CÕI TỊCH LẶNG TRONG “IM LẶNG”, THƠ XUÂN LY BĂNG - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment
(Nhà thơ Xuân Ly Băng        -        Nguồn ảnh: Tác giả cung cấp)
CÕI TỊCH LẶNG TRONG “IM LẶNG”, 
THƠ XUÂN LY BĂNG
*
IM LẶNG

               
Dáng ngọc lượn về trong giấc êm
                Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm
                Đường vào im lặng mê ly quá
                Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên

                Trăng sao lịm ngủ từ muôn năm
                Nhạc hội xuân nào cũng lặng câm
                Mà đây sáng quá! Đây sáng quá!
                Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm

                Đường vào chẳng thấy một mùa hoa
                Không cánh chim trời diệu vợi ca
                Hồn mộng Trang Sinh say hương sắc
                Tắm sáng nhạc tươi trổi chan hoà

                Mặt suối trăng sao sáng một vùng
                Đào hoa nép bóng liễu rung rung
                Đôi con bạch yến đu cành trúc
                Ngắm dáng nai tơ dưới cội tùng

                Phượng trắng lên trời bay rất cao
                Mây xếp tàn che mõ trăng sao
                Ngọc rụng vàng rơi miền nhân thế
                Bọc lụa bàn tay hứng ngọt ngào.

                Một mùa thi nhạc ửng hồng lên
                Dương cầm nức nở Beethoven
                Khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích
                Thương cảm Ly Tao hồn Khuất Nguyên.

                Xuất hiện tiên tri hát từ hoa
                Treo đàn dương liễu tuyết sương pha
                Huyết lệ sông dâng hồn ai oán
                Vui chi mà nẩy khúc hoan ca?

                Đêm tối qua đi một trời hồng
                Bóng người trinh nữ hiện trên không
                Ngàn muôn tinh đẩu lao xao cả
                Và thơ và nhạc hoá ra không

                Một vị cứu tinh đã ra đời
                Run tờ lịch sử xếp làm đôi
                Vũ trụ lại hồn qua đêm trắng
                Và thần hy vọng đã lên ngôi.

                Khóc sướng nhạc hồn vạn cỏ cây
                Nhựa sống tràn trề khắp đó đây
                Hương mùa đạo hạnh thơm phưng phức
                Có chết cũng đành, phải không bây?

                Sóng bạc dâng lên giữa biển chiều
                Đưa hồn về tận bến phiêu diêu
                Khoang thuyền đầy ắp trân châu cả
                Dáng ngọc giơ tay vẫy yêu kiều.

                Suối tóc tơ hồng rất dịu dàng
                Mỉm cười Mẹ bảo: mùa xuân sang
                Hái thơ con hái miền im lặng
                Im lặng, con ơi, là tuổi vàng.
*
XUÂN LY BĂNG
LỜI BÌNH:
Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã được xem  là nhà thơ của đạo Thiên Chúa vì
(Tác giả Châu Thạch)
thơ ông chính là “nguồn trong trẻo vô biên” phát ra từ sự cảm xúc bởi đức tin trong tim. Nhà thơ không chủ ý sáng tác để tôn thờ Thiên Chúa hay để truyền bá Phúc âm nhưng Thiên Chúa đã chiếm ngự linh hồn ông, nên thơ ông tự nhiên đầy dẫy Thánh Linh. Tôi tìm được người thứ hai có phong cách như thế trong bài thơ “Im Lặng” của nhà thơ Xuân Ly Băng. Im lặng theo định nghĩa của từ điển là không có lời nói, không có tiếng động nào. Sự im lặng nầy chỉ xảy ra ở bên ngoài nhưng trong tâm vẫn còn xao động bởi muôn vàn hỷ nộ, ái ố của chính mình.  Im lặng theo triết lý Phật giáo là “tỉnh lặng như chánh pháp”, nghĩa là tâm thức vẫn hoạt động nhưng tự mình hướng cho tâm thức quay về nẻo thiện, tránh nỗi đau và tìm sự an lạc.
Bây giờ hãy đi vào thế giới “Im Lặng” của Xuân Ly băng:
Dáng ngọc lượn về trong giấc êm
Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm
Đường vào im lặng mê ly quá
Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên  
Nhà thơ vào đề bằng hai chữ “Dáng ngọc”. Dáng ngọc ở đây “lượn về trong giấc êm”, “nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm” cho ta phỏng đoán ngay được “Dáng ngọc” là linh hồn. Linh hồn thì “lượn về trong giấc êm”, mới “nhẹ tựa hoa bay” để đi vào con đường “im lặng mê ly”, “lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” được. Thể xác chúng ta thì vì quá nặng nề không vào được nơi đó bao giờ.
Khổ thơ đầu giới thiệu với ta một linh hồn thoát xác bay trên con đường im lặng. Con đường ấy tất nhiên không có ở trần gian vì nó đã được “lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” và nó cũng có thể đang hiện hữu có sẳn một nơi nào đó hoặc ở chính trong tâm thức mà nhà thơ khám phá được.
Khổ thứ hai của bài thơ cho ta thấy chốn Im lặng nầy không hẳn là đã ngưng tiếng động, mà ngược lại tiếng động của nó vẫn được nghe ở một dạng khác, dào dạt như vạn tiếng nguyệt cầm:
Trăng sao lịm ngủ từ muôn năm
Nhạc hội xuân nào cũng lặng câm
Mà đây sáng quá! Đây sáng quá!
Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm
Khổ thơ thứ hai giải bày cho ta thấy một thứ tiếng động trong tâm thức  của ta. Ba câu thơ trên hoàn toàn là sự Im lặng. Câu thơ cuối có tiếng đàn. Thế nhưng ta phải hiểu ‘”nguyệt cầm” không phải là cây đàn nguyệt mà nguyệt cầm là “đàn trăng”. Hiểu như thế ta mới thấy hai câu thơ “Mà đây sáng quá! Đây sáng quá/ Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm” là sự cảm nhận thứ ánh sáng của trăng thành tiếng đàn dào dạt trong tâm thức của tác giả.  Vạn vật bấy giờ yên lặng vô cùng, ánh trăng tràn lan bủa vây cả vũ trụ. Tác giả thấy trăng và nghe được vạn tiếng nhạc “vô âm” của trăng trong tâm thức mình. Khổ thơ cho ta hiểu gì? Khi ta bay vào cõi “Im Lặng” thì quyền năng tại đó làm tâm thức tỉnh lặng của ta nghe được thứ âm thanh mà đôi tai trần không nghe được bao giờ.
Khổ thứ ba và những khổ thơ tiếp theo nhắc đến thế giới im lặng tuyệt vời nhưng cái tâm xao động của phàm trần vẫn còn nổi lên trong lòng tác giả:
Đường vào chẳng thấy một mùa hoa
Không cánh chim trời diệu vợi ca
Hồn mộng Trang Sinh say hương sắc
Tắm sáng nhạc tươi trổi chan hoà

Mặt suối trăng sao sáng một vùng
Đào hoa nép bóng liễu rung rung
Đôi con bạch yến đu cành trúc
Ngắm dáng nai tơ dưới cội tùng

Phượng trắng lên trời bay rất cao
Mây xếp tàn che mõ trăng sao
Ngọc rụng vàng rơi miền nhân thế
Bọc lụa bàn tay hứng ngọt ngào.

Một mùa thi nhạc ửng hồng lên
Dương cầm nức nở Beethoven
Khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích
Thương cảm Ly Tao hồn Khuất Nguyên.

Xuất hiện tiên tri hát từ hoa
Treo đàn dương liễu tuyết sương pha
Huyết lệ sông dâng hồn ai oán
Vui chi mà nẩy khúc hoan ca?
Nếu đọc tiếp những khổ thơ sau, dưới những khổ thơ nầy, ta sẽ thấy hình bóng của Đức Mẹ đồng trinh hiện ra lồng lộng giữa bầu trời. Vinh quang của Mẹ làm cho thơ và nhạc cũng lui đi. Từ đó ta có thể hiểu cảm nhận của nhà thơ La Thuỵ về những khổ thơ khó hiểu trên:
"Đúng là cảm xúc của một thi nhân, trong khi dâng niềm kính mộ đến NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG, thì thời khắc ban đầu của buổi tĩnh tâm, hình tượng nghệ thuật Đức Mẹ Sầu Bi với vẻ đẹp tinh khiết nguyên trinh làm nhà thơ Xuân Ly Băng liên tưởng đến nghệ thuật thơ, nhạc, họa... cõi trần ai cùng nỗi đau nhân thế. Nhà thơ Xuân Ly Băng vẫn "Hồn mộng Trang Sinh say hương sắc / Tắm sáng nhạc tươi trổi chan hoà" và vẫn để trí tưởng đến "Một mùa thi nhạc ửng hồng lên / Dương cầm nức nở Beethoven / Khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích / Thương cảm Ly Tao hồn Khuất Nguyên". Dù chỉ là liên tưởng trong giây phút ban sơ của buổi tĩnh tâm còn vương đọng trong trí tưởng, nhưng những liên tưởng đó lại chan chứa chất nghệ sĩ của mạch thơ"
Tĩnh tâm của người theo Thiên Chúa không  phải với mục đích tự mình chứng ngộ được đạo mà mục đích là để cảm nghiệm được rõ rệt Thiên Chúa hiện diện ngay trong mình, làm cho đời mình chuyển hoá tốt đẹp nhờ sự hiện diện đó. Qua lời bình của nhà thơ La Thuỵ chúng ta có thể hiểu được tác giả Xuân Ly Băng đương mô tả cái giờ phút mà ông tĩnh tâm. Giờ phút đó hồn ông được bay vào cõi im lặng. Cõi im lặng trong thơ rõ ràng nó không là ảo giác bởi vì nó xuất hiện trong giờ phút tĩnh tâm, nghĩa là ở khía cạnh nào đó nó là có thật. Và dầu không phải “Thiền” như Phật giáo, cái giờ phút tĩnh tâm của người theo Chúa cũng vương vấn sự liên tưởng, vẫn còn sót chút tạp niệm khuấy động, cần phải diệt nó đi thì trái tim mới tinh nhẹ và trong sạch  để linh hồn được như lời kinh đã dạy: 
“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch
Vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”(Mt 5,8)
Mấy khổ thơ trên cho thấy cõi tĩnh lặng của Thiên Chúa đẹp biết bao nhưng sự cám dỗ của tội lỗi cũng vô cùng lôi cuốn. Sự lôi cuốn đó được diễn tả trong những câu thơ mà La Thuỵ đã trích dẫn ở trên, khiến cho ta thấy suốt 5 khổ thơ  trên, tâm hồn tác giả vừa khoái lạc trong cõi im lặng, vừa đau thương nhớ tiếng nhạc Beethoven, khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích và có khi nặng nề đến độ “Huyết lệ sông dâng hồn ai oán”. Đây là thời khắc mà linh hồn nhà thơ đấu tranh với Sa-Tan, giữa cám dỗ của tối tăm và ành sáng Thiên Chúa.
Và khi nhà thơ diệt được cảm xúc xác thân, được Thiên Chúa tăng hoa linh hồn, thì sự gặp gỡ Đấng Tối Cao không khó. Ở đây, nhà thơ Xuân Ly Băng đã thấy được Mẹ Thiên Chúa của ông:
Đêm tối qua đi một trời hồng
Bóng người trinh nữ hiện trên không
Ngàn muôn tinh đẩu lao xao cả
Và thơ và nhạc hoá ra không

Một vị cứu tinh đã ra đời
Run tờ lịch sử xếp làm đôi
Vũ trụ lại hồn qua đêm trắng
Và thần hy vọng đã lên ngôi.

Khóc sướng nhạc hồn vạn cỏ cây
Nhựa sống tràn trề khắp đó đây
Hương mùa đạo hạnh thơm phưng phức
Có chết cũng đành, phải không bây?

Sóng bạc dâng lên giữa biển chiều
Đưa hồn về tận bến phiêu diêu
Khoang thuyền đầy ắp trân châu cả
Dáng ngọc giơ tay vẫy yêu kiều.

Suối tóc tơ hồng rất dịu dàng
Mỉm cười Mẹ bảo: mùa xuân sang
Hái thơ con hái miền im lặng
Im lặng, con ơi, là tuổi vàng
Bây giờ bài thơ “Im Lặng” không còn im lặng nữa. Cõi im lặng mất đi khi “Đêm tối qua đi mặt trời hồng/Bóng người trinh nữ hiện trên không”. Cả 5 khổ thơ bừng lên niềm vui đầy âm thanh, ánh sáng, hương thơm và  một sức sống lan tràn cả vũ trụ và cả ta, con người cũng được “Đưa hồn về tận bến phiêu diêu”. Thử hỏi hạnh phúc đó đến từ đâu? Hãy nghe: “Mỉm cười Mẹ bảo: mùa xuân sang/Hái thơ con hái miền im lặng/ Im lặng, con ơi. Là tuổi vàng”. Vậy thì hạnh phúc đó rõ ràng đến từ “miền im lặng”. Vế thơ cuối được Mẹ tức Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa khẳng định mà ta có thể hiểu: Im lặng như một loài cây thơ tức là cây hạnh phúc, mà hạnh phúc là những bông hoa thơ nở ra từ loài cây im lặng. Ở vế thơ đầu ta thấy có câu thơ “Đường vào im lặng mê ly quá”, vậy ta cũng có thể nói im lặng là con đường dẫn vào Thiên Đàng, vượt qua cõi im lặng ta thấy được vinh quang ở cõi đời đời. Vinh quang đó nằm nơi “mùa xuân sang” chính là bóng Mẹ Maria hiện ra với “suối tóc tơ hồng” và lời trực tiếp dạy nhà thơ “hái thơ miền im lặng”. Lời mẹ Maria cũng khẳng định thơ là chân lý, là vinh quang Thiên Chúa nên Mẹ bảo “hái thơ” là “hái miền im lặng” trong “mùa xuân sang” mà  Thiên Chúa đem đến. 
Hàn Mặc Tử cũng như Xuân Ly Băng, hai tâm hồn nghệ sĩ Thiên Chúa Giáo mà tiếng thơ của họ như hai cung đàn đồng điệu khác âm. Đồng điệu là vì niềm tin trong huyết quản của họ chảy ra thành thơ “thấm nhuần ơn trìu mến”, như “thần nhạc thơm tho và huyền diệu” tôn thờ Thiên Chúa. Khác âm là vì Hàn Mặc Tử đối đầu với nỗi đau cực độ, nhưng ông có một niềm tin siêu linh nên thơ ông được thăng hoa trong niềm tin  đó. Ngược lại nhà thơ Xuân Ly Băng là một tu sĩ dâng mình phụng sự Chúa, ông không có niềm đau nhưng có thứ tình yêu, đức hy sinh của Chúa nên thơ ông cũng bay cao bởi đôi cánh đức tin và khoe màu tuyệt đẹp bới ánh sáng long lanh của chân ly chiếu rọi trên ông. Cả hai nhà thơ đều nhận được hồng ân từ Thiên Chúa, đó là ân tứ lớn có “Trí hớp bao nhiêu là mỹ duệ” để “Bút reo như châu ngọc đền vua” dâng lên Thiên Chúa mỗi bài thơ là một của lễ thơm.
Cảm tạ Đức Chúa Trời, đau khổ hay nguồn vui đều nằm trong sự tể trị của Ngài. Tất cả Ngài dùng để khải thị cho nhân loại tình yêu vô bờ bến của Chúa. Thơ là bông trái Thánh Linh mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Nguyện loài người hái thơ là hái bông trái thánh linh trong miền im lặng của Chúa để gặp Chúa ngay tại đời nầy./.
*
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.04.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét