(Nguồn ảnh: internet) |
TẢN MẠN VỀ ĐẠO VĂN
Thời gian qua, từ
Bắc chí Nam
rộn lên vấn nạn đạo văn nghe mà buồn nẫu ruột gan. Hải Phong hồi tháng 7, vụ
đạo thơ giữa Ngọc Châu - Phạm Xuân Trường chưa ngã ngũ đã tháng 8, Hà Nội tác
giả Nguyễn Khôi tung lên một số trang blog rằng “Giò chả Phủ Từ” của mình bị
đạo một đoạn văn vào cuốn “Ẩm thực Việt Nam”(trang 376) của nhà văn Băng Sơn?
Tiếc là nhà văn Băng Sơn không thể cãi do ông đã về thế giới bên kia cách đây
vài năm. Cao Phú Cường giáo viên trường trung học, Cần Đăng, huyện Châu Thành,
An Giang ngang nhiên, năm lần đạo thơ của nhiều người. Điều đáng nói là bài thơ
nổi tiếng: “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà báo - nhà thơ Nguyễn Viết
Chiến, người vừa thoát nạn tù đầy sau tai nạn nghề nghiệp ở báo Thanh Niên, Cao
Phú Cường cũng không tha. “Tổ quốc nhìn từ biển” đã được đăng trên vài chục tờ
báo, trang mạng từ Bắc chí Nam .
Được năm nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc có bản khá thành công. Buồn hơn thế, người
đạo nó lại là thày giáo? Thày mà đi thó thơ người khác làm của mình? Kính thưa
thày, thày còn đủ tư cách dạy ai?!
Cách đấy chưa lâu,
Bắc Ninh cũng hai ông chai... không sợ rát mặt,
hồn nhiên đạo thơ vô tư. Đó là “thi sĩ” Nguyễn Cát
Chuyển đạo bài “Uống rượu” của Trần Đăng Khoa, dù đã được ém xẹp bằng
cách chuyển hình thức thơ vẫn bị lộ tóe
loe do nhiều người thuộc bài thơ “Uống rượu” phanh phui ra. Rồi đến Nguyễn Văn Doanh đã ở tuổi xưa nay hiếm còn hám
danh đến độ biến “Thăm trường thành” của cố nhà thơ Lưu Trùng Dương, hóa phép thành “Làm
người khó lắm” in vào tập “Miền nhớ” làm của riêng! Ông giáo già Thạch Từ
tẩm ngậm tầm ngầm mà ghê! Bứng nguyên xi “Trăng rừng” của Trần Công Sản
lên huyện dự thi ẵm luôn giải ba! Thừa thắng xông lên, ông bắt quyết phù phép
“Trăng rừng” thành “Cô giáo vùng cao” gửi in tiếp vào thi tuyển “Những vần thơ
hai thế kỷ” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành để lưu truyền cho con cháu!...
Nếu tiếp tục thông kê theo những gì đã công bố trên các phương tiện thông tin
đại chúng thì sẽ còn dài dài chuyện đạo văn đạo thơ trên cái đất nước người
người làm thơ, nhà nhà làm thơ này.
(Tác giả Nguyễn Đăng Hành) |
Chẳng lẽ văn chương
cũng đẻ sinh đôi? Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sau bao năm nghiên cứu và trải nghiệm
lĩnh vực thi ca, ông đã dựa vào bản đồ gien các nhà khoa học đã công bố: “Gien con người 99% là giống nhau, chỉ có 1%
là khác nhau. “Còn văn chương thì 99% là khác nhau, chỉ có 1% là giống nhau đó
là chữ viết, tiếng nói hoặc đề tài và thể loại”.
Trong lúc nạn đạo
văn, đạo thơ có chiều hướng gia tăng “tần suất”, xin góp vài mẩu chuyện có thật
về vấn nạn đáng buồn này từng rơi vào nhà thơ Chử Văn Long. Anh là người giản
dị, hiền lành, lịch lãm, chừng mực và cẩn trọng, có bề dày sáng tác, bề dày
chuyên môn về biên tập thơ cho tạp chí Người Hà Nội. Khi anh nghỉ hưu rồi cơ
quan còn lưu anh lại biên tập trang thơ cho báo đó thêm nhiều năm tiếp. “Từ nơi hữu hạn, anh đã bước tới cõi vô hạn
tràn đầy ánh sáng thanh thoát đi vào cõi đạo của thơ...” (Trần
Văn Lý - Cảm nhận thi ca, NXB Văn học, 1999). Thơ anh nhiều nghĩ ngợi, trăn
trở... “Người gánh rơm vào thành phố” là một ví dụ: “Người gánh rơm đi vào thành phố/ Bán cho ai
trộn vữa trát trần?/ Hay là để nhắc lòng ta nhớ/ Bao nắng sương hạt gạo mình ăn...”. Hôm qua người nông
dân gánh gạo vào thành phố cung cấp cho thị thành, hôm nay hết gạo thì họ gánh
rơm vào bán, hỏi rồi đây họ sẽ gánh gì vào phố nữa nhỉ? Có lẽ sẽ là đất của
những cánh đồng? Tác giả không viết rõ ra thế nhưng tên bài thơ được lặp lại
tới ba lần, làm người đọc, đọc xong có cảm giác nghĩ ngợi về một điều gì đó...
và chỉ hơn chục năm sau người ta đã đô thị hóa đến tận ngạch nhà của người nông
dân là một sự thật!
Năm 1997,
trên số báo Tết tỉnh Vũng Tàu in bài “Đọc thơ thôn Vĩ” của anh. Tự nhiên
như ruồi, ông đồ Nghệ tên là Duy Tân, chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Đường thành phố
Vũng Tàu đến tòa soạn nhận mình là tác giả bài thơ đó?! Tòa soạn báo Vũng Tàu
thấy chuyện chẳng lành đã đánh công văn đề nghị Chử Văn Long gửi chứng cứ cho
họ để chứng minh. Chử Văn Long phải vất vả lục tìm các tờ báo, cuốn sách đã
đăng bài “Đọc thơ thôn Vĩ” copy lại, đem công chứng rồi gửi vào Vũng Tàu để
giải trình “Đọc thơ thôn Vĩ” là của mình, đã đăng ở đâu, ngày, tháng, năm, in
sách, báo nào...! Biết không thể nhận xằng được nữa, cả việc báo Vũng Tàu định
làm to chuyện. Ông ta quay ra năn nỉ xin lỗi, xin tha thứ. Đầu tiên Chử Văn
Long cương quyết không nghe, định để báo Vũng Tàu đưa ra công luận. Ông ta bèn
dọa: “Nếu thế tôi sẽ tự tử (!)”. Sợ nhỡ ông ta
cả nghĩ tự tử thật thì hội UNESCO thơ Đường
VN mất đi một đệ tử trung thành thi nhau
tung hứng thơ Đường lên mây ở Việt Nam ! Chử Văn Long vội vàng điện
thoại cho báo Vũng Tàu rằng chúng tôi đã tự giải quyết xong rồi các anh cho qua
đi.
Vào khoảng tháng 5
- 2006, báo Người Hà Nội đăng bài của Nguyễn Đức Trọng viết về cuộc thi thơ của
huyện Gia Lâm. Nguyễn Đức Trọng khen nức nở bài giật giải nhất cuộc thi cấp
huyện này. Bài “Chải tóc cho chị” của tác giả K. Xem xong tôi thấy giật mình,
sao mà nó giống bài “Chải tóc cho chị” của Chử Văn Long đến thế. Tôi tức
tốc phóng xe sang nhà anh để mách. Nghe xong anh cười hiền và bảo tôi: “Bài thơ này đã đăng báo, phát trên đài, in
sách rồi, tay K nào đó muốn được sướng nhờ một chút thì cho anh ta ghé đứng tên
tạm ít ngày rồi mình đòi lại!”.
Ở một tập thơ khác.
Tập “Cánh chim bằng” của Thuận Bằng, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép. Hầu
như trong đó toàn một thứ thơ “tiểu Đường” nhạt nhẽo. Giá tập thơ này nhét mấy
mớ thơ “tiểu Đường”, “tiểu Tống” chi vào đó thì cũng kệ thây, chả đáng để quan
tâm. Có điều các văn võ bá quan có hạng của Hội Nhà Văn như: HT, VQP, TĐK,
BV... cùng nhiều Gs - Ts viết bài lăng xê túi bụi. Ông viện trưởng viện Hán Nôm
PVC còn gia công khen nức nở bài “Hồn thơ” in trong đó. Ông khẳng định như đinh
đóng cột “Hồn thơ”, “là bài thơ hay nhất của đời thơ Thuận Bằng”(trang 53). Đọc
xong tôi thấy choáng! Hay nhất của Thuận Bằng lại chính là bài thơ “Giờ
anh ở nơi đâu” của Chử Văn Long đã in trong tập “Người gánh rơm vào phố”.
Bài này bà Thuận Bằng cũng thay tên đổi họ thành “Hồn thơ”, và bà véo nặn ra
như sau:
- “Hồn thơ như thác
như gềnh
Đã yêu yêu đến tan
tành vẫn yêu
Con tim còn giọt
máu hồng
Ta đem tất cả để
lồng vào thơ...”
(Hồn thơ, trang 157 - Cánh chim bằng)
Bốn câu thơ
trên sao giống bốn câu sau đây của Chử Văn Long đến thế:
- “Hồn anh như thác
như gềnh
Đã lao lao đến tan
tành vẫn lao
Con tim còn giọt
máu nào
Dành cho thơ với
ngọt ngào cho em...”
(Giờ anh ở đâu - Chử Văn Long)
Tôi bức xúc vác
“Cánh chim bằng” vượt sông Hồng sang nhà anh báo tin. Nghe xong anh cười xệch
một bên mép rồi ngó lên mây ngắm đàn chim sáo bay qua và kéo tôi vào nhà rót rượu
ra chén: “Mời ông vài chén cho quên sự
đời nhố nhăng này đi, nghĩ làm gì nhiều cho nhọc xác!”.
Một lần khác, tôi
đến thăm Chử Văn Long thấy anh ngồi ngẩn tò te ngắm lời bình bài thơ “về quê
ngoại” trên tuần báo Người Hà Nội. Nội dung bài thơ “về quê ngoại” chính là bài
“Em về quê ngoại” của Chử Văn Long đã được in trong tập thơ “Sân trường
mùa hè” do Nhà xuất bản Kim Đồng in ấn, phát hành năm 2002. Lại tự nhiên như
ruồi, năm 2004 được tuyển vào sách giao khoa tiếng Việt lớp 3, tập 1 của Nhà
xuất bản giáo dục, cái tên Hà Sơn (vô lối) bỗng nằm dưới bài thơ?! Nay bài bình
trên báo Người Hà Nội cũng tên Hà Sơn!? Bài bình không ghi tên tác giả? Xem
xong tôi đoán già, non đoán và nói với anh: “Tác giả bài bình có khi chính là
Hà Sơn cũng nên”. Nghe vậy, miệng anh nhệch lên méo xệch, lát sau lại xệ xuống
nhàn nhạt cười buồn. Tôi bức xúc: “Phải
kiện! Phải kiện ông ạ! Đây là sự chiếm đoạt trắng trợn chứ đâu phải việc đạo
văn thông thường nữa. Sách giao khoa để giáo dục, dạy dỗ, truyền thụ ý thức,
lòng trung thực cho con em chúng ta; nhất là lớp mần non trong trắng, lớp người
tương lai của đất nước mai sau, nếu các em phát hiện sự gian dối này của người
lớn thì vấn đề không là chuyện nhỏ như con thỏ nữa rồi! Chẳng lẽ cứ cho qua để
lừa dối các em sao...? Ôi, kẻ chiếm đoạt thì ngang nhiên, vô sự còn người mất
của thì nhân từ, yếu đuối...”. Chử Văn Long bỗng cắt ngang lời tôi: “Đừng mang dao mổ bò đi mổ kiến... thế ông!”.
Viết tới đẫy tôi
chợt nhớ tới những vụ đạo văn, đạo văn bản ở một số nước, khi bị phanh phui
người ta đã dũng cảm nhận lỗi, sau đó là tự xin từ chức. Trường hợp Sultan, giáo sư miễn dịch học y khoa
thuộc trường đại học Harvard đã bị tố cáo là đạo văn bản từ bốn tờ báo của các
nhà khoa học khác. Sultan đã bị cấm làm chuyên gia ba năm… Trường hợp “Kaavya Viswanathan, một sinh viên gốc Ấn Độ, 19 tuổi, có tài viết
văn, và được xem là một ngôi sao đang lên với đầy triển vọng qua cuốn tiểu
thuyết “How Opal Mehta Got Kissed, Got Wild, and Got a Life”. Nhưng ngay sau
khi xuất bản, người ta phát hiện cuốn tiểu thuyết có nhiều đoạn “trùng hợp” hay
lấy từ hai cuốn tiểu
thuyết “Sloppy Firsts” (in năm 2001) cuốn “Second Helpings” (in
năm 2003) của Nhà văn Megan F. McCafferty. Hệ quả là cô nhà văn trẻ tuổi này mất một hợp đồng
500.000 USD với một nhà xuất bản khác, và không cần phải nói thêm, sự nghiệp viết văn của cô coi như chấm dứt” (theo GS Nguyễn
Văn Tuấn, Úc).
Tôi lan man trong
ma trận của các đạo tặc Việt. Trước một Chử Văn Long điềm đạm… tôi hoài vọng
vào những người cầm bút chân chính, tự trọng đã ấm thầm cống hiến cho nền văn học
nước nhà những tác phẩm giá trị.
*
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Điện thoại: 0166.467.78.26
.
.
……………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: haixuanxh@gmail.com ngày 18.01.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét