(Tượng thờ danh nhân Lê Quý Đôn - Nguồn ảnh: internet) |
Thầy Lê Quý Đôn
Thầy Lê Quý Đôn (1726 - 1784) quê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc
tỉnh Thái Bình). Ông thi đỗ Bảng nhãn năm 1752 và được bổ làm quan. Ông đã từng
làm thị giảng trong Viện Hàn lâm (1757), làm tư nghiệp Quốc Tử Giám (1767),
trông coi việc biên soạn quốc sứ (1775)... và nhiều chức vụ quan trọng khác.
Trong thời gian làm quan, dù là ở chức vị nào thì Lê Quý Đôn cũng đều hết mình
vì dân vì nước. Ông đã từng dâng tấu sớ bàn về việc mở rộng đất đai, cải cách
chính sách thuế khoá... tuy nhiên những ý kiến của ông không được triều đình
chấp nhận nên những đóng góp của ông trong những lĩnh vực đó không nhiều. Ngày
nay, người ta vẫn thường nhắc đến ông với tư cách là một nhà văn hoá lớn bởi vì
tuy không có đóng góp trên quan trường nhưng ông lại có những cống hiến xuất
sắc về văn hoá. Tác phẩm của ông hiện có tới hàng trăm quyển với nhiều lĩnh
vực. Về sử học thì có: "Đại Việt thông sử", "Đại
Việt sử ký tục biên", về triết học thì có: "Quần thư khảo biên", "Địch kinh phụ thuyết"; về khảo cứu sưu tập thì có: "Phủ biên tạp
lục", "Kiến văn tiểu lục",
"Vân đài loại ngữ", "Hoàng Việt Văn hải", "Toàn Việt thi lục"; về sáng tác thì có: "Quế đường thi tập", "Quế đường văn tập"... và rất nhiều tác phẩm khác.
Người ta coi Lê Quý Đôn là một trí thức có tinh thần và phương pháp làm
việc rất khoa học. Ông là người Việt Nam đầu tiên biết đến thuyết "Quả đất tròn", là người đầu tiên quan tâm đến những vấn đề thuộc khoa học tự nhiên. Ông đã
bỏ công sức ra để ghi chép về đặc tính sinh học của một số cây cối, động vật.
Về triết học, ông cho rằng nguồn gốc vũ trụ là khí hỗn nguyên. Khí hỗn nguyên
vận động sinh ra âm dương và vạn vật... Tuy nhiên, vấn đề mà Lê Quý Đôn để tâm
nghiên cứu nhiều hơn và cũng có nhiều thành tựu nhất là khoa học xã hội. Ông đã
duyệt lại lịch sử các triều đại, lịch sử triết học...Ông nghiên cứu lại những
quan điểm của các bậc thánh hiền rồi đúc rút lại thành những khuôn mẫu cơ bản.
Qua đó ông bình luận khen chê rồi rút ra những bài học cho thực tiễn đất nước
Việt Nam .
Lê Quý Đôn cho rằng: Việc trị nước không chỉ có đức trị mà còn phải áp dụng
pháp trị... Ông luôn tự hào về truyền thống văn hiến của đất nước Việt Nam , ông đã để
tâm sưu tầm những tác phẩm văn học trong dân gian. Nhờ có công sưu tập của ông
mà ngày nay người ta đã biết thêm được thơ của 175 tác giả và 21 bài thơ khuyết
danh từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI. Nhờ vậy mà chúng ta thấy được rõ nét hơn diện
mạo văn học trong khoảng thời gian này. Trong lĩnh vực văn học, ông đã đề cập
đến những vấn đề thuộc về lý luận như: Chức năng của văn học, mối quan hệ giữa
nội dung và hình thức trong tác phẩm, đạo đức của nhà văn... Tất cả những hành
động của ông đều được tiến hành theo một phương pháp khoa học nên đọc các công
trình của ông rất thú vị, dễ hiểu...
Lê Quý Đôn được mọi người biết đến với những công trình văn hoá, văn học
xuất sắc và ông còn nổi tiếng là một nhà nho, một nhà giáo dục có đức độ, tài
năng. Ông mở trường lớp, thu nhận học trò và dạy họ những kiến thức, những đạo
đức làm người nên tình cảm của học trò đối với ông rất sâu sắc. Ngoài ra ông
còn được giao phụ trách các kỳ thi tuyển chọn nhân tài... Trong vấn đề giáo
dục, Lê Quý Đôn có những quan điểm rất độc đáo, những quan điểm này được thể
hiện trong các tác phẩm của ông. Ví dụ, để phê phán sự học lỗi thời lúc bấy
giờ, trong "Kiến văn
tiểu lục" ông viết: "Cái học ấy làm cho những lời bàn luận
sáng suốt mai một đi còn thói cầu cạnh thì lại tăng lên. Người có chức vụ thì
ắt giữ được sự thanh liêm, trong triều đình thì không dám cất lời ngay thẳng,
gặp việc thì chối từ, lúc nguy nan thì có thể bán nước để bảo thân, mang tiếng
là danh nho nhưng lại yên tâm nhận bổng lộc phi nghĩa. Rồi thơ ca trao đổi khoe
khoang tán tụng lẫn nhau. Tập tục sỹ phu thối nát đến thế là cùng. Lúc bấy giờ,
xu thế của các nho sỹ là chỉ nhồi nhét những lý luận kinh điển mà bỏ qua các
môn học khác". Vì vậy trong "Vân
đài loại ngữ", Lê Quý Đôn đã nói: "Giáo khoa dạy cả lục nghệ trong đó có
cả văn võ. Cho nên những người đã được giáo dục theo lối ấy ở trong triều đình
thì làm công hầu khanh tướng, ra ngoài tỉnh quận thì làm tướng soái, không có
cái gì là không làm được...". Lê Quý Đôn, cũng quan tâm đến việc dạy dỗ pháp luật cho lớp thiếu niên. Mới
học, đã phải dạy cho biết hình phạt chuyên để trừng trị người làm quan không đủ
chức phận. Đó chẳng những là để khi làm quan phải biết cách ngay thẳng mà cũng
để dạy cho biết sợ hãi không phạm lỗi" (Y huấn). Lê Quý Đôn coi trọng văn
chương nhưng quan niệm của ông về văn chương lại khác với mọi người. Người ta
thường cho rằng đức quan trọng hàng đầu còn văn chương chỉ ở hàng thứ hai, vì
vậy người ta coi văn chương là sự phù phiếm. Lê Quý Đôn không nghĩ vậy, ông cho
rằng: "Không thể xem văn chương là ngọn... Văn chương là
gốc của sự lập thân, là việc lớn của con người" (Vân đài loại ngữ)...
Đối với vấn đề học tập, Lê Quý Đôn quan niệm là phải nắm được bản chất của
sự việc. Trong lời tựa cuốn "Vân đài loại ngữ" ông nói rõ: "Không thể vu vơ theo việc ngọn ngành ở
ngoài mà quên đi cái gốc bên trong"... Ông cũng yêu cầu người học phải biết cách suy
luận, nắm được "Ý tại ngôn
ngoại" của sách vở. Ông viết: "Sách không hết lời, lời không hết ý... Vì vậy phải
hiểu được cái ẩn ý của thánh nhân ở bên ngoài sách"... Lê Quý Đôn rất coi trọng mối quan hệ giữa học và hành, ông nói: "Miệng đọc bụng nghĩ mà trái nhau, sự
biết với sự làm mà khác nhau thì sự nghiệp cũng chẳng có gì đáng kể. Học như
thế có nhiều cũng chẳng làm gì..."
(Vân đài loại ngữ). Về phương pháp
học tập, Lê Quý Đôn quan tâm đến cả cái chung lẫn cái cụ thể. Trong "Vân
đài loại ngữ", ông viết: "Dù ngu dốt đến đâu cũng nên kính giấy tiếc chữ, dù
keo bẩn đến đâu cũng nên tìm mua sách vở"... Cùng trong cuốn sách này, ông đã chỉ rõ cách
giở sách, cách tập viết thế nào cho đúng.
Bản thân Lê Quý Đôn cũng thực hiện theo đúng những gì mà ông đã phát biểu.
Trong thời gian làm quan, ông đọc nhiều, viết nhiều và đã từng được giao phụ
trách nhiều lĩnh vực như quân sự, lịch sử, văn chương, giáo dục, quản lý nhân
sự... Dù làm công tác gì ông cũng đều ghi chép tỉ mỉ, cụ thể để so sánh, đối
chiếu. Trong khi viết sách, ông sắp xếp các chương mục cẩn thận, những vấn đề
quan trọng khó hiểu đều được minh hoạ bằng số liệu cụ thể. Phương pháp làm việc
khoa học này được ông áp dụng đối với tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì
lịch sử hay khảo cứu.
Trong quá trình dạy học, Lê Quý Đôn rất quan tâm đến học trò. Ông không chỉ
dạy chữ nghĩa mà còn giúp đỡ cả về vật chất để những người học trò nghèo có thể
yên tâm học tập. Tất cả những việc ông làm cũng chỉ nhằm mục đích giúp cho học
trò thành đạt. Những tư liệu chép về việc dạy học của ông chẳng còn lại nhiều
để người đời sau hiểu rõ về con người thầy giáo của ông. Và những giai thoại
quanh cuộc đời ông sẽ làm sống động thêm những hình ảnh vốn đã tuyệt vời ấy.
* Làm thầy cũng
phải học
Danh tiếng về tài năng phi thường của Lê Quý Đôn vang khắp thiên hạ. Không
phải ngẫu nhiên mà người ta đã nói với nhau rằng: "Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn" có nghĩa là: Nếu có điều gì không biết thì đến hỏi Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Và
sự thực quả đúng như vậy. Nhà ông luôn tấp nập người vào ra để hỏi chữ nghĩa,
văn bài và người nào cũng ra về với nét mặt rạng rỡ. Một hôm có một người tìm
đến nhà và đưa cho ông hai câu thơ chữ Hán rồi hỏi ông ý nghĩa gốc gác của hai
câu thơ. Lê Quý Đôn đã giải thích rằng hai câu thơ: "Trương phàm khuyến tửu chi ca, phu mễ đầu hà chi
thán" có nghĩa là: "Khúc hát căng buồm mời rượu, lời than gánh gạo
lội sông". Tuy nhiên người khách vẫn không thoả mãn, ông
ta nói:
- Thưa quan Bảng nhãn, mới thế cũng chưa rõ nghĩa lắm và gốc gác của hai
câu thơ ra sao mà tôi thấy chẳng ăn nhập gì cả.
Lê Quý Đôn nghe nói thế thì ngẩn người ra. Quả thật, nếu xét kỹ thì hai câu
thơ không ăn nhập với nhau và không dễ gì trả lời ngay được. Vì vậy Lê Quý Đôn
đành khất vị khách và hẹn mấy ngày nữa sẽ có câu trả lời. Khi người khách ra
về, Lê Quý Đôn lao vào nghiên cứu tư liệu, lục tìm sách vở để tìm gốc gác của
câu thơ nhưng lời giải đáp vẫn là bí ẩn. Chán nản, Lê Quý Đôn gấp sách vở lại
rồi bước ra ngoài để thư giãn. Tuy nhiên hai câu thơ lạ lùng không lúc nào rời
khỏi tâm trí ông, vì thế vừa đi ông vừa lan man suy nghĩ. Theo thói quen, ông
bước ra bờ sông đến bên cạnh một chiếc thuyền đang sắp sửa rời bến. Người
thuyền trưởng đang ngồi cầm lái quay lại bảo những người giúp việc.
- Hay lắm, được gió thì căng buồm lên cho đỡ công chèo chống. Các anh nhanh
tay lên rồi đánh chén cho khoái. Rượu ta đã mua cả rồi.
Một người giúp việc lúc ấy ngẩng lên cười lớn:
- Ừ, rồi ngồi ung dung mà đánh chén, coi chừng đêm nay mà mưa thì sẽ rõ
cảnh:
Thuận buồm xuôi gió
Chén chú chén anh
Nước ngược chèo
quanh
Mày tao chí tớ.
Lê Quý Đôn nghe những lời đối thoại thì bỗng giật mình. Ông nhíu mày suy
nghĩ rồi mỉm cườn khoan khoái vì đã tìm được lời giải thích cho câu đầu trong
hai câu thơ lạ lùng kia. Thì ra câu thơ "Khúc hát căng buồm mời rượu" có xuất xứ từ hành động của những người làm nghề chài lưới. Tìm được một
nửa lời giải đáp, Lê Quý Đôn phấn khỏi rảo bước về nhà. Vừa đi ông lại vừa vận
dụng trí nhớ để giải đáp nốt câu hỏi. Chẳng bao lâu ông đã bước tới đầu xóm.
Bỗng nhiên ông nghe thấy ở một căn nhà ven đường có một giọng hát ru con vọng
ra:
Con cò lặn lội bờ
sông
Gánh gạo nuôi chồng
tiếng khóc nỉ non.
Nghe lọt tai câu hát ru, Lê Quý Đôn như bừng tỉnh. Ông vội vàng bước nhanh
về thư phòng rồi lấy giấy bút ra chép lại những điều vừa nghe thấy. Vừa ghi
chép ông vừa lẩm bẩm một mình:
- Thật là có thầy ngay ở trước mắt mà không biết hỏi. Ta còn phải học
nhiều.
Thì ra, những câu thơ lạ lùng kia đều xuất phát từ trong cuộc sống. Trong
ca dao đó là những câu thơ mà ông đã biết, đã thuộc. Chỉ vì không suy nghĩ thấu
đáo nên không nhớ ra để vận dụng kịp thời. Hôm sau, vị khách tới nhà, Lê Quý
Đôn tươi cười đưa cho ông ta lời giải thích. Đó lại là một bài thơ viết theo
kiểu ca dao:
Thuận buồm xuôi gió
Chén chú chén anh
Nước ngược chèo
quanh
Mày tao chí tớ
Phải chăng tích nọ
Có đúng hay không?
Con cò lặn lội bờ
sông
Gánh gạo đưa chồng
tiếng khóc nỉ non
Lời than lòng dạ
héo hon
Ra ngoài chữ nghĩa
dấu son thánh hiền.
* Bùi Huy Bích và
bốn bài văn tế thầy
Cả huyện Duy Tiên xôn xao hẳn lên trước cái tin quan Công bộ Thượng Thư Lê
Quý Đôn bị bệnh qua đời. Tin tức đó ngay lập tức được báo về Thăng Long. Vua Lê
ra lệnh nghỉ chầu để tỏ lòng thương tiếc một quan đại thần, một học giả xuất
sắc. Triều đình đã cử quan Tham tụng Bùi Huy Bích về Duy Tiên để chủ trì tang
lễ. Được tin này người dân lại xuýt xoa bàn tán và trầm trồ trước một đám tang
có quy mô lớn. Một người nói:
- Triều đình cử quan Tham tụng Bùi Huy Bích về làm chủ tang, chắc là phải
trân trọng lắm.
- Trân trọng là phải, người mất đã làm đến Thượng thư thì triều đình cử ông
quan đầu triều xuống thay mặt làm chủ tang là phải đạo. Vả lại giữa quan Bùi
Huy Bích và người mất còn có tình nghĩa sâu nặng. Cho nên ngẫm đi ngẫm lại, chỉ
có ông Bùi làm chủ tang là xứng nhất.
Câu chuyện của mọi người xoay quanh quan Thượng thư họ Lê càng thêm sôi
nổi, mỗi người bổ sung cho nhau để ai ai cũng hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện.
Thì ra, vị quan lớn Lê Quý Đôn vốn có rất nhiều công trạng. Sau khi thi đỗ Bảng
nhãn năm 1752 ông được giao nhiều chức vụ khác nhau về cả văn lẫn võ. Ông cũng
đã từng đi sứ sang Trung Quốc, triều Tiên... Làm quan trong nước ông hết lòng
hết sức vì dân vì nước. Đi sứ nước ngoài ông nêu cao tinh thần dân tộc và thể
hiện tài năng lỗi lạc khiến cho nước họ phải kính phục. Trong triều, mặc dù có
sự gièm pha khiến phải mất chức nhưng trong suốt cuộc đời ông đã cáng đáng
nhiều chức vụ quan trọng. Nhưng vinh quang của ông không chỉ là ở chốn quan môn
mà còn ở chỗ ông là tác giả của hàng trăm cuốn sách, chứng tỏ một tài năng kiến
thức uyên bác. Mặt khác ông còn là một thầy giáo xuất sắc. Học trò của ông
chiếm quá nửa quan lại triều đình cũng như trong giới văn nhân học sỹ. Trong số
đó, Bùi Huy Bích là người học trò đến rất thành đạt. Vì vậy Bùi Huy Bích làm
chủ lễ tang là xứng đáng với ba tư cách lớn: Là người đại diện cho triều đình,
là người đại diện cho các học trò và là người chịu ơn riêng của thầy.
Quả thực, khi còn trẻ Bùi Huy Bích đã nổi tiếng về tài học. Tuy nhiên, đến
kỳ thi Hội năm 1763 ông bị trượt vì kém về lối phú. Năm đó, Lê Quý Đôn làm giám
khảo nên đã nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của Bùi Huy Bích vì vậy ông đã bảo Bùi
Huy Bích đến nhà để ông kèm cặp. Bùi Huy Bích đã đến ở phường Bích Câu để nghe
giảng dạy. Thấy học trò gia cảnh nghèo nàn Lê Quý Đôn giúp đỡ cho việc ăn ở.
Ông cũng hướng dẫn cho trò cách rèn luyện văn chương thơ phú để nâng cao kiến
thức, tài năng. Năm 1769, trong triều xảy ra loạn lạc nên nhiều người, trong đó
có Bùi Huy Bích, không muốn đi thi. Biết được tin đó, Lê Quý Đôn sai người đến
nhà bắt Bùi Huy Bích phải đi thi. Bố của Bùi Huy Bích cũng khuyên con nên nghe
lời thầy. Bùi Huy Bích vâng lời đi thi, năm đó ông đỗ đại khoa và được triều
đình trọng dụng. Như vậy, công lao của Lê Quý Đôn trong sự thành đạt của Bùi
Huy Bích là rất lớn. Vì vậy, dịp lễ tang này là lúc Bùi Huy Bích có dịp công
khai nói lên tấm lòng biết ơn của mình với người thầy kính yêu. Ông cùng với
các bạn đồng môn, cũng là các vị đại thần như Trần Công Thước, Nguyễn Đình
Giản... và các môn sinh thế hệ sau đã đến tế lễ trước linh cữu Lê Quý Đôn. Bản
thân Bùi Huy Bích, với tư cách là chủ lễ tang đã viết bốn bài văn tế thầy.
- Bài thứ nhất đọc trong ngày lễ thành phục đã khẳng định thầy giáo là: "Thông minh nhất đời, đọc rộng các sách,
trước thuật văn chương đủ dạng đời và lưu truyền về sau. Nước ta trong vài trăm
năm nay mới có người như vậy"...
- Bài thứ hai đọc khi lễ tại nhà đọc sách của Lê Quý Đôn. Ông viết: "Xưa học ở đây, nay khóc ở đây... Học
trò nhỏ chúng con sinh sau đẻ muộn, may mắn được tới cửa thầy. Lúc đầu đã không
thể học để đi tới bể, từ nay về sau muốn níu áo hỏi điều chưa rõ thì mờ mịt còn
đâu"...
- Bài thứ ba đọc trước mộ Lê Quý Đôn ở huyện Diên Hà: "Sự dạy bảo của thầy, không liệt vào năm bậc luân
thường nhưng năm bậc luân thường cũng từ đó mà xếp đặt. Trang phục của học trò
không ghi trong tang lễ nhưng không phải tang lễ có thể ra trang phục... Ơn dạy
bảo sâu dày mà không thể báo đền, tình mến cảm triền miên mà không bao giờ hết
được...".
- Bài thứ tư ông thay mặt cho tất cả các môn sinh của Lê Quý Đôn ở Thăng
Long không về dự tang. Bài này đọc ở Bích Câu, bài này có đoạn: "Thầy lâm bệnh, chúng con không tới thăm; thầy qua
đời chúng con không tới viếng; thầy mãi mãi đi xa chúng con không được nhìn
huyệt sâu mà bái biệt, đau xót nhường nào"...
Đọc bốn bài tế ta thấy được phần nào tài năng của Bùi Huy Bích nhưng quan
trọng hơn là tấm lòng, là tình cảm của ông đối với người thầy giáo
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của
tác giả gửi qua email ngày 26.05.2017
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét