(Nhà văn Lê Mai (bìa phải) cùng nhà thơ Nguyễn Khôi) |
HÌNH
NHƯ
TRONG
SỮA CÓ
MÁU
Diệp
bồn chồn đi đến tủ lạnh vơ vội chai La vi mát lạnh dốc ừng ực vào mồm. Bé Kiều
Trinh vẫn thiêm thiếp trên chiếc giường nệm êm ái, trắng bong. Bỗng bé mỉm cười
vu vơ. Nụ cười mụ dạy. Nụ cười thánh thiện làm lòng Diệp lắng xuống. Chị ngồi
xuống bên con rồi trìu mến thơm lên trán bé. Hương thơm trẻ thơ ngất ngây...
Chị ngắm nhìn con - lần thứ một ngàn lẻ một. Con bé có nhiều nét giống cha quá.
Con gái giống cha giàu ba đụn. Là người mẹ chị biết, con nào giống cha chẳng
sướng. Giống cha, tránh được biết bao nhiêu phiền toái, nghi ngờ. Kể cũng lạ,
những đứa bé mới sinh đứa nào chẳng dúm dó nhăn nheo như khỉ, đến mẹ nó còn
chưa kịp nhận ra những nét giống cha, giống mẹ mà người ngoài chỉ thoáng nhìn
đã đọc ra vanh vách. Là người có học cao nên suốt thời kỳ mang thai Diệp cứ
mừng lo phấp phỏng: Đâu phải chỉ có yếu tố" di ruyền, còn môi trường, còn
sự ám ảnh... Nhưng rất hay, càng ngày Kiều Trinh càng bộc lộ nhiều nét giống
cha. Diệp vui mừng khoe những phát hiện đó với chồng. Thất (chồng chị) ngồi
nghe với thái độ dửng dưng có phần lãnh đạm và phũ phàng hơn anh còn buông lời
tủng tẳng: Còn phải đợi xem oẳn tà roằn thế nào? Lòng tự trọng, sự thuỷ chung
của Diệp bị tổn thương nghiêm trọng nhưng chị dằn lòng nín lặng vì linh cảm
trong thái độ của chồng có chứa một cái gi đó thật tàn ác, bất nhân. Chị nghĩ:
Đối với hạng người này, câm lặng là tốt nhất. Câm lặng không chỉ vì một điều
nhịn chín điều lành mà để còn lắng xem con tạo xoay vần ra sao để... Diệp nhớ
về thời sinh viên. Diệp vào trường đúng lúc gia đình chị tan vỡ. Bố mẹ chị bỏ
nhau. Lẽ ra Diệp cũng phải bỏ học nhưng Diệp không khuất phục. Để có được ngày
nay Diệp phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt kể cả những nhọc nhằn cay đắng. Chút
sung sướng có được đâu phải dễ dàng gì. Diệp nhớ đến những ngày phải vừa làm vừa
học. Đêm mò được về tới ký túc xá mắt đã díu lại. Lăn xuống giường là “ngất”
luôn tới sáng. Sáng bật dậy bước vào phòng thi luôn. Học thế thì đầu óc có siêu
phàm như Anbe Anhxtanh thi cũng trượt. Thế mà Diệp thi vẫn đỗ. Đỗ cao là đẳng
khác. Nghĩ tới đây Diệp mủi lòng nhớ về thày Tuấn. Người thày hiền hậu và thơ
ngây của Diệp. Đối với ông quả là chị có hơi quá đáng nhưng không đến mức như
thiên hạ đồn: Ông bị quả lừa. Họ nói: Ông cúc cung phục vụ nó (nó tức là chị)
suốt mấy năm trời để rồi ra trường một cái nó phắn ngay. Không! chưa bao giờ
chị định lừa ông cả. Chỉ có những kẻ táng tận lương tâm mới nỡ lừa một con
người nhân hậu và thơ ngây như ông. Nhưng phải công nhận mình có tận dụng ông
hơi nhiều. Có lấy của ông nhiều mà cho chẳng bao nhiêu. Nhưng biết làm sao
được, vì hoàn cảnh của mình lúc ấy nó đòi hỏi phải thế. Thế mới biết trong cuộc
sống con người kinh tế thật là quan trọng. Diệp nhớ tới nguyên nhân dẫn đến
việc ly dị của bố mẹ mình... Mẹ chị, cô giáo cấp 3 xinh đẹp phải nói là kiêu
sa, sang trọng đối với một làng quê xơ xác có gì hợp với một anh lái xe vận tải
đường dài, trình độ văn hoá cấp 2. Ngày cha còn làm ăn được, cái tật rượu chè
của ông đâu phải là nỗi ám ảnh trĩu nặng trong nhà mà nhiều khi nó lại là cái
cớ để tạo nên những kỷ niệm ấm áp trong lòng. Diệp không thể nào quên cảnh, sau
những đợt đi xa dăm bữa, nửa tháng bố lái xe về nhà. Mẹ con chị hớn hở ùa ra
cổng đón bố! Bố cười rất tươi rồi tặng quà từng người. Mẹ con chị tíu tít chợ
búa về nấu nướng, cả nhà vui vẻ quây quần quanh mâm cỗ ngồn ngộn thức ăn ngon.
Bố rót rượu cho cả nhà. Những cái chén hạt mít sóng sánh ánh rượu, thoảng thơm
mùi lúa nếp. Mắt mẹ long lanh. Má mẹ ửng hồng. Có những lần bố về nhà vào lúc
nửa đêm. Mưa phùn gió bấc buốt trời, cả nhà bừng dậy đón bô. Mặc bố ngăn, mẹ
chị vẫn khoác vội áo mưa lao vút vào màn đêm tê cóng. Mẹ đến nhà ông Vân, cách
nhà trên 2 cây số mua rượu cho bố uống. Rồi có lần vui bạn vui bè bố say, bố
xỉn. Mẹ dịu dàng đỡ bố ngả xuống giường. Mẹ giã gừng, lấy đường pha trà cho bố
uống. Mẹ bôi dầu. Mẹ cạo gió. Mẹ đợi bố thiêm thiếp ngủ rồi khẽ khàng bôi vôi
vào thái dương, vào cổ, vào gan bàn chân... Những hình ảnh đó khắp vào tâm trí
trẻ thơ của chị như một biểu tượng cao cả của tình nghĩa vợ chồng, của hạnh
phúc lứa đôi. Cho đến một ngày, bố gây tai nạn vì say rượu. Của cải ào ào đội
nón ra đi. Của cải trong nhà ít dần thì mâu thuẫn trong nhà tăng lên. Những cái
tật “đáng yêu” ngày trước nay trở thành nguyên cớ cho những trận đào bới xới
lộn lẫn nhau, khó cai hơn cai rượu. Càng lớn Diệp càng khẳng định vai trò kinh
tế của một người chồng có văn hoá và vị trí xã hội đối với cuộc sông gia đình.
Trong thẳm sâu lòng mình Diệp chẳng có gì chê Vọng (người bạn thủa ấu thơ). Chị
không lấy Vọng chỉ vì chị không thể sông hạnh phúc trong cảnh vợ hồ hởi gánh
phân, chồng vui vẻ “vắt vắt diệt diệt”. Nếu hạnh phúc đời người chỉ đơn giản
như thế thì dùi mài kinh sử để mà làm gì. Làng chị, có lẽ phải vài trăm năm nay
mới có người đỗ cao như chị. Dẫu biết rằng đỗ thế chứ đỗ cao hơn nữa cũng chẳng
có bảng vàng bia đá mà ghi, bởi cả làng chỉ có phiên đá duy nhất đã được kê gần
giếng làm nơi giặt giũ. Nhưng đời là phải thế. Vọng đơn giản quá. Anh thường
tâm niệm: Hạnh phúc là sự tự thoả mãn với những gì ta có. Điều này có một cái
gì đó như yếm thế, như diệt dục, lại phảng phất mùi AQ. Đời mình không thể đơn
giản như thế được. Còn con cái nữa chứ. Thời đại hai trái tim vàng giữ cho túp
lều tranh không sụp đổ đã vĩnh viễn qua rồi. Giờ đây một ngôi biệt thự nguy nga
bền vững sẽ có sức gắn kết bền chặt hai trái tim dù là sắt gỉ. Là thạc sĩ văn
chương chị có thể đánh cuộc với đời rằng: Phụ nữ có ham mê tiền tài, quyền lực
của đàn ông cũng là điều có thể hiểu được và dễ thông cảm. Bởi lẽ bản tính phụ
nữ rất cần chỗ dựa tin cậy và sự chở che. Nếu có gì đáng trách là trách anh đàn
ông tại sao không phấn đấu không giành giật để có tiền, tài, địa vị. Điểm này
thì Vọng kém xa Thất. Diệp nhớ về những ngày đầu của cuộc sống vợ chồng. Vợ
chồng chị phóng con Drim tới chợ người Giảng Võ để thuê người về đào bể phốt,
sửa khu toa lét. Xe chưa kịp dừng bánh người đói việc xô tới ào ào. Trong cái
đám người lếch thếch ấy chị giật mình nhận ra Vọng và cảm ơn trời Vọng cũng
nhận ra chị nên cúi gằm đầu lẻn mất. Diệp thầm cảm ơn Vọng không đẩy chị vào
thế xấu hổ trước mặt chồng. Nhưng tối đó nằm cạnh chồng, chị cứ thấy hình ảnh
Vọng trước mắt. Vọng gầy quá! Nhếch nhác quá! Khuôn mặt vêu vao cam chịu đến
nhói lòng. Diệp day dứt ân hận chỉ vì chút sĩ diện mà chị thành con người quá
tệ, không hỏi thăm Vọng được đến một câu. May mà sáng hôm sau khi Diệp dắt con
Drim ra khỏi cổng thì gặp Vọng đang như một đông rác di chuyển trên hè phố. Qua
trò chuyện chị biết: Thì ra, Vọng đã mò ra Hà Nội làm thuê. Anh đang ở trọ
trong một cái lều sơ sài, xiêu vẹo như chuồng trâu nằm sát toà nhà 4 tầng nguy
nga của chị. Khổ quá, cái lều ấy người ta dựng tạm để khẳng định chủ quyền của
người chủ mảnh đất, có phải nhà đâu mà anh thuê ở? Diệp thực sự mủi lòng thương
xót khi biết Vọng làm quần quật cả ngày mà thu nhập không bằng bữa ăn sáng của
riêng chị. Rồi chị rủ Thất sang thăm Vọng. Thất của chị những ngày đó thật
tuyệt vời, cao sang mà gần gũi, xa lạ mà cảm thông. Lúc ấy Thất mới là trưởng
phòng. Cái chức mà Thất xếp vào hạng đầu binh cuối cán, không đủ quyền để trù
ai nhưng cũng không ai nỡ ghét mình, cái chức mà có chút lương thêm chút lậu,
thừa nuôi vợ nhưng chưa đủ nuôi bồ... Những ngày đó Thất đối xử với chị thật
dịu dàng, trân trọng. Giờ đây Thất là giám đốc, nhà chị không thiếu thứ gì, vật
dụng trong nhà toàn đồ sang, đồ xịn. Thế mà... Diệp lẩm bẩm một mình: Trường
hợp bố mẹ mình thì của cải trong nhà đội nón ra đi... Trường hợp mình thì của
cải ngoài đường đắp chăn ùn ùn kéo tới... Chị lại thấy gương mặt Thất. Gương
mặt lúc Thất quăng tiền lên mặt bàn. Gương mặt lúc Thất hãnh tiến nói với bạn
bè... Một cái lạ hơn tạ cái quen... Con gì ăn ít nói nhiều... Từ ngày chị sinh
con, Thất đi về thất thường, chị có nhắc thì lập tức cau mặt quát: Họp. Đi họp
chứ đi đâu! Có chức, có quyền, có tiền, có thư ký đẹp làm gì chẳng họp triền
miên. Chỉ nghĩ tới đây là cục ức lại từ đâu dâng nghẹn cổ Diệp, Oẳn tà roằn!
Oẳn tà roằn! Thật khốn nạn. Bé Kiều Trinh là sản phẩm hoàn hảo của chị và Thất.
Chị biết rõ điều đó. Thất biết rõ điều đó. Nỗi nghi ngờ tưởng như ngớ ngẩn của
Thất thật sự là nham hiểm, đểu cáng. Lũ “Gơ ben” đang dọn đường dư luận. Nghĩ
tới đây nước mắt Diệp ứa trào. Mệt mỏi, Diệp nằm xuống cạnh con rồi cố gạt
những hình ảnh của Thất ra khỏi đầu. Diệp hướng tâm trí trở về những kỷ niệm
thuở ấu thơ... Trước mặt chị là cánh đồng lúa cằn cỗi, mịt mù hơi nước. Gió
lạnh thốc ào ào. Những lá lúa gày guộc, lập cập, run rẩy, bé Diệp chân đất,
quần thâm, môi thâm, mặt tái nép mình dưới bụi dứa dại tránh gió chờ Vọng. Vọng
thì nghiến răng dầm mình dưới làn nước lạnh. Nước lạnh tới mức chỉ nhìn màu mốc
cũng thấy nổi da gà. Mỗi lần Vọng nhô đầu khỏi mặt nước tay giơ lúc con trai,
khi con ốc lẫn bùn rác lại nhoẻn cười với Diệp. Nụ cười nhợt nhạt tê cứng như
mặt người chết trôi. Diệp bồi hồi xúc động... Lại còn cái quần đùi bộ đội rộng
thùng thình, thủng đít nhiều khi sơ ý Vọng ngồi thòi cả ra. Diệp khẽ lắc đầu
tủm tỉm cười. Diệp nhớ tới đêm trăng ngày tiễn Vọng đi bộ đội. Hai đứa kẻ
trước, người sau lững thững đi trên bờ mương. Trăng quê chị đẹp lạ lùng, tròn
vành vạnh, xanh trong, thơ ngây và đẹp như mặt gái làng vừa qua cơn sốt nhẹ, có
chút dỗi hờn. Gió quê chị cũng quyến rũ lạ lùng, nó nhẹ nhàng có chút gì như
dụt dè, bẽn lẽn, nó thơm thảo man mác hồn quê... Chị bỗng nhớ quê hương cồn
cào. Có lẽ phải đến hơn năm nay mình không gặp Vọng - chị tự nhủ và bỗng thấy
lo lo. Linh cảm báo cho Diệp biết một điều gì không ổn đang đến với Vọng. Tiếng
vọng Rô chec tơ là có thật. Diệp cố nghĩ về Thất để mong gạt đi cái gương mặt
vêu vao, võ vàng của Vọng nhưng không thể được. Lần gặp trước Vọng quá gầy.
Hình như có tiếng thều thào của Vọng. Vọng gặp tai nạn gì? Cứ nằm nghĩ vẩn vơ
thế này sốt ruột cũng đủ chết. Diệp nhỏm người dậy và quả quyết bồng bé Kiều
Trinh sang thăm Vọng. Đúng là gần nhà xa ngõ. Không hiểu giờ này Vọng có nhà
hay không? Không có nhà càng hay, vì thế là Vọng khoẻ, Vọng đi làm. Cửa nhà
Vọng không khoá. Diệp khẽ đẩy cửa bước vào. Trong cái không gian mờ mò ảo ảo
tanh nồng mùi bệnh, Diệp nhìn thấy rõ Vọng nằm như một xác chết trên chiếc
giường cá nhân cũ kỹ. Vọng đây ư? Người bạn nối khổ ngày xưa của mình đây ư?
Nỗi thương cảm bỗng trào dâng trong lòng Diệp. Trong cái rưng rưng của không
gian mông lung Diệp thấy rõ Vọng đang cắm đầu chạy băng qua cánh đồng ngô Bãi
Trước. Bóng Vọng nhỏ dần, nhỏ dần rồi tụ lại thành một điểm sáng, sáng rực rồi
nhờ nhợ, chập chờn. Vọng trốn Diệp vì xấu hổ, vì sợ Diệp dỗi hờn, vì Vọng đã
dám bế Diệp từ dưới sông lên bãi. Vọng ơi, việc gì Vọng phải xấu hổ, phải trốn.
Diệp phải cảm ơn Vọng chứ. Vọng cứu Diệp khỏi chết đuối cơ mà. Nưốc mắt Diệp ứa
trào. Chị tiến đến gần, Vọng vẫn nằm bất động. Hai hố” mắt Vọng trũng sâu. Hai
má tóp lại. Mặt Vọng hốc hác như cái đầu lâu. Diệp đặt con nằm xuống cạnh Vọng
rồi khẽ khàng nâng hai cánh tay anh. Tay Vọng đầy gân xanh, những đường gân
nhợt nhạt bất động. Những mạch máu này đã từng tiếp máu cho mình sống đây. -
Diệp thút thít nói một mình. Chị thận trọng áp đôi tay thon nhỏ mịn màng như
ngó sen của mình vào hai hõm má Vọng rồi dịu dàng lay gọi:
- Anh
Vọng! Anh Vọng! Anh làm sao thế này?
Mí mắt
Vọng động đậy rồi rất từ từ, rất khó nhọc mở ra.
- Anh
Vọng, anh có nhận ra em không? Diệp đây! Diệp đây! Em Diệp đây!
Bỗng
mắt Vọng bật lên một nét nhìn gì đó rất quen thuộc. Diệp thở phào nhẹ nhõm: Thế
là anh nhận ra mình rồi. Bao giờ cũng thế, khi mình giận dỗi, khi mình nũng nịu
là anh có ánh mắt này.
- Em
xin lỗi. Anh ốm thế mà giờ em mới biết. Tha lỗi cho em anh nhé. Anh đã ăn uống
gì chưa?
Những
ân hận, những xót xa đã biến thành nước mắt chảy thành dòng trên má Diệp. Chị
nói trong tiếng nấc:
- Em
nấu cháo cho anh nhé.
- Đừng...
Đừng... Em ngồi đây. - Vọng nói chậm chạp và yếu ớt.
- Anh
ăn cháo nhé.
-
Kh... ông...!
- Anh
ăn phở nhé?
- ...
Kh... ông...!
- Anh
uống nước cam nhé.
- ...
Kh... ông...
- Vậy
anh thích ăn gì?
- ...
Có... Có... ó... chút... sữa...!
- Đợi
em tí chút nhé. Em về nhà lấy, có ngay đầy.
- ...
Đừ... ừng... Đừ... Không... kịp đâu. Cái chết... chết... đã lên quá. .. đầu gối...
rồi... ồi...
Diệp
nắm chặt hai bàn chân Vọng. Diệp hoảng hốt nhận ra điều Vọng nói. Anh nói đúng,
bàn chân anh đã lạnh buốt, đã không còn sinh khí. Bỗng đôi mắt Vọng từ từ hé
mở, ánh mắt đầy vẻ van lơn và anh nói rất nhỏ nhưng rõ ràng:
- Ngồi
bên anh... cho đến lúc anh đi... Được... được thế này là... đời anh mãn nguyện
rồi...
Vụt
loé trước khi tắt ngấm đây - ý nghĩ này làm toàn thân Diệp run bần bật. Diệp
vừa thảng thốt nói: Không! Không! Anh không được nói gở! vừa ngồi vội lên
giường và thận trọng nâng đầu Vọng áp vào bầu vú căng mọng sữa của mình. Vài
giây tinh lặng vô hồn trôi qua. Rồi bỗng Diệp thấy trong ngực mình hình như có
sự chuyển động dù rất nhẹ. Mình đã tiếp sữa được cho anh, cũng như xưa anh đã
tiếp máu cho mình. Ý nghĩ này dấy lên trong Diệp chút hy vọng mơ hồ. Đời chẳng
từng đã có trường hợp được cứu sống vì mấy thìa nước cháo ư. Chị lắng mình để
cảm nhận.
Đúng
lúc này Thất về nhà. Hình như có tiếng khóc như lạc giọng của bé Kiều Trinh từ
nhà Vọng vọng ra. Bên ấy có chuyện gì chăng? Thất hấp tấp rẽ sang nhà Vọng.
Thất sững người trước cảnh vợ anh đang chăm chút cho Vọng bú ngay trong tiếng
khóc như xé lòng của bé Kiều Trinh.
- Đồ
súc vật! - Thất thét lên và lao vào.
Thất
tát một cú như trời giáng vào mặt Diệp. Diệp bật người, bật mặt về phía sau.
Điên cuồng, Thất xoay lại giơ tay định bóp vào cổ Vọng... Nhưng... Thất sững
người... Hình như Vọng đã chết tự lúc nào. Từ khoé miệng Vọng rỉ ra một vệt sữa
rất nhỏ, rất ngắn, nhờ nhợ trắng, xen những tia hồng. Hình như trong sữa có
máu!.
LÊ MAI
Địa chỉ: Nhà N5A Trung Hòa, Nhân Chính
Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: lemai703hn@gmail.com
Điện thoại: 0973418667.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 23.05.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét