(Nguồn ảnh: internet) |
KHUYNH HƯỚNG TÌM NHÀN
TRONG THƠ THÁI QUỐC MƯU
(Tác giả Châu Thạch) |
Khuynh hướng thích
sống nhàn đã có từ thời xa xưa trong văn thơ. Từ thời Đường bên Trung Quốc có
bài thơ “Nhàn” của Bạch Cư Dị
lưu truyền đến nay một thái độ sống bình an tự tại để hưởng niềm vui.
Ở Việt Nam ta, nhàn
là cách muốn sống quen thuộc của nhà Nho xưa, thường là bởi một lý do nào đó
như chán ngán con đường hoạn lộ, bất đắc chí vì thời cuộc đổi thay hay đã trả
xong nợ sách đèn nên tìm thú hưởng nhàn bằng cách tránh xa thực tại, tìm vui
trong thiên nhiên.
Thời Trần, nhà thơ
Nguyễn Bỉnh Khiêm xa lánh bả vinh hoa, tìm nhàn trong vui thú điền viên như cày
cuốc, đi câu, gần gủi với thuyết vô vi của đạo Lão. Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng
ký gởi tâm trạng mình trong các bài thơ Thu
Ẩm, Thu Điếu, Thu Vịnh để tìm quên thế sự trong
cảnh thanh nhàn giữa cảnh vật thiên nhiên. Nguyễn Công Trứ cầu nhàn hưởng lạc
trong những thú tiêu khiển khi còn đang tại chức và ngao du sơn thuỷ tìm nhàn
khi nợ kẻ sĩ trả xong.
Ngày nay giữa thế
kỷ 21, nhà thơ Thái Quốc Mưu cũng có khuynh hướng nhàn được thổ lộ trong bài
thơ “Tìm Nhàn”. Thử đi vào bài
thơ “Tìm Nhàn” của ông để để suy
nghiệm thêm về cái lý do và cái ý muốn nhàn của nhà thơ thời đương đại:
TÌM NHÀN
Cuộc sống suy ra
khổ luỵ nhiều
Cái tình nồng ấm
chẳng bao nhiêu
Chi bằng lên núi
đùa mây gió
Hoặc giả ra sông
ngắm nắng chiều
Nhật nhật trần gian
thường tự tại
Thời thời cực lạc
tất tiêu diêu
Thư nhàn vui với
câu thơ phú
Gác gối… cùng ta
lẩy, luận Kiều.
Như trên đã nói các
nhà thơ thời xưa có khuynh hướng hưởng nhàn vì ảnh hưởng thuyết vô vi của Lão
giáo, đồng thời trong cuộc đời gặp sự cố bất bình, từ đó sinh ra yếm thế.
Hai câu thơ nhập đề
trong bài thơ “Tìm Nhàn” của Thái
Quốc Mưu chưa tìm thấy bị ảnh hưởng bởi đạo Lão nhưng tư tưởng yếm thế cũng đã
bộc lộ rỏ ràng khi cho cuộc sống là khổ luỵ và tình người chẳng nồng ấm bao
nhiêu!
Thật thế, ngày nay
con người bị quay cuồng chạy theo vật chất vì đòi hỏi của sự sống cần quá nhiều
nhu cầu bức thiết. Con người càng văn minh thì mức sống vật chất càng cao, từ
đó tinh thần bị suy giảm làm cho tình người bị giá lạnh đi. Chữ “khổ luỵ” mà nhà thơ Thái Quốc Mưu đã nói
nó thiên về phần tinh thần hơn phần vật chất vì câu thơ kế tiếp bổ nghĩa cho
câu thơ trên là “cái tình nồng ấm chẳng
bao nhiêu”. Chủ nghĩa cá nhân của phương tây càng ngày càng phát triển đem
lợi ích là quyền tự do cá nhân được tôn trọng nhưng nó càng khiến loài người
trở nên ích kỷ, khô khan tình yêu thương đồng loại, tha nhân.
Khi Thái Quốc Mưu
nói “Cái tình nồng ấm chẳng bao nhiêu”
ông không đặt cá nhân mình vào sự bất mản vì bị thua thiệt ở đời mà ta thấy tác
giả nhấn mạnh chữ “Cuộc sống” nghĩa
là chỉ vào sự suy thoái đạo đức chung của con người trong xã hội ngày nay. Khác
với một Thái Quốc Mưu thường lên trời hay xuống địa ngục, luôn luôn kiên cường,
dè biểu, tố cáo cái xấu, mong muốn sửa chửa con người một cách tích cực thì ở
bài thơ nầy ông tỏ ra tiêu cực, lánh xa sự náo nhiệt, tìm nơi ở đem sự bình
lặng cho mình:
Chi bằng lên núi đùa
mây gió
Hoặc giả ra sông
ngắm nắng chiều
Hai chữ “chi bằng” và hai chữ “hoặc giả” cho ta thấy lên núi và ra sông
không phải là điều ông thật sự mong muốn. “Đùa
mây gió”, “ngắm nắng chiều” chẳng
qua chỉ là bất đắc dĩ mà thôi. Ta thấy khác với các nhà thơ xưa, cái tinh thần
vô vi của đạo lão không có sẵn trong Thái Quốc Mưu, mà ở đây, cái tinh thần dấn
thân trong cuộc đời có sẳn trong ông bị ngưng trệ trong một vài phút giây xuống
tinh thần sinh ra yếm thế. “Đùa mây gió”,
“ngắm nắng chiều” với Thái Quốc Mưu
không phải để tu thân, không phải để hoà nhập với đất trời như chính nó, mà chỉ
là cách quay lưng lại, tạm quên cuộc đời nhọc nhằn khổ luỵ mà thôi. Tất nhiên
các nhà nho xưa cũng chán đời mới tìm nhàn nhưng chữ “nhàn” đối với họ là con đường giải thoát còn chữ “nhàn” ngày nay của Thái Quốc mưu là con
đường thư giản tìm quên, không phải là cứu cánh.
Qua hai câu luận
của bài thơ “Nhật nhật trần gian thường
tự tại/ Thời thời cực lạc tất tiêu diêu” được giải nghĩa là “Ngày ngày trần gian mà ung dung tự tại thì
khi chết sẽ tiêu diêu miền cực lạc” và hai câu kết “Thư nhàn vui với câu thơ phú/ Gác gối… cùng ta lẩy, luận Kiều” cho
thấy phong cách hưởng nhàn của nhà thơ ung dung và tự tại nhưng chung quy vẫn
chưa thoát hẳn ra ngoài vòng tục luỵ. Chưa thoát hẳn ra vì sao?
Đọc bài thơ “Nhàn” của Nguyễn bỉnh Khiêm ta thấy
tác giả thoát hẳn vòng danh lợi, lui về ở ẩn và sống lao động, ăn uống giữa
thiên nhiên và sự thật ông đã làm như thế:
Một mai, một cuốc,
một cần câu
Thơ thẩn dầu ao vui
thú nào
Ta dại, ta tìm nơi
vắng vẻ
Người khôn, người
đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc
đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ
tắm ao
Rượu đến cội cây ta
sẽ uống
Nhìn xem phú quý tợ
chiêm bao.
Ngược lại đọc bài
thơ “Tìm Nhàn” của Thái Quốc
Mưu ta biết đó chỉ là ước mơ trong khi ông vẫn sống, làm việc trong “cuộc sống suy ra khổ luỵ nhiều” nầy. Ở
một bài thơ “Tìm Nhàn” khác, khẳn
định cái quan niệm hưởng nhàn của nhà thơ như là một nguồn vui mới thanh nhã
hơn nhưng vẫn dấn thân và năng động:
Vinh nhục bao phen
đã đủ rồi
Dại gì ta chẳng chịu
vui chơi
Lên non đùa giỡn
cùng hoa bướm
Tắm biển tung tăng
với nắng trời
Vẩy gió đùa mây
trêu ã nguyệt
Căng bườm lướt sóng
vượt ngàn khơi
Lên đèn, vung bút
làm thơ phú
Nghiêng gối chung
chăn với bạn đời.
Tóm lại ta nhận
thấy cái quan diểm hưởng nhàn của nhà thơ Thái quốc Mưu là sự chắc lọc tinh hoa
của tư tưởng người xưa cộng thêm tư duy của mình trong hoàn cảnh thực tế ngày
nay. Hoàn cảnh thực tế không cho nhà thơ hành đạo như các tiên ông xuất thế,
quên đời, hoà mình trong cõi thiên nhiên. Vì vậy, thơ là sự thăng hoa ước muốn
của tâm hồn mình.
Cái hay trong thơ “Tìm Nhàn” của Thái Quốc Mưu là nhà thơ
không thánh hoá mình như tiên ông đạo cốt. Đọc thơ ta không thấy cái cao siêu
giả tạo của hạng người lộng ngôn chỉ tu thân trên miệng lưỡi của mình. Đọc thơ
ta thấy con người thật của Thái Quốc Mưu vẫn còn lấm bụi trần nhưng lòng trần
của ông luôn ao ước những điều cao đẹp.
Thơ “Tìm Nhàn” của Thái Quốc Mưu cũng thể
hiện cho tâm tư của nhiều bậc trí giả ngày nay, ước mơ một vùng bình yên để
nghỉ dưỡng tâm hồn nhưng dễ đâu mà có được./.
*
CHÂU THẠCH
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.07.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét