BÀN VỀ: TRÀNG GIANG CỦA HUY CẬN - Tác giả: Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internte)
BÀN VỀ: TRÀNG GIANG
CỦA HUY CẬN
*
TRÀNG GIANG

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
*
HUY CẬN

(Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi)
LỜI BÌNH:
1. Tràng giang - là nghệ thuật của không gian. Nghệ thuật thời gian ở bài thơ này chỉ được “mượn” để chuyên tải cái “sự” của không gian thế sự mà thôi.
Một khoảng sông nước mênh mang trước con mắt người tha hương. Vì sao mà tha hương? Cảnh phận thơ không cầu sự bày tỏ nhưng sâu thẳm bên trong nỗi nhớ, cõi lòng con người hiện ra ngày một lớn, một “chót vót” cái cảm thức lưu lạc, côi cút, không điểm nương tựa về không gian. Một cảnh sắc hùng vĩ và đượm vẻ cô đơn. Ấy là khoảng không gian mang vẻ đẹp xa cách và cứ từng khắc từng khắc nó càng trở nên xa cách. Không chút lưu luyến, chia sẻ nào với con người? Và trong cái không gian ấy không một bóng người, dù có đấy “con thuyền xuôi mái”, có “tiếng làng”!? Tất cả, chủ thể và khách thể, cảnh quan và cảm quan đều toát lên vẻ chia lìa, đứt đoạn. Có mà như không. Không sự giao lưu, thông hội gì với nhau cả. Và vì thế, trong lòng người - tác giả thơ, mang một nỗi nhớ và cũng chỉ có thể là: “nhớ nhà”. “Nhà”, đơn vị cụ thể nhất, nhỏ nhất trong khoảng cư trú với các mối gắn kết, quan hệ con người. "Nhà" thì ở bất cứ nơi thường trú, tạm trú nào cũng có thể có được. Quê hương chỉ có một! “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”, hay như hình ảnh “cố quận”: “Người về cố quận muôn trùng ta đi” thơ Huy Cận, bài Cảm thông.
Cố hương - cố quận kia đã ẩn đâu trong cõi nhớ Tràng giang này?
Chữ “lòng quê” ở câu: “lòng quê dờn dợn vời con nước” là chỉ “quê - ở trong lòng”, trong ký ức và nó dờn dợn, đầy ám ảnh, lo âu, kinh sợ, nó không là danh từ nhằm thể hiện về hình sắc không gian, như trường hợp thơ: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn”.
Quê mất bóng có đồng nghĩa nước mất?
Quê hương thì không thể chuyển dời, căn nhà thì có thể. Quê hương là một khái niệm đã được thiêng hoá, mã hoá bởi tình yêu, bởi tâm linh, nó tồn hữu và sở hữu ký ức tình yêu truyền nối từ tổ tiên, giòng giống nên nó bất diệt; căn nhà đơn giản hơn, nó gắn bó với hình hài thân thể. Tuy giá trị tinh thần của căn nhà hạn hẹp, nhưng ý nghĩa tồn tại lại rất thiết thân. Nó gần như chỉ chấm dứt giá trị khi cái sinh thể là thân thể con người mất, và căn “nhà” là điểm cuối cùng gợi nên nỗi “quê nhà- quê hương khi vắng khuất tiếng gọi này.
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà…
*
Không gian cảnh sắc thiên nhiên và đời sống sinh hoạt xã hội con người ở Tràng giang là một khoảng vắng lặng, mặc cho cái hùng vĩ sông nước mênh mang “điệp điệp”, cái bầu trời “lớp lớp mây cao đùn núi bạc” và cây cỏ “bờ xanh tiếp bãi vàng” vẫn còn đó. Bởi:
Củi một cành khô lạc mấy dòng…
Củi - loại thân cây đã dời nhựa sống nhưng ở đây, trong cảnh thơ này nó vẫn còn phải chịu sự lưu lạc. Cảnh ấy chỉ ra lẽ: Cả cái chết - cũng vẫn trong vô định. Chết, chưa là một sự kết thúc, một điểm dừng. Chết, mà không có được “ngôi mộ” cho mình. Mất quê hương là thế! Và bởi không gian Tràng giang không một bóng con người cụ thể hiện ra, chỉ thoảng: “đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Mới chỉ là một cảm ước, ức đoán. Chỉ có 3 khả thể xuất hiện, là “củi một cành khô”, “chim nghiêng cánh nhỏ” và “bờ xanh tiếp bãi vàng” là mang hình ảnh đời sống. Tuy vậy, với 3 dạng đời sống đó xuất hiện vẫn chưa được xem là đã thể hiện: Khung cảnh này đang có con người cư trú, nếu sau đó không xuất hiện thêm 2 hình ảnh giả tưởng, là “không”: “chuyến đò ngang” và “cầu- cây cầu, 2 phương tiện giao thông có trong đời sống xã hội con người, nhưng hình ảnh được chờ đợi nhất là con người, như, “lơ thơ dưới núi tiều vài chú” (Qua Đèo ngang - Bà Huyện Thanh Quan) thì vẫn không thấy đâu!
Tràng giang - Mỗi câu thơ mang một hình ảnh. Mỗi câu thơ hàm chứa một lượng thông tin. Hình ảnh thì lộng lẫy mà hoang vu, cô lạnh. Hàm lượng thông tin báo hiệu về một đời sống mất quê hương, hoang tàn các giá trị cũ. Qủa là bất bình thường và phi thường. Không ở đâu có sự cô đơn, sự lưu lạc, sự chia dời, xa cách lại sâu thẳm, lại mênh mông mà vô hướng, vô định đến thế. Đây chính là điểm kỳ đặc bậc nhất trong phép tạo hình, tạo dựng không gian nghệ thuật cho thơ, cho một loại cảnh phận cô đơn, băng hoại và mất phương hướng sống.
Nhà thì còn, Quê hương thì vắng bóng!
Thơ ấy là thơ thời loạn.
*
2. Tràng giang - không nói tới mùa thu mà thu thật đầy, thật gầy: “củi một cành khô”, “bờ xanh tiếp bãi vàng”, “lơ thơ cồn nhỏ”, “nắng xuống, trời lên”… Đúng là tiết thu rồi. Và rõ chỉ có không gian thu với sự chuyển giao khắc nghiệt nhất, mà cũng đượm vẻ thơ mộng nhất của thiên nhiên khi dứt một chu kỳ sinh – hoá, lá vàng rơi, nắng mỏng gầy, sương khói lạnh lẽo giăng khắp bãi bờ mới dễ động lòng người, dễ gây niềm ẩn ức nghĩ suy về sự đời, về lẽ thế gian, thế sự. Cái cảm nhận qua hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng” mới con người thế gian làm sao! Đúng là phận người trong dâu bể phù trầm, trong tuổi thế gian dằng dặc và lưu lạc và vô định.
*
Sự sắp đặt, tạo dựng ngôn ngữ hình ảnh và nhịp điệu trong thơ Tràng giang là một thành công rất đáng kể. Như cách sử dụng từ láy, từ kép, từ đối xứng (dạng phép tắc đối xứng, vần luật của thơ Đường luật): “buồn điệp điệp, nước song song, dợn dợn, lơ thơ, đìu hiu, nắng xuống, trời lên, sông dài, trời rộng…” Nhịp điệu của hình ảnh chuyển động khi khoan thai, lúc xô dạt, khi lăng lẽ nhạt nhoà, lúc đùn lên chót vót. Và dù hình thái cảnh sắc có đưa đẩy, trôi dạt thế nào, nhưng thế đứng của cảm giác thu, cảm xúc thơ vẫn giữ được nhịp đi dịp dàng, bàng bạc, bình lặng của điệu 2/2 hoặc 3/3, như: Thuyền về nước lại/ sầu trăm ngả/ Củi một cành khô/ lạc mấy dòng/ và, Nắng xuống/ trời lên/ sâu chót vót/ Sông dài/ trời rộng/ bến cô liêu…
Sự xao động, lưu lạc của thời: Thời gian, thời thế đầy vang động, mà lòng người, dù trong cơn lưu đày thì vẫn tự chủ trong bước độc hành và lưu lạc của mình. Tư cách ấy, gợi tới một tư cách thơ hơn 200 năm trước, “Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân” (Nguyễn Du); với tư thế dấn thân ấy, nỗi “nhớ” dù rất cụ thể, rất máu xương mà vẫn không hoá thành nỗi tang thương tuyệt vọng, mới còn cho xuất hiện, nỗi: “nhớ nhà!”; nhờ thế nhịp điệu của thơ, của bối cảnh không gian vẫn đẹp, dầu bao vắng lạnh và vẫn không bị trôi dạt ra ngoài mẫu hình cảm xúc, nó vẫn đủ sức chiếm giữ và nuôi nấng hồn người.
Có thể nói, Tràng giang đã tạo được một hệ hình ảnh và nhịp điệu ngôn ngữ đặc thù, riêng biệt. Nói Tràng giang là một kiệt tác - Kiệt tác của nghệ thuật tạo dựng không gian vũ trụ và không gian xã hội, kể cũng không ngoa.
*
ĐỖ TRỌNG KHƠI
Địa chỉ: Nhà số 10, ngõ 329, đường Nguyễn Trãi,
phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình
Điện thoại: 0169.327.62.94
                                         


.

…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 21.07.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét