'MỘC HƯƠNG CUỐI MÙA THU', CẤU TRÚC VĂN BẢN VÀ THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG CỦA NGUYỄN HẢI YẾN - Tác giả: Đặng Văn Sinh (Hải Dương)

Leave a Comment

 


“MỘC HƯƠNG CUỐI MÙA THU”,

CẤU TRÚC VĂN BẢN VÀ THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG

CỦA NGUYỄN HẢI YẾN

*

(Tác giả Đặng Văn Sinh)

Đọc nhiều lần “Mộc hương cuối mùa thu” mới thấy cấu trúc văn bản của Nguyễn Hải Yến phức tạp. Đây là truyện ngắn được tác giả sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật từ bố cục đến thế giới hình tượng cũng như đặc trưng ngôn ngữ nên rất cần được giải mã nếu ta muốn hiểu tư tưởng thẩm mĩ của tác phẩm.

“Mộc hương cuối mùa thu” có một cốt truyện cực kỳ hấp dẫn mà trọng tâm là cặp bình gốm Thanh Hoa Ngũ Thái được chế tác từ dòng gốm Cảnh Đức (Giang Tây, Trung Quốc), niên đại hơn ba thế kỷ. Bảo vật này liên quan đến một vụ huyết án trong gia đình nghệ nhân họ Mai bến sông Nguyệt Đức, và kế hoạch “dĩ độc trị độc” trả thù kẻ gây ra tội ác của cô cháu nội ông chủ lò gốm sau này.

Có thể nói, gốm là linh hồn “Mộc hương cuối mùa thu”. Đọc bất cứ phần nào, cho dù lời kể gián tiếp hay ngôn ngữ nhân vật, gốm luôn là điểm hội tụ hầu hết các chi tiết, tình tiết, sự kiện cấu thành văn bản như một thực thể thẩm mĩ.

Về mặt cấu trúc, truyện của Nguyễn Hải Yến ít khi liền mạch mà thường là phân mảnh có chủ ý thành những khúc, đoạn theo một trật tự phi tuyến tính. “Mộc hương cuối mùa thu” cũng không phải ngoại lệ. Gặp những văn bản như thế này, nếu chỉ lướt qua, độc giả rất khó nắm bắt được cốt truyện chứ chưa nói đến tư tưởng chủ đề. Ở đây, dường như vai trò dẫn truyện của tác giả bị đẩy xuống hàng thứ yếu, trong khi đó, lời kể của nhân vật Thi qua chuỗi hồi ức đứt nối được phục dựng chiếm ưu thắng trong diễn biến mạch truyện. Thế nhưng, lời kể của các nhân vật, trong đó có Thi cũng không đơn giản, một chiều mà thường là đảo ngược trình tự thời gian tạo ra sự gián cách bằng những khoảng lặng cần thiết khiến cho người đọc nhiều khi mất phương hướng buộc phải phỏng đoán và suy ngẫm. Như vậy, về mặt văn bản, vô hình chung, tác giả đã buộc người đọc cùng đi hết chặng đường sáng tạo với mình. Từ đó có thể thấy, những ai chỉ quen đọc văn bản một chiều, luôn bằng lòng với loại truyện kể theo kiểu sử thi, cổ tích sẽ rất khó nhận diện bản chất “Mộc hương cuối mùa thu”.

Cùng với hồi ức của Thi, Nguyễn Hải Yến còn sử dụng thủ pháp đồng hiện, tuy không mới nhưng lại tỏ ra có hiệu quả khi nhân vật và bối cảnh lịch sử bị khái niệm “thời gian” chi phối. Các nhân vật người mẹ, người bà hay chú Vinh đều xuất hiện trong hoàn cảnh như vậy. Nói cách khác, đây là những nhân vật gián cách. Tất cả mọi cử chỉ, suy nghĩ và hành động của họ đều thông qua cảm quan của người dẫn chuyện. Cho nên mọi diễn ngôn của cô đều rất quan trọng vì, không ít thì nhiều, nó phản ánh tư tưởng thẩm mĩ của tác giả.

Với kiểu bố cục phân mảnh, đan cài theo “thuật toán ma trận” như vậy, muốn hiểu thấu đáo câu chuyện, không gì tốt hơn là “tái cấu trúc” thành trình tự tuyến tính. Tuy nhiên, đây chỉ là thao tác tạm thời như một cách “giải cấu trúc” để dễ bề tiếp cận sau đó lại hoàn nguyên bố cục tác phẩm.

Một điều đáng chú ý nữa là, truyện của Nguyễn Hải Yến thường được hình thành trong những bối cảnh không gian khác nhau, thậm chí rất xa nhau mà lại toàn là những không gian âm u, nặng mùi ma quỷ như cây cầu quán trong “Quán thủy thần”, chiếc lều vó trong “Dành dành cánh kép”, ngôi nhà hai bà cháu cuối bãi đất hoang, Gò Mả Giặc với ngôi miếu Hàng Xứ trong “Bồ kết về đồng”, con đò dọc cô đơn giữa đêm vắng trong “Đò chờ” v.v... Đến “Mộc hương cuối mùa thu”, ta lại bắt gặp motif này. Như vậy, hình tượng bà cháu và không gian “liêu trai” luôn đi liền với cảm hứng thẩm mĩ của tác giả trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Với Hải Yến, hiện tượng cặp đôi này được xem như một “cổ mẫu” nhưng ở mỗi truyện lại có những hình thái biểu đạt khác nhau làm nên sự đa dạng phong cách.

Khác với không gian mang tính ước lệ trong “Quán thủy thần” hay không gian huyền thoại trong “Hoa gạo đáy hồ”, không gian “Mộc hương cuối mùa thu” tuy vẫn nặng nề âm khí nhưng yếu tố hiện thực đã hiển hiện khá rõ. Trong ba địa điểm ấy, khó có thể nói nơi nào xa hơn nếu ta lấy lò gốm Nguyệt Đức làm tâm điểm. Làng Cậy là nơi người con gái ông thợ gốm buộc phải ra đi để giữ nghề. Gia đình họ Mai được xem như nơi người nữ tượng nhân thành danh, còn đảo Mộc Hương giống như mảnh đất lành để cha mẹ Thi vừa tị nạn vừa làm nghề. Đây chính là những không gian văn hóa điển hình làm nên hồn cốt câu chuyện. Thi đã ở hai trong ba không gian đó, những không gian từng nuôi dưỡng tâm hồn cô với sự che chở của mẹ và bà nội, nhưng cũng là những nơi cô bé chứng kiến bi kịch gia đình khi mà ông nội và người bác ruột từ bỏ nghề truyền thống, chuyên sản xuất đồ giả cổ lừa thiên hạ.

Như trên đã nói, sự tiếp biến trong “cổ mẫu bà cháu” của Nguyễn Hải Yến ở “Mộc hương cuối mùa thu” là rất đáng kể. Nếu như cặp bà cháu trong “Bồ kết về đồng” hay “Dành dành cánh kép”, cô bé chỉ xuất hiện ở giai đoạn niên thiếu rồi chết yểu hoặc không biết số phận ra sao thì Thi lại tham gia vào câu chuyện với tư cách nhân vật chính, giữ vai trò chủ chốt trong diễn biến cốt truyện. Đây là nhân vật hầu như không được miêu tả ngoại hình nhưng lại xuất hiện với tần suất cao qua ngôn ngữ giao tiếp với mọi người. Tùy từng đối tượng mà Thi có cách ứng xử khác nhau bằng lớp từ vựng khác nhau. Với bà nội, ông thợ cả hay chú Vinh, là những lời dịu dàng, tình cảm và chân thành, nhưng với Phú hoặc Trùm Nguyễn lại là những thông báo ngắn gọn toát lên vẻ quyền uy của một trí tuệ sắc sảo, luôn đặt người đối thoại vào tình thế bị động. Vậy là, khác với hàng loạt truyện ngắn đương đại mà căn bệnh kinh niên là kể lể dài dòng, dư thừa chất độn khiến người đọc mệt mỏi bởi thứ ngôn ngữ sáo rỗng, Nguyễn Hải Yến lại tỏ ra thành công khi dùng ngôn ngữ đối thoại thay vì trần thuật miêu tả tính cách nhân vật. Vậy phải chăng đó là lớp từ mới được tác giả sáng tạo? Câu trả lời là không. Hoàn toàn là từ cũ, vẫn được mọi thành phần xã hội “tiêu dùng”. Bí quyết của nhà văn ở đây là kỹ năng kết hợp từ loại tùy từng văn cảnh theo phương án tối ưu dẫn đến sự bùng nổ hiệu ứng. Chúng ta hãy nghe lời cháu gái cụ Gốm Cậy nói với ông chủ họ Mai khi cô vừa cùng người em nuôi bước vào xưởng Nguyệt Đức: “Lúc vào chúng cháu ngửi thấy mùi gốm chín. Nếu cháu đúng thì lò phía trước chỉ tầm mười phút nữa bác sẽ cho dồn củi thúc rồi bịt lỗ giòi để om. Lò này bác dùng củi nhãn. Lửa chắc và quyện. Mùi gốm chín ấm và đằm. Lò sau mùi gốm tươi và ngái hơn bác ạ”. Đúng là mẹ nào con ấy. Hai mươi năm sau, chẳng những Thi trở thành họa sĩ trang trí gốm nổi tiếng mà còn là chuyên gia chế tạo men thủ công độc nhất vô nhị khiến ngay cả Trùm Nguyễn cũng phải kính nể: “Cái này con làm được. Khó nhất phải là men thủy tinh. Làm thế nào để khi nóng chảy, nó không chỉ kết dính vào bề mặt xương thành lớp men như lớp kính mà còn phải chảy tràn lấp đầy hoa gạo. Bình kín nhưng thoạt nhìn tưởng rỗng, kĩ thuật lừa cả mắt người. Muốn được như thế ta phải kiểm soát được từ độ ẩm của gốm mộc đến cả lực khắc, nhiệt độ, thời gian nung và độ dày của men”. Nhưng cũng là Thi, khi đối diện với ông bác tham lam, coi đồng tiền hơn sinh mạng con người thì thái độ cô hoàn toàn khác: “Bà là chủ sở hữu đất này, giấy tờ công chứng đủ cả, bác không kiện cháu được đâu. Giờ cháu chưa dùng đến, tạm thời cho bác mượn, nhưng cháu đòi lúc nào nên lúc bấy giờ”.

Như vậy, người bà là nhân vật không thể thiếu trong diễn biến câu chuyện, là tiền đề cho hàng loạt hành động của cô cháu gái dẫn đến việc trả thù người bác ruột khiến ông ta khánh tận sau này. Trong con mắt cô, bà nội như một thần tượng: “Bà là con nhà nòi, bị đất bỏ bùa từ trong bụng mẹ, lớn lên thành phù thủy chuốt gốm nổi tiếng khắp vùng, bà bảo gọi thế là bởi gốm do mình làm ra nhưng tốt xấu thế nào không biết trước chỉ đến khi ra lò, nâng trên tay mới biết dở hay. Tổ cho nghề nhưng hồn gốm lại do tâm. Tâm không sáng, gốm làm ra không ấm, chạm vào không thấy thở, không thấy mạch gốm thì sớm muộn lửa cũng tàn… Và con còn biết điều này nữa. Điều này bà không nói nhưng mẹ con kể. Mẹ con bảo ông thương bà con hơn thương gốm”…

Dường như đã trở thành phong cách, ngôn ngữ đối thoại của Nguyễn Hải Yến luôn ngắn gọn đến mức không thể ngắn hơn. Với những từ ngữ đã tỉnh lược tối đa ấy, có khi làm ta đau đầu vì phải phỏng đoán, nhưng câu văn vẫn mềm mại vì đã được tu sức: “Chỉ tiếc sau này ông ấy chuyển sang làm đồ cổ giả. Cái đấy là lừa người. Tiền nhiều lắm nhưng cái tâm nghề gốm không còn… Bố mẹ mày bỏ đi cũng là vì thế”.

Đêm ấy bà cũng biết nhưng không cản phải không bà?”.

Bà biết... Kể cả chuyện chúng nó mang theo một chiếc trong đôi bình “Vĩnh kết đồng tâm”...

Về mặt cốt truyện, “Mộc hương cuối mùa thu” được xem như một văn bản mẫu mực không thể chỉnh sửa. Tuy có dung lượng đến gần mười ngàn chữ nhưng có cảm giác nó giống như một bài thơ Đường luật trung đại mà mỗi câu đều lấp lánh một tín hiệu thẩm mĩ. Nó thâm trầm, bí hiểm, tiền hậu hô ứng thể hiện khá rõ tư tưởng triết mỹ phương Đông hội tụ vào chữ “tâm” đối với những người làm nghề gốm. Mặt khác, thiên truyện có cách diễn ngôn như một bản concerto cổ điển viết riêng cho đàn cello với chủ đề chương 1: “Những mảnh đời” tiết tấu khoan thai, chương 2: “Hồn gốm” chậm rãi, còn chương 3: “Gốm trả thù” tiết tấu nhanh, trọng tâm là cuộc đấu giá dẫn đến cao trào Phú phá sản.

Có thể nói những toan tính làm giầu bằng mọi giá của cha con ông chủ Mai đã dẫn đến sự đổ vỡ niềm tin và đạo đức nghề nghiệp trong “Mộc hương cuối mùa thu”. Tuy chỉ là xung đột quyền lợi ở phạm vi một gia đình nhưng lại có sức khái quát hết sức lớn bởi vấn nạn xã hội được đặt ra phía sau những con chữ chỉn chu, nghiêm cẩn và giàu hình ảnh kia. Đó là sự xuống cấp của nền tảng đạo đức khi các giá trị chân, thiện, mỹ bị thay thế bằng những khái niệm rất hào nhoáng nhưng đã tỏ ra xa lạ khi thực hành định hướng nhân cách con người. Phú, hiện thân của cái ác đồng nghĩa với việc ông ta là sản phẩm khó thay thế khi mọi hoạt động xã hội của các thành viên không lấy lòng nhân ái làm phương châm hành xử. Ở đây, như một thông điệp ngầm, nếu đọc kỹ ta mới nhận ra, tất cả mọi khuyết tật ấy, dường như đều được người viết quy chiếu vào một điểm, đó là văn hóa. Văn hóa là điều kiện tiên quyết hình thành nhân cách con người, và cao hơn nữa, của cả một cộng đồng. Văn hóa suy đồi tất yếu dẫn đến nhân cách tha hóa. Những từ ngữ hay ho nhưng nội hàm rỗng tuếch là tiền đề cho hành vi nói một đàng làm một nẻo khiến con người mất niềm tin trở thành vô cảm trước nỗi đau đồng loại. Liệu việc Phú đập phá lò gốm trên đảo Mộc Hương, sát hại em trai và em dâu chỉ vì chiếc bình cổ có phải là hệ quả của sự cổ xúy bạo lực một thời chưa xa?

Cấu trúc văn bản “Mộc hương cuối mùa thu” là điển hình của sự cân đối giữa các thành phần tham gia vào quá trình hình thành tổng thể nghệ thuật, trong đó yếu tố tương phản được thể hiện rõ nhất ở tính cách hai lớp nhân vật. Một bên là ông chủ Mai với người con cả, và bên kia là bà nội, bố mẹ Thi, Thi, ông thợ cả và chú Vinh. Đến đây có vẻ như ta lại gặp bóng dáng sử thi hay cổ tích ở sự đối lập giữa cái thiện với cái ác, cuối cùng thiện thắng ác và kết thúc có hậu. Nhưng thật ra, không phải như vậy. Cách xử lý các tình huống trong truyện hoàn toàn hiện đại, phù hợp với logic nội tại chỉ với mục đích làm nổi bật hình tượng nhân vật Thi. Kế hoạch trả thù của Thi chỉ có tính tượng trưng, bởi lẽ, đôi bình “Vĩnh Kết Đồng Tâm” cho dù có giá hàng chục tỷ đồng làm sao cân xứng với hai mạng người chết cháy? Vấn đề là ở chỗ, cô cháu gái đã dạy cho ông bác bài học làm người. Phú vẫn sống nhưng danh dự, nhân cách đã bị chôn vùi trước bàn dân thiên hạ. Chỉ khi đọc đến những lời đứt nối của hai bà cháu trong đêm, ta mới hiểu vì sao ông ta thân bại danh liệt: “Đêm ấy bà bảo tôi con đừng buồn, sẽ có lúc bà tìm cách lấy lại cho con. Tôi thì thầm con thuộc hết rồi bà ạ. Mẹ con dạy... Bà kiếm cho con giấy bút… Ừ thế chép lại. Giấu trong ruột bình phơ. Sau này có lúc cần… Bác Phú mày không làm được men gốm cổ đâu. Nghề này mà tâm không sáng thì gốm làm ra không ấm, chạm vào sẽ không thấy mạch gốm đập trên đầu ngón tay, lửa lò cũng không bền… Giời không thương bà bắt bố mẹ mày đi sớm quá. Gốm cổ mình khéo thất truyền… Bà không giữ được nghề tổ tiên, chết không nhắm mắt…”. Và còn đây nữa, vẫn là tâm sự của người nghệ nhân già sắp lìa cõi thế: “Tổ cho nghề nhưng hồn gốm lại do tâm. Tâm không sáng, gốm làm ra không ấm, chạm vào không thấy thở, không thấy mạch gốm thì sớm muộn lửa cũng tàn…”.

Hai chi tiết quan trọng nhất làm nên hồn cốt thiên truyện khác hẳn với thi pháp cổ tích là dưới đáy chiếc bình giả cổ Thanh Hoa Ngũ Thái, Thi để lại bút tích của mình chứng tỏ sự lương thiện của người thợ gốm tài hoa, và, sau khi đã làm cho ông bác thất bại ê chề, cô cũng đập vỡ luôn chiếc bình giọt lệ “Vĩnh Kết Đồng Tâm” được chế tác từ lò gốm Cảnh Đức có niên đại hơn ba thế kỷ: “Tôi gật đầu, ôm vào lòng chiếc bình sứ hoa lam lần cuối rồi buông tay, lặng im nghe tiếng vỡ. Người đàn ông cúi xuống nhặt từng mảnh sứ ghép nốt con đường gốm nối hòn đảo ngập hoa vàng”.

Mộc hương cuối mùa thu” không phải huyền thoại nhưng được Nguyễn Hải Yến viết bằng ngôn ngữ huyền thoại giống như một bản hòa tấu thấm đẫm tinh thần cổ điển. Nếu văn bản truyện giàu kịch tính dễ chuyển thể thành phim nhựa thì ngôn ngữ truyện lại giàu chất thơ. Ở bất cứ đoạn nào ta cũng được thưởng thức những câu văn mở rộng thành phần với nhiều hình dung từ mềm mại, uyển chuyển và giàu nhạc điệu: “Ngôi nhà nhỏ như tổ chim ghé vai dựa vào vách sỏi cách mặt đường ba chục bậc cấp ấy có một cây mộc hương bốn mùa lặng lẽ buông từ nách lá những nhánh bông li ti màu vàng ngà điểm đôi chấm ngả sang trắng sữa và một khoảnh sân bé xíu lát bằng những viên gạch gốm, màu men đất thâm trầm lấp lánh ánh đen. Đứng ở đấy, nhìn về phía trước sẽ thấy trọn vẹn một hồ nước mênh mông thấu cả đáy sỏi vàng – Hồ Bến Tắm. Giữa hồ có một hòn đảo rất lớn, tách biệt hẳn với đất liền vì con đường độc đạo dẫn vào đó bao giờ cũng chìm sâu trong nước”. Có khi, tác giả chỉ với đôi dòng phác thảo vậy mà cảnh tượng ấy cứ ám ảnh mãi tâm trí người đọc: “Chiều mùa thu ấy trong veo. Chờ hai chị em cuối con đường gốm vỡ là một góc bãi sông những giá hàng phơ, màu đất se rời rợi hắt ngược lên trong nắng”…

Mộc hương cuối mùa thu” dịu dàng mà đẹp đến nao lòng bởi đó là câu chuyện buồn về những người thợ gốm được tác giả kể lại bằng chính tâm hồn của gốm…

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*

ĐẶNG VĂN SINH

Địa chỉ: Khu Dân cư 3, phường Bến Tằm,

thành phố Chí Linh, Hải Dương.

Điện thoại: 098 765 35 60

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 20.02.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét