Phát triển tâm lý của trẻ Ở ĐỘ TUỔI: TỪ 3 ĐẾN 5 TUỔI - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Phát triển tâm lý của trẻ
Ở ĐỘ TUỔI: TỪ 3 ĐẾN 5 TUỔI
*
Trẻ ở giai đoạn từ 3 - 5 tuổi có sự thay đổi nhiều cả về sinh trưởng cơ thể và phát triển tâm lý. Các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm đến sự thay đổi và phát triển tâm lý ở con mình trong giai đoạn này để có những định hướng giáo dục tốt nhất trước khi con bước vào năm đầu bậc tiểu học. Thực ra, ngay từ lúc oa oa cất tiếng khóc chào đời, trẻ đã bắt đầu rồi, có nghĩa rằng, trước khi được ra đời thì thế giới tâm lý của trẻ đã bắt đầu hoạt động. Ban đầu, tâm lý của trẻ phát triển qua việc hấp thụ và tích luỹ các kích thích thông tin bên ngoài, sau đó làm nảy sinh các hoạt động tâm lý. Trẻ không chỉ tham dự vào những cuộc giao tiếp mà còn hết sức tò mò. Tình cảm của trẻ đối với thế giới xung quanh phong phú tới mức làm người lớn phải kinh ngạc. Qua đó, trẻ có được những kinh nghiệm non nớt quý báu, dần dần từ tiềm thức chuyển thành có ý thức, hình thành lên cảm nhận, ký ức, tưởng tượng, khả năng tư duy… tạo ra những cảm giác như đòi hỏi, tin tưởng, ức chế, hạnh phúc, tạo nên các đặc điểm như khả năng, hứng thú, khí chất và tính cách… 
Ngoài nhu cầu về sinh lý mang tính xã hội, trẻ còn muốn tìm hiểu và giao lưu với thế giới bên ngoài cũng như nhu cầu cảm thụ cái tốt, cái đẹp…
Có thể nói, năm đầu đời là thời kỳ mấu chốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Nhưng đến thời kỳ 3 - 5 tuổi tâm lý của trẻ thay đổi khá nhiều và nhanh, tuy nhiên chưa thể ổn định. Dù đã học ở lớp mẫu giáo lớn, nhưng trẻ vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn. Chính vì thế, cha mẹ và cô giáo cần phải tạo cho trẻ một môi trường kích thích tràn đầy hạnh phúc, niềm lạc quan tích cực cũng như cảm giác tin cậy vào người lớn.
 Một đứa trẻ ngay từ khi chưa hiểu được ngôn ngữ đã biết ngượng ngùng, buồn rầu, và lo lắng khiến cha mẹ chẳng hiểu nổi nữa. Tìm hiểu căn nguyên của những hiện tượng đó thì đều là do trở ngại phát sinh trong tiếp xúc giữa cha mẹ và con cái tạo nên. Trẻ chưa biết như mỉm cười, gật đầu hoặc làm các động tác tay để bày tỏ ý muốn của mình cho cha mẹ biết. Nếu cha mẹ hiểu đúng và đáp ứng thoả đáng thì sẽ tạo cho trẻ tâm lý luôn lành mạnh, phát triển bình thường về tâm lý, nếu ngược lại sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý ở trẻ, thậm chí gây rắc rối về mặt tâm lý khi biểu hiện. Nhưng trẻ ở 3 - 5 tuổi thì khả năng ngôn ngữ đã khá thành thạo, chúng có thể biểu lộ những ý muốn của mình bằng lời nói, thậm chí có kèm theo cả nét mặt, cử chỉ để cha mẹ hiểu rõ hơn. Chúng có thể đặt ra cho người lớn vô vàn những câu hỏi cực kỳ ngây thơ, nhưng lại khiến cha mẹ phải hóc búa khi trả lời. Dù gì thì cha mẹ hoặc cô giáo cũng phải tìm cách trả lời chúng, ngay cả những câu hỏi vô lý nhất. Đừng quát mắng và không trả lời chúng vì một câu hỏi vô lý nào đó, như vậy lần sau chúng sẽ không dám hỏi nữa vì sợ bị mắng. Như vậy là người lớn đã vô tình làm cho sự phát triển tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng không mấy tốt đẹp. Cần biết rằng, một đứa trẻ có cơ thể và trí tuệ phát triển bình thường, nhưng có thể tâm lý lại phát triển chệch ra khỏi quỹ đạo thông thường. Chính vì vậy, chúng ta không thể coi thường sự phát triển tâm lý ở trẻ, nhất là giai đoạn cuối của tuổi mẫu giáo, đó là thời kỳ chuẩn bị quan trọng cho năm đầu cắp sách đến trường. Mọi sự chuẩn bị về tâm lý cho thuận lợi hay không thuận lợi ở thời kỳ cuối học mẫu giáo đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các em sau này. Tạo cho con tâm lý thoải mái, hồn nhiên, tự tin hay một sự rụt rè, nhút nhát, khó hoà đồng với bạn mới… trách nhiệm phần lớn thuộc về cha mẹ, bởi vì sự phát triển tâm lý ở trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào chính cha mẹ chúng. Một khi ở trẻ xuất hiện trở lại về tâm lý mà chúng ta không kịp thời uốn nắn, tất sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hài hoà của cá tính, sự trưởng thành lành mạnh và trí tuệ của đứa trẻ ấy sau này. Chính một nửa của sức khoẻ nằm ở tâm lý lành mạnh. Cho nên, bậc cha mẹ cần phải tìm hiểu và coi trọng sự phát triển tâm lý của con mình nhất là ở giai đoạn đầu đời là điều không thể thiếu cho quá trình giáo dục.
Các bậc cha mẹ vì sự phát triển của con cái mà sẵn sàng hy sinh tất cả, không tiếc điều gì, bồi bổ cho con thật nhiều đủ các loại chất dinh dưỡng những mong con cái khoẻ mạnh, thông minh. Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ lại không quan tâm đến những yếu tố cần thiết nhất trong quá trình phát triển tâm lý của con mình. Cần phải nhận thức một điều rằng, sự phát triển toàn diện của trẻ bao gồm cả về mặt thể chất và tâm lý. Vậy những nhân tố tâm lý cần thiết đó là gì?
Thứ nhất, trẻ cần được yêu thương, cần được quan tâm: Muốn trẻ biết được rằng cha mẹ rất yêu thương chúng, thì cần thể hiện tình cảm đó sao cho trẻ cảm nhận được ngay từ khi chúng còn ẵm ngửa. Nếu trẻ không được yêu thương, nâng niu chăm sóc thì sự phát triển tâm lý của trẻ chắc chắn không bình thường như những trẻ khác được yêu thương. Khi trẻ được yêu thương thì lớn lên chúng mới yêu thương người khác.
Thứ hai, trẻ cần được an ủi vỗ về: Trẻ cũng là một thành viên trong xã hội, cũng có gia đình, bạn bè, người thân. Khi trẻ gặp chuyện không vui, cảm thấy mọi cái đều không thích, mọi người không quan tâm đến, khi đó chúng dễ nảy sinh tâm lý cho rằng, mình đang bị bỏ rơi. Trẻ ở tuổi này tuy chưa thể có những hành vi tiêu cực, song cảm giác bất an đó sẽ có ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm lý sau này.
Thứ ba, trẻ cần được tôn trọng: Xây dựng lòng tin, sự tôn trọng đối với trẻ quan trọng cho sự phát triển tâm lý của trẻ và tương lai sau này. Các bậc cha mẹ nên thường xuyên khuyến khích động viên, biểu dương, khen ngợi trẻ đúng lúc và đúng cách. Các bậc cha mẹ cần giúp con hiểu được giá trị của cuộc sống ngay từ tuổi này và tạo dựng cho con lòng tin từ cha mẹ.
Thứ tư, trẻ cần được vui chơi: Vui chơi không chỉ giúp trẻ tăng cường thể lực, mà còn tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với những bạn bè cùng trang lứa. Khi trẻ được vui chơi thoải mái, hầu như tất cả các bộ phận của cơ thể đều được rèn luyện, rất có lợi cho sức khoẻ và sự linh hoạt của trẻ.
Thứ năm, trẻ cần được thoả mãn: tò mò là một nét tâm lý đặc trưng tự nhiên nổi bật ở lứa tuổi mẫu giáo. Những gì mà trẻ chưa xem qua, chưa nghe qua, trẻ sẽ chủ động hỏi, yêu cầu cho đến khi được xem, được nghe người lớn giải thích. Đó chính là biểu hiện của sự ham học hỏi, hiểu biết. Do đó các bậc cha mẹ cần phải khuyến khích, động viên con trẻ, tạo điều kiện cho con phát huy sự ham học hỏi bằng việc trả lời tất cả những câu hỏi của con trẻ một cách chân thực. Như vậy sẽ giúp trẻ tích luỹ kiến thức, nâng cao nhận thức và khả năng nhìn nhận giải quyết vấn đề. Nếu trẻ không được thoả mãn sự tò mò đó sẽ làm giảm bớt hứng thú tìm tòi, học hỏi ở trẻ.
Thực ra, những yếu tố cần thiết cho quá trình phát triển tâm lý ở trẻ rất đơn giản. Chỉ có điều, cha mẹ phải biết vận dụng sao cho phù hợp từng lứa tuổi và tính nết của con, giúp con phát triển tâm lý lành mạnh ngay từ nhỏ.
* Trẻ 3 tuổi:
- Về ngôn ngữ : 
Từ hai tuổi trẻ đã nói được 2 hoặc 3 từ trở lên, thậm chí có trẻ đã nói khá rõ và thành câu. Sang tuổi thứ 3, ngôn ngữ ở trẻ khá tiến bộ. Trẻ có thể nói thành câu và sắp xếp khá chính xác. Tuy nhiên trẻ nói còn ngọn ngịu, chưa rõ ràng, diễn đạt còn hơi vụng về. Giai đoạn này rất quan trọng, nó đánh dấu sự tiến triển khả năng diễn đạt của trẻ. Muốn trẻ phát triển ngôn ngữ bạn hãy khích lệ trẻ. Hãy nói với trẻ, hãy để trẻ tự diễn đạt, không nên ngắt lời trẻ khi chưa đúng lúc. Nếu bạn cảm thấy quá buồn cười khi nghe những từ ngữ đó, nhưng không nên chế nhạo hay tán thưởng trẻ vì sự tiến bộ của trẻ tuỳ thuộc vào những gì nó nghe. Đừng nhại lại những lời nói ngọng mà hãy uốn nắn trẻ bằng lời nói đúng nhưng chỉ nhắc nhở mà không ép buộc trẻ. Đây chính là thời kỳ biến đổi cả về chất lẫn về lượng của sự sáng tạo và sử dụng lời nói của trẻ. Trẻ sử dụng lời nói nhiều hơn để diễn tả những cảm nghĩ và ý muốn, tuy rằng việc nói nhiều hay ít còn tuỳ thuộc một phần vào cá tính của từng trẻ. Sự lĩnh hội ngôn ngữ cũng gia tăng với một tốc độ nhanh, giúp trẻ không chỉ mở rộng thêm vốn từ vựng mà còn tiếp thu cả những quy tắc ngữ pháp ngày càng phức tạp hơn trong cách nói của người lớn.
Một trong những đặc trưng của một trẻ phát triển tốt vào cuối giai đoạn này là khuynh hướng duy trì cuộc đàm thoại với người lớn, như thể họ là những người bạn đồng trang lứa. Cha mẹ nên nói chuyện với con, đáp ứng lại kiểu ngôn ngữ trẻ con ấy và tiếp tục cuộc đàm thoại thật bình đẳng đối với trẻ. Qua đó, trẻ được làm giàu thêm những kinh nghiệm và tăng thêm vốn liếng về ngôn ngữ. Khả năng suy nghĩ, trí thông minh, tính tò mò và kỹ năng giao tiếp xã hội cũng phát triển song song và hỗ trợ cho khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ. Trẻ 3 tuổi có thể lĩnh hội được vốn từ vựng hơn 1.000 từ trong đó trẻ có thể sử dụng được 800 - 900 từ để tạo thành câu khi nói chuyện. Trẻ hiểu được hầu hết những lời nói, yêu cầu của người lớn và có thể đặt câu đúng ngữ pháp với số lượng 3 từ trở lên.
- Cha mẹ hãy giúp trẻ học nói:
Các nhà giáo dục ngày nay khuyên cha mẹ nên bắt đầu nói chuyện với con mình ngay từ những ngày đầu tiên mới sinh ra chứ không đợi cho đến khi trẻ biết nói. Cùng với dòng sữa mẹ nuôi dưỡng thể chất cho con, giọng nói dịu hiền vỗ về và những lời ru ngọt ngào của mẹ cũng sẽ giúp trẻ hình thành khả năng dùng ngôn ngữ để giao tiếp.
Ngay từ khi còn bé, việc tìm hiểu những ý muốn và đáp ứng thoả đáng những yêu cầu của trẻ là đã giúp trẻ hình thành cảm giác thông qua giao tiếp. Nói chuyện với trẻ về những gì trẻ đang quan tâm, hoặc những gì đang xảy ra trước mắt trẻ, sẽ giúp trẻ tạo lập mối quan hệ giữa những âm thanh của lời nói và ý nghĩa của những lời nói đó. Và khi trẻ bắt đầu hiểu được lời nói, cha mẹ hãy đặt ra những yêu cầu và những chỉ dẫn đơn giản để trẻ làm theo.
Nếu như việc nói chuyện với trẻ trong 2 năm đầu đời chủ yếu là để giúp trẻ lĩnh hội được ngôn ngữ, thì việc nói chuyện với trẻ trong năm thứ 3 sẽ giúp trẻ có cơ hội thực hành khả năng sử dụng ngôn ngữ. Những lời nói đầu tiên của trẻ cần được trân trọng và cha mẹ hãy tạo điều kiện để khuyến khích và dạy trẻ nói. Năm 3 tuổi trẻ đã đi được một chặng đường khá dài. Lúc này, trẻ năng động hơn, hiếu kỳ hơn và cần có những mối quan hệ rộng hơn và môi trường lớp học mẫu giáo sẽ giúp bé được giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa.
- Bữa ăn và giấc ngủ:
Trẻ thích ăn cùng bàn với người lớn. Tiếp tục cho trẻ khám phá những thức ăn và hương vị mới lạ. Nên cho trẻ ăn đúng giờ và thường xuyên thay đổi món ăn cho trẻ. Trẻ thích tự xúc lấy ăn, nhưng còn vụng về, tuy nhiên nó không thích sự giúp đỡ của cha mẹ mà muốn tự làm lấy. Trẻ thích uống nước trong bữa ăn và có thể tự bê cốc uống mà không làm đổ nước ra ngoài. Nhưng trong giai đoạn này, việc ăn uống của trẻ vẫn còn những trở ngại, trẻ có thể từ chối ăn uống và có khi rất lười ăn. Bạn hãy cố kiên nhẫn đừng trách mắng trẻ vội vàng. Hãy thay thực đơn bữa ăn ở nhà khác với bữa ăn ở lớp và khích lệ bé ăn, khen bé ăn giỏi. Đừng cho trẻ ăn món ăn giống nhau trong một ngày và đừng quên cho trẻ ăn cả rau và trái cây tươi. Ngoài ra, trong các bữa ăn của trẻ cần bổ sung thêm sữa và các thực phẩm chế biến từ sữa. Nếu trẻ chán ăn thì có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa hơn.
Ở tuổi này, trẻ ngủ khoảng 8 - 10 tiếng mỗi đêm và khoảng 2 tiếng buổi trưa. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn khi dỗ trẻ ngủ. Cần tiếp tục duy trì sự điều độ cho giấc ngủ của trẻ bằng cách âu yếm và xoa dịu giấc ngủ cho trẻ. Hoặc cha mẹ có thể đưa trẻ vào giấc ngủ êm đềm bằng cách đọc truyện cho bé nghe hoặc kể cho bé những câu chuyện cổ tích. Cũng có những trẻ rất thích nghe mẹ hát ru và cứ nghe mẹ hát ru là trẻ lại lim dim và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
- Dạy con học ăn và ngủ đúng giờ:
Trẻ 3 tuổi tuy chưa nhận thức được sự quan trọng của sức khoẻ qua ăn uống và ngủ nghỉ, nhưng cha mẹ vẫn phải tạo cho trẻ thói quen ăn và ngủ đúng giờ. Thói quen này cần phải được xây dựng ngay từ khi còn bé và đó là điều quan trọng và cần thiết cho con bạn sau này. Đây cũng là thời điểm giúp con bạn hình thành nên những thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày. Không nên vì chiều chuộng con mà cho chúng cái quyền được làm theo ý mình, thích ăn lúc nào thì ăn, thích ngủ lúc nào thì ngủ. Điều đó không chỉ tạo cho con bạn một thói quen xấu, lộn xộn mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần của trẻ. Một đứa trẻ khoẻ mạnh thì trước hết phải được ăn ngủ điều độ hợp lí và một sự dạy bảo đến nơi đến chốn của cha mẹ và cô giáo. Có nhiều bậc cha mẹ thắc mắc tại sao con mình ăn uống đủ mà lại còi cọc hoặc có trẻ lại bị béo phì. Đó chính là một trong những nguyên nhân của việc ăn uống không hợp lý.
Ngay cả bữa ăn hàng ngày của trẻ cũng cần phải có sự cân bằng cả về chất và lượng, có cả rau xanh và hoa quả tươi, không nên cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm sẽ không hấp thụ được hết hoặc bị thừa chất mà sinh ra béo phì.
Cách ăn uống của con cũng cần phải được cha mẹ dạy ngay từ lúc này. Trẻ lên 3 tuổi thường thích tự xúc lấy ăn tuy vẫn còn rơi vãi, nhưng đừng cho rằng chúng thích quấy rối mà mắng quát con. Thay vào đó, hãy kê cho con một chiếc ghế cao để ngồi vào bàn ăn cùng với người lớn. Hãy dạy con cách cầm thìa và xúc như thế nào cho gọn để không rơi cơm ra ngoài. Như vậy trẻ sẽ rất thích và rất hào hững khi đến bữa ăn. Trẻ thường thích uống nước trong các bữa ăn, chúng cứ vừa ăn vừa uống. Thực ra như vậy cũng không tốt, hãy khuyên trẻ ăn xong mới được uống kẻo no bụng nước thì sẽ không ăn được cơm. Nhiều trẻ ở tuổi này không thích ăn rau và canh, như vậy sẽ thiếu vitamin và chất xơ. Cha mẹ cần tập cho trẻ ăn rau dần dần rồi chúng sẽ quen, đừng ép buộc chúng lúc đầu sẽ rất khó. Trước bữa ăn tuyệt đối không cho trẻ ăn vặt, như vậy chúng sẽ thấy ngang bụng và không muốn ăn cơm.
Tập cho trẻ ăn cùng với người lớn đúng giờ, nhưng với trẻ cần bổ sung thêm bữa ăn tối trước khi đi ngủ 2 - 3 giờ đồng hồ.
Ở tuổi này trẻ thường mải chơi không muốn đi ngủ sớm, nếu người lớn còn thức chúng cũng còn thích nô đùa. Ban đầu, cha mẹ hãy cố gắng thu xếp công việc nhà và cùng đi ngủ sớm với con. Một thời gian khi chúng đã quen thì có thể sinh hoạt bình thường. Cần phải nghiêm khắc bắt trẻ ngủ đúng giờ và nếu con khó ngủ, hãy tìm cách giúp chúng dễ ngủ hơn như đọc truyện cho con nghe, hỏi chuyện ở lớp học của con… chỉ một lúc trẻ sẽ ngủ lúc nào không biết.
Ngoài việc tạo cho con thói quen ăn uống điều độ, đúng giờ, cha mẹ cũng cần tạo cho con thói quen làm vệ sinh cá nhân hàng ngày như đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, thay quần áo, đi giầy tất… Trẻ rất thích được tự mình làm lấy mọi việc nhưng còn rất vụng về và ngượng ngùng. Đừng lúc nào cũng làm và khuyến khích, khen khi con làm tốt. Nếu tự làm được một việc gì đó và được bố mẹ khen, trẻ tỏ ra vui mừng thích thú. Tuổi này chúng rất lười với những việc vệ sinh cá nhân đấy, cha mẹ hãy làm cùng con và rủ chúng cùng làm giống như đang chơi trò chơi. Như vậy chúng dần dần sẽ thích và sẽ có thói quen đó hàng ngày mà không cần cha mẹ nhắc nhở.
* Trẻ 4 tuổi:
Lúc 4 tuổi trẻ bắt đầu nói một cách trôi chảy. Những người mà chúng tiếp xúc thường xuyên thường không phải là người lạ. Trẻ thường đặt những câu hỏi và cũng có thể trao đổi những suy nghĩ của mình. Thế giới tưởng tượng của trẻ rất phong phú, trẻ rất thích những câu chuyện và hình ảnh. Trẻ thường chơi chung với nhau và thường chọn những trò chơi tập thể. Tròn 4 tuổi thì bé đã biết lên xuống cầu thang, biết chơi nhảy lò cò, ném banh, vẽ hình, phân biệt được màu sắc và thực hiện các động tác thăng bằng rất tốt. Đặc biệt, trẻ có thể nghe và kể lại câu chuyện một cách khá đúng và chính xác. Biết phân biệt các nhân vật trong truyện đâu là tốt, là xấu và rất thích được sắm vai các nhân vật trong truyện. Đây cũng là một hình thức vừa học vừa chơi ở lớp mẫu giáo, cho các em lên sắm vai từng nhân vật và đóng kịch như câu chuyện đã kể. Trẻ 4 tuổi làm khá tốt vai trò này và có một trí nhớ cũng khá lâu và chính xác. Đừng hứa suông với trẻ một điều gì đó, có thể cha mẹ bận bịu nhiều việc mà quên mất, còn bé sẽ nhớ rất dai đấy.
Ở tuổi này, trẻ có thể giao tiếp một cách tự tin hơn với người lớn. Khả năng thiết lập câu tốt hơn, đầy đủ hơn. Tuy nói năng trôi chảy nhưng có trẻ vẫn nói hơi ngọng. Cha mẹ cần kiên trì uốn nắn con, không nên quá lo lắng vì ở tuổi này trẻ vẫn chưa thể nói thật rõ ràng được. Trong các sinh hoạt cá nhân hàng ngày bé đã làm tốt hơn rất nhiều. Cha mẹ hãy tiếp tục khuyến khích bé để bé làm tốt hơn, vẫn phải giúp đỡ vì bé chưa thể tự làm mọi việc một cách thành thạo.
Ở lớp, bé đã biết cách lựa chọn bạn chơi cùng và tỏ ra thích chơi với người này mà không thích chơi với người khác. Hãy hỏi chuyện con về những người bạn ở lớp và hãy lắng nghe con một cách tỉ mỉ. Qua đó cha mẹ có thể thấy được những nét cá tính đang hình thành ở con. Đặc biệt, trẻ đã có khả năng đánh giá về cách cư xử và nói năng của người lớn như cha mẹ, cô giáo và đánh giá về bạn bè của mình. Cần phải tôn trọng những ý kiến đánh giá của trẻ, người lớn chưa hẳn lúc nào cũng đúng.
Ở tuổi này, trẻ vẫn chưa thích tiếp xúc với người lạ. Có người lạ đến nhà, trẻ thường tỏ ra khép nép và rụt rè. Cha mẹ cũng nên giúp con mạnh dạn hơn khi có người lạ là bạn bè của bố mẹ đến nhà chơi. Dạy con cách chào hỏi lễ phép, lịch sự, giới thiệu với khách về con một cách tự hào. Như vậy, trẻ sẽ thấy mình được tôn trọng và cũng có vị trí quan trọng, nên sẽ tự tin hơn. Đừng nghĩ là 4 tuổi thì chúng chưa biết gì, chúng không nói ra, nhưng chúng biết hết những hành vi và lời nói của người lớn đấy. Vì vậy, trước mặt trẻ cha mẹ cần phải hết sức cẩn thận trong những lời nói và cách ứng xử, vì trẻ thường bắt chước theo cách của người lớn.
* Trẻ 5 tuổi:
Trẻ 5 tuổi đã có khả năng nói một cách trôi chảy và đa phần không còn ngọng nữa. Thời kỳ này, tư duy logic phát triển ở mức độ đơn giản và khă năng nhận thức về sự vật, sự việc xung quanh tốt hơn rất nhiều. Đây là thời điểm cần giáo dục và chuẩn bị thật cẩn thận, chu đáo để trẻ bước vào lớp 1. Trẻ có thể phân biệt màu sắc một cách chính xác và nhớ hầu hết mặt chữ trong bảng chữ cái. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức lớp 1 trước cho con trẻ sẽ không có lợi cho sự phát triển tư duy logic tự nhiên sau này. Thực tế cho thấy, những trẻ được học trước chương trình lớp 1 ở thời kỳ mẫu giáo có thể học tốt ở kỳ học đầu so với những em chưa được học. Nhưng sau đó, những kỳ học tiếp theo thì những em đó có phần đuối hơn so với các em vẫn học từ đầu khi mới vào lớp 1. Bởi vì, các em đã được cha mẹ dạy cho Kiểu tư duy chuẩn bị trước, đén khi học cùng với các bạn khác mà không có sự chuẩn bị trước thì không theo kịp. Đó không phải là cách học tốt mà cha mẹ chỉ nên chuẩn bị cho con những kiến thức sơ đẳng cần thiết, chứ không phải là cho con học trước chương trình. Hãy để cho tư duy của con trẻ phát triển tự nhiên hợp quy luật, nếu làm ngược lại quy luật tự nhiên ắt sẽ phản tác dụng.
Ở tuổi này, thế giới tưởng tượng của trẻ rất phong phú, trẻ rất thích nghe truyện cổ tích và nhất là có hình kèm theo. Nếu trẻ tập vẽ một bức tranh bạn sẽ thấy trí tưởng tượng của bé thật phong phú. Bé sẽ vẽ theo những gì bé nghĩ và bé thích. Cha mẹ nên khuyến khích con trẻ và động viên khen ngợi con qua những bức tranh ngây thơ đó. Đó chính là tâm hồn trong sáng của bé mà bé thể hiện. 
Ở giai đoạn này, trẻ không thích chơi một mình với những đồ chơi và quanh quẩn trong nhà. Chúng thích những trò chơi tập thể với bạn đồng lứa. Theo dõi chúng cùng chơi với nhau, bạn sẽ thấy ở tuổi này con bạn đôi khi cũng tỏ ra là người lớn. Chúng sẽ tranh luận với nhau về cách chơi, luật chơi, thậm chí có lúc còn cãi nhau với các bạn của mình để bảo vệ ý kiến của mình. Chúng cũng rất chú ý quan sát, lắng nghe và thích được tham gia những trò chơi mà cô giáo tổ chức ở lớp. Thích tham gia sắm vai đóng kịch theo truyện kể dưới sự hướng dẫn của cô. Tuổi này trẻ làm tốt hơn nhiều so với khi 4 tuổi và bộc lộ thái độ nhân vật khá tốt. Ngoài ra, bé sẽ làm rất tốt với những trò chơi đòi hỏi giữ thăng bằng như nhảy lò cò một chân, nhảy từ bậc cao xuống, đứng một chân và dang hai tay tập thể dục… Trẻ rất thích chơi ngoài trời và khi chơi cố sức rất nhiều và nhiệt tình hồ hởi trong mọi trò chơi.
Thưa bạn!
Lứa tuổi 3 đến 5 là lứa tuổi mà cha mẹ cần phải rèn luyện một cách nghiêm túc giờ giấc trong sinh hoạt hàng ngày để các em có được thói quen đi học đúng giờ. Hơn nữa học tiểu học sẽ khác rất nhiều so với học mẫu giáo, đòi hỏi các em tự lập nhiều hơn.
Truyền hình chiếm một phần quan trọng trong những hoạt động của trẻ. Không nên cấm đoán trẻ, bạn hãy thử giới hạn thời gian xem truyền hình của trẻ. Hãy chọn những chương trình phù hợp mà trẻ ưa thích, không nên cho trẻ xem một cách tự do. Nếu bạn có thời gian, hãy xem cùng con để giúp trẻ biết tranh luận và hướng trẻ có những suy nghĩ đúng đắn.               
*.                                      
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.      
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn









…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 27.09.2016 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét