cho tư tưởng phản động cuả Dần. Nội dung tư tưởng
bài này, chính Dần đã tự nói: “Với điệp khúc “Đi ! Chống bọn nằm ỳ ! không sáng
tạo”, là lời hô hào có ý thức phát động quần chúng đấu tranh chống sự lãnh đạo
cuả Đảng”.
Dần đã gian ngoan bịp bợm được một số người mơ hồ, nhẹ dạ.
Nhưng Đảng và quần chúng vẫn sáng suốt nhìn thấy. Gần đây, Dần
cũng đã cảm thấy bộ mặt thực cuả mình sắp bị phơi bầy ra ánh sáng. Nhưng tư
tưởng phản động cuả Dần vẫn ngoan cố đến cùng, Dần đẻ thêm một sáng tác: “Chú
bé đêm giao thừa”...Trong truyện ngắn này, Dần kể lại chuyện hai em bé trốn
khỏi trại trẻ cuả chúng ta, lang thang giưã đêm giao thưà giá rét vẫn không
chịu quay về trại. Ý Dần muốn nói “dù có thế nào chăng nưã, Dần vẫn kiên quyết
đi theo con đường đen tối cuả mình, không chịu quay về với tập thể”.
Dần luôn luôn tự nhận mình là thông minh hơn Đảng hơn quần
chúng; cái kiêu ngạo điên rồ mù quáng đã đưa Dần đến chỗ thực sự mù quáng điên
rồ...Các bậc đàn anh Đang, Thảo cũng không giải quyết được cho Dần bế tắc
này...Dần đến nhà Tử Phác hút thuốc phiện. Và đã có lúc Dần tìm đến thày bói,
nhờ gieo quẻ đoán tương lai vận mệnh cuả mình. Mới ba năm xa Đảng, xa tập thể,
đôi mắt Dần còn mở, nhưng Dần đã không nhìn thấy gì nưã.
Nghe ngóng đây đó, biết sắp học tập kiểm điểm, Dần tìm chúng bạn
bàn cách đối phó. Dần đưa ý kiến: “Để không khí căng thẳng thế này không lợi,
phải “giải tỏa tình hình” cho mau. Nên vờ xét lại tất cả các việc phá phách từ
phê bình thơ Tố Hữu đến nay, nhận một số khuyết điểm, cùng lắm có thể nhận tự
phê bình trên báo, để làm cho lãnh đạo mềm (!) đi”. Tiên chỉ Văn Cao định đi vẽ
các lãnh tụ để có dịp ton hót bào chữa cho bọn mình. Tử Phác bàn: “tung tin
đánh hữu phái bừa đi để chẹn trước lãnh đạo”. Tư tưởng cuả Dần đã sa đọa đến
mức Dần suy nghĩ đúng như một nha lại mọt ruỗng thời xưa, Dần xui Văn Cao:”Hôm
nào ra Câu lạc bộ, vờ khen ít câu thơ Tố Hữu…” Và chính Dần đã vờ phát biểu một
vài ý kiến xây dựng ở Câu lạc bộ nhà văn, rồi xin gặp đồng chí Tố Hữu, để, theo
tiếng nói của bọn Dần, “dò mẹo của lãnh đạo”. Mưu mẹo này không xuôi.
Trước khi vào lớp học của văn nghệ sĩ, Dần đã bàn bạc với các
phần tử “Nhân văn” kế hoạch đối phó rất cụ thể, định mức độ nhận gì, chối gì,
và nếu phải kiểm điểm thì sẽ dùng cách “người bị cáo tố cáo lại” (l’ accusé
accuse) để chống phá. Vào lớp bọn Dần luôn luôn hội ý, ghìm chân nhau lại. Dần
tỏ vẻ lầm lì gan góc. Học tập Dần, Phùng Quán muốn “tác động” như một “anh
hùng” kiểu “cao bồi”. Quán nói: “Ở đâu có bất công thì người ta nổi loạn”. Một
chị giận ứa nước mắt bảo Quán: “Đồ vong ân bội nghĩa!” Một đồng chí bộ đội trỏ
mặt Quán nói: “Nếu anh nổi loạn, tôi là chiến sĩ Quân đội Nhân dân tôi sẽ treo
cổ anh lên!” Mọi sự thật của bọn Dần được quần chúng văn nghệ sĩ phơi bầy ra
trước ánh sáng. Tư tưởng phản động của Dần vẫn cố thủ từng góc phố từng căn
nhà. Đến khi vỡ hai lô cốt Hoàng Cầm và Văn Cao, bấy giờ Dần mới bắt đầu nhận
những sự thật không còn thể chối cãi. Và cũng là khi Dần thấy những tham vọng
của mình, đang phóng Dần bay vút lên từng không, bốc khói. Dần luôn lẩm nhẩm
hai câu thơ của Mai-a:
Ông vua An-be đã mất cả thành trì
Còn nhiều của cải hơn tôi nhiều lắm!
Sự kiên nhẫn giáo dục của Đảng của tập thể đã làm cho Dần bước
đầu nhận thấy tội lỗi của mình. Dần đã nói: “…Cách mạng có tha cho song lương
tâm tôi chưa thể tha cho tôi những sự dày vò xứng đáng. Cả cuộc đời tôi còn lại
cũng không thể nào chuộc hết những tội lỗi tôi đã làm”. Chúng ta đã bị Dần lừa
dối, phản trắc nhiều lần, nhưng chúng ta vẫn mong lần này là lần cuối cùng, Dần
sẽ thực thà với nhân dân, với Đảng.
KẾT LUẬN
Trần Dần đã phản bội lại quyền lợi của nhân dân không phải vì
ngẫu nhiên.
Bản thân gia đình Dần, cái nôi chăm ẵm Dần từ khi lọt lòng, là
một cuộc chống đối nhau kịch liệt để tranh giành quyền lợi giữa những kẻ cùng
sống trên mồ hôi nước mắt của người khác; quan hệ vợ chồng, cha con, anh em
nhiều khi rất tàn nhẫn. Mẹ Dần, người Dần yêu quý nhất, hồi đầu chiến tranh sau
mấy tháng tản cư, quay về thành phố thấy mấy chục ngôi nhà bị bom đạn tàn phá,
đã tiếc của phát điên mà chết. Cùng với những tư tưởng ăn trên ngồi trốc hưởng
lạc đồi trụy, Dần còn mang thêm trong dòng máu một sự hằn thù giai cấp. Trước
cách mạng, cái xã hội do đế quốc thống trị đã bước vào thời kỳ phát-xít, chỉ
cho phép Dần phá phách và mưu đồ danh vọng bằng cách làm thơ lập dị (thực tế
chỉ là học mót tư tưởng nghệ thuật quẫn loạn mới nhập cảng của giai cấp tư sản
phương Tây), và trốn vào sinh hoạt sa đoạ nhầy nhụa, để thoả mãn mọi dục vọng
điên cuồng của mình.
Dần đã mang tất cả những cái đó đi vào cách mạng. Với những điều
kiện thực tế tham gia kháng chiến của Dần, chất thù địch trong người Dần mới
chỉ co lại.
Về Hà Nội, con người cũ của Dần hồi sinh mau chóng. Vì bị dồn ép
một thời gian khá dài, nó bật tung ra. Gặp khi cách mạng vấp khó khăn, các tư
tưởng phản động của bọn Hồ Phong, trốt-kít, của bọn “xét lại” quốc tế, bọn gián
điệp đế quốc, bọn tư sản phản động, cũng đang quẫy, Dần hút những cái đó vào
mình như nam châm hút sắt. Dần đã phá phách hung hãn. Được ngụy trang bởi cái
áo khoác “10 năm kháng chiến”, đeo thêm cái chiêu bài bịp bợm “chống công thức
tìm cái mới”, Dần càng có điều kiện tác hại.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong một thời gian khá dài, Trần
Dần đã chạy theo bọn thù địch điên cuồng chống phá lại chúng ta.
- Nguồn: "Văn nghệ quân đội", số 5 (tháng 5/1958), tr.
57-62.
- Các bài viết về Chuyện làng văn0
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
Vũ Thị
Hương Mai giới thiệu
Tác giả: Hữu Mai
- nguồn facebook: Lại Nguyên Ân
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét