KHI NHÀ VĂN ‘NUỐT DAO PHAY’
VIẾT TRUYỆN LỊCH SỬ
*
Tiếp theo của bài đã đăng 03-12-2021:
“NUỐT DAO PHAY”
VIẾT TRUYỆN LỊCH SỬl
4. Từ
sáng đến giờ tôi tỉa vui 2 tút về tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời của nhà
văn Thiên Sơn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam cấp phép, phát hành. Nay
tiếp tục trở lại việc đánh số thứ tự các tút "Nuốt dao phay" viết
truyện lịch sử, kẻo một số bạn nhầm tưởng không đánh số nghĩa là đã kết thúc.
1- Có ý kiến cho rằng, nhà văn
Thiên Sơn viết văn chứ không viết nghiên cứu lịch sử cho nên phê phán tác giả
dốt sử là chưa trúng. Nói vậy thoạt nghe thì có vẻ ổn nhưng xin đừng quên Gió bụi đầy trời có dòng phụ đề:
Tiểu thuyết lịch sử. Thêm vào đó, tác giả còn chia sẻ ngay trang đầu sách:
"Trong tác phẩm này, tôi đã cố gắng
dựng nên bức tranh đa diện về một giai đoạn phức tạp, nguy nan nhất trong quá
trình tranh đấu lập nên nước Việt Nam mới"... và "Có lẽ, đã đến lúc nhìn lại lịch sử hiện đại
một cách khách quan với tất cả sự phức tạp đầy nghịch lý của nó". Viết
như vậy là tác giả Thiên Sơn đang dựng lại lịch sử Việt Nam trong 2 năm
1945-1946 đấy chứ. Mà muốn dựng lại lịch sử thì nhà văn phải am hiểu lịch sử
một cách đúng đắn. Với những nhân vật lịch sử, với những sự kiện lịch sử đã
diễn ra anh không thể nhân danh hư cấu rồi bịa đặt.
Nhà văn dựa vào sự kiện lịch sử,
nhân vật lịch sử để xây dựng nhân vật văn học của mình. Điều này Thiên Sơn
không làm được. Đó là thất bại của nhà văn. Một hệ thống nhân vật dàn trải,
được tác giả ngụy biện là sử dụng thủ pháp điện ảnh.
2- Với những sự kiện lịch sử gắn
với nhân vật lịch sử vì không am tường cho nên Thiên Sơn viết trật lất.
Tác giả cho rằng thời kỳ 1945 nạn
cướp bóc diễn ra khắp nơi. Chắc anh muốn ám chỉ phong trào phá kho thóc của
Nhật cứu đói do Việt Minh phát động? Còn "rừng núi bỏ hoang cho thổ phỉ trú ngụ" thì phần đông Việt Minh
trú ngụ trong rừng núi cả. Chiến khu Cao Bắc Lạng là rừng núi. Pác Bó là rừng
núi âm u, nơi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trú ngụ đấy!
Còn quan lại từ triều đình trung
ương đến địa phương đua nhau xin từ chức không rõ là những vị nào, đếm có hết
nổi 10 đầu ngón tay không mà nhà văn Thiên Sơn hạ bút viết xằng như thế. Ngay
trong Nội các Trần Trọng Kim còn dùng dằng chán chê mới có vài vị Bộ trưởng từ
chức kia mà. Chính quyền Việt Nam dưới thời cai trị của phát xít Nhật đến tháng
8-1945 vẫn vững như bàn thạch. Làm gì có cảnh hỗn quân hỗn quan như Thiên Sơn
tưởng bở. Ngày 21/8/1945, tại Hà Đông ngay sát Hà Nội, Tỉnh trưởng Hồ Đắc Điềm
và Tri huyện Hoài Đức ông Đinh Gia Trinh vẫn ra tận mặt đê để hộ đê, gia cố
những đoạn đê xung yếu. Khi quần chúng kéo đến dinh tỉnh trưởng thì ông Quản
Dưỡng chỉ huy làm cho tràng đạn, nhiều người chết, thì những người chỉ huy việc
khởi nghĩa cũng chạy mất dép. Sau phải chờ cụ Hồ Đắc Điềm về dinh, sai mở cửa,
mới bắt được ông Quản Dưỡng.
Cần phải hiểu rằng việc giành
chính quyền trong Cách mạng tháng Tám còn có tấm lòng yêu nước của chính những
quan lại cấp cao đến quan lại địa phương đã ngầm ủng hộ thì Mặt trận Việt Minh
mới thành công. Chứ không thể tô vẽ nguệch ngoạc họ như những kẻ bạc nhược, mất
tinh thần....
Nhà văn Thiên Sơn viết rằng Tổng
đốc Ngô Đình Khôi trong thời gian làm quan có thao luyện được một đội binh mã
và cất giấu một kho vũ khí chờ khi dùng đến. Trí tưởng tượng của nhà văn như
thế cũng chỉ đến tầm Thủy Hử. Nên nhớ rằng, dưới thời thuộc Pháp, chả ông quan
đầu tỉnh nào của Việt Nam chiêu mộ nổi quân binh và cất giấu nổi cả kho vũ khí
vượt mặt nổi thực dân Pháp. Ngồi trên đầu Tổng đốc, Tuần phủ còn ông Công sứ
mắt xanh mũi lõ tinh hơn cả cú, lọt thế nào được mắt các ông ấy. Tầm các quan
chức người Việt toàn làm bàn giấy. Lính khố xanh không may làm mất một khẩu
súng đã nhừ tử, đào đâu ra mà giấu được cả kho vũ khí.
Tác giả còn cho Thượng thư Bộ Lại
Phạm Quỳnh đóng vai trò tiên phong cải cách trong triều vua Bảo Đại. Nhưng cải
cách cái gì? Chắc Thiên Sơn không biết. Ngay như vua Bảo Đại khi về chấp chính
đã tiến hành cải cách, bỏ hết chuyện quỳ lạy, vái chào, thưa bẩm.... thì Thiên
Sơn đã xây dựng cả seri quan lại quỳ mọp dập đầu trước nhà vua đấy thôi.
3- Thiên Sơn có lẽ chưa từng đặt
chân đến Tân Trào cho nên viết cái lán Nà Lừa có con đường mòn nhỏ đằng sau,
rồi cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp nhìn ra lùm cây xanh mát xa xa. Đấy là anh
đang tả cái bờ ao nhà cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Còn Tân Trào là trong rừng nguyên
sinh, cây cối um tùm ngay trước mắt. Ai đã lên Tân Trào hay Định Hoá, nếu chú ý
quan sát sẽ nhận thấy các lán đều dựa vào núi. Con đường mòn chỉ có phía trước
chứ không có phía sau lán. Đường mòn phía sau như thế thì không cần đợi biệt
kích, thám báo, mà thú dữ nó đã xơi mất người rồi.
Một sự kiện khác là tác giả cho
Nguyễn Chí Thanh ra tự xưng danh và báo cáo Hồ Chí Minh về khởi nghĩa ở Huế.
Nhà văn không biết rằng chính Hồ Chí Minh là người đặt tên cho Nguyễn Vịnh
thành Nguyễn Chí Thanh. Ra Tân Trào, nghe Hồ Chí Minh gọi Nguyễn Chí Thanh còn
không biết đấy là tên mới của mình. Cho nên, không có chuyện Nguyễn Chí Thanh
ra xưng tên với Hồ Chí Minh như tác giả viết.
Thêm vào đó, khi ra họp ở Tân
Trào vào tháng 7-1945 (cùng Trần Quý Hai) thì lúc đó ở Huế làm gì đã có kế
hoạch khởi nghĩa. Trong lúc ở Huế chuẩn bị khởi nghĩa thì Nguyễn Chí Thanh ở
Tân Trào. Ông không hề biết kế hoạch khởi nghĩa ở Huế (lúc đó do Hoàng Anh, Tố Hữu...
họp bàn). Vì vậy, viết đoạn Nguyễn Chí Thanh báo cáo Hồ Chí Minh về ông Bảo Đại
liên hệ thoái vị, bàn giao chính quyền là xuyên tạc lịch sử.
Cuối cùng là chi tiết Võ Nguyên
Giáp báo cáo Hồ Chí Minh xong thì bước ra xe. Thiên Sơn nghĩ rằng Võ Nguyên Giáp
ngồi ô tô từ Tân Trào về đánh Thái Nguyên? Vớ vỉn lìu tìu. Đã mất công hư cấu
thì nên phóng bút rằng, khi đó, dưới gốc đa Tân Trào, một dàn xe Vinfast bóng
loáng đang chờ...
5. Khi nhà văn Thiên Sơn hạ bút
viết ông cố vấn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại thoái vị) trở về Hà Nội rồi mà vẫn
không có thông tin, cũng như không được Chính phủ tham vấn gì, điều này cho
thấy tác giả chưa bao giờ đọc biên bản các phiên họp Chính phủ. Nếu đọc, Thiên
Sơn sẽ thấy ông cố vấn Vĩnh Thụy dự họp Chính phủ và sẽ không dám viết liều như
vậy.
Vì không có kiến thức lịch sử nên
Thiên Sơn đã hư cấu sự việc Phạm Văn Đồng báo cáo Hồ Chí Minh trong Tuần lễ
vàng gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô đã hiến 5.147 lạng vàng, tương đương 2
triệu đồng Đông Dương. Người có hiểu biết lịch sử sẽ biết rằng, người hiến vàng
nhiều nhất trong Tuần lễ vàng là bà Lợi Quyền với hơn 100 lạng. Báo chí thời đó
đã đăng tin rất rõ.
Không hiểu biết lịch sử nên Thiên Sơn chỉ đoán mò mà viết lung tung về chuyện bảo vệ ông cố vấn Vĩnh Thụy chỉ có vài dân quân tự vệ, và việc bảo vệ an ninh do ông giám đốc công an tỉnh Thanh Hoá (mà tác giả không biết tên) phụ trách. Nhà văn đâu biết rằng việc bảo vệ cố vấn Vĩnh Thụy được Trung ương cử người đặc trách riêng. Người ấy quê Hà Tĩnh, trước khi mất đã viết hồi ký kể lại nhiệm vụ của mình.
Không hiểu biết lịch sử nên nhà
văn hư cấu cho ông Trần Đăng Ninh đưa cụ Hồ Chí Minh từ Tân Trào về. Trong thực
tế, ông Ninh trước đó bị ốm, điều trị ở Thái Nguyên. Khi cụ Hồ được bảo vệ đưa
về Thái Nguyên thì ông Ninh gia nhập đoàn và chỉ huy công tác bảo vệ cụ Hồ từ
Thái Nguyên về Hà Nội. Đường đi về như thế nào chắc tác giả không biết.
Ở đây cũng cần nói thêm, vừa dốt
sử vừa dốt kiến thức xã hội nên Thiên Sơn hư cấu thành thê lương hoá Hồ Chí
Minh lúc ốm đau. Nhà văn cho cụ Hồ ốm đau mà đói kém đến nỗi chỉ có cháo loãng
cầm hơi với một thìa thịt băm nấu mặn. Thiên Sơn đâu biết rằng lúc đó đã là
Tổng khởi nghĩa, Tân Trào và Thái Nguyên nằm trong vùng Việt Minh quản lý, đồ
ăn thức uống thiếu gì, hậu cần họ đâu để lãnh tụ của mình đói thế. Chưa nói
trên đường từ Thái Nguyên về Hà Nội, mà ngay từ khi Hồ Chí Minh còn ở Tân Trào,
việc ăn uống nhân dân địa phương đều chăm sóc chu đáo, đặc sản chẳng thiếu thứ
gì. Khi Hồ Chí Minh bị sốt rét, dân Thái Nguyên còn mang cả nhân sâm sang biếu.
Hư cấu khiến lãnh tụ trong cảnh đói kém thê thảm có lẽ tác giả chỉ biết đến thơ
"cháo bẹ, rau măng".
Nhà văn còn hư cấu ra một bức thư
bà Trần Lệ Xuân gửi từ Huế ra Hà Nội cho chồng là ông Ngô Đình Nhu, trong đó kể
chuyện nông dân lùa mẹ con bà ra khỏi nhà. Hư cấu vậy là tầm bậy. Khởi nghĩa
Huế xong, các gia đình quan lại, công chức vẫn ở nguyên tại nhà riêng của người
ta. Đây là Thiên Sơn đem hư cấu chuyện thời chia quả thực Cải cách ruộng đất
(1954) mà gán ghép vào Cách mạng tháng Tám 1945. Nên nhớ rằng, ở Huế thì không
có Cải cách ruộng đất.
Cuối cùng, người ta muốn bàn đến
văn chương. Ta hãy thử đọc một đoạn Thiên Sơn hư cấu cảnh tế trời của Hồ Chí
Minh trước khi đọc Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945). Ở đây phải nói ngay, Thiên
Sơn bị ám ảnh bởi cổ văn nên mới bày ra cái trò tế cáo trời đất. Hồ Chí Minh,
Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp là người cộng sản, họ vô thần, các cụ đâu bày ra
cái trò mê tín dị đoan ấy. Nhưng ta cứ thử đọc xem nhà văn viết gì: Nhà văn cho
các cụ vào Hoàng thành và bày lễ vật ở đàn tế "cấu tạo giống đàn xã tắc
khi xưa". Đọc đến đây, người đọc có kiến thức sẽ thấy Thiên Sơn chưa từng
vào Hoàng thành, hoặc nếu có vào anh cũng chẳng có hiểu biết gì về Hoàng thành.
Trong Hoàng thành làm gì có đàn xã tắc. Đấy là điện Kính Thiên. Còn đàn xã tắc,
thì ra ngã 5 Xã Đàn - Hoàng Cầu bây giờ, mà tế.
Khi đọc tới đoạn Thiên Sơn hư cấu
lô hương chính loè ánh lửa toé ra giống ngôi sao vàng 5 cánh, hẳn bạn đọc sẽ
bấm bụng cười. Và trên các đám mây hình thù ly kỳ như các vị thần trông xuống,
lẽ ra Thiên Sơn nên mô tả dung mạo các vị thần ấy là có 2 ông râu xồm và 1 ông
trán hói thì còn nhận được của người đọc một nửa nụ cười hàm tiếu.
Nhưng thôi, văn chương giàu năng
lượng đến vậy thì thánh thần cũng phải biết cay mắt, nếu mà thánh thần không
cay thì bạn đọc cay./.
6. Khi nhà văn Thiên Sơn cho Lê
Duẩn yêu cầu văn phòng liên hệ với Trung ương, kết nối điện thoại để nói chuyện
với Hồ Chí Minh thì lộ ra cái dốt của tác giả. Anh đâu biết rằng khi đó các mối
liên hệ đều phải bằng điện tín. Từ Sài Gòn đánh điện ra Hà Nội thông qua các
đài vô tuyến điện.
Một khi đã hư cấu, thì cho hẳn Lê
Duẩn bấm B-fone hoặc văn phòng kết nối trực tuyến để báo cáo trực tiếp với Hồ
Chí Minh, chứ việc gì phải ra Hà Nội. Mà thực tế, thời điểm 1945-1946, Lê Duẩn
chưa phải ngôi sao ở Nam Bộ. Chỉ đạo các việc ở Uỷ ban Kháng chiến Hành chính
Nam Bộ sau khi Trần Văn Giàu chuyển công tác là những ngôi sao họ Phạm: Phạm
Văn Bạch, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Ngọc Thuần.
Lạ một điều, yếu nhân nào cũng
được Thiên Sơn cho ngồi trên ô tô đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm ngắm mặt hồ,
giống như một anh nông dân ở vùng kinh tế mới ra Thủ đô muốn đo xem hồ có rộng
bằng cái ao làng mình hay không?
Bàn đến chuyện văn chương, nếu
đọc đến đoạn thoại giữa Võ Nguyên Giáp và Lecler, thấy vị đứng đầu quân đội
Việt Nam nịnh bợ tướng Pháp thì bạn đọc phải bịt mũi vì quá khắm:
".... cho phép tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi với Ngài, một nhà chỉ huy
quân sự huyền thoại, một nhà yêu nước có đóng góp lớn lao cho nước Pháp và nhân
loại trong cuộc thế chiến tàn khốc vừa qua".
Dù có thể hiện phép lịch sự ngoại
giao đi chăng nữa, không đời nào Võ Nguyên Giáp hạ mình khen đối phương một câu
như thế. Đó là chưa nói, ở đời thật, Võ Nguyên Giáp tỏ thái độ rất cứng rắn với
thực dân Pháp.
Phải chăng, với thứ văn nịnh ấy,
mà nghe nói Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã bất chấp, dù cho Gió bụi đầy trời không đủ phiếu ở
vòng sơ khảo vẫn quyết định trao giải C? Chuyện này không rõ thực hư, có điều,
nghe kể vậy, tôi đùa: "Thế là có chạy giải khi Hương ổi cuối mùa à?".
Văn chương kiểu này cũng quá bằng
văn Kẻ Noi. Có người hỏi tôi, Kẻ Noi là gì, vì họ không biết. Tôi đáp, Kẻ Noi
là tên cổ của làng Cổ Nhuế. Trước đây hay có câu khẩu ngữ "Thanh niên Cổ
Nhuế xin thề/ Chưa đầy hai sọt, chưa về quê hương".
Những người xuất bản, bốc thơm và
trao giải cho Gió bụi đầy trời,
hẳn phải gọi là đội TAM ĐẠI "NU"./.
*
KIỀU MAI SƠN (tên thật Kiều Văn Khải)
Địa chỉ: Tòa soạn Báo Nông nghiệp Việt Nam
14
Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai
ngày 06.12.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét