(Vua Bảo Đại ngày mới lên ngôi - Nguồn ảnh: Internet) |
VUA BẢO ĐẠI
LÀ CON AI?
Khi chế độ quân chủ đang còn (trước 1945), chuyện thân thế không chính
thống của vua Bảo Đại chỉ tồn tại qua cửa miệng. Từ sau 1975 thì dư luận được
định hình bằng chữ nghĩa sách vở đàng hoàng. Trong nước, có nhiều tác giả viết
về đề tài này (Nguyễn Đắc Xuân, Phạm Khắc Hòe, Phan Thứ Lang), ngoài nước thì
có Nguyễn Lý Tưởng, Trần Gia Phụng, và chính người viết cũng có một vài dòng
qua Chuyện cung đình nghe kể lại.
Trong cuốn Bảo Đại, vua cuối cùng Triều
Nguyễn (nxb Đà Nẵng, 2004), tác giả Phan Thứ Lang đã có mục Bảo Đại con ai
(tr.12-23) để duyệt lại toàn bộ vấn đề này, trong đó ông đã trích dẫn khá nhiều
tài liệu của hai tác giả Nguyễn Đắc Xuân và Phạm Khắc Hòe. Vì vậy, để tiện cho
độc giả hải ngoại tra cứu, tôi chỉ trích dẫn lại từ Phan Thứ Lang vì thấy sách
này có lưu hành ở Hoa Kỳ.
(Tác giả Võ Hương An) |
Bà tôi kể: một đêm nọ, sau khi dự tiệc ở lầu Sứ (Tòa Khâm Sứ) về, ông hòang
(tức vua Khải Định về sau) ngó bộ ngà ngà và hứng tình, gọi anh người hầu, biểu:
“Coi có đứa mô ở dưới đó, kêu lên cho ta một đứa.” Người hầu vâng lịnh đi kiếm.
Thường thì trong phủ có hai ba chị, nhưng hôm đó chị thì đi ra ngoài có việc,
chị thì có tháng, chỉ một mình chị Út rảnh rang sạch sẽ nên được kêu lên hầu.
Sau đó chị Út có thai. Đức Thánh Cung (mẹ đích) và Đức Tiên Cung (mẹ đẻ) khi
biết chị Út có thai, liền mở một cuộc tra hỏi gắt gao. Vì cái bụng chị Út đã
lùm lùm, nên các ngài cho đào cái hố nông, bắt chị Út nằm sấp bụng xuống đó cho
an tòan rồi mới sai nhịp roi vào mông mà hỏi tội. Dù bị đánh nhưng trước sau
chị Út cũng chỉ một mực khai là có thai với ông hòang. Hỏi ngày tháng gần nhau,
chị Út khai ra, hai bà biểu ghi sổ và hăm rằng: “Nếu sau ni mi đẻ không đúng
ngày đúng tháng thì ta chém đầu ba họ.” Chị Út khóc lóc cam đoan là đúng sự
thật. Hai bà đem việc này hỏi lại ông hòang thì ông cũng công nhận đúng y như
vậy. Sau sinh ra vua Bảo Đại, tính ngày tháng đúng y như đã khai nên hai ngài
mới công nhận.
Nội dung câu chuyên mệ ngoại tôi kể cũng tương tự như các tài liệu đã dẫn.
Cái điều mà dư luận đồn đãi là ông hoàng Phụng Hóa bất lực nên không thể nào có
con được, và dường như dư luận này nở rộ sau năm 1916, khi ngai vàng bỗng may
mắn lọt vào tay ông hoàng Phụng Hóa.
Người thì nói rằng đó là con của ông Hường Đề, một người, kể về thế thứ ở
vai ông (Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh, theo Đế hệ thi : Hường Đề/Bưủ Đảo) nhưng
lại là bạn rất thân của ông hoàng Phụng Hóa, và như vậy thì vua Khải Định đã
nhận chú làm con [1]. Kẻ thì đồn rằng đó là con của Thừa Mai, một người hầu của
ông hoàng; thậm chí, có kẻ nói rằng đó là con của ông Dương Quang Lược, em ruột
của bà Tiên Cung [2] Đóng góp vào rừng tin đồn này hẳn người trung thực thì ít
mà kẻ ác cảm với ông hoàng thì nhiều, lại được người hiếu sự khuyếch đại nên dễ
lan xa, phổ biến. Chính vì những tin đồn này nên khi vua Khải Định bày tỏ ý
định lập Hoàng tử Vĩnh Thụy làm Đông cung Thái tử, Tòa Khâm sứ Trung kỳ đã phải
điều tra cặn kẽ rồi mới chấp thuận.
Cụ Trần Trọng Phúc, một nhân sĩ lão thành người Huế ở Mountain View, Bắc
California, vốn có bà con cả hai bên, phía bà Tiên Cung và cà bà Từ Cung, biết
rất nhiều chuyện của Huế xưa. Trong cuộc nói chuyện ngày 25/4/2005 tại nhà riêng
và những lần điện đàm sau đó, đã cho biết những chi tiết khác về quảng đời thơ
ấu, hàn vi của bà Cúc. Theo cụ Phúc, qua lời kể lại của bà nội, thời hàn vi bà
Cúc có tên là Khế, vì là con út nên mới gọi là Út. Cái tên Cúc mới có sau khi
gá nghĩa với ông hoàng Phụng Hóa cho lịch sự. Mẹ bà Cúc có một đời chồng trước
sinh ra ông Tứ Huề [3] Sau khi chồng chết, bà về ở với chị ruột, là vợ ông Phủ
Tích, rồi làm lẻ ông này, sinh ra bà Cúc. Ông Tứ Huề có công bồng ẳm săn sóc em
gái khác cha khi còn nhỏ nên khi nên danh phận, bà Cúc không bao giờ quên ơn,
thường giúp đở mọi cách. Bà Cúc còn có một người anh cùng cha khác mẹ là ông
Hường Khanh. Ông hoàng Phụng Hóa khi còn tiểm để là một người ham chơi, các món
bài bạc không thiếu, vì vậy thường mắc nợ. Một trong những chủ nợ đó là bà Phủ
Tích. Người thường được sai đi đòi nợ là bà Cúc. Không phải khi nào ông hoàng
cũng có tiền để trả nợ nên phải lui tới nhiều lần. Trong một lần như thế, gặp
lúc ông hoàng đang tắm, ông kêu bà Cúc vào kỳ cọ rồi hứng tình mà sinh ra có
con. Khi bà Cúc sanh Hoàng tử Vĩnh Thụy, chính bà nội cụ Phúc và ông Hường
Khanh là hai người lo chăm nuôi săn sóc. Trong thời gian có bầu, bà Cúc vẫn ở
tại phủ Phụng Hóa; người ta cất một cái chòi nhỏ ở góc vườn, xa khuất nơi ăn ở
thường ngày để làm chỗ “nằm nơi” (sinh đẻ) cho bà Cúc [4] Mặc dầu sinh con trai
và tính ngày tính tháng thi đúng như đã khai nhưng hai bà Tiên Cung và Thánh
Cung vẫn chưa công nhận ngay đứa bé sơ sinh là cháu. Một hôm Bà Chúa Tám [5]
tới thăm. Thấy cái chòi lấp ló ở góc vườn bèn hỏi hai bà. Hai bà nói đó là
“chòi cất cho con Khế nằm nơi”. Bà Chúa Tám nghe nói thế bèn đi ra thăm. Sau
khi thăm xong, trở vô, bà khen “cái mặt nó giống anh tui [6] như đúc, mà răng
để thiếu tả thiếu áo tội nghiệp” Hai bà Tiên Cung và Thánh Cung nghe vậy mới
động lòng, nhìn nhận là cháu và sai đem áo cũ của các bà ra cho để làm tả và
may xơ (áo) cho cháu. Vì cái ơn này nên khi có quyền hành, vua Khải Định đã trả
ơn bằng cách can thiệp với người Pháp cho Bà Chúa Tám được độc quyền mở sòng
bài lớn nhất ở Huế mà trước 1945 ở Huế ai cũng biết tiếng “Sòng bài Bà Chúa
Tám”..
Ngày nay việc truy tầm phụ hệ không còn là chuyện khó khăn vì đã có phương
pháp xét nghiệm DNA chính xác. Tôi tin rằng sẽ có lúc người ta làm được việc đó
nếu có dịp thu được mẫu sinh học của hai vua Khải Định và Bảo Đại và hậu duệ.
Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên vài điểm rất thực tế mà đang khi say sưa đồn
đãi theo ý riêng hay dưới sự chi phối của nhãn quan chính trị [7], người ta đã
vô tình hay cố ý bỏ qua để nói cho sướng miệng. Những thực tế đó sẽ được đặt
thành câu hỏi, và khi trả lời câu hỏi có nghĩa là tiếp cận được sự thật.
1) Làm sao giải thích cho ổn về sự giống nhau
về ngoại hình giữa Khải Định và Bảo Đại?
Cha con giống nhau là thường; cha cao mà sinh con thấp và ngược lại; cha
mập mà sinh con ốm và ngược lại; là những điều cũng thường thấy và vốn không
mấy khi gây thắc mắc ở người đời, nhưng một khi đã nói rằng giữa hai bên không
phải là cha con mà lại giống nhau thì cần phải có lời cắt nghĩa hợp lý mới
được, chứ không thể nói bừa như một người nào đó nói rằng vì em của bà Tiên
Cung (mẹ vua Khải Định) là ông Dương Quang Lược lấy bà Cúc sinh ra vua Bảo Đại
nên mới có sự giống nhau đó. Sự giống nhau đó không những người Pháp công nhận
mà ngay cả người xa lạ với chốn cung đình như cụ Vương Hồng Sển một khi được
thấy tận mắt hai bố con bằng xương bằng thịt cũng đã viết “…thậm chí con ruột của ông giống ông như
khuôn đúc, mà miệng thế gian ăn mắm ăn muối vẫn đồn không phải thật con.”
(Vương Hồng Sển, sđd, tr.289)
Ngày nay, qua hình ảnh, chúng ta cũng có thể nhận ra nét giống nhau của hai
nhân vật này thể hiện qua chiều cao và khuôn mặt, nhất là cái mũi. Cả hai đều
có cái mũi cao và kín, cả hai đều có chiều cao không hổ thẹn với người Pháp, dù
một bên gầy ốm và một bên mập mạp. Thế là thế nào?
2) Ông hoàng Phụng Hóa (vua Khải Định) nhận
con người khác làm con vì lòng hiếu đối với mẹ?
- Người ta nói rằng vì để tỏ lòng
hiếu đối với hai bà mẹ, vì muốn làm vui lòng hai bà mẹ mà phải dựng kịch bản có
con [8] Vua Khải Định được đào tạo trong nền văn hóa cổ. Hẳn vua dư biết rằng
“Bất hiếu hữu tam, vô tự vi đại” -- trong ba điều bất hiếu thì việc không có
con nối dõi là tội lớn nhất - nhưng đồng thời vua cũng phải biết rằng để tỏ lòng hiếu với hai bà mẹ bằng
cách nhận con người khác làm con, thì đều này lại càng bất hiếu đối với cha mẹ
và tổ tiên dòng họ hơn nữa! Nhất là khi nhận con của một người vai ông để làm
con thì quả là cương thường điên đảo. Nếu ông hoàng Phụng Hóa là một người duy
vật, thì điều này có xảy ra cũng không lạ. Dẫu rằng trong lịch sử, đã có một
Trần Thủ Độ vì muốn bảo vệ ngai vàng cho Nhà Trần nên đã buộc người trong họ
lấy nhau, chấp nhận loạn luân, nhưng ở trường hợp của một người chưa đánh mất
lương tâm, vẫn còn biết tôn trọng những giá trị đạo đức cổ truyền như ông hoàng
Phụng Hóa, làm gì mà phải táng tận luân thường đến thế? Ông có thể che mắt thế
gian nhưng ông không thể che mắt tổ tiên. Vả chăng, ông hoàng Phụng Hóa không
phải là người duy nhất trong dòng họ lâm vào cảnh vô tự. Ông dư biết rằng tiền
bối của ông là vua Tự Đức, vốn nổi tiếng là người con hiếu đối với thân mẫu là
Thái hậu Từ Dũ, cũng vô tự, phải nuôi cháu gọi bằng bác [9] làm con để chờ kế vị, và đâu có giải
quyết vấn đề một cách vô đạo như vậy? Vậy nên thuyết “mượn người đúc cốt” để
“tráng men” làm con là vì lòng hiếu với mẹ, muốn làm vui lòng mẹ, là một thuyết
không hợp lý, nếu không nói là quá gượng ép.
3) Việc ghi danh vào sổ bộ của Hoàng tộc
(Ngọc phả) như thế nào?
Trong chế độ quân chủ, nhà nước quản lý con người bằng làng xã và tộc họ.
Việc xử một tội phạm phản nghịch bằng án “tru di tam tộc” (giết ba họ, là họ
cha, họ mẹ và họ vợ) được các triều đại áp dụng giống nhau nhằm củng cố quyền
lực. Vì thế, để bảo vệ nòi giống, các dòng họ phải có biện pháp kiểm soát nội
bộ, nắm vững người trong họ, không cho người khác dòng máu đánh lộn sòng, sợ có
hậu quả không tốt về sau. Vào thời bấy giờ, khi chưa biết DNA là gì, bằng kinh
nghiệm và cảm tính, khi nghi ngờ về phụ hệ, người ta dùng phương pháp “chích
huyết giao hòa” để xác minh thân phận một người, mặc dầu ngày nay khoa học biết
rằng đó là phương pháp không đúng. [10] Một Họ chia ra làm nhiều Nhánh, một
Nhánh lại chia ra làm nhiều Chi. Tùy theo qui định riêng của mỗi họ mà có độ
tuổi vô Chi, vô Nhánh, vô Họ khác nhau; chẳng hạn, 9 tuổi vô Chi, 12 tuổi vô
Nhánh, 15 tuổi vô Họ. “Vô” có nghĩa là xin gia nhập và được chấp nhận vào cộng
đồng đó, và phải qua một nghi lễ, ít ra là khay cau trầu rượu, có khi với chút
đỉnh lệ phí, do cha hay chú bác đứng ra xin.
Trong dân gian mà biện pháp kiểm soát nội bộ còn chặt chẽ như thế, huống hồ
là hoàng tộc. Vua Minh Mạng lập ra Tôn Nhơn Phủ với một tổ chức nhân sự đủ mạnh
để làm việc, ban hành Đế hệ thi, Phiên hệ thi [11] để phân biệt trưởng, thứ,
thân sơ; qui định thể thức ghi danh vào sổ hoàng tộc; đặt chức vụ quản lý từng
Phòng, Hệ v.v đều nhằm mục đích tránh lộn sòng gây nguy hại cho dòng họ.
Trong bối cảnh đó, liệu ông Hoàng Phụng Hóa có đủ quyền lực hoặc thế lực để
cứ làm bừa đi (nhận con người khác làm con) rồi áp lực hoặc mua chuộc các giới
chức có thẩm quyền trong Tôn Nhơn Phủ để họ phải chấp nhận cho ghi tên Vĩnh
Thụy vào Ngọc phả? Nếu không vì áp lực của ông hoàng Phụng Hóa để làm việc sai
nguyên tắc đó, thì hóa ra những viên chức vụ có trách nhiệm và có thẩm quyền
tại Tôn Nhơn Phủ đều là hạng ngớ ngẩn không biết gì hết sao? Kinh đô Huế nhỏ
lắm, có tin đồn gì mà không biết? Lệ năm Minh Mạng thứ 19 (1818) định rằng các
hoàng tử tước Công (ví dụ Phụng Hóa Công) và Thân Công khi sinh được con trai
hay con gái thì ngày hôm ấy làm giấy đóng ấn của mình báo cho Tôn Nhơn Phủ
biết. [12] Ông Hoàng Phụng Hóa cũng phải qua thủ tục đó. Nếu ông đã làm như vậy
và Phủ Tôn Nhơn đã chấp thuận, chính thức ghi danh Vĩnh Thụy vào Tôn phả mà
không thắc mắc thì người ngoài sao lại lắm chuyện?
4)Liệu ông hoàng Phụng Hóa có vì một mưu đồ
tương lai mà nhận con người khác làm máu thịt của mình không?
Nếu ông hoàng Phụng Hóa nhận con người khác làm máu thịt không phải do lòng
hiếu đối với mẹ, thì vì động cơ gì? Dọn đường đi đến ngai vàng chăng?
Theo Phạm Khắc Hòe, sau khi truất phế vua Thành Thái vào năm 1907, trong
một cuộc họp giữa Khâm sứ Trung kỳ và các quan lớn của triều đình Huế, người
Pháp muốn chọn ông hoàng Phụng Hóa lên thay nhưng nhiều đình thần phản đối,
không muốn chọn người “vô tự” làm vua, do đó phải chọn vua Duy Tân. [13] Phải
chăng vì biết chỗ thiếu sót này nên ông Hoàng Phụng Hóa đã kiếm con người khác
lấp vào chỗ trống để chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho tương lai?
Như ta đã biết, hoàng tử Vĩnh Thụy sinh ngày 22/10/1913 (23 tháng 9 Quí Sửu).
Nếu lấy 9 tháng 10 ngày mang thai làm chuẩn thì việc hai bên nam nữ gần nhau để
đem lại hài nhi đó phải xảy ra vào đầu năm 1913. Vào cái thời điểm 1913 đó, đầu
năm hay cuối năm cũng thế, tình hình an ninh và chính trị của Đông Dương rất ổn
định, địa vị của vua Duy Tân rất vững vàng, chính quyền bảo hộ rất yên tâm về
ông vua trẻ đang lớn này. Đó không phải là điều kiện thuận lợi để cho ông hoàng
Phụng Hóa nuôi một hy vọng mơ hồ về ngai vàng tương lai để mà thúc đẩy đi kiếm
con. Vì vậy, nghi vấn này đặt ra cũng không có cơ sở vững vàng. François de
Tessan, khi viết bài giới thiệu về vua Khải Định, đăng trên Revue de Paris, có
nói rằng đang khi sống một cuộc đời khiêm tốn bên bờ sông An Cựu, ông hoàng
Phụng Hóa không dám mơ tới một ngày kia ngai vàng tới tay [14]
Thế nên, trong bài viết Chuyện cung đình nghe kể lại tôi đã có viết vắn tắt
rằng:
“Giữa
những chuyện đồn đãi về nguồn gốc vua Bảo Đại, tôi nghĩ rằng người ta quên một
điều rất quan trọng, đó là việc hoàng tử Vĩnh Thụy được sinh ra và được công
nhận là chính thống ngay từ khi vua Khải Định đang còn tiềm để, nghĩa là đang
còn là một ông hoàng ngồi chờ thời. Đang là một ông hoàng chờ thời, vậy mà đã
toan tính nuôi con người khác để chờ kế vị? Làm sao có chuyện ngược đời đến
thế?”
Khi viết về thời thơ ấu của vua Bảo Đại, Trần Gia Phụng đã có một kết luận
về thân thế của nhân vật này như sau: “Nói
cho cùng, về mặt pháp luật, khi hai người kết hôn thành vợ chồng, người vợ sinh
con mà người chồng không thắc mắc khiếu nại gì về lai lịch đứa con; và nếu người
con đó khi đủ 18 tuổi không kiện tụng để truy nguyên nguồn gốc của mình, thì
người con đó đương nhiên là con của cặp vợ chồng này. Trong trường hợp vua Khải
Định, nhà vua nhận Vĩnh Thụy là con mình, đã hết lòng lo lắng cho tương lai của
Vĩnh Thụy. Khi lớn lên, Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại, rất hãnh diện là con của
vua Khải Định. Ngoài ra, sự ra đời của ông Vĩnh Thụy còn được còn được hai bà
mẹ của ông hoàng Bửu Đảo (tức vua Khải Định) chính thức thừa nhận. Vậy là toàn
thể thành viên trong gia đình ông Khải Định hoàn toàn cùng một ý kiến về việc
này, thì không có gì để nói thêm về lai lịch của ông Bảo Đại. Chỉ khi nào một
người bị chính cha mình từ bỏ vì bất hiếu hay có vợ con mà giấu diếm, giết vợ,
chối con, giao cho người khác nuôi mới đáng bàn cải cả về pháp lý lẫn về đạo
đức.” [15] Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm đó./
---------------
Chú thích:
[1] Phan
Thứ Lang, sđd, tr .17. Ông Hường Đề cùng tuổi với vua Khải Định (sinh 1885),
xuất thân Tây học, bạn rất thân của ông hoàng Phụng Hóa, thường giúp thông ngôn
khi ông hoàng phải tiếp xúc với người Pháp. Ra đời với nghề dạy học, năm 1916,
khi ông hoàng trở thành vua Khải Định, ông Hường Đề được phong làm Ngự tiền Văn
Phòng. Và sau đó làm đến Tham tri Bộ Lễ, Bố chánh Thanh Hóa.
[2] Xem Phan Thứ Lang, sđd, tr..
[3] Nhờ Đức Từ, ông Huề gia nhập quan trường, ngạch quan võ. Khi ông lên
chức Đội trưởng thì người ta gọi là ông Đội Huề, đến khi lên Tứ đẳng Thị vệ thì
người ta gọi là ông Tứ Huề. Trước 1945, ông thỉnh thoảng ông đến nhà chơi nên
tôi có biết nhân vật này.
[4] Trước 1945, nhà hộ sinh không phổ biến, huống chi là đầu thế kỷ 20.
Sản phụ thường sinh nở tại nhà, với sự đở đẻ của bà mụ vườn. Người ta vẫn cho
rằng sinh đẻ là chuyện ô uế nên không cho sinh trong nhà mà cất một cái chòi ở
góc vườn dành cho việc này. Bản thân người viết cũng sinh ra do bà mụ vườn .
[5] Tức Công chúa Tân Phong, con của vua Dục Đức, em vua Thành Thái.
[6] Kể về thế thứ trong gia tộc thì Bà Chúa Tám là vai chị, kể về tuổi tác
thì đúng là vai em.
[7] Tôi muốn nói đến tác giả Phạm Khắc Hòe và kiến giải liên hệ trong cuốn
Kể chuyện vua quan Nhà Nguyễn (nxb Thuận Hoá,Huế, 1997) của ông. Đã từng làm
quan lớn trong triều đình Huế với chức vụ Đổng lý Ngự tiền Văn phòng, có điều
kiện thuận tiện để tiếp cận những nguồn tin giúp tìm ra sự thực, vậy mà vẫn
không chứng minh được gì, để rồi cuối cùng, vì gió chính trị thổi bạt lý trí
nên đã đại ngôn kết luận rằng “bố đẻ của Bảo Đại là chủ nghĩa thực dân Pháp”
thì thật tào lao quá sức!
[8] Phan Thứ Lang, sđd., tr. 13-14, 20.
[9] Đó là: Hoàng tử Ưng Chân, sau là vua Dục Đức, thân phụ của vua Thành
Thái; Hoàng tử Ưng Kỳ, sau là vua Đồng Khánh, thân phụ của vua Khải Định; và
Hoàng tử Ưng Đăng tức vua Kiến Phước.
[10] Trước sự chứng kiến của các bậc trưởng thượng trong dòng họ, người ta
múc một bát nước đầy, chích huyết nơi ngón tay của người cha nhỏ vào bát nước,
xong lại chích huyết nơi ngón tay người con nhỏ tiếp vào. Nếu huyết của hai
người hòa quyện với nhau, ấy là cha con. Nếu không, thì giữa hai người không có
liên hệ máu huyết. Ngày nay thì ai cũng biết rằng con người thuộc các nhóm máu,
A, B, AB và O. Hai loại máu khác nhau thì không thể nào dung hợp. Cha con khác
loại máu là thường, vì vậy phương pháp chích huyết giao hoà không đúng.
[11] Đế hệ thi là bài thơ 28 chữ, qui định chữ lót cho nhưng người thuộc
dòng làm vua, dòng của vua Minh Mạng. Phiên hệ thi là bài thơ 28 chữ qui định
chữ lót cho dòng anh em của vua Minh Mạng. 8 Vua Bảo Đại Con Ai ? Võ Hương-An www.vietnamvanhien.net
[12] Hội điển, Tập I, tr. 76
[13] Phan Thứ Lang, sđd, tr.22
[14] F. Tessan, S.M.Khai Dinh, Empereur d’ Annam, La Revue de Paris, No13,
1922, tr.155
[15] Trần Gia Phụng, bđd, tr,. 108
*.
VÕ HƯƠNG AN
(tên thật: Võ Văn Dật)
Quê
quán: Thành Nội Huế (Kinh thành Huế).
Cư trú
tại: San Jose , Hoa
Kỳ.
Email: huonganvo@yahoo.com
.
............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 26.10.2015.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét