(Hình tượng Thị Nở - Chí Phèo trong văn hóa dân gian - Nguồn ảnh: internet) |
Truyện vui:
Chí Phèo đi dự
Festival
Ông Ma đơ Len (tức Giăng Van Giăng), thị trưởng đảo
hoang, hòn đảo ngày xưa Rô bin xơn Cruxô vượt biển đi thám hiểm Đại Dương bị
bão đánh đắm thuyền dạt vào trú ngụ nhiều năm.
(Tác giả Hoàng Xuân Họa) |
Đảo Hòa Bình luôn được các tổ chức phi chính phủ trên thế
giới thuê làm nơi họp hội nghị tổng kết các phong trào... tỉ như các cuộc vận
động quyên góp quần áo cũ, bán đấu giá sim điện thoại số đẹp, cả bán đấu giá
tranh, ảnh hoặc báu vật của mấy vị quan chức muốn nổi tiếng… một đêm để lấy
tiền giúp mấy anh nhà nghèo vùng sâu, vùng xa xa khỏi đói nghèo ba bốn ngày,
bỗng Ma Đơ Len nảy ra sáng kiến tổ chức một Pét ti van (festival) những nhân
vật tiểu thuyết nổi tiếng trên toàn thế giới tại đảo Hòa Bình của ông để họ gặp
gỡ, giao lưu và nhìn nhận, đánh giá xem nhiều năm qua, từ khi được sinh ra đời
các nhân vật tiểu thuyết của mỗi nước đã làm những việc gì, góp được bao nhiêu
phần xây dựng nhân cách làm người lương thiện, tử tế, việc xây dựng tinh thần
nhân ái, lòng bao dung, hướng tới tự do, nhân quyền của nhân loại được đến đâu.
Sau đó sẽ thành lập một Hội mang ý nghĩa trên. Ông đề cử Rô Bin Xơn làm chủ
tịch lâm thời, còn ông tạm giữ chân phó Hội, sau đó đại hội bầu ai vào ban chấp
hành thì tùy. Mỗi nước ông chỉ mời một người. Người thứ nhất là Đông Ki Sốt của
Tây Ban Nha, người thứ hai Đông Gioăng của Pháp, người thứ ba là Chi chi kốp
của Nga, người thứ tư là Chí Phèo của Việt Nam, Người thứ năm là AQ của Trung
Quốc... vân vân và vân vân... Ông cho tùy tùng đem máy bay riêng của mình đến
tận nơi đón từng người đi dự. Các đại biểu do ông lên danh sách, được Rô bin
xơn tham khảo, xem xét và thêm bớt.
Nghe tin Chí Phèo được mời đi dự festival. Tức thì, Tám
Bính, chị Dậu, Trạch Văn Đoành, Xuân Tóc Đỏ, Lão Khổ và cả Chu Văn Quyềnh...
kéo nhau đến văn phòng ngoại vụ Bộ Ngoại giao để khiếu nại. Khi được nghe Bộ
Ngoại giao giải thích, việc này không phải do nhà nước cử mà do nơi tổ chức
người ta lựa chọn, người ta mời. Lúc đó tất cả mới chịu ra về trong ấm ức, vừa
đi vừa rủa thầm thằng cha Ma đơ len không hiểu gì về tình hình nền văn chương
Việt Nam .
Mời không đúng người đủ tư cách! Chí Phèo là cái thá gì mà hắn được mời còn
mình thì không? Họ tụm năm, túm ba cùng nhau bĩu môi chê ỏng chê eo ban tổ chức
festival và ông Ma đơ len không biết lựa chọn. Tức khí lên họ chê lây sang cả
ban chấm giải Nobel. Họ ào ào cho rằng ban chấm giải này là ban chấm... dốt,
chấm mù mờ, đếch biết thưởng thức văn chương Việt Nam . Năm nào cũng trao giải, toàn
đi trao giải lung tung cho ba anh chị mũi lõ đầu to, chưa đến tuổi năm mươi tóc
đã bạc trắng mà không chịu bỏ tiền ra “đảo ngói” cho đen nhánh như tóc thanh
niên trông cho tráng kiện, trẻ mãi không già như các nhà thơ, nhà văn VN thời
nay. Đúng là dân ki bo! Thơ văn, tiểu thuyết thì viết toàn bằng thứ tiếng Anh
lai căng. Tiếng Pháp, tiếng Đức, Tây Ban Nha, tiếng Bồ, tiếng Thổ... của người
ta chuẩn rồi còn bắt phải dịch ra tiếng Anh đúng của chính nước... ông Anh thì
mới xét giải! Cứ như đánh đố người ta mà cũng... nào là có tính dự báo, tính sử
thi, tính thời đại cao, tính nhân văn sâu mới chả sắc. Sâu sắc cái con mẹ Đốp!
Chúng ông, chúng bà đây đấm thèm vào thứ sâu sắc thực dân đế quốc... Không thèm nhé!
Thấy người tình được đi xuất ngoại, Thị Nở hớn hơ hớn hở
tức tốc gọi taxi đưa Chí Phèo tới cửa hàng thời trang phố huyện mua luôn cho
Chí bộ com lê may sẵn, đôi giầy tây, mũ phớt, cả chiếc ô lục soạn để anh Chí nhỡ
phải đi bộ quãng nào còn có cái che nắng che mưa, hoặc làm gậy chống lúc mỏi
cẳng, đau gối. Bởi hai đầu gối của Chí ngày xưa giãy đành đạch nhiều để ăn vạ
nên bị mòn đôi bánh chè nên giờ hễ đi bộ là đau. Anh Chí diện bộ về làng Vũ Đại
trông oách như một chính khách Châu Âu.
Thấy Chí Phèo bước từ taxi ra, cả làng Vũ Đại xúm xít vây
quanh, trầm trồ khen anh Chí điển giai. Mấy bà nạ dòng thì tiếc ngẩn tiếc ngơ,
nghĩ bụng: “Sao ngày xưa mình không nhìn ra phần hột, phần nhân chắc mẩy của
anh chàng Chí nhỉ? Tiếc quá đi mất!
Chuyện loang ra, đến tai các vị chức sắc xã nhà. Các vị
liền cử ngay trưởng công an xã về làng Vũ Đại điều tra cho rõ thực hư. Khi được
hỏi, anh Chí chìa ra tờ giấy mời bằng tiếng Anh chèn tiếng Việt ghi rõ họ tên
mình. Trong giấy mời ghi cả việc bên đó họ bao toàn bộ nơi ăn chốn ở, nghỉ
ngơi, tham quan du lịch và sẽ có ô tô đến tận nhà chở anh Chí ra sân bay. Giấy
mời người ta cử người đưa tận tay anh Chí, thành thử chính quyền địa phương
không hề biết trước việc này. Nếu giấy mời mà gửi đường bưu điện về xã thì đã
có người khác đi thay ngay tắp lự anh Chí có mà phèo! Trong họ ngoài làng thiếu
gì con cháu họ hàng các ông đi thay thế!
Biết đích xác chuyện ấy là sự thật, tất cả các quan mới
tẻ ngửa người ra vì không thể ngờ...! Không còn cách nào khác, các bác chánh
tổng, lý trưởng đời mới liền đổi buồn làm vui khi nhận ra giá trị của anh Chí.
Nhất định anh Chí sẽ mang vinh dự cho làng, cho xã nhà! UB xã khẩn cấp triệu
tập cuộc họp liên tịch đủ các ban ngành đoàn thể: Mặt trận tổ quốc xã, hội cựu
chiến binh và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, hội Người cao tuổi tới bàn ngay
việc anh Chí đi festival. Cái chính là bàn việc anh Chí sẽ ăn mặc ra sao khi
xuất ngoại. Mình là người Việt Nam
phải mặc đồ dân tộc mình, ai đi mặc toàn đồ Tây như con mẹ Thị Nở vừa mua, nhỡ
thế giới người ta tưởng nhầm anh Chí xã mình là người Hàn Quốc, Nhật Bản, hay
Thái Lan thì cứ là thiệt thòi to!
Cuộc họp liên tịch bàn đến nát nước, cuối cùng đi đến một
quyết định: Cái quần Tây và đôi giầy jôn. Thị Nở trót sắm rồi thì cứ để anh Chí
mặc quần và đi giầy jôn. Phần dưới không quan trọng. Phần từ cạp quần trở lên
đầu, UB xã sẽ trích quỹ văn hóa sắm tặng anh: Cái áo the thâm mặc bên trong,
chiếc áo trấn thủ khoác ngoài, và chiếc mũ tai bèo đội đầu cho đúng với ba
phong trào tiên tiến; cho đủ phong cách dân tộc bên trên, hiện đại phía dưới để
hội nhập vào thế giới cho ra dáng người Việt Nam mình thông minh, nhạy bén,
thiên hạ có thứ gì độc đáo thì nước Nam cũng làm ra của ấy riêng kiểu, riêng
mốt như cái mũ phớt được hiện đại hóa thành mũ tai bèo có quai cài cổ. Hoặc, tỷ
như đầu thế kỷ 20 cha anh đã từ cái khó ló ra cái khôn trong việc cưa đi đôi
càng xe tay, cắm mấy thanh tuýp nước vào cái bánh xe đạp để biến chiếc xe tay
ra ngay cái xích lô cho mấy anh phu xe ngồi lên đạp, không phải kéo khách chạy
bộ trên đường, sướng đời quá đi, còn gì. Hoặc như thời nhập xe ôtô tải Ifa của
Đông Đức về đóng lại thành xe chở hành... khách thế có hiện đại không? Người
Châu Âu, người Mỹ giàu nứt mái đổ tường như vậy mà họ đâu được vinh dự
mất tiền đi thứ xe chở lợn, chở cừu để bay xuống ruộng, lăn xuống vực bươu đầu
mẻ trán vào nằm bệnh viện bao giờ? Nói thánh nói tướng ở đâu thì nói chứ! Với
sự nhìn nhận của người nước Nam
thì dân Châu Âu ngu bỏ mẹ đi chứ! Chỉ xứ ngu mới nhao đầu vào đấu bò tót. Dở
hơi mới đi đánh nhau với bò, lại là bò hung dữ như bò tót. Nó chẳng húc cho
khối thằng toi mạng ra đấy mà vẫn không chừa thói ngu...!
Ba hôm sau anh Chí được ô tô đến đón tận nhà đưa ra sân
bay. Anh bay vút lên trời cao đi dự hội, sướng thật.
Qua Trung Quốc máy bay hạ cánh đón thêm ông anh hàng xóm
tốt bụng AQ.
AQ hớn hở bước lên máy bay với bím tóc tết đuôi sam thả
ngúng nguẩy sau gáy, nửa đầu phía trước cạo trọc hếu phô ra cái trán giả hói
trông cho thông minh y trang giới học giả phương Tây cho thêm phần Khổng... Tây
học! Còn phần đựng trái tim, hai buồng phổi và cỗ lòng mề, AQ đút gọn gàng
trong cái áo Tôn Trung Sơn cài khuy kín cổ. Từ rốn trở xuống được đút trong
chiếc quần bò levis .
Hai chân xỏ đôi giày vải dã chiến cùng đôi xà cạp quấn đè lên ống quần bò bó
chẽn chặt từ đầu gối xuống phủ lên đôi giầy vải cho dễ cơ động. AQ đang nghênh
ngang bước lên cầu thang máy bay thì một người đàn bà tất tưởi chạy đến định
lên theo. Liền bị những người ra tiễn chân AQ tóm lại không cho lên. Thấy mình
tự nhiên bị giữ lại, bà ta chu chéo:
- Đồ khốn! Chúng mày biết tao là ai không?
Mấy người giữ, túm người đàn bà đều ngơ ngác, lắc đầu ra
ý không hiểu.
- Ta là Lỗ Thị, tức Lỗ Toàn Nhi đây! Không có Lỗ Thị này
thì giống nòi người Hán nhà chúng bay hỏi... đến bao giờ mới có tỉ rưỡi người
như ngày nay? Tránh ra cho ta lên máy bay đi dự festival!
Ba, bốn người túm Lỗ Thị không chịu buông. Họ giải thích
rằng ông Ma đơ len không mời thị.
Lỗ Thị giằng người khỏi tay những người túm giữ mình, tay
chống nạnh, tay xỉa xói lên cửa máy may:
- Lão Ma Đơ Len không mời thì mai Lỗ Thị này vẫn cứ đi.
Cháu, chắt của tám đứa con trai, con gái nhà Lỗ Thị này sẽ tài trợ cho Lỗ Thị
đi. Chúng nó, con tao đứa lấy vợ nước Anh, đứa làm dâu nước Mỹ, Đức, Nga, Ca Na
Đa có cả! Lỗ Thị ta có thể đi du lịch bằng tầu vũ trụ ấy chứ! Đảo Hòa Bình của
lão Ma Đơ Len, Lỗ Thị này bay cái xoẹt là tới nơi ngay. Đừng khinh thường ta!
Ngay ngày hôm sau người ta thấy Lỗ Toàn Nhi một mình một
máy bay riêng, bay đi thật. Không nói ngoa.
*
HOÀNG XUÂN HOẠ
Địa chỉ: 193 Đường Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội.
Email: haixuanxh@gmail.com
Điện thoại: 091.604.36.37
.
……………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.04.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét