“Ở GÓC PHỐ TRÀNG THI” KHÔNG PHẢI LÀ THƠ - Tác giả: Đỗ Hoàng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nhà thơ Trúc Thông - Nguồn ảnh: Internet)
“Ở GÓC PHỐ TRÀNG THI”
KHÔNG PHẢI LÀ THƠ 
*
Ở GÓC PHỐ TRÀNG THI

xanh như ngọc thời gian ta đã uổng
đuổi theo những mốt
tuột bao bậc thầy
muốn cầm tay ta
lặng lẽ trong Thư viện Quốc gia

hotel mười mấy lầu xanh đỏ
điện công ty rừng rực
chắn làm sao thư viện của ta
ta ra chơi cùng bác đa già
đu vào bác đã mấy đời con cháu...
*.
TRÚC THÔNG

LỜI BÌNH:
(Nhà thơ Đỗ Hoàng)
Ở Đài Tiếng nói Việt Nam trước đây có hai nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi và Trúc Thông. Anh em thường nói đùa, một người đau chữ, một người đau đời.  Nguyễn Bùi Vợi đau đáu quê nhà viết theo thể truyền thống mang đậm chất Xứ Nghệ, khu Bốn; Trúc Thông trước cũng viết theo thể truyền thống nhưng sau đó ông đoạn tuyệt lối thơ cũ tìm cách đổi mới cố đẽo gọt chữ nghĩa muốn mong làm một cuộc cách tân lớn thơ Việt. Nhưng than ôi! Ông biến thơ từ một người có da có thịt trở ra một khung xương méo mó, chỗ có xương, chỗ toàn đất sét nên không ra hình thù gì cả:
“Điêu trác tự thị văn chương bệnh
Kỳ hiểm vưu thương khí cốt đa”
(Cổ nhân)
(Đẽo gọt là bệnh của văn chương/Kỳ quái, tắc tỵ, bí hiểm thì hại đến hồn thơ)
Bài “Ở góc phố Tràng Thi” là một sự điển hình cho lối thơ tìm tòi đến nỗi phi  thơ ca của Trúc Thông.
Bài này từ cách đặt tựa đề đến lập tứ chọn từ, chọn ngữ, cách thể hiện đều không có tý gì gọi là thơ (!)
Tựa đề Ở góc phố Tràng Thi là quá rộng, nó không sát với nội dung bài viết. Vì ở góc phố Trang Thi có bao nhiêu là công sở, tư sở và cả dân du thử du thực lãng vàng ngày đêm nữa. Mà Thư viện Quốc gia tác giả đang nói đến thật sự là nằm trung tâm phố Tràng Thi rất đường bệ, rất khang trang. Trong văn chương đặt tựa đề hay đúng là bài văn đã đạt giá trị trên 50%. Đặt tựa đề như trên là hỏng 100%.
Tiếp đến hai câu vào bài là hai câu không thơ và kém từ cách chọn chữ, lập ý. “Học làm sao hết chữ cũ trên đời”. Đúng là học là sao hết chữ trên đời. Nhưng ai lại gọi chữ cũ. Chữ làm sao cũ được? Trúc Thông muốn tìm một cách nói cho khác người cho lạ tai, hóa ra lại không khác người mà lại cũ hơn người. Trúc Thông cố làm mới nhưng nó không mới. Cũng như người con gái cố làm đẹp mà mình không đẹp thì làm sao làm đẹp được. Bản thân mình phải đẹp đã chứ!
“Người xấu duyên lặn vào trong
Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”
(Ca dao)
Tiếp câu “Sách chồng nên núi”. Câu này lại quá cũ k , thừa ra. Đương nhiên sách của nhân loại thì chồng cao như núi rồi. Điều đó là điều hiển nhiên không cần nhà thơ Trúc Thông phát hiện. Trúc Thông đã không có phát hiện gì ở đây mà lại nói thừa ra. Người ta so với núi là những cái đau thương, cái giàu sang, cái vui, cái bi thảm  không bao giờ như núi nhưng gần như núi mới tạo ra ấn tượng mạnh, có sức liên tưởng lan xa:
- Xương chất cao như núi
- Xương chất thành núi
- Máu chảy thành sông!
- Vàng chất cao như núi
“Xanh như ngọc thời gian ta đã uống” là một câu nói của nhưng eng, những ả 8x, 9x đong đưa làm duyên làm dáng không phải lối. Câu viết cho có ảo huyền cho có siêu thực nhưng nó là một câu viết rất vô duyên!
Tiếp sau là các câu viết vô duyên trơn tuột nối theo như thế:
“đuổi theo những mốt
tuột bao bậc thầy
muốn nắm tay ta...”
Tác giả lại dùng từ nửa Anh, nửa Việt: “hotel mười mấy lầu xanh đỏ”. Sao lại viết nguyên từ tiếng Anh hầu theo như vậy? Chữ Việt có kia mà: Lều nghỉ, nhà nghỉ, từ Hán việt hóa như: Khách sạn có phải dễ đọc, dễ nhớ hơn không? Ngay cả từ  Ô - ten tiếng Pháp thì cũng có nhiều người Việt biết hơn là từ hotet.
Câu kết là câu rất phản cảm, nghe nó thô lậu thế nào nhất là nói lái người miền Trung đu nặng: “đu vào bác mấy đời con cháu”. Tìm tòi gì mà quái gỡ như thế này? Câu nói bộ này trong khẩu ngữ nghe đã chối tai đừng nói đưa nó vào thơ mà lại làm câu kết.
Nhà thơ Trúc Thông rất cố gắng tìm tòi, tự bứt phá mình nhưng:
“Thiên nhai vô bờ
Hồi đầu ngưỡng ngạn”
(Chân trời mênh mông
Ngoảnh lại đã gặp bờ)
Và cuối cùng thì:
“Hòn đá bên đường thành bại
Mỉm cười tay trắng đời trai”
Người ta chỉ nhớ bài thơ lục bát “Bờ sông vẫn gió” của Trúc Thông và chỉ có nhớ một câu:
“Bờ sông vẫn gió người không thấy về”.
Thế cũng đã an ủi lắm rồi!
*.
ĐỖ HOÀNG
Quê quán: Cao Vân, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Email: donguyenhn@yahoo.com
Điện thoại: 0913369652






  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 28.06.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét