(Đền Quan Hoàng Bơ, Hàn Sơn, Thanh Hóa - Nguồn ảnh: Internet) |
ÔNG HOÀNG BƠ
TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU
Nhân dịp đầu xuân mới, Nguyễn Xuân xin giới thiệu bài ÔNG HOÀNG BƠ TRONG
TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU, sưu tầm trên mạng (rất tiếc là Nguyễn Xuân đã cố truy tìm
tên tác giả của bài viết về Ông Hoàng Bảy này nhưng không được, mong bạn đọc
trang Đặng Xuân Xuyến thông cảm.)
Ông Hoàng Bơ (thường gọi tắt là Ông Bơ) hay còn gọi là Ông Bơ Thoải. Ông là con
trai thứ ba hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, con trai vua Long Vương Bát Hải Động Đình.
Ông Hoàng Bơ thường ngự dưới tòa Thoải Cung, coi giữ việc trong Đền Vàng Thủy
Phủ. Có khi ông biến trên mặt nước, hiện lên chân dung một vị Hoàng Tử có diện
mạo phi phương, cưỡi cá chép vàng. Đôi lúc ông biến hiện, ngồi trên con thuyền,
rong chơi khắp chốn, cùng các bạn tiên uống rượu, ngâm thơ, đàn hát, trông
trăng, đánh cờ, hưởng thú vui của các bậc tao nhân mặc khách (có điển tích nói
rằng, Ông Bơ cũng là người em trai thân cận bên Quan Lớn Đệ Tam, khi thanh nhàn
các ông thường ngự thuyền rồng, cùng dạo chơi khắp chốn), nhưng thấy cảnh dân
chúng còn lầm than, vua cha sai ông lên khâm sai cõi trần, mở hội Phúc Duyên,
giáng phúc cho dân, độ cho kẻ buôn bán làm ăn, người học hành đỗ đạt.
(Tượng thờ Quan Hoàng Bơ) |
Ông Bơ là một trong ba vị Ông Hoàng hay về ngự nhất. Khi
giá ngự đồng, ông mặc áo trắng (có thêu rồng kết uốn thành hình chũ thọ), thắt
đai vàng, đầu đội khăn xếp có thắt lét trắng, cài chiếc kim lệch màu trắng bạc.
Có khi ông ngự về tấu hương, khai quang rồi một tay cầm mái chèo, một tay cầm
quạt thong thả bẻ lái dạo chơi, cũng có khi ông cầm đôi hèo hoa, rong ruổi cưỡi
ngựa đi ngao du sơn thủy.
Theo tài liệu khác về thân thế Quan Hoàng Bơ:
Cổ nhân có câu: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”, nghĩa
là người sống nhân đức thì trời đất sẽ ủng hộ giúp đỡ. Từ thủa xưa, mỗi khi đất
nước nguy biến, nhân dân cực cực đều xuất hiện những vị anh hùng cứu dân hộ
quốc. Theo tâm linh người Việt, đó là sự diệu kỳ do thiên địa hóa hình, thần
tiên giáng thế. Ông Hoàng Bơ Thủy Cung - một vị Thần quản cai cõi miền sông nước đã hóa thân
thành Minh Đức Đại Vương hiển tích tại đền Hưng Long, làng Kênh Xuyên, huyện
Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Thần tích kể rằng: Làng Kênh Xuyên thủa xưa có hai vợ chồng lão ông Trần Thái
Công và lão bà Đặng Thị hiền lành nhân đức đã luống tuổi mà chưa có con nối dõi
bèn phát nguyện ra trông coi đèn hương đền thờ Thánh Mẫu Đệ Tam Thủy Tinh. Dầu
dãi trải mấy thu không tiếc công lao, lại làm phúc đắp đường, sửa đê, bố thí
người nghèo khổ. Công đức cảm động đến Thánh Mẫu, một đêm thái bà nằm mơ thấy
một người con gái mình mặc áo trắng mang đai ngọc lưu ly tay ôm một đứa bé trai
kháu khỉnh, ngự trên rồng vàng bay lên từ mặt nước nói rằng :
- Ta là con gái động đình Long Vương, Thủy Tinh Ngọc Dung
Xích Lân Long Nữ Công Chúa thấy vợ chồng ngươi siêng năng làm phúc, chăm sóc
đèn hương, nên cho Hoàng tử Long cung đầu thai làm con để lo báo hiếu, sau này
sẽ cứu giúp dân lành nhiều phen.
Giấc mộng tỉnh, thái bà thấy trong lòng khác lạ mà mang
thai, đến kỳ khai hoa mãn nguyệt bỗng thấy mây ngũ sắc vây quanh, hương thơm
sực nức, từ trên trời hào quang sáng chói như trăm hồng ngàn tía. Đúng ngọ ngày
hạ chí mười ba tháng sáu (ngày hội đền Đức Thánh Mẫu) thái bà sinh hạ một cậu
bé trai khôi ngô tuấn tú, dung mạo khác thường bèn đặt tên là Trần Minh Đức,
tám tháng biết nói, chín tháng biết đi, năm tuổi đã đọc thông sách vở. Lớn lên
chỉ mộ về đạo Phật thiền gia dù cho Thái ông, Thái bà có giục giã cũng không
màng chuyện hôn nhân phu phụ. Năm hăm hai tuổi Minh Đức lập một thảo am để hàng
ngày nghiên cứu Phật Pháp thuyền gia. Sau khi Thái ông, Thái bà về tiên, thì
Minh Đức cũng đi đâu không rõ. Ngôi đền và thảo am để nhang lạnh khói tàn, bỗng
một đêm dân làng ai ai cũng đều mơ thấy có một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú đầu
đội kim khôi, mình mặc áo trắng lưng giắt kiếm bạc, cưỡi trên đôi bạch xà hiện
lên trên mặt biển nói rằng:
- Ta là hoàng tử long cung, giáng sinh vào để tác phúc cho Thái ông, Thái bà
nay hết hạn ta về thủy cung. Dân làng thời phải nên thờ phụng Thánh Mẫu Thủy
Tinh cho nghiêm cẩn như xưa khi có nạn ắt ta đến cứu. Về sau sẽ âm phù cho đất
đai rộng mãi.
Sáng dậy ai cũng thuật lại cho nhau giấc mơ y hệt, bèn
cung kính sợ hãi mà cho rằng ngôi đền rất linh thiêng nên lập thêm long ngai
bài vị Minh Đức Hoàng Bơ Thoải đại vương phụng thờ, hương hỏa ngày đêm không
dứt.
Đến năm Giáp Ngọ ngày mười ba tháng tám có bão lớn con đê
Ngự Hàm bỗng dưng vỡ toác, nước ngập mênh mông, người chết vật trôi nhiều vô số
kể. Việc đắp đê hàn long không thể tiến hành, dân làng bèn nhớ giấc mơ xưa lập
đàn cầu đảo, bỗng đâu từ ngoài biển có một ông Bạch mãng xà bơi vào, rắn bơi
đến đâu hàn long đến đó, khi hàn long xong thì cũng không thấy rắn trắng đâu
nữa.Dân làng đều biết là Minh Đức hoàng tử cứu giúp bèn về đền lễ tạ.Và Chánh
tổng Tân Hưng lúc đó là cụ Bá Thuần cho xây một ngôi đền ngay chỗ vỡ đê thờ
Minh Đức hoàng tử. Chỗ ấy ngày nay là thôn Hưng Long Bắc, xã Đông Long, huyện
Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Vì làng Kênh Xuyên được âm phù lên mở rộng mãi ra
biển đến nay đã tách thành 4 làng. Kênh Xuyên, Hưng Thịnh, Hải Long và Hưng
Long. Đồng thời tâu lên triều đình về sự linh ứng của ngài. Và được triều đình
ban phong mỹ hiệu cấp ruộng tế điền để phụng thờ.
Đức thánh hoàng còn được triều Nguyễn sắc phong mỹ tự ”
Đông Hải, Thủy Tinh, Bạch Long, Linh Phù, Hiển Ứng, Tịnh Tuệ, Bác Huệ, Minh Đức
Đại Vương thượng đẳng thần ” Từ đó đến nay dân thôn phụng thờ và lễ bái đều
linh nghiệm, là nơi ngư dân cầu đảo trước mỗi mùa cá và mỗi lần ra khơi. Hàng
năm vào mười ba tháng sáu là ngày tiệc đản sinh của Thánh Hoàng dân làng đều tổ
chức tế lễ rước kiệu từ đền về chùa lễ Phật và bái yết thánh Mẫu Đệ Tam và hầu
bóng, nhiều lần có cá Heo về chầu.
*
NGUYỄN XUÂN giới thiệu
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 02.02.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét