BÀN VỀ: ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN CỦA NGUYỄN TRỌNG TẠO - Tác giả: Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
BÀN VỀ: ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN
CỦA NGUYỄN TRỌNG TẠO
*
ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN

Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời 

Có câu trả lời biến thành câu hỏi
Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

Có cha có mẹ có trẻ mồ côi
Có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

Có cả đất trời mà không nhà ở
Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

Có thương có nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.
*
NGUYỄN TRỌNG TẠO

(Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi)
LỜI BÌNH:
Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ của một người nhàn. Ông là cách người vừa thong thả lao động thong thả tản bộ và thong thả nêu ra những điều suy nghĩ tinh vi về cuộc đời. Nhờ ở cái cách cái khí cốt ấy thơ ông có chỗ đạt tới sự minh triết. Xét vậy nhàn cũng là cả một sự học sự tu dưỡng mới có được. Thưởng thơ ông gây cho ta cảm khái về cảnh phiêu dật tiêu sái của trời xưa người xưa.
ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN phản ánh tiêu biểu cho cái cảnh - tình ấy.
Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời...
Thể đồng dao thường được hồn dân gian nuôi ở nhịp bốn chữ. Đồng dao của Nguyễn Trọng Tạo viết ở nhịp tám chữ nhưng soi chẻ rạch ròi vẫn thấy cái dư khí của hồn bốn chữ dân gian. Là một nhạc sỹ nên ông đã khéo đưa tài nhạc sang thơ chuyển nhạc 4/4 (nhịp phức) sang 2/8 (nhịp đơn). Sự công phu gây hiệu quả ở dạng nhịp đơn (8 chữ) nhịp điệu thơ chuyển nhanh hơn sáng hơn bởi vậy ông dấu được kỹ hơn cái ẩn ý của sự so sánh tính đối chứng. Ông đã lấy cái sáng - trong trẻo của nhạc điệu để ém dấu cái u uẩn - cái bóng của ý tưởng tình cảm. Nào là cái chết (cánh rừng chết) nhưng lại vẫn xanh; nào là sự sống (con người sống) nhưng lại như qua đời... Sự hữu hạn lồng trong sự vô hạn và ngược lại sự vô hạn cũng nằm ngay trong sự hữu hạn nghĩa là chân giá trị của đời sống được đặt giữa điểm giao khắc nghiệt nhất của Tâm và Vật. Bởi vậy sự hữu hạn hay vô hạn không nằm ở vật chất mà nằm sâu trong tâm thể tâm lý của tình. Hai câu thơ mở đầu bài là một nốt đồng dao suy nghiệm do tình. Nó vừa xuất hiện là khúc dạo của vật (ngôn từ - vật thể) lại tựa như ngón tay trỏ thẳng tới "mặt trăng - chân lý" để thoát Vật hiển Tâm cho câu thơ ba: có câu trả lời biến thành câu hỏi... đầy tính lưỡng tính chông chênh trong dòng tư tưởng - xã hội nhằm khơi lộ một mạch sống một cuộc vận động không ngừng của bản chất chung mang tính quy luật của cõi sống (một dấu vết bất khả tri của Kant!). Nhưng ý tưởng của câu thơ này nghiêng về sự bất lực của tư tưởng - cấu trúc đời sống xã hội hơn là sự bất khả tri của tri thức (?!). Chính bởi vậy những trớ trêu chênh vênh bất định của cảnh và tình mới liên tiếp thể hiện:
Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới...
Có cả đất trời mà không nhà ở...
Bài thơ có sáu khổ mỗi khổ hai câu. Bốn khổ thơ trên là bốn góc nhìn của bức hoạ hoành tráng vẽ ra lẽ mất - còn ở đời và tình thơ nghiêng về gam màu tối lạnh. Phải tới hai khổ cuối tình thơ mới sáng lên bay lên trên đôi cánh phấn khích của niềm hy vọng. Lạc quan hy vọng - một cội sinh tất yếu bao trùm lên tất thảy mọi bi kịch thương đau nghiệt ngã cho mầm sống mới lại ươm gieo nảy nở. Ấy là lẽ như thường - bất diệt trong cõi vô thường - tiêu hoại; là cái vô cùng vô tận của thời gian cuộc sống trong cái khung hữu hạn (có khi là hạn hẹp) của không gian địa lý (hay tư tưởng ) ở chốn trần ai này:
Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió...
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi...
Thơ vẽ lên một ảnh cười Di Đà. Nghìn năm vốn cũng chỉ trong chớp mắt thì cái sự cái tình kia là gì? Có chăng chỉ là cái nếp mờ trong nét cười xanh của cỏ của chốn tịnh không trong hồn thi nhân mà thôi.
Chẳng phiêu dật tiêu sái lắm ư !
Thơ thế quyết không thể sinh ở trong cõi nhọc được!
ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN - một thi phẩm thấm nhuần tư tưởng triết học phương Đông và tinh thần phẩm chất thi ca dân tộc. Đây là một đóng góp quý báu của Nguyễn Trọng Tạo cho nền thơ Việt Nam thế kỷ XX.
Giải thêm:
Cách ngắt nhịp phân cảnh tạo ý... trong ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN xét kỹ ra thấy có phần dư ảnh dư khí của một tài thơ khác - thơ Nguyễn Trãi.
Một số ví dụ như:
Cách đối câu ngắt nhịp Mà thuyền vẫn sông / mà xanh vẫn cỏ... bên cạnh câu thơ Nguyễn Trãi: Một phen giá / một tinh thần.
Cách tạo ý triết lý Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi bên cạnh câu thơ Nguyễn Trãi Ngày tháng bằng thoi một phút cười.
Cách lập ngôn luận ý (câu thơ trong bài thơ khác của Nguyễn Trọng Tạo) Tin thì tin / không tin thì thôi bên câu thơ Nguyễn Trãi Tin khá tin / ngờ thì khá ngờ...
Sự kế thừa ảnh hưởng trong sáng tạo văn chương là một tất yếu một nhu cầu dù là kế thừa ở dạng vô thức hay hữu thức ở thi pháp hay đôi khi chỉ là cái dư ảnh dư khí của văn phong. Sự tiếp nhận Nguyễn Trãi trong thơ Nguyễn Trọng Tạo - theo tôi là ở cái dư ảnh - dư khí.
Ôi phải thế chăng mới hay cái cội sắc Nguyễn Trãi "Mai rụng hoa đeo bóng" rơi đã 600 năm rồi vẫn còn đeo bóng nhuận sắc điểm màu cho cành thi ca Nguyễn Trọng Tạo. Cái hồn ảnh thần khí của mệnh văn mãi còn chớp sáng gây tình kỳ ngộ duyên bút mực đến vậy sao?!
*
ĐỖ TRỌNG KHƠI
Địa chỉ: Nhà số 10, ngõ 329, đường Nguyễn Trãi,
phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình
Điện thoại: 0169.327.62.94
                                         



.

…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 21.07.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét