Vài suy nghĩ khi đọc tiểu thuyết MA TRẬN TÌNH CỦA NGUYỄN NGUYÊN BẢY - Tác giả: Hoàng Xuân Họa (Hà Nội)

Leave a Comment
(Từ trái qua phải: Hoàng Xuân Họa - Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên)
Vài suy nghĩ khi đọc tiểu thuyết
MA TRẬN TÌNH
CỦA NGUYỄN NGUYÊN BẢY
*
Ma Trận Tình (*) là cuốn tiểu thuyết thứ tám của nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy đã bay tới nhà chúng tôi: Hoàng Xuân Họa, Nguyễn Anh Tuấn và Trần Vân Hạc từ cuối tháng 12 năm 2011, do chị Song Thu đem từ thành phố Hồ Chí Minh ra.
Cầm món quà tinh thần của bạn trên tay mà lòng tràn cảm động, sung sướng. Cuốn song tiểu thuyết tuy không dày nhưng cũng không thể coi là mỏng; với trên 200 trang in cỡ chữ 12, của phần một. Phần hai: là tiểu thuyết “Linh hồn lang thang” khoảng gần 150 trang nữa làm cho cuốn sách dày dặn, bề thế, sang trọng thêm. Hai tiểu thuyết trong tập khái quát hai “xêri” nhân vật khác nhau, những số phận khác nhau thời chiến tranh cũng như thời bình. Với các nhân vật: Long, Trinh, Cha đạo Minh Đức, Bảy Trọng… (Ma trận tình); Mạnh, Cúc, Yblem, Hơben… (Linh hồn lang thang) những nhân vật một thời, ít nhiều đều kinh qua một giai đoạn đầy biến động của đất nước.
Ma Trận Tình” (ở đây chúng tôi chỉ đi sâu vào phần truyện Ma Trận Tình), câu chuyện xoay quanh cái nhà máy giấy và một xưởng in do vị cố đạo Minh Đức xây dựng từ thời trước năm 1975 trên đất Sài Gòn sôi động, mảnh đất của một thị trường tiêu thụ và hưởng thụ. Một thời gian dài Sài Gòn từng có lúc phát triển về kinh tế và đời sống vào bậc nhất Đông Nam Á, nhưng cũng từng nhiều chính biến gây sốc cho 3 triệu rưỡi người dân sinh sống trong lòng nó mà không ai đoán định được việc nó sẽ đi về đâu để mà sống mà theo cho đúng sự vận động đầy bão tố của nó nửa sau thế kỉ 20. Cũng như cái nhà máy giấy và cái xưởng in kia, hưng thịnh được ít năm đầu xây dựng, chao đảo khi thay quyền, đổi chủ. Điều thú vị là hai vị giám đốc điều hành hai cái nhà máy này đều từ chân đất trở thành trí thức, trở thành người lãnh đạo ở đó. Cha Minh Đức, vị giám đốc đầu tiên từ một Cô nhi viện bước ra. Bảy Trọng, năm 13 tuổi đã tìm đường ra cứ theo kháng chiến, sau được ra miền Bắc học tập, được sang Đông Đức học ngành in. Trở về là một cán bộ nguồn cho miền Nam ngày thống nhất. Bảy Trọng về làm giám đốc nhà máy khi cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở Sài Gòn và anh thay cha Minh Đức từ đó. Một nhân vật nữ, nhân vật chính của tiểu thuyết “Ma trận tình” có cái tên hơi bị tên đàn ông, nhưng cô có ưu việt về chất nữ tính của mình, vừa tự tin vừa bản lĩnh. Tên cô là Long. Long là một cô gái vừa đẹp vừa mẫn tuệ, mẫn cảm, mẫn tiệp. Long làm thư kí hồi cha Minh Đức làm giám đốc nhà máy này. Khi nhà máy hợp doanh vào nhà nước thì Long tiếp tục làm thư kí cho giám đốc Bảy Trọng.
Một cô gái đẹp như Long, có kiến thức làm việc như Long, người đọc có cảm giác như cô sinh không đúng thời nên kiến thức ấy, sắc đẹp ấy chỉ làm hệ luỵ cho cuộc đời cô dài dài. Sắc đẹp và kiến thức của cô ngay đến vị cha đạo đang trong vòng kiềm toả của Chúa cũng có lúc lung lay tâm hồn. Lung lay nhưng không dám vượt, không dám “phá vây”. Tuy không dám phá vây nhưng lòng vẫn một hai tiếc của giời: “Đời ta không là bỏ đi, nếu như con vẫn là bạn ta” (lời cha Minh Đức)!
Chúng ta cùng thử thưởng thức một đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật này:
Tôi lật từng tờ tập tài liệu: Dự án liên hiệp Lê Hoa 1990. Đây chính là thăng hoa ước mơ của Jiđi. Cái mà vì nó, tâm hồn tôi đã xao xuyến, đã tha thứ cho anh tất cả. Khát vọng của Jiđi không hề thua kém khát vọng của Cha, nếu không muốn nói là trội hơn. Bởi thăng hoa và hiện thực nơi Cha dường như khó thể hài hòa. Hơn nữa, những thăng hoa ấy không còn thích hợp với hiện tại và cũng không được hiện tại chấp nhận.
Tôi bỗng nhiên muốn biết anh đang sống và được tình yêu chăm sóc như thế nào. Chị có đáng để cho anh yêu và anh có thực yêu chị? Tôi hiểu, thể chế hiện thời, con người bị ràng buộc quá chặt chẽ bởi tờ giấy hôn thú. Người ta không dễ gì buông tha nhau. Đoàn thể và luật pháp luôn ủng hộ sự đoàn tụ, dù đoàn tụ ấy là địa ngục. Biết bao cặp vợ chồng sống với nhau như mặt trời, mặt trăng, nhưng trời trăng cứ phải sống với nhau. Ly dị là điều không thể chấp nhận. Nơi nơi người ta thành lập các tổ hòa giải. Người ta phân tích điều này, điều kia, cái lợi, cái hại và người ta cho mình quyền nối lại mọi đổ vỡ. Cơ quan chồng và cơ quan vợ huy động tối đa sức mạnh đoàn thể, đạo đức khuôn sáo, thậm chí đe dọa những hiểm họa trừng phạt sau ly dị, khiến người chồng và người vợ đều cảm thấy sẽ vô cùng bi kịch nếu không chịu tiếp tục chung sống với nhau. Thế là họ buộc phải đồng sàng dị mộng. Anh có rơi vào tình cảnh đó không? Tôi tưởng tượng về anh và thương cảm cho anh.
Thật bất hạnh cho tôi. Người đạo diễn đầu đời chắc chắn đã có vợ. Già và dê như thế làm sao thoát. Rồi tới Cha. Cha yêu tôi nhưng chẳng dám từ bỏ Chúa. Và bây giờ là anh ấy. Tại sao số phận lại trớ trêu với tôi đến thế? Không người đàn ông trinh nguyên nào làm trái tim tôi xao động. Tôi chỉ dấn thân vào những cuộc tình, chỗ này vụng trộm, chỗ kia mơ mộng một chiều. Ôi, tình tôi, ngang trái, bàng bạc, thắc thỏm, đò đưa, hạnh phúc, tội nghiệp…” (trang 104).
Trong lời đề từ khi đăng tải tiểu thuyết “Ma Trận Tình” trên trang web của mình, nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy đã viết: “Một tập sách bảo là truyện tình thì nó là truyện tình, bảo là truyện đời thì nó là truyện đời”. Vâng! Trong chuyện đời có chuyện tình và trong chuyện tình tác giả lồng chuyện đời vào để mổ xẻ một vấn đề gọi là niềm tin. Vốn tình yêu đã là niềm tin - Tin yêu! Tôi tin tưởng anh dành tình yêu cho tôi nên tôi mới đem lòng yêu anh, vậy mà các anh yêu tôi bằng thứ tình yêu lợi dụng! Người muốn độc quyến chiếm giữ, kẻ muốn khám phá vùng “đất lạ” nơi tôi. Các anh đem đức tin của các anh truyền lửa cho những người nhẹ dạ cả tin. Thế giới loài nguời, xưa nay vốn nhẹ dạ cả tin. Chính vì loài người nhẹ dạ cả tin nên cần có người đứng ra “giúp loài người từ chỗ họ không biết gì Thượng Đế đến chỗ tin nhận ngài” (Thánh Kinh Tân ước). Từ chỗ loài người biết tin nhận ngài rồi, họ tiếp tục giúp loài người tin nhận chính người dẫn dắt: “Ngày trước, anh em không biết Thượng Đế, nên đã làm nô lệ cho những thần linh giả tạo. Nay anh em biết thượng đế, tin nhận Thượng đế rồi thì anh em phải tin nhận chúng tôi. Chúng tôi là người làm cầu nối để anh em biết đến Thượng Đế…!” (Thánh Kinh Tân Ước).
Cảnh huống “hành đạo” của hai tôn giáo bào mòn niềm tin của Long. Tôn giáo của Cha Minh Đức thì Long đã theo, đã tâm niệm từ nhỏ. Ma trận của tốn giáo này ra sao Long đã chứng kiến, đã hiểu về sự được mất nó đem lại cho Long. Tâm hồn Long đã nhập cõi mê theo dẫn dắt của mẹ ngay từ khi chưa thành thiếu nữ, mà mẹ Long, một con chiên lành ngoan đạo dẫn dắt Long vào. Còn “tôn giáo” thứ hai, chưa hẳn là một tôn giáo nhưng bản chất của nó lại mang nặng tính tôn giáo. “Tôn giáo” này cũng lắm lệ luật, sùng bái chẳng kém. Tính chất của nó chưa hẳn là tôn giáo nhưng những người sống trong vòng kiềm toả của nó phải phục tùng triệt để, mê tín nó triệt để, bởi nó có chất men chưng cất lên thứ rượu làm say người mê tín nó bằng ba chữ “Vì tổ quốc” (nói tới tổ quốc, là người dân một nước ai chẳng vì). Gọi cách khác là niếm tin về một lý tưởng. Cái lý tưởng mà “giai cấp này phải căm thù giai cấp kia” (Tạ Duy Anh). Nhân vật Long đang dành thời gian để tự mình thử thách, nhìn nhận, suy ngẫm cho kĩ nên nàng một hai quyết liều mình chui vào lòng “con thú dữ” để thử thách và chiêm ngẫm. Đại diện cho tôn giáo thứ hai này, có lẽ là Tư Cơ, tức Phùng Tuấn. Đó là người đại diện cao nhất mà Long gặp trong đời, trong công việc, trong giao tiếp. Tầm vóc của Long chỉ với được đến đó, đến Bảy Trọng, Tư Cơ… là hết tầm! Nếu với lên cao hơn nữa chắc còn lắm bùng nhùng dây dợ tứ lung tung… Người xưa có câu: “Càng leo cao thì càng ngã đau” nên tác giả chỉ để nhân vật Long leo đến đấy. Cái đại diện ở phần ấy. Mới leo đến đấy Long đã thấy mệt mỏi và cuối cùng nàng đành chịu bại trận và chạy trốn. Chạy trốn cả “Ma trận tình” lẫn ma trận đời. Nàng nhận ra cả hai đều dương bẫy, để sập bẫy những kiếp người. Nếu nàng “Bằng lòng đi em” thì công việc đang mở ra nhiều tương lai trước mắt. Vì sao Long phải chạy trốn ư? Vì rằng: nàng chạy trốn cả những mối tình đa phương, đơn phương; trốn chạy những con đực dâm dê kê cụ của bọn người với những ngộ nhận mình có tài, mình có quyền như Quảng Lợi, Phước Thọ, nhà thầu Belbel, lão đạo diễn dê già… Loại người này luôn sống theo thú tính, thấy phụ nữ là như mèo thấy mỡ, nếu cứ sa đà với họ thì dù quyết giữ mình đến mấy cũng khó giữ nổi.
Trinh, một nhân vật bất cần đời, sống buông thả cặp đôi với nhân vật Long làm người đọc có cảm giác cả tâm hồn và thể xác nhân vật Long bị “hãm” trong hai thứ đạo. Một là đạo của cha cố Minh Đức, “đạo” thứ hai là niềm tin của Bảy Trọng về lý tưởng mình theo đã dành chiến thắng. Tất cả bọn họ làm cô mệt mỏi, thất vọng cuối cùng cô chẳng biết đi đâu, về đầu, cô đành tìm đến những cuốn truyện chẳng ra hồn truyện, chỉ là những ghi chép còn sống sượng chẳng đem lại lợi lộc gì. Nào công việc, nào giao tiếp… Cả cõi tình và cõi đời đều như “ma trận” dăng ra để bẫy người nhẹ dạ cả tin. Long nhận ra tẩy của họ: “Tôi nói lạnh tanh lời lệnh, vì tôi biết Cha dự định nói gì. Cha tự kết tội mình nhân danh Chùa dối gạt tôi. Còn kẻ ấy nhân danh lý tưởng khước từ tôi. Chẳng lẽ khước từ đẹp đẽ, chính đáng hơn dối gạt? Không thể khác. Kẻ ấy cũng như cha, cũng nhân danh mà dối gạt tôi. Dối gạt ngụy trang đạo đức. Cha bao che tôi trong bóng tối, còn kẻ ấy bao che tôi giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi thấy tẩy của kẻ ấy, mà không thể lật, bởi lòng trót yêu, sức quá yếu, lực quá nhỏ trong bóng hình uy quyền ấy…” (Trang 195)
Nguyễn Nguyên Bảy đã xây dưng một mẫu người đô thị với một nội tâm phong phú, nhưng cũng đầy day dứt để mổ xẻ thói đời đen bạc, đổi trắng thay đen trong cái ma trận tình, ma trận đời dằng dặc mà xã hội nào cũng nhan nhản, lổn nhổn như đá dăm trên đường thiên lý, cứ bước chân ra cửa là vấp. Vấp không ngã đau thì cũng trẹo chân! Ma trận mà các tôn giáo giăng ra để mụ mị những người sống trong vòng xoay, vòng khống chế của nó. Nhân vật Long, tác giả gắn cái tên đàn ông cho cô là một ngụ ý. Có thể liên hệ: Long là rồng (Con rồng cháu tiên). Long được chắt chít những người đi mở đất phương Nam sinh ra trên đất Sài Gòn - Gia Định. Long đẹp là vậy mà đời cô đã được hưởng hạnh phúc tròn trĩnh đâu. Bao nhiêu kẻ muốn xâu xé, chiếm đoạt làm cho cô dằn vắt, đớn đau… cũng như mảnh đất cô đang sống - Mảnh đất Sài Gòn, cũng có số phân như cô.
Quan hệ giám đốc Bảy Trọng và tổng giám đốc Tư Cơ là quan hệ cấp trên cấp dưới, quán hệ đồng chí, đồng tịch đồng sàng, vậy mà họ lại cắm sừng lên đầu nhau để sinh ra cháu Vũ, Bảy Trọng biết mà không dám làm gì đồng chí cấp trên Tư Cơ của mình. Cái bi kịch đời là ở chỗ đó…
Cha Minh Đức và giám đốc Bảy Trọng có quan điểm giống nhau về cách phát triển nhà máy giấy, nhà máy in sau ngày công tư hợp doanh. Cái nhà máy giấy và một xuởng in được miêu tả trong tiểu thuyết “Ma trận tình” không có gì đặc biệt cho lắm. Bởi tính chật hẹp của nó về cả mặt bằng xây dựng và số nhân lực được thể hiện trong đó không là một “tập hợp quần chúng”, vì ở đây nó không có các đoàn thể công đoàn, thanh niên, phụ nữ rõ nét. Cả chi bộ đảng kềnh càng lãnh đạo cũng không rõ có hay không. Duy chỉ có nhân vật phản diện là phó giám đốc Vĩnh, hình như Vĩnh là bí thư đảng uỷ của hai nhà máy này. Cơ cấu một xí nghiệp ở Việt Nam hiện nay thường thế. Lấp ló nhân vật Vĩnh hình như là người giữ chức vụ này. Nhưng nhân vật Vĩnh lại khá mờ nhạt. Vĩnh chỉ là sự thêm thắt “kịch bản” trong chuyện đấu đá nội bộ hất lật nhau để tranh dành cái ghế lãnh đạo, để đẩy câu chuyện lên cao trào tải một ý tưởng hoàn toàn khác, chỉ về một vấn đề khác mà tác giả muốn mổ xẻ; mổ xẻ cái ung nhọt thâm căn cố đế mà nhiều người, ai cũng nhận biết mà chưa ai dám đề cấp tới, phanh phui ra giữa thanh thiên bach nhật...
Mọi dụng ý nghề thuật của “Ma Trận Tình” đều được tập trung ở nhân vật Long, nhân vật chính của truyện. Phải chăng Long, chính là thân phận của tác giả. Theo chỗ tôi được biết, tác giả sinh năm 1940, năm 1940 là năm Canh Thìn. Thìn trong lịch âm 12 con Giáp là Rồng. Rồng được hiểu là Long (long, li, quy, phượng, bốn con vật được coi là linh thiêng trong dân gian xưa và cả ngày nay vẫn coi như vậy). Tại sao tôi khẳng định Long chính là tác giả? Là vì chính tác giả là người, cả một đời làm việc cho ngành tuyên truyền. Ở trong lòng nó nên tác giả biết rõ đây là một công cụ để tuyên truyền các đường lối chính sách của các giới cầm quyền nói chung, kể cả bên ta và bên địch. Không riêng gì xứ ta mà cả cái thế giới đầy hỗn tạp này đều như vậy.
Chuyện xoay quanh cái nhà máy sản xuất giấy và xuởng in kia. Nhà máy giấy với xưởng in do cha Minh Đức xây dựng để vừa kinh doanh cho nhà thờ, cũng vừa để in những cuốn kinh thánh để mở rộng, quảng bá phát triển đạo của mình. Nếu chỉ để kinh doanh đơn thuần làm giàu thì ông cha đạo này chẳng làm việc này làm gì, ông ta chỉ trông coi nhà thờ và chăm sóc phần hồn cho đám con chiên ngoan đạo của ông cũng đủ giàu việc gì ông ta phải làm thêm nghề tay trái là - kinh doanh?
Cha được nuôi sống trong căn nhà của Chúa. Nhưng Chúa không muốn Cha thành một con chiên. Chúa muốn Cha giáo hóa bầy chiên về nước Đức Chúa Trời. Chúa giao cho Cha những chiếc máy in làm công cụ truyền giáo. Sứ mạng của Cha ngang bằng với sứ mạng rao giảng nơi thánh đường. Các Cha bề trên đã kinh lệ Cha sứ mạng của Cha, coi công việc in ấn của Cha như là một phận sự làm xán lạn thánh đường thờ phụng Chúa”. (Trang 11)
Cái nhà máy sản xuất giấy và xương in kia, ngay từ khi sinh ra vốn là nơi in ra những quyển kinh; nay là những tờ báo, cuốn sánh để tuyên truyền… Nghĩa là nó vẫn làm nhiệm vụ tuyên truyền. Tuyên truyền, có nghĩa nó phục vụ cho việc nói dối…! Chính nhân vật Long có lần không kìm mình được, đã thẳng thắn trước Cha Minh Đức ở một đoạn văn sau:
“Cha trả lời cho con biết đi, tại sao Cha đã dâng mình cho Chúa, Cha còn yêu con?
- Kìa con. Cha bối rối.
- Hơn một lần cha tỏ tình với con. Hơn một lần Cha muốn là đàn ông với con. Cha đã không thể, không phải vì Cha yêu Chúa mà vì Cha yêu Cha, Cha sợ hãi chính Cha. Lúc nào Cha cũng nhân danh Chúa. Cha nhân danh Chúa buộc con chinh phục kẻ đại diện hận thù của Cha. Con chẳng những đã không chinh phục được kẻ ấy, mà còn vướng lưới tình kẻ ấy. Con trụy lạc trong tình yêu đơn phương.
- Kìa con. - Giọng Cha run rẩy.
- Cha đừng lo con vướng bẫy thì Cha thêm tội, con biết cách thoát cạm bẫy. Kẻ ấy cũng như Cha. Kể ấy cũng chỉ yêu kẻ ấy và Chúa của kẻ ấy. Kể ấy cũng nhân danh Chúa của kẻ ấy mà dối trá. Kẻ ấy học theo Cha, cũng chỉ muốn con là nhân tình, gái bao của kẻ ấy…” (Trang 194)
Bằng giọng văn gấp gấp hối hả bay bay như trên, những đoạn đối thoại như kịch, đôi khi theo dòng truyện kì ảo bằng tâm thức, người đọc có cảm giác nhân vật Long bị “hãm” trong hai thứ đạo. Một là đạo của cha cố Minh Đức, “đạo” thứ hai là niềm tin của Bảy Trọng về lý tưởng mình theo, đã dành chiến thắng trong việc bủa vây Long. Long bị vây trong “Ma trận tình” của bốn năm người đàn ông… Nguyễn Nguyên Bảy định hình một kiểu thử thách lòng kiêu hãnh thân phận mỏng manh của kiếp người trước cuộc sống đầy những áp đặt máy móc, những trói buộc cả về thể xác lẫn tinh thần dẫn cô từ thất vọng này đến thất vọng khác, cuối cùng cô chẳng biết đi đâu, về đầu, cô đành trốn chạy tất cả, để trở về ẩn trong lòng mẹ. Đó chính là người mẹ Việt Nam nhân bản.


* Ma trận tình, Linh hồn lang thang - NXB Văn học - 2011.
*
HOÀNG XUÂN HOẠ
Địa chỉ: 193 Đường Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội.
Email: haixuanxh@gmail.com
Điện thoại: 091.604.36.37  
.





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 17.03.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét