VÀI LỜI VỚI ÔNG TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGUYỄN NGỌC KIÊN - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
VÀI LỜI VỚI ÔNG TIẾN SĨ NGỮ VĂN
NGUYỄN NGỌC KIÊN
(SAU KHI NGHE LỜI THÌ THẦM ĐẦU XUÂN
CỦA ÔNG TIẾN SĨ VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI)
*
Tôi không có một mẩu bằng Đại học nào chứ nói gì đến cả cái bằng Tiến sĩ Ngữ văn như ông Nguyễn Ngọc Kiên mặc dầu tôi biết ở xứ mình hiện nay sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một “tiến sĩ”. Nhưng mấy bữa nay, đọc trên mạng thấy bài “ĐẦU XUÂN THÌ THẦM VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI” của  ông Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên nhận xét về những cái "khuyết tật" của thơ Nguyễn Khôi, tôi thấy cần phải có vài lời về bài viết này.
Mở đầu bài viết, ông Tiến sĩ Kiên thì thầm:
(Nhà thơ Nguyễn Khôi)
Gần đây thơ Nguyễn Khôi xuất hiện khá nhiều  và đều đặn trên các trang báo mạng. Phần  lớn thơ anh là những bài thế sự, thời sự, chính trị mang tính ứng tác về cuộc sống diễn ra quanh ta
Nhận xét này không có gì mới lạ.
Ngay từ đầu năm ngoái, 2016, Dương Ninh Ninh, một cô gái còn rất non tuổi đời, cũng chưa có bằng Tiến sĩ mà mới chỉ học xong ngành Quản trị Kinh doanh và đang làm thuê cho một bà chủ người Đài Loan đã viết trong bài MẤY CẢM NHẬN VỀ THƠ NGUYỄN KHÔI 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2016:
“Trước hết, đọc thơ Nguyễn Khôi viết trong 4 tháng đầu năm 2016 này, ta có cảm giác đó là những thiên ký sự bằng thơ. Cảm nhận này càng rõ nét khi ta nhìn vào tên các bài thơ xếp theo thứ tự thời gian. Gần 40 bài, nhiều quá nên chỉ xin chỉ bày ra những bài thơ Nguyễn Khôi viết trong tháng 1/2016: 9 bài thơ trong vòng 1 tháng mà trong đó lại có những bài liền kề nhau từng ngày như vậy. Không dễ mấy nhà thơ có được như thế.
Vì vậy có thể gọi đây là những bài thơ được viết theo kiểu ký sự nhật biên, nghĩa là ghi chép lại những cảnh, những người và những sự việc cùng những cảm xúc tâm tình cá nhân tác giả về một ngày hay một thời điểm nào đó trong dòng đời để chuyển tải tới người đọc, chia sẻ và giúp người đọc được nhìn thấy cùng mình và đồng cảm với mình.Tất nhiên những bài thơ này không phải là ký sự văn xuôi, thiên về tự sự, ghi chép đầy đủ một sự việc, một thời đoạn theo trình tự. Nó cũng không giống như thơ Nguyễn Nhược Pháp, bài thơ CHÙA HƯƠNG, Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Nó là những bài thơ ngắn nên cảm hứng trữ tình trong đó vẫn là chủ đạo. Thơ tức là tình mà đối cảnh sinh tình. Mỗi ngày bao cảnh sinh ra bao tình cho mỗi người nhưng không phải ai cũng như Nguyễn Khôi trút được những cảm xúc tràn dâng ấy trong tâm hồn mình vào bàn phím bằng những dòng chữ cô đọng để thành những bài thơ đáng đọc.”
(Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên)
Xem vậy thì cô bạn đọc trẻ tuổi này đã có lời nhận xét trên về thơ Nguyễn Khôi trước ông Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên gần cả một năm, không thì thầm nhưng nghe rất lọt tai.
Sau lời thì thầm mở đầu, ông Tiến sĩ Kiên dẫn thêm lời ông nhà thơ Lê Mai cho có thêm trọng lượng:
“Nhà thơ Lê Mai thẳng thắn cho rằng: Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo. Không lạ. Không sang trọng!  Nhưng thơ Nguyễn Khôi cuốn hút rất nhiều người đọc. Từ nam phụ, lão ấu. Từ những vị ni cô, sư nữ ở chùa tận Bình Dương và Huế cho đến những phụ nữ có học vấn, học hàm học vị cao ở trường ĐH Quốc Gia. Có người kín đáo thư từ cho Nguyễn Khôi, có người thì công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ nhà thơ  trên facebook. Nó có sức ma mị.”
Tôi có cảm giác đây là một lời khen đểu mà đểu nhất ở cái từ “ma mị” bởi ma mị không chỉ như từ điển diễn giải giống như “ma giáo” mà nó còn bao hàm 3 yếu tố: Kích thích nhẹ, quyến rũ nhẹ và kinh dị nhẹ.
Nếu thế thì, nói như ông Tiến sĩ Nguyến Ngọc Kiên: Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo, không lạ, không sang trọng nhưng nó kích thích nhẹ người đọc, quyến rũ nhẹ người đọc bởi nó gây cho họ cảm giác kinh dị nhẹ gọi là ma mị.
Và nếu đúng thế thì, nhận định ấy không chỉ coi nhẹ thơ Nguyễn Khôi mà còn coi thường người đọc thơ Nguyễn Khôi và đặc là những người yêu
(Tác giả Nguyễn Bàng)

thích thơ ông là những người không hiểu nhiều gì về nghệ thuật thi ca mà chỉ là những người rất tầm thường, bị cuốn hút bởi những tiếng thơ như tiếng hồn ma ấy chả khác gì những kẻ sợ ma nhưng thích nghe truyện ma.  
Trong bài viết từ năm ngoái, cô Dương Ninh Ninh đã nhận xét:
“Thơ Nguyễn Khôi rất dung dị đời thường. Nhìn vào tên những đứa con tinh thần của tác giả, không hề thấy một cái tên nào uốn éo ra điều thông tuệ chữ nghĩa như mấy nhà thơ đình đám hiện nay: Bản đồ tình yêu, Giao cảm ea sola, sự nổi loạn của tranh...hay những cái tên lên đồng tình cảm như: Hoa hồng không vỡ, Có một người bị ướt thức trong ta…Mà chỉ là những cái tên rất giản đơn: Viếng nhà văn Thái Doãn Hiểu, Hà Nội rét 6 độ C, Trời ấm lên rồi…, giản đơn đến thô mộc như tên những đứa con của người nhà quê: cái Tý, cu Tèo,…”
Thì Tết năm nay, thơ Nguyễn Khôi vẫn dung dị đời thường như thế với những nhan đề: MỘT MÙA ĐÔNG LẠ KỲ với những câu thơ:
Tiểu Hàn 27 độ
Dạo phố mặc sơ mi
Thiếu rét ngán ăn phở.
Chưa tết Đào đã nở
"Quất" chết khô ngoài đê
"Ái ân" chồng ngại vợ
thả tình ngoài quán Bia...
Hay:
HÀ NỘI, NGÀY 28 TẾT ĐINH DẬU, MÙNG 1 TẾT:
Đào rừng / Quất quê ven đường đứng 
Từ Ngã tư Sở tới Tây Hồ
Rau rẻ như bèo ,  thịt lợn ế
Nhà nông méo mặt giữa trời trưa.
        Hoặc:
VIẾNG ĐỀN PHÙ ĐỔNG – MÙNG 1 TẾT:
- Mùng 1 tết chang chang nắng gió
Năm qua được mùa nhưng khó "đầu ra" :
- "Lợn": Trung Quốc ngừng mua..."tụt giá"
"Đào" đua trồng : tết ế hóa củi khô...---
Và:
CÒN AI THÍCH VỀ HÀ NỘI NỮA ĐÂY?
Đường ùn tắc, nhà cửa xây lộn xộn
Cả Đô thành sặc mùi khói xăng xe
Gốc "kẻ Chợ" trông ra đâu cũng chợ
Quán cóc, cafe'...lấn chiếm hết vỉa hè.
                       ………
Về Đất Thánh (sướng) nay không cần "hộ khẩu"
Con ông, cháu cha lại cuốn gói sang Tây
Thái Bình, xứ Thanh ...chen đầy phường phố
Còn ai thích về Hà Nội nữa đây ?
Những bài thơ, theo ông Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên “Phần  lớn là những bài thế sự, thời sự, chính trị mang tính ứng tác về cuộc sống diễn ra quanh ta” ấy thì, cũng trong bài viết trên, cô Dương Ninh Ninh đã phân tích rất hợp tình hợp lý:
“Nhưng trong những đứa con tinh thần mộc mạc ấy lại là những trái tim cao cả chứa đầy những cảm xúc rất đời thường, đôi khi tưởng như rất nhỏ bé nhưng thật ra lại rất sâu đậm nhân văn của nhà thơ”
Tôi thì, đọc những câu thơ không độc đáo, không lạ ấy còn hơn đọc chán vạn câu thơ ca ngợi Đảng quang vinh chẳng hạn  như mấy câu tả cảnh lớp ba Tiểu học này:
"Xuân Đinh Dậu đến nơi rồi,
đào mai khoe sắc mỉm cười nở hoa.
Khắp nơi sức sống chan hòa,
thi đua hội nhập nước ta hoàn thành.
Đảng cho sức mạnh tốt lành,
hòa bình độc lập tiến nhanh kịp thời.
Đắp xây cuộc sống an vui,
cửa nhà hạnh phúc muôn người ấm no.."
Hay mấy câu hô hào khẩu hiệu như đầy rẫy những dòng chữ vàng trên các băng rôn đỏ giăng khắp các phô phường:
Dù vẫn thấy đó đây gian khó
Nhưng tựu chung cái khổ vơi nhiều
Nhờ ơn Đảng Bác bao nhiêu
Dân nên góp sức bớt nhiều khó khăn
Nghe chối như hôm nghe lời phát biểu của ông TBT về thăm chùa Phật Tích tại thôn Phật Tích (xã Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh): "Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? Triển vọng phát triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển đi lên nữa"
Giữa thế kỷ trước, Nhà văn Thạch Lam, cây bút đáng yêu nhất trong Tự Lực Văn Đoàn đã viết: - "Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có,để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn".
Hiểu theo Thạch Lam thì ta thấy những bài thơ không độc đáo, không sang trọng của Nguyễn Khôi đúng là những tiếng nói “thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú
Hoặc Tây hơn như Balzac đã nói: “Nhà văn phải là người "thư kí trung thành của thời đại". 
Thì những bài thơ thế sự của Nguyễn Khôi chính là những ghi chép trung thành về thời đại hôm nay.
Vài chục năm sau, một lớp người mới sẽ đọc thơ Nguyễn Khôi hôm nay và biết đâu họ sẽ vui sướng mà rằng, mấy chục năm trước mùa Đông Hà Nội là thế này đây, Đền Phù Đổng ngày 1 Tết là thế đấy.
Và họ sẽ cảm thấy đọc những bài thơ ấy còn hơn chán vạn là đọc những câu thơ sang trọng về tình yêu kiểu thơ tình Hồng Thanh Quang:
Em có biết đằng sau
Con tim nào tụ chữ…
Em có biết tình yêu
Bồ côi như đứa trẻ...
Thiếu em là thiếu mẹ
Đứng ngồi đều liêu xiêu…
Hay giọng thơ trữ tình đài các kiểu Vi Thuỳ Linh:
Cơn gió đực
Làm tình một mình trên mái
Anh tô son môi em chín chín lần trong một buổi tối bằng môi anh
Điệu Samba thôi miên mùa thu
Rượu Bohème đổ không biết cạn
Tha bổng mọi ưu phiền ma mị.
[…]
Sang tuần sau, vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch, ngày hội thơ Việt Nam lại đến. Tôi nghĩ chắc rằng, Thơ Nguyễn Khôi sẽ không được chọn câu thơ nào để thả vào trời xanh cho dù năm nay ban tổ chức sẽ chọn 500 câu thơ hay thay vì năm ngoái chỉ có 50 câu.
Bởi lẽ, thơ Nguyễn Khôi không có câu nào đáp ứng đủ các tiêu chí: thơ hay, độc đáo, thể hiện đúng tinh thần tôn vinh thi ca nước Việt. Không có câu nào sang trọng như câu thơ đã bay lên trời xanh từ ngày Hội Thơ năm ngoái:
 Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót
Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ
Không biết ông Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên có được mời vào ban tuyển chọn thơ thả vào trời xanh năm nay không?
Nếu được chọn, xin ông hãy nhớ cho, ông còn trẻ hơn nhà thơ Nguyễn Khôi rất nhiều và ông đã là Tiến sĩ Ngữ Văn chắc ông thừa biết câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ”. Nếu còn thì thầm với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, xin ông nên hãy thầm những lời đúng và đẹp như hoa Xuân thì hay hơn, ông Tiến sĩ Ngữ Văn à!
*
Sài Gòn, ngày 03/02/2017
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com








…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 03.02.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét