(Nguồn ảnh: internet) |
Đọc và suy ngẫm:
PHÚC BÁO CHO NGƯỜI
NHÂN TỪ, ĐỨC ĐỘ
Vào triều đại nhà
Minh, có một câu chuyện nhân quả về gia đình họ Lữ ở cửa đông phủ
Thường Châu, Giang Tô. Gia đình họ Lữ gồm có ba anh em. Người anh cả tên là Lữ
Ngọc, người thứ hai là Lữ Bảo, người em út tên là Lữ Trân.
Con trai của Lữ Ngọc tên là Hỉ Nhi. Năm Hỉ Nhi lên sáu
tuổi, một hôm cậu bé cùng với đứa trẻ con nhà hàng xóm đi hội chùa và bị mất
tích không trở về.
Hai vợ chồng Lữ Ngọc và Vương Thị đi tìm mấy ngày liền mà
đều không thấy bóng dáng con đâu.
Sau sự việc xảy ra với con trai, Lữ Ngọc
trong lòng vô cùng buồn phiền, sầu não. Ông bèn từ biệt người vợ để lên đường
đi làm ăn buôn bán khắp nơi với mục đích là để nghe ngóng tung tích của Hỉ Nhi.
Mấy năm sau, một ngày Lữ Ngọc đi đến một địa phương tên
là Trần Lưu. Trong nhà vệ sinh của quán trọ, Lữ Ngọc vô tình nhặt
được một túi vải màu xanh, khi mở ra thì phát hiện bên trong đều là bạc, ước
chừng khoảng 200 lượng. Lữ Ngọc thầm nghĩ: “Người mất của mà tìm không
thấy, nhất định sẽ vô cùng lo lắng, nói không chừng còn tan nát cửa nhà.
Cổ nhân dạy rằng thấy của không lấy, nhặt của rơi mà không lấy là đạo đức
tốt đẹp, là tích phúc báo. Ta ở đây chờ người đến tìm mà trả lại.”
Lữ Ngọc đợi một ngày, nhưng vẫn không thấy ai đến tìm.
Anh ta đành phải đi tiếp về phía trước. Lúc đến một quán trọ tại Túc Châu,
Lữ Ngọc vô tình gặp và trò chuyện với một người cũng làm ăn buôn bán tên là
Trần Triêu Phụng. Trong lúc trò chuyện, Trần Triêu Phụng đột nhiên thở
dài nói rằng anh ta đã vô ý để thất lạc mất một chiếc túi vải ở Trần Lưu,
bên trong có đựng 200 lượng bạc. Lữ Ngọc nghe thấy vậy liền hỏi Trần Triêu
Phụng về hình dáng của chiếc túi vải, kết quả phát hiện những lời anh ta
tả đúng y như chiếc túi mà mình nhặt được. Lữ Ngọc lập tức đem chiếc túi đựng
bạc trả lại cho Trần Triêu Phụng. Trần Triêu Phụng vô cùng mừng rỡ, liền muốn
chia một nửa cho Lữ Ngọc nhưng Lữ Ngọc một mực từ chối.
Trần Triêu Phụng vô cùng cảm kích nên đã mời
bằng được Lữ Ngọc tới nhà mình chơi và còn kể rằng, anh ta có một cô con
gái, sau này muốn kết thông gia với Lữ Ngọc. Lữ Ngọc nghe đến đây lại nhớ đến
con trai mình, liền chảy nước mắt và đem đầu đuôi câu chuyện về cậu con trai bị
thất lạc kể cho Trần Triêu Phụng nghe. Trần Triêu Phụng thở dài một tiếng rồi
nói: “Trong nhà tôi có một cậu bé, là do mấy năm trước tôi bỏ ra 3
lượng bạc mua về. Bây giờ nó đã 13 tuổi, tôi sẽ tặng lại nó cho ân huynh để đi
theo đỡ đần huynh, cũng coi như một chút báo đáp của tôi với huynh.”
Nói xong, Trần Triêu Phụng liền gọi cậu bé lên phòng
khách. Lữ Ngọc phát hiện bên trái lông mày của đứa trẻ này có một vết sẹo,
trong lòng thấy rất kinh động. Bởi vì, lúc còn nhỏ con trai của anh ta đã bị
ngã và có vết sẹo đúng ở chỗ này. Thế là Lữ Ngọc liền hỏi: “Cậu bé,
cháu là người ở địa phương nào? Ai bán cháu đến đây?”
Cậu bé trả lời: “Cháu không nhớ rõ ràng, mà chỉ
nhớ mang máng là người ta gọi cha cháu là Lữ đại. Trong nhà của cháu còn có hai
người chú. Khi cháu còn nhỏ bị người ta lừa gạt và bán vào đây ạ.”
Lữ Ngọc nghe xong, ôm cậu bé vào lòng và nói: “Ta
chính là cha đẻ của con đây! Thật không ngờ thất lạc mấy năm, giờ lại gặp con ở
đây.”
Hai cha con họ được gặp lại nhau khiến cả gia đình Trần
Triêu Phụng vô cùng vui mừng. Lữ Ngọc bái tạ Trần Triêu Phụng: “Hỉ Nhi
nếu không có quý phủ của huynh thu nhận và giúp đỡ, thì hôm nay cha con tôi
sao có thể gặp lại nhau?”
Trần Triêu Phụng nói: “Ân huynh làm việc đức nên
Thượng thiên đã dẫn đường cho huynh tới đây để cha con gặp lại nhau.”
Thế là, hai nhà họ lập thành hôn ước cho Hỉ Nhi và con
gái của Trần Triêu Phụng, đồng thời Trần Triêu Phụng còn tặng lại 20 lượng bạc
cho cha con Lữ Ngọc làm tiền đi đường.
Sáng sớm ngày hôm sau, hai cha con Lữ Ngọc tạ
lễ gia đình Trần Triêu Phụng và lên đường. Lúc đi đến bên bờ sông, họ nghe thấy
tiếng người huyên náo. Nguyên lai là có một chiếc thuyền bị nạn, những người bị
rơi xuống sông đang kêu cứu. Những người trên bờ đã gọi được nhiều chiếc thuyền
nhỏ đến cứu viện, nhưng những người chèo thuyền này lại đòi tiền công mới cứu,
vì vậy mà hai bên xảy ra cãi lộn.
Lữ Ngọc thấy vậy thầm nghĩ: “Cứu một mạng
người còn hơn xây tòa tháp bảy tầng! Trong tay ta đang có 20 lượng bạc,
sao không thưởng cho những người chèo thuyền này để họ cứu người?” Thế
là anh ta nói to: “Mau chóng cứu người, nếu cứu được tính mạng họ ta sẽ
dùng 20 lượng bạc để trả cho mọi người.” Những người chèo thuyền nghe
xong, lập tức mau chóng đi cứu người, chỉ trong chốc lát, tất cả những người
dưới sông đều được cứu lên bờ.
Lữ Ngọc lấy 20 lượng bạc phân phát hết cho những người chèo thuyền kia. Những
người được cứu lên, ai nấy đều đến cảm ơn ân đức của Lữ Ngọc. Trong đó có một
người kêu lên: “Đại huynh sao lại ở đây vậy?”Lữ Ngọc nhận
ra em trai út Lữ Trân, liền nói: “Là ông trời đã dẫn đường
cho ta đến đây cứu đệ.” Nói xong, Lữ Ngọc kể lại đầu đuôi câu chuyện
tìm lại được con trai Hỉ Nhi.
Lữ Ngọc hỏi em trai: “Tại sao đệ lại đến đây?”
Lữ Trân nói: “Từ khi huynh rời khỏi nhà,
mấy năm liền không thấy tin tức gì, có người nói rằng huynh đã bị bỏ mạng
ở Sơn Tây rồi nên chị dâu cũng đã để tang huynh từ năm đó. Gần đây, nhị ca lại
đang muốn ép chị dâu tái giá nhưng chị dâu không đồng ý. Huynh hãy mau chóng về
nhà, để giải quyết sự tình nếu không e rằng sẽ muộn mất.” Lữ Ngọc nghe
xong vô cùng sợ hãi, lập tức lên thuyền trở về nhà.
Em trai của Lữ Ngọc là Lữ Bảo là người có lòng bất thiện.
Anh ta nghe nói rằng ở Giang Tây có người góa vợ muốn lấy một người phụ nữ góa
chồng về làm vợ. Thế là, Lữ Bảo đến gặp mặt ông ta và nhận 30 lượng bạc để gả
chị dâu mình cho ông ta. Lữ Bảo nhận bạc xong liền nói: “Chị dâu tôi có
chút cố chấp, đã nói nhiều rồi nhưng chị ta nhất định không nghe. Cho nên,
tối nay ông hãy đem kiệu đến nhà tôi, chỉ cần nhìn thấy người phụ nữ búi
tóc để tang chồng thì chính là chị ta. Ông không cần nói gì, cứ
bắt chị ta lên kiệu rồi đưa lên thuyền đi suốt đêm là được
rồi.” Người đàn ông Giang Tây đồng ý làm theo cách này.
Lữ Bảo sợ chị dâu không thuận theo, nhưng cũng không ra
mặt nên đã để cho vợ mình là Dương Thị đến khuyên nhủ còn mình thì trốn đi.
Dương Thị nói: “Chồng của em đã gả chị cho người đàn ông ở Giang Tây,
lúc tối nay ông ấy sẽ mang kiệu đến rước chị, chị nên thu dọn và chỉnh sửa một
chút.”
Vương Thị vừa khóc vừa nói: “Chồng của ta dù
chết ta cũng phải thấy tận mắt. Hơn nữa, ta đang chờ đợi Lữ Trân trở về để xem
tin tức chính xác. Sao bây giờ hai người lại bức ép làm ta khổ như vậy!”
Dương Thị vẫn một mực khuyên nhủ Vương Thị, Vương Thị
kiên quyết không theo, nói: “Ta hiện giờ còn mang búi tóc
chịu tang, sao có thể tái giá được?” Dương Thị nghe xong vội vã
đi tìm búi tóc trước đây để thay cho Vương thị, nhưng cũng là số trời, nên
Dương Thị tìm mãi mà không thấy liền vội vàng lấy búi tóc của mình đổi cho
Vương Thị. (Theo phong tục thời xưa, nữ giới khi chưa lấy chồng sẽ
mang búi tóc một kiểu, lúc có chồng mang búi tóc một kiểu khác và khi để
tang chồng lại mang búi tóc bà góa).
Đến tối, người đàn ông Giang Tây kia mang theo đèn
lồng và kiệu hoa đến nhà Lữ gia. Họ đẩy cửa ra, chỉ nhìn thấy người phụ nữ có
búi tóc để tang chồng là lập tức cướp đi. Dương Thị vội kêu lên: “Không
phải ta!”. Nhưng những người này vẫn đưa Dương Thị đi theo như kế hoạch mà
Lữ Bảo đã nói.
Sáng sớm ngày hôm sau, Lữ Bảo trở về nhà. Anh ta vừa mở
cửa đã không thấy vợ đâu mà chỉ thấy búi tóc mà chị dâu đang đeo trên đầu là
búi tóc đen nên trong lòng hoài nghi và hỏi. Vương Thị đem chuyện hoán đổi búi
tóc kể lại cho Lữ Bảo nghe. Lữ Bảo nghe xong “đấm ngực dậm chân” mà kêu thấu
trời, chỉ vì muốn món lợi từ bán chị dâu, ai ngờ lại thành ra bán vợ mình.
Anh ta đang định mở cửa đi ra thì thấy ngoài cửa có tiếng
người cùng hành lý đi đến, chính là Lữ Ngọc, Lữ Trân và Hỉ Nhi. Anh ta tự cảm
thấy mình không còn mặt mũi để gặp mọi người nên vội vàng trốn cửa sau và đi
mất.
Vương Thị gặp lại chồng và nhìn thấy con trai đã lớn lên
rất nhiều nên trong lòng vui mừng khôn xiết. Lữ Ngọc kể lại ngọn ngành mọi việc
cho vợ nghe. Vương Thị cũng đem chuyện em dâu bị người đàn ông Giang Tây cướp
đi kể lại cho mọi người nghe. Lữ Ngọc nghe xong liền nói: “Ta nếu như tham
hai trăm lượng bạc phi nghĩa kia, thì sao hai cha con có thể gặp lại
nhau? Ta nếu như tiếc 20 lượng bạc kia thì sao huynh đệ có thể gặp nhau? Mà nếu
như huynh đệ không gặp nhau thì sao có thể biết tin tức của gia đình. Hôm
nay, cả nhà chúng ta được đoàn viên là ý trời! Nghịch đệ bán vợ cũng là tự làm
tự chịu, trời xanh báo ứng, quả là không sai!”
Từ đó về sau, gia đình Lữ Ngọc càng làm thêm nhiều việc
thiện nên gia đình cũng ngày càng hưng thịnh. Sau này, Hỉ Nhi thành thân cùng
con gái của Trần Triêu Phụng, con cháu nhiều đời sau được làm quan to,
chức tước cao được hưởng vinh hoa phú quý.
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
*.
PHƯƠNG VIỆT KHÁNG giới thiệu
Địa chỉ: Lô nhà số 5, phường Trần Hưng Đạo,
thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Email: datinh_1974@yahoo.com
.
.
.
.
.
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.10.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét