NHỮNG LÚC CẦN THIẾT CŨNG NÊN PHÊ BÌNH BẠN - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
NHỮNG LÚC CẦN THIẾT
CŨNG NÊN PHÊ BÌNH BẠN
*
Phê bình là cách tốt nhất chỉ ra cho bạn những sai lầm, thiếu sót để bạn sửa chữa, đi đến hoàn thiện hơn. Kèm theo thái độ thân ái, chân thành, những lời phê bình đúng lúc sẽ là những liều "thuốc đắng dã tật". "Người bạn thành thực là người chỉ những lỗi lầm cho mình mà không sợ mất lòng". Doudeau Ville đã nói như vậy. Quả thực, chỉ những người bạn thật sự mới có thể biết được loại thuốc nào trị chứng sai lầm ở ta, và khi đó dù có khó uống đến đâu họ cũng tìm mọi cách để cho ta tiêu hoá. Bởi lẽ cái đích cuối cùng là khỏi bệnh. Vì thế, những lúc cần thiết cũng nên cho bạn nghe những lời chỉ trích phê bình.
Điều quan trọng là phê bình với thái độ như thế nào chứ không phải là phê bình cái gì. Trước hết chúng ta lấy thái độ tôn trọng bạn làm kim chỉ nam. Dù bạn có sai phạm thì bạn vẫn là một con người, vẫn là một cá nhân có ưu điểm bên cạnh khuyết điểm. Không nên chăm chăm săm soi vào những lỗi lầm của bạn để mạt sát, quở mắng. Chúng ta hãy đặt họ dưới ánh sáng để có thái độ đúng đắn hơn. Syrus đã dạy ta rằng "Trách bạn kín đáo nhưng hãy khen bạn công khai". Đầu tiên, chúng ta phải khen bạn trước đã. Khen ngợi chính là vị ngọt khiến cho mọi liều thuốc trở nên dễ uống hơn. Tất nhiên, những lời khen ngợi ở đây phải xuất phát từ thái độ chân thành chứ không phải là xu nịnh, tâng bốc. Những lời khen phải cụ thể. Thực ra, người ta cũng rất dễ phân biệt đâu là lời khen thực sự và đâu là những lời tâng bốc thường rất chung chung, không có cơ sở, mấu chốt nào cả. Người ta sẽ thấy sự sáo rỗng, nhạt toẹt như nước lã trong những lời tâng bốc. Và do đó, chính những lời tâng bốc ấy sẽ giết chết tình bạn, bởi ở đó không có sự chân thật. Ngược lại, những lời khen ngợi thật lòng biểu hiện một thái độ khích lệ chân tình, công nhận ưu điểm tài năng của bạn, vì vậy mà bạn cảm thấy mình đang được đánh giá, được nhìn nhận đúng mức. Khi ấy, những lời chỉ trích nhẹ nhàn sẽ dễ lọt tai hơn. Họ sẽ tự cảm thấy đó là thiếu sót, là sai lầm đáng sửa chữa. Và khi ấy không cần nói nhiều, tự họ sẽ hiểu ra vấn đề. Ta nên kết hợp phê bình với khen ngợi, phân tích sai lầm cho bạn hiểu.
Cũng nên gợi nhắc cho bạn bè nhớ lại những điểm tốt, xấu của bản thân anh ta. Cùng một vấn đề nhưng dùng phương pháp gợi nhớ hữu hiệu hơn rất nhiều so với lời nói áp đặt, trịnh thượng. Khi muốn nhắc một người, bạn không nên nói: "T, tôi cuộc là anh biết điều tôi sắp nói..." hay "cậu có biết mình định nói gì không?". Bởi nói như thế là bạn đang thử thách trí nhớ chứ không phải trí thông minh của họ. Phần lớn mọi người không cảm thấy xấu hổ vì một trí nhớ không tốt lắm bởi có thể khôi phục lại, nhưng nếu bị coi là một thằng ngố thì người ta rất ghét và uất ức. Do vậy, trong từng lời ăn tiếng nói lúc này cần hết sức khéo léo, tế nhị. Thay vì những lời nặng nề khô khan, bạn có thể "đánh" vào tâm thức của người khác bằng những câu như ''mình đã thấy Ph. làm việc này rất tốt. Chắc đây chỉ là do sơ ý thôi phải không?, hoặc "Giá H. làm thế này mình sẽ hài lòng hơn"... Những lời nhẹ nhàng ấy có thể giúp bạn đạt được mục đích.
Trong khi phê bình bạn bè ta cũng nên chú ý tránh những câu nói, cử chỉ làm mất mặt bạn. Đừng bao giờ dùng những lời như "anh dở hơi", "cậu xử sự tồi quá"... nên có thái độ khoan dung trước những sai lầm của bạn. Tuyệt nhiên không nên hà khắc đối với bạn. Ai cũng có ít nhất một lần lầm lỗi. Vì vậy, ngoài việc coi trọng sở trường của bạn bè, cũng cần bỏ qua, bổ khuyết cho những sở đoản của họ. Cho dù bạn có hiểu lầm mà xúc phạm đến ta, ta vẫn nên giữ thái độ khoan dung lượng thứ. Trước sau gì, sự cao thượng này cũng được đền đáp. Chỉ cần lương tâm của bạn vẫn còn thì bạn sẽ có lúc tỉnh ra, lúc đó, bạn tự biết ăn năn mà hối lỗi với ta và nể phục ta, yêu kính ta hơn. Khoan dung đại lượng với bạn bè sẽ làm cho cuộc sống nói chung cũng như mối quan hệ bằng hữu nói riêng trở nên nhẹ nhàng thoải mái vui vẻ, không bị áp lực tâm lý.
Ở đâu có tình bạn thực sự thì ở đó có sự khoan dung. Bởi lẽ, như David Storey đã nói: "Bản chất của tình bạn chân thật là khoan dung với những lỗi nhỏ của bạn". Có thể nói sự khoan dung chính là điều kiện cần để cho tình bạn tồn tại. Saint-Francis de Sales thật có lý khi cho rằng "Tình bạn đòi hỏi sự thông cảm sâu xa giữa những người bạn. Nếu không, tình bạn không thể nảy sinh hoặc tồn tại". Chính Voltaire cũng khẳng định: "Nếu luật lệ đầu tiên của tình bạn là phải vun đắp nó thì luật lệ thứ nhì là phải độ lượng khi luật lệ thứ nhất sao nhãng".
Phê bình bạn để bạn "sáng mắt" ra là rất cần thiết, nhưng còn cần hơn là sự yêu mến, khoan dung đối với bạn bè. Bởi mắt có thể nổ trước khi sáng ra nếu được nhận những giọt thuốc quá đắng, ngược lại sự dịu nhẹ, êm ái lại dễ làm nó chóng lành "bệnh" hơn.
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn








...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 01.08.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét